Hôm nay,  

Người Ở Xa Mà Gần

19/07/201200:00:00(Xem: 268987)
viet-ve-nuoc-my_190x135Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, quản nhiệm Hội Thánh Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010-2011. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện ngắn của ông hiện có trên tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ.

* * *

Ba năm trước, khi từ Maryland dọn “cơ sở” xuống Texas, tôi đã có ý tưởng viết một cuốn sách, gồm những truyện ký “người thật việc thật”, mà người Cơ đốc chúng ta gọi là làm chứng, nhưng không phải kể lể chi tiết xác thực như một bài làm chứng, mà như một câu chuyện viết về một người. Dự tính là sẽ chọn một số những “anh hùng đức tin”, phỏng vấn họ, viết về họ.

Ý tưởng đó ban đầu có vẻ …hấp dẫn lắm. Cũng tìm được một vài người, phỏng vấn họ, rồi cũng viết được, nhưng mỗi người đâu được vài trang, rồi nhạt nhẽo dần, rồi không biết đào đâu ra thêm những chi tiết …nóng bỏng, nên lặng lẽ đóng cửa, mà chưa kịp khai trương. Bây giờ nghĩ lại thì mừng vì …xém chút nữa bị hố, một vài anh hùng đã phai nhạt đức tin, xém mà mình đã phong chức lộn cho kẻ …đào ngũ. Xấu hổ chết.

Bây giờ nghĩ lại, thì thấy mình hơi vô tình, với một người bạn, tôi chẳng hề nhớ đến anh như một hình ảnh đáng nhớ, lẽ ra anh phải là người đầu tiên trong cái danh sách ấy, dù anh chẳng bao giờ là anh hùng, chỉ là một anh bạn, một người anh em. Tình bạn này đã khởi đầu một cách tình cờ, rồi gắn bó một thời gian ngắn, rồi xa cách nhau, những tưởng là xa mặt thì sẽ cách lòng theo …thói thường con người, nhưng chẳng hiểu vì sao mà Chúa vẫn cho có sự gắn bó, dù đôi khi cả tháng, hay tháng này qua tháng nọ chẳng liên lạc, chẳng hỏi thăm nhau, …tưởng rằng đã quên, tưởng rằng mỗi người với mỗi công việc riêng, bận rộn riêng, dần dần sẽ tàn phai. Nhưng thật lạ, đến khi tưởng đã quên rồi thì có một …sự cố nào đó nhắc nhở, lại liên lạc với nhau, rồi lại cười dòn dã trong điện thoại, lại cảm thấy thân thiết, như ngày xưa. Chẳng phải được như là một Jonathan và David, nhưng cũng là một tình bạn mà Chúa ban cho để …an ủi, khích lệ những ngày hầu việc Chúa …cô đơn.

Tôi nói là lạ, vì nói cho cùng, nhìn cho kỹ, dù cố gắng moi móc ra, chúng tôi cũng chẳng tìm thấy một dấu vết nào gọi là giống nhau cả, hay hợp với nhau cả, mà khác nhau như cá sấu dưới nước và chim sẻ trên trời, như anh em khác cha khác mẹ. Một là một nhà hóa học sau trở thành người chăn chiên, một là một nhà …vớ vẩn sau trở thành người chăn chiên. Điểm giống nhau là chăn chiên, nhưng mỗi người chăn mỗi cách, hai cách khác nhau, theo bản chất Chúa cho. Có lẽ vì điểm giống nhau duy nhất đó mà chúng tôi trở nên bạn nhau chăng? Chẳng có lẽ, vì nếu dựa trên …cơ sở ấy thì tôi hẳn phải có hằng hà sa số bạn, chứ chẳng riêng gì cái ông này. Vả lại, sự giống nhau chưa chắc đã là một yếu tố cho tình thân, có khi ngược lại thì tốt hơn. Nếu cả hai cùng một sở thích ăn đùi gà thì sẽ có khi gây sự giành giật, nhưng người thích đùi, người thích …bụng thì mọi sự sẽ ổn cả.

Thưở ấy, tôi nhớ lại, tôi vẫn còn chân ướt chân ráo ở đất Mỹ, đến Mỹ đâu chừng 2 năm, đang cố gắng chen chân vào cái xã hội thu nhỏ của tầng lớp …sư sãi (lời của một người bạn khác), đi học tại một trường College để …phục hồi cái vốn tiếng Anh lam nham lỡ nhỡ của mình tại Việt Nam, và nhảy vào một trường Thần học Việt Nam để làm bệ phóng cho tương lai. Trong lúc ấy, nhờ ơn Chúa, một số tín hữu được Chúa cảm động mở một nhà sách Tin lành trong một khu thương mại Việt Nam với mục đích đầu tiên là làm quen để tiến tới kết thân với …xã hội loài người, vì cảm thấy rằng xưa nay đạo đời xa cách nhau quá, cần phải lại gần hơn. Chúa Jesus từ tuốt luốt trên trời mà phải xuống tuốt luốt dưới đất để kết thân với loài người thì chẳng có lẽ những đứa con của Ngài cứ ở mãi trong nhà thờ phóng loa ra ngoài thông báo tin mừng đã đến? Tin mừng này cũng đã đến cho tôi, lúc ấy đang lò mò tìm job một cách …tuyệt vọng vì chẳng ai thèm mướn một trung niên khoảng 40 chẳng biết làm cái gì hết ngoài việc viết lách vớ vẩn và nói lung tung. Đó là tôi không muốn dài dòng kể chuyện một người tín đồ vì vâng lời Chúa, thương xót kẻ thất nghiệp, đã mướn tôi vào làm cho một showroom của ông để rồi chỉ trong ½ tháng phải ngậm ngùi phát lương cho và mời về nhà …nghỉ. Không biết họ tìm ra tôi từ cái xó xỉnh nào, đề nghị tôi ngồi …chơi trong cái nhà sách mới mở vẫn chưa biết làm cái gì cụ thể, và trả cho một số lương (đủ ăn và đổ xăng cho một người trong một tháng, dĩ nhiên có include cà phê rồi)

Thế là mỗi buổi sáng tôi lái xe từ Fullerton xuống Little Saigòn, chạy vào khu thương mại góc đường Euclid và Westminster, mở cửa nhà sách mới toanh, như một ông chủ, với những láng giềng xung quanh như là một luật sư, một ông bác sĩ đông y và dăm ba cái linh tinh gần đó mà sau này sẽ làm quen và tiến đến gần. Sau tám tiếng ở đó, tôi đi thẳng đến trường thần học cũng gần đó, học cho đến tối, khoảng 9 giờ thì lái xe trở về nhà. Để tự giới thiệu nhà sách cho cộng đồng, chúng tôi tổ chức buổi Grand Opening, mời những láng giềng xung quanh và đặc biệt là các …sư sãi trong vùng đến để làm quen và cũng để …marketing luôn. Buổi sáng có nhiều người đến, ăn uống, nói chuyện, giới thiệu, gần đến trưa, mọi người hầu hết trở lại công việc, phòng sách chỉ còn lại mình tôi và tôi cũng trở lại công việc mình, sắp xếp sách vào những kệ sách còn dang dở, đang khi ấy thì có một anh chàng trẻ tuổi, ăn mặc chỉnh tề bước vào, chỉ gật đầu chào tôi rồi đi vòng quanh phòng sách, xem cái này cái kia.

Chờ cho anh ta thoải mái một chút, tôi tiến lại gần chào, hỏi thăm, được biết tên anh ta (chỉ xưng tên, không nói họ) và cho biết cũng ở gần đó. Câu chuyện từ từ thân mật hơn, rồi tôi nghĩ đến lúc phải nắm lấy cơ hội mà làm chứng cho anh ta.

Anh có biết gì về Chúa chưa? Tôi hỏi.
Dạ có tin Chúa rồi. Anh ta cười.
Anh đi nhóm ở nhà thờ nào?
Dạ, ở trên đường Nutwood, gần đây…
Ông Mục sư nào quản nhiệm Hội Thánh đó vậy anh, tôi thân mật hỏi.
Dạ….. tôi. Anh ta lại cười.

Chúng tôi quen nhau như vậy, như một bắt đầu bình thường, như mọi người. Vì nhà thờ của anh ở gần nhà sách, nhà sách ở gần nhà thờ, nên tôi và anh thỉnh thoảng gặp nhau không nhà này thì cũng nhà kia. Khi đã hơi thân thân rồi, thì anh mời tôi đến nhà …anh, cũng gần đó.

Có khi buổi trưa, anh gọi: Có ai ở trong nhà sách với anh không, anh K. Ban đầu anh vẫn gọi tôi là anh K. (vì lễ phép, vì nhỏ hơn tôi đến …6 tuổi), nhưng sau này vì bị tôi than phiền hoài nên đã đổi sang gọi là ông xưng …tui cho nó thân tình hơn.

Nếu có thì sao, tôi hỏi.

Nhờ coi dùm nhà sách một chút được không? Chạy đến nhà tôi, tôi nấu đồ ăn Mỹ cho ăn, bà xã tôi không có nhà, mình thoải mái.

Thế là tôi chạy đến, nhìn bạn trổ tài nấu đồ ăn Mỹ, ăn với bạn, rồi trở lại làm việc. Trong suốt ba năm ở California, ba năm cho xong cái bằng BA đầu tiên, tình bạn của chúng tôi phát triển đều đều, tạ ơn Chúa là sau khi tôi đã tốt nghiệp BA, rời trường, thì anh được Viện Thần học mời làm giáo sư ở đó, may mắn tôi không …bị trở thành học trò của anh, nếu không thì tình bằng hữu đã phải biến thành tình …sư đệ (sư phụ đệ tử), vì nhất tự vi sư bán tự vi sư mà.

Những ngày cuối của chương trình học, biết tôi sẽ tốt nghiệp, và sẽ tốt nghiệp với thứ hạng …cao (!!!), anh hỏi dò ý tôi có muốn phục vụ Chúa trong cùng một giáo hội với anh không? Đây là lời mời đầu tiên, một offer đầu tiên cho một sinh viên thần học còn đang học trong trường. Vì rất …chịu anh chàng này, tôi OK liền, và cũng vì một lần kia khi đến nhà thờ anh dự lễ, nhìn thấy ông bạn vàng trong bộ áo lễ trắng, thắt một sợi dây …thừng ngang hông, tôi càng chịu thêm. Chúng tôi đi đến một chủng viện đẹp như một bức tranh trên đồi, thán phục ông bạn nói tiếng Anh như gió trong khi vốn tiếng Anh của tôi thì ...ngược gió. Nhưng tôi tin rằng Đức Chúa Trời không có ý định để tôi ở cùng một giáo hội với anh. Không có một gợi ý nào của Ngài về vấn đề ấy cả, tôi fail ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên với những …đại diện của giáo hội này và sau đó rút lui cho dù bạn tôi hết sức… nài nỉ. Tôi từ giã California để đi đến vùng đất mà Đức Chúa Trời đã chọn, chứ không phải bạn hay tôi.

Trong nhiều năm, tôi cứ trở lại California nhiều lần, vì đại gia đình của tôi ở đó, vì nhiều lý do, và cũng vì sự gắn bó của mình với miền đất này. Sau nhiều năm, chục năm, gần hai chục năm, người quen còn lại ở tiểu bang nắng ấm này mà mình có thể đến nhà ngủ lại, ngồi với nhau chén anh chén tôi trên cái deck bằng gỗ ngó xuống mảnh sân sau nhạt nhòa trong bóng hoàng hôn, những lần đón nhau ở motel, ở phi trường, đi ăn không biết bao nhiêu lần, buồn buồn muốn gọi lúc nào thì gọi, nói nhiều câu nhiều khi chẳng ăn nhập vào đâu với đâu cả, là anh, người bạn thật thầm lặng mà gắn bó một cách lặng thầm. Lần về Cali để nhận một giải thưởng, tôi lại gọi: K. ơi (tôi vẫn thích gọi anh bằng cái tên trần trụi như vậy, như một người có số tuổi đời lớn hơn), đi làm …thợ chụp hình cho tôi được không, anh lại vui vẻ, rất sốt sắng, nhận lời, chở tôi đi trên chiếc xe mà tôi không biết phải gọi bằng xe gì vì nó …cổ điển hơn cả những chiếc xe của các ông Mễ đi làm lao động. Đến nơi, trong cái không khí rộn rã của văn chương, văn học, ông Mục sư hiền lành của tôi chỉ ngồi …cười cười, tham dự cách lặng lẽ với niềm vui của bạn.

Gần hai mươi năm sau khi từ giã Cali mà đi, tôi biết bạn tôi không ít nhiều gì cũng kém vui vì vìệc tôi không cùng hầu việc Chúa chung với anh trong cùng một giáo hội. Từ trong nỗi băn khoăn đó, anh thường khi hay nhắc đến việc tôi trở về. Quên thì thôi, nhưng hễ có một cái gì …cảm động, anh lại nói: chừng nào thì đứa con đi hoang mới trở về mái nhà xưa? (tên một truyện ngắn của tôi), và không chỉ nói, anh nuôi một ước vọng, và tìm cách biến giấc mơ thành hiện thực. Cái lý do mà tôi phải viết về bạn tôi trong truyện ký này chính là điều đó, là một điều luôn làm cho lòng tôi cảm động. Bạn tôi rất khác tôi, là một người chọn ngành khoa học để học, rất ít biết về văn chương, thậm chí chẳng bao giờ đọc các sách truyện Việt Nam, thậm chí chẳng bao giờ đọc truyện, thơ hay sách của tôi ngoại trừ những lần bị tôi …bắt buộc phải đọc (một phần vì sang Mỹ còn rất trẻ, tiếng Việt của anh cũng có phần bị hạn chế), còn tôi, thì chẳng bao giờ biết gì về khoa học. Nếu cả hai thình lình có cùng một nhu cầu chia sẻ về lãnh vực sở trường của mình, thì chắc là mạnh ai nấy nói. Điều làm tôi yêu mến anh là vì tấm lòng của anh bày tỏ một cách đơn giản và thực tế như một người của khoa học, chứ chẳng sâu xa kín đáo rườm rà như một người của chữ nghĩa văn chương.

Có một kỷ niệm khó quên là lần anh mời tôi edit một quyển sách lớn của Mục sư Martin Luther đã được dịch sang tiếng Việt, điều không bao giờ có trong suy nghĩ tôi. Ông kiếm việc cho tôi làm hả, tôi e rằng ông cho tôi leo lên hơi cao đó, tôi đùa. Ông là nhà văn lớn, từng đoạt giải thưởng, lại xuất bản sách này kia, dư sức, anh đùa lại. Tôi đã vất vả đánh vật với cuốn sách đồ sộ bằng tiếng Anh đầy những từ thần học, tra tự điển có khi cũng không có, của Mục sư Luther và mấy trăm trang bản dịch tiếng Việt đầy những gạch đỏ gạch xanh cần edit lại. Tôi thậm chí …oán trách anh chàng giao nhầm việc cho tôi khi cố tìm một chữ thay thế nhức tung cả đầu, mà không biết có đúng không. Công việc kéo dài hàng tháng, hàng nửa năm, hơn nửa năm, gần cả năm, khi send được toàn bộ bản edit đi cho anh, tôi tuyên bố sẽ chẳng bao giờ nhìn tới nó nữa vì quá …kinh hãi. Bù lại, thì cơ quan xuất bản sách của giáo hội đã gởi cho tôi một cái check vài trăm gọi là cám ơn tấm lòng giúp đỡ (nhưng thời gian qua tôi vẫn cứ canh cánh bên long về bản edited của mình cho đến khi cuốn sách được xuất bản)

Ngoài công việc quản nhiệm Hội Thánh và sau này thêm việc đi dạy học tại các trường High School của Mỹ, việc…bán thời gian anh thường làm là kiếm Hội Thánh ở bên Cali cho tôi về, anh vẫn chẳng bao giờ quên mối …hận ngày nào không lôi kéo được tôi về cùng một giáo hội. Điều buồn cười là chưa bao giờ tôi nhờ anh tìm cho tôi một chỗ hay chưa bao giờ anh hỏi tôi có muốn về lại California hay không, anh cứ tỉnh bơ làm điều anh muốn, khi anh thấy, hoặc nghe đâu đó, đang có ý mời Mục sư, thì anh nghĩ ngay đến tôi và …gọi ngay cho tôi, và bảo: ông gọi họ đi, chứ chẳng hỏi: ông có muốn không? Không ít lần anh báo cho tôi có Hội Thánh này Hội Thánh kia (ở Cali) cần Mục sư và kêu tôi liên lạc. Khi tôi từ giã Maryland mà về Texas mười một năm sau đó, anh nói giọng hơi buồn: ông vẫn nhất định không về Cali hả. Một lần kia anh gọi: Ông bạn cố tri ơi (chữ anh thường dùng, và tôi thường nghĩ trong đầu: dùng sai chữ rồi) nếu Hội Thánh Mỹ ở đây mời tôi quản nhiệm cho Hội Thánh họ, thì ông có về take care giùm Hội Thánh Việt Nam cho tôi được không? Tôi bèn nói đại là được, chờ xem anh chàng làm gì được, nghĩ rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Dần dần không nghe nói gì thêm, tôi hỏi: Sao, Hội Thánh Mỹ đã mời ông làm quản nhiệm chưa. Anh chàng nói: họ không mời nữa. Có vẻ buồn, nhưng vẫn không chịu bỏ cuộc.

Ngoại trừ gia đình, những lần về California tôi có 3 người bạn để ghé thăm mà tôi gọi đùa là bạn lớn, bạn vừa, bạn nhỏ (tall, grande hoặc venti) thì anh chính là ông bạn vừa, loại size mà tôi thường uống khi vào Starbucks, có những lần về gấp gáp không có đủ thì giờ thăm hết cả 3 bạn, thì vẫn có chút thì giờ cho bạn vừa (xin lỗi hai bạn kia, bạn vừa vẫn…vừa hơn đối với tôi) Trong một bài thơ viết về 3 người bạn, có mấy dòng cho bạn vừa:

orange, căn nhà có một trái tim
và những bước chân trôi lang thang
trong phố cũ chapman buồn nản
kính, cây bút chì cần mẫn
kẻ vạch đời mình trong những
ô cửa vuông mầu của nhà thờ…

Ngay cả một lần gấp quá, hẹn nhau đi ăn trưa để gặp nhau một chút, rồi anh lại bị kẹt trong lớp học, tôi phải đi ăn một mình. Vừa ngồi xuống ghế, nghe điện thoại reng, và nghe tiếng nói: ông ơi bây giờ không kịp nữa, tôi phải ăn trong văn phòng rồi trở lại lớp ngay, thôi mình ăn long distance vậy nhé, ông cho tôi biết ông đang ăn cái gì, tôi cũng cho ông biết tôi ăn cái gì, rồi mình ăn chung vậy. Ông hóa học, ông Mục sư, ông giáo sư, bạn tôi, có đôi khi (hiếm khi) ông cũng có những suy nghĩ khá thú vị như một thi sĩ, dù chẳng bao giờ làm thơ hay đọc thơ, khi đọc một câu trong tập thơ tôi gửi, cười hỏi: câu đó có nghĩa gì vậy ông.

Có một lần tôi khám phá ra sự mật thiết của tình bạn mà tôi đã gắn kết từ nhiều chục năm, và bây giờ thì tôi nghĩ rằng chữ bạn cố tri mà bạn tôi dùng đã có thể …dùng được (16 năm kể từ lần đầu gặp gỡ ấy còn gì). Là hôm mà chị tôi (tín đồ của anh) gọi báo tin anh bị ngất xỉu trong một giờ dạy học, mặt đập vào cạnh bàn, phải chở vào bệnh viện cấp cứu và may vá vết thương, từ trán xuống đến cằm (nhưng cảm tạ Chúa là không trúng mắt) Tôi ngay lập tức hốt hoảng (thật) gọi vào bệnh viện, nghe bên kia đầu giây: ông đấy à (tiếng Bắc), tôi không sao, đã may vài (chục) mũi, hy vọng là không bị thẹo làm …xấu trai đi (vẫn còn đùa được) Tôi hơi cao giọng trách móc về việc anh chàng đã nhịn đói từ sáng đến chiều cho nên bị ngất xỉu. Lần sau về, tôi nhìn mặt xem có bị thẹo không thì thấy chẳng có thẹo gì hết, vẫn còn …tương đối đẹp trai.

Đó là lúc ngồi ngoài sân của Lee Sandwiches trên đường Harbor (?) tháng 10 vừa rồi khi tôi đi Sydney về, sau khi chở tôi từ Motel 6 gần đó ra, và nhắc lại: tôi không biết ông mướn motel, tôi tưởng ông ở nhà các chị em ở đây nên không nói. Lần sau ông đến thì ở nhà tôi, đừng có khách sáo mướn khách sạn nữa. Lần đó cả hai nhìn nhau kỹ hơn và khám phá ra mái đầu ¾ muối ¼ tiêu của tôi, anh nói: sao ông không đi nhuộm đi, ông đâu đến nỗi già lắm đâu (tức là đã già nhưng chưa đến nỗi), tôi cũng nhuộm rồi đây nè, nếu không nhuộm thì tôi cũng chẳng kém gì ông. Rồi anh chàng huyên thuyên quảng cáo về sự ích lợi của việc nhuộm tóc. Tôi chỉ ngồi im nghe và cười chứ chẳng nói gì cả. Lúc chở tôi về lại motel, anh chàng hạ thấp giọng: ở nhà tôi có sẵn đồ nhuộm tóc, tôi chở ông về nhà tôi nhuộm tóc cho nghe, mau lắm. Tôi phì cười vì sự …dụ dỗ ngây thơ đó, nhưng tôi có …can đảm để từ chối. Ông ơi, người ta đã quen nhìn mái đầu bạc của tôi như thế này rồi, thình lình nhuộm đen, người ta hiểu lầm tôi …hồi xuân thì sao (!!)

Lần mới nhất và cũng là lý do khiến tôi phải nghĩ đến việc viết một cái gì đó về anh để thâm tạ tấm lòng của bạn. Anh lại cho biết có một Hội Thánh (lớn) của Việt Nam ở đây đang tìm Mục sư, nói tôi liên lạc thử xem. Tôi nói: ông ơi, lần này leo cao quá đấy, tôi không có qualify đâu. Anh chàng nhất định cãi: không, tôi đã nói chuyện với ông Mục sư cựu quản nhiệm ở đây rồi, ổng là giáo sư của ông, biết rõ ông, ổng nói là ông qualify mà. Tôi vẫn nghĩ là anh nói đùa, hay hơn một chút, là nói quá, đặt tiêu chuẩn cao cho bạn mình. Vả lại tôi nói, ông ơi, ngoài tiêu chuẩn đó, tôi cũng không đủ tiêu chuẩn tài chánh để về Cali lúc này, ông biết mà. Tôi nói đùa thêm, ông muốn thì thử giới thiệu tôi cho họ đi. Ngày kia anh chuyển cho tôi một bức thư của anh gởi cho Ban Tìm Mời Mục sư của Hội Thánh đó, giới thiệu tôi với những tiêu chuẩn rất hấp dẫn, kèm với sự bảo đảm của ông Mục sư giáo sư tôi. Tôi ngồi trước laptop, đọc đi đọc lại những giòng chữ của bạn, không phải viết cho mình, mà lòng dạ cảm động (thật đấy)

Tôi email lại, viết: nói giỡn mà làm thiệt sao, cha nội?

Anh viết lại ngay tức thì: nói giỡn nhưng làm thiệt, 100%.

Tôi gọi nhà tôi lại cho xem cái email, và nói: coi anh chàng này nè, để xem Chúa muốn gì.

Tôi đoán là Chúa sẽ không làm gì hết, nhưng chỉ là sự ước đoán của loài người. Ý tưởng ta cao hơn ý tưởng của các ngươi, có thể Chúa …cảm động vì sự tha thiết cầu xin của bạn tôi qua nhiều năm tháng chăng, ai biết được ý Chúa. Tôi không chờ không đợi, khi nào Chúa muốn thì Ngài sẽ làm. Nhưng tôi vẫn nói chuyện với bạn, những khi chợt muốn nói một cái gì đó. Có một người bạn mà mình có thể gọi bất cứ lúc nào, có khi nói những chuyện chẳng có gì quan trọng, chỉ nói cho vui rồi cười ha hả, cho qua, há chẳng phải là …sướng sao (Lâm Ngữ Đường: Sống Đẹp)

Và trong đức tin tôi hy vọng rằng tình bằng hữu giữa chúng tôi (trong Chúa có 3 điều quan trọng nhất: đức tin, hy vọng và tình yêu) sẽ còn kéo dài mãi cho đến ngày chúng tôi gặp lại ở thiên đàng, và bấy giờ bạn tôi không còn bứt rứt về vấn đề hầu việc Chúa chung một giáo hội hay ở cùng chung một tiểu bang để có thể gặp nhau lúc nào cũng được, vì chúng tôi chỉ còn một giáo hội duy nhất ở thiên đàng, chỉ có những căn nhà nằm trên các con đường sạch sẽ thơm tho bên bờ những giòng sông vàng ngọc bốn mùa hoa nở trái mọc, muốn gặp lúc nào thì gặp, muốn nói gì thì nói.

Trần Nguyên Đán
(Trích “Nếu Những Con Chim Biết Nói,” sách mới 2012)

Ý kiến bạn đọc
22/07/201212:46:29
Khách
chuyện viết hay quá !!! Bá Nha Tử Kỳ ở Mỷ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,722,093
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến