Hôm nay,  

Những Ngày Vui Với Các Bạn Người Mỹ

31/01/201200:00:00(Xem: 133913)

Những Ngày Vui Với Các Bạn Người Mỹ

Tác giả: Đoàn Thanh Liêm

Bài số 3471-12-28941vb3013112

Tác giả là một luật gia và nhà hoạt động văn hoá xã hội của miền Nam trước 1975. Ông sinh năm 1934, tại Nam Định. Tốt nghiệp Đại học Luật khoa Saigon 1958. Du học tu nghiệp tại Mỹ 1961-62. Nghề nghiệp tại Saigon: Chuyên viên nghiên cứu luật pháp tại Quốc hôi VNCH (1958-62), Quản lý Chương Trình Phát Triển Quận 6, 7, 8 Saigon (1965-71); Giám Đốc Văn Phòng Nghiên cứu và Liên lạc Hội Đông Tôn giáo Thế giới tại Saigon (1972-74). Gia nhập Luật sư Đòan Tòa Thượng Thẩm Saigon (1969-75); Tham gia Advisory Board nhiều tổ chức thiện nguyện quốc tế tại Việt nam. Tù nhân chính trị ở Việt nam (1990-96); Từ 2001 tới nay, là thành viên Viện Xây Dựng Hòa Bình Mùa Hè (SPI Summer Peacebuilding Institute) tại Đại học EMU.

***

Là người chuyên làm việc thiện nguyện xã hội từ nhiều năm ở Việt nam cũng như tại Mỹ, nên tôi có dịp quen biết thân thương với nhiều người bạn ngoại quốc, đặc biệt là với các bạn người Mỹ. Và từ năm 1996, khi gia đình tôi đến định cư tại miền Nam California, thì tôi thường lui tới viếng thăm các bạn Mỹ tại nơi gia đình họ cư ngụ, chia sẻ cuộc sống ấm cúng thân mật chung với các bạn trong ít ngày, có khi ở lại nhà họ đến cả tuần lễ. Tôi gọi đó là những cuộc thăm viếng tại nhà, gọi tắt là : “vãng gia’ (home visit).

Nay nhân dịp đầu Xuân Nhâm Thìn 2012, tôi xin lần lượt kể lại một số kỷ niệm vui vui trong những cuộc vãng gia này.

1– Gia đình Dick Hughes-ø Sherry Hall ở New York

Dick là một trong những người bạn Mỹ thân nhất của tôi, kể từ hồi năm 1968 - 69 ở Việt nam, khi chúng tôi cùng nhau hợp tác với nhiều người bạn khác, để tìm cách giúp đỡ cho các trẻ em Bụi Đời thường ngày sống lang thang tại các hè phố ở Saigon. Vào năm 1969, chúng tôi bắt đầu thành lập được một tổ chức lấy tên là “Shoeshine Boys Foundation” (SBF) chuyên vào việc trợ giúp nơi ăn, chốn ở và học nghề dành riêng cho các em này.

Năm 1990, khi anh Đỗ Ngọc Long và tôi bị công an ở Saigon bắt giam, thì Dick đã tìm mọi cách vận động nơi các Dân biểu, Nghị sĩ, giới nghệ sĩ, giới báo chí truyền thông ở Mỹ để kêu gọi chính quyền cộng sản Việt nam trả tự do cho chúng tôi. Vì cả hai chúng tôi đều là thành viên của Ban Quản trị của SBF trước năm 1975, và chúng tôi cũng chẳng hề có một hành động, hay tham dự vào một tổ chức nào nhằm lật đổ chính quyền Hanoi, nên sự vận động của Dick đã được nhiều người hưởng ứng, và kết quả là cả hai chúng tôi đã được trả tự do và qua định cư ở Mỹ.

Mùa hè năm 2000, tôi đến New York và được Dick dẫn về nhà anh ở tại khu phố nơi phía bắc đảo Manhattan. Dick ở riêng một căn apartment với đày đủ tiện nghi phòng ngủ, phòng khách, phòng vệ sinh và bếp núc. Còn người bạn đời của anh là Sherry Hall và con gái của hai người là Tara Hughes-Hall, thì lại ở một căn hộ khác cũng ở gần đó. Dick làm nghề đóng kịch ở khu phố nổi tiếng Broadway tại trung tâm thành phố. Còn Sherry, thì là cô giáo dậy học tại một trường sơ cấp cũng gần nơi hai người cư ngụ.

New York quá lớn, lúc nào cũng tấp nập với phố xá đông người qua lại, nhất là các du khách từ khắp thế giới đổ xô về đây, đặc biệt là trong mùa hè. Gần như năm nào, mỗi khi phải đi qua phía miền Đông nước Mỹ, thì tôi lại đến thăm gia đình Dick và Sherry ở New York. Hai anh chị dẫn tôi đi thăm viếng nhiều danh lam thắng cảnh của thành phố lịch sử này. Tôi đặc biệt nhớ đến những lúc Dick dẫn tôi đến thăm và cảm ơn một số ân nhân đã ký tên vào thư can thiệp chính quyền Hanoi trả tự do cho tôi, cụ thể như hai nhà báo kỳ cựu Gloria Emerson, David Unger của tờ New York Times, như luật sư Dinah Pokempner của tổ chức Human Rights Watch. Ai nấy đều mừng rỡ vì thấy tôi đã bình phục sức khỏe, và thích nghi được với lối sống trên đất Mỹ.

Có bữa Dick còn rủ tôi đi coi kịch ở Broadway nữa. Vào năm 2002, Dick dẫn tôi đến nghe Linh mục Berrigan đọc thơ tại một trường đại học ở trung tâm thành phố. Vào dịp này Dick còn giới thiệu tôi với vị linh mục nổi tiếng này, ông cũng là người đã ký thư chung vận động trả tự do cho tôi, do vậy mà ông nhớ rõ trường hợp bị giam giữ của tôi và ông chúc mừng tôi đã thóat được cảnh tù tội ở Việt nam.

Cũng vào mùa hè năm 2000, Dick còn chở tôi với Linh mục Lương Tấn Hoàng từ bên Pháp qua, để đến thăm thành phố Pittsburgh là nơi sinh trưởng của anh. Tại đây, tôi gặp lại Joe anh của Dick mà tôi đã quen biết vào hồi năm 1974 - 75, khi Joe qua thăm Saigon. Chúng tôi cũng gặp cả người em của Dick là David lúc đó ở nhà của cha mẹ để lại. Rồi Dick còn chở chúng tôi đến thăm cả trường Đại học Carnegie Mellon (CMU) là nơi Dick theo học về ngành kịch nghệ vào thời kỳ trước khi qua Việt nam. Thành phố Pittsburgh hồi xưa nổi tiếng với kỹ nghệ luyện thép, nhưng bây giờ lại chuyển hướng sang lọai kỹ nghệ điện tử cao cấp. Đặc biệt ở đây có rất nhiều cây cầu bác ngang qua 3 con sông giao nhau tại khu trung tâm thành phố. Dick còn dẫn chúng tôi đến nghỉ mát tại căn nhà khác của đại gia đình nằm sát bờ hồ Erie thuộc tiểu bang Ohio. Hồ này giáp giới với Canada, rộng mênh mông, xa tít mù tắp với nhiều con tàu đi lại và có sóng lớn như ngòai biển cả, mà đặc biệt nước lại ngọt nữa. Tôi đã nhào xuống tắm lội ở đây, và cảm thấy thật là dễ chịu lạ lùng nhớ lại những câu chuyện mình đã được đọc từ lâu về miền Ngũ Đại Hồ này nằm giữa hai nước Mỹ và Canada. 

Tính ra, từ năm 2000 đến 2010, tôi đã đến thăm gia đình Dick và Sherry cả chục lần. Chúng tôi thân thiết hồn nhiên chia sẻ tâm sự với nhau thật là tương đắc. Kể cả lũ con của tôi, thì chúng cũng rất quý mến chú Dick. Cụ thể như cháu Trực hồi còn học tại trường Pharmacy ở Boston, thì cháu cũng hay về nhà chú Dick, cháu lại còn mày mò nấu cả món ăn Việt nam cho cô chú thưởng thức nữa. Chúng tôi vẫn thông tin liên lạc thường xuyên với nhau qua e-mail hoặc qua điện thoại. Các con tôi thường nói là cái tình bạn thân thương gắn bó giữa Dick và tôi kéo dài đã trên 40 năm, thì đó quả là một điều thật quý báu hiếm có vậy đó.

2 – Gia đình Pat-Earl Martin tại Harrisonburg, Virginia.

Anh chị Pat và Earl Martin là những tín đồ thuần thành của Giáo hội Mennonite ở Mỹ. Anh chị qua Việt nam là công tác thiện nguyện viên cho tổ chức từ thiện Mennonite Central Committee (MCC) phục vụ tại Quảng Ngãi từ năm 1967. Chị có tên Việt nam là cô Mai, còn anh thì gọi là chú Kiến. Anh chị làm lễ cưới ở Việt nam và sinh cháu gái đầu lòng Laura cũng ở Saigon.

Năm 2000, tôi đến thăm anh chị tại thành phố Harrisonburg về phía tây nam tiểu bang Virginia, sát biên giới với tiểu bang West Virginia. Pat lúc đó làm giám đốc Viện Xây dựng Hòa bình Mùa Hè (Summer Peacebuilding Institute = SPI) thuộc Đại học Eastern Mennonite University (EMU). Còn Earl thì làm về ngành mộc (carpentry). Anh chị có căn nhà khá rộng, tọa lạc trong khuôn viên của EMU.

Từ năm 2001, tôi thường đến tham dự các buổi gặp gỡ và hội thảo quốc tế do SPI tổ chức trong 2 tháng Năm và Sáu mỗi năm. Và lần nào tôi cũng đến ở nhà anh chị, mỗi lần một vài tuần lễ. Anh chị dành cho tôi một phòng riêng, thóang mát tiện nghi. Mỗi buổi sáng, chúng tôi ăn điểm tâm, uống cà phê với nhau, và buổi chiều thì lại về ăn cơm nhà; còn ban trưa thì ăn cơm tại trường EMU. Ít ra tôi cũng đến ở nhà anh chị Martin đến cả chục lần tại cái thành phố nho nhỏ xinh đẹp và rất là trí tuệ này. Vì Harrisonburg chỉ có chừng 45,000 dân, thì có đến trên 20,000 là sinh viên theo học tại hai trường đại học EMU và James Madison University (JMU). Vào mấy tháng hè mỗi năm thì có đến hàng vài trăm tham dự viên đến từ 50 – 70 quốc gia trên thế giới đổ xô về EMU để tham gia sinh hoạt trong các khóa hội thảo do SPI tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về các đề tài liên hệ đến sự chuyển hóa tranh chấp (conflict transformation), hàn gắn chấn thương (trauma healing), trung gian hòa giải (mediation) v.v…

Các bữa ăn tại nhà anh chị cũng rất thanh đạm, dùng nhiều rau, củ, sữa hơn là cá thịt. Chỉ uống nước lạnh, không bao giờ dùng nước ngọt, nói gì đến rượu hay bia. Trước mỗi bữa ăn, thường mọi người im lặng nghiêm chỉnh nắm tay nhau cầu kinh do một trong những thực khách ứng khẩu xướng xuất một cách rất tự nhiên, ngắn gọn, thân tình mà không phải theo một thể thức gò bó nào. Buổi chiều, thường có một vài sinh viên được mời đến cùng ăn chung với gia đình nữa. Trong nhà, luôn có các sinh viên ngọai quốc cư ngụ để theo đuổi các lớp trên bậc cao học tại EMU, nên bàu không khí sinh họat có tính cách quốc tế, thật là cởi mở phóng khóang. Chỉ thấy mở radio, chứ không thấy coi Tivi. Báo chí thì hằng ngày có tờ nhật báo địa phương; vào chủ nhật, thì mới có tờ Washington Post. Cửa nhà ba phía, thì quanh năm suốt tháng đều bỏ ngỏ, không hề có khóa bao giờ cả. Đúng là áp dụng cái lối cha ông ta ngày xưa thường hay nói : “Thời thái bình, cửa thường để ngỏ” là vậy đó.

Pat Martin có người em trai tên là Doug Hostetter hiện làm Giám đốc văn phòng của MCC liên lạc với Liên Hiệp Quốc ở New York (MCC UN Liaison Office). Doug cũng là bạn thân của tôi mà mỗi khi đến New York, thì tôi đều đến thăm anh tại văn phòng trong khuôn viên của trụ sở LHQ. Anh rất tháo vát năng nổ, hồi xưa đã từng làm công tác thiện nguyện nhân đạo tại thị xã Tam Kỳ Quảng Nam nữa.

3 – Gia đình Jackie Chagnon-Roger Rumpf ở Warrensburg, Missouri

Jackie Chagnon là một thành viên họat động của Đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế IVS (International Voluntary Services) vào thời gian 1968 – 70. Từ trên 30 năm nay, Jackie làm cho tổ chức Quaker trong lãnh vực Phát triển và Xây dựng Hòa bình ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Lào, Indonesia và Philippines. 

Vào mùa hè các năm 2000 và 2008, tôi đã có dịp đến thăm vợ chồng Jackie và Roger tại nông trại của họ trong thành phố Warrensburg gần với Kansas City thuộc tiểu bang Missouri. Nông trại nằm sát bên khu bình nguyên Ozark, rộng đến trên 20 acres, phần lớn đất được dùng để trồng cỏ cho ngựa ăn. Nhưng căn nhà anh chị xây cất thì khá hiện đại với phòng ốc thóang mát, mà đày đủ tiện nghi về điện nước. Đặc biệt phía sau nhà có một dàn patio bằng sàn gỗ khá rộng, có thể chứa đến 40 -50 thực khách. Giữa nhà có mái bằng kính để lấy ánh sáng mặt trời cũng như để sưởi vào mùa đông.

Hai anh chị có một cháu gái tên là Miranda, hiện vừa tốt nghiệp đại học năm 2011 này. Có lần Jackie tâm sự với tôi là: “Anh có thể tưởng tượng được không, bây giờ tôi đã là một thứ “địa chủ” rồi đấy. Vì tôi là sở hữu của 3 căn nhà: nhà này ở Missouri, căn nhà khác ở Connecticut do cha mẹ tôi để lại; còn một căn nhà khác ở ngọai ô Vientiane bên dòng sông Mekong nước Lào nữa!”

Năm 2000, anh chị còn chở tôi đến thăm ông cụ thân sinh của Roger tại nursing home dành cho các cụ già. Rồi lại còn chở tới căn nhà thăm bà cụ thân mẫu của Roger cũng ở gần khu vực thành phố Sedalia nữa. Nhưng năm 2008, lúc tôi đến thăm, thì chỉ còn bà cụ nay lại ở nursing home vì cũng đã già yếu lắm rồi; còn cụ ông thì đã qua đời mấy năm trước nữa. Roger bị đau nặng mấy năm trước, nên đã phải thôi không thể tiếp tục làm Giám đốc Chương trình phân phối lương thực của Liên Hiệp Quốc tại Bắc Triều tiên được nữa. Vì thế mà Jackie cũng hay phải bỏ dở công việc ở Đông Nam Á để về săn sóc cho Roger tại Missouri.

Cả hai anh chị đều giữ được mối liên hệ tốt đẹp với các giới chức trong ngành giáo dục và văn hóa của nước Lào. Có nhiều viên chức lại còn gửi con ở nhà anh chị để cùng đi học với cháu Miranda nữa. Anh chị còn cộng tác trong việc dịch thuật và phổ biến một số tác phẩm văn học bằng tiếng Lào sang tiếng Anh nữa. Có lần Jackie tâm sự với tôi là : “ Vào năm 1990, lúc anh bị công an bắt cùng với Mike Morrow, thì tôi đang công tác ở Hanoi. Tôi được mấy người bạn ở đó cho biết là công an đang tính kiếm tôi để hỏi han sao đó. Tức thì tôi liền kiếm máy bay ra khỏi Hanoi ngay thôi.” Cả hai anh chị Jackie và Roger đều có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở Á châu với các tổ chức quốc tế, nên họ có cái nhìn khá cởi mở, thông thóang với tinh thần nhân bản cao độ. Chúng tôi chuyện trò trao đổi tâm sự với nhau thật là tương đắc. Tình bạn thân thiết giữa chúng tôi đã kéo dài trên 40 năm rồi, tôi thật có duyên may mắn mà có được sự gắn bó thân thương với những bạn hữu người Mỹ thật đáng quý như Dick Hughes & Sherry Hall, Pat & Earl Martin, Jackie Chagnon & Roger Rumpf, cũng như với rất nhiều bạn bè quốc tế khác nữa vậy.

4 – Gia đình Sophie Quinn-Judge ở Media, Pennsylvania.

Sophie Quinn-Judge cùng với chồng là Paul làm việc thiện nguyện cho tổ chức Quaker ở Việt nam trước năm 1975. Sau đó, Sophie tham gia viết báo cho tạp chí Eastern Economic Review xuất bản ở Hongkong và rồi cho tờ nhật báo Christian Science Monitor xuất bản ở Boston. Chị đã từng làm phóng viên thường trú tại Moscow từ năm 1987 đến 1993 cho tờ nhật báo này. Sophie thông thạo tiếng Pháp, Nga và dĩ nhiên cả tiếng Việt nữa. Sau này, chị đi dậy học và hiện đang giảng dậy về môn Lịch sử Á châu tại đại học Temple ở thành phố Philadelphia. Cuốn sách chị cho xuất bản năm 2002 có nhan đề “ Ho Chi Minh : the missing years”- viết về những năm 1930 mà Hồ chí Minh không để lại những dấu tích rõ rệt - được nhiều thức giả đánh giá cao.

Năm 2006, cùng với một người bạn khác, chị còn cho xuất bản cuốn “The Third Indochina War” - gồm nhiều bài viết của các tác giả nổi tiêng trình bày về cuộc chiến tranh giữa Trung hoa và Việt nam hồi cuối thập niên 1970. Cuốn sách này cũng gây được sự chú ý trong giới nghiên cứu sử học (Tôi sẽ giới thiệu riêng về cuốn sách thứ hai này trong một bài khác, nhân dịp trình bày về việc xâm lấn của Trung hoa cộng sản đối với Việt nam trong những năm gần đây).

Từ năm 2007 tôi hay đến thăm Sophie để trao đổi với chị về sự chuyển biến chính trị tại các quốc gia cựu cộng sản được tách biệt ra khỏi Liên bang Xô viết từ đầu thập niên 1990. Sophie dẫn tôi về nhà chị ở thành phố Media ở vùng ngọai ô của Philadelphia. Chị ở chung nhà với chị Lê Anh Tú là chuyên gia về ngành tiên đóan kinh tế (economic forecast) đã lâu năm ở Mỹ.

Căn nhà tọa lạc trong một khu phố rất yên tịnh, có hai lầu với nhiều phòng trống vì các cháu đều đi học ở xa. Đặc biệt là có rất nhiều sách báo và tài liệu tham khảo đủ mọi thứ tiếng Anh, Pháp, Việt và Nga được xếp đày ắp trên các kệ sách ở dưới tầng hầm basement. Chúng tôi ăn sáng và chiều tại nhà, vì ban trưa thì lại đi ăn ở Đại học Temple. Nhiều lần Sophie còn chở tôi đi mua sắm thực phẩm tại siêu thị gần nhà. Chị nấu ăn rất khéo và gọn gàng. Trong bữa ăn, thường có cả rượu vang uống nữa. Tôi mới lên tiếng hỏi sao mà chị cho tôi ăn ngon thế này, Sophie cười, nói : “ Đúng vậy, anh biết đấy tụi chúng tôi vẫn sống thỏai mái theo lối như thế này mà…” (Yes, you know that we live well this way)

Nhiều lần Sophie dẫn tôi đến nói chuyện với sinh viên và gặp gỡ trao đổi với mấy giáo sư tại Đại học Temple. Vị Khoa trưởng về bộ môn Triết học - là thủ trưởng của Sophie tên là Phil Alperson - có lần mời Sophie và tôi đến nhà riêng tại khu trung tâm Philadelphia để ăn bữa cơm gia đình. Đến nơi, thì tôi mới được biết phu nhân của ông tên là Mary cũng lại là một vị Khoa trưởng về bộ môn Chính trị tại Đại học Rutgers ở tiểu bang New Jersey cũng chỉ cách xa Philadelphia có chừng 50 miles thôi. Xem ra Mary có vẻ bén nhậy về chuyện chính trị hơn ông chồng, vì khi nghe tôi nói lý do tại sao mà tôi bị mắc vào chuyện tù đày ở Việt nam, thì Mary hiểu ngay cái phản ứng của người cộng sản đối với một luật gia có ý kiến bất đồng như tôi. Mary nói riêng với tôi: ”Người luật sư mà có sự dũng cảm như anh, thì quả là điều đáng quý lắm vậy đó. Tôi thật lòng khâm phục…”

Lần khác, Sophie dẫn tôi đến thăm Đại học Swarthmore cũng ở gần nhà, chị dẫn ngay vào thư viện và giới thiệu tôi với chị Wendy là người phụ trách về “Peace Collection” tại một khu riêng biệt trong thư viện. Tại đây, tôi được thấy cả một kho tài liệu thật đồ sộ với những thủ bút, những manuscript của các nhà tư tưởng và họat động tranh đấu cho Hòa bình ở Mỹ từ cả hàng 100 năm về trước, điển hình như di cảo của bà Jane Addams là một phụ nữ họat động xã hội nổi tiếng với trung tâm xã hội Hull House ở Chicago từ hồi đầu thế kỷ XX và cũng là người phụ nữ Mỹ đầu tiên đọat giải Nobel Hòa bình năm 1931. Tôi đã trở lại tham khảo ở Peace Collection này nhiều lần nữa sau chuyến viếng thăm đầu tiên này vào năm 2007.

Sophie còn dẫn tôi đi thăm nhiều di tích lịch sử tại Philadelphia vốn được mệnh danh là “cái Nôi của Cách mạng dành Độc lập của Hoa kỳ” đã trên 230 năm trước. Đặc biệt là căn nhà được gọi là “Quaker House” của những người yêu chuộng Hòa bình từng bị săn đuổi khỏi lục địa Âu châu 2 - 300 năm trước. Nói chung, thì Sophie là một mẫu người hiền hậu, điềm tĩnh và đày lòng nhân ái. Dù là một nhà trí thức say mê với chuyện nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử ở Á châu, nhưng Sophie luôn theo đuổi lối sống thanh đạm, khiêm tốn và rất thận trọng mỗi khi phải công bố những suy nghĩ và phát kiến của bản thân mình. Tôi thật nhớ có lần Sophie nói với tôi nguyên văn như sau : “ I am a Buddhist Quaker “ (Tôi là một người Quaker có tinh thần Phật tử).

*

Trong mấy chục chuyến đi vòng quanh nước Mỹ từ trên 10 năm gần đây, tôi đã đến viếng thăm và sinh sống với rất nhiều gia đình các bạn người Mỹ khác nữa, ngòai 4 gia đình mà tôi đã ghi ra trên đây. Vì bài viết đã khá dài rồi, tôi chỉ xin ghi thật ngắn gọn về những dịp tôi đến sinh họat với các gia đình MaryLou & Matt Matteson và Sandy & Jim Foster tại thành phố Knoxville thuộc tiểu bang Tennessee, trong khuôn khổ những cuộc Họp mặt Quốc tế được sắp xếp hàng năm bởi tổ chức PIET (Peacebuilding Institute of East Tennessee = Viện Xây dựng Hòa bình của Miền Đông Tennessee). Những khách được mời tham dự đều là những người có thành tích họat động tại nhiều quốc gia, họ được các tín đồ của nhiều nhà thờ ở Tennessee bảo trợ tiếp đón, để đến sinh họat tại địa phương này. Riêng bản thân mình, thì từ năm 2001 đến năm 2010, cứ mỗi lần tôi đến Knoxville, tôi đều được các gia đình tại đây thay nhau đưa về sinh sống tại nhà của họ, vì thế mà tôi càng thêm gắn bó thân thương với các bạn người Mỹ này, trong ý hướng cùng nhau góp phần vào công cuộc xây dựng hòa bình, chuyển hóa tranh chấp và hòa giải giữa các phe đối kháng tại các địa phương.

Tôi sẽ có dịp trình bày chi tiết cặn kẽ hơn về các chuyện gặp gỡ sinh họat trao đổi giữa các khách mời quốc tế với các thành viên ở địa phương của tổ chức PIET này trong một bài báo khác nữa vậy./

Đoàn Thanh Liêm

Ý kiến bạn đọc
01/02/201223:14:30
Khách
Great article. It's so refreshing to read about close friendship between people of different races.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,679,638
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến