Hôm nay,  

Cô Em Cùng Dòng Khác Họ

11/02/201200:00:00(Xem: 40008)

Cô Em Cùng Dòng Khác Họ

Tác giả:Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Bài số 3480-12-28950vb7021112

vvnm_-_gia_inh_thuyn_trng_khi_va_t_chan_n_hoa_k__thang_8__2004_-large-contentvvnm_-_ln_u_em_mc_ao_dai__e_thn_-large-contentvvnm_-_ti_l_vinh_danh_cha_em_trong_lang_little_saigon_-large-contentvvnm_-_trang_dai_family-large-content

Hình trên, Tháng Tám 2004: Ông bà Thuyền Trưởng Jeon và con gái tại LAX; Hwi-jin lần đầu thử áo dài Việt Nam; Ngày "Làng Little Sàigòn" tri ân Thuyền trưởng Jeon.

Và 8 năm sau, Tết Nhâm Thìn, Hwi-jin và gia đình Glassey-Trầnguyễn tại Little Saigon.

Tác giả sinh tại Việt Nam năm 1975, định cư tại Hoa Kỳ từ 1994, khi đã 19 tuổi. Bẩy năm sau, 2001, cô tốt nghiệp bốn Cử nhân một lúc trong ngành Tâm Lý Thanh Thiếu Niên, Văn Chương, Sắc Tộc Học Á Mỹ, và Nhân Văn Đa Khoa, và được chọn là Thủ Khoa trong cả hai ngành học sau tại CSU Fullerton. Sau đó, cô tốt nghiệp cao học hai ngành: Lịch Sử Truyền Khẩu & Cộng Đồng tại CSUF.; Nhân Chủng Học tại Đại học Stanford và hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ. Trangđài cũng là người Việt duy nhất được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cấp học bổng Fulbright toàn phần, bậc tối ưu, để thực hiện nghiên cứu về người Việt tại Thụy Điển năm 2004-05, và năm nay, 2012, được chọn vào Chương trình báo chí về y tế sức khỏe do Tiểu bang đài thọ và do Đại học University of Southern California tổ chức. Là một tác giả thuộc thế hệ 1.5, từ 2001 tới nay, Trang Đài đã xuất bản ba tập thơ song ngữ Anh-Việt, có nhiều bài nghiên cứu được chọn đăng trong các tạp chí chuyên đề quốc tế. Sau nhiều giải thưởng và vinh danh, cô cũng là tác giả nhiều sáng tác và bài viết được phổ biến trên báo chí và mạng internet Việt ngữ. Sau đây là bài viết đầu tiên của Trangđài Glassey-Trầnguyễn dự Viết Về Nước Mỹ.

***

Tết. Tôi dọn nhà đón em gái về chơi.

Phòng em ở, tôi vẫn chưng đôi búp bê cô-dâu-chú-rể mà em tặng chúng tôi nhân ngày cưới đúng bốn năm về trước. Em gói thật kỹ, nên dù qua không biết bao giai đoạn di chuyển và giao chuyền, cái hộp bằng kính nhựa vẫn không nứt. Tôi mất cả nửa tiếng đồng hồ mới mở ra hết mấy lớp giấy và muýt em cẩn thận chèn bên trong thùng cạc tông to đùng. Đôi uyên ương trong hộp kính nhìn tôi, tươi tắn trong quốc phục cưới truyền thống Đại Hàn, thật sang cả và quyến rũ. Búp bê làm tôi nhớ em. Em đã chu đáo, gửi quà đến cả hai tuần trước đám cưới.

Tôi nhìn mộc bưu điện, thương em. Cước phí chắc mất cả tuần tiền cơm trưa của em. Sinh viên đại học, mấy ai dư dả. Cha mẹ em từ nhiều năm qua cũng vất vả cần lao, chẳng dư gì ngoài lòng nhân ái và sự tự tại. Cha em là thuyền trưởng, làm việc cho hãng tàu Koryo Wonyang Corp được 16 năm thì gặp đám thuyền nhân Việt Nam đang trôi ngoài biển. Đó là ngày 14 tháng 11, năm 1985. Bão nhiệt đới đang sấn tới. Ông xin phép vớt. Cấp trên không thuận. Ông hội ý thủy thủ đoàn. Mọi người ủng hộ ông. Ông xin nhận mọi hậu quả về mình, để tránh khó khăn cho nhân viên. Tàu quay lại. Hy vọng và cuộc sống đã mỉm cười với 96 người đang chờ chết. Họ đã trôi bốn ngày. 50 tàu đã dửng dưng bỏ đi trước tín hiệu cầu cứu của họ.

Đúng ra, là 51 con tàu đã bỏ đi, tính luôn con tàu của Koryo Wonyang Corp. Cũng chính con tàu ấy đã quay lại, nhưng máy tàu đã được thay bằng trái tim nhân ái và lòng quả cảm của thuyền trưởng, cha em. 96 nhân mạng được cứu. 96 gia đình được đoàn tụ. Và nhân lên, nhân lên theo thời gian, sẽ là bao nhiêu con người, bao nhiêu tương lai được ông đưa lên bờ? Tình ông là "Tấm Lòng Của Biển". Nhưng khi trở lại đất liền, "Tấm Lòng Biển" không có đất dung thân. Ông bị đuổi việc, mất giấy phép hàng hải, và phải sống nhờ vào quỹ tiết kiệm và công việc tạp nhạp. Nhưng như biển cả, ông không oán trách thượng cấp, không bất mãn với hoàn cảnh, không hối hận đã vớt người.

Một trong 96 thuyền nhân đã không bao giờ quên ơn cứu mạng. Ông Peter Nguyễn Hùng Cường đặt ra ba mục tiêu cho chính mình khi đến Mỹ: tìm việc, bảo lãnh gia đình, và tìm lại vị thuyền trưởng nhân lành. Trời đã không phụ tấm lòng biết ơn sâu xa của ông. Sau gần 17 năm tìm kiếm, ông Cường đã tìm gặp được thuyền trưởng, và sau nhiều lần thăm viếng, đã mời ông sang Hoa Kỳ để tỏ lòng biết ơn. Hai cộng đồng Đại Hàn và Việt Nam tại Nam California đã hân hoan, nô nức đón vị anh hùng mà cho dù không trực tiếp cứu họ, cũng đã để lại trong họ một sự cảm mến vô bờ.

Tôi gặp em lần đầu khi em còn là một nữ sinh trung học. Phi trường LAX. Tháng tám, 2004. Mọi người quây quanh cha em, chen chúc, thăm hỏi, bắt tay. Em ngỡ ngàng trước đám đông, ống kính. Em đứng một bên, lặng lẽ chờ. Tôi tặng hoa cho em. Em cười thẹn, rồi đứng im. Tôi không biết tiếng Hàn. Em không biết tiếng Anh. Chúng tôi chỉ đứng bên nhau, cùng nhìn đám đông. Rồi chúng tôi về làng, làng Little Sàigòn. Đến ngày làng tôi tổ chức lễ tri ân vị thuyền trưởng, thì em cũng lại lẻ loi. Tôi mang bộ áo dài tím đến tặng em. May mà chúng tôi cùng kích cỡ. Em mặc vào, vừa vặn, cười thật xinh với tôi. Lần đầu em mặc áo dài.

Ít ngày sau khi gặp em, tôi lên đường sang Thụy Điển với học bổng Fulbright, dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Tôi đi tìm hiểu về người Việt tại miền Bắc Âu giá buốt này. Tuy biết tiếng Anh rất ít, em vẫn thường viết thư thăm hỏi tôi, gửi điện hoa cho tôi dịp Giáng Sinh, chuyển lời cha mẹ gửi thăm tôi. Những điện thư của em, tuy ngắn, nhưng luôn nhắc nhớ tôi về làng Little Sàigòn, quê tôi. Về cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Về thuyền nhân. Về lòng nhân ái. Về tình người trong cơn hoạn nạn và về lòng biết ơn.

Tôi về lại Mỹ sau một năm nghiên cứu, chúng tôi vẫn giữ liên lạc. Trái đất đã nhỏ lại, gần gụi hơn. Ngày xưa, ở Việt Nam, tôi chỉ nghĩ đến những miền đất trên quê hương tôi. Bây giờ, tôi nghĩ về nhiều miền đất trên địa cầu, và may có những hạnh duyên như lần gặp em, tôi lại có chút máu mủ với những vùng đất tôi chưa từng ghé qua. Được tin tôi có con, em ríu rít hỏi thăm. Khi sang Hoa Kỳ du học ở Oregon, em tin cho tôi. Tôi hồi âm. Em muốn nói chuyện điện thoại. Tôi chưa kịp gọi, thì đã thấy email nữa, nhờ tôi gọi ngay. Tôi gọi. 11 giờ đêm.

Em nhớ nhà. Nhớ lắm. Nhưng em không dám nói với cha mẹ, sợ ông bà lo. Nói chuyện trên skype với cha mẹ, em chỉ cười tươi rói, nói tíu tít. Vừa tắt máy, em khóc một mình. Con gái lần đầu đi xa, bơ vơ, côi cút quá. Môi trường lạ. Ngôn ngữ lạ. Trường lớp lạ. Cuộc sống lạ. Cái gì cũng lạ, không có lấy một người quen ở gần. Trước nay, tôi vẫn cám cảnh sinh viên sống xa nhà, cho dù lúc ấy, tôi chưa sống xa gia đình. Trai hay gái, lần đầu xa nhà đều bỡ ngỡ. Cái gì cũng tự lo. Cái gì cũng một mình. Trăm thứ để lo.

Chúng tôi nói chuyện một tiếng đồng hồ. Tôi kể, ngày xưa, mới qua Mỹ, tôi cũng đi học như em, tuy ở với gia đình. Cũng khó khăn ngôn ngữ. Cũng lạ lẫm giáo trình. Giáo sư giảng, giáo sư hiểu. Tôi ngồi đực não ra. Rồi dần dà, tôi cũng bắt được bài vở. "Em sẽ quen thôi." Em nói bài tập khó quá, em không biết phải làm sao mới xong. Tôi khuyến khích, nhắc em rằng đây là cơ hội tốt. Em được mở mang kiến thức, trau dồi chuyên môn, sau này có thể chọn công việc đúng ngành mình thích, lại có điều kiện để phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Em sẽ làm cho họ hạnh phúc. Em tán đồng. Một người con gái có hiếu. Tôi dặn, "Cứ từ từ. Đừng gấp. Mỗi ngày học một chút, sẽ không bị quợn." Nói tới đó, tôi ngưng, sợ mình nói dư. Em nói, "Em vui rồi. Cám ơn chị. Em đi ngủ được rồi." Rồi như sợ tôi không tin, em lập lại, "Thiệt mà. Em nghe chị nói, em vui lắm. Em an tâm rồi. Em bớt nhớ nhà rồi."

Em email cho tôi địa chỉ chỗ ở như tôi đã dặn. Tôi gửi chút sôcôla, ít cuốn sách lên cho em đọc giải khuây. Rồi em thường nhắn tin thăm tôi trên facebook, hay qua email. Tôi vẫn hỏi thăm, biết em đã tham gia nhiều sinh hoạt ở trường, đã đi thăm chỗ này chỗ nọ, đã có bạn bè, đã quen bài vở. Tôi an tâm. Tôi dặn em thu xếp xuống chơi.

Một tháng trước Tết, em hớn hở email cho tôi, bảo em vừa đặt vé máy bay để xuống Nam California, thăm "Uncle Peter" và các bạn bè của cha em. Em cũng muốn ẵm em bé của chúng tôi. "Được không chị?" "Dĩ nhiên là được rồi! Thằng bé con sẽ rất thích vì có thêm người chơi với nó đó!" Em muốn 'hang-out' với chúng tôi. Em muốn sống với gia đình nhỏ của chúng tôi, trước khi về quê với cha mẹ. Tôi hẹn ngày. Rồi hẹn thêm bạn bè thân thiết, để khi em đến, có nhiều người chung vui với tôi và tiếp đón em. Tôi coi việc đón tiếp em như một lời cám ơn nối dài đối với cha em, vị thuyền trưởng đã 'gieo' lòng nhân từ như một điều tự nhiên phải làm. Ông không biết ai trong số 96 thuyền nhân kia. Ông vẫn cứu họ. Tôi không biết ai trong số 96. Tôi vẫn mang ơn ông. Ba tôi từng là một thuyền nhân. Hàng triệu đồng bào tôi là thuyền nhân. Những người đã tạo dựng ra đất nước vĩ đại này cũng chính là thuyền nhân. Tất cả đều hiểu cái cảm giác bị bỏ rơi giữa đại dương cuồng nộ Khi ông đến 'làng tôi' Little Saigon năm 2004, nhiều 'dân làng' không biết ông, nhưng vẫn xúc động bật khóc. Từ đó tới nay, em và tôi đã thân nhau qua tám năm giữ liên lạc, và nhờ nhịp cầu Anh ngữ, chúng tôi không còn phải đứng im lặng nhìn nhau nữa. Tôi nghỉ làm hai ngày, để đón em như đón một cô em gái tuy khác họ nhưng cùng dòng.

Khi mới sinh, em mang đủ thứ dị ứng trên đời. Mẹ em tận tụy, chăm chút từng món ăn vặt, ăn chính cho em. "Mẹ lúc nào cũng cho em ăn trái cây tươi, ăn rau tươi, tự tay nấu ăn cho em," em kể. Mỗi lần có nhu cầu y tế phải vào bệnh viện, bác sĩ đều kinh ngạc hỏi em, "Tại sao cô có bao nhiêu tình trạng dị ứng này, mà lại không bị dị ứng?" Em biết, chính mẹ đã làm cho cuộc đời em bớt đi hàng trăm thứ phiền toái, đã làm cho cuộc sống em dễ dàng và cho phép em được tận hưởng nhiều món ăn ngon trong đời. Tại Hoa Kỳ hiện nay, các trẻ sơ sinh có tình trạng dị ứng đều phải trải qua chương trình trị liệu "allergy therapy" rất dài và phức tạp để chữa dứt các chứng dị ứng. Mẹ em, một thân một mình, đã chữa trị cho em, với kiến thức và khả năng của một người mẹ thương con. Có lẽ cái mà người ta gọi là 'common sense' chính là phương thuốc căn bản mà hiệu nghiệm nhất. Mẹ em đã trộn phương thuốc này với lòng yêu con vô bờ. Bà đã làm được cái điều mà đôi khi người ta chỉ dám trông cậy vào bác sĩ và y khoa.

Khi em được bốn tuổi, cha em mất việc khi đưa thuyền nhân Việt lên bờ. Ông ở nhà thường xuyên hơn, chơi với em nhiều hơn. Em nhớ, "Lúc đó, em còn nhỏ lắm, chưa biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng em thắc mắc, sao Cha ở nhà với mình nhiều quá. Trước đó, em không nhớ rõ mặt Cha, vì Cha hay đi biển, ít có nhà. Được chơi với Cha thì thích lắm, nhưng em cứ thắc mắc." Về phần mẹ em, bà không nói gì, cũng không tỏ vẻ lo sợ khi ông bị mất việc. "Chắc mẹ cũng lo, nhưng mẹ không muốn cho Cha biết, nên Mẹ không nói gì." Em đoán vậy. Và thêm, "Mẹ cũng tin tưởng ở cha nữa."

Họ sống bằng tiền tiết kiệm trong hai năm trời. Rồi cha em làm việc này nọ cho bạn bè. Mãi đến năm 1996, cha em mới bắt đầu nuôi hải sản để mưu sinh. Đến hôm nay, tuy bạn bè ông đã về hưu từ nhiều năm trước, ông vẫn tiếp tục làm việc. Ông yêu nghề, và muốn tự tay mình chăm lo sự nghiệp của gia đình. Tuy vậy, ông bà không hề níu kéo con gái, mà muốn con tự lập, đi vào đời sống riêng, xây dựng sự nghiệp, tuy vẫn tiếp tục hướng dẫn và chu cấp cho việc học của con. Trong ba tháng hè sau khi em tốt nghiệp trung học và trước khi vào đại học, cha kêu em mỗi ngày ra nông trại hải sản để phụ giúp và biết sự cực nhọc của đời sống lao động. Cha nói, "Làm ra đồng tiền không phải dễ. Con phải hiểu giá trị đồng tiền, và biết quý sức lao động của mình." Nhưng lời nói này, tuy dễ nghe, nhưng không hẳn dễ nhập tâm một thiếu nữ sắp vào đời.

Tháng đầu vào đại học, em dọn nhà lên thành phố Seoul, cha mẹ cho em tiền để lo trang trải sách vở và những gì cần thiết. Cha nói, "Con mới đi học, chưa biết cần bao nhiêu tiền, nên cha cho con bấy nhiêu. Cuối tháng, con cho cha biết đã mua gì, và cha sẽ cho thêm hay ít lại tùy theo nhu cầu." Tung tăng trong cái nô nức của lần đầu tự lập, em hăng hái đi sắm sửa quần áo và những cái con gái thích làm đẹp. Đến khi 'tính sổ' cuối tháng, mới biết đã tiêu phân nửa số tiền cha cho vào những hàng xa xí phẩm. Em bắt đầu lo, nhưng việc đã lỡ, và cũng không thể nói dối với cha vì ông chắc chắn sẽ biết. Em khai rõ mọi chuyện. Sau khi nghe bản báo cáo tài chính đầu tiên, cha em nổi giận. Ông bảo, "Cha không thể nói chuyện với con lúc này được. Cha sẽ gọi lại cho con."

Em ngồi chờ, run. Khi cha gọi lại, ông nói, "Con không cần đi học nữa. Cha mẹ không hề dạy cho con phung phí xài hoang, nhưng con đã tự học mau quá. Con về đi. Không cần đi học nữa." Em năn nỉ, xin cha cho đi học tiếp, vì em không muốn bỏ học. Cha nói, "Thôi được rồi. Đây là lần đầu, cha sẽ cho con cơ hội thứ hai. Nhưng đây cũng là lần cuối." Em hú hồn. "Thường cha hiền lắm, nhưng lần đó, em mới thấy cha nghiêm khắc với em." Và nhận ra rằng, đây là một bài học quý giá cho cả cuộc đời mình. Mỗi tháng, em đều vạch ra một kế hoạch tài chánh, học hành, và đều bàn qua với cha mẹ. Ông bà sẽ góp ý cho em, và sẽ đề nghị em bỏ bớt những chi tiêu không cần thiết. Cha em nói, "Nếu con xin cha vài ngàn đô cho một lý do chính đáng, cha sẵn sàng cho con. Nhưng nếu con xin chỉ một xu vì chuyện không cần thiết, thì cha cũng không cho." Từ nhỏ, cha mẹ vẫn cho em tiền tiêu vặt. Có khi em xin thêm, nhưng cha mẹ lúc nào cũng kiên quyết không cho. Có lần, em nói với mẹ rằng em đã lỡ mua một món gì đó, còn thiếu tiền. Mẹ nói, "Đó là trách nhiệm của con. Con biết mình có bao nhiêu tiền mà, con phải xài cho đúng cách." Em nói, "Đây là một phương cách dạy con hữu hiệu. Em sẽ dùng cách này để hướng dẫn con em về chuyện tiền bạc."

Em vạch rõ mục tiêu cho cuộc sống. Em muốn học về tiếp thị trong ngành du lịch, nhất là về resort. Em thích một cuộc sống đơn giản và êm đềm. Em đã tìm hiểu, và muốn học hậu đại học tại Hoa Kỳ hay Thụy Sĩ, hai quốc gia phát triển mạnh về lãnh vực em theo đuổi. Em dự tính sau khi tốt nghiệp đại học năm tới tại Seoul, em sẽ thi GRE để xin vào một trường tại Mỹ, như Cornell chẳng hạn. Nghĩ về việc xây dựng gia đình trong tương lai, em nói, "Làm mẹ, làm vợ thì dễ. Nhưng làm một người mẹ tốt, một người vợ tốt thì không dễ." Em thích có nhiều con, ít là ba cháu, "Và nếu em có đủ tiền để lo đầy đủ cho con, em sẽ sanh bốn đứa." Hồi nhỏ, em muốn có em, nhưng khi xin cha mẹ sanh thêm thì ông bà thán, "Con ơi, cha mẹ lớn tuổi rồi, đâu còn sức để sanh em cho con!"

Em không mê đi shopping như bạn gái cùng trang lứa. Cần quần áo, em lên mạng mua, "Đỡ mất thời gian." Thời gian còn lại, em đi thư viện đọc sách, nói chuyện với người yêu qua Kakaotalk hay skype, và…đi ăn. Điều gì em sẽ nhớ nhất về Oregon? Các nhà hàng với thức ăn của nhiều nước trên thế giới. "Em thích đi ăn lắm! Bạn bè, thầy cô, gia đình mẹ nuôi đều biết vậy! Ai cũng rủ em đi ăn hết!" Hoa Kỳ, miền đất tạm dung của mọi sắc dân trên thế giới, nên sự phong phú trong ẩm thực cũng là một điểm son tuyệt vời, mở cửa cho người ta đi vào nhà bếp và phòng ăn của những văn hóa khác.

Các món ăn Việt thì em cũng đã biết qua trong lần đầu đến Mỹ với cha mẹ, năm 2004. Sau bữa lễ tri ân thuyền trưởng cha em, "Uncle Peter" có mời những người rất thân đi ăn phở. Em cũng đã ăn qua bánh mì thịt và nhiều thức Việt khác. Lúc du học ở Oregon, em cũng đã ghé qua nhiều nhà hàng Việt ở đó. Hai ngày em ghé chơi, tôi mới biết em rất dễ nuôi. Em tự nhiên thoải mái, vui vẻ thử và thưởng thức tất cả những gì tôi bày ra. Bánh tét có nhân đậu xanh và thịt, ăn với dưa món, một chút hương vị Tết. Bánh in nhân sầu riêng. Aplets và cotlets (một loại kẹo trái cây của Mỹ, dẻo dẻo, kẹo trong, có vị táo hay apricot, có hạt hạnh nhân và walnut bên trong, và bột trắng mịn bọc ngoài). Pretzels. Thịt nạc chiên với gia vị bí truyền của mẹ tôi. Salsa do chúng tôi cùng làm. Cái gì em cũng cởi mở ăn thật ngon.

Thậm chí, khi thằng bé con thoải mái với em quá, tự động leo vào lòng em ngồi, cầm Petit LU ăn, rồi không cần biết trên bánh có chút gì ướt át từ miệng nó không, cũng đút cho em ăn. Tôi chưa kịp cản, thì em đã vui vẻ cắn ngon lành, làm thằng bé thích chí, cắn thêm, rồi đút em ăn tiếp. Cứ vậy, cháu đút dì, ăn hết mấy cái bánh, ăn luôn những nụ cười và mắt liếc với nhau (thằng bé con của tôi chưa đầy hai tuổi, nhưng giỏi nhất là vụ liếc mắt đưa tình - có lẽ vậy mà nhiều bà mẹ đã ghi trên các diễn đàn là muốn 'freeze' con mình lại ở cái tuổi này). Riêng món mứt gừng do em Út tôi làm để ăn Tết, em ăn hai miếng thì 'phải dừng' vì cay quá! "It's good, but I can't," em nói. Khoai tây do chính tôi trồng, luộc lên, em ăn với bơ và tí muối, em khen, "Dẻo thơm quá!" Em thích những thức ăn làm trong bếp nhà. Có lẽ nó làm em nhớ đến mẹ, biết bao năm trời mày mò nấu nướng để giữ gìn sức khỏe cho em. Rồi Fondue, một món ăn trứ danh của Thụy Sĩ vốn rất thịnh hành ở Mỹ cũng như nhiều nước khác, do chính ba mẹ chồng tôi gửi từ 'dưới quê' Thụy Sĩ lên làm quà Giáng Sinh cho chúng tôi. Em thử, rồi bảo ngay, "Em thích món này!" Chắc chồng tôi nở mũi lắm!

Chúng tôi dắt thằng bé con ra vườn chơi. Tôi chỉ bụi chuối sứ cho em. Em ô a, "Thật à? Cây chuối đó hả chị? Trước giờ em chưa bao giờ thấy! Chị trồng làm sao?" Tôi bảo, "Mình đi xin cây chuối con về, rồi trồng, khoảng một năm thì nó nhảy cây con phát loạn." Tôi chỉ thêm đám mía thanh dịu, thân tím thẫm, lấm tấm phấn trắng mùa đông. Em thích quá, "Mía à! Em chưa bao giờ thấy cây mía!" "Em muốn ăn thử hông? Chị róc cho mà ăn!" "Thử chứ!" Tôi phóng vào nhà, vác cây dao phay ra đốn mía. Thằng bé con thấy mẹ hăng hái, thì cũng phát một tràng 'babese' ngôn-ngữ-ngọng của nó (chữ tôi đặt cho những phát âm đầy mật mã của con), như để 'diễn giải' nhất cử nhất động của mẹ. Sự hào hứng của em làm mẹ con tôi vui lây. Chưa bao giờ tôi đi chặt mía và róc mía mà hào hứng đến vậy. Một người bạn thân đến để đưa em đi chơi San Diego với tôi bảo, "Có con như cô Hwi-ji thì sướng biết mấy! Dễ ăn, dễ ngủ ghê!" Em dễ ngủ, là vì khi ăn xong, tôi bảo em đi ngủ trưa, thì em ngủ thật ngon, mấy tiếng đồng hồ. Tôi cũng thuộc dạng 'cần ngủ' như em mỗi khi tôi đi chơi xa, nên tôi nhìn là biết ngay. Em vô tư như chú chim non trên cành, tung tăng bay lượn, ăn ngủ tự nhiên. Em mê nhất là các món tráng miệng ngọt. Bữa trưa đầu tiên, tôi mang kem butter pecan và dâu tươi mời em. Em thích lắm. Tối đó, ăn cơm xong, em hỏi, "Chị làm kem cho em ăn nữa nghe!" Em thích ăn món rau cải xào thịt nạc mà mẹ tôi nấu. Tôi nói, "Vậy để dành hết cho em nè!" Em vui vẻ hưởng dùng, không thèm động đũa món canh bí hầm sườn non mà tôi mê. Đỡ quá, hai chị em khỏi giành ăn với nhau, vì mỗi người thích một món.

Chia tay em, tôi tặng đôi giày thật điệu để em đi chơi, vì em không để ý đến chuyện điệu đàng (đây cũng là 'lịch sử cá nhân' của tôi, đến nỗi có lần ba tôi bắt hai chị dắt tôi đi sắm sửa). Thằng cu tặng cho Dì một con trâu nước do người khuyết tật ở Việt Nam làm bằng gỗ dừa. Ba tôi gửi rượu biếu thuyền trưởng. Mẹ tôi tặng em mấy chiếc áo. Vợ chồng tôi tìm mua cho em quyển sách - à, món ruột của em là đọc sách mà - để em mở mang thêm kiến thức về thương mại, Instinct: Tapping your entrepreneurial DNA to achieve your business goals của tác giả Thomas Harrison. Tôi nhắn,

Hwi-jin thương,

Gia đình chị rất vui được đón em. Chị học được nhiều điều từ em trong hai ngày qua! Chị rất vui thấy em đã bước vào đời một cách vững vàng. Chúc em mọi điều tốt đẹp nhất, và mong ngày gặp lại khi em trở lại Hoa Kỳ để tiếp tục công việc học.

Chị mong là quyển sách này sẽ giúp em bồi đắp con đường công danh sự nghiệp, mà chị tin là sẽ đầy thành công, đắc ý, và hào hứng!

Rất thương,

OTK

Em và tôi gặp nhau trên đất Mỹ, và nhận ruột rà trên miền đất này. Em họ Nam-Hàn. Tôi họ Việt-Nam. Chúng tôi cùng dòng Châu-Á. Vậy là đủ một vòng thương yêu, một vòng thế giới. Đủ một đại dương. Đủ một tấm lòng giữa trời đất.

Vậy nhé, Jeon Hwi-jin, em gái của tôi!

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Ý kiến bạn đọc
18/02/201216:07:17
Khách
Một bài viết hay. Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Đây là cách sống của người Việt Nam. Nếu 96 người được cứu, mổi người chỉ cần đóng góp $1,000.00 để tặng thuyền trưởng ân nhân đã cứu mình thì luật nhân quả của nhà Phật sẽ thấy ứng dụng ngay. Và đây cũng là cách thiết thực để phần nào đền ơn đáp nghĩa. Cám ơn tác giả bài viết này.
13/02/201216:31:13
Khách
@ cohai: Đúng là tội nghiệp cho Thuyền Trưởng Jeon và gia đình, bao nhiêu năm đã khổ sở. Nhưng Chính phủ Nam Hàn trong các năm gần đây đã phục hồi danh dự cho ông, và thực hiện nhiều thước phim tài liệu về nghĩa cử này của ông. Cộng đồng Việt và Hàn tại Nam California (và Thúy Nga Paris) cũng đã vinh danh ông trong nhiều dịp từ 2004. Tuy Thuyền Trưởng không bao giờ đi tìm lời cám ơn hay sự vinh danh, vì ông coi việc cứu các thuyền nhân là việc cần làm và phải làm, nhưng cái quả báo mà ông và gia đình gánh chịu trong một thời gian như vậy đã mang lại những nhân duyên tốt đẹp mới. Ắt cũng là một kết cục tốt đẹp, phải không cohai?
13/02/201216:34:07
Khách
@ Nhi Nhi Ngô: Chân thành cám ơn lời chúc sức khỏe, và xin chúc Nhi Nhi vạn an trong Năm Thìn. Cám ơn đã hồi báo về bài viết và tạo hứng cho Trangđài viết những bài mới. Rất trân trọng.
12/02/201201:59:58
Khách
Cứu bao nhiêu ngừoi mà nhận lấy quả báo mất việc...

Thiệt đôi khi tui cũng thắc mắc triết lý nhân quả của nhà Phật.
15/02/201217:27:45
Khách
Tôi rất trân trọng tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của thuyền trưởng Jeon . Đúng là không riêng gì 96 thuyền nhân đó mà tất cả người Việtnam chúng ta phải nhớ ơn vị ân nhân này mãi mãi . Mặc dù tôi qua Mỹ bằng máy bay nhưng tôi rất là tôn kính lòng bác ái của ông ta
12/02/201200:07:32
Khách
Cám ơn Trang Đài Glassey - Trần Nguyễn , Đã cho đọc một bài rất hay và vô cùng cảm động . chúc em có nhiều sức khoẻ và sẽ cho đọc nhiều bài hay nữa .
Albuquerque , NM
Nhi Nhi Ngô
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,826,731
Tác giả dự viết về nước Mỹ ngay từ năm 2000, năm đầu tiên của giải thưởng. Sang năm 2012, cô nhận giải bán kết với bài “Check Point”.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon.
Thế Vận Hội năm 1984 tại Los Angeles, theo kết toán của Ban Tổ Chức, đạt số lời 250 triệu mỹ kim. Đây là chuyện hiếm có trong lịch sử thế vận.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Tác giả định cư tại Houston từ 1993, sau hơn 20 năm làm nghề bán bảo hiểm nhân thọ, hiện đã về hưu. Năm 2007-2008, ông đã góp ba bài Viết Về Nước Mỹ:
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp:
Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ trước năm 1975, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County. Ông bắt đầu tham dự VVNM năm 2015
Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Ba Lan là nơi hẹn của hơn hai triệu người. Để tới được nơi hẹn, phái đoàn giới trẻ gốc Việt tại Hoa Kỳ đã đi qua 4 nước Âu châu,
Thư tác giả gửi Việt Báo: “Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tôi. Tên VN của tôi là Nguyễn văn Tới (trong nhà kêu 6 Cam). Hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Sau đây là bài viêt mới của cô.
Nhạc sĩ Cung Tiến