Hôm nay,  

Thiên Thần Joe Của Tôi

22/04/201200:00:00(Xem: 112110)
Tác giả tên thật: Nông Phiên; Sinh năm 1965 tại Sài gòn. Giáo viên Sư phạm Kỹ Thuật. Công việc hiện tại: Electro-mechanic Technician. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Phi Yên là một tự sự linh hoạt về công việc lưu trữ ngũ cốc tại Mỹ, lần đầu được đề cập bởi người gốc Việt. Sau đây là bài viết mới nhất. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

Thiên thần Joe của tôi là một người Mỹ đen chính hiệu.

Không giống như trí tưởng tượng cuả điêu khắc hay hội hoạ gì gì đó thường mô tả thiên thần trong hình dáng người nam hay nữ da trắng, mắt to, mũi cao, tóc sóng gợn bồng bềnh và mang sau lưng cặp cánh có thể bay về trời hay bay bất cứ nơi đâu; Thiên thần Joe của tôi lại có mái tóc quăn tít xà lù, mũi lân, mắt lộ, môi dầy và làn da đen bóng như than hầm loại hảo hạng.

…Lúc ấy gia đình tôi đang sống ở Houston, Texas. Cuối năm đang vào những ngày Giáng Sinh rộn rã thì nhận được tin ông anh rể đầu bên vợ sau cơn bạo bịnh đã vừa mất ở Dallas, cách Houston khoảng bốn giờ rưỡi lái xe. Chúng tôi vội thu xếp để một người bạn đến nhà trông hai nhóc tì và tức tốc lên đường. Anh tôi nằm bịnh đã lâu. Chúng tôi biết anh có lẽ sẽ không qua khỏi nhưng trong lòng vẫn cảm thấy xót xa ngỡ ngàng khi nghe mấy đứa cháu gọi điện thoại khấp báo, nhất là ngay sau nửa đêm Giáng Sinh …

Ngày 25 Christmas Day, tôi và bà xã ra khỏi nhà lúc 3 giờ chiều. Tôi định bụng khoảng 8 giờ tối sẽ đến Dallas nếu mọi sự trôi chảy. (Lại chữ NẾU!). Câu chuyện không trôi chảy tí nào. Con ngựa Cherokee đời 90 của tôi đang ngon trớn trên đường I-45 thì bỗng ho khục khục và…không thèm chạy nữa. Cái hộp số không còn bắt bánh răng khiến nó nằm đơ ra đấy giống như một lực sĩ bị đo ván, tim vẫn đập nhưng tay chân bị cắt gân hết trọi. Thương ôi! Chiếc xe Jeep “bại liệt” của tôi. Nó chạy hết trớn rồi ngừng lại bên trong cuả emergency lane. Thấy thảm.

Tôi bước ra khỏi xe làm vài động tác kiểm tra, sau đó ra dấu cho vợ tôi biết rằng không thể cứu vãn được nữa.(Ngón tay trỏ kéo ngang qua cần cổ ấy mà, bạn đã từng làm chưa). Nàng ngơ ngác hỏi:

-Rồi sao đây anh? Xe không chạy được nữa anh tính làm sao?

-Để xem… có ai đó sẽ gọi giúp cảnh sát cho mình chăng? Em cứ ngồi yên đó, nhe!

Tôi nhìn xung quanh nơi tôi đang đứng bên xa lộ I-45. Trời đang ngả dần về Tây. Ánh nắng cũng còn đủ sáng ít ra hai tiếng nữa. Mình đã lái được bao lâu nhỉ? Tôi nhẩm tính khoảng một phần tư đường… vậy là gần Huntsville thôi, chưa được nửa đường nữa là…Cái kẹt ngay trước mắt là không có cell phone (nhắc lại khoảng năm ấy cell phone còn rất là xa xỉ với nhiều người, chưa rẻ và tiện lợi như bây giờ). Thì gọi công cộng. Ði bộ ráng chút nữa có khi gặp hộp điện thoại emergency không chừng…Tôi nghĩ.

Nhưng mà hổng được! Còn bà xã với cái xe thì sao. Không lẽ kéo nàng đi bộ để cái xe lại? hoặc mình đi bộ kiếm cái phone công cộng, make a call rồi đi vòng lại, để nàng với xe một mình? Ah..Ah.. tôi vò cái đầu. Kẹt. Kẹt. hổng được. Tôi quyết định đứng tại chỗ, đưa tay vẫy những chiếc xe đi cùng chiều với hy vọng có ai đó họ sẽ gọi cảnh sát đến giúp. Từ xe lớn đến xe nhỏ, nhiều tài xế thấy hai tay tôi vẫy lia lịa, nhưng chạy luôn. Khoảng nửa tiếng vẫy tay không kết quả tôi mới giật mình nhận ra mình đang ở gần trại tù HUNTSVILLE Prison, khi tình cờ cái hình thù bức tường kia lọt vào tầm quan sát của tôi mà nãy giờ tôi không nhìn kỹ.

Tự nhiên gai ốc gợn thành sóng chạy suốt sống lưng tôi.

Trại tù tiểu bang này nổi tiếng hành quyết các tử tội. Những tay vào đây thường là lãnh án chung thân hoặc tử hình. Mới đây vài ngày báo chí Houston loan tin có một hai vụ vượt ngục nữa chứ. Thôi rồi! Tôi than thầm. Thảo nào nãy giờ chả có mống nào thắng xe lại, có khi họ nghĩ mình là Bad guy không chừng?...

Tôi quay vào chỗ xe đậu và tóm tắt thật nhanh hoàn cảnh “Bác Ði” (bi đát), kẹt đủ thứ bề cho vợ tôi. Nàng bảo: “Ðể em ra đứng cùng với anh, họ nghĩ mình không phải là bad guy, maybe họ sẽ giúp”. Nói là làm, hai đứa tôi đứng vẫy thêm mười lăm phút, nhưng chẳng ăn thua gì.

Tôi đâm lo. Lo vì trời đã chiều, gió bắt đầu lạnh, và ngày Christmas ai cũng vội vàng hối hả lo nuốt đường dài trên freeway để mau về nhà, mình đứng đến khi nào đây? Nhưng cái lo ấy cũng không bằng cái lo vợ chồng chúng tôi có thể bị hại bởi những người tù trốn trại. Có thể lắm chứ? Huntsville Prison còn mang một nickname nổi tiếng là “Walls Unit” kia mà…

Tôi lấy một hơi thở sâu và bắt đầu cầu nguyện. Nàng cũng nắm chặt tay tôi. Tôi biết nàng đã cầu nguyện từ nãy giờ, từ lúc tôi quẹo cái xe Jeep vào trong lề cơ…Cái linh tính cho tôi biết “mít ướt “ của tôi bắt đầu đại hạ giá đây.

-Này, em đừng có nhè chứ,-Tôi bảo, Ày da.. không được thì mình đi bộ có sao đâu? Hai đứa đi xa chút nữa thôi thế nào cũng gọi được cảnh sát đến giúp mình mà…

Mắt nàng đỏ hoe… Tôi tảng lờ như không thấy:

-Em vô lại trong xe ngồi đi không thôi lạnh. Ðể anh đứng đây chút nữa rồi mình tính cách khác!

Khoảng mười phút sau tôi thấy một chiếc xe Ford mang cá đời 79 giảm tốc độ rồi đậu vào lề đường cách chỗ tôi đứng khoảng trăm thước. Tài xế không biết là nam hay nữ vì nắng vàng đang hắt vào mặt tôi khiến tôi không đoán được. Nhưng chắc một điều là người lái xe đang phân vân.. bởi vì sau hồi lâu, chiếc Ford mang cá de cái rẹt ngay chỗ chúng tôi đứng. Bước xuống xe là một người đàn ông mập tròn, da đen, ăn bận xuề xoà. Anh ta bước đến và hỏi với giọng rụt rè nhưng vang và ấm:

-Xin chào! Tôi có thể giúp gì được ông không? Tôi đoán dường như xe ông bị hư?

-Vâng. Tôi đang kiếm sự giúp đỡ.-Tôi chỉ tay vào chiếc Cherokee- Nó nằm gần hai tiếng ở đó rồi. Tôi nghĩ nó có problem hộp số gì đó…

Người đàn ông da đen đến xem xét chiếc xe bị “phế bỏ võ công” của tôi, thử cần sang số, trầm ngâm rồi nói:

- Tôi biết về máy xe và có đồ nghề mang theo đây. Tôi sẽ thử một cái trick xem sao. Maybe nó work. Maybe not. Nhưng ông phải đưa tôi bốn chục.

- Tôi hiểu. Không có vấn đề gì…Cám ơn ông đã có lòng giúp.

Tôi mừng thiệt. Mừng là có người biết về máy lại có đồ nghề sẵn đây xuất hiện. Chứ bốn chục đồng là chuyện nhỏ xíu đáng vào đâu, người Mỹ có thói quen thoả thuận giá trước khi làm, hay gọi bằng cụm từ “Make a deal”. Cái deal này anh ta đưa ra được quá đi chứ!

Tôi móc tiền ra đưa anh ta. Người đàn ông cầm lấy, cảm ơn, và nhanh nhẹn trườn người xuống gầm xe mở bộ phận gắp số. Cũng may gầm của chiếc Cherokee khá cao nên cái bụng anh ta không phải thóp lại bao nhiêu. Phần nữa, máy xe cũng đã nguội nãy giờ cho nên tôi không lo cái bụng bự của anh ta bị barbecue bất đắc dĩ!

Mười phút, hai chục, ba chục phút đi qua với tôi là chừng ấy phút hy vọng. Hy vọng…Tôi cầu nguyện cho đến khi người đàn ông chui ra khỏi gầm xe, vói tay quẹt mồ hôi ngang trán và... lắc đầu:

-Xe ông bị nặng quá! Nó đã hư ở cái bơm nhớt hộp số rồi. Hộp số đã mất áp suất. Rất tiếc tôi không làm được gì hơn lúc này…

Tôi nghe giọng anh ta nhỏ dần ở cuối câu nói nửa chừng, mà tưởng như niềm hy vọng mong manh đang luồn qua kẽ tay tôi mà bay lên trời…

-Còn cách nào khác không, thưa ông?

Người đàn ông da đen nhìn quanh một vòng xa lộ. Những chiếc xe vẫn vùn vụt lao nhanh như nhắc nhở anh ta còn phải làm điều gì đó ở nhà, nhiều việc đang chờ anh. Lác đác một vài chiếc xe đã lên đèn pha, chiều buông dần một màu tím đỏ nối dài cuối chân trời… Đắn đo một hồi, anh ta nói:

-Tôi có mang theo dây thừng. Uhm..mm. Thôi như vầy. Tôi sẽ kéo xe ông đến một thị trấn nhỏ gần đây. Rồi từ đó ông sẽ có thể mướn một chiếc xe ở local chạy tiếp vậy. Mà... ông bà định đi đâu?

-Chúng tôi định đi Dallas dự đám tang của ông anh, mới mất hồi hôm. Thật xui xẻo. Mới được phần tư đường đã xảy ra chuyện thế này. Vợ chồng tôi đang cư ngụ ở Houston. Thưa ông…?

-Joe. Cứ gọi tôi là Joe.

Người đàn ông nhìn hai vợ chồng tôi ái ngại, rồi nhanh nhẹn mở cốp xe lấy cuộn dây thừng, bảo:

-Thôi được! Như tôi đã nói, mình hãy kéo xe ra khỏi chỗ này đã. Nơi đây không tốt cho hai ông bà đâu.

Tôi cảm ơn anh ta và cùng lúc giúp cột chiếc xe Jeep vào chiếc Ford. Phần tôi ngồi vào chiếc Jeep, bẻ tay lái và đạp thắng. Phần Joe chở vợ tôi ngồi đàng trước và bắt đầu cuộc hành trình bất đắc dĩ của anh ta. Tội nghiệp chiếc xe Ford kéo chiếc xe Jeep giống như hai chiếc thuyền kéo nhau dật dờ trong cơn biển động. Gió thì to, gặp phải xe hàng thì Joe phải lái chậm lại. Tôi ở phía sau cũng phải đạp thắng. Ðoạn dây lúc chùng lúc căng hết cỡ, như sóng nhồi tách ra rồi chụm lại khật khừ. Chậm, giựt, chậm, giựt mấy lần làm dây thừng bị đứt. Joe và tôi phải leo xuống xe để nối. Lại nối. Nối tiếp. Nối lại. Nối nữa…bở hơi tai!

Tôi chỉ cầu cho đến được cái small town kế bên là nhẹ người. Trong khi đó người đàn ông da đen vẫn nhẫn nại nối và kéo hai vợ chồng tôi cùng cái xe kềnh càng không một lời than thở, mặc cho mồ hôi thấm đẫm ướt cả cái áo thun và cái jacket cũ sờn màu da bò anh khoác lên người khi trời chập tối.

Rốt cuộc thì chúng tôi cũng đến được cái thị trấn nhỏ. Khoảng cách tuy không xa nhưng tôi tưởng thời gian đi qua như dài lắm…Tôi nhìn quanh rồi lấy tay dụi mắt không tin ở cặp mắt “loạn thị” của chính tôi: thành phố vắng tanh, các cửa tiệm đều đóng cửa im ỉm không một bóng người. Sao kỳ vậy ta? Tôi chợt nhớ ngay hôm nay là Christmas Day. No services. Ngày nghỉ lễ quan trọng trong năm, các dịch vụ đều đóng cửa trừ cây xăng và tiệp tạp hoá. Ôi chao là buồn. Buồn ơi ta không muốn nhìn mặt mi nữa, sao cứ thèo nẹo ta hoài?

Joe phụ tôi ủi chiếc xe Jeep vào đậu trước cửa một tiệm sửa xe. Tôi ghi vài chữ vào miếng giấy, số phone nhà cùng với chìa khóa xe thảy vào trong office qua khe cửa. Mai họ sẽ biết mà gọi chúng tôi hỏi muốn làm gì cho chiếc xe hư này. Vợ chồng tôi như bong bóng hết hơi, thật thảm não. Muốn sửa xe cũng không được mà mướn chiếc xe khác đi tiếp cũng không xong.Tôi đưa tay nhìn đồng hồ đã qúa 9 giờ tối. Bốn con mắt không hẹn mà gặp. Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi, cùng nhìn sang một phía… Phía Joe đang đứng.

Khúc này là khúc não nùng nhất của một đoạn phim quay chậm, có nhạc phim đi kèm…

“Thôi là hết anh đi đường anh
Tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi”… (cận cảnh là tôi)

“Chẳng lẽ chung một lối về,
Mà ngỡ quay mặt bước đi?”… (cận cảnh là nàng)

Tôi không biết Joe đang nghĩ gì. Lúc này tôi biết không thể cầm chân anh được nữa. Anh đã làm hết mình cho số tiền bốn chục đồng anh lỡ nhận từ tay tôi. Tôi dùng chữ “lỡ” ở đây chắc bạn hiểu rồi. Joe tần ngần, rồi quyết định:

-Lên xe tôi! Nhà tôi ở cũng gần đây thôi. Về nhà tôi cái đã rồi mình tính tiếp. Thật tôi chẳng biết làm gì hơn bây giờ.

Vợ chồng tôi riu ríu nghe theo lời “thuyền trưởng”. Biểu gì làm đó.

Trên xe Joe kể câu chuyện của anh. Anh đang làm việc cho một tiệm thay ráp vỏ xe ở Houston. Mỗi tuần anh về nhà một lần. Joe có vợ và một con. Con gái anh hôm nay ở trường đại học về thăm nhà, lẽ ra anh đã phải có mặt để sum họp gia đình từ 6 giờ tối. Joe chậc lưỡi:”Chắc mẹ con nó đang lo lắng lắm đây…”. Ngồi ở băng sau tuy không nhìn thấy mặt Joe, nhưng tôi biết anh đang nói thật. Ðiều ấy cắt nghĩa cho tôi hiểu thái độ tần ngần của anh ngay từ lúc mới gặp chúng tôi. Thảo nào…

Chiếc xe Ford mang cá quẹo vào một cái sân rộng. Căn nhà trước mặt tuy nhỏ nhưng ấm cúng bởi ánh đèn từ cây thông Giáng Sinh đang hắt ra ngoài khung cửa kiếng làm tôi nhớ hai nhóc tì ở nhà quá đi.

Chúng tôi bước xuống xe. Joe loay hoay mở cửa nhà và quay lại mỉm cười:

- Mời ông bà vào. Be my guests.

Một cô thiếu nữ chạy ra cửa reo lên “ Mẹ ơi Ba đã về”.Thoáng thấy hai người Á Ðông ở sau lưng Joe, cô bé hơi ngỡ ngàng một thoáng. Joe trấn an chúng tôi rồi đi thẳng vào bếp nơi có bóng dáng một phụ nữ. Tôi đoán là vợ anh. Tiếng vợ anh vọng ra từ bếp rít lên một tông mà tôi cũng không biết là tông gì, chắc là Hurrican hoặc Tornado gì đó mà chỉ khi bạn ở quen tiểu bang có cuồng phong mới nhận ra:

- TRỜI.. ỜI ÐẤT.. ẤT!! Anh đi đâu biệt tích biệt tăm bây giờ mới dẫn cái xác về? Hết cả buổi tối rồi còn gì! Hả? Coi áo quần xộc xệch kìa. Anh làm mẹ con tôi sốt cả ruột từ chiều nay…

Tôi nghe Joe nhỏ giọng ôn tồn với vợ, hình như hai người ngồi xuống bàn ăn, nói chuyện gì đó mà nghe giọng bà Joe nhỏ dần, nhỏ dần…

Lát sau hai vợ chồng Joe trở ra phòng khách. Bà Joe bắt tay chào hỏi vợ chồng tôi một cách niềm nở. Tôi đoán rằng Joe đã vận dụng hết cái lưỡi “Tô Tần” của anh ghê lắm để làm nguội nồi súp de đang sôi trào over heat… Tôi cất tiếng nói nhẹ như muỗi:

- Thật xin lỗi chúng tôi đã làm phiền ông bà!

- Ồ không có gì! Nhà tôi đã kể hết mọi chuyện. -Bà Joe đưa cái chìa khóa vào tay tôi:

- Ông bà hãy lấy cái xe của anh Joe lái về Houston đi. Ngày mai rồi hãy đi Dallas tiếp. Giờ này thì không thể đi thêm được nữa, tôi nghĩ vậy.

Tôi há mồm, tròn con mắt. Cảm ơn Chúa! Cảm ơn ông bà! Cầm chiếc chìa khoá xe mà tay tôi run run. Ôi Chúa ơi! Sao Ngài đổ vào ly con tràn đầy như vầy nè… Tiếng của Joe cắt ngang:

- Ông P. Tiệm của tôi làm ở Houston dưới phố. Đây là địa chỉ… Ông cứ việc đậu xe tôi trước tiệm. Gần đấy có một tấm thảm xanh, cứ vứt chìa khoá vào đó. Ông bà cứ yên tâm đừng ngại, chúng tôi tin ở ông bà. Vợ tôi sẽ chở tôi đi làm ngày mốt. Có dịp đi chung với bả càng vui. Ông bà ra về bình an nhé!

Joe và cả nhà tiễn chúng tôi ra xe. Chúng tôi vẫy tay chào nhau. Take care! Thank you! Goodluck! Tôi lái chiếc Ford của Joe ngược lại về Houston. Chiếc xe ân tình của người bạn không quen biết, khác chủng tộc… lăn bánh reo vui trên xa lộ I-45, khuất dần trong bóng đêm, khép lại một trang hành trình bão táp. Vợ tôi ngồi bên ngả đầu vào vai tôi thì thầm:

- Chúa đã gửi ông Mỹ đen đến giúp mình. Anh thấy không?

- Ừ. Em nói không sai. Hãy cảm tạ Chúa em ạ…

Đoạn kết:

…Sau đó, chiếc xe Jeep của tôi được mua lại giá mão từ một tiệm bodyshop gần nhà. Chúng tôi đã dự đám tang ở Dallas và chia xẻ với những người thân trong cơn bối rối. Tôi đã trả chiếc Ford lại cho Joe đúng ở cửa tiệm anh nói, kèm với hai cây thuốc lá Marlboro và dòng chữ cảm ơn tôi đặt ở dash board:

“No words would show how much appreciate what you have done for me.
God had sent you, my Angle Joe. The good man.
Enjoy it!”

Tạm dịch

“Không có lời nào nói lên lòng biết ơn của tôi về bạn
Chúa đã gửi bạn đến! Thiên thần Joe của tôi!”

Câu chuyện của tôi chỉ là một chuyện nhỏ trong đời sống muôn mặt của bao mảnh đời tỵ nạn. Tôi biết thế.

Ước gì bạn và tôi có thể bứt phá cảm giác cô lập và mặc cảm hẹp hòi để bắt tay với bao con người khác màu da chúng ta trên mảnh đất này. Tôi còn muốn nhiều hơn thế. Tôi muốn người khác sẽ gọi lên những cái tên thật đẹp là thiên thần Nguyễn, thiên thần Phạm, thiên thần Hoàng, Lê, Lý ,Trần v.v.. Ờ nhỉ. Cái tên có nghĩa gì đâu,

“Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI”

PHI YÊN

Ý kiến bạn đọc
25/04/201208:31:10
Khách
. Cảm ơn tác giả về bài viết thật hay và nồng ấm tính người . Có 1 lỗi chính tả rất nhỏ tôi xin đóng góp để cho đúng hơn . Có thể là 1 lỗi typo khi in ấn (my Angle Joe ). Có lẽ là my angel Joe thì đúng hơn .
25/04/201203:20:32
Khách
Chuyện quá cảm động. Thượng Đế đã gửi thiên thần Joe đến cho anh. Cảm ơn đã cho chúng tôi một câu chuyện có thật vô cùng đẹp đễ cho chúng tôi không bao giờ tuyệt vọng nơi con Người.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,718,033
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả tên thật Trần Thị Hậu. trước 1975 học ở Trưng Vương, Văn Khoa, từng tham gia viết bài cho các Đặc San của trường, các báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Đây là một chuyện ma có thật trong khu mộ dành cho người gốc Việt, người Nhật, người Tầu tại một nghĩa trang ở Honolulu, Hawaii, nơi có bản sao kiến trúc đền Byodo-In nổi tiếng của Nhật Bản.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California,
Từ San Jose, tôi đón xe đò Hoàng xuôi Nam. Từ hôm cùng với mấy đứa con của Hà bí mật bàn tính chuyện tổ chức buổi lễ sinh nhật thứ 60 cho Hà ở San Diego, tôi rất nôn nóng chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tác giả là một chuyên gia từng làm việc tại nhiều vùng tại Hoa Kỳ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Hoa Phượng Florida,” và “Hoa Xoan Bên Thềm Cu.”
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC, Phi Luật Tân, gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Nhạc sĩ Cung Tiến