Hôm nay,  

Những Người Tình Của Ba Tôi

14/06/201200:00:00(Xem: 230733)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, liên tục góp bài cho giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Bài viết mới của Tịnh Tâm là một truyện ngắn nhân ngày Fathers Day sắp tới.



“Công cha như núi Thái Sơn”
(Ca dao)

Tối thứ Sáu nọ, khi bữa tiệc họp mặt đại gia đình đang rôm rả, mọi người đang sôi nổi bàn cãi về vận nước lâm nguy, Trung quốc ức hiếp, xâm lấn bờ cõi quê nhà, bỗng má tôi khều tay tôi, nháy mắt. Tôi theo bà vào phòng riêng. Sau khi khoá cửa phòng cẩn thận, má tôi thì thầm, vẻ mặt hết sức nghiêm trọng:

- Tâm nè, hình như ba con có tình nhân ở Việt Nam.

Tôi hốt hoảng:

- Má nói gì vậy? Sao má lại nghĩ như vậy?

- Ổng giấu tiền riêng đem gửi về bển. Chắc là nuôi tình nhân của ổng.

- Sao má biết?

- Hôm qua bà bạn của má gặp ổng trong cửa hàng gửi tiền về Việt Nam. Bả kể là hỏi ổng gửi cho ai. Ổng không trả lời, chỉ cười cười giả lả rồi lụi bụi đi ra, bộ tịch lấm la lấm lét, rất đáng ngờ. Con hiểu không?

- Có thể ba con gửi cho họ hàng, bạn bè.

- Nếu không mờ ám, mắc mớ gì ổng phải giấu diếm. Mắc mớ gì ổng không nói cho má biết. Mắc mớ gì ổng không minh bạch trả lời bà bạn của má? Con hiểu không?

- Con không hiểu và cũng không tin. Ba con vốn nghiêm khắc, sống chuẩn mực. Ba con là người đàng hoàng. Ba con không có tính bay bướm lăng nhăng tình ái. Thêm nữa, ổng đã ngoài bảy mươi rồi.

Má tôi thở dài:

- Ừm… Biết đâu được? Con người chứ đâu phải thần thánh. Ranh giới giữa yếu đuối và mạnh mẽ trong phần xác thịt rất mong manh. Hơn nữa, biết đâu ba con bị dụ dỗ mà sa ngã. Nghe có vẻ vô lý nhưng… biết đâu đó là sự thật? Đã có những người đàn ông khi còn trẻ thì giữ được mình, nhưng lúc về già bỗng đâm ra trở chứng, hư hỏng. Con hiểu chưa?

Lý lẽ của má khiến tôi giật mình:

- Theo má, ổng bị sa ngã vào thời điểm nào?

- Ừm... Có thể trong mấy lần ổng về Việt Nam thăm bà nội con. Rồi hồi bà nội con mất, ổng ở bển cả mấy tháng. Đàn ông là một thân xác mạnh mẽ bên ngoài một trái tim yếu đuối. Con hiểu chưa?

Má tôi lại buông tiếng thở dài. Tôi quay sang nhìn má. Nét mặt má buồn thỉu buồn thiu. Má đã bảy mươi ba tuổi rồi. Má đã già rồi. Tuy má hãy còn trẻ rất nhiều so với độ tuổi nhưng không thể chống chọi được với bước- chân- của- thời- gian- đời- người. Tôi cũng chợt ngạc nhiên rằng sao đến chừng tuổi nầy má vẫn còn ghen? Nhớ lại trước đây, những lần giận ba, má phát biểu rất can trường, rằng má không cần ba nữa, má chỉ muốn sống một mình cho yên thân, cho khoẻ người. Má chỉ muốn thoát khỏi ba. Thoát khỏi cái ông chồng gia trưởng suốt ngày ngồi trước cái computer, lên mạng. Rồi ôm cái cell phone hăng hái tán dóc với bạn bè. Thoát khỏi cái ông chồng mới sáng sớm đã nghe radio, hết đài nọ tới đài kia. Thoát khỏi cái ông chồng không buồn chia sẻ công việc nội trợ với má, như lặt rau, lột hành lột tỏi, như chuẩn bị lá chuối cho má gói bánh ít lá gai, như nhồi thịt cho má làm nem, như chùi bếp lau bàn cho sạch sẽ… Dĩ nhiên tôi không nhắc lại chuyện đó, sợ má đang lo buồn lại còn bị quê độ, tội nghiệp má.

- Má yên tâm, con sẽ lo việc nầy. Con sẽ tìm hiểu ba gửi tiền về Việt Nam cho ai. Thôi mình ra ngoài kẻo ba nghi ngờ, ba càng giấu kỹ, mình khó dò la manh mối.

- Nhớ bí mật chuyện nầy nghe Tâm, lỡ tới tai con dâu con rể thì kỳ cục lắm. Dị hợm lắm! Con hiểu không?

***

Hổm rày, má thường phone cho tôi, kể đủ thứ chuyện về ba. Nào là ổng đi tập thể dục về trễ. Nào ổng ăn mặc lịch sự hẳn ra. Nào trời đêm lạnh lẽo mắc mớ chi ra ngoài patio nghe điện thoại. Nào ánh mắt ba trốn tránh như người có lỗi. Nào bỗng dưng ba siêng việc nhà… Má khiến tôi suy nghĩ nhiều về ba.

Suy nghĩ nhiều về ba, nhưng tôi không hề nghĩ đến việc ba tôi có tình nhân. Không hiểu tại sao tôi lại chỉ nhớ nhiều hình ảnh ba ngày xưa, những kỷ niệm vui buồn về ba trong ký ức tôi.

Má kể, khi tôi, con gái đầu lòng của ba chào đời, đang ra sức há to cái miệng gào khóc oa oa cho đã, thì ba sung sướng bồng tôi lên, rung rung dỗ dành, hát ồ ồ với giọng Quảng đặc sệt : “Treng (Trăng) trung thu, loà (là) treng (trăng) Việt Nam tươi mới. Đêm trung thu, đèn sao cờ bay phất phới…” Tay ba to bè, luỳnh khuỳnh vụng về, má lo thót tim, cứ sợ tôi bị lọt xuống đất.

Má kể, hồi tôi chừng một tuổi, có lần giận ba, má bồng tôi về nhà ngoại. Nhà ngoại tôi cách nhà nội chừng bảy cây số và một con sông nhỏ có cây cầu tre lắt lẻo bắc ngang. Ngay sáng hôm sau, ba tôi đạp xe đạp về ngoại, lén má tôi, bồng tôi về nội. Một tay ba bế tôi, tay kia cầm ghi-đông xe. Khi qua cầu, ba nhờ người ta bồng tôi, còn ba, vác xe đạp. Tôi khóc đòi sữa, ba bồng tôi đi bú mày cô Sáu. Hôm sau, má tôi phần nhớ con, phần cương sữa, phải nhanh chân về nhà nội.

Tôi nhớ, năm tôi học lớp năm (lớp một bây giờ), một chiều, ba chở tôi đi chơi, gặp người bạn của ba. Tôi lí nhí chào. Lúc về nhà, ba biểu:

- Tâm, lấy cho ba cây mía.

Tôi te te chạy đi kiếm cây mía, hí hửng đưa ba.

- Tâm, nằm xuống phản.

Tôi ngơ ngác, không hiểu chuyện gì nhưng biết mình sắp bị ăn đòn nên mếu máo.

Ba đánh tôi một một roi, bằng cây mía. Chẳng nhằm nhò gì nhưng tôi

ráng khóc ầm lên, bù lu bù loa, mũi dãi lòng thòng để ba thương, ba không đánh nữa. Ba dạy:

- Từ nay về sau, khi gặp người lớn, phải chào thật rõ, nghe con.

- Dạ.

Xong ba lấy dao róc mía cho tôi ăn.

Tôi nhớ, ngày tôi đậu tú tài, ba vui lắm. Ba vội mua vé máy bay cho tôi vào Sài gòn học. Ba bảo:

- Con hãy cố gắng học. Thích gì học nấy. Muốn học bao nhiêu cũng

được! Cứ học giỏi là ba mừng.

Tôi nhớ, năm thứ nhất, từ Sài Gòn về quê ăn Tết. Hình ảnh đầu tiên

tôi bắt gặp trước hiên nhà là ba tôi đang bưng những két bia, két nước ngọt chất lên xe lam chuẩn bị đi bán. Tôi nhận ra ba ốm hơn, da ba đen sạm hơn, mắt ba sâu hơn. Tôi thắc mắc, chú tài xế đâu rồi ba? Ba không trả lời mà nói nhanh, Tâm nè, ba đã mua sẵn vé máy bay vô Sài Gòn cho con rồi. Mùng sáu Tết, không bị trễ học chứ con? Xong ba vội vàng lái chiếc xe lam già nua đi bỏ hàng. Bấy giờ độ một giờ trưa. Nắng miền trung chói chang đến cay xè cả mắt. Ừ, ba tôi, ngoài việc dạy học, phải mở tiệm buôn bán để kiếm tiền nuôi bầy con ăn học, với ước ao: Các con thích gì học nấy. Muốn học bao nhiêu cũng được! Cứ học giỏi là ba mừng.

Tôi nhớ, những ngày miền Trung lần lượt thất thủ. Sài Gòn trong cơn hấp hối. Tôi hoang mang lo lắng, khóc hết nước mắt bởi hoàn toàn mất tin tức gia đình. Bỗng tôi nhận được tấm giấy ngân hàng báo đi nhận tiền do ba gửi. Một số tiền khá lớn để tôi có thể sống được một năm. Hoá ra, trong cơn phong ba bão tố, ba vừa lo cho má tôi cùng bầy em tám đứa, nhất là sinh mạng của ba, mà ba vẫn không quên lo cho tôi tiền ăn học.

Tôi nhớ những tháng năm dài tưởng chừng miên viễn, ba bị tù đày hết chốn rừng thiêng nầy tới nơi nước độc kia. Ba đã đối diện với cái chết, với bệnh tật đói rét, với lao lung tủi cực mà thương ba đến quặn thắt cả lòng. Tôi nhớ, ba đã gởi gắm tình yêu thương gia đình trên chiếc lược bằng vỏ đạn mà ba đã khắc tên ba má và bầy con bằng những nét chữ hoa rất xinh xắn. Tôi nhớ, ngày ba đi tù về, mắt ba đục mờ, quần áo rách rưới, thân hình gầy rộc,tiều tuỵ.


Rồi tiếp đó là những năm tháng dài tưởng chừng vô tận, ba chông chênh bất an héo hắt, đói khổ cay đắng nhục nhằn… Ba suy sụp hẳn về cả thể chất lẫn tinh thần, bởi phải đối mặt với sự sợ hãi thường trực, bởi phải chứng kiến cuộc bể dâu, chứng kiến những cảnh đảo điên trơ tráo, bẩn thỉu đê tiện, ngu xuẩn rồ dại. Chứng kiến những trò lừa bịp ghê tởm, hạ thấp và chà đạp phẩm giá con người.

Tôi nhớ, khi có chương trình HO, ba má và sáu đứa em tôi đi Mỹ, ba chị em lớn chúng tôi, vì đã lập gia đình nên bị ở lại, ba luôn thường xuyên viết thư về thăm hỏi an ủi chúng tôi. Ba bảo, nếu đứa nào ngặt nghèo, báo ngay cho ba biết để ba gửi tiền về.

Tôi nhớ, ngày chị em chúng tôi được sang đây, ba thở phào nhẹ nhõm. Giờ thì bầy con chín đứa của ba đều ổn định. Hàng tuần, cứ vào thứ Sáu hoặc thứ Bảy, tất cả con cháu hơn ba chục đứa, tập trung về nhà ba má, ăn uống vui cười, chơi đùa, hát hò, vui như ngày hội.

***

Hổm rày, những kỷ niệm về ba bỗng choán ngợp tâm trí tôi. Tất cả gợi lên hình ảnh ba nghiêm nghị mà tràn đầy tình yêu thương, cương quyết mà hiền từ. Và tôi càng không thể nào tin ba tôi tình tang mèo mả gà đồng. Nhưng để má vui lòng, tôi đành trở thành thám tử, dò tìm tình nhân của ba. Việc được tiến hành hoàn toàn bí mật như lời má dặn.

Nhân bữa ba tôi đi vắng. Má tôi gọi tôi. Ngay lập tức, tôi có mặt tại nhà ba má. Tôi xông vào tủ giấy tờ của ba. Phải công nhận ba sắp xếp mọi sự rất ngăn nắp. Ngoài bìa các folder được ghi rõ ràng bằng bút lông màu xanh dương, chữ in to, trông rất trang trọng và đẹp mắt: Tổ quốc, xã hội, đồng hương, bạn bè trong nước Mỹ, bạn bè ngoài nước Mỹ, bạn bè ở Việt nam, sức khoẻ, tài chánh, gia đình… Tôi lần lượt rà soát. Ồ, đây rồi! Những tờ receipt được đựng trong cái folder dưới cùng!

Nào, receipt bảo trợ in sách, bảo trợ đặc san xuân, ủng hộ cuộc họp mặt đồng hương, ủng hộ cuộc họp mặt liên trường, ủng hộ học bổng…

Đây rồi, những receipt gửi tiền về Việt Nam. Người nhận: Nguyễn thị X, Trần văn Y, Lê thị Z… Người nầy $50, người kia $40, người nọ $60…

Đây rồi lời nhắn: “Góp tiền xây nhà thờ họ.” “Mến gửi chị chút tiền mọn để xây mộ cho anh”. “Thương gửi cháu chút tiền mua sách học.” “Mến gửi em món quà nhỏ. Chúc em mau lành bệnh.”…

- Má thấy đó. Ba con chỉ toàn làm việc thiện.

- Ừm…

- Con nhớ hồi nhỏ, có lần đi học, thấy ba chở một bà già xách giỏ vô nhà thương, con vô tình kể má nghe. Thế là má tưởng tượng vợ bé của ba sinh con. Bà già đó là mẹ vợ bé của ba… Má còn nhớ hông?

- Ừm…

- Sau đó má mới biết là ba con đang trên đường vào chi khu, gặp mẹ của một chú nghĩa quân đang đón xe lam đi bệnh viện nuôi con dâu mới sinh. Thấy tội nghiệp, ba cho quá giang. Má còn nhớ hông? Hi hi… Lần đó má làm dữ lắm. Má lấy cái quẹt zipo ra, tính đốt cái xe Honda của ba.

- Ừm… Ớt nào mà ớt chẳng cay! Mầy cũng vậy! Phải không?

- Dạ.

- Thực ra, tới tuổi nầy thì còn ghen tuông nỗi gì hả con? Nghẹt cái, má chỉ sợ ổng bị mấy đứa con nít ranh ở bển dụ khị, rồi bôi nhọ gia đình mình. Hiểu không con?

- Dạ hiểu. Con biết má không thèm ghen. Má chỉ buồn buồn tức

chút chơi cho vui thôi. Má hén.

- Ừm… Con nhỏ nầy…

Bỗng!

- Ủa? Má con bay làm gì đó?

Tôi giật bắn người, vừa run, vừa xấu hổ, cúi gầm mặt xuống. Má tôi thì ngượng nghịu không dám nhìn ba. Hai má con chờ đợi cơn thịnh nộ của ba.

- Bà với con Tâm kiếm gì mà lục tủ giấy tờ của tui vậy?

- Ừm…

- Dạ…

- Tâm, con nói thiệt cho ba nghe coi.

Tôi nhìn má cầu cứu. Má thoáng lưỡng lự rồi gật đầu. Tôi ngước nhìn ba. Ánh sáng của trí tuệ, của một nhân cách ngay thẳng toát ra từ vầng trán ba vuông vức cao rộng. Ánh sáng của tâm hồn nhân từ, của tình yêu thương, trái tim bao dung toả ra từ đôi mắt ba ấm áp hiền hoà. Lòng tôi tràn ngập những cảm xúc và nỗi e thẹn khó tả.

Rồi tôi rụt rè kể đầu đuôi sự việc cho ba nghe.

- Bà còn nhớ anh X không?

- X nào? Bạn ông bao nhiêu người tên X làm sao tui nhớ.

- Anh X người Huế, cùng khoá Thủ Đức với tui đó. Năm tui ở Mỏ Cày, bà vô thăm, ảnh chạy ra cổng đón bà vì tôi đương bận họp.

- Ừm… Nhớ… Thì sao?

- Sau bảy lăm, ảnh bị tụi nó đem ra tùng xẻo. Đầu tiên là tay, rồi lỗ tai...

- Thôi, ông đừng kể nữa, tui sợ quá.

- Giờ vợ con ảnh lây lất ở bển. Bà còn nhớ anh Y? Anh Y thương phế binh? Bà có nhớ anh Z, chết trong trận Mậu Thân?

- Thôi, tui hiểu rồi. Tui xin lỗi ông.

Im lặng khá lâu. Trong sự im lặng, có cái gì bình an dịu dàng làm chúng tôi cảm thấy thoải mái.

Ba tôi bảo, sở dĩ ba phải giấu vì sợ má không giữ miệng, tới tai con cái, lỡ chúng không cho tiền ba nữa. Mà ba thì rất cần tiền để đem biếu tặng. Ba vốn cẩn trọng, lo xa vậy thôi, chứ bầy con của ba đều hiếu thuận ngoan hiền. Thêm nữa, mình làm việc thiện mà đi khoe khoang kể lể thì hay ho cái nỗi gì.

Riêng tôi, tôi hiểu tính ba. Ba ít nói, kiệm lời. Ba không thích phải thanh minh chuyện nầy việc kia không cần thiết với ai. Mệt.

Nhưng, suốt ngày ba ngồi trước computer, theo dõi tình hình Việt Nam, tình hình thế giới, gửi email liên lạc với bạn bè, thì ba không mệt. Nhưng, mới sáng sớm ba ngồi lặng im trầm mặc như bức tượng đồng trước bình trà, nghe tin tức, hết đài nọ tới đài kia, ba không mệt. Rồi ba đi dự các cuộc họp mặt các hội đồng hương. Tham gia những sinh hoạt cộng đồng, ba không mệt.

Ba không mệt khi vẫn thường xuyên bỏ công sức răn dạy con cái gắng học gắng làm, sống tử tế, xứng đáng với miền đất tươi đẹp ân tình đã cho mình dung thân, đã cưu mang và tạo mọi cơ hội để mình sống cho ra sống. Được ngẩng cao đầu mà sống. Được sống đàng hoàng. Không phải sợ hãi. Không phải cúi đầu.

Gần đây, ba cùng các chiến hữu lên Los Angeles, đi San Francisco để biểu tình chống bọn Tàu cộng xâm lấn lãnh thổ Việt Nam, ba không mệt. Cuối tháng bảy nầy, ba sẽ đi Atlanta để dự hội nghị liên trường của tỉnh, ba sẽ không mệt. Ba chỉ mệt khi về nhà, leo lên giường nằm, rầu rĩ thở dài bởi hoạ mất nước. Lo lắng phiền muộn trước cảnh sơn hà lâm nguy.

Hai má con nhẹ nhàng đứng lên, khe khẻ ra ngoài. Tôi chọc má:

- Công nhận ông boa (ba) có nhiều người tình dễ sợ luôn. Bà moá (má) hén.

Má tôi mắc cỡ, cười lỏn lẻn:

- Ừm… Con nhỏ nầy…

Tôi bước ra ngoài. Cali, chốn quê thứ hai của tôi bây giờ đang vào mùa hạ. Không gian nơi nầy thật yên tĩnh, sạch sẽ. Trời đã về chiều nhưng nắng hãy còn vàng ươm, óng ả, ngọt ngào và mềm mượt. Vài làn mây mỏng mảnh nhẹ thênh, trắng xốp và lộng lẫy, đang bâng khuâng trôi về phía xa tít. Đàn chim đang vỗ cánh bay, lấp loá trong bầu trời cao rộng, trong veo, xanh ngút, mênh mang. Đâu đây, mùi hoa cỏ xao xuyến toả hương thơm dịu dàng. Chỗ khúc quanh cuối đường, nhà ai có cây dừa sao mà gợi thương gợi nhớ. Bỗng chạnh lòng. Bỗng ngậm ngùi mà nhớ mà thương mảnh đất quê nhà vốn đã bé nhỏ gầy guộc, giờ càng xanh xao ốm yếu bởi bọn kẻ cướp đang hoành hành, đe doạ.

Và, bỗng nhớ đã đọc được đâu đó rằng: Không bao giờ là quá muộn, không bao giờ là tuyệt vọng, không bao giờ là bế tắc hoàn toàn nếu ta vẫn luôn cố gắng và giữ mãi niềm tin.

Tịnh Tâm

Ý kiến bạn đọc
29/06/201216:25:08
Khách
Chị có 1 người ba tuyệt vời quá . Chúc cả gia đình lớn của chị hạnh phúc.
21/06/201215:27:41
Khách
Cám ơn Tác Giả Tịnh Tâm một câu chuyện hay và cảm động Cám ơn người Cha Nhân Hậu của Tịnh Tâm đả ấp ủ những mối tình đồng loại trong bối cảnh mà nhiều người đả trở thành vô cảm lúc nào không biết
21/06/201202:03:57
Khách
Người viết khéo lựa chọn tựa đề cho câu chuyện,làm nhiều Bà mắc hỡm nhỉ ?Nhưng chuyện quá hay gây cảm xúc
đến nhiều người ,Tôi ngưỡng mộ chương trình Van Nghệ hàng năm tổ chức để NHỚ ƠN ANH NGƯỜI THƯƠNG PHẾ BINH VIỆT NAM CỘNG HOÀ.cộng sản đang dùng chiêu bài NGHỊ QUYẾT 36 hòng ru ngủ và lừa bịp những người nhẹ dạ.Trên nhiều diễn đàn đả nói về vấn đề nầy.Tôi mượn trang báo của Chị Nhả Ca gửi vài dòng mong các ban,các CHIẾN BINH VNCH đừng quá nhẹ dạ để bị lừa bịp.Cám ơn tác giả câu chuyện đọc gây xúc động
21/06/201200:15:57
Khách
Thương nhớ bạn bè còn đắm chìm trong ngục tù CS Câu chuyện hay rất hay
20/06/201220:57:07
Khách
câu chuyện thật bất ngờ, lý thú, đầy tình người, tình yêu quê hương.
22/06/201212:29:47
Khách
Cám on tác giả đã chia sẻ bài viết rất hay và cảm động.
09/07/201215:34:53
Khách
hôm thứ ba vừa rồi, đi làm về, mở đài littlesaigon, nghe đọc truyện những người tình của ba tôi. đọc hay quá trời.
cám ơn tác giả. cám ơn đài littlesaigon,
20/06/201215:26:45
Khách
Tinh Huynh Đệ Chi Binh thời chinh chiến là một thứ tình vô cùng thiêng liêng có khi đem so sánh với những tình khác không thua kém .Nhưng một số người đả vội quên đi cái quá khứ nầy quay trở về ăn chơi trác táng ...Tôi ghi vài giòng cám ơn tác giả một bài viết khá cảm động
19/06/201223:16:43
Khách
Cùng nhau gặp lại trong đêm hội ngộ Trại Trừng Giới A20 mừng vui có buồn tủi khi cằm nén nhan trước bàn thờ của những Anh Em ra đi ,những người còn lại ngồi với nhau nâng ly chúc mừng hạnh ngộ,kẻ răng long,người đầu bạc,da trổ đồi mồi,từ hơn 50 Tiểu Bang đất nước Hoa Kỳ huynh đệ nhìn nhau trao nhau những nụ cười kể chuyện quá khứ chụp với nhau những tấm hình lưu niệm.Trong lòng mỗi chúng ta thật nhiều người tình Huynh Đệ .Cảm động nhất là Anh Nguyễn Sỹ Ân hát bài Chim trời Chưa mõi cánh Giọng anh thánh thót đưa tôi trở về vùng trời kỷ niệm tôi cũng muốn gửi lời bài hát nầy đến một người .Mến chúc các Huynh Đệ thân tâm thường an lạc
20/06/201211:03:29
Khách
Chỉ đọc cái tựa đề khá hấp dẫn không thể khiến những người làm vợ như tôi chau mày ủ mặt.Nhưng càng đọc càng thấy hay và thú vị.Cám ơn tác giả đả đưa người đọc trở về quá khứ thật nhiều đắng cay của chúng ta một thời đả trải qua những cơ cực nhục nhằn. Cũng đừng trách những người vợ trẻ trong một chuyến đò quá giang họ chưa có không gian và thời gian để cảm thông với chồng (?) những người tình như trong chuyện kể.Chúc các bạn những người đả trãi qua gian khổ tìm được tình thương yêu dành cho những người bạn đả một thời cùng chia xẻ ngoài trận tuyến hay trong những nhà tù cải tạo.Những người vợ trẻ đến sau muộn màng cũng nên hoà mình vào dòng tâm tư của người ...chồng muộn màng của mình
thân ái
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,598,696
Tác giả sanh năm 1943 tại Cân thơ - Bác sĩ thú y, giảng dạy tại Đại Hoc Cần thơ trước 75 - Cùng gia đình vượt biên năm 1980. Học lại và làm việc cho cơ quan Canadian Food Inspection Agency từ 1985 đến ngày hưu trí năm 2008. Bài đầu tiên Viết Về Nước Mỹ, Đất Lành Chim Đậu nhận giải Vinh Danh Tác giả năm 2007. Sau 10 năm tiếp tục góp bài cho Việt Báo, tác giả cho biết “Vì lý do sức khỏe bất ngờ, xin chào tạm biệt tất cả bạn đọc để tĩnh dưỡng. Và đây là bài viết cuối cùng của ông: Chuyện hai mùa Vu Lan 2016-2017, con trai lái xe hàng ngàn dặm về cùng bố lát gạch sân đậu xe và tu sửa ngôi nhà gia đình. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng cám ơn Bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh. Kính chúc ông và gia đình an vui, mạnh khỏe.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới của là một tự sự gợi nhớ nhiều kỷ niệm.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, sống động.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, ông đã nhận giải bán kết 2001, từ 9 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới của tác giả kể về cuộc họp mặt của các cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh và chuyến đi 5 ngày trên du thuyền Carnival Inspiration.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. Với mỏ vàng trên sông Yuba, Marryville khởi thủy từng là thành phố của dân đào vàng. Thời nay, du khách và cư dân tại Marryville vẫn lai rai lượm được vàng cục, có du khách lượn cả cục kim cương trị giá nửa triệu mỹ kim. Đó là chuyện có thật, đề tài của tác giả trong bài viết mùa Lễ Tạ Ơn năm nay.
Nhạc sĩ Cung Tiến