Hôm nay,  

Mẹ Tôi

30/06/201200:00:00(Xem: 209436)
viet-ve-nuoc-my_190x135Đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ năm của Lê Thị, trong số 7 bài tác giả đã liên tiếp gửi về cho toà báo. Trong số này, có 4 bài viết về đề tài đồng tính. Lê Thị -cư dân Chicago, 35 tuổi- với tài viết và sức viết mạnh mẽ khác thường, hiện là tác giả dẫn đầu số lượng người đọc Viết Về Nước Mỹ trong hơn hai tháng qua.

Đây cũng là bài viết sau cùng trong danh sách bài dự giải thưởng Việt Báo năm thứ 12. Họp mặt ra mắt sách và phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ sẽ được tổ chức ngày 12 tháng Tám sắp tới. Từ số báo đề ngày 1 tháng Bẩy, 2012, sẽ tiếp tục phổ biến những bài thuộc về năm tới.

* * *

Từ New York, tôi bay về San Jose thăm mẹ. Trong bữa cơm tối, lòng tôi nặng trĩu lo nghĩ nên im lặng không gợi chuyện như thường lệ. Đã mấy tháng trời, ngày nào cũng bão tuyết, hàng họ ế ẩm, tiệm vắng không một bóng người. Khủng hoảng kinh tế lan tràn làm nhiều khách của tôi dè dặt, không dám ăn xài. Tôi về nhà hy vọng sẽ khuây khoả, để quên hết những phiền phức, để không khí ấm cúng gia đình xoa dịu những ưu lo đã khiến tôi khó ăn khó ngủ.
Mẹ tôi dọn một bữa cơm thật ngon, đầy đủ các món khoái khẩu cho thằng con tham ăn từ xa về thăm nhà. 3 tô canh, 3 món xào, ba món kho la liệt trên bàn, vậy mà lòng tôi cũng không hào hứng mấy. Đầu óc tôi không gạt bỏ được những con số ám ảnh, sắp đến ngày trả tiền lương thợ, rồi phải lo tiền nhà, tiền hàng..., đủ thứ chi phí mà tiệm thì ế như Chùa Bà Đanh.
Mẹ tôi ngồi nhìn tôi ăn không nói gì. Hôm nay mẹ không chọc ghẹo, không la mắng, không đòi tiền, cặp mắt bà xăm xăm đi guốc xọc vào chiếu tướng từng cử chỉ của tôi.
Ăn cơm xong, mẹ tôi lửng thửng đi vào phòng và gọi tôi đi theo. Cái tướng Mẹ đi chậm rãi, đôi vai gầy gập lại vì đã bao năm tần tảo buôn gánh bán bưng, cái lưng thẳng thanh tao thời con gái của mẹ giờ đây đã còng xuống.
Tôi theo mẹ vào phòng, mẹ bảo tôi ngồi xuống giường. Bà lục lọi tìm ra một cái túi giấy dày cộm đưa cho tôi. Bất ngờ và ngỡ ngàng, tôi mở ra coi. Trong túi có 5 xấp tiền một trăm đã được sắp xếp ngay ngắn. Tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên, tôi chỉ ngó qua đã biết 5 bó ấy là $50,000.
- Mẹ đưa tiền cho con làm gì? Tôi hỏi.
- Mẹ biết con đang kẹt.
- Ai nói cho mẹ biết?
- Mẹ là mẹ con, nhìn cái mặt như cái bánh bao chiều của mày, Mẹ biết.
Tôi bật cười:
- Cám ơn Mẹ. Dạo này con gặp nhiều khó khăn, con không cho mẹ biết vì sợ mẹ lo buồn. Sao mẹ có nhiều tiền vậy?
- Tiền mẹ để dành và chơi hụi. Cầm lấy, đừng hỏi nữa.
Tôi cầm túi tiền của mẹ, vừa mừng, vừa thẹn. Thẹn vì lúc nào mẹ cũng chê mắng bảo tôi không phải là đứa con rượu của bà. Vậy mà bất cứ khi nào tôi không có lối thoát, mẹ tôi luôn là một ánh sáng trong đường hầm.
Ai cũng bảo tôi giống mẹ, nhưng lại thòng thêm một câu “con giống cha là nhà có phúc.” Tôi không biết mình giống mẹ hay giống bố. Nhưng nếu chỉ được một phần giống mẹ thì tôi đã quá vui. Chắc là tôi giống cái tính không sợ trời sợ đất, không sợ bị chê bai của Mẹ.
Tôi nhớ hồi ở bên Phi, tôi chưa đầy 12 tuổi. Sau khi ăn trưa, tôi nằm ngủ trưa trên cái sạp gỗ. Bên ngoài trời vừa nóng vừa ẩm, mồ hôi nhễ nhoại. Lũ ruồi như tìm được món mồi béo bở cứ thi nhau xông vào tôi chích lấy chích để. Mẹ tôi đang ngồi chuyện gẫu với một bà bạn. Một tay bà cầm cái quạt phe phẩy, một tay Mẹ cầm cái đồ đập ruồi cứ thỉnh thoảng là lại đánh cái đét vào đùi tôi để đuổi đám ruồi đang tấn công thằng con. Rồi vừa quạt đuổi ruồi Mẹ vừa chép miệng than thở:
- Thật là khổ. Tôi ra đi bỏ lại hết gia tài sự sản, bao nhiêu là nhà, là đất. Bỏ lại cả chục đứa con khôn ngoan của tôi. Ra đi tay không, chỉ đem theo mỗi hai đứa con xấu nhất và ngu nhất.
Tôi nằm im, tuy giả vờ ngủ nhưng trong đầu thắc mắc, đứa nào xấu, đứa nào ngu? Chị tôi là con lai, ai cũng khen đẹp. Còn tôi thì luôn bị mẹ chê là xấu nhất nhà. Tôi nực lòng nhiều lúc hỏi Mẹ, “Mẹ ơi trong nhà mình ai đẹp trai nhất?” Mẹ luôn nhìn tôi chép miệng, “Ối giời ơi, con mẹ ai cũng đẹp chỉ có mày là xấu nhất nhà.” Nói xong mẹ tôi lại bình thản cho heo ăn.
Hôm ấy, thời tiết nóng nực, tôi phải nằm trên cái sạp gỗ cọc cạch, cứng ngắc này, tôi cảm thấy bực bội. Tức quá không chịu được nữa, tôi vùng lên:
- Mẹ nói ai ngu, ai xấu?
Chả thèm trả lời, Mẹ cầm cái đồ đập ruồi đập cái phẹt vào vai tôi.
- Ngủ đi, nằm đó mà hóng chuyện.
Tôi đành phải nằm xuống giả vờ ngủ tiếp. Mà lòng còn ấm ức cho đến bây giờ.
Cầm túi tiền mang cất đi, tôi nghĩ chắc là tôi giống mẹ cái tính biết buôn bán, biết tiết kiệm? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mẹ chắc chắn có nhiều võ hơn tôi, nhiều nhà, nhiều của cải, nhiều con cái...
Lại phải nhớ tiếp cái ngày nghiệt ngã mà mẹ nói chuyện với bà hàng xóm bên Phi.
- Hồi còn ở ngoài Bắc, tôi làm rượu nếp bán chạy như tôm tươi. Có chút máu địa chủ từ ông bà để lại, có bao nhiêu tiền, tôi mua hết đất đai nhà cửa của mọi người bỏ xứ di cư vào nam. Nhưng rồi cuối cùng chỉ còn mỗi mình tôi trong làng. Cuối cùng tôi đành phải bỏ lại hết nhà cửa đất đai mang hai đứa con gái nhỏ và ông chồng binh quân vô nam, không tiếc của gì bằng tiếc ruộng với đất...
Bà hàng xóm vừa hớp trà vừa hỏi:
-Thế không bán được gì hết?
-Có ma nào ở lại mà mua, cả làng bán hết đất đai cho tôi rồi bỏ đi. Đồng không nhà trống chỉ còn lại mình vợ chồng tôi và hai đứa con, nên đành quẳng gánh vào nam thôi. Sau khi vô Nam, tôi bắt đầu gầy dựng trở lại, buôn hàng bán quán, cùng lúc đẻ thêm chín đứa con. Rồi cũng dành dụm đủ tiền bạc lại mua đất xây ngơi. Tôi xây căn nhà to đùng cao nhất xóm. Nhà 5 tầng lầu bê tông cốt sắt kiên cố. Mười mấy cái cửa sắt, bao nhiêu phòng ốc, một mình tay tôi toan tính, xoay xở, ông chồng tôi không ngó ngàng tới chuyện gì.


Bây giờ, cầm tiền của mẹ trong tay, tôi biết đây là món tiền bao nhiêu năm dành dụm của mẹ. Hơn mười đứa con, đứa lấy chồng lấy vợ, đứa mở nhà hàng, đứa mua nhà mới, đứa học lên cao, lúc nào mẹ cũng có tiền dúi tay cho từng đứa chúng tôi, tuy miệng mẹ lúc nào cũng la mắng chê bai lũ con, nào là làm biếng, nào là dài lưng tốn vải, chả thằng nào con nào giống mẹ.
Mẹ chê cũng đúng. Tôi còn nhớ hồi còn ở Việt Nam. Mẹ buôn bán cả ngày, chiều về thì chăm nuôi cả một trại heo. Mỗi sáng sớm khi cả nhà còn ngủ, mẹ đi gánh nước gạo, mang về nấu cám cho heo ăn heo mập. Chỉ một tay mẹ, từ 4 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Tôi thấy mẹ chỉ “tranh thủ” ngủ lúc mẹ đang nhặt rau hay đang thái thịt.
Qua đến Mỹ, mẹ đi làm trong khách sạn, đi làm overtime, và đi học tiếng Anh. Muốn bảo lãnh các con, mẹ phải cần có tiền, phải lấy bằng được quốc tịch Mỹ. Hàng ngày mẹ học hành siêng năng không sót một chữ nào. Có chữ nào trong sách mẹ thông thạo chữ đó. Tuy mẹ không biết viết tiếng Anh, nhưng nghe chữ nào mẹ nhớ chữ đó, bà thầy giáo chỉ cần hỏi một câu “how are you?” là mẹ xổ ra một tràng “I am fine thank you and you? I have eleven children, five boys, six girls. I have been in America 2 years….”
Mẹ sẽ không ngừng nói cho đến khi bà giáo bảo mẹ dừng lại.
Đến ngày đi thi quốc tịch, Ba Mẹ và hai chị em tôi cùng vào một phòng thi. Vì không biết viết tiếng Anh, ba tôi quay sang hỏi “Mày chỉ cho bố mẹ với…” Thấy bà giám khảo đang ngồi soi mói, tôi nói “thì mẹ với bố cứ vẽ gà vẽ vịt vào, sợ gì.’
Bố nghe cau mày lại, còn Mẹ, ngồi không buồn bị thằng con thách đố, bà vẽ 2 con gà và 2 con vịt vào tờ giấy thi. Khi thi xong, họ nhìn và đánh rớt hết cả hai người. Mẹ chửi: “Cái thằng mất dạy, mày phá hoại làm nó đánh rớt mẹ, thế bây giờ làm sao bảo lãnh anh chị em mày?” Tôi ra năn nỉ bà giám khảo, nói rằng mẹ tôi không biết viết nhưng biết nói. Hay là bà thử hỏi một câu xem sao. Bà giám khảo hỏi mẹ một câu, “Who is the first president?” Mẹ trả lời, George Washington. Bà hỏi thêm một câu nữa trên đề thi. Mẹ trả lời xong, tự hỏi tự trả lời một lúc thêm mấy chục câu. Bà nói dừng lại mẹ cũng không dừng mà thao thao bất tuyệt đọc cho hết mọi câu mẹ đã học thuộc. Bà giám khảo buồn cười và quyết định cho mẹ đậu quốc tịch Mỹ.
Thế rồi mẹ cũng bảo lãnh được cả đàn con sang ở với Bố Mẹ.
Bố tôi là một ông quan lớn khó khăn nhất trong nhà. Ông sẽ không ăn uống gì nếu mẹ không dọn sẵn mâm lên bàn cho ông. Ông có thể nhịn đói cả tuần nếu mẹ không có nhà hầu cơm rót nước. Mẹ thì việc gì cũng dám làm. Bố thì việc gì cũng ngại. Mẹ kể chuyện ngày mẹ đi lễ sáng và tìm thấy một em bé gái ở ngay bên cạnh đống rác. Tuy đã có 9 đứa con, mẹ nhất định mang em bé về nhà nuôi. Bố tôi phản đối kịch liệt, “Nó là con lai, bà nuôi nó ai cũng nghi ngờ tưởng bà có chửa hoang, gia thế mất mặt…” Ông nhất quyết nói “Nếu bà nuôi nó thì tôi sẽ bỏ đi.” Mẹ tôi thản nhiên dí cho bố tôi một túi đồ và một mớ tiền và tiễn ông lên xe lam ra đi. Sau khi đi một vòng tiêu hết tiền, chả biết làm gì, bố tôi lại quay về nhà và đành phải chấp nhận. Khi chị Lai lên 1 tuổi, chị luôn luôn ngồi trên vai bố tôi đi cùng khắp lối xóm.
Nhưng dù bố tôi có khó tính cỡ nào đi nữa, mẹ tôi cũng có cách trị ông. Có lần khi bố tôi say rượu, mẹ tôi mới dọn cơm lên bàn, bố tôi nhìn những món ăn không ngon ông quẹt hết xuống đất. Mẹ bảo chúng tôi tất cả ngồi xuống đất phủi bụi ăn tiếp. Bố tôi không biết làm sao cũng đành ngồi xuống đất. Sau đó ông lại giở trò đổ ly nước vào cơm. Mẹ tôi nói: “Này chú Ba, lần sau có muốn tôi không ăn thì nhanh tay hơn một chút, chứ chậm chạp như vầy tôi đã ăn xong no rồi. Đằng ấy muốn làm gì thì cứ làm, tôi đi ngủ đây.”
Bố tôi trong lúc say xỉn đưa tay lên định bợp tai mẹ, Mẹ nhanh nhẹn một tay đỡ, một tay nắm cổ ông, nhìn thẳng vào mặt ông, nói: “Nghe tôi bảo, đằng ấy không muốn ăn thì thôi, chứ đặt tay lên tôi thì tôi không nhịn đâu nhé!” Bố tôi xụi lơ, ngồi im thin thít. Từ đó không bao giờ dám làm dữ nữa.
Sau 75, mẹ tôi hay giễu “Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm.”
Mà quả đúng vậy, lúc mới qua bên Phi, đất sỏi cằn cỗi, khô khan. Trời nóng bức chả có gì để ăn, để uống. Mẹ đi đâu mang về được một cái cuốc. Lại một tay mẹ, mặt trời nắng gắt, mẹ cuốc những cục đá cứng, những lô đất khô cằn bỏ không, chỉ trong vài tháng mẹ đã biến nó thành vườn rau sum suê. Ai cũng đến mua rau của mẹ. Mẹ bán rau dành giụm tiền mở một gian hàng nhỏ buôn bán bên Phi. Đủ tiền sống qua ngày. Đến lúc mẹ sang Mỹ còn để dành được một mớ không ít.
Lúc nhỏ tôi không thấy mình giống mẹ mấy, nhưng càng lớn lên tôi càng mong muốn mình chỉ được một phần giống mẹ. Mẹ tôi chịu thương, chịu khó, rộng rãi, nhân hậu, nhìn xa, trông rộng. Mẹ tôi yêu chồng, thương con, bảo bọc cho tất cả anh em, cả dòng họ, lo lắng cả cho bạn bè của chúng tôi. Trong những giờ cầu nguyện, mẹ chỉ nguyện cho các con của mẹ nên người.
Bố tôi qua đời, ông ra đi bình an, nhẹ nhàng trong vòng tay của Mẹ. Còn mẹ tôi, một đời chịu khổ, bây giờ bà chỉ còn một mình, quanh quẩn trong nhà chờ các con về trò chuyện cho qua ngày.
Anh chị em chúng tôi mỗi người đều học được tính tự lập, tự trọng, nghiêm chỉnh của mẹ. Vì chúng tôi ai cũng muốn làm vừa lòng mẹ, ai cũng chịu khó, cố gắng vươn lên. Nhưng nhìn lại đời mình, tôi không thể nào so sánh với cuộc đời Mẹ. Chúng tôi không ai có được trí thông minh bén nhạy, cũng không ai có một quả tim bát ngát như mẹ.
Chỉ mong những chuỗi ngày còn lại của mẹ, anh chị em chúng tôi sẽ làm cho mẹ vui, làm cho mẹ cười nhiều.
Mẹ ơi, cái gói mẹ cho, thằng con xấu xí của mẹ đã phá hết lâu rồi. Coi bộ làm ăn chưa có mòi khá lại. Nó cũng biết khi đọc bài này mẹ sẽ chửi “bố cái thằng mất dạy.” Và cười.


Lê Thị

Ý kiến bạn đọc
26/07/201919:44:09
Khách
Mình muốn liên hệ với tác giả,xin liên hệ với mình qua email nhé, cám ơn bạn
02/07/201220:49:32
Khách
Tác giả đã gợi lại hình ảnh... "Mẹ Tôi". Thật không khỏi ngậm ngùi nhơ những ngày tháng được Mẹ mắng "Bố cái thằng mất dạy...". Chính xác, chính xác!
02/07/201219:41:03
Khách
Đọc bài Tôi Vẫn Là Tôi và Đâu Đó Có Chỗ Cho Chúng Ta, tôi yêu mến cuộc đời, lối kể chuyện và cách nhìn đời của tác giả vô cùng. Cũng không khỏi thắc mắc, làm thế nào mà một tác giả trẻ, vượt qua nhiều tổn thương và thăng trầm như thế, lại có một cái nhìn đời thản nhiên, lạc quan và nhân bản đến thế.
Bây giờ, đọc Mẹ Tôi, tôi mới hiểu vì sao.
Có một bà Mẹ Việt Nam Bắc Kỳ cừ khôi như thế, hẳn tác giả không giống lông cũng phải giống cánh.
Bài hay lạ lùng. Bái phục.
01/07/201217:48:07
Khách
chuen hay, nghe rat bac ky. nguoi me that can dam. giam tu bao ve cho minh. cung mong phu nu viet nam biet dung len tu bao ve cho chinh minh.

================
vui lòng viết tiếng Việt có dấu

VB Admin
05/07/201217:58:43
Khách
Love it! Vừa cười vừa khâm phục!
05/07/201214:28:56
Khách
Nhớ Mẹ quá!
30/06/201221:11:57
Khách
Bài viết về Mẹ thật mới lạ, dí dỏm. Hình ảnh của bà Mẹ bắc kỳ được miêu tả rất sống động, rống thực, rất "down to earth", mà cũng rất cao cả. Chính xác là hình ảnh một bà mẹ Bắc Kỳ tiêu biểu.
01/07/201200:23:46
Khách
Thật hay và cảm động.
30/06/201223:45:05
Khách
Có một chỗ trong tim ta :khoáng đãng ,bao la,êm ái và vô cùng ấm áp;tôi tin dó là chỗ ta dành cho Mẹ.

Tác giả âu yếm viết về người thương yêu,đáng kính nhất đời mình bằng những cảm xúc chân thành với văn phong mạch lạc,chân tình;tôi nghĩ :ông đã đạt được chủ đích .

Hoan nghênh.
30/06/201215:55:30
Khách
Funny and touching! I love it!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,036,167
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến