Hôm nay,  

Đổi Đời

03/04/201200:00:00(Xem: 188941)
Tác giả tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60', cựu sĩ quan hải quân, cư dân Glendale, CA. Ông tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận giải và hiện là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" của Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài mới góp vui của ông.


Alex cầm máy quay video đi theo bà Tôn Nữ Phương Lang khắp nơi để thu hình bà, dù bà chỉ mặc phong phanh một bộ đồ ngủ. Cậu mới mua cái máy quay video và muốn thử những chức năng của nó.

-Để bà ăn mặc đàng hoàng, rồi mày tha hồ quay.

Nghe bà ngoại nói, Như- đứa cháu gái lớn- cười:

-Nó định quay video bà cho lên trang web playboy đó!

Bà bất bình, nghiêm mặt nhìn đứa cháu gái. Bà bất bình không phải vì nó nói điều không đứng đắn, mà vì cảm thấy như nó mỉa mai sự già nua của bà; chắc nó có ý nói đàn ông mà thấy thân hình của bà, họ sẽ “chạy” hết!

Bà ra vườn sau cặm cụi dọn dẹp. Alex theo bà, tiếp tục quay.Mặc kệ Alex, bà vẫn cặm cụi làm việc. Bà làm việc để giải khuây; nếu không, bà có thể điên lên được.

Bà qua Mỹ theo diện bảo lãnh chưa đầy một tháng và chẳng thấy thích hợp với xứ sở này chút nào, kể cả cảnh vật lẫn con người, kể cả người con duy nhất là Nhung và hai đứa cháu ngoại mà bà vẫn hằng thương nhớ khi còn ở Việt Nam.Ở Việt Nam trước tháng 4 năm 1975 bà thuộc tầng lớp giàu sang và quyền thế, sau đó như hầu hết mọi người cùng tầng lớp, bà mất tất cả; nay qua Mỹ bà cũng chẳng khá gì hơn.Bà thấy trong cộng đồng Việt Nam ở đây hình như có hai giai cấp, “giai cấp đến trước” và “giai cấp đến sau”.Bà nghĩ quả thật đã có sự đổi đời từ tháng 4 năm 1975, không những tại Việt Nam mà còn tại Mỹ.

Mười phút sau, hai chị em cắm cúi nối máy quay phim vào TV và bảo bà cùng xem với chúng.

Lần đầu tiên bà Phương Lan thấy những động tác thường ngày của mình một cách rõ ràng trên TV. Bà thất vọng, không ngờ mình già đến thế. Bước đi của bà dò dẫm như sợ mặt đất sụt. Khi nhặt cái gì, cánh tay bà như rơi xuống và mấy giây sau nó mới biết nó nhặt cái gì.

-Giống bà không?

Nghe bà hỏi, Alex trả lời:

-Giống như đúc, bà đẹp ghê!

-Vậy mà đẹp hả? Máy có tốt không?

Bà chỉ mong cái máy xấu, quay không trung thực, nhưng Alex nói:

-Máy tốt lắm.

Bà Phương Lan không trả lời, buồn bã nhìn tấm hình của chồng trên bàn thờ. 

Hình chụp ông mặc đồ Sinh viên Sĩ quan, giống như vua Thái Lan lúc trẻ. Sau tháng 4 năm 1975, bà đốt tất cả những đồ vật gì có liên quan đến ông, kể cả hình ảnh.Tấm hình này may mắn còn sót lại.Bà không còn một tấm hình nào chụp mình lúc còn trẻ.Sau này chắc chắn bà sẽ “ngồi” ở đây bên ông, khi ấy trông hai người chẳng khác gì hai bà cháu.Thời gian thật là tàn nhẫn! Mới ngày nào bà còn là hoa hậu của trường, chỉ sợ chóng đến cái tuổi 20 mà thời ấy người ta gọi là tuổi “hâm đi hâm lại”, rồi sợ già và nay thì sợ yếu và chết.Đời người là một chuỗi sợ hãi thế sao?

Alex đang năn nỉ bà ra sân trước để cậu quay video thì nghe tiếng chị cậu chào:

-Ông vào chơi!

Bà Phương Lan nhìn về phía cửa. Thì ra là ông già Sáu. Ông ở vùng Culver City, thường lên đây thăm con trai, một người hàng xóm của nhà này.

Alex nói:

-Tụi cháu quay video cho ông nghe!

Thấy ông ngồi bệ vệ trên ghế sô-pha, không nhúc nhích, giống như đang chụp hình, Alex cười:

-Ông ngồi tự nhiên.

Bà Phương Lan gật đầu chào ông Sáu. Ông là người hàng xóm của bà trước tháng 4 năm 1975. Vào khoảng 1970 ông làm phu xích-lô kiêm nghề dẫn gái cho lính Mỹ. Nhờ may mắn, ông được qua Mỹ năm 1975, trước bà gần 30 năm. Trước tháng 4 năm 1975, bà không bao giờ muốn tiếp xúc với ông, ngay cả không ngồi trên chiếc xích-lô của ông vì sợ người lạ hiểu lầm. Nay thì khác, bà thấy ông rất “có giá” với bộ đồ tươm tất, da dẻ hồng hào, với những điều ông kể về đời sống Mỹ trong ba mươi năm qua và nhất là với chiếc xe hơi bóng loáng mà ông điều khiển một cách dễ dàng hơn cả lái xích-lô.

Ông Sáu ngồi trên ghế sô-pha, đưa tay vẫy vẫy mỗi khi ống kính quay về phía ông.

- Camera, cut it out! Ông cứ ngồi yên. Đừng vẫy tay, mất tự nhiên.

Như nói xong đi ra nhà xe. Alex hỏi:

-Chị đi đâu đó?

-Đi mua đồ uống.

-Cho em quá giang mua tape, gần hết rồi.

Alex đóng nắp cái máy quay video lại rồi hấp tấp chạy theo Như. Ông Sáu nói:

-Tụi thanh niên ở Mỹ không thích chơi với người già, nhưng hai đứa này ngược lại.

-Ôi chà! Tụi hắn thích quay video, chớ không phải thích chơi với mình đâu. Lúc nãy nó quay tôi ở vườn sau. Mới ngày nào. . . mà giờ trông lụm cụm, thiệt là chán!

-Bà mà lụm cụm gì! Tôi đây còn chưa. . .

-Ông biết ông Tám Tàng ở xóm mình trước đây không? Khỏe còn hơn cả ông nữa, mới chết tuần trước.

-Tôi có đi phúng điếu. Ông Tám già hơn tôi, lại ở trong viện dưỡng lão, chớ ở nhà thì đâu đến nỗi. Nghe nói mấy đứa con, đúng hơn là thằng rể, ép ông Tám vào viện, ông vừa rời nhà vừa khóc. Ông thương mấy đứa cháu ngoại, ông bảo cho một đứa theo ông. Thằng rể nói ông Tám dở hơi; còn mấy đứa cháu nghe ông Tám nói, vọt chạy ra xa nhìn ông sợ hãi.

-Viện dưỡng lão chớ đâu phải nhà thương điên hay nhà tù mà ông Tám sợ.

-Nó chẳng khác chi nhà thương điên, lại không thích hợp với người Việt mình.

. . .

Ông Sáu còn nói những điều khiến bà trằn trọc mãi đến gần sáng mới ngủ được. Trong giấc ngủ bà thấy viện dưỡng lão với những nhân viên mặt mày hung dữ đang trói những ông già bà già dính chùm lại với nhau để ở trong sân, y hệt những chùm gà bán ở chợ Bến Thành. Còn những ông già bà già khác thì đi thất tha thất thểu trên sân như những hồn ma, cuối sân có một cái nhà xác với những quan tài để ngổn ngang chung quanh. Lúc bà thức giấc đã gần tám giờ sáng. Bà định ngồi dậy nhưng mệt quá nằm nán lại. Bà nghe tiếng Du và Nhung, con rể và con gái, nói chuyện với nhau ngoài phòng ăn, sát cạnh phòng bà. Họ nói rất nhỏ, tiếng còn tiếng mất.


-Mẹ năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

-72.

-Anh chỉ mong sống được đến tuổi mẹ

- . . .

-Đất ở nghĩa trang Glendale Forest hả? Họ chỉ quảng cáo thế thôi, làm sao rẻ vậy được. Đâu, tờ quảng cáo đâu rồi?
-Anh cũng nghĩ vậy, nhưng mình nên tính trước cho mẹ. Mình có thể liên lạc với Hội Cao niên Việt Mỹ. Hình như ông già Sáu có mua đất ở Hội Cao niên này. Hỏi ông ta xem sao.

-. . . .

Hai người thầm thì gì đó rồi cười rú lên.

Ôi tiếng cười mới tàn nhẫn làm sao! Dù chúng có muốn đem chôn sống bà đi nữa thì cũng đừng có vui vẻ như vậy, có âm công nào vừa khiêng quan tài vừa cười đâu. Thằng rể ông Tám Tàng không ác độc bằng thằng rể của bà đâu, viện dưỡng lão còn hơn cái nhà mồ. Chúng tưởng bà sắp chết rồi chăng. Đã vậy bà phải chứng tỏ cho chúng thấy là bà vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, có khi bà còn khỏe hơn cả cái thằng con rể trời đánh. Như thế là vì bà sống lành mạnh hơn nó, không hút thuốc và uống rượu như nó. Như thế là vì ông cụ thân sinh ra bà thọ đến 95 tuổi, dòng dõi nhà bà không ai chết yểu; còn ông bà thân sinh của thằng con rể, một người ho lao, một người trúng gió chết lúc chưa đầy 35 tuổi. Bà đổ hết lỗi lên thằng con rể. Chính nó xúi giục con gái bà vì nó không ưa bà. Bà nhớ lại câu chuyện kể về chàng rể và mẹ vợ: Trong một bữa tiệc lớn có hàng ngàn người tham dự, Ông chủ tiệc bảo cánh đàn ông mở bóp ra, nếu cái bóp nào có hình bà mẹ vợ, chủ cái bóp sẽ được thưởng 500 đô, nhưng cuối cùng không ai trúng thưởng cả. Bà nghĩ đến đây bực mình ngồi dậy, chỉ muốn đập phá cái gì đó cho bõ ghét, nhưng rồi lại ra phòng khách ngồi.

Mọi người đã rời nhà từ lâu, kẻ đi làm, người đi học. Lúc trở về nhà ai cũng thấy bà Phương Lan phờ phạc, ngơ ngác như kẻ không hồn.

-Mẹ sao vậy?

Nghe Nhung hỏi, bà bực mình hỏi lại, hơi lớn tiếng:

-Sao là sao?

Nhung vào nhà nói gì đó với chồng. Du đi ra hỏi:

-Mẹ cần đi bác sĩ không?

Bà xẵng giọng:

-Khỏi! Anh lo cho anh đi!

Bà nói xong vào phòng ngủ đóng cửa lại. Như nói với mẹ nó:

-Ngoại lạ lắm mẹ ơi! Lúc trưa không biết ngoại đi đâu mà xuống đến tận downtown. Con đang lái xe, thấy ngoại sắp đi qua đường, đậu xe lại đến dắt ngoại qua, nhưng ngoại hất tay con ra nói “Khỏi, tao đi một mình được, tao có què đâu!”

Tối hôm nay bà Phương Lan đi ngủ sớm. Lần này bà không mơ thấy viện dưỡng lão nữa, mà mơ thấy toàn nghĩa trang và những người đưa đám. Bà thấy bà nằm trong quan tài, ngộp thở quá. Bà hét lên tỉnh dậy. Cả nhà lao vào phòng bà. Một lát sau bà mới tỉnh trí, xua tay nói:

-Không sao cả!

Nhưng bà vẫn lườm lườm nhìn mọi người. Cả nhà lui ra phòng khách bàn tán. Bà đóng cửa phòng đứng rình nghe. Có tiếng Nhung nói lớn:

-Mẹ đừng chốt cửa phòng. Có gì tụi con còn chạy vào kịp.

-Hình như mẹ chốt rồi. Cứ theo ý mẹ để mẹ ngủ yên; có gì xảy ra, mình phá cửa cũng được. Alex! Đi lấy cái búa để sẵn cho ba. Phải đưa mẹ đến bác sĩ tâm thần.

Bác sĩ tâm thần, rồi đến bệnh viện tâm thần chắc? Chúng nó sắp đưa bà vào nhà thương điên, còn ghê gớm hơn viện dưỡng lão nữa. Bà phải tĩnh tâm để đối phó với chúng mới được.

Sáng hôm sau bà thức dậy, chỉ thấy Alex ở nhà. Cậu nói:

-Hôm nay cháu nghỉ học ở nhà take care ngoại.

-Tao làm sao mà mày phải tết- ke?

-Ba nói không cho ngoại đi đâu cả. À, con quay video ngoại nghe!

Bà xua tay định nói “khỏi” nhưng rồi ngồi im.

-Hết tape rồi.

Nghe Alex nói, bà ngẫm nghĩ một lát rồi bảo:

-Ngoại cho tiền đi mua, sẵn mua cho ngoại chai dầu gió xanh. Thứ này ở chợ Tàu mới có.

Alex trở về nhà, vừa đi vừa quay. Cậu định bất chợt quay bà ngoại, như thế mới được tự nhiên.

Cậu quay phòng khách, rồi phòng ngủ, rồi nhà vệ sinh, nhưng không quay được bà Phương Lan. Bà biến đâu mất. Cậu hốt hoảng chạy ra vườn xong đi tìm khắp nơi vẫn không thấy bà. Cậu gọi điện thoại thông báo cho mọi người. Một lát sau mọi người lần lượt trở về nhà. Mẹ Alex ôm mặt khóc. Ba Alex nói:

-Phải báo cảnh sát.

-Đợi lát xem sao.

Như nói và ngồi đăm chiêu suy nghĩ. Alex đem máy video ra quay cảnh mẹ cậu ngồi khóc. Ít khi cậu có dịp tốt như thế này. Ông Du nạt:

-Lại còn quay nữa. Sao mày vô tâm vậy? Đã bảo ở nhà trông bà ngoại, vậy mà...

Alex biết lỗi, đi vào phòng riêng. Lát sau cậu chạy ra reo lên:

-Con tìm bà ngoại ra rồi!

-Đâu? Đâu?

Mọi người đổ xô vào phòng Alex nhìn khắp nơi nhưng không thấy bà Phương Lan đâu cả. Alex chỉ TV nói:

-Có . . . tin trên TV.

Trong TV hiện lên cảnh ông Sáu và bà Phương Lan ngồi, tiếp theo là tiếng nói của Alex và Như:

-Chị đi đâu đó?

-Đi chơi.

-Cho em quá giang mua tape, gần hết rồi.

Màn TV rung rinh rồi lốm đốm, không thấy gì cả. Alex nói:

-Con đóng ống kính để quá giang chị Như đi mua tape, quên tắt máy nên vẫn còn thu được tiếng nói. Nghe này!

Mọi người lắng tai nghe...

-Viện dưỡng lão chớ đâu phải nhà thương điên hay nhà tù mà ông Tám sợ vậy.

-Nó chẳng khác chi nhà thương điên, lại không thích hợp với người Việt mình.

-Đồ con bất hiếu!

-Ở Mỹ mà hiếu với thảo gì. Tốt nhất nên xin “housing” ở riêng. Tuổi như tôi với bà dễ xin lắm.

-Dầu sao ở với con cháu cũng vui hơn, ở một mình buồn chết!

-Thì ở hai mình.

-Cái ông quỷ! Nói người ta nghe cười thúi ruột.

-Ai làm gì mà cười thúi ruột?

-Ai mà biết!

-Nói vậy chớ bà khỏi cần xin “housing”. Tôi cho bà “se” cái phòng ngủ của tôi.

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
03/04/201213:36:22
Khách
Ông già ma cô lấy được công chúa
03/04/201203:30:26
Khách
Tâm trạng bà Phương Lan chính là tâm trạng của tôi.
Oanh
04/04/201203:34:51
Khách
Câu chuyện này là có thiệt hay là sạo vậy? Rất hay vàvui nữa.
07/04/201200:56:37
Khách
Được gửi bởi kim (Guest) vào 04/03/2012
Câu chuyện này là có thiệt hay là sạo vậy? Rất hay vàvui nữa.

THEO TÔI ĐƯỢC BIÊT, CHUYỆN NÀY CÓ THIỆT 95%. CHỈ CÓ TÊN, HỌ KHÔNG THIỆT
06/04/201215:22:33
Khách
Tự mình làm cho mình vui, mình phải sống tự lập, đi shopping, enjoy...mong đợi vào người khác sẽ thất vong.
05/04/201201:39:25
Khách
Người xưa có nói "Con thương cha không bằng bà thương ông" do vậy nếu cô đơn trên cõi đời như bà Phương Lan cũng nên "rổ rá cạp lại" kiếm một tri kỷ để an ủi, chăm sóc nhau khi xế chiều vì con cháu chúng phải lo cho đời nó còn đâu nhiều thời gian cho bố mẹ, ông bà. Cái sự đời nhiều khi như vậy?!
10/04/201218:59:21
Khách
Phu xích-lô kiêm nghề dẫn gái cho lính Mỹ, đó là ma cô . Bà thuộc tầng lớp giàu sang và quyền thế, thế ma` chịu trò chuyện và xáp vô voi' gã này.

Thế là đã ha. giá bản thân rôi`. Tác giả bài viêt' biết nhục ma. vợ sĩ quan rất khéo .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,020,185
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến