Hôm nay,  

Tôi Đi Tìm Lại Một Mùa Xuân

10/08/201200:00:00(Xem: 180349)
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12 sẽ khai diễn chiều Chủ Nhật 12 tháng Tám sắp tới tại Little Saigon. Từ hôm nay tới cuối tuần, nhiều tác giả từ khắp nơi sẽ bay về họp mặt. Nhân dịp này, mời đọc lại ký sự họp mặt Viết Về Nước Mỹ lần đầu tiên, được tổ chức tại Bảo Tàng và Thư Viện Tổng Thống Richard Nixon tại Yorba Lynda ngày 29-11-2000. Với bút hiệu tựdo (chữ thường, viết liền) ông Nguyễn Văn Luận, tác giả bài "Người tìm tự do và tượng thần tự do" đã được bình chọn trúng giải chính thức. Bài viết kể chuyện gần nửa thế kỷ trước, khi Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon tới thăm Hà Nội năm 1953, một cậu học trò 15 tuổi đã được ông Phó Tổng Thống Mỹ bắt tay, tặng một tấm post card tượng Nữ Thần Tự Do. Sau 1954, kẹt lại miền Bắc Cộng Sản, gia đình tan nát, bố bị đánh tư sản rồi đấu tố tới chết, vì tấm post card Nữ Thần Tự Do, cậu học trò năm xưa thành "người tù Hỏa Lò" và đã nguyện "Tôi sẽ đi tìm Tự Do suốt cuộc đời này.”
05-tat-ca_gray
Tác giả nhận giải từ tay Hoà Thượng Mãn Giác, Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo tại Hoa Kỳ.
Tác giả sinh năm 1937, 63 tuổi, hiện cư ngụ tại Worcester, Massachusetts. Công việc: Technician hãng điện tử ở Mass. Sau đây là bút ký về California lãnh Giải Thưởng do ông Luận viết. Bài đã phổ biến trong sách VVNM 2001, nhưng “mất tích” trên Việt Báo Online. Xin mời cùng đọc lại. Hình trên, từ trái: Thượng Nghị Sĩ California, Ông Joe Dunn và các viên chức dân cử khai mạc cuộc họp mặt. Phía trái là nữ nghệ sĩ Kiều Chinh. Phía mặt là cô Leyna Nguyen của truyền hình KCAL9.

Văn sĩ, thi nhân ca ngợi mùa Xuân huy hoàng, đẹp nhất trong bốn mùa. Nói về đời người, mùa Xuân, không tính theo tờ lịch, là quãng đời thơ mộng của tuổi thiếu niên.
Tôi đã mất mùa Xuân đó. Ngót 20 năm làm người tự do, sống đời lưu vong trên đất Mỹ, tôi đã hồi tưởng, chắp nối những mảnh đời dĩ vãng, ghi chép lại. Việt Báo đã cho tôi cơ hội dự thi "Viết về nước Mỹ" và may mắn trúng giải.

Từ vùng Đông Bắc về Cali họp mặt ngày phát giải (29/11/2000), tại thư viện Nixon, tôi mang nhiều cảm xúc, như tìm lại được một mùa Xuân xưa.
Buổi sớm, sót lại cơn mưa đêm, nước đóng băng trên kính xe, tôi lái ra phi trường. Vợ tôi, Mai, đã chuẩn bị hành lý, cần nhất là chiếc máy hình để ghi lại cuộc hành trình vinh dự.

Đường xa, nghe nhạc dịu êm, tôi đã kể cho Mai những ngày xưa thơ ấu tại Hà nội, trong mái ấm gia đình yêu thương, để rồi tan nát, tha phương.

Mùa Xuân của đời tôi, năm lên sáu tuổi, trên đường phố Hà nội, cái thời người Việt Nam chưa nghe và thấy "cộng sản".

Hàng ngày đi học, cùng mấy đứa bạn, dọc theo phố Huế tới trường tiểu học đầu phố Hàm Long, tôi thường dừng lại bên ông hàng kẹo kéo, quay số, lá cờ nhỏ xíu dừng lại giữa khe hàng đinh đóng thành vòng tròn ghi số. Ông kéo kẹo ra "ngắn hai dài một" trúng số to thì được nhiều thỏi bằng ngón út, sướng như người trúng số.

Cũng hàng ngày, tôi cùng lũ bạn "di mui tu kin", dí mũi vào tủ kính của các tiệm tạp hóa, xanh đỏ hấp dẫn, có hai thằng đánh bốc, vặn dây cót là đấm nhau túi bụi, có toa xe lửa chạy trên đường ray, thích quá ...! Những chiều trú mưa vào rạp xinê, ngắm hình tài tử, công chúa xứ Ả rập, đẹp như tiên, chàng cao bồi cưỡi ngựa chăn bò, hoạt họa Mickey. Cuộc sống trôi đi, bình an, giản dị, bình dị như Hà nội thời tiền chiến với thơ, nhạc trữ tình, mang dịu ngọt, yêu thương đi khắp nước.

Hết hè, mấy đứa bạn thân tuổi 14, 15 rủ nhau vào học trường Văn Hóa, nơi có thầy Nguyễn Khang nói tiếng Anh như Mỹ và nổi tiếng kể chuyện xinê.

Phố Hàng Bông Thợ Ruộm, chạy giữa trường tôi và nhà tù Hỏa Lò. Ngồi trong lớp , chỉ thấy chòi gác trên cao của bức tường dài mấy chục thước loang lổ, rêu phong.

Giờ ra chơi, tôi chạy băng qua đường sau trường một quãng là cổng chính của nhà tù Hoả Lò, đường phố ngắn, nhỏ, cùng tên phố Hỏa Lò.

Đứng đó xem tù, mới bị bắt hoặc được tha, những người nghèo khổ, đa số là trộm cắp. tôi thương cảm mấy người tù đó, đôi lần quên tiếng kẻng vào lớp. Tới tuổi trưởng thành chính tôi lại phải vào Hỏa Lò, chỉ khác danh xưng là" phản động".

Tôi say mê nghe thầy Khang kể chuyện phim Cuốn Theo Chiều Gió, cuộc đời luân lạc của cô gái trang trại Tara, vì chiến tranh, phải xoay xỏa sống với dối gian lừa lọc. Tôi khâm phục thầy, tóc chải brillantine (vaselin) bóng mượt , giống tài tử Clark Gable với bộ ria mép và nheo mắt rất ga lăng . Thầy thường thắt "nơ" không như các thầy khác đeo "cà vạt" nên thầy có vẻ "Mỹ quá..!" Hai giờ Anh văn, thầy để ra nửa tiếng kể chuyện xinê, kèm những câu đối thoại nên học trò rất thích, "mê" thầy như mê tài tử Mỹ .

Một chiều cuối Thu, cây bàng cửa trường lá ngả sang mầu đỏ, lá cây me rụng xuống lăn tăn , rắc trên hè phố, thầy không kể chuyện mà dặn dò "ngày mai gần trưa sẽ có ông Phó Tổng Thống Mỹ Nixon đến thăm trường, vào lớp này, các con ăn mặc chỉnh tề nhé!"

Hôm sau tôi diện chiếc sơ mi cộc tay trắng, trên túi áo gài bút Parker, quần kaki thẳng nếp và đôi dép xăng đan da còn mới. Như thầy đã dặn, tôi ngồi đầu bàn rồi đến ba đứa bạn, lớp đệ ngũ không có con gái.

Gần mười một giờ, ông Nixon vào lớp. Ông nói vài lời. Tôi hồi hộp vì lần đầu tiên gặp người Mỹ, lại đại diện cả lớp để nói với ông. Chỉ trả lời một câu ông hỏi mà sao bối rối . "I am fine, thank you ....and you, Mr. President!". Tôi đã quên mất chữ Vice từ lúc nào! Dù sao nói xong là ...thoát nợ! Ông Nixon cười thành tiếng, vui vẻ, có lẽ tại thằng bé tôn ông lên Tổng Thống! Ông giơ tay bắt, bàn tay nhỏ của tôi nằm gọn trong bàn tay to lớn của ông. Ông không lắc mà giữ yên một chút, tôi thấy an tâm, hết sợ! Người tùy viên mở cặp đưa ông tấm bưu ảnh tượng Nữ Thần Tự Do và ông trao tặng cho tôi. Cả lớp chia nhau một hộp kẹo sô cô la.

Học trò ùa ra đưa tiễn ông Phó Tổng Thống Mỹ, tôi cầm tấm ảnh Nữ Thần Tự Do, nhìn ông bước ra xe. Ông mặc áo sơ mi trắng cộc tay, đeo cà vạt xám, quần mầu thẫm đen. Tóc ngắn, mặt hồng lên, có lẽ nắng Thu Hà nội làm ông thấy nóng vì ông đến từ xứ lạnh. Ông vẫy tay từ biệt đám học trò xa lạ rồi vào xe, chiếc xe Dodge màu đen có hai cánh đuôi dài. Đoàn tùy tùng chỉ có hai chiếc môtô dẫn đầu và một chiếc xe Jeep theo sau.

Ông rời Việt Nam, lá cờ Mỹ đầu xe bay bay khi xe chuyển bánh, để lại cho tôi một kỷ niệm, một sự kiện diễn ra chỉ 15 phút trong đời nhưng đã cho tôi ý chí đi tìm Tự Do suốt 27 năm sống trên đất Bắc đọa đày, mất tất cả, từ tấm hình của mẹ, của cha.

Tới phi trường còn sớm. Đây là chuyến đi Cali lần thứ hai, cùng thời điểm nên Mai ước ao "mai mốt, tuổi già mình sẽ "mu" về miền nắng ấm Cali". Dự định là như vậy, tôi cần một ly cà phê cho tỉnh táo rồi vào máy bay.

Chiếc Boeing với đôi cánh dài, vút lên không trung, thành phố nhỏ lại phía dưới rồi mất hút, nhìn qua cửa sổ chỉ còn những đám mây trắng lơ lửng. Hai hàng ghế dài, mọi người yên lặng, tiếng động cơ đều đều, ru ngủ. Thả hồn về quá khứ, tôi nhớ đến những bạn học xưa, một số đi Nam , đa số bỏ xác trên rừng biên giới vì án cải tạo không có hạn về. Tiếng cô chiêu đãi hàng không nhỏ nhẹ đưa tôi về thực tại:

"Ông uống chút gì? Thưa ông". Tiếng "sir" tôi đã nghe nhiều lần khi mua hàng hoặc cần một dịch vụ ở Mỹ. 20 năm trước ở Việt Nam quê hương, tôi chư a bao giờ được gọi là "ông". Đi xe lửa, ông "cán bộ" quát "anh kia, vé đâu". Xếp hàng mua thực phẩm ba tiếng đồng hồ, cô "mậu dịch" nói gọn một câu "hết hàng", đóng cửa. Dù là "thành phần tốt" mà bất bình là chống đối chính quyền, "ngoan cố". Về đồn công an, "lý lịch xấu" được quy là "phản động", "đế quốc cài lại". Bi bắt đi tù hoặc sống trong xã hội chủ nghĩa thì cũng thế, chỉ khác nhau giờ giấc sinh hoạt hàng ngày và mức độ đàn áp. Giờ đây, tôi đã thoát chế độ bất nhân đó, đang bay trên không gian bao la, nhìn về Hà nội, chế độ cộng sản tan dần.

Sau một giờ bay có bữa ăn nhẹ, tôi ngắm cô chiêu đãi viên , đẹp rạng rỡ như hình bìa tạp chí, mái tóc vàng búi ngược ra sau thành cái đuôi lúc lắc trên vai, giọng ngọt ngào như hát, đưa khay bánh đến từng chỗ ngồi. Mai hích nhẹ tôi nói nhỏ: "Ông già bên anh, mặt cau có, có vẻ kỳ thị..."

Tôi bắt đầu quan sát thế giới nhỏ bé trong chuyến bay này. Phía bên kia, cô gái mới lớn, đeo headphone nghe nhạc, đầu lúc lắc, hơi nhún nhẩy. Đằng trước hai bà già kể với nhau về những con chó cưng.

Tôi thử gợi chuyện ông kế bên về trời sắp có tuyết tối nay, tôi ở gần Boston. Ông nói ông ở Maine, tuyết rơi từ hôm trước. Tiểu bang Maine, xứ tôm hùm, bảng số xe vẽ con tôm chổng ngược. Tôi đã khơi đúng sở thích cuả ông và ngồi nghe ông say sưa kể từ việc bắt tôm đến phết bơ mang hấp, ăn với khoai tây và bắp, càng nghe càng thèm ăn tôm hùm của ông. Nét nhăn nhúm trên mặt ông không phải là kỳ thị.

Máy bay hạ cánh xuống phi trường Quận Cam sau 9 tiếng bay dài, múi giờ miền Tây nước Mỹ lùi lại 3 tiếng, mới quá trưa.

Khi bài viết “Người Tìm Tự Do” được Hội Đồng Giám Khảo Giải Thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ chọn để trao giải, tôi được ông Phan Tấn Hải, tổng thư ký Việt Báo báo tin bằng email, rồi nhận điện thoại của ông Trần Dạ Từ. Tiếp theo, khi quyết định về Cali tham dự lễ phát giải, tôi được anh Nguyễn Minh, giám đốc phát hành của Việt Báo hướng dẫn, thu xếp chu đáo cho chuyến đi của chúng tôi, từ việc đặt khách sạn tới cho xe đưa đón di chuyển.

Từ phi trường Orange County, xe đưa chúng tôi về hotel và chiều tối tới thăm hội trường Việt Báo. Người gặp đầu tiên là ông Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, tôi theo ông vào thăm tòa báo, phòng layout, mấy thanh niên đang bận rộn, nhà in có những cuộn giấy to như bánh xe lu. Rồi tới căn phòng rộng trên lầu, trên bàn dài bày nhiều thực phẩm, nổi bật là mấy đĩa sôi gấc. Tại đây lần đầu tôi gặp bà Kiều Chinh, người nữ tài tử điện ảnh danh tiếng gốc Hà Nội.

Bà Kiều Chinh giới thiệu "Đây là ông viết bài Người tìm Tự Do". Có tiếng "ồ" nhỏ nhẹ, mấy cô gái trẻ "chào bác". Bà Nhã Ca, ông Trần DạTừ, anh Phan Tấn Hải, anh Phạm Luyến, Anh Nguyễn Minh... nhiều nữa, tôi không nhớ hết tên. Ngồi bên tôi là anh Cao Huynh, cũng là người trúng giải.

Chỉ vài phút ổn định chỗ ngồi, những tiếng "ông, bà" biến đi, chỉ còn anh chị em như trong gia đình. Tôi hân hạnh được gọi bác Sơn Điền là "anh Khánh", tuy anh đã 80 , tôi mới sáu mươi ba!

Đã lâu lắm rồi, tôi không có chị, có anh, có em thân mến như hôm nay. Chị Kiều Chinh nói nhỏ với tôi: "Anh Luận ạ, vì bài viết của anh, tôi phải họp liên miên cả buổi về chương trình tại thư viện Nixon đấy!"

Tôi đã đọc tin trên Net, tôi rất vinh dự, nhưng không thấy chị Nhã, anh Từ "thông báo" về việc chị Kiều Chinh phải chạy ngược chạy xuôi, vất vả để giúp tổ chức Lễ Phát Giải tại Nixon Library & Birthplace, cho đúng với tinh thần bài viết trúng giải! Chị Chinh còn tiết lộ, mới đây, khi đi New York họp với Board of Directors hội Vietnam Childrens Fund (mà chị là chủ tịch sáng lập) cũng chính chị đã đã “bị” Việt Báo yêu cầu tới tượng Nữ Thần Tự Do,chụp dùm tấm hình làm bìa cuốn sách Viết Về Nước Mỹ. Cầm cuốn sách “Viết Về Nước Mỹ” vừa từ nhà in đưa lên, chị Chinh đùa “Vậy mà anh chị coi, sách ra không chịu có credit. Không muốn nêu tên tài tử, sao không đề photo by ...Chinh !” Chị Nhã, anh Từ chỉ còn biết... cười trừ!

Mọi người mải nói chuyện, điã sôi gấc mới vơi đi một nửa. Công việc tòa báo bận rộn như chăm sóc trẻ thơ, tôi tạm biệt chị Nhã, anh Từ, chị Chinh, anh Khánh và toà báo, về lại khách sạn đợi chiều mai sẽ tới thư viện Nixon họp mặt, điều vinh dự chờ đợi của tôi trong chuyến đi này.

Tia nắng sớm Cali gọi tôi thức dậy. Mấy bông hồng rực rỡ trước hiên khách sạn, thoảng nhẹ mùi hương, đung đưa chào đón khách phương xa.

Vợ chồng tôi thu xếp ra phố đi dạo. Trên đường Bolsa, xe hơi vun vút của người Việt đi làm, vài xe tải đầy ắp hàng đỗ nơi cửa tiệm chưa tới giờ mở cửa. Tôi ngắm nhìn từng dẫy building, chạy dài mang bảng hiệu Việt Nam, đủ ngành, đủ loại. Có nhiều tiệm ăn, những dịch vụ, có bác sĩ, luật sư . Tôi ngước mắt lướt theo từng con đường trong khu Little Saigon, lòng tràn ngập tự hào, cảm phục. Hàng triệu người Việt bỏ nước ra đi, dù bỏ mạng, chia ly, tụ họp về đây, làm lại cuộc sống từ đầu bằng Dân Chủ, Tự Do, đã lấy lại phồn vinh.

Suy nghĩ miên man, sung sướng, lâng lâng trong không khí dịu mát của Cali buổi sớm, Mai khoác tay tôi rẽ vào tiệm phở.

Buổi chiều, người tài xế đưa chúng tôi tới thư viện Nixon qua những xa lộ kẹt xe, rồi dừng lại "thưa bác, đây rồi".

Tôi sửa lại nút cà vạt cùng Mai bước vào Thư Viện.

Ngoài trời mờ tối nhưng khách tới đã đông. Khung cảnh lộng lẫy nơi tiền sảnh, từng nhóm người trò chuyện, ánh mắt, nụ cười, tình nghĩa đồng bào. Tôi đến bên quầy sách, một cô gái trẻ nhận ra tên tôi trên ve áo, xin chữ ký vào sách. Vinh dự cho tôi, tôi chỉ là một trong nhiều người viết, xin ký vào bài viết của tôi.

Trước thính đường Thư Viện, Mai đã ghi cho tôi tấm hình, đứng dưới tượng ông Nixon, nhũ vàng lóng lánh. Theo chương trình, mọi người đi thăm từng phòng trong bảo tàng, rồi ăn nhẹ, xong mới vào hội trường. Tôi xúc động , yên lặng nhìn hình vị tổng thống Hoa Kỳ quá cố, tấm hình ghi năm 1956, ba năm sau ngày tôi được gặp ông tại ngôi trường Hà nội, sát Hỏa Lò.

Bốn mươi bảy năm trôi qua, tôi đã sống sót, lại được dịp về thăm nơi sinh quán của ông, ngôi mộ ngoài kia, ông nằm trong giấc mơ đẹp của nước Mỹ phú cường. Tôi ngắm chiếc xe tổng thống, cũng giống chiếc xe xưa, lá cờ nhỏ đầu xe vẫy theo làn gió, tôi cầm tấm ảnh Nữ Thần Tự Do trông theo cho tới khi xe khuất dạng, dưới nắng Thu Hà Nội vàng nhạt khi tôi còn cuộc sống vui tươi. Tôi thầm lặng, cúi đầu trước hình ông, ngưỡng mộ, nhẩm lại tiếng Freedom.

Anh phóng viên Little Saigon Television phỏng vấn, hỏi tôi còn giữ được tấm bưu ảnh ngày xưa, đưa tôi về dĩ vãng. Ngày khám nhà tư sản, vật trang trí mạ vàng cũng coi là chứng cớ bóc lột, thì Tượng Thần Tự Do hẳn nhiên phải cho đi... cải tạo. Mấy chục năm tôi không để lộ chuyện gặp ông Nixon. Chính quyền biết được, tôi sẽ phải chết, không cần án tử hình.

Ánh điện lóe lên, có ai bấm vội máy hình, tôi bước vào Thính Đường, tràn ngập niềm vui. Cám ơn Việt Báo đã cho tôi cơ hội tới nơi đây để nhớ lại một cố nhân làm đây kỷ niệm.

Quang cảnh trang nghiêm, lịch sự. Hàng ghế đầu quan khách Mỹ, Việt. Bên tôi là bạn Cao Huynh rồi cô Helen Le. Tôi nhận ra những nét mặt vui tươi, lần đầu gặp gỡ, đã thành thận mật, chị Chinh, chị Nhã, anh Từ, anh Khánh, anh Hải, ông bà Tony Lâm, luật sư Văn...

Cô gái trẻ họ Nguyễn (Leina Nguyen) phái viên và xướng ngôn viên đài truyền hình KCAL 9, xinh đẹp, duyên dáng, mang hình bóng nữ sinh Gia Long và Trưng Vương thuở trước, làm người giới thiệu chương trình cho buổi lễ, làm hội trường thêm náo nức. Chị Kiều Chinh nói lời trang trọng. Ông John H. Taylor, Giám Đốc Nixon Foundation, chào mừng quan khách, ôn lại sơ qua về cuộc đời vị cố Tổng Thống sinh tại nơi đây, những sự kiện liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Chánh chủ khảo Sơn Điền Nguyễn Văn Khánh sơ kết cuộc thi nêu danh người trúng giải.

Bước lên lễ đài, ông Tony Lâm đỡ tay cụ Mai 89 tuổi, rồi từng người một. Tôi mới biết ông Lâm là nghị viên thành phố Wesminster. Ông đã sốt sắng thu xếp, giúp buổi lễ phát giải tốt đẹp, thành công.

Tôi nhận giải chính từ tay Thầy Mãn Giác trao tặng. Vị Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng là một thi sĩ, một nhà văn hoá. Thầy nói rằng "nếu tôi là cậu bé như trong chuyện viết, thì tôi cũng ước mơ Tự Do như vậy!" Phật đạo từ bi cũng không chấp nhận kẻ tước quyền tự do nhân thế. Khách quí, các vị trong giới chức Hoa kỳ lần lượt lên trao tặng bảng vinh danh, đều nói lên cảm tình, khích lệ về sinh hoạt văn hóa của người Việt.

Cuối chương trình, ông Vũ Quang Ninh, Tổng giám đốc Little Saigon Radio ca ngợi sự thành công của cuộc thi Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo tổ chức "dấy lên phong trào viết và đọc về nước Mỹ". Tôi đứng đó tự hào vì đã viết được bài văn trúng giải.

Sau buổi lễ, anh chị em Việt Báo còn ở lại tiễn khách và thu dọn. Tiền sảnh đã vãn, người tôi tạm biệt sau cùng lại là "anh Khánh". Trông anh giống thầy Khang của tôi năm xưa, chỉ khác anh đeo cà vạt và không để râu.

Sáng hôm sau, 30-11, chúng tôi đang chuẩn bị ra phi trường Quận Cam bay về xứ Mass, thì anh Từ và anh Minh đến tạm biệt tại hotel. Các anh rủ tôi đi uống cà phê. Nơi ba anh em đến là quán Viễn Đông “thuần tuý món Bắc” do ông bà Tony Lam làm chủ.

Ông Lâm đi vắng. Bà Lâm tươi cười, chào đón thân tình. Muốn nghe, muốn nói thật nhiều, nhưng giờ bay sắp tới. Trước khi chia tay, tôi lại được yêu cầu ký tên vào sách “Viết Về Nước Mỹ”. Đưa cao cuốn sách khi từ biệt, bà Lâm còn nói thêm với tôi “Chúng tôi chờ đọc bài anh viết trên báo Xuân Việt Báo.”

Trên máy bay, tôi ngồi yên lặng, khơi trí nhớ, ghi chép lại cuộc hành trình. Tôi nhớ thêm nhiều về dĩ vãng, tôi nhớ lại một mùa Xuân, và tự nhủ "tôi sẽ tìm về Cali để vui hưởng những mùa Xuân và tin tưởng mùa Xuân Tự Do của nước Việt Nam sẽ đến".

Nguyễn Văn Luận
12/2000

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Nhạc sĩ Cung Tiến