Hôm nay,  

Đầu Xuân Viết Blog

10/02/201200:00:00(Xem: 270035)
Đầu Xuân Viết Blog

Tác giả: Khôi An
Bài số 3479-12-28949vb6021012

Tác giả đã 2 lần liên tiếp nhận giải Viết Về Nước Mỹ: Năm 2009, giải danh dự, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình" và Giải Tác Phẩm Trong Năm 2010, với bài “Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu"” Đến Hoa Kỳ năm 1984, Khôi An hiện là cư dân Bắc California. Nghề nghiệp: kỹ sư điện tử tại công ty Intel. Sau đây là bài viết đầu năm của tác giả.

***

Mới hồi năm 2006, Facebook còn là một điều rất mới mẻ. Ngày đó, đứa cháu lớn nhất trong gia đình vừa vào đại học, bắt đầu có bồ. Chuyện này tụi nó không kể cho người lớn nghe nên chỉ tuị nhỏ biết với nhau. Tụi trẻ thì thào mãi rồi mới tai đến đám phụ huynh chúng tôi. Cô em tôi nói với vẻ mặt nghiêm trọng “Tuị nó có một chỗ gọi là Facebook. Mỗi đứa có một trang riêng. Tụi nó đăng chuyện của tuị nó, đăng hình bồ tụi nó trên đó, nhưng chỉ có sinh viên đại học mới mở được account. Phải có account mới vô xem được. Tui phải năn nỉ thằng con cho coi ké…” Tôi nghe rồi cũng để từ tai này qua lọt tai kia. Con tôi còn nhỏ không có account, mà tôi cũng bận quá, không có giờ tìm coi Facebook là cái gì để mò mẫm kiếm đường vô “coi mắt” đám trẻ…
Chỉ một, hai năm sau, ngó lại thì hầu hết những người quen, từ nhỏ tới lớn đều có Facebook account. Cuối năm 2008, thành viên cuả Facebook tăng hơn 700,000 người một ngày. Facebook qua mặt email một cái vèo, trở thành phương tiện thông tin chính của đám trẻ và ngày càng lan rộng trong những người không-còn-trẻ. Dĩ nhiên, những trang Blog cá nhân thì cũng đa dạng như con người; có những trang nhiều bài viết hay, giá trị, nhưng cũng không ít trang toàn chuyện “tào lao”. Nhất là đám trẻ ở Mỹ, rất nhiều trang chỉ kể hết chuyện riêng tới chuyện nhà, cả những chuyện ngu ngốc – “stupid” - như chính tác giả thú nhận. Tôi vẫn đứng ngoài, chỉ thỉnh thoảng ghé coi vài trang blog cho biết với người ta. Có một lần, sau khi lướt qua trang blog của một cô kể ngày thứ Hai vô sở lúc 9 giờ, sau đó đi ăn trưa ở tiệm Thái Lan lúc 12 giờ, tối 6 giờ về, 7 giờ hẹn bạn đi ăn tiệm Nhật; ngày thứ Ba đáp chuyến bay 3 giờ chiều từ phi trường San Francisco đi công tác ở Washington… tôi cười nói với con gái “Sao có những người thích thông báo tin tức đời họ vậy không biết! Khai báo vậy có ngày ăn trộm canh ngày vô khoắng hết đồ đạc…” Lần khác tôi bảo “Lần này anh chàng Mark Zuckerberg (*) tha hồ hốt tiền quảng cáo. Sao nhiều người thích có Facebook account quá vậy nhỉ?” “Tại vì rất nhiều người muốn người khác ‘nhìn’ họ qua hình ảnh mà họ tạo ra trên Facebook” Chà, câu trả lời sâu sắc ghê, làm tôi lại nhớ rằng cô bé “mèo con” của tôi đã lớn…
Thật ra thì tôi đã hiểu rõ sức mạnh kinh hồn của những mạng sinh hoạt xã hội (social network) . Những tiến bộ trong ngành điện tử giống như đã khai phá, cày xới để mở ra một mảnh đất vô cùng thênh thang và phì nhiêu; những công ty như Facebook, Twitter giống như chế ra những cày, cuốc, thùng tưới hết sức nhẹ nhàng và dễ dùng; và người ta tha hồ tạo những mảnh vườn riêng. Trăm hoa đua nở. Từ cổ thụ xum xuê, hoa lá ngạt ngào sắc hương tới cỏ tranh, cỏ lác... Những khu vườn lan qua rào thép gai, tường sắt và lưới lưả đến tận những nơi bị cô lập trong tăm tối từ cả trăm năm. Và cuộc Cách Mạng Hoa Lài cùng với những thay đổi ở Trung Đông là những bông hoa đẹp nhất trong cuộc thu hoạch đầu tiên của thiên niên kỷ 2000.
Năm 2011 tôi cũng mở Facebook account. Bạn bè gặp nhau, chụp hình rồi cứ gởi link bảo lên coi. Tôi mở account để coi hình bạn, nhưng chưa mời ai làm “friend” nên chẳng đi thăm vườn của ai được và password cũng quên khuấy luôn… Tôi cũng không quan tâm lắm vì tôi đã có nơi để chia sẻ ý nghĩ, và những “tâm huyết” vụn: đó là mục Viết Về Nước Mỹ và trang Việt Bút.

Đầu Năm Khai Bút
Hồi còn nhỏ, cứ vào khoảng mùng ba Tết là Bố Mẹ tôi viết một vài câu khai bút. Viết những điều hay, đẹp mà mình mong muốn cho năm mới, tưạ tựa như New Year resolutions của người Mỹ. Chị em tôi cũng bắt chước, nắn nót vài câu. Tôi còn nhớ bài khai bút cuả tôi làm hồi lớp 8:

Đầu năm khai bút, bút khai hoa
Mong muốn học hành tiến thật xa
Sử Điạ, Văn chương càng xuất sắc
Toán cùng Lý Hoá tiến thật xa

Tôi biết là bài thơ khai bút của đó… dở ẹc. Ngoài câu đầu bắt chước ở đâu đó, phần còn lại khô như ngói, lại còn Toán Lý Hoá Sử Điạ tùm lum trong đó. Thơ kiểu đó mà lọt vào mắt của bà chị họ văn sĩ thì chắc chẳn sẽ bị phê là quá … ngố, ngay cả đối với tiêu chuẩn “lãng mạn con nhà giáo”. (Sau khi di cư vào Nam, cả đại gia đình họ ngoại tôi sinh sống bằng nghề dạy học. Đám trẻ - thế hệ Bắc kỳ di cư thứ một rưỡi trong đó có bà chị tôi – biết thân phận nhập cư và được răn dạy rất kỹ nên vô cùng ngoan. Lâu lâu mới có người dám mơ mộng một tí, và những mơ mộng rất hiền lành, ngoan ngoãn đó được bà chị tôi đặt tên là “lãng mạn con nhà giáo”.) Tôi được sinh ra ở Sài gòn, chính thức là Bắc kỳ di cư thế hệ thứ hai, nhưng chắc cũng … ngoan. Bởi vì bài thơ dở đó vẫn làm tôi đắc chí. Làm thơ có suối chảy mây bay thì chẳng khó, nhưng bài thơ khai bút phải chuyên chở “tâm tư tình cảm” cuả tôi. Mà lúc đó điều tôi mong ước nhất là học thật giỏi cho Bố Mẹ vui lòng….

Những Cây Hoa Đào Trên Đường Great America
Năm nay Tết tới sớm.
Điều đó ai cũng biết vì Tết đến từ cuối tháng Một. Biết là một chuyện nhưng tôi “cảm” được điều đó rõ ràng nhất những buổi sáng đi làm trên đường con nối từ xa lộ 237 tới hãng Intel, đi ngang vườn chơi Great America . Con đường có những khoảng trồng cây ở giữa. Tôi thích những khoảng trồng cây này bởi vì chúng đem một chút tươi mát, thơ mộng của những con đường tỉnh nhỏ làm dịu bớt cái cứng ngắc, hiện đại của vùng trung tâm điện tử. Khoảng trồng cây của con đường Great America có một hàng cây hoa đào. Cây chỉ cao ngang tầm mắt, vào muà Xuân đơm kín những nụ hoa xinh xinh, chỗ hồng nhạt như màu má, chỗ hồng tươi như màu môi của các cô gái xuân thì. Mọi năm, khi lái xe đi dọc theo những “đám mây hoa đào” với màu hồng ngọt mắt là tôi biết Tết gần kề. Năm nay, qua tới mùng năm Tết các cây đào mới lác đác có hoa, mãi mùng mười mà hàng cây vẫn chưa biến thành một hàng dù hồng. Tết đến sớm và trời ít mưa, có lẽ thế mà hoa đào năm nay chậm nở. Nhưng thế cũng hay, vì tôi sẽ có hoa đào để ngắm tới tận ngày lễ Tình Yêu 14 tháng Hai, hay hơn nữa …
Mỗi năm đào đơm hoa nhắc Tết lòng tôi thường bâng khuâng ngẫm nghĩ tới thời gian. Tưởng như chưa xa lắm thời chị em tôi mới qua Mỹ, hay gom góp đồ gởi về bên nhà. Khi em tôi bỏ vào thùng đồ một cây thước kẻ có hình vườn chơi với tên Great America này, tôi nhớn nhác ngăn lại “Gởi cây thước này, tụi hải quan bảo là phản động tuyên truyền cho đế quốc, tịch thu cả thùng đồ thì chết!”
Mới đó mà đã hơn 20 năm.
Thỉnh thoảng tôi mơ đem một nhánh đào từ Great America về nhà, lấy một chút từ con đường đi về ngày hai buổi làm cuả riêng. Dĩ nhiên là chỉ nghĩ cho vui… Những cây đào của thành phố Santa Clara vẫn hàng năm nở hoa làm dịu đi góc cạnh cuả những hãng xưởng sừng sững chung quanh, cho tôi vui nhè nhẹ, và vẫn là cái gì rất chung mà cũng rất riêng trong lòng tôi.
Hoa điệp vàng rợp đường Nguyễn Bỉnh Khiêm Sài gòn, hoa phượng vỹ trên đường “áo trắng bay” cuả những người con xứ Huế, hoa gạo đỏ và hoa phượng la đà trên đường Cổ Ngư, rồi đến hoa sữa nồng nàn cuả các con phố Hà Nội gần đây… các loại hoa đều đẹp mãi vì hoa chẳng bao giờ tàn trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt, trong đó có tôi. Và, năm nay tôi ngộ thêm một điều mới: hoa đào hồng đường Great America cũng có một chỗ thân thương trong lòng tôi, gần bằng hoa điệp vàng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày cũ.

iPhone
Hôm nay lần đầu tiên tôi cảm phục sự tiện lợi của iPhone. Tôi đi mở một trương mục mới, ngân hàng tặng lại 200 đô la, nhưng họ không đưa tận tay mà gởi một coupon qua email. Nhờ người đi chung có iPhone, chúng tôi mở email lấy số coupon ra và đổi thành tiền ngay lập tức. Nếu không có iPhone, tôi sẽ phải đem coupon trở lại, mất thêm một chuyến đi và có khi cả mấy ngày sau mới có dịp.

Cho tới giờ tôi vẫn chỉ dùng cái điện thoại nhỏ xíu và đơn giản. Nhưng tôi cũng công nhận những cái phone mới quá tinh vi và đẹp. Nhất là iPhone, thanh và mỏng dính, vỏ bọc xanh biếc hoặc đỏ ruợu chát óng ánh, màn hình bóng loáng và nhẵn như mặt sapphire của chiếc đồng hồ đắt tiền. Hèn chi người ta mê iPhone, hèn chi mà một đám đông ở Bắc Kinh xuýt nổi loạn sau khi chờ cả đêm mà không mua được iPhone 4S mới ra lò năm 2012, hèn chi không ít người Mỹ diễn tả rằng iPhone trông rất …sexy!
Ở sở làm, tôi ngồi cả ngày trước máy computer, vì vậy tôi không cần có phone tốt. Nhưng đó chỉ là một lý do. Lý do chính là tôi hơi … bảo thủ. Tôi thấy những người chế tạo ra máy móc cũng chế ra cả những nhu cầu ràng buộc người ta vào máy móc đó. Đời sống hiện đại quá, con người chạy tất tả, không còn có thì giờ để “dừng lại ngửi một nụ hoa hồng”. Tôi không muốn thêm chính tôi vào quỹ đạo điều khiển của Steve Jobs – cha đẻ của iPhone, như lời ông ta nói với đội ngũ nhân viên hãng Apple “Đi sát với người tiêu thụ hơn bao giờ hết. Sát đến độ chúng ta bảo cho họ biết họ cần gì trước khi chính họ nhận ra” (Get closer than ever to your customers. So close, in fact, that you tell them what they need well before they realize it themselves).
Dĩ nhiên mỗi người một cảnh, đối với những người công việc làm buộc họ phải chạy vòng vòng thì những chiếc điện thoại đa năng như iPhone là phương tiện rất cần. Chỉ dám nói cho riêng mình, tôi thấy ngày tôi mua iPhone còn xa…
Có những người mà càng hiểu rõ về họ ta càng thấy họ dễ thương. Ngược lại, cũng có những người càng biết thêm thì càng bớt mến. Rất đáng tiếc, đối với tôi Steve Jobs là loại thứ hai. Trước đây dù từng biết rằng Steve Jobs là người làm ăn rất chặt chẽ, trả giá “sát ván” khi mua hàng của Intel và các hãng lớn khác, tôi vẫn chấp nhận đó là sự làm ăn “thuận mua vưà bán”. Tôi vẫn phục thiên tài điều khiển thị trường của ông, rất thích bài diễn văn ông ta nói về đời sống và cái chết ở đại học Standford, rất ngưỡng mộ và thương cảm khi ông ta từ chức chủ tịch hội đồng quản trị hãng Apple bằng một lá thư ngắn gọn và thẳng thắn khi cơn bệnh ung thư trở nặng.
Nhưng …
Năm 2011 Apple thâu lợi tức hơn 13 tỷ, một con số khổng lồ. Trong lúc đó, hai năm qua ở Trung Hoa có hai hãng thầu đồ phụ tùng của Apple bị lên báo. Hãng Winnex có gần 50 nhân viên bị mất sức lao động trầm trọng vì xài N-Hexane để lau mặt kính iPhone; đó một hoá chất có thể làm hại thần kinh đưa đến tê liệt chân tay.Hãng Foxconn có cả chục nhân viên tự tử vì điều kiện sống và làm việc quá khắc nghiệt đưa đến suy sụp tinh thần. Tất cả người chết đều chưa đến 25 tuổi. Dĩ nhiên trách nhiệm trực tiếp là ở nhà thầu, nhưng tôi tin là Steve Jobs đã chọn thái độ “sống chết mặc bay” đối với những nhân viên thấp cổ bé miệng. Steve Jobs nổi tiếng là thông minh và khôn ngoan như một con cáo, ít có chuyện gì qua mặt được ông ta. Ông ta chỉ không biết những chuyện lớn như vậy khi không muốn biết. Lợi tức 13 tỷ hãng Apple thu được một phần lớn là do uy quyền và tài ép giá các hãng thầu cuả Steve Jobs. Tôi tin rằng lý do chính của những điều ông làm không phải là muốn làm lợi cho những người đầu tư, cũng không phải ông thích tiền. Lý do chính là vì ông ta muốn chứng tỏ với chính bản thân quyền lực và khả năng điều khiển một guồng máy không ngừng tiến bộ, một guồng máy đem lại lợi tức chưa từng có trong lịch sử sản phẩm tiêu dùng.
Nếu chỉ bớt một vài xu trong tiền lời của mỗi chiếc iPhone hay iPad thì Apple có đủ chi phí để kiểm soát nhà thầu hàng ngày và tài trợ những luật lệ an toàn lao động họ đã hứa. Phải chi Steve Jobs bớt tự kiêu, bớt mê chiến thắng thì thế giới đã bớt được ít nhiều đau khổ.
Ai cũng có thể được thay thế trong khoảnh khắc
Tôi vưà đọc được một bài viết khá đặc biệt trong báo Reader’s Digest số tháng Hai, 2012. Bài viết cuả Walter Mosley, mang tựa đề “Những gì cần biết trên đời, tôi đã học ngày 22 tháng 11, 1963: Ai cũng có thể được thay thế trong khoảnh khắc”.
Năm 1963, khi ông Walter 11 tuổi, tổng thống Kennedy nhậm chức. Đó là điều quan trọng nhất đối với sự tiến bộ cuả người Mỹ gốc Phi châu. Ông Kennedy là vị tổng thống đầu tiên nhắc tới người da đen, trước đó họ hầu như không hiện hữu. Trong trí óc ngây thơ của cậu bé Walter, tổng thống Kennedy vô cùng quan trọng. Ông Kennedy là bạn, là một phần của mỗi gia đình người Mỹ, nhất là người da đen. Và, ngày 22 tháng 11, tổng thống Kennedy bị ám sát. Trong suốt mấy ngày, tất cả mọi đài Ti Vi chỉ nói đến cái chết của ông Kennedy và óc cậu bé Walter như bị ngập lụt với những tin tức kinh khủng đó. Nhưng cậu vẫn không rời được màn hình…
“… Tôi thấy một người thật cao đứng cạnh phu nhân của tổng thống Kennedy. Tôi quay qua hỏi Ba tôi ‘Ba, ông đó là ai vậy?‘ ‘Đó là Tổng thống’ Tôi cãi ‘Không, John F. Kennedy là tổng thống.’ Ba tôi trả lời ‘Phải rồi, và ngay sau khi ông Kennedy chết, ông đó đã trở thành Tổng thống.’ Tôi ngó Ba rồi nói ‘Lẹ vậy sao? ‘ Ba tôi búng tay ‘Như vậy đó.’
Và tôi chợt hiểu rõ sự cần thiết của người đàn ông quan trọng nhất trên thế giới. Ông ta có thể được thay thế trong khoảnh khắc“
Đó là bài học lớn nhất trong đời của ông Walter. Sau này, trong lúc đi làm cũng như khi chia sẻ với bạn bè, ông luôn nhớ rằng mọi chuyện sẽ tiếp diễn, dù mình ngưng lại.
“Có thể bạn muốn tham dự. Có thể bạn muốn giúp. Nhưng đừng bao giờ lầm tưởng rằng bạn quan trọng đến mức thế giới không thể thiếu bạn, bởi vì không có ai quan trọng đến như thế. Không bao giờ có.”
Tôi suy nghĩ khá nhiều về bài học cuả ông Walter. Tôi thấy ông ta nói đúng, nhưng, theo tôi, có một phần ông còn thiếu xót. Đó là đừng ngưng làm những điều lợi ích cho xã hội dù biết rằng mọi chuyện sẽ tiếp diễn nếu không có mình. Người ta cần nhớ sự ngắn ngủi cuả cuộc đời và sự nhỏ nhoi của mình trong guồng máy xã hội nhưng đừng để cho ý nghĩ đó làm tê liệt ước mơ, làm ngăn cản sự tham gia.
Một guồng máy sẽ không ngưng nếu thiếu một người nhưng đó chỉ vì có người những người khác kê vai vào cho máy tiếp tục chạy.
Khác với ông Walter, tôi chẳng bao giờ tôi thấy đã học đủ những gì cần biết trên đời. Chỉ có một điều tôi biết chắc là trên đời này mọi thứ đều là tương đối. Có người dùng phone đa năng, computer hiện đại như những phương tiện ăn chơi, khoe khoang, nhưng cũng không ít người dùng nó như người bạn trẻ tên Lê Hiếu viết trên một diễn đàn ở Việt Nam:
“…Hỡi đám công an ngu dốt, mặt mày vênh váo ngồi thành từng nhóm với điện đàm quấn trong những tờ báo. Có gì đâu mà sợ hãi, mà phải dấu diếm, chỉ cần nhìn cái khuôn mặt lấm la lấm lét như chó ăn vụng bột các ông đã tự giới thiệu mình là ai rồi. Không cần phải đem máy phá sóng đến để ngăn ngừa, chúng tôi dùng điện thoại liên lạc rủ nhau đi biểu tình, qua Internet chúng tôi đang gửi thông điệp cho cả nước, cho cả thế giới là tuổi trẻ Việt Nam đang đứng lên và chúng tôi sẽ là sóng thần quét sạch chế độ cộng sản Việt Nam. Chúng tôi hiên ngang làm việc đó ngay trước mũi các ông đấy, mở mắt ra, thông minh một chút cho vợ con đỡ tủi thân. Các ông dùng bộ đàm tầm sóng không quá vài cây số để liên lạc, xin chỉ thị, chúng tôi xử dụng iPhone, iPad gửi thông điệp đi toàn cầu qua vệ tinh...”
Vì vậy, tôi vẫn để ý giữ mức trung bình trong cách sống và xử dụng máy móc một cách khôn ngoan, chủ động. Tôi chẳng bao giờ quên rằng nếu không có các trang blog để mọi người nói lên suy nghĩ của mình, không có điện thoại di động để chụp hình và các blogger cùng nhau thông tin, tố cáo thì các chế độ độc tài còn mãi bưng bít, khống chế người dân. Khi tình người là nền tảng thì máy móc là những phương tiện tuyệt vời.
Và đây là những đoạn Blog đầu tiên của tôi.
Khôi An
(*) Mark Zuckerberg là người chính trong nhóm sáng lập ra mạng sinh hoạt Facebook năm 2004. Lúc đó Mark là một sinh viên 20 tuổi ở đại học Harvard, Hoa Kỳ.

Ý kiến bạn đọc
10/02/201220:13:38
Khách
đọc đến đoạn STEVE JOBS thấy tác giả giống đạo đức giả quá hà
16/02/201207:19:36
Khách
Chào anh Tân Dao và anh Thái NC

Đời sống ai cũng có lúc mơ mộng một tí cho đời thêm thi vị, nhưng những suy nghĩ của Khôi An về "chỉ bớt một vài xu trong tiền lời để kiểm soát hãng thầu và tài trợ cho những luật lệ an toàn lao động" thì hoàn toàn là thực tế. Đó không giống như cái "mơ mộng cho vui" khi ước đem 1 cành đào về nhà đâu, anh Thái NC.
Đây là những con số: chỉ trong năm 2011, Apple bán 58 triệu iphones. Nếu bớt ra 3 xu tiền lời của mỗi iPhone, sẽ có 1.8 millions để trả tiền cho supervisors kiểm saót nhà thầu và tài trợ cho nơi ăn, chỗ ở cũng như những quy luật an toàn lao động. Số tiền này không thể vô túi nhà thầu vì Apple có thể kiểm soát hoàn toàn.
Như KhA đã nói, ông Steve Jobs không có lỗi gì trên mặt buôn bán và luật pháp. KhA chỉ ước ông ta biết nghĩ tới người nghèo hơn một tí.
Cũng như không ai bắt ông bà Bill Gates phải đau lòng khi nhìn trẻ em Phi châu tê liệt.
Tất cả đều là từ tấm lòng...

Cám ơn các anh/bạn đã đọc và cùng góp ý
15/02/201203:42:14
Khách
Không đâu bạn Tan Dao ạ. Theo tôi thì tác giả chỉ mơ mộng chút xíu vậy thôi. Tôi cũng không đồng ý với tác giả là ông Steve Jobs có nhín mấy xu đi nữa thì cũng vô túi mấy ông chủ xưởng tư bản đỏ ở TQ mà thôi. Nhưng mà ai cũng có chút mơ mộng cho đời đẹp thêm một chút thì đâu có sao.
Bạn không thấy à, tác giả nói " Thỉnh thoảng tôi mơ đem một nhánh đào từ Great America về nhà, lấy một chút từ con đường đi về ngày hai buổi làm cuả riêng "
22/02/201222:53:48
Khách
Tôi từng làm khoa học, và từng lao vào buôn bán kinh doanh. Tôi đồng quan điểm với ông Khôi An. Tôi phục chứ không kính mến Steve Jobs, như những cảm tình đối với Bill Gates và Warren Buffet. Làm ăn, quản trị giỏi là điều đáng phục, nhưng mỗi một con người chỉ có thể sử dụng bao nhiêu vật chất đó thôi. Của cải vật chất làm ra, nếu biết dùng vào các mục đích làm cho người khác (khuôn khổ hep), hay nhân loại nói chung tốt đẹp hơn mới điều đáng quí.
Tất nhiên sẽ có người biện luận rằng làm ra iPhone, iPad là đã thay đổi và làm cuộc sống nhân loại tốt đẹp hơn. Nói như vậy cũng có lý ở cách nhìn nào đó mà thôi.
25/02/201219:46:12
Khách
Bài "Đầu Xuân Viết Blog" tuy chỉ đề cập một chút về Steve Jobs (SJ) nhưng cũng đủ cho thấy tâm hồn nhạy cảm dễ mến và khả năng suy nghĩ độc lập đáng phục của tác giả Khôi An. Tôi đã đọc khá nhiều bài viết đề cập tới SJ từ dạo ì xèo chuyện ông này chết. Phải nhìn nhận rằng hãng Apple có những món hàng bán chạy, và SJ là người có tài hiểu tâm lý khách hàng và khéo tạo hào quang cho sản phẩm của mình. Nhưng cũng chỉ có vậy thôi. Khổ nỗi tác giả và nhà xuất bản cuốn tiểu sử SJ đâu có muốn Jobs chết êm thấm như vậy; phải ì xèo mới bán được nhiều sách chứ. Và thế là guồng máy tuyên truyền tạo "hype" được chạy hết tốc lực. Nào là "thiên tài", "thay đổi thế giới", v.v. Thời buổi Internet, thông tin phát tán cực nhanh. Bao nhiêu người nghĩ theo, nói theo (nói hùa), và... ăn theo, từ bán món hàng có hình SJ hay viết blog ca tụng SJ. Trong những bài viết bằng tiếng Việt có đề cập ít nhiều tới SJ mà tôi đã đọc, "Đầu Xuân Viết Blog" là bài duy nhất có cách nhìn độc lập không bị ảnh hưởng của "hype" và vì vậy có giá trị nhất.
26/02/201223:38:54
Khách
Bài viết đăng hơn 4 tuần rồi mà còn được đọc và được ... khen làm Khôi An ...cảm động :-) .
Trong bài Khôi An có nói những bài viết trên VVNM là nơi Khôi An chia sẻ chút 'tâm huyết vụn'. Vì thế khi có người đọc, thông cảm hay góp ý, Khôi An đều rất vui và rất trân trọng.
Cám ơn các bạn đọc của VVNM.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,265,615
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sanh năm 1962, sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Sang Mỹ năm 2006, hiện cư ngụ tại Quận Cam Nam Cali. Đã làm nhiều nghề để sinh sống. Hiện nay là nhà báo tự do.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông được ghi lời đề tặng trang trọng:
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là hai bài mới của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vinh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles” ký bút hiệu Thăng Nguyễn. Tiếp theo, 2014, là bài “Đưa Cha Mẹ Già Qua Mỹ”. Thêm một bài mới, Sau bốn năm ngừng viết, Họp Mặt Cựu HS Tân Hiệp. Kiên Giang Tại Georgia.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài đăng hai kỳ.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện cập nhật mùa bão, xin phổ biến kịp thời.
Nhạc sĩ Cung Tiến