Hôm nay,  

Đôi Dép Nhật

07/05/201200:00:00(Xem: 187029)
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã có nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị, vừa nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 20011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Sau đây là bài mới nhất của ông.


Hồi còn ở Việt Nam, ông bà làm cho sở Mỹ, đưọc đi công tác nhiều nơi trong nước. đến tháng 4 năm 75, nghe lời, hăm dọa, dụ dỗ ngon ngọt của chủ, ông bà đành đoạn bỏ xứ mà đi, lỡ mất dịp được hưởng độc lập-tự do-hạnh phúc như thiên hạ. Qua tới Mỹ, ông bà chọn tổ ấm ( lần thứ hai, thứ ba gì đó) ở một tiểu bang tít vùng Tây Bắc. Nhờ may mắn ông bà kiếm được việc làm tương đối tốt. Trong những kỳ nghỉ phép hàng năm, ông bà đi du lịch khắp năm châu, bốn bể, chỉ trừ ngọn núi Himalaya ở Népal và rừng nguyên sinh Amazone là chưa có dịp đặt chân tới thôi. Khi về hưu, ông bà về đây sống ẩn dật. Vùng này, sát biên giới Canada, một nơi biển rộng, trời cao, đầy thơ mộng, nhưng vắng vẽ, điù hiu,xa đô thị nhộn nhịp, buồn muốn chết. Bạn bè có thắc mắc, hỏi ông bà, sao lại ở đây, bộ sợ thiên hạ dòm ngó những “sen” nóng bỏng của hai người, nên chọn nơi không có khỉ ho, không có cò gáy để né phải không. Ông chẳng trả lời mà chỉ ngâm nho nhỏ:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ.
Người khôn người chọn chốn lao xao.

Ngày qua tháng lại, giật mình quay lại, thì thấy con cái đã đủ lông, đủ cánh bay đi mất tiêu, để lập tổ riêng, căn nhà vốn rộng, giờ lại thấy mênh mông thêm, vì chỉ còn hai người : một ông già và một bà hơi già già nghĩa là không còn trẻ như tứ thập hay ngủ thập niên trước đây.

Đi ra, đi vào thấy mặt nhau mãi cũng nhàm, nói chuyện riết rồi không còn gì để nói nên dễ cải lộn, nên ông bà thỉnh thoảng í ới bạn bè khắp 50 tiểu bang và quốc tế có quởn thì đến chơi, bù khú, gợi lại quá khứ huy hoàng ngày xưa hay hoang tàn sau ngày sập tiệm. Được vài ba bửa, thì ai lại về nhà nấy, lại vũ như cẩn, buồn như chưa bao giờ buồn thế.

Ở xứ vịt trời bay thẳng cánh, biển mênh mông, hồ lai láng, phong cảnh hữu tình đó nhưng ông chẳng biết làm gì cho hết thì giờ. Thỉnh thoảng định sanh tật thì bị bà xã cằn nhằn, cho là “già không nên nết, không biết mắc cở, loại Yamaha”, gây lộn thì cãi không lại cái miệng “đây là đài phát thanh quốc gia, có gắn loa Phường, Khóm ” của bả, im lặng thì bị chì chiết là “thằng cha già câm, điếc”. Bỗng nhiên ông khám phá ra cổ nhân thường giải tỏa stress bằng các thú cầm, kỳ, thi, họa, tửu... mà ông thì mù tịt các loại đó: đờn thì trâu cũng chẳng thèm nghe, hát không ra hơi, thơ thì dở ẹt, chơi cờ thì luôn bí, vẽ thì đàn ông thành đàn bà, bia chưa đến một lon thì đã quá nồng độ cho phép. Thú ngao du trên lưng bò vàng đeo lục lạc như Nguyễn Công Trứ thì ông không dám, vì xem các cuộc trình diễn rodeo, ông sợ quá, hay các nhân vật dị hợm (dị nhân) Ba Tàu ngày xưa thích đi câu cá không cần lưỡi câu thì không giống ai. Cuối cùng ông chọn thú đi câu có lưỡi câu để xã xú báp.

Nhờ dầm sương, dãi nắng ngoài biển, lại ăn toàn cá, có nhiều chất Omega-3, chất sắt, chống được bệnh cao máu, cao mỡ, tốt cho tế bào nơ rơn của óc, tránh được bệnh tim, bổ phổi, mát tì vị, dễ tiêu, lọc tiểu, thông cổ, hạ đàm nên sắc mặt ông hồng hào, da dẻ rám nắng , trông khoẻ mạnh, đẹp lão thấy mà mê. Mà ông trở thành tay thợ câu lành nghề hồi nào không biết, chớ không phải loại lơ tơ mơ đâu nhá. Đồ nghề của ông thì phải biết, cái gì cũng có. Cả một xe kéo, chất đầy cần câu, dài, ngắn , đủ hiệu, toàn loại mắc tiền, lưỡi câu thì phát khiếp, đủ cở để câu từ cá lòng tong đến cá mập, cá sấu, dao, kéo, cưa, để làm cá, xẻ thịt ; thước và cân để đo kích cở cá, kẻo phú lít bắt về bóp, vì phạm luật; mồi câu toàn đồ hiệu cao cấp, thứ cá ưa thích;, dây cước, thùng, xô,chậu, lưới, vợt, quần áo, giày ống, nón, găng tay, mắt kính, kem chống nắng, ghe, tàu… cái gì ông cũng có cả. Ông còn đặt mua báo năm về thú đi câu và là hội viên chính thức của Hội Câu Cá vùng Bắc Mỹ.

Bộ đồ nghề làm ông tốn bộn bạc, nhưng bù lại, bà xã không tốn tiền chợ, vì có cá ăn quanh năm. lại còn cho hàng xóm, bạn bè một cách hào phóng. Dưới basement ông có 3 tủ freezers đầy ấp cá đủ loại: ngát, đuối, thu, hồi, mòi, nhám, nóc, basa, kiếm, mực, chem chép, ngao, sò, ốc, hến, rắn, rùa, ghẹ, tôm,cua, ba ba… nghĩa là con gì ở dưới nước là chun vào nằm chen chúc trong freezer của ông.

Nhà ông chưng bày lũ khũ các cúp, bằng khen, hình ảnh các chiến công của ông : kết quả của những cuộc tranh tài trong các cuộc thi câu cá địa phương và quốc gia giữa các sát thủ Hà bá đến từ các nơi trên thế giới. Ông kể vanh vách cho bạn bè đến chơi, cá này tên gì, nặng bao nhiêu pao, câu được ngày nào, ở đâu, từng chi tiết một. Trí óc ông còn quá minh mẫn, thật đáng phục !

Một ngày đẹp trời mùa Hè vừa qua, như thường lệ, ông chuẩn bị đồ nghề, xách ghế xếp ra chỗ quen thuộc bên kè đá. Vừa nghe nhạc từ chiếc Ipod nhỏ xiú, ông thả câu, chờ thời. Ngó quanh quất, bỗng ông thấy một vật gì xanh, đỏ nổi nhấp nhô trên sóng. Đến gần thì ra một 1 chiếc dép kẹp, thường gọi là dép Nhật. Ông vớt lên, thấy đẹp, mà lại còn mới tinh. Lật lên, ông đọc được chữ Made in Japan, ướm vào chân, ồ, thật là vừa khít, mà êm nữa. Ngạc nhiên lắm, vì ở xứ này, thượng vàng, hạ cám, từ cây kim, cái nút áo, Ipad, Iphone, bóp đầm LV. Coach, Prada, Victoria Secret… đến phụ tùng xe Cadillac, Boeing, M-16, M-18, F18, F25 , tàu ngầm, hàng không mẫu hạm… đều có bàn tay năm ngón của anh Ba Tàu nhúng vào, sao lại có món đồ Made in Japan thế này.Tìm kỹ hơn, ông thấy chiếc dép thứ hai. Ông vừa ý quá, bỏ ngay đôi dép đồ hiệu Skechers của Mỹ, nhưng made in Chệt, ông mang luôn đôi dép Nhật về nhà, không thèm câu nữa, xem như đã đủ vốn cho ngày hôm đó.


Hôm sau trong khi đang ngồi nhìn mây nước chưa nóng chỗ, thì một vật gì bóng loáng, nhấp nhô trên sóng gần bờ, khiến ông chú ý. Ông thẩy cần câu, móc vào. Ông cầm lên, biết đó là chiếc Obi, một loại gối nhỏ, cột sau lưng chiếc kimono, thường là của các cô Geisha. Chiếc Obi màu sặc sỡ, hoa văn cầu kỳ, nó cũng có nhãn mang chữ Made in Japan. Ông càng thắc mắc vì theo ông biết, vùng này không có người Nhật sinh sống,tại sao có hàng Nhật xịn trôi nổi như thế này.

Ông đưa cho bà xã xem chiếc Obi và nói: Đẹp quá, phơi khô, dùng gác chân ở salon, xem tranh cúp đá banh trên Ti Vi thì còn gì bằng.

Một buổi sáng Chúa Nhật đầu tháng Tư năm 2012, ông ngồi ở salon, chân gác trên chiếc Obi, nhấp từng hớp cà phê Starbuck pha với sữa cô gái Hà Lan, ăn bánh bagel với cream cheese. Cầm tờ báo địa phương, ông lơ đãng lướt qua các tin tức xe cán chó, bắn nhau vì ghen tương, xách súng bắn người bừa bãi vì bị thất nghiệp, tai nạn xe cộ vì say xỉn, phê, đang gọi phone hay texting, bom nổ ì xèo ở Irak, A Phú Hản, thị trường chứng khoán trồi lên, sụt xuống như cơm bữa….. Bỗng một tít lớn hấp dẫn đập vào mắt ông: “Chiếc tàu ma”.

Bài báo viết: Một chiếc tàu dài 164 Ft, tên Ryou Un Maru được Tuần Duyên Mỹ phát hiện, đang trôi gần vịnh Alaska. Tàu này không có đèn đuốc và không có ai sống sót trên tàu. Được xác định là tàu đánh cá, xuất xứ từ đảo Hokkaido của Nhật, bị cơn sóng thần hồi tháng 3 năm 2011, kéo ra biển và trôi dật dờ trên Thái Bình Dương hơn năm nay, và đang tiến vào vịnh Alaska. Vì đây là thủy lộ chính qua lại của các tàu đánh cá, cua, tôm, nên Hải Quân Mỹ đã quyết định đánh chìm tàu ma này bằng súng hạng nặng và chất nổ. Bài báo cũng nói thêm là vệ tinh đang theo dõi hướng đi của một đám rác khổng lồ lối 5 triệu tấn; hậu quả của trận Tsunami tràn vào thị trấn Fushiyama năm ngoái, đang trôi lình bình giữa Thái Bình Dương. Bài báo cũng nhắc lại cách đây 3 tháng, cảnh sát địa phương ở thành phố X. có vớt được một xác phụ nữ trẻ, vận một bộ kimono trên bờ biển gần đó. Sau khi khám nghiệm, điều tra, thông báo và thử DNA, phía cảnh sát Nhật xác định nạn nhân là người ở tỉnh bị sóng thần san bằng và trôi đến bờ biển bên này Thái Bình Dương. Chính quyền điạ phương không loại trừ khả năng có thể còn nhiều nạn nhân nữa. Tờ báo kết luận.

Ông suýt nghẹt thở vì miếng bánh không trôi xuống cổ họng được: Thành phố X là thành phố ông đang ở. Nơi vớt xác nạn nhân là bờ biển ông thường câu. Ông buông tờ báo ra, không dám đọc thêm nữa, kinh hãi, vội vàng đẩy chiếc Obi xuống đất, cạnh đôi dép xinh đẹp và mềm mại đang nằm trên chiếc thảm. Cà phê trở nên đắng nghét, bánh chua lè: Trời! Vậy mà mấy tháng nay, ông nâng niu đôi dép, đem đi khoe với bạn bè, vì không ai có, ôm ấp chiếc Obi khi ngủ, ghiền như em bé phải có con gấu nhồi bông mới chịu lên giường. Ông lấy hơi lên, cố gắng thở. Run run ông lấy đũ gắp đôi dép và chiếc gối bỏ vào bao ny lông. cột lại thật chắc. Ông vô nhà tắm, lấy xà bông Dove, gội đầu hết một chai dầu shampoo Head & Soulders và lấy bàn chải chà 2 chân thật kỹ và thật lâu rồi hích hích mũi xem có còn mùi gì không.

Tức tốc, ông mang bao ny lông đó ra biển, cùng với 3 cây nhang. Đốt nhang xong, xoay bốn phương, tám hướng,nhắm về phiá núi Phú Sĩ của xứ Mặt Trời Mọc, ông vái lầm thầm: “domo sumimasen, domo sumimasen!” (Im very sorry, Im very sorry) rồi lấy hết sức bình sinh quăng ra xa.May phước, đôi dép Skechers ông bỏ lại hôm nào, chẳng có ma nào thèm lượm , mừng quá, ông đem về nhà, mang tiếp.

Tuần sau đó ông cảm thấy hơi bệnh bệnh, chẳng thiết đi câu nữa, đem tất cả đồ nghề cất dưới basement. Ông gọi bà xã, ra lệnh đem tất cả hải sản trong các freezer ra cho hàng xóm và bạn bè, từ nay, đi chợ chỉ mua thịt heo, thịt bò hay thịt gì cũng được nhưng không mua bất cứ con gì ở dưới nước. Bà nhớ chưa. Và ngày mai tôi sẽ đi thuê nhà, hay mua nhà đi xa chỗ này càng xa, càng sớm càng tốt, tôi không muốn ở đây thêm ngày nào nữa.

Bà hốt hoảng, chạy lại rờ trán ông, đang đẫm mồ hôi: ”Ông sao vậy, trúng gió hả, có sợi dây thần kinh nào sút không ? Để tôi lấy dầu xanh cạo gió, giác hơi, đấm bóp hay châm cứu cho, mà tại sao ông trở chứng bất tử dậy?” Ông gạt tay bà và nói: ”Tôi chẳng sao cả. Chỉ muốn thay đổi thôi.”

Tuần sau đó, bạn bè được báo bằng email về địa chỉ mới của ông bà trong thành phố, cùng số phone và lời mời đến chơi cho biết. Có người thắc mắc hỏi lý do sao dời nhà dzậy. Hỏi hoài, không trả lời cũng kỳ, nên ông ỡm ờ nói: Dư tiền quá, không biết làm gì, nên mua nhà mới ở chơi, có được không?

Bạn bè thấy ông bỏ nghề, thường lo lắng, không còn vui vẻ như lúc trước, lại không còn cá chùa ăn nữa, muốn chọc cho ông vui nên hỏi: “Sao ông Hai, đôi dép Nhật gin của ông đâu rồi, ông đã tẩy chay hàng của tụi Tàu, bây giờ ông lại boycott hàng Nhật nữa hả ông Hai?”

Ông ráng cườì, nhưng méo xẹo: Tôi là người Mỹ yêu nước, tôi xài đồ Mỹ. Hãy bắt chước tôi, buy American để vực dậy nền kinh tế đang suy thoái của nước Mỹ.

Cho đến nay , chẳng ai, kể cả bà xã ông, biết lý do ông chê đồ hải sản và dọn nhà quá gấp của ông. 

Kông Li

Ý kiến bạn đọc
19/05/201222:16:55
Khách
Xin được tóm lược có một cặp vợ chồng già quá từng trải (cái gì cũng biết) đang sống tẻ nhạt với nhau. Ông chán bà nên tìm vui thú đi câu và bắt được một đôi dép và cái obi đem về tưng tiu ôm ấp nhưng khi phat giác là của một cô gái Nhật nạn nhân sóng thần năm trước, sợ quá ông bèn cúng vái trả lại cho "oan hồn và trốn chạy" đi nơi khác. Đúng là tự ông, ông thành bị ma ám rồi sợ cả hàng Nhật. Văn hay nhưng tiếc thay lại diễn tả thảm cảnh một cách vô tình. Nếu với nét bút dí dỏm TG nêu được ra niềm đau vì thiên tai và tình thương cho nạn nhân thì bài viết trở nên tuyệt vì vời lòng nhân ái, nạn nhân chỉ đáng thương chứ không đáng sợ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,332,144
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.