Hôm nay,  

Hẹn Tết Nhâm Thìn

20/02/201200:00:00(Xem: 230984)
Hẹn Tết Nhâm Thìn

Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 3488-12-289538vb8021912

Tác giả tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60', cựu sĩ quan hải quân, cư dân Glendale, CA. Với giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002, thêm giải Việt Bút 2008 dành cho những tác giả từng nhận giải và "vượt được chính mình", Bồ Tùng Ma hiện là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết"của Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ.

***

Ông Thìn qua Mỹ đến nay đúng 25 năm và đã về Việt Nam 20 lần, chưa kể Tết Con Rồng năm nay. Bà Thìn chỉ về Việt Nam mới có 1 lần khi được tin ông cụ thân sinh đau nặng. Nếu Trời cho ông cụ sống mãi, chắc bà Thìn sẽ không bao giờ thấy lại quê hương lần thứ hai.
Không phải bà chống Cộng hay chống ai ở Việt Nam, mà chỉ vì cảm thấy chẳng thích thú gì khi bỏ cả công ăn việc làm để về quê hương chuốt lấy những điều khó chịu như xe cộ chạy bạt mạng trên đường; không khí nóng nực bụi bặm; phần nhiều ai cũng có vẻ như bất lịch sự với nhau. Chỉ nghĩ đến việc băng qua đường bà Thìn cũng đã thấy rợn tóc gáy. Băng qua đường rồi bà mới thấy như mình vừa được sống sót sau khi liều mạng băng qua bãi mìn, hầm chông. Có lần từ bên này đường qua bên kia đường bà Thìn phải gọi taxi đưa đi. Bà Thìn nói lý việc này với bà Mừng, người chị họ khá thân ở Việt Nam. Bà Mừng mới từ Huế vào sống ở Đà Nẵng. Mỗi lần ông Thìn về Đà Nẵng thường ở lại đây. Nghe xong bà Mừng nói như quát:
-Nói răng mà lạ rứa. Chớ o không có khi mô ở Việt Nam răng?
-Em ở Mỹ đã 25 năm, quen rồi. Với lại Việt Nam trước 1975 khác bây giờ, xe cộ ít, bụi bặm ít, con người cũng khác.
-Dượng Thìn cũng ở Mỹ 25 năm.
Bà Thìn không trả lời. Chẳng lẽ bà nói thật ông Thìn về Việt Nam chỉ vì gái. Bà Mừng cũng đoán ông Thìn về Việt Nam chỉ vì chuyện ấy nhưng không tiện nói ra. Nhìn cái cách gọi điện thoại của ông Thìn, bà Mừng cũng biết ông gọi cho bồ. Ông cầm cái điện thoại mà như cầm tay người tình, thỉnh thoảng lại nheo mắt ngắm nó như cố tìm trong đó hình bóng ai, rồi để nó sát vào miệng như sắp hôn. Mỗi lần ông nói chuyện điện thoại ít nhất cũng 10 phút. Không phải gọi cho bồ, ai lại gọi lâu như vậy cho tốn tiền. Thấy cái kiểu cách gọi điện thoại của ông, bà Mừng gai con mắt quá. Phải chi ông còn trẻ, đã 69 tuổi rồi mà. Có lần ông Thìn thuê xe hơi bao cả nhà bà Mừng đi Bà Nà chơi, mà suốt cả mấy tiếng đồng hồ chẳng buồn nói chuyện với ai cả, cứ trầm ngâm buồn bã như đang nhớ đến ai. Một lát sau ông gọi điện thoại. Ông ngồi cạnh tài xế, bà Mừng ngồi ghế sau. Bà nhoài người ra phía trước, giả vờ với tay lấy chai nước để nghe lén xem ông Thìn nói gì, nhưng không nghe rõ được. 
Từ ngày qua Mỹ ông Thìn chỉ làm việc lai rai chừng hai năm, lương ba đồng ba cọc, rồi lảnh tiền bệnh SSI (Supplemental Security Income). Khi nộp hồ sơ xin tiền SSI ông Thìn không biết mình có bệnh thật hay không. Ông nghĩ hình như ông có bệnh thật. Ông hay quên, quên chìa khóa xe trong ổ khóa; quên tắt bếp gas; thậm chí đi tìm cái áo đang mặc. Như vậy là có vấn đề về tâm thần (mental) rồi, chứ còn gì nữa. Tâm thần có vấn đề là một trong những lý do để xin tiền SSI. Một người bạn nói vậy và chỉ cho ông cách làm hồ sơ xin. Ông không ...hy vọng ông bị bệnh thật cho đến khi được chấp thuận. Ông phục anh bạn "chẩn đoán" hay. "Nó qua Mỹ trước mình mà! Cái gì nó cũng rành. Hình như ai ở Mỹ trước cũng giỏi hơn kẻ đến sau, trừ người Da Đỏ". Ông Thìn lẩm bẩm.
Tiền SSI không đủ chi tiêu, nhất là từ ngày ông Thìn về Việt Nam ăn Tết mỗi năm. Mọi việc chi tiêu dành dụm đều do bà Thìn. Bà làm móng tay (nail). Đã ngoài 50 tuổi, lại không được nhanh nhẹn nhưng rất cẩn trọng trong công việc, bà chỉ làm cho khách quen, những người ưa thích tính cách này của bà. Vì vậy trên 20 năm nay bà không đổi chỗ làm.
-Tết năm nay sau Tết Tây có 22 ngày thôi. Bà có muốn về thăm ông già với tôi không? Mình mua vé sớm cho rẻ.
-Ông mua vé cho ông đi. Tôi không về đâu. À, ở Việt Nam trồng răng rẻ và đẹp lắm. Ông nhớ đến nha sĩ trồng lại ba cái răng cửa. Ông biết rồi đó, bây giờ Medical không trả tiền trám răng, trồng răng cho người già nữa, chỉ trả tiền khám và nhổ răng thôi. Nhớ phải trồng ba cái răng cửa. Để vậy trông miệng ông như ...cái hố -Bà Thìn cười.
Đây không phải lần đầu bà Thìn bảo ông trồng lại ba cái răng cửa. Năm ngoái bà cũng đã bảo rồi, nhưng khi về Đà Nẵng ông bảo bà Mừng chỉ cho ông chỗ trồng răng thì bà Mừng nói sẽ chỉ nhưng rồi không chỉ. Sau đó nhân khi tiếp điện thoại của bà Thìn từ Mỹ gọi về, bà Mừng nói:
-Răng o lại bảo dượng trồng răng? O muốn "nối giáo cho giặc" hả? Cứ để rứa cho chắc ăn. Mấy "con nhỏ" thấy dượng có răng là như thêm nanh vuốt.
Bà Thìn cười như nắc nẻ, giả giọng Huế:
-Không răng mô chị.
Hàm răng của ông Thìn là một đề tài đùa giỡn của những người thân "Này, chị phải bảo ảnh trồng lại ba cái răng cửa; không thì có ngày chị bị kẹt lưỡi đó". "Khỏi lo đi, trên 15 năm nay tôi có hôn ảnh đâu". Họ đùa giỡn ngay trước mặt ông Thìn nhưng ông không hề giận. Có lẽ ông chỉ có mỗi một ưu điểm đó.
Ông Thìn chỉ rủ bà Thìn về Việt Nam cho phải phép vì biết chắc chắn bà không đi, nhất là đi cùng với ông. Bà muốn trong hai vợ chồng phải có một người ở lại Mỹ để coi sóc nhà cửa, con cái. Ngay cả khi bà về Việt Nam, để ông Thìn ở Mỹ bà cũng không an tâm, huống chi đi cả hai.
-Sao o cả gang để dượng Thìn về Việt Nam một mình rứa? O không sợ mấy con nhỏ bên này "chớp" mất chồng o răng-Bà Mừng nói qua điện thoại.
-Ôi chao! Họ "chớp" ổng để...nấu cao hả.
-Nói răng mà lạ rứa. Dượng Thìn năm nay chưa đến 70. Mấy ông ở đây cùng tuổi với dượng không được như dượng mô. "Buộc nhà không thiêng". Tại o thấy chồng o rứa, chớ...
Bà Mừng định nói tiếp "... chớ tui thấy dượng còn ngon lắm" nhưng bà ngưng lại kịp.
-Ôi chao! Đàn ông ở Mỹ về Việt Nam mà, bỏ ít tiền ra "quẹt, quẹt" chút đỉnh chẳng sao đâu. Tui thông cảm.
Bà Thìn thông cảm thật, chứ không phải nói nơi đầu môi chót lưỡi. Từ ngày ông Thìn ăn tiền SSI ông đổ bệnh thêm, không phải bệnh tâm thần, mà là bệnh lười. Trước đây ông còn săn sóc nhà cửa, quét dọn chỗ này chỗ kia, bây giờ chỉ khi nào nhà cửa bụi bặm dơ dáy lắm hay sắp có khách đến thăm ông mới động tới cái máy hút bụi. Trước đây ông còn rửa chén bát, đem áo quần bỏ vào máy giặt sấy, bây giờ thì khỏi. Bà Thìn nói ông lười thì ông sừng sộ:
-Bà tưởng bà đi làm rồi tôi làm lão bộc cho bà sao? Bà tính xem. Tiền SSI của tôi mỗi tháng được 830. Chương trình trợ giúp tiền thuê nhà (Housing Section 8) cũng nhờ tôi bịnh mới dễ xin. Mỗi tháng 1050 đâu phải ít. Một mình tôi mỗi tháng đem về cho cái nhà này 1880. Mà...mà tôi cũng chẳng bao giờ thất nghiệp. Bà còn muốn gì nữa.
Bà nghe ông nói cũng có lý. Ông có tiền dài dài như vậy còn hơn ông Bốn ở nhà bênh cạnh, thất nghiệp kinh niên. Có lẽ vì thất nghiệp nên ông Bốn rất khó tánh. Đậu xe ngoài đường, hơi gần xe ông, ông cũng cằn nhằn, có khi viết một mảnh giấy "cảnh cáo" dán ngay lên kính xe của người "vi phạm". "Nghe cũng có lý" nghĩa là "hơi có lý" mà thôi. Bà thấy có cái gì không ổn qua những lý giải của ông, nhất là một hôm có người trong tiệm nail hỏi về ông.
-Lâu nay quên hỏi thăm anh. Anh làm gì chị?-Một chị thợ nail mới vô làm hỏi.
-Thì...thì...ở nhà, chớ làm gì.
-Ở nhà? Ảnh mấy tuổi rồi
-69
-Ủa? Còn chị, sao trẻ vậy?
-Tui thua ổng 16 tuổi.
-53 mà trông như 35-Anh thợ nail ngồi kế bên cười nói.
Từ đó anh thợ nail hình như muốn tán tỉnh bà Thìn, bóng gió nói xấu ông Thìn. Bà rất dị ứng với mấy người đàn ông làm thợ nail, nhưng không phải lời nói của anh ta không có ảnh hưởng. Bà Thìn cảm thấy như mình đang từ từ xem thường chồng. Ông Thìn không những lười công việc nhà mà còn lười cả vệ sinh cá nhân; trong khi bà rất chú trọng việc chải chuốt, làm đẹp. Bà không hiểu sao chồng bà ở dơ như vậy mà mấy "con nhỏ" ở Việt Nam lại thích ông.
-Ông làm ơn làm phước vất mấy cái quần cộc cũ đi.
Bà nhăn mặt thấy ông mặc cái quần trắng đã ngả sang màu vàng ố. Bà chợt nhớ đến cái quần cộc cháo lòng của ông già ăn xin ở chợ Cồn trước đây mà rùng mình. Một hôm bà đang ngồi trang điểm thì nghe có tiếng gì như tiếng nước chảy xuống ống cống bị nghẹt "Ục, ục, ục..." rồi tiếp theo là một tiếng "ọc". Bà nhìn ra thấy ông Thìn đang cầm ly nước. Bà cằn nhằn:
-Ăn xong, ông muốn súc miệng thì... súc miệng, còn muốn uống nước thì ...uống nước. Sao lại làm cả hai một lần vậy? Ôi chao, ai lại uống nước súc miệng!
Ông cãi lại:
- Không cần thiết! Mất thì giờ! Bà thì cái gì cũng chậm chạp.
Bắt đầu từ đó hai người hay gây nhau. Bà không muốn ông ngủ chung giường với bà và cái "chuyện kia" họa hoằn lắm mới có, rất miễn cưỡng đối với bà và chẳng thích thú gì lắm đối với ông. Ông trách thì bà giả lơ. Ông giận dữ bà lại nhớ đến anh thợ nail. Anh ta ngồi bàn nail bên cạnh bà. Anh ta thua bà 3 tuổi, không vợ con. Hình như anh ta "kẹt đàn bà" nên hay nói chuyện đàn bà cho sướng miệng. Nghe anh ta nói, bà Thìn thấy ghê ghê, nhưng không phản đối. Anh ta tưởng bà thích nên cứ nói dai. Rồi anh ta nói về những người đàn ông cao tuổi, có ý muốn nói người như ông Thìn là hết xíu-quách rồi. Anh ta không ngờ chính bà mới là người hết xíu-quách.
Bà Thìn nghe nói khi đàn ông tán tỉnh đàn bà có chồng họ phải biết họ có thể thành công trên 50% mới dám tán; nếu không, họ có thể bị chửi, ăn tát, có khi ăn dao. Anh thợ nail này căn cứ vào cái gì mà dám tán bà nhỉ? À, chắc hắn tưởng nhầm bà nhiều xíu-quách hơn chồng bà. Hắn nhầm to rồi. Dù sao bà cũng hơi hãnh diện vì có người đàn ông trẻ hơn mình để ý đến mình.
-Còn ở đây là may lắm rồi đó.
Ý bà muốn nói bà không bỏ nhà theo người khác là may cho ông Thìn lắm rồi. Bà phản ứng những lời nặng nhẹ của ông Thìn như vậy. Bà chỉ nói vậy thôi, chớ không bao giờ rời bỏ ông. Tuy bà không mặn nồng với ông nhưng thương ông. Một lý do nữa là bà rất thương và sợ đứa con trai đầu. Nó nghe nói đến chuyện li dị như nghe nói đến tai ương khủng bố. Có lần hai ông bà gây nhau. Ông đưa tay như muốn đánh bà, còn bà thì nói lớn:
-Ông muốn li dị không?
Thằng con trai nghe hai tiếng "li dị", hét lên một tiếng như Trương Phi ở cầu Tràng Bản:
-Hai người mà còn như vậy thì con đi, không về đây nữa.
Từ đó hai ông bà ít khi cãi nhau.
Đôi khi ông nghĩ mình cũng lười thật. Ông nghĩ nếu không có món tiền SSI ông chẳng biết làm gì cho ra tiền. Ông lại nghĩ đến vợ và cảm thấy có lỗi, nhưng ông đã quen... lười rồi, khó sửa đổi được. Ông định sẽ dần dần khắc phục sự lười biếng, nhưng rồi càng "khắc phục" lại càng lười thêm. Cho đến khi ông biết dùng computer thì sự lười biếng của ông hết thuốc chữa.
-Ông xem gì trong cái máy đó mà không rời nó ra được lấy một phút vậy?
-Nhiều cái hay lắm bà ơi! Báo chí trên khắp thế giới. Rất tiếc mình không rành mọi tứ tiếng để đọc. Thằng Hai sắp chỉ cho tôi cách trả hóa đơn bằng computer. Khỏi cần giấy, khỏi tốn tiền tem. Mình cứ ...gài là ngân hàng tự động trả hết.

-Không cần thiết lắm đâu. Nhà mình chỉ có vài cái hóa đơn, nhà mình đâu phải cơ sở kinh doanh.
-Biết vậy nhưng rõ ràng là tiện. Thời đại này mà không dùng phương tiện khoa học kỹ thuật thật là quê.
Bà nghĩ ông nói cũng có lý, hơn nữa ông dùng computer thì còn có ích hơn là nhậu nhẹt hay ngồi đánh cờ ngoài công viên như mấy ông Tàu.
Một hôm bà Thìn thấy ông ngồi trước computer gõ, chỉ với một ngón tay.
-Ông viết gì vậy?
-Tôi viết truyện.
-Ông mà viết truyện?
-Đây bà xem thử có hay không?
Bà Thìn đọc xong phê bình:
-Tôi không rành ba cái chuyện này nhưng tôi thấy sao ông cứ lặp đi lặp lại cái đoạn cô...gì đó cắt nghĩa về tình yêu. Chỉ cần nói một lần là đủ.
-Bà cũng tinh thật. Nhưng không lặp lại nhiều lần sợ độc giả không nhớ, không hiểu đoạn sau. Để tôi bỏ bớt.
-Nhưng tôi thấy ông viết gì mà lâu quá. Ba bốn ngày chưa được một trang.
-Sao bà hay để ý đến công việc của tôi vậy. Hình như cái gì trong nhà này bà cũng kiểm soát. Bà kiểm soát cả thằng Hai nữa. Bà làm như không có bà thì cha con tôi chết hết.
-Bây giờ tôi chỉ nói chuyện này thôi. Tôi thấy ông viết không ổn, không báo nào đăng đâu.
-Cái bà này...Bà biết gì mà phê bình.
-Bộ ông tưởng tôi ngồi làm nail suốt buổi sao. Thì giờ rảnh tôi đọc rất nhiều sách báo. Tôi biết thế nào là hay dở.
-Ôi chà! Bà không khuyến khích tôi, mà còn... Người ta nói: "Sau lưng người đàn ông có người đàn bà". Bà mà là vợ ông Tú Xương thì chẳng bao giờ có tên đường Tú Xương. Bà làm tôi nản quá.
Bà Thìn chẳng biết nói sao thêm nữa với ông. Bà thấy ông có vẻ "tào lao" quá. Hình như đoán biết ý nghĩ của vợ ông Thìn tiếp:
-Nghề làm thợ nail của bà ai làm mà chẳng được. Bộ bà tưởng tôi làm không được sao. Tôi không làm chỉ vì sợ bà... mất mặt mà thôi. Có chồng làm thợ nail hãnh diện lắm sao. Còn... làm như tôi, bà thử đến computer in bài diễn văn của Steves Job, in cái logo mới có hình Steves Job được không?
Bà định nói gì đó rất có lý lẽ nhưng rồi im. Bà biết ông là người già mồm, cãi lại chỉ thêm ồn ào, thằng con trai nghe thêm phiền.
Bà Thìn thừa biết lý do chính ông về Việt Nam là gái. Bà nghĩ bà không "làm tốt bổn phận quan trọng nhất" của một người vợ thì để ông về Việt Nam chơi cũng chẳng sao. Tốn tiền? Bất quá vài ba tháng tiền SSI. Cái thói ở dơ và hàm răng sún của ổng thì khó mà tìm ra được một "con nhỏ" nào ở Mỹ cho ra hồn.
Ông Thìn nghe bà từ chối về Việt Nam với ông, mừng quá và đâm ra thương vợ. Ông dớn dác đi tim cái máy hút bụi.
-Bà có thấy cái máy hút bụi ở đâu không? Tôi mới thấy nó ở đây mà.
-Ông thấy nó tháng trước, chớ không phải mới thấy đây. Có khi nào ông mó tới nó đâu mà biết. Nó bị hỏng, tôi vất lâu rồi.
-Để tôi đi mua cái khác.
-Khỏi, Thằng Hai đi mua rồi.
Ông lăng xăng đi khắp nhà nhưng rồi ngẩn người ra, không biết nên làm gì.
-Ông chỉ việc thu gọn mớ giày dép lại là xong. Khỏi cần làm gì thêm.
Nghe vợ nói ông Thìn ngạc nhiên, lẩm bẩm:
-Ủa? Sao bà ấy thấy mớ giày dép để lộn xộn mà mình không thấy. Chắc mình bị "con nhỏ" hớp hồn rồi.
Phải, suốt năm nay gần như không lúc nào ông không nghĩ đến Tuyết.
Số là Tết vừa rồi ở Đà Nẵng, đang lang thang ngang qua mấy quán nước, quán bia ở trên đường Nguyễn Hữu Thọ thì có thằng nhỏ chừng 15, 16 đến mời ông:
-Chú! Có mấy em ngon lắm.
Ông định giả như không nghe, đi thẳng, vì ở đây gần nhà bà Mùng quá, nhưng rồi nghĩ:
-Thằng nhỏ này biết người biết của lắm. Nó mời mình tức là biết mình còn "gân". Nó lại gọi mình bằng chú, chớ không gọi bằng bác hay ông, tức là thấy mình chưa phải "mầm non nghĩa địa".
Ông theo thằng nhỏ vào tiệm. Các cô đến bên ông, gọi ông bằng "Anh". Ông đưa tay chào lấy lệ rồi đi thẳng đến quầy, vì thoáng thấy sau quầy có một phụ nữ trông khá đẹp nhưng... già nhất nơi đây, nghĩa là chừng 40 tuổi. Ông thích lứa tuổi này của phụ nữ, hình như họ "có tình" hơn. Ông không thích mấy "đứa cháu" như mấy cô vừa rồi. Ông rất chán cái việc vừa làm "chuyện ấy" vừa cầm cà-rem ăn của bọn họ. Người phụ nữ chào ông, đưa tay chỉ mấy cô. Ông lắc đầu:
-Sao dám mời tôi. Không sợ tôi là công an sao?
-Tướng anh Việt Kiều thấy rõ. Mỹ, Pháp, Canada...?
-Mỹ.
Chuyện trò một hồi ông đánh bạo nói:
-Xin lỗi. Tôi thích...tôi thích...như...như cô được không?
Người phụ nữ tròn mắt nhìn ông ngạc nhiên, có vẻ như cô chưa từng nghe ai nói vậy với cô. Ông Thìn chột dạ, gọi một chai bia uống, rồi trả tiền ra về. Hôm sau ông lại đến nữa. Thấy người phụ nữ đằng sau quầy chào ông niềm nở, ông lại bạo dạn, cười nói:
-Sao hôm qua cô không trả lời.
-Anh nói gì hôm qua em quên mất.
-Thì...tôi thích người như...như cô...
-Ở đây thì không được.
-Cô muốn nói cô không...OK hả?
-Không phải.
-Là sao?
-Đi chỗ khác thì được.
-Em muốn đi Huế chơi không. Chỉ 1 ngày thôi.
-Khi nào?
-Mai.
-Mốt được không? Mốt "thằng chả" mới rảnh coi tiệm giùm.
-Chồng em hả?
-Phải, nhưng không sao.
Vậy là ông Thìn đem Tuyết -tên cô chủ- đi Huế.
Thật là một ngày một đêm tuyệt diệu đối với ông Thìn và hình như đối với cả Tuyêt. Tuyết chẳng "dị ứng" với hàm răng sún của ông, chẳng sợ lưỡi cô mắt kẹt trong răng ông chút nào cả. Đã từ lâu ông không biết thế nào là mùi vị của đôi môi phụ nữ. Đã từ lâu, cũng đã trên 15 năm vợ ông không hôn ông.
Sau một ngày một đêm, dù sao ông cũng thực tế theo lối Mỹ, ông hỏi Tuyết trước khi rời khách sạn:
-Em này! Em cứ nói đi.
-Gì anh?
-Em muốn anh cho em bao nhiêu?
-Anh nói sao? À, à...Anh cho tôi là người thế nào? Thật là...Thật là...khổ thân tôi.
Cô ôm mặt khóc. Ông dỗ dành xin lỗi. Hai người ở lại thêm một ngày một đêm. Ông Thìn hầu như không còn nhớ gì đến vợ con ở Mỹ nữa.
Chỉ còn một tuần nữa ông Thìn trở về Mỹ. Ông đã rời khỏi Mỹ 22 ngày rồi. Ông không dám ở Việt Nam quá một tháng vì sợ Cơ Quan An Sinh Xã Hội ngưng cấp tiền SSI. Ông muốn hưởng trọn những ngày còn lại với Tuyết. Ông nói với bà Mừng ông đi Sài Gòn có công việc giao dịch, rồi về Mỹ luôn. Bà Mừng có vẻ không vui:
-Nói răng mà lạ rứa? Dượng đã về hưu, còn giao dịch đầu tư chi nữa.
Nếu trước đây nghe nói vậy chắc chắn ông giận lắm vì bị chạm tự ái. Nói vậy tức là chê ông già, dù rằng hai tiếng "về hưu" cũng xoa dịu phần nào tự ái của ông, nghĩa là bà Mừng tưởng ông từng làm một công việc gì đó ở Mỹ. Lần này vì vui vẻ trong lòng, ông giả giọng Huế, đùa:
-Nói răng mà lạ rứa. Nói rứa mà lạ răng.
Rồi ông nghĩ: "Lạ thật! Vợ mình không ghen, mà con mẹ này lại ghen.".
Ông và Tuyết sống với nhau như vợ chồng son ở một khách sạn khá biệt lập. Hằng ngày sau khi đóng cửa tiệm cô đến đây ở với ông cho đến gần trưa hôm sau. Ông quên hẳn việc Tuyết nói đã có chồng, mà Tuyết cũng không đả động gì đến việc này. Để tỏ lòng thương yêu kính trọng Tuyết, ông không "thực tế" như trước nữa mà mà ra Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển rút 2000 đô cho Tuyết. Ngân hàng này cho Việt Kiều và có lẽ cả người ngoại quốc nữa được gởi tiền tiết kệm bằng Mỹ kim. Ông không muốn mở trương mục tiết kiệm tại Mỹ vì ông bị "kẹt" ăn tiền SSI. Tuyết rơm rớm nước mắt nhận xấp đô-la 2000. Cô định đếm nhưng rồi ngưng lại kịp. Cô nói:
-Lẽ ra em không nhận nhưng không nhận thì anh tưởng em chê...
Ông nói:
-Thôi, thôi! Anh hiểu rồi, honey.
Ông qua Mỹ rồi mà hình ảnh Tuyết cứ lởn vởn trong đầu. Ông bảo thằng con trai bày cho ông cách chat, cách dùng webcam. Ông nói ông muốn liên lạc với mấy người bạn ở Pháp.
Ngày nào ông cũng chat với Tuyết. Họ hẹn nhau Tết Nhâm Thìn sẽ gặp nhau. Họ hẹn nhau đi Sài Gòn chơi, rồi xuống miền Tây, quê của Tuyết. Tuyết rất biết tiết kiệm cho ông.
-Anh mua vé của hảng máy bay Jetstar cho rẻ. Trước Tết vé từ Đà Nẵng vào Sài Gòn rất rẻ. Em nghe nói mua trên mạng từ 2 giờ chiều đến 5 giờ chiều Thứ Sáu Việt Nam thì rất rẻ, một người chỉ chừng 15 đô một chuyến. Họ nói đó là "Thứ Sáu siêu khuyến mãi". Nếu anh không biết mua thì nhờ ai đó mua. Hình như 2 giờ chiều Thứ Sáu ở Việt Nam thì bên Cali là 11 giờ hay 12 giờ khuya Thứ Năm. Anh mua vé cho em đi Sài Gòn đón anh. Tụi mình ở Sài Gòn chơi vài ngày rồi anh xuống Rạch Giá ăn Tết với em. Sau Tết tụi mình ra Đà Nẵng, giá vé máy bay cũng rẻ vì Sau Tết rất ít ai về Đà Nẵng. Anh nên mua bây giờ. Nhớ mua loại vé rẻ nhất, vé không trả lui được.
-Cám ơn em đã biết tiết kiệm cho anh. Anh sẽ làm y như lời em nói.
-Nhớ nghe! Không được sai hẹn. Vừa rồi anh nói hè về mà không về. Lần này anh sai hẹn nữa là xem như anh hết yêu em. Em đi lấy thêm một chồng nữa.
Ông định về Việt Nam lần này sẽ đến ngân hàng làm giấy tờ cho Tuyết đứng tên chung trong tài khoản tiết kiệm để ông dễ ký thác tiền. Chỉ cần chuyển tiền cho Tuyết để Tuyết ký thác là xong. Theo điều lệ của ngân hàng ông không thể hay rất khó ký thác tiền từ Mỹ.
Ngày khởi hành còn đến hai tháng nữa mà ông Thìn đã sửa soạn va-li, mua quà cáp. Ông dùng thẻ tín dụng của bà Thìn để mua vé máy bay, mua quà. Ông ăn tiền SSI nên mức tín dụng (credit line) của ông rất ít, chỉ có 500; trong khi bà Thìn có làm việc, có khai thuế nên mức tín dụng khá cao. Ngân hàng đã gởi những tờ chào hàng"offer" tới mời bà xin thẻ tín dụng của họ. Ông hỏi sơ ý kiến bà rồi làm cho bà một thẻ và thêm một thẻ nữa cho ông (additional card) mà cậu con trai lớn nói đùa là "visa, master card ăn theo". Bà Thìn rất ít khi dùng thẻ của bà, trong khi ông dùng thẻ của ông khá nhiều. Nói dại, nếu ông lăn đùng ra chết thì cũng không xù được ngân hàng. Bà phải trả nợ cho ông. Đôi lúc ông Thìn thấy mình có lỗi với vợ nhưng khi nghĩ đến tuổi tác của mình, nghĩ đến Tuyết, ông lại chép miệng:
-Cùng lắm là vài chục năm nữa thôi. Mình chẳng quấy rầy bà ấy gì được nữa đâu.
Gần đến ngày lên máy bay ông Thìn náo nức không ngủ được. Ông tưởng tượng đến giây phút gặp Tuyết, tưởng tượng lúc hai người ngồi trong taxi về khách sạn. "Mình sẽ làm gì trước hết khi hai người bước vào phòng khách sạn nhỉ? Dĩ nhiên trước hết phải ôm, rồi hôn, chứ không lẽ..." . Ông chợt nghĩ đến hàm răng, tiếc rằng mình đã không nghe lời vợ đi trồng răng.
Một buổi sáng ông đang sắp áo quần, quà cáp vào va-li để tối hôm sau khởi hành về Việt Nam thì thấy bà Thìn từ ngoài cổng bước vào, bù lu bù loa khóc:
-Khỏi có đi nữa!
Ông Thìn hoảng hốt:
-Sao vậy?
-Khỏi sửa soạn va-li nữa!
Ông nói như mếu:
-Chắc lại con mẹ Mừng. Đừng có tin...
-Chị Mừng nói quá rõ mà. Tôi không nghe lầm đâu. Lại thêm mấy cú điện thoại gọi đến tiệm nail nữa.
-Người ta đặt điều.
-Họ có điên mới đặt điều nói ba mất.
-Hả? Hả? Bà nói sao?
-Ba mất rồi, đúng hơn là chờ tôi về để rút ống dưỡng khí. Không biết có chuyển tiền vé ông qua vé tôi được không. Nếu được, chắc cũng bị phạt.
Ông Thìn ngớ ra một lát rồi ôm đầu:
-Trời ơi! Có thể như vậy được sao
-Chắc chắn rồi ông ơi.
-Trời ơi! Sao lại vậy?
-Ông cũng đừng thương cảm quá. Ba năm nay đã ngoài 90 rồi.

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
28/03/201202:56:45
Khách
Thưa ông/Bà...,
Tùy người. Nhiều phụ nữ mới 20, 30 đã hết xíu quách; có người 70, 80 hay hơn nữa vẫn còn.
28/03/201214:33:13
Khách
Tôi có người bạn có bà vợ mới 45 tuổi đã bị lãnh cảm. Bà ấy rất thương chồng, nhưng rất sợ chuyện đó. Mỗi lần ông chồng chạm vào người là gần như bà ta la lên. Ông chồng thấy vậy nên cũng "lạnh" luôn và có bồ khác. Bà vợ không có ý kiến, không ghen. Ông chồng kể chuyện cho vài người quen nghe. Họ nói có thể bà ấy có bồ. Ông chồng theo dỏi sát nút, điều tra sát nút, nhưng không phá được gì cả
22/02/201204:49:50
Khách
Tôi thích nhất đoạn chót trong bài.
21/02/201207:42:17
Khách
Thưa tác giả,
Có thật là cái bà làm nail mới 53 tuổi đã hết xí quách không ?
Má tui đã 58 tuổi, ráng phục vụ ba tui ba ngày 1 lần, mà ông chửi má tui khùng, giả bộ.
Ổng nói, nếu má tui hết xí quách thiệt thì phải đi chữa bệnh, gặp BS về Sex để chữa trị.
Cái vụ này hai người cãi nhau hoài, ổng biểu hai người phải đi gặp nhà tâm lý để giải quyết.
Má tui không chịu đi BS nào hết, nhưng bị ám ảnh mình bị tâm thần nhẹ vì hết cái kia.
Có bác gái nào rơi vào trường hợp này chưa ?
Cám ơn tác giả đã nêu lên vấn đề này một cách nhẹ nhàn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,987,309
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến