Hôm nay,  

Tôi Đi Săn Cá Sấu Gar

27/05/201200:00:00(Xem: 270464)
Mr. Bond là bút hiệu của David Huỳnh, cư dân Los Angeles. Ông nói về mình, “Người ta gọi tôi là "Cái Thằng Trời Đày" vì lỡ mang máu mê đi câu, vừa tốn tiền vừa vất vả mò đêm mò hôm., và tự gọi mình là “Chi nhánh “Hội Trời Đày”. Số dân “bị trời đầy” kiểu này tại Mỹ khá đông, cũng không ít dân gốc Việt. Mr Bond góp cho Viết Về Nước Mỹ không chỉ một bài mà là một loạt bài với đầy đủ hình ảnh sống động và hấp dẫn. Bài đầu tiên là chuyện ông Mít trời đầy một mình lặn lội tới sông Trinity, Texas, vùng đất nổi tiếng của đảng KKK kỳ thị chủng tộc, để câu cá sấu gar (Alligator Gar Fish). Đây là loại cá nước ngọt lớn nhất ở vùng Bắc Mỹ, dài từ 8 đến 10 feet, nặng trung bình trên 200lb/90 kg., có con nặng tới 279lb/127kg.
image028
Mr. Bond và “em nó”, “nhỏ thôi” nhưng cũng đã 85 ký lô.
Tôi có hai người bạn thời tiểu học hiện đang sống tại TP Houston tiểu bang Texas. Nhân chuyến đi săn thủy quái ở sông Trinity tôi ghé qua thăm hai đứa nó. Nhớ mới ngày nào tôi qua đây dự đám cưới của bọn nó mà nay đã gần 10 năm rồi. Gặp lại bạn bè giờ đây đứa nào cũng chững chạc hẳn ra vì đã được lên chức bố, còn tôi thì cũng được mấy đứa nhóc khoanh tay chào bác thấy cũng oai oai.

Chuyến bay của hãng hàng không US Airway đưa tôi từ thành phố Los Angeles (Cali) đáp xuống phi trường IAX (Houston - Texas) vào khoảng 6 giờ chiều. Tôi được hai thằng bạn già ra đón, sau đó bọn nó đưa tôi đi ăn hủ tiếu Nam Vang trên đường Bellair, rồi vào quán café gần đó tìm chỗ hàn huyên tâm sự, sau nhiều năm không gặp nên đến gần 11 giờ đêm bọn tôi mới mò về đến nhà. Nói là đi ngủ sớm, vì mai tôi còn phải dậy sớm để lái xe lên thị trấn Palestine câu cá, nhưng có ngủ ghê gì được nữa đâu, vì loay hoay cũng đã đến 2 giờ sáng rồi, thế là lại lên đường đi săn.

Trở lại việc đi câu, tôi dự định sẽ rủ cả hai người bạn đi săn con cá sấu gar với tôi cho vui, nhưng thằng có thể đi được lại không đam mê câu kéo. Còn thằng mới tập câu nghe nói thì mê lắm, nhưng kẹt là nó vừa nhận được cái job thơm mới hơn một tuần, nên cũng không dám nhúc nhích gì. Thế là tôi đành thân chinh, một mình một ngựa đi tìm con thủy quái.

Đoạn đường từ TP Houston đi đến thị trấn Palestine nơi tôi câu gần 200 miles (320 km). Tôi lái xe khoảng trên 3 tiếng thì sẽ đến địa điểm tôi hẹn gặp người sẽ dẫn mình đi câu vào lúc 6g sáng hôm sau. Vì chưa quen đường nên tôi dành thêm nửa tiếng trừ hao trong trường hợp bị lạc.

Thế là theo sự chỉ dẫn của thằng bạn, 2 giờ sáng tôi đã rời khỏi nhà nó ở TP Sugarland, theo Highway 6 để gặp Freeway 10 E, sau đó từ 10 tôi đi theo đường 8 để gặp Freeway 45 N (đường đi Dallas), cuối cùng sẽ rẽ qua Highway 79 N để đi đến thị trấn Palestine nơi tôi sẽ gặp người dẫn đường. Vì nơi hẹn là một cây xăng nhỏ nằm ở ven đường nên tôi không có địa chỉ chính xác. Người dắt tôi đi câu chỉ nói là sau khi tôi lái xe qua con sông Trinity khoảng 5 miles, thì gặp cây xăng đầu tiên nằm phía bên trái thì quẹo vào đó đợi họ, nên tôi không thể dùng google để tìm địa chỉ chính xác được. Vì vậy tôi chỉ đành lái xe theo sự chỉ dẫn của họ.

Xe rời TP Houston thì đường bắt đầu nhỏ lại và nhà cửa và xe cộ chạy dọc đường cũng thưa dần. Trời tối đen như mực, xa xa mới có một ngôi nhà với vài ánh đèn leo lét. Tôi cho xe chạy qua những đoạn đường mà tôi đoán là rừng vì cây cối rất nhiều mà trời tối quá, chỉ có ánh đèn chiếu ra từ xe, nên tôi không thể thấy rõ những cảnh vật hai bên đường được, cũng vì đây là lần đầu tiên tôi đi và lái xe trên con đường này nên tôi cũng không biết được cảnh vật xung quanh nó như thế nào.

Đường thì tối và vắng hoe, lâu lâu mới gặp một chiếc xe tải chở hàng chạy xuyên bang đi ngược chiều pha đèn chói cả mắt. Tôi đi vậy gần 2 tiếng đồng hồ thì xe rẽ vào tỉnh lộ 79. Tình hình càng tồi tệ hơn nữa vì trời bắt đầu mưa. Mưa ở đây cũng giống như những cơn mưa giông ở VN mình mà người Mỹ gọi là Thunder Storm. Mưa càng lúc càng lớn …trời và đất thì tối đen một màu, lâu lâu lại xuất hiện những tia sáng lằng nhoằng không có hình thù nhất định, như muốn xé toạc bầu trời, rồi kèm theo đó là những tiếng ì ùm của sấm sét.

Lúc này dù muốn dù không tôi cũng phải cho xe chạy chậm lại, và lạy Trời khẩn Phật cho xe không bị gì vào lúc này, vì xung quanh bây giờ chỉ là đồng không mông quạnh và rừng cây không một bóng người. Lâu lâu xe mới chạy qua vài thị trấn nhỏ chỉ lèo tèo vài ba ngôi nhà đã đóng cửa nằm im lìm dưới cơn mưa nặng hạt.
image002
Miệng con gar đủ cỡ ngoạn cả đầu người.
Từ đường cao tốc 45 rẽ qua tỉnh lộ 79 theo tôi coi trên bản đồ, thì mình đi khoảng 40 km nữa sẽ đến nơi tôi hẹn với người dẫn đường. Nhưng sao tôi thấy đoạn đường này dài dằng đặc, nó cứ dài hun hút và tối đen như mực, như đường dẫn vào âm ti.

Khác với trên đường 45N cho tôi chạy với tốc độ 75 dặm/giờ thì đây giảm xuống còn có 55 dặm. Nhưng vì mưa bão và lạ đường nên tôi chỉ lái xe có 20-30 dậm/giờ.

Thú thật tôi không sợ ma, nhưng hoàn cảnh như vầy làm tôi cũng hơi ớn ớn khi nhìn các hình thù kỳ quái của cây cối, cũng như cảnh vật xung quanh hiện ra sau những cơn sấm chớp, làm đầu óc tôi bắt đầu nghĩ lung tung…. Đảo mắt nhìn xung quanh kiểm soát các cửa xe đã được quay lên và khóa cẩn thận tôi tự nhủ: Kệ mẹ nó, gặp ma cũng càng tốt… mình ăn ở đàng hoàng không gây thù gây oán với ai thì có gì đâu mà sợ. Ma có pháp lực siêu nhân thì tôi xin nó một chút để tôi có khả năng câu được nhiều cá.

Giải quyết được nỗi sợ ma thì tôi lại có một cái sợ khác ập đến… mà cái sợ này thì làm tôi cũng sợ thiệt đó là lỡ giữa đường như thế này, mà xe lại hết xăng hay bể bánh thì khổ. Nhìn lại đồng hồ xăng trên xe thì cũng còn được non nửa bình. Ok vậy cũng an tâm, chỉ có nỗi sợ xe bị bể bánh hay chết máy thì hơi mệt, vì xe của thằng bạn cho mượn là chiếc Toyota 4 runner đời 2001 cũng trên 10 tuổi. Nhưng nói cho cùng cái làm tôi sợ nhất là người dân ở vùng này không biết họ ra sao, vì Texas là nơi nổi tiếng của đảng KKK, nơi của những người da trắng có sự phân biệt chủng tộc với những người da màu, với một thằng Á Châu lại đi một mình như tôi thì cũng hơi ớn ớn.

Ở những thành phố lớn hay ở Cali thì sự phân biệt này không rõ rệt, nhưng ở những nơi xa xôi hẻo lánh như thế này, thì người Mỹ bản địa mà bọn tôi thường gọi là "red neck" này còn rất bảo thủ. Và tôi lại chưa một lần đặt chân đến nơi đây thì cũng không biết họ sẽ đối xử với mình ra sao, nhiều khi gặp mấy thằng khùng khùng nó giết mình thì có trời cứu.

Ngồi lái xe mà đầu óc cứ nghĩ lung tung, xe tôi chạy qua cây cầu bắc qua con sông Trinity hồi nào không hay. Cũng may lúc đó có con nai phóng qua đường trước đầu xe tôi làm tôi thắng gấp để tránh nó, chiếc xe còn trớn và gặp đường trơn loạng choạng mất thăng bằng, xoay đúng một vòng rồi dừng lại mé bên kia đường, đầu xe quay hướng chiều ngược lại làm đèn pha chiểu thẳng vào bảng báo đường đề tên cầu Trinity River cách 1 mile, thì tôi mới nhận ra …. Đúng là hú hồn, trong cái sui cũng có mấy cái hên, cái sui là tôi mém nữa bị tai nạn lật xe hay bị xe đi ngược chiều đụng; nhưng cái hên là lúc đó không có xe chạy theo chiều ngược lại, và cái hên thứ hai là cũng nhờ vậy tôi mới biết là tôi vừa chạy qua sông Trinity, và từ đây tôi đi khoảng 8km nữa thì sẽ gặp cây xăng nơi tôi hẹn.

Nếu không có sự việc này thì tôi cũng sẽ chạy qua cây xăng này, như chạy qua bao nhiêu cây xăng khác và không biết tôi sẽ đi mãi tới đâu. Tôi lái xe đến điểm hẹn thì mưa cũng bắt đầu giảm dần và trời cũng hừng sáng. Tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm khi những tia mặt trời bắt đầu ló dạng ở phía chân trời. Xa xa phía bên kia có một cây xăng nhỏ mà bảng hiệu không có và một chiếc xe truck màu trắng loại F250, phía sau có kéo một chiếc tàu câu đang nằm chờ tôi ở đó…

Cho xe chạy vào cây xăng bên đường, Bubba (tên người sẽ dắt tôi đi câu ngày hôm nay) bước ra đón tôi. Với chất giọng đớt đớt đặc trưng của người vùng miền nam nước Mỹ làm tôi hơi khó nghe một chút. Hắn bảo tôi cho xe đậu đây rồi đi chung xe với hắn đến địa điểm câu.

Nhìn quanh tôi không biết mình phải đậu xe ở đâu, vì trước cây xăng chỉ là bãi đất trống có vài xác xe cũ bỏ hoang đã lâu nằm trơ khung sườn, bị cỏ dại và dây leo mọc phủ gần kín. Tôi quay qua hỏi hắn “Mầy muốn tao đậu xe ở đâu?”. Hắn nhừa nhựa trong cổ họng “Mầy muốn đậu chỗ nào cũng được“. Tôi hơi ái ngại nên lại hỏi “Tao đậu xe ở đây nguyên ngày có sao không?”. Hắn nói “Không sao đâu, khách của tao đậu xe ở đây hoài ….”.
image010
Sông Trinity hoang dã gần thị trấn Palestine, Texas.
Nói thế rồi hắn bảo tôi đợi hắn vào trong mua tí đồ. Tôi chọn một chỗ có ít cỏ và cây cối bên hông cây xăng để đậu, xong xuôi xuống xe lấy cái ba lô vác lên vai rồi đứng đợi. Đang lớ ngớ thì tôi thấy hắn ló đầu ra sau cánh của của tiệm, huýt gió ra hiệu kêu tôi vào.

Vào trong tôi mới thấy thật ra đây là một cái tiệm nhỏ vừa bán café, thức ăn nhanh, rồi kiêm luôn bán xăng. Trong tiệm có một người đàn ông và hai người đàn bà. Người đàn ông đứng tuổi ngồi trong góc phía cuối tiệm đang nhâm nhi càfe sáng. Hai người đàn bà cũng đã khá già, một đang đứng sau quầy tính tiền và một đang chiên chiên cái gì đó trên bếp. Quay sang tôi, Bubba hỏi “Mày có muốn mua gì đem theo để ăn trưa không?”. Tôi lắc đầu, vì đã có thủ sẵn trong balô một gói xôi mặn, 2 cái bánh bao và chai nước suối mà tôi đã mua tại khu VN khi uống café từ tối qua. Hắn không nói gì, quay lại bà Mỹ già và gọi 2 cái hambuger, 1 gói thuốc lá, ly café và hai bịch nước đá để mang theo trong ngày. Không biết làm gì, tôi tò mò đứng xem cái tủ hàng bày bán đồ lưu niệm, nhìn chung cũng chẳng có gì đáng giá, chỉ lèo tèo vài cái móc khóa có hình con cá Gar và vài cái ly dùng để uống cáfe có in hình bản đồ Texas. Tôi có cảm giác là mọi người đang nhìn tôi dò xét với một ánh mắt không được thiện cảm cho lắm. Thế là ông Mỹ già ngồi cuối tiệm đứng dậy tiến về phía tôi, cũng với chất giọng nhừa nhựa đặc biệt của người vùng này ổng hỏi:

- Mày là người gì ?

Nghe giọng trịch thượng, tôi hơi bực nhưng cũng trả lời:

-Tôi là người VN“.
Ổng lại hỏi:
-Hồi ở VN mầy ở đâu?
-Tôi sống ở Saigon.
-Tao đã từng ở đó năm 1965
-Oh vậy hả, nhưng lúc đó thì tôi chưa sanh ra.

Nghe tôi nói thế ổng im lặng, lấy thêm café từ cái phích để bên quày tính tiền rồi lừ lừ quay về chỗ cũ. Tôi thấy tình hình có vẻ không ổn nên chọn mua 2 bịch khô bò. Vẻ mặt của bà Mỹ già có vẻ giãn ra một chút. Khi đem lại quày tính tiền, bả tính tôi 2 bịch $15 đồng. Tôi đưa luôn tờ hai chục bảo khỏi thối. Bả tươi cười nói cám ơn. Bước ra khỏi tiệm tôi thở phào nhẹ nhõm nghĩ bụng, thôi kệ, mình đậu xe ở tiệm của họ coi như đóng hụi chết để họ coi xe giùm cũng không sao.

Ngồi trên xe, Bubba nói với tôi hôm nay vì thời tiết không được tốt, nên chúng tôi phải đi ngược lên phía thượng nguồn gần chỗ đập nước gì gì đó, xa hơn chỗ hắn câu thường ngày mới hy vọng có cá. Hắn nói tôi bị sui, suốt cả một tuần trời nắng đẹp, đến hôm nay thì trời đột nhiên bị mưa, rồi ngày mai trời lại nắng tiếp trở lại. Hắn lại nói thêm, loài cá Gar này ngộ lắm, trời nắng càng nóng thì chúng lại càng nổi lên mặt nước để thở cũng như săn mồi, còn những ngày trời mưa bão và u ám như hôm nay, chúng thường nằm dưới sâu và cũng chẳng thèm ăn mồi gì cả. Nghe hắn nói vậy, tôi hoang mang quá nhưng biết nói gì bay giờ. “Người tính không bằng trời tính” .

Dầu gì đi nữa thì cũng đã đi đến đây rồi.

Từ đường lớn xe bắt đầu rẽ qua đường nhỏ, để rồi cuối cùng chỉ còn con đường đất nhấp nhô với nhiều cây cỏ mọc um tùm, lâu lâu có mấy con nai ở gần đâu đó giựt mình bỏ chạy trước mặt xe một cách vội vã. Chúng tôi lái xe trên con đường mòn như vậy khoảng gần tiếng thì đến sông Trinity. Xe chạy dọc theo dòng sông một khoảng 300 mét thì đến chổ thả tàu…. nói cho oai vậy chứ đây chỉ là một bãi đất lài nằm sát mé sông. Bubba cho xe de thẳng cái rờ mọt có chiếc tàu trên đó xuống sông, rồi cứ thế gài số rụ máy kéo cái rờ mọt lên lại, để chiếc tàu nằm vắt vẻo nửa trên bờ nửa dưới nước. Sau khi đậu lại xe bên bờ sông, bọn tôi phải leo xuống đẩy tiếp chiếc tàu, cho tới khi nó nằm hoàn toàn trong nước rồi mới leo lên tàu bắt đầu cuộc hành trình.

Sông Trinity chảy lững lờ với dòng nước hơi đỏ giống màu của nước trà pha đặc. Xung quanh bờ sông có đoạn cây cối mọc um tùm, có đoạn chỉ là những bãi cỏ dại và cây nhỏ. Lâu lâu có vài cái nhà sàn cũ kỹ được dựng lên mà Bubba nói đó là nơi đành cho dân đi săn, dùng để trú chân qua đêm. Hắn nói hắn cũng có một cái như vậy ở phía trên thượng nguồn. Hắn còn nói thêm đất ở đây coi vậy mà có chủ hết đó, hắn nói mình cũng có khoảng 50 ha đất mua lại của chính phủ, cũng nằm dọc theo bờ sông này đi một hồi sẽ gặp.
image020
Con gar sông Trinity của Mr. Bond.
Dòng sông Trinity cứ chảy uốn lượn theo khu rừng mọc de ra hai bên bờ sông, có đoạn thì to ra với khoảng cách đến vài trăm mét, có đoạn thu nhỏ lại chỉ còn vài chục mét và chảy ngoằn ngèo, có nhiều thân cây bị chìm dưới nước rất khó đi. Gặp những đoạn sông lớn Bubba cho tàu tăng tốc chạy hết ga nước bắn tung tóe, còn những đoạn nhỏ và có nhiều chướng ngai chìm dưới nước thì hắn cho tàu chạy rề rề, né qua tránh lại khiến tôi nghĩ mình mà đi bộ trên bờ có lẽ còn nhanh hơn chiếc tàu này. Chúng tôi đi như vậy khoảng một tiếng nữa thì đến điểm câu đầu tiên.


Tôi và Bubba bắt đầu chuẩn bị dụng cụ cho việc câu kéo. Mồi câu là những tảng cá chép được cắt từng khoanh bự bằng bắp chân người lớn, đã được hắn chuẩn bị từ đêm hôm trước. Lưỡi câu mà chúng tôi dùng là lưỡi ba tiêu loại lớn được cột vào một đoạn thẻo làm bằng thép dài khoảng 1m, sau đó nối với dây câu chính là sợi dây lụa có sức chịu lực khoảng 150 bls. Cuối cùng là một cái phao chạy loại lớn được chặn bằng cái nuvel, dùng để nối giữa đoạn thẻo và dây câu chính với nhau.

Không như các loại cá khác, việc câu cá Gar đòi hỏi sự chịu khó, kiên nhẫn vì loài cá này rất nhát và khôn ngoan khi ăn mồi. Cũng chính vì vậy có rất ít người dùng cách câu để bắt chúng vì dùng cung tên để bắn thì nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều.

Như đã nói, cá Gar rất khôn và tinh ranh, mỗi lần ăn mồi nó thường ngậm mồi rồi chạy đi tìm những nơi mà nó cảm thấy an toàn như vùng nước sâu, nơi có hang hóc, hay cây cối chìm dưới nước mới nằm lại nhai mồi rồi mới nuốt vào bụng. Nếu mình giựt cần ngay khi cá vừa mới ăn mồi, như cách thông thường khi câu các loại cá khác thì rất ít khi câu được cá, lưỡi câu sẽ không xóc lưỡi được vì miệng cá rất cứng, hay cục mồi có thể bị vuột ra ngoài một cách dễ dàng vì miệng cá có thể hả ra rất to như miệng cá sấu. Nên cách duy nhất có thể câu dính loài cá này là phải chờ đến khi nó nuốt mồi vào bụng rồi mới giựt cần.

Trở lại việc câu kéo, sau khi chúng tôi buông cần thì trời lại bắt đầu chuyển mưa trở lại. Mây đen kéo tới rất nhiều làm bầu trời gần như tối sầm lại, đây đó lại xuất hiện những tia sấm chớp và những tiếng ì ùm của sấm sét. Không khí trở nên oi bức và nóng hầm hập vì trời không chịu mưa liền làm cho tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi bắt đầu lo vì trời mưa sẽ ảnh hưởng đến việc cá ăn, cũng như tôi không có mang theo áo mưa, mà chiếc tàu câu cua Bubba là loại tàu không có mái che nên tôi sẽ bị ướt. Nỗi lo về trời mưa chưa xong thì lại có một nỗi khổ khác lại ập đến. Đó là không biết từ đâu lũ bù mắt đột ngột kéo ra từng đàn đen ngòm, chúng nhiều đến nỗi làm tôi có cảm giác là chúng sẽ bao phủ gần khắp mặt sông. Tôi cứ tưởng bù mắt chỉ có ở xứ mình và vào những dịp tôi về quê, nơi có nhiều sông nước và cây cối mọc um tùm mới có, ai ngờ ở cái xứ Mẽo xa xôi này cũng có. Thế là tôi đành ngồi chịu trận làm mồi cho lũ bù mắt Made in USA nó hành hạ. Bubba còn đỡ vì hắn mặc đồ kín mít và chỉ ló có khuôn mặt, còn tôi thì như mọi ngày chơi tà lỏn, nên để lộ cặp giò Maradona ra cho mấy con bù mắt tha hồ mà cấu xé. Thế là tôi bắt đầu “móc classic” hết mặt rồi tới chân, hết chân rồi tới mặt, vừa đập vừa gảy Mandolin mỏi cả tay.
image019
Ngôi nhà trong rừng của dân săn các sấu gar.
Không biết Bubba lôi từ đâu ra được chai cồn khô (loại dùng để sát trùng khi không có nước để rửa tay) đưa cho tôi và nói: “Mày xức cái này lên sẽ đỡ được chút, vì tao cũng không biết bọn nó sẽ kéo ra vào mùa này nên không chuẩn bị thuốc”. Chưa kịp mừng thì tui lại kêu trời, nghĩ bụng, cái thằng mắc dịch này, không biết nó có chơi mình hay không vì nãy giờ mình ngồi gãi, mặt mũi tay chân trầy trụa tùm lum thì nó câm như hến, rồi bây giờ nó đưa chai cồn để xức làm tôi bị rát muốn thấu trời xanh.

Sau khi xức cồn thì tình hình cũng tốt hơn thật, vì bọn bù mắt ngửi mùi cồn không bu tôi nữa. Nhưng tôi cũng phải xức cồn liên tục 5-10 phút một lần vì sau khi mùi cồn bốc hơi hết thì lũ bù mắt lại lao vào cắn tôi tiếp. Loay hoay với lũ bù mắt cũng hơn một tiếng thì cơn mưa ập đến làm bọn bù mắt đột ngột biến mất cũng như khi chúng xuất hiện. Hết bù mắt rồi bây giờ lại tới mưa, Bubba thì đỡ vì hắn đã thủ sẵn cái áo mưa, còn tôi thì không có gì đành ngồi chịu trận. Hắn lại lôi đâu ra được cái bao dùng để chứa rác loại lớn đưa cho tôi rồi nói “ Mày mặc đỡ cái này đi“.

Thôi kệ có còn hơn không, thế là tôi khoét một cái lỗ ở dưới đáy bao rồi trùm lên người, thò đầu ra ngoài qua cái lỗ mà tôi vừa khoét, ngồi câu tiếp. Cũng may là cái bao rác hắn đưa cho tôi là cái bao mới chứ nếu đã xài rồi chắc tôi cũng không biết mình phải làm sao.

Suốt buổi sáng hết bù mắt tới mưa, hết mưa rồi tới gió làm bọn tôi không câu kéo gì được. Đến buổi chiều trời quang mây tạnh, tình hình có khả quan hơn chút. Đang ngồi thả hồn trong phong cành thiên nhiên thanh bình, thì tiếng cái clicker của máy câu nó kêu lạch cạch, lạch cạch … chầm chậm, nhẹ nhàng. Bubba quay sang ra dấu bảo tôi là cá ăn. Nhìn theo tay hắn chỉ, tôi thấy một trong những cái phao mà bọn tôi đã quăng ra trước đó có một cái đang trôi chầm chậm ngược chiều gió. Bubba rón rén tiến đến cái cái cần có cái phao dang trôi một cách bất thường này, tắt cái licker rồi xả dây cho cái phao chạy tự do.

Bọn tôi ngồi nín thở theo dõi cái phao, nó hết chạy dọc rồi lại chạy ngang, có lúc nó chạy cắt ngang gần hết mặt sông rồi lại quay đầu trở lại kéo gần hết cuộn dây…

Bubba ra hiệu cho tôi nhẹ nhàng đi đến mũi tàu kéo cái neo lên. Rồi hắn cũng rón rén mở cái trolling motor cho tàu từ từ chạy theo cái phao. Nhiệm vụ của tôi thì thu dây lại và thả dây ra tùy theo con cá chạy ngược hay chạy xuôi, sao cho vừa đủ để dây lúc nào cũng gọn gàng khỏi bị vướng, còn nó thì điều khiển chiếc tàu tà tà chạy theo con cá. Câu loại cá này là vậy đó, đi lại thì rón rén, nhẹ nhàng, nói với nhau thì bằng mắt hoặc ra dấu, hay nói thì thầm giống như mấy thằng đang đi ăn trộm vậy.

Nhìn cách cái phao chạy Bubba nói với tôi, "Con này nhỏ thôi, thường thì tao không bắt mấy con như vầy, nhưng thôi sáng giờ chưa bắt được con nào mình bắt nó cho đỡ ghiền". Rồi hắn tiếp "Khi gặp mấy con này thì tao sẽ kéo cần giựt một phát thật mạnh để cho nó hoảng bỏ mồi, hay để cái lưỡi câu văng ra khỏi miệng, rồi cuốn cần đi câu con khác". Tôi quay sang hỏi nó: ”Sao nhìn cách phao chạy mà mà mày biết được là cá nhỏ hay to?”. Mắt vẫn không rời khỏi cái phao hắn nói: “Cá nhỏ thì nó chạy xung lắm, hết chạy dọc rồi lại chạy ngang, kéo cái phao chạy bon bon, nhìn cứ tưởng là mình dính cá lớn; còn mấy con cá lớn thật sự thì nó kéo cái phao chạy chầm chậm, từ từ và thường thì chỉ đi thẳng có một lèo, ít khi chạy dọc chạy ngang lung tung như vầy“. Nghe hắn nói thế thì tôi cũng gật gù ngồi im nhìn theo cái phao. Tàu chúng tôi chạy theo cái phao khoảng thêm 15 lăm phút nữa, thì nó đột ngột dừng lại, Bubba mắt vẫn không rời khỏi cái phao, hắn thì thầm nói vào tai tôi, “Cá đang ăn mồi đó“ làm tôi hồi hộp quá cỡ. Cái phao dừng khoảng 5-10 phút thì nó bắt dầu chạy tiếp, Bubba quay sang nói: "Bây giờ mầy đóng máy giựt cần được rồi” thế là tôi tuân lệnh giựt cái hự.
image024
Thuỷ quái vùng vẫy.
Con cá từ đầu dây bên kia bị xóc lưỡi, quá hoảng sợ bỏ chạy kéo cái phao chạy te te, làm cái cần cong vòng. Tôi dìu con cá một hồi thì lôi lên được một em bự bằng bắp chân người lớn. Tôi thì vui mừng, thấy cũng đã tay vì từ sáng tới giờ chẳng kéo được con gì, và đây là lần đầu tiên tôi câu được con cá Gar. Còn mặt thằng Bubba thì méo xẹo vì thấy tôi chỉ kéo đươc con cá nhỏ. Tôi thấy vậy bèn an ủi nó “Có còn hơn không, tao kéo được con cá Gar là vui rồi”. Hắn không nói gì, mở máy tàu chạy đi tìm chỗ câu khác.

Đối đầu với thủy quái.

Đến điểm câu thứ 2, tôi và Bubba lại buông cần ngồi chờ sung rụng. Đang ngồi ngủ gật vì đêm hôm qua thức suốt đêm không ngủ, thì tôi ghe tiếng clicker từ cái máy câu của cây cần đang ôm trên tay vang lên, lạch cạch, lạch cạch … chầm chậm chứ không kéo chạy rèn rẹt như các loại cá lớn khác khi ăn mồi. Vì đã có kinh nghiệm nên tôi liền tắt cái clicker và xả dây máy câu, phóng tầm mắt về mấy cái phao đang nổi bồng bềnh trên mặt sông phía trước mặt. Cái phao từ cái cần của tôi đang cầm nó lại chạy ngược chiều của dòng nước chảy. Nhưng kỳ này phao cứ lầm lũi chạy ngược dòng nước một cách chậm chạp chứ không chạy te te hết chạy dọc rồi lại chạy ngang như lúc hồi nãy. Bubba quay sang tôi nói với giọng có vẻ hớn hở “Cá to đó”. Thế là bọn tôi kéo các cần khác lên, nhổ neo, rồi mở trolling motor để chạy theo con cá. Tôi lại thu dây rồi thả dây tùy theo mức độ chạy của con cá, để giữ dây lúc nào cũng gọn gàng không dư nhiều sẽ bị vướng vào các vật khác dưới sông. Chúng tôi đi theo con cá khoảng hơn nửa tiếng thì cái phao dừng lại, đành phải ngồi chờ, 5 phút, 10 phút, rồi 15 phút cái phao vẫn không nhúc nhích

Bubba bảo tôi dùng tay kéo dây lên từ từ xem đầu kia có nặng không? Rồi hắn còn dặn thêm nếu thấy đầu kia còn trì nặng thì nhớ thả dây ra liền vì nhiều khi gặp cá lớn nó lười, ăn mồi xong thì nằm luôn ở đó. Tôi hồi hộp bắt đầu thu dây, thu hoài thu hoài mà chẳng thấy có cái gì ghì nặng ở bên kia cả. Cuối cùng thì tôi có cảm giác đầu ở đầu dây bên kia nhẹ tưng. Tôi quay máy lên, cục mồi vẫn còn nguyên. Thế là gần cả tiếng theo con cá, bây giờ thành “công cốc”. Con cá đã bỏ mồi từ bao giờ. Thằng Bubba tức quá văng tục, còn tôi thì ân hận vô cùng, tôi nghĩ con cá bỏ mồi là vì tôi quá dở nhưng tôi không dám nói cho nó biết. Trong lần cuối thu dây tôi thu hơi quá tay và cảm thấy đầu bên kia có cái gì ghì nặng trở lại, tôi lại ráng kéo thêm chút nữa thay vì thả dây ra liền như Bubba vừa nói.

Chắc có lẽ vì vậy mà tôi đã làm cho con cá hoảng sợ nhả cục mồi ra. Đúng là bài học nào cũng có cái giá phải trả của nó, tôi đã làm xẩy con cá có thể là con lớn nhất trong ngày, tiếc ơi là tiếc.

Bubba lại cho tàu đi đến điểm câu khác, lại quăng cần rồi ngồi chờ cá ăn … Trời càng về chiều gió nổi lên nhiều, làm cái tàu cứ quay lòng vòng không câu kéo gì được vì neo có một neo. Thế là Bubba bảo tôi quay cần lên, hắn cho tàu chạy về cái chòi canh rừng của hắn, tìm thêm dây và các thứ khác để làm thêm một cái neo thứ 2 để neo tàu cho chắc. Thế là tôi lại có dịp tham quan giang sơn trong rừng của Bubba. Gọi là nơi dừng chân của hắn sau những chuyến câu đêm trên sông hay săn thú trong rừng, nhưng đây là ngôi nhà sàn có khá đầy đủ tiện nghi và có điện nước đàng hoàng. Bếp thì được nấu bởi bình gas mà hắn đem vào, nước thì được lấy từ dưới sông lên và điện thì từ cái máy phát điện để dưới nhà … Đúng là bọn Mẽo có khác, đi đâu cũng được trang bị đến tận răng.

Nhà khá đầy đủ tiện nghi, có điện nước và phòng ngủ, phòng khách đàng hoàng .
image030
Đến phút chót mới chịu chụp ảnh chung với Mr. Bond.
Khu rừng bên dòng sông Trinity càng về chiều làm như sống lại. Từ tiếng chim kêu, chó sói tru cho đến tiếng con nai con lạc mẹ kêu bép bép, thấy nao nao trong lòng. Tôi quay sang Bubba hỏi rừng này ngoài nai ra thì còn có con gì nữa, hắn nói thì có nhiều thứ lắm: chim chóc, sóc, nhím, tê tê (loại thú đặc trưng của Texas), chồn, cáo, chó sói và heo rừng. Đang tám chuyện với nó thì một trong những cái cần cắm phía sau tàu lại vang lên tiếng lạch cạch, lạch cạch... của cái clicker. Bubbar nhẹ nhàng đi ra phía sau tàu, hắn cầm lên cái cần vừa phát ra tiếng động rồi trao cho tôi. Thế là bọn tôi lại thu cần, nhổ neo theo con cá một lần nữa. Tôi thu và thả dây theo cái phao cứ lừ đừ chạy chầm chậm thẳng một đường. Bubba quay sang nhìn tôi, gật gật cái đầu có vẻ đắc chí. Không cần nó nói, lần này tôi cũng thừa biết là cá lớn. Rút kinh nghiệm từ lần trước, tôi thâu và thả dây một cách cẩn thận, bài bản hơn. Chúng tôi theo con cá gần cả tiếng thì cái phao mới dừng lại. 5 phút, 10 phút, rồi 15 phút trôi qua, cái phao vẫn không nhúc nhích, tôi sợ con cá lại bỏ mồi như lần trước, trong lòng hồi hộp quá trời.

Chụp hình lưu niệm tại nhà của Bubba (Tôi đi lang thang quanh nhà của Bubba và lượm đươc cái mu rùa khá đẹp, dự định đem về nhà chưng, nhưng Bubba nói “Nó sẽ đem đến sự sui xẻo cho mày” nên tôi bỏ lại)

Tôi cầu Trời khẩn Phật cho con cá đừng bỏ mồi … Bubba lại ra hiệu cho tôi quay dây lên, tôi kéo dây từ từ, vừa kéo vừa cầu nguyện…cuối cùng thì tôi có cảm giác đầu dây bên kia nặng trĩu, tôi liền buông dây ra. Cái phao nhúc nhích một chút rồi bắt đầu chạy tiếp. Tôi mừng còn hơn bắt được vàng, phen này thì chết mày nhá.

Để cho chắc ăn, Bubba nói tôi chờ thêm lát nữa rồi mới đóng máy giật cần. Tôi làm theo hiệu lệnh của nó. Giật một cái là thấy đầu dây bên kia nặng trĩu, tôi quay máy vào vài vòng rồi giật thêm cái nữa … tôi hớn hở la lên “dính rồi”. Con cá kéo cái phao chạy te te …

Đột ngột tôi thấy sợi dây câu chùng lại, rồi từ dưới nước, giống như trái hoả tiễn địa- không phóng ra từ tàu ngầm của Mỹ, con cá bay lên lắc đầu dữ dội sau đó rớt xuống cái đùng và quậy nước văng tung tóe làm đục ngầu cả một vùng. Con cá quay qua rồi lộn lại, cố vùng vẫy để thoát thân nhưng cuối cùng rồi tôi cũng lôi được em nó lên tàu. Đúng là một cảm giác “trên cả tuyệt vời”.

Sau lúc đó cho đến giờ về bọn tôi còn câu được thêm 2 con nữa. Một con cũng kha khá và môt con be bé cũng cỡ con đầu tiên mà tôi câu được. Chúng tôi kết thúc buổi câu gần 12 giờ khuya, không như dự định ban đầu là từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều.

Thu dọn đồ đạc và về đến chỗ tôi đậu xe thì đã gần 2 giờ sáng. Sau đó tôi lái xe về Houston lúc gần 7 giờ sáng, kết thúc một ngày đi câu khá mệt nhưng đầy cảm giác và thật là bổ ích vì tôi đã học được thêm cách câu một loại cá nữa, thật là quá đã ….hihi.

Xin chia tay Texas và hẹn ngày trở lại để chinh phục những con cá to hơn.

Mr. Bond

Ý kiến bạn đọc
30/05/201211:42:14
Khách
Bằng lối viết mộc mạc , chân chất nhưng tác giả đã lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối bài phóng sự ,chắc hẳn người viết là nhà văn không chuyên nhưng đã thể hiện trong bài một tình cảm rất..."Việt "!Tình cảm của một người VN sống trên đất Mỹ.
Xin cảm ơn Mr. Bond.
27/05/201214:44:54
Khách
Trên cả tuyệt vời. Cám ơn tác giả Mr. Bond câu chuyện sống động và ly kỳ của anh.
28/05/201216:17:53
Khách
Sao trong phim thì Mr. Bond luôn cặp kè kên cạnh là những người đẹp, mà Mr. Bond nầy ôm một "em nó" có hàm răng ghê quá vậy? Coi chừng em nó táp cho một phát thì tuyệt giống!
04/06/201201:19:33
Khách
Bài viết rất hay và sống động... thank you Mr.Bond
07/06/201208:28:56
Khách
Một chuyến đi câu đầy thú vị được viết lại rất là sóng động, Cám ơn Mr. Bond đã chia sẽ .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,754,039
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến