Hôm nay,  

Ngả Rẽ Này Cho Em

13/07/201200:00:00(Xem: 317929)
viet-ve-nuoc-my_190x135Nhà văn, nhà giáo Nguyễn Mộng Giác, tuổi Canh Thìn 1940, vừa tạ thế đúng vào năm Nhâm Thìn. Tang lễ đã được cử hành cuối tuần qua. Trong số tác giả nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2011, có người em gái của nhà văn Nguyễn Mộng Giác la Bà Sương Nguyễn. Trong danh sách chung kết năm nay, có người 24 năm trước đã viết bài cho tạp chí Văn Học do Nguyễn Mộng Giác chủ bút. Đó là tác giả ThaiNC, tên thật Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biên đến Mỹ 1979, định cư tại San Jose, CA. Cuối thập niên 1980, ThaiNC gửi sáng tác của chàng cho tạp chí Văn Học.

Mời đọc ThaiNC và cùng trân trọng tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Mộng Giác.

***
*Đôi lời…

Lần đầu tiên viết thư cho nhà văn Nguyễn Mộng Giác để gởi đến nguyệt san Văn Học hai bài viết mới, tôi phân vân không biết nên xưng hô thế nào cho phải. Thưa ông? Anh? Hay thưa Chú?... Cuối cùng, biết ông từng là nhà giáo, tôi viết rằng:

“Thưa Thầy,

“Xin được gọi là Thầy mặc dù chưa ngồi trong lớp của Thầy một ngày nào cả.”

Lúc đó khoảng năm 1988 hay 89, tôi đang tập tễnh viết lách, và lần đầu tiên gởi bài cho Văn Học, vốn là một nguyệt san rất có uy tín, chủ bút là nhà văn Nguyễn Mộng Giác.

Khoảng ba tuần sau tôi nhận được thư hồi âm của Thầy. Thật là cảm động, vì Thầy đã viết cho tôi một lá thư khá dài. Thầy khen truyện thứ nhứt “Ngã Rẽ Này Cho Em” và nói sẽ đăng ngay trong số tới. Truyện thứ hai Thầy… cũng khen là đề tài hay, nhưng nói bài viết còn thô sơ quá, đề nghị tôi viết thêm, gởi lại cho Thầy đọc một lần nữa. Tôi có lấy bài đó ra viết thêm nhưng không thể viết gì được vì đã hết cảm hứng, đành xếp lại, và lâu ngày mất luôn bản thảo.

Điều làm tôi cảm động nhứt là nhân đọc cả hai bài viết, Thầy có nhắc nhở tôi một vài khuyết điểm mà những người trẻ mới viết thường mắc phải để tôi có thể tránh cho những bài sau.

Tôi chỉ tình cờ gọi nhà văn Nguyễn Mộng Giác là Thầy, nhưng qua lá thư hồi âm trên, Thầy đã thực sự chỉ dạy cho tôi vài điều rất bổ ích trong việc viết lách của tôi sau này.

Tuy chưa bao giờ gặp mặt, và chưa từng ngồi trong lớp của Thầy, nhưng: nhất tự vi sư.

Vĩnh biệt Thầy Nguyễn Mộng Giác.
ThaiNC (NNB)

*Ngả Rẽ Này Cho Em

Tuy là chị em, nhưng chị Ánh đẹp hơn tôi nhiều lắm. Hình như chị ấy đã dành trọn vẹn một nửa dòng máu Pháp từ mẹ tôi truyền lại, nên đến phiên tôi chẳng còn chút gì. Chị Ánh cao hơn mức bình thường của người đàn bà Á Đông nhiều. Da chị trắng toát, lồ lộ đôi mắt xanh nâu quyến rũ. Nếu chị nhuộm tóc thành màu bạch kim có lẽ ai cũng cho là Đầm thứ thiệt. Lúc tôi mới lớn, bắt đầu chú ý chăm sóc nhan sắc của mình, thỉnh thoảng chị Ánh đến sau lưng và nhìn vào trong gương chỉ thấy tôi đứng ngang cằm, chị hỏi "Sao mi lùn vậy Tuyết". Tôi quay lại hờn dỗi vu vơ "Chị ăn gian lấy hết của mẹ không chừa cho em tí nào!" Chị Ánh cười lanh lảnh, nửa sung sướng, nửa thương hại đứa em lỡ sinh sau đẻ muộn nên chịu thiệt thòi.

Tôi đem điều này nói với anh Hoàng, anh lắc đầu không đồng ý: "Tuyết đâu có lùn, tại chị Ánh cao mà thôi. Bảo đẹp hơn càng không đúng. Hai chị em mỗi người một vẻ, đâu thể so sánh được". Tôi thắc mắc tại sao chị em lại khác nhau quá. Anh mang một lô lý luận vạn vật học về sự di truyền của các loại gien gì đó dài dòng phân giải. Tôi chẳng hiểu gì cả, nhưng câu trả lời đầu tiên đã xoa dịu nỗi mặc cảm thua kém của tôi đối với chị Ánh, và sinh ra có cảm tình với anh Hoàng nhất trong số các bạn trai của chị ấy.

Mà chị tôi có nhiều bạn trai thật. Cũng là điều hiển nhiên vì chị đã đẹp, lại họat bát, và tương đối ...dễ dãi nữa. Có điều tôi không hiểu tại sao những người theo đuổi, tán tỉnh chị, ai nấy đều hăm hở, say đắm, và tin mình sẽ chinh phục được trái tim người đẹp. Có lẽ đây là nghệ thuật giao thiệp của chị.

Hoàng cũng ở trong số đó. So với các bạn trai khác của chị Ánh, Hoàng có vẻ thành thực và hiền lành hơn hết, nên anh rất được cảm tình của bố, và cả cô em gái là tôi nữa.

Thật ra tôi có cảm tình với anh Hoàng không phải vì anh khen tôi đẹp (đẹp khác chị Ánh). Tôi nhớ rất rõ vào một buổi chiều, anh gọi điện thoại nói đến nhà chơi. Chị Ánh đã chịu, bỗng nhiên giở chứng khoác áo đi đâu không biết, chị nhờ tôi tiếp anh Hoàng chờ chị trở về. Khi anh tới, trời đang mưa. Dáng anh có vẻ buồn buồn. Tôi trấn an anh là chị Ánh sẽ về tới. Anh bảo không phải. Mỗi lần trời mưa, anh thường nhớ nhà, và đặc biệt nhớ người em của anh còn kẹt lại quê nhà. Lần đầu tiên nghe anh nhắc tới gia đình, tôi tò mò hỏi. Anh kể rằng anh còn một em gái, cũng trạc tuổi tôi. Nhà chỉ có hai anh em nên anh thương em lắm, muốn gì cũng chìu. Hồi còn nhỏ, mỗi trưa anh đều chở em đi học, chiều lại đến đón về. Một hôm anh chở em về sau khi tan học, trời đổ mưa, hai anh em đều không có áo. Thay vì tìm chỗ trú, anh lại chở em đội mưa về nhà. Hôm sau cô em bị cảm lạnh, rồi sinh thương hàn phải nằm liệt giường gần một tháng. Anh hối hận quá, cứ trách mình dại dột, lỡ có bề gì ân hận không hết. May sao em gái anh lành bệnh. Anh lại tiếp tục nhiệm vụ chở em đi học như trước. Có điều là từ đó, trong cặp anh bao giờ cũng có chiếc áo mưa. Bạn bè thấy vậy chọc anh là nhà tiên tri. Vì anh đoán hôm đó trời sẽ mưa.

Bây giờ hai anh em mỗi người một nơi, cách nhau một đại dương. Thỉnh thoảng viết thư cho anh, cô em dù đã lớn vẫn ước ao có anh bên cạnh mỗi khi trời mưa đi học về một mình.

Anh Hoàng làm tôi xúc động, và lần đầu tiên trong đời tôi khám phá ra mình đã thiếu tình thương và sự chìu chuộng của một người anh. Tôi có chị, nhưng chị Ánh và tôi chưa từng có một kỷ niệm nào đáng nhớ như anh em Hoàng, nếu không muốn nói là chị ấy vẫn lấn át tôi từ nhỏ cho đến lớn. Tình chị em cũng có đó, nhưng sao hời hợt, không một biểu lộ nào rõ rệt. Phải chi tôi có một người anh như anh Hoàng, có lẽ tôi dễ dàng thông cảm và tâm sự nhiều hơn so với chị Ánh. Thấy anh bùi ngùi, tôi định buột miệng nói "Tuyết không có anh, hay anh Hoàng nhận Tuyết làm em đi, như em gái anh ở Mỹ vậy." Nhưng chị Ánh về tới. Câu chuyện chấm dứt vì tôi đã hết phận sự.

Từ đó, tuy không đề nghị làm em anh, nhưng tôi và anh trở nên thân mật hơn nhiều. Tôi luôn tìm cách nói tốt cho anh Hoàng với chị Ánh, tìm mọi lý do để dè bỉu những bạn trai khác của chị. Tôi thầm mong chị Ánh sẽ chọn anh Hoàng, đương nhiên anh ấy trở thành anh của tôi, một người anh hiền lành và đáng kính. Tôi nói nhiều quá đến nỗi chị Ánh hỏi "Tuyết à, hay là mi cũng chịu anh Hoàng? Tao thấy mi và anh ấy hạp nhau lắm. Nếu vậy thì tao nhường". Trời ơi, không ngờ chị Ánh có thể nghi ngờ độc địa đến như vậy, chị làm tôi ngượng và không dám nói thêm nữa, sợ chị hiểu lầm thêm. Tuy nhiên tôi vẫn giữ niềm mong ước đó.

Niềm mong ước của tôi không bao giờ thành sự thật. Những đại nạn liên tiếp xảy ra làm thay đổi hẳn đời tôi thật tàn khốc.

Đêm đó, tôi cùng chị Ánh nghe tiếng cãi vã trong phòng bố mẹ. Ban đầu hai người chỉ rầm rì sợ chị em tôi nghe. Nhưng về sau, bố như không còn giữ bình tĩnh được nữa. Tôi nghe bố kết tội mẹ ngoại tình. Ô hay, tôi có nghe lầm không? Như chuyện hoang đường. Có tiếng xô ghế bên trong và tiếng mẹ bật khóc. Chị Ánh sợ bố đánh mẹ nên đập cửa rối rít. Còn tôi chỉ đứng lặng một chỗ vì câu chuyện ghê gớm mới nghe. Cánh cửa bật mở. Bố xồng xộc đi ra ngoài, lái xe đi mất trong đêm tối. Chị em tôi chạy vào bên mẹ, thấy bà chỉ rấm rứt, hỏi gì cũng không nói.

Sáng hôm sau, bố trở về với mùi rượu nồng nặc. Ông như cái xác không hồn, xiêu vẹo. Nhà đi vắng hết. Mẹ vẫn đi làm như không có chuyện gì xảy ra. Chị Ánh phải đến trường vì gần mùa thi. Chỉ có tôi ở nhà vì thần kinh quá căng thẳng từ đêm qua. Tôi giận bố tôi lắm, nhưng thấy ông bệ rạc ngã sóng soài trên ghế nên pha ly nước chanh và dìu bố về phòng.

Những ngày kế tiếp, không khí gia đình tôi thật ngột ngạt. Bố nghỉ ít ngày rồi cũng phải đi làm tiếp, không nói với mẹ tôi tiếng nào, cả với chị Ánh nữa. Chị ấy đứng về phe mẹ, giận bố ra mặt. Chỉ có tôi ở giữa. Có lẽ mọi người coi tôi còn nhỏ chưa biết gì. Trong thâm tâm tôi tin mẹ tôi vô tội. Có lý nào, người mẹ kính yêu lại làm chuyện tồi bại. Nhưng sau hôm đầu tiên ở nhà và chứng kiến nỗi đau khổ của bố, nhìn ánh mắt buồn bã của bố, tôi biết ông không thể bịa đặt câu chuyện trên gán cho mẹ. Phải có lý do. Và tôi cầu mong đây là một sự hiểu lầm. Không ai có lỗi cả.

Nhưng hình như là một số phần khắc nghiệt dành sẵn. Hễ tôi cầu mong điều gì, điều đó không bao giờ xảy ra.

Mẹ vẫn đi làm. Bà trang điểm thật chải chuốt mỗi sáng khi ra đi. Chiều về thật trễ, có khi đến tối khuya. Mẹ đi đâu? Làm gì?

Niềm tin tưởng mẹ bắt đầu lung lay, lung lay, và cuối cùng bật tung cả cội rễ ngã sóng soài trơ trẽn khi một hôm tôi tận mắt nhìn thấy mẹ trong tay một người đàn ông lạ mặt, trẻ hơn mẹ nhiều lắm. Tôi đứng sững sờ, sây sẩm mặt mày. Mẹ tôi đó sao! Có đứa con nào trên đời này nhận lầm mẹ ruột của mình không? Nhất là chiếc áo rực rỡ mẹ mặc khi ra khỏi nhà sáng nay. Tôi bám chặt tay vào hành lang, nhưng vẫn không gượng nổi, ngồi bệt xuống đất. Tôi cắn môi, giựt tóc, cào tay. Vô ích. Sự thực vẫn là sự thực. Môi tôi bật máu, nước mắt ràn rụa, và bật khóc hu hu giữa hàng người tấp nập đi qua. Vài người dừng lại ái ngại hỏi thăm. Tôi cố gắng đứng dậy chạy như điên cuồng.

Về nhà, tôi lao vào lòng bố khóc tấm tức. Tôi khóc cho tôi, cho bố. Bố hỏi chuyện gì. Tôi nói "Bố ơi, con thấy mẹ, mẹ ...", không dám nói câu kế tiếp.

Mẹ về. Bà kêu tôi vào cho cái áo. Cái áo mà tôi rất thích và từng nói mẹ mua cho mấy tuần trước. Tôi trả lại, nói "Con không thèm", và chạy vào phòng trước sự ngạc nhiên của bà. Tôi vẫn còn đủ bình tĩnh. Đúng ra tôi muốn gào lên rằng "Có phải cái áo này hắn mua cho mẹ ở shopping X không? Tôi đâu cần đồ của thằng khốn kiếp đó!"

Tôi kể cho chị Ánh nghe. Chị không tin. Chị bao giờ cũng về phe mẹ. Không khí trong nhà thật khó thở. Trước kia còn có tôi du di ở giữa, nay tôi đứng hẳn với bố thành hai phe rõ rệt. Nhà chỉ có bốn người mà như địa ngục.

Giữa lúc đó, chị Ánh lại tung quả bom thứ hai. Chị xin bố mẹ được kết hôn. Người chị chọn không phải anh Hoàng. Là Thân, người giàu nhất trong số những người theo đuổi. Mẹ tôi đồng ý ngay tức khắc. Bố tôi chỉ thụ động. Hình như ông không còn ý chí gì để quyết định nữa. Những ngày qua ông sống một cách chịu đựng, có lẽ vì tụi tôi hơn là cho chính ông. Đứa nào lập gia đình sớm tốt cho đứa đó.

Buổi tối, tôi qua phòng chị Ánh. Câu chuyện xoay quanh quyết định bất ngờ của chị. Khá lâu, từ ngày vụ mẹ tôi đổ vỡ, hai chị em mới có dịp gần gũi tâm sự.

Tôi hỏi:

- Tại sao chị vội vã vậy?

Chị Ánh nói:

- Tao không thể chịu nổi không khí trong nhà này nữa rồi. Đi cho khuất mắt.

Câu trả lời của chị làm tôi ngạc nhiên. Dễ dàng như vậy sao?

- Nhưng còn anh Hoàng? Tôi hỏi tiếp.

- Thì ... anh ấy cũng sẽ quên tao, sẽ có người khác. Giữa tao và anh ấy chưa có gì cơ mà.

- Em hỏi thật, vậy giữa anh Hoàng và anh Thân, chị yêu ai hơn?

Chị Ánh suy nghĩ một chút, và trả lời:

- Đúng ra, tao "mến" anh Hoàng hơn.

Tôi tròn xoe mắt, than:

- Vậy mà chị nhận lời anh Thân!

- Tuyết à, mi cũng lớn rồi, nhưng chưa đủ lớn để hiểu đâu. Không phải yêu ai là lấy người đó. Anh Hoàng và tao không hợp. Anh ấy hiền quá. Lấy tao ảnh sẽ khổ.

- Tại sao?

Chị Ánh tắt dèn và bước lại giường ngủ, nói:

- Tại vì ... tao giống mẹ.

Tôi bước ra, đầu óc quay cuồng vì những lời khó hiểu của chị; phải một thời gian lâu sau mới thấm thía.

Đám cưới chị Ánh diễn ra đúng như dự định. Cưới và hỏi cùng lúc chỉ trong vòng tháng rưỡi. Những ngày gần đám cưới, không khí gia đình tôi cởi mở hơn, gần như mức bình thường. Bố thỉnh thoảng nói chuyện với mẹ. Tôi thương bố tôi quá. Dù sao ông cũng ráng quên đi mọi chuyện trước ngày vui của con gái. Mẹ cũng vậy, bà ở nhà thường xuyên hơn, tíu tít lo đủ mọi chuyện chỉ dẫn cho chị Ánh. Tôi khấp khởi mừng thầm. Đám cưới này tuy vội vã và gượng gạo, nhưng không chừng vì vậy mà xóa tan đám mây đen trong nhà.

Ngày hôn lễ. Tôi làm phù dâu. Bố mẹ tôi tươi cười bên nhau tiếp khách. Ai dám bảo gia đìng tôi đang trải qua cơn phong ba bão táp? Tôi để ý có vài người trước đây theo đuổi chị Ánh cũng có đến. Có lẽ để chiêm ngưỡng chị lần cuối. Không có anh Hoàng.

Đám cưới xong, vợ chồng chị Ánh đi tuần trăng mật ở Pháp, và sẽ du lịch vòng quanh châu Âu một tháng. Thân giàu lắm mà. Chỉ tội nghiệp anh Hoàng, không biết anh ở đâu! Nhưng điều làm tôi lo nghĩ nhất là quan hệ của bố mẹ. Tôi có cảm tưởng rằng nếu bây giờ mẹ còn nghĩ đến con cái, xin lỗi với bố, chắc ông sẽ sẵn lòng tha thứ. Trời hỡi, té ra tôi chỉ mơ mộng hão huyền. Mẹ tôi sau đám cưới, bà như rảnh nợ, trở lại như cũ, còn tệ hơn nữa. Bà vắng nhà luôn để hai bố con tôi lủi thủi trong căn nhà vắng lạnh. Bố ngao ngán. Mọi cố gắng kiên nhẫn và hy vọng đều thành mây khói. Ông uống rượu nhiều hơn, tiều tụy thấy rõ.

Và đây mới là đại nạn.

Chị Ánh ở Âu châu chưa về. Bố tôi một hôm trong cơn say rượu lái xe đụng người. Bố không việc gì, nhưng nạn nhân lại rất trầm trọng, ông bị giam giữ liền khi đó vì lái xe với nồng độ rượu trong người quá nhiều.

Nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ tôi dù đắm mình trong đam mê với người đàn ông kia, nhưng không hẳn là dứt tình. Bà hốt hoảng chạy mọi ngã để tìm luật sư, lo tiền thế chân cho bố được tại ngoại trong thời gian chờ hầu tòa.

Mọi lo toan của mẹ biến thành công cốc. Bố tôi mất chỉ mấy ngày sau khi xảy ra tai nạn, ngay trong phòng tạm giam. Ông bị đứt một dây thần kinh não bộ. Cuộc khám nghiệm của bác sĩ cho biết đây không phải do hậu quả của cuộc đụng xe, mà do bố tôi suy nghĩ quá nhiều. Những chuyện không may dồn dập xảy đến khiến ông không chịu đựng nổi, tức tưởi ra đi.

Khi chị Ánh trở về sau chuyến du lịch trăng mật, bước vào nhà thấy bàn thờ bố. Tội nghiệp chị, áo cưới chưa thay đã khoác áo tang.

Chị Ánh ở nhà một thời gian rồi cũng phải về nhà chồng. Còn lại hai mẹ con, và hình của bố. Mẹ giấu mình trong phòng, chỉ gặp lại tôi lúc ăn cơm, bữa cơm tẻ lạnh, không một lời nào qua lại. Mẹ ăn vội vã rồi vào phòng. Bà làm gì trong đó? Hối hận, thương nhớ bố tôi? Hay ... đọc tiểu thuyết? Chao ôi, chưa bao giờ tôi nghĩ về mẹ, người đã sinh ra và nuôi tôi khôn lớn với sự lạnh nhạt và chua xót như bây giờ. Cái chết đau đớn của bố đã đem đi tất cả những gì còn sót lại của tình mẹ con ấp ủ mười sáu năm tròn.

Cuối cùng tôi ra đi. Đi cho khuất mắt như chị Ánh đã nói đêm nào.
Nhưng tôi không được cái may mắn có người mang xe hoa tới rước như chị. Bước ra khỏi nhà, trước mặt tôi là một hẻm cụt đen tối. Tôi gia nhập một đảng bụi đời ở đây. Những đứa nhỏ cũng như tôi, từ bỏ gia đình, hoặc bị gia đình từ bỏ. Chúng tôi hợp quần nhau lại để sinh tồn. Hỡi ơi, với khả năng hạn hẹp và trí óc non nớt, để sinh tồn, chúng tôi chỉ có con đường duy nhất là lao vào những công việc mà xã hội lên án và đặt ngoài vòng luân lý cũng như pháp luật ...

Vậy mà đã hơn năm, sáu năm rồi, từ ngày tôi rời khỏi nhà để lao vào xã hội đen tối này. Những ngày tháng đầu tiên, mẹ tôi có tìm đến. Bà đứng ngoài cửa, khóc lóc, năn nỉ. Tôi ở trong nhà trùm kín mền nhứt định không tiếp, không nghe. Được mấy lần thấy tôi quyết liệt từ chối, tới chị Ánh tìm tôi. Tôi gặp chị, nhưng vẫn khăng khăng không chịu về nhà, dù chị nói rằng nếu tôi không chịu ở với mẹ thì về ở với chị. Tôi đã ngu dại bỏ qua cơ hội trở lại cuộc đời bình thường như bao cô gái khác khi chân chưa lún sâu vào vũng lầy. Tại sao? Đến bây giờ tôi chỉ có thể tự trách thái độ nông nổi không suy xét của mình mà thôi. Ngày đó, tâm hồn tôi chất chứa bao nỗi uất ức đắng cay do mẹ tôi gây nên. Tôi chỉ muốn đạp đổ, tự dằn vặt đời mình, hay làm bất cứ điều gì khủng khiếp nhất để mẹ tôi phải đau lòng mới hả.

Đến khi tôi đủ khôn để nhận thấy rằng đó là phản ứng tiêu cực mà bản thân mình phải gánh chịu mọi hậu quả, thì đã quá muộn màng. Tôi đã lún sâu vào vũng lầy vô phương vùng vẫy.

Tôi không còn liên lạc gì với mẹ, với chị Ánh khi rời bỏ mảnh đất San Jose mang nhiều kỷ niệm đó xuôi Nam. Băng của tụi tôi tan vỡ. Hầu hết đều bị cảnh sát tóm vào trại cải huấn, chỉ có tôi và một con bạn khác lọt lưới. Tôi theo nó về vùng Orange County bắt đầu cuộc sống mới. Nói là cuộc sống mới chứ thực ra cũng không khác cuộc sống cũ bao nhiêu. Chỉ khác là từ đây tôi đủ lớn, đủ bản lãnh để hoàn toàn độc lập, không lệ thuộc vào một băng nhóm nào cả.

Cũng có những lúc tôi nghĩ đến việc làm lại cuộc đời, một cuộc đời lương thiện như bao người đàn bà khác. Nơi đây tuy đông đảo những người đồng hương, nhưng không ai biết tôi là ai, quá khứ tôi ra sao ... Tuy nhiên, đó chỉ là những phút lóe sáng ngắn ngủi của tâm tư trong bóng đêm thực tế vô cùng. Nữ thần "Bột Trắng" đã ngự trị trong tôi từ những ngày tháng ngụp lặn điên cuồng. Tôi lại tiếp tục con đường cũ, con đường duy nhất mà tôi đã nhắm mắt đi tới bao năm qua. Chỉ có cái nghề này, loại nghề cổ xưa từ mấy ngàn năm và đặc biệt chỉ dành cho đàn bà, mới có thể giúp tôi thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của bà bột trắng.

Bất cứ ở đâu, lúc nào, trên cõi đời này, cuộc hội ngộ giữa hai người quen biết cũ cũng đều là những phút mừng vui, hay cảm động. Cuộc hội ngộ giữa tôi và anh Hoàng, trái lại, là cả một trời sống sượng. Anh là kẻ mua hoa, tôi là người bán. Tôi không thể nào diễn tả được trọn vẹn tâm trạng của mình khi hai chúng tôi đối diện. Tôi nhận ra anh ngay trong tia nhìn đầu tiên, nhưng Hoàng thì không. Dĩ nhiên, vì tôi thay đổi quá nhiều. Tôi đâu còn là con bé ngày xưa hay hỏi những câu ngớ ngẩn khiến anh phải mất công

giải đáp. Và nhất là làm sao anh có thể nghĩ đến việc gặp tôi tại chốn này. Tôi chỉ biết khi tri giác cho biết người đàn ông trước mặt là ai, toàn thân tôi bủn rủn như một luồng điện mạnh truyền qua thân. Tôi buột miệng thảng thốt "Ủa, anh Hoàng!" và ngã quỵ xuống sàn. Trời ơi, chưa bao giờ tôi cảm thấy xấu hổ, nhục nhã hơn lúc này. Tôi muốn vùng chạy ra khỏi phòng để tấm thân gần như trần truồng dưới lớp vải hở hang của mình khỏi phải phơi bày một cách bỉ ổi dưới mắt Hoàng. Nhưng đôi chân tôi lúc đó như thuộc về một người nào khác. Nó trơ trơ bất động. Tôi phải dùng cả đôi tay, như loài vượn, cố sức lùi lại. Khi đụng bức tường cuối phòng, tôi úp mặt trong tay bật khóc. Hoàng đã nhận ra tôi. Tôi nghe anh kêu lên tiếng duy nhất "Tuyết ?", và tiếng chân người bước vội ra ngoài.

Tuần lễ sau lần gặp không định trước đó, tôi nằm liệt giường như ốm nặng. Cả một quãng thời gian luân lạc tuần tự trở lại trong trí óc, dằn vặt, hành hạ tôi từng giờ, từng phút. Ô hay, tôi là ai? Tôi đã làm gì? Tại sao tôi lại ghê tởm với chính bản thân mình? Và, tại sao tôi có thể gặp lại Hoàng trong hoàn cảnh này?

Tôi có thể gặp lại anh. Trên núi, dưới biển, giữa phố, ngoài chợ, hay bất cứ nơi đâu. Trái đất này rộng lớn biết bao nơi chốn lại oái oăm đưa anh đến gặp tôi trong căn phòng chật hẹp và tội lỗi đó.

Khi đã nguôi ngoai, tâm hồn phần nào lắng dịu, tôi biết việc đầu tiên mình phải làm. Một động lực kỳ bí nhưng mãnh liệt thúc đẩy tôi phải tìm gặp lại Hoàng. Mấy năm rồi tôi là con thú hoang. Mẹ và chị Ánh đều từ bỏ sau khi tôi không chịu trở về từ dạo ấy. Dưới vùng trời này, tôi còn ai đâu thân thuộc. Anh Hoàng đã gợi nhắc tới những ngày tháng êm đềm mà tôi đã mất, đã quên. Trong tôi, con Tuyết lanh chanh, hay khóc của thuở xa xưa tưởng đã chết rồi, bỗng cựa mình rục rịch.

Gặp Hoàng lần thứ hai, tôi lại bình tĩnh một cách lạ kỳ. Tôi kể cho anh nghe những gì xảy ra cho gia đình tôi, cho chị Ánh, cho tôi... và kết thúc bằng câu hỏi "Anh thấy Tuyết ngu dễ sợ chưa?" Hoàng gật đầu "Nông nổi nữa. Nhưng chuyện đã qua rồi, bây giờ Tuyết phải nghĩ đến tương lai chứ".

Tương lai. Hai chữ tương lai của anh Hoàng đặt tôi về hiện tại, văng vẳng trong óc suốt quãng đường về nhà. Một tuần trước đây, tương lai đối với tôi chỉ là ngày mai. Và ngày mai cũng như hôm nay, có gì phải tính? Cứ nhắm mắt đi tới. Khi nào đụng phải cuối đường, tôi sẽ nằm xuống, đơn côi, ghẻ lạnh. Viễn ảnh đen tối làm tôi rùng mình bối rối. Có ngã rẽ nào cho em bước ra không?...

"Bííípp". Tiếng còi từ xe phía sau thúc giục. Đèn đường màu xanh chiếu sáng. Tôi đang ở trên con đường quen thuộc. Tới một chút nữa là nơi tôi hành nghề, nơi tôi đã gặp lại Hoàng.

Hồi còi thứ hai lại nổi lên giận dữ.
Tôi bặm môi quẹo trái./.
ThaiNC

Ý kiến bạn đọc
13/07/201207:51:27
Khách
Rất hay cho tác phẩm đầu tay.
14/07/201215:20:29
Khách
Văn chương lưu loát, niếu là tác phẩm đầu tay dù được Ô. Nguyễn Mộng Giác chỉnh trang cho vẫn còn rất hay.
Khúc cuối có hậu vì hình như cô gái này đã tìm được ngã rẽ của cô.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,292,032
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 17-6-2018. Mời đọc bài của Phan, nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang trong chương trình Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà là nhà giáo dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt tại Hoa Kỳ và là tác giả Kim Dzung Phạm, sách “Vietnmese: An Intro-ductory Reader” đã được Viện Việt Học và University of California, Riverside xuấn bản lần đầu trong năm 2008.
2018-1968, đánh dấu 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân, tiếp tục viết về cuộc tàn sát tại Huế. Susan Nguyễn là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada, lần đầu viết bài gửi Việt Báo. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 11 trong năm.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm niều bài viết đặc biệt. Nhân mùa Father’s Day đang tới, ông góp thêm bài viết về các cô nhi của tử sĩ VNCH hiện sống trên đất Mỹ.
Từ ngày Một tháng Bẩy 2018, giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ sang năm thứ hai mươi. Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18.
Vài hàng vềû tác giả: Trước 1975, là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1985. Công việc: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu tại Westminster, từ 2002. Năm 2005, tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Sau đây là hồi ký của ông dành cho loạt bài “Tưởng nhớ 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân 1968 - 2018.”.
Cam Li là cây bút quen thuộc của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Bài viết là một truyện ngắn mới, tác giả gửi tặng cho bạn đọc Việt Báo.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Trước 1975, ông là sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Hồi Ức về Trận Chiến Tết Mậu Thân sau đây là chuyện khi tác giả còn là một sinh viên.
Nhạc sĩ Cung Tiến