Hôm nay,  

Dòng Thời Gian...

20/08/201200:00:00(Xem: 151484)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả sinh trưởng tại Biên Hòa. Trước 75, sinh viên ĐHVăn Khoa SG và dạy học tại TH Long Thành. Sang Mỹ năm 1981. Hiện cư ngụ và làm việc tại Los Angeles, California. Đã có bài đăng trên tạp chí Hợp Lưu, Phụ Nữ Diễn Đàn và một số trang web talachu.org, hopluu.net, nhohue.org, honque.com, ngo-quyen.org... và các diễn đàn Van chuong PN, Đai Hoc Van Khoa SG.

Tháng 12, 1979

Thế là tôi đã bắt đầu những ngày tháng mới - những ngày làm học trò tưởng rằng đã chấm dứt từ lâu- bằng cái âm thanh rộn ràng náo nức của những ngày cuối năm, bằng cái lạnh se sắt của buổi giao mùa và như thế trong tôi có biết bao điều thay đổi. Nhớ hôm nào báo cho anh biết dự định đi học lại, anh đã nheo mắt cười trêu ghẹo: “Làm học trò… già không dễ như làm cô giáo… trẻ đâu nhé!”. Ừ,… để rồi xem, có phải là anh sẽ phát ghen lên vì những điều mà tôi sắp kể cho anh nghe bây giờ không?

Ngày đầu tiên đến trường không phải để làm cô giáo như mọi khi, tôi cứ nghĩ mình đã lầm lẫn mất rồi! Cái cảm giác lẻ loi, xa lạ lúc ấy mới thật là buồn bã làm sao! Hơn cả lần đầu theo mẹ cắp sách đến trường, đứng nhìn bóng mẹ ra về, rồi khóc òa lên, ngày đó tôi còn trẻ con quá. Nhưng bây giờ, ai lại làm thế anh nhỉ? Đôi lúc câu nói đùa của anh lại khiến tôi suy nghĩ: “Ừ, làm học trò… già, phiền quá nhỉ?” (cứ như mình chưa bao giờ làm học trò vậy!). Rồi những ngày sau đó lại nhớ bảng đen, phấn trắng, nhớ học trò và bạn bè quay quắt. Có lắm lúc tôi tự hỏi: Liệu tôi có thể quen được với bao nhiêu thứ mới mẻ ở đây không khi lòng tôi luôn hướng về chốn cũ?

“Sống không phải là đứng yên trong hiện tại hoặc bước lui về quá khứ mà sống là phải luôn hướng về, tiến tới tương lai.”. Bọn mình vẫn thường nói với nhau như thế phải không anh? Cuộc sống quanh ta đang rộn ràng, sôi nổi. Mọi người quanh ta vẫn lạc quan yêu đời, vả chăng tôi còn phải chuẩn bị cho lúc trở về trên bục giảng, với học trò thế nào cho thật xứng đáng nữa chứ! Vì thế, tôi đã tự tìm ra câu trả lời cho chính mình rồi.

Thật vậy, bên tôi bây giờ là trường lớp mới không còn xa lạ, là bạn bè chưa quen đã trở thành gần gũi vô cùng. Tôi còn có gì để mong đợi và ước ao hơn?

Anh có hình dung được những sáng sớm tôi cuống quýt đạp xe đến trường cho kịp giờ vào học - kỷ luật quân sự mà! vì bọn tôi đang ở trong tuần thứ ba của đợt quân sự học đường- . Những hôm trời lạnh cóng tay hoặc nắng nhìn rát mặt mà trên bãi tập vẫn vang tiếng cười dòn tan, tiếng hát yêu đời của những người tuổi trẻ thì anh mới hiểu niềm vui và hạnh phúc mà tôi đang có lớn lao biết dường nào.

Chắc anh sẽ rất hài lòng khi biết rằng tôi đang sung sướng, mọi hạnh phúc của đời người thường bắt nguồn từ tuổi trẻ và niềm tin vào cuộc sống. Tôi rất yêu cuộc sống, cũng như yêu gia đình, bạn bè, học trò, yêu nghề giáo của chúng ta. Còn tuổi trẻ, anh thấy không tuổi trẻ của chúng ta đáng tin cậy lắm chứ! Huống chi quanh chúng ta bây giờ có biết bao sức hút của sự sống từ cánh cửa tâm hồn cho đến chân trời trí tuệ.

Anh ạ, dù gì mùa Xuân cũng đang trở về tung hương trong gió, dù gì thì thời khắc cũng có những lúc mây trời chợt nhẹ thênh thang, nỗi hân hoan tràn đầy trong lòng tôi hôm nay chắc sẽ giống như những nụ cười tin yêu, hạnh phúc của anh và các bạn đang nở ra rực rỡ từ trên bục giảng khi nhìn xuống đàn trò nhỏ đang náo nức , say sưa tìm đến cuộc đời. Hãy nói với tôi rằng: rất chờ mong và tin tưởng vào những ngày tháng sắp tới của tôi sau này, mãi mãi… Bởi vì trong quá khứ, chúng ta đã có đầy đủ những nỗi ngọt ngào lẫn đắng cay vì hạnh phúc như nhau và hiện tại không cần hò hẹn, chúng ta cũng đã có chung một con đường hướng tới tương lai rồi anh nhỉ?

Tháng 4, 1981.

Tôi đã viết như thế cho bài báo tường đầu tiên, sau khi rời Trung Học Long Thành để trở về làm học trò trường CĐ Sư Phạm theo đúng “biên chế” nhà nước dành cho các giáo viên cũ không qua Sư Phạm. Còn viết cho anh, có phải tôi định viết cho anh không? Vì chúng ta đã không còn liên lạc nhau sau khi tôi đi học Sư Phạm được vài tháng, rồi anh thuyên chuyển về Sài Gòn và cùng gia đình vượt biên, mất tin tức. Thuở ấy, chúng ta còn quá trẻ để nhận ra đâu là ước mơ, là lý tưởng đích thực.

Thời gian đầu sau biến cố 75, chúng ta đã mang hoài bão của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, dấn thân vào đời với đôi mắt rực rỡ niềm tin và hy vọng. Chúng ta đã nhiệt thành, lao vào mọi sinh hoạt học đường để mong xây dựng một xã hội mới. Dần dần, từ một sinh viên Văn Khoa, vừa đi học đầu tuần vừa là giáo sư dạy giờ trong những ngày cuối tuần trước năm 75, bỗng dưng thành một “giáo viên nhân dân”, giảng dạy những kiến thức, tư tưởng mà chúng ta chưa bao giờ được nghe, được học.

Chấp nhận sống, thở và nói như một cái máy, không thể nói khác, nói ngược, thực tế và lý thuyết là khoảng cách giữa bờ và vực. Thêm mỗi ngày chứng kiến nhiều cảnh đời bất an, khốn khó … càng thấy ước mơ lùi dần, tuổi trẻ hư hao, nên càng yêu nghề giáo bao nhiêu anh và tôi lại càng mong được thoát ra khỏi cảnh đời trái ngang trước mặt bấy nhiêu.

Vì thế, dù chỉ còn hơn 1 tháng sẽ hoàn tất các lớp thực tập để trở về cùng với học trò, bảng đen, phấn trắng tôi đã hăm hở khi mẹ gọi về nhà để chuẩn bị ra đi cùng đứa em trai 12 tuổi.

Thế là, từ đó nhánh sông đời đã rẽ sang hướng khác. Tôi đến trại tị nạn Ga Lăng, Indonesia vào những ngày cuối tháng Tư, sau một tuần lênh đênh trên biển, dật dờ giữa sự sống và chết. Bước hoang mang những bước đầu tiên khi chân chạm miền đất lạ, chợt nghe lòng thổn thức, xót xa vì biết từ nay, vĩnh viễn sẽ không còn dịp để quay về. Có những chiều lang thang trên các con dốc dẫn về barrack 40, những câu hát trong bài “Thuyền Viễn Xứ” -Thơ Huyền Chi, nhạc Phạm Duy- bỗng dưng chảy tràn trên môi, rưng rưng khóe mắt, quặn thắt cõi lòng:

“…Nhìn về đường cố lý,
cố lý xa xôi.
Ðời nhịp sầu lỡ bước,
bước hoang mang rồi.
Quay lại hướng làng.
Ðà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng.
Mái tóc sương mong con bạc lòng …”

Đôi khi, ngồi một mình nhìn chung quanh toàn những người xa lạ, tôi đau đớn nhận ra cuộc sinh ly “nghìn trùng xa cách” mới thật là thê lương!

Lời nhạc trong “Tình Khúc thứ nhất” của Vũ Thành An lúc đó bỗng nhiên gần gũi và trở thành niềm khát khao của kẻ biệt xứ mỗi khi nhớ nhà: “Ngày về quê xa lắc lê thê, Trót nghe theo lời u mê…Trầm mình trong hương đốt hơi bay. Mong tìm ra phút sum vầy.”

Mãi đến hai tháng sau, niềm vui mới trở về, khi tôi bắt đầu đi làm thiện nguyện buổi sáng ở Day Care Center, trông coi các em bé từ 2 đến 5 tuổi và dạy môn Việt Văn cho các em thiếu niên buổi chiều ở Trung Tâm Việt Ngữ trên đảo. Thời gian không còn là những giờ khắc trống rỗng, vô nghĩa nữa. Mỗi ngày, nhìn thấy những khuôn mặt trẻ thơ, những ánh mắt thiên thần, trong veo của đàn trò nhỏ, tôi lại thấy yêu đời, yêu người nhiều hơn. Đôi lúc nhớ đến anh và những ngày tháng cũ trên bục giảng đã xa khuất bên kia đời… tôi thấy mình vẫn còn hạnh phúc tràn đầy với giấc mơ nghề giáo dở dang như đang dần sống lại. Đứa em trai cũng theo chị vào lớp học, thêm bạn bè, người quen… Cả hai chị em đã hòa mình vào một cuộc sống mới, an phận chờ ngày định cư.


Nghề giáo như một định mệnh, cứ quanh quẩn đâu đó rồi lại tìm đến bên tôi, nhắc nhở, thì thầm… Một lần tình cờ có người bạn đến thăm mang theo 1quyển báo cũ, dường như đã phát hành trước đó vài năm trên đảo, trong giờ nghĩ của lớp, tôi mượn và mở ra xem vội vài trang, bất chợt gặp bài thơ thật tuyệt! Bài thơ với hình ảnh rất nhẹ nhàng, dễ thương như nói hộ tâm tình của những người có một thời đứng trên bục giảng như tôi, như anh… mà nay chỉ còn là kỷ niệm đã khiến tôi cảm động đến nao lòng. Tôi chép vội lại trong quyển sổ tay và không hiểu sao lại quên ghi tựa bài mà chỉ ghi tên tác giả, bài thơ đến giờ vẫn còn gợi niềm xao xuyến trong tôi mỗi khi nhớ đến:

“Buồn ta không nhà,
Đêm nghe mưa qua
Lòng ơi rất nhớ
Những ngày đã xa
Mưa trên phố cũ
Mưa trên mái xưa
Lòng ơi tưởng nhớ
Những buổi giao mùa
Ta ngồi trong lớp
Học trò mắt đen
Giòng mưa áo trắng
Học trò áo len
Cười hoài nụ nhỏ
Thầy trò rất quen…
Ta giờ nhớ mãi
Các em áo bay
Giờ ta mới biết
Buồn dài hơn say…
Gió ơi tha thiết
Bay mãi một đời
Chiều ơi, chiều ơi!”
(Bùi Vĩnh Phúc)

Không biết đây có phải là nhà văn Bùi Vĩnh Phúc mà dạo còn đi học tôi đã từng là độc giả hâm mộ những bài viết của ông đăng trên báo Tuổi Ngọc hay chăng? Nhưng ở một nơi xa quê hương cả nửa vòng trái đất thế này bỗng dưng được đọc một bài thơ đúng với tâm trạng của mình thật không còn gì tuyệt vời hơn!

Tôi an vui với công việc trên đảo cho đến ngày lên tàu rời Indo tới Singapore để đáp chuyến bay sang Mỹ đoàn tụ với các em cuối tháng 10, năm 1981.

Giã từ Ga Lăng “ngưỡng cửa của tự do và tình người”, tôi lên đường mang theo những ánh mắt thơ ngây và nụ cười của các em trong mớ hành trang trĩu đầy kỷ niệm.

Tháng 9, 1994

Không ngờ sau hơn mười mấy năm sống trên đất Mỹ, tốt nghiệp 2 năm với mảnh bằng AS về Electronic, 1 năm Certificate về Medical Assistance và sau khi đã “lên thác xuống ghềnh” với đủ các job, qua bao nhiêu hãng điện tử… tôi lại trở về với nghề giáo của mình.

Lúc này, chương trình ODP ngày càng mở rộng, số người Việt qua Mỹ theo diện đoàn tụ ngày càng đông, địa phương nơi tôi ở là một thành phố nhỏ thuộc quận Los Angeles, nhưng mật độ cư dân người Việt đã chiếm gần ¼ dân số, đứng hàng thứ nhì sau cư dân gốc Mễ. Các chương trình Song ngữ (Bilingual) nở rộ trong các trường tiểu học trong khi nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu đi xuống, các hãng điện tử thay nhau đóng cửa. Thất nghiệp, ở nhà gần 1 năm, tôi nộp đơn xin làm Instructional Aide (phụ giáo) cho trường Tiểu học gần nhà để tiện việc trông các con hãy còn nhỏ. Một tuần lễ, sau khi qua hai lần interview với Sở Học Chánh tôi đã được nhận một công việc mới với nhiệm vụ… cũ mà tôi đã từng làm và rất yêu thích: dạy học.

Nằm trong kế hoạch chương trình tên là Project VOICES, công việc của tôi lúc này vừa là Instructional Aide (phụ giáo) cho các lớp trong 1 trường tiểu học vừa là Liaison (Liên lạc viên Cộng Đồng) giữa các phụ huynh VN và nhà trường cho School District. Ngoài ra, sau giờ học tôi lại có 1 lớp riêng after school dạy kèm homewook và Tiếng Việt cho các em học sinh vừa mới từ VN sang chưa theo kịp chương trình. Thời gian này quả thật đầy thú vị và hạnh phúc! nhất là với lớp after school của tôi, các em đều là những em học sinh VN từ lớp 2 đến lớp 6, khiến tôi có cảm giác được sống lại không khí quen thuộc khi còn đứng trên bục giảng của những tháng ngày đã mất.

Sống và làm việc trong các trường học ở Mỹ mới thấy nghề giáo ở VN là cao quý và được tôn trọng hơn nhiều. Tình Thầy trò và quan niệm “tôn sư trọng đạo” của hai nền giáo dục Âu – Á quả thật có khác biệt. Ở đây, thầy cô phải biết “tôn trọng” học trò chứ không có quyền đòi hỏi được học trò tôn trọng và dù chỉ ở bậc Tiểu học các em cũng đã có những quyền tự do của các em mà Thầy Cô cần phải biết để không bị vi phạm.

Với nhiệm vụ Liên Lạc Viên Cộng Đồng tôi cũng phụ tá một chương trình khác là “Parenting Class”, mỗi tuần 2 giờ vào buổi tối. Đây là lớp “Giáo dục Gia đình” dành cho các đối tượng là cha mẹ và con cái có mâu thuẫn nặng nề phải đưa đến pháp luật giải quyết, lớp học là giai đoạn cuối cùng để cha mẹ, con cái ngồi lại cùng nhau chia sẻ và hòa giải dưới sự hướng dẫn của bà counselor, giảng viên chính của lớp. Lớp học ngoài dân bản xứ, còn có một số sắc dân khác như Mễ, Tàu, Đại Hàn, Việt Nam… nên có thêm 3 người phụ tá là cô người Mễ, tôi và một ông thầy giáo người Việt để thông dịch những khi cần thiết.

Người bạn đồng sự của tôi đã ở vào tuổi 60, từng làm giáo viên ở VN nhiều năm, sang Mỹ đi học lại Sư Phạm và có Credential để làm giáo viên dạy các lớp Tiểu học, đã nhiều lần tâm sự: “Làm nghề giáo ở Mỹ… chua lắm cô ơi! Năm ngoái, tôi dạy lớp 5 ở trường bên học khu Hawthrone, học trò đa số là Mỹ đen nó không sợ thầy cô chút nào, nhất là thấy mình là dân Á Đông nữa, con trai thì chạy nhảy, đánh nhau trên bàn trong lớp học, coi như không có mặt mình ở đó, có lúc nó… tè ra trên bàn trước giờ học cho mình dọn rửa nữa chứ. Trách mắng hay gửi lên văn phòng cũng không ăn nhằm gì, còn con gái thì thầy giáo lại phải cẩn thận hơn, rầy la thì nó về mét mẹ nó vô trường complain, thầy giáo không bao giờ nên ở trong lớp 1 mình với đứa học trò gái nghen, giờ chơi mà nó muốn ở lại hỏi bài thì phải mở cửa ra đàng hoàng nếu không, con bé có thể la làng là bị thầy “harassment” (sách nhiễu tình dục) là tiêu đời luôn. Có mấy người đồng nghiệp đã warning tôi trước rồi. Bởi vậy, dạy lớp được ba, bốn tháng, tôi đã phải “quit” xin chuyển qua làm bên chương trình này cho đỡ đau đầu đó cô ơi!”

Nghe kể tôi cũng dè dặt hơn, nhưng may thay, các lớp tôi làm phụ giáo học sinh đều khá ngoan và nhất là các em học sinh VN lớp sau giờ học của tôi vẫn còn giữ nề nếp, truyền thống giáo dục đã có từ quê nhà nên suốt hai năm đồng hành với các em dù chỉ với 1 giờ học ngắn ngủi mỗi ngày, tôi đã có đầy đủ những tình cảm thầy trò thân thiết, gắn bó dù ở trong một môi trường hoàn toàn mới.

Có người cho rằng “Đời sống là sự tập hợp của những tình cờ”, điều này lại rơi đúng trong trường hợp tôi, trong cuộc gặp gỡ rất tình cờ với anh hôm qua khi tôi nhận lời Nicole, cô bạn trẻ làm việc chung trường và cũng là người điều hợp chương trình Bilingual (English-Vietnamese) cùng đi dự buổi họp mặt các Thầy Cô giáo dạy song ngữ toàn miền dưới vùng Orange County.

Anh ngồi trong đám đông như thế mà vẫn nhận ra tôi khi nghe Nicole giới thiệu tên tôi với những người cùng bàn. Bằng giọng reo vui anh đã hỏi: “Có phải là ND ngày xưa dạy học ở LT không?”. Thảng thốt, nhìn khá lâu vào mắt anh, tôi chợt thấy lại những ngày thật xa, cũ… những ngày cùng anh và đám học trò tập múa, hát cho các tiết mục văn nghệ của trường trong các dịp lễ … rồi giòng thời gian từ đó cứ như nước lũ ngược giòng trôi về tìm lại những thác nguồn xưa…

Tưởng Dung

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,601,534
Tác giả sanh năm 1943 tại Cân thơ - Bác sĩ thú y, giảng dạy tại Đại Hoc Cần thơ trước 75 - Cùng gia đình vượt biên năm 1980. Học lại và làm việc cho cơ quan Canadian Food Inspection Agency từ 1985 đến ngày hưu trí năm 2008. Bài đầu tiên Viết Về Nước Mỹ, Đất Lành Chim Đậu nhận giải Vinh Danh Tác giả năm 2007. Sau 10 năm tiếp tục góp bài cho Việt Báo, tác giả cho biết “Vì lý do sức khỏe bất ngờ, xin chào tạm biệt tất cả bạn đọc để tĩnh dưỡng. Và đây là bài viết cuối cùng của ông: Chuyện hai mùa Vu Lan 2016-2017, con trai lái xe hàng ngàn dặm về cùng bố lát gạch sân đậu xe và tu sửa ngôi nhà gia đình. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng cám ơn Bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh. Kính chúc ông và gia đình an vui, mạnh khỏe.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới của là một tự sự gợi nhớ nhiều kỷ niệm.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, sống động.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, ông đã nhận giải bán kết 2001, từ 9 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới của tác giả kể về cuộc họp mặt của các cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh và chuyến đi 5 ngày trên du thuyền Carnival Inspiration.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. Với mỏ vàng trên sông Yuba, Marryville khởi thủy từng là thành phố của dân đào vàng. Thời nay, du khách và cư dân tại Marryville vẫn lai rai lượm được vàng cục, có du khách lượn cả cục kim cương trị giá nửa triệu mỹ kim. Đó là chuyện có thật, đề tài của tác giả trong bài viết mùa Lễ Tạ Ơn năm nay.
Nhạc sĩ Cung Tiến