Hôm nay,  

Dọn Nhà

28/12/201100:00:00(Xem: 156011)

Dọn Nhà

Tác giả: Tê Hát I Cờ Rét

Bài số 3440-12-28900vb4122811

Với hàng ngàn người viết tham dự, mười hai năm Viết Về Nước Mỹ đã đưa đến nhiều tình thân giữa các tác giả. “Thy Tê Hát I Cờ Rét” là cách cụ bà Trùng Quang, tác giả niên trưởng, gọi ông xã của Nguyễn Trần Phương Dung. Sau “Florida Có Gì Lạ Không Em?”, đây là bài viết thứ hai của chàng.

***

Tôi không rành về khoa tử vi, nói cho đúng hơn là mù tịt. Nhưng hình như số tôi nếu không bị “Thiên Di” chiếu thì cũng bị cái sao quả tạ này của bà xã nó đè. Không kể những lần dọn nhà khi còn ở với bố mẹ anh em, từ hồi “anh đưa nàng dzìa dinh” tới bây giờ tính ra mới có gần 16 năm thôi mà cái thằng tôi bị dọn nhà cả chục lần. Thực sự ở xứ Mỹ này dọn nhà tới lui là chuyện thường tình và nếu tính đổ đồng cứ hai năm thay đổi chỗ ở một lần thì cũng chẳng có gì đáng gọi là nhiều lắm. Nhưng đối với một thằng ham vui và sợ việc như tôi thì mỗi lần dọn nhà là cả một cực hình vì nó ảnh hưởng tới tâm trí và tiêu hao thể xác không ít.

Trước khi tố khổ về chuyện dọn nhà với bà xã, xin được kể về lần dọn nhà nhớ đời ngày còn mặc quần thủng đít ở Việt Nam.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng Xóm Mới, Gò Vấp, nơi toàn là dân Bắc Kỳ di cư 54 chính hiệu con nai vàng. Bao nhiêu họ hàng hang hốc của tôi đều ở đây cả. Thế mà một ngày nọ năm 1972 bỗng nhiên cả nhà xúm nhau lại khuân vác đồ đạc trong nhà chất lên xe vận tải lớn trực chỉ về miền Tây về Mỹ Tho, nơi toàn là dân Nam Kỳ rặt. Thằng bé tám tuổi là tôi lúc đó ngỡ ngàng hết sức vì đang từ nhà gạch rộng rãi ngon lành tự dưng vào ở nhà tranh vách đất. Ba tôi lúc này không hiểu làm ăn gì ở Sài Gòn mà thỉnh thoảng mới về nhà một hai bữa cuối tuần rồi lại đi? Hôm nào rảnh rỗi chắc phải điều tra xem anh em tôi có thêm…đứa em nào không. Cứ suy bụng ta mà ra, thời nào mấy ông đi làm xa nhà mà chả có phòng nhì, huống chi Ba tôi tướng tá cao ráo phong độ, lại còn ăn nói ngon lành nữa mà không…mèo mỡ mới lạ. Ông bà ta thường nói “Con hơn cha, nhà có phúc”, sau này lớn lên nghiệm lại tôi mới thấy mình…vô phúc. Trong tám anh em trai, tôi thuộc loại trung bình chứ không được ngon lành như những người khác hoặc bằng ông già của mình, bởi vậy tuy cũng có lắm cô theo đấy nhưng toàn là…cô hồn không à. Sau này tôi ẵm về được một cô và không dám bày đặt đua đòi theo chúng bạn đèo bồng thêm cô này cô nọ vì sợ có ngày nàng cho dọn ra…nhà quàn thì khổ.

Dọn về Mỹ Tho bữa trước bữa sau thì Mẹ tôi sai đi mua đồ ở một tiệm tạp hóa bên kia đường. Bước vào tiệm, thằng bé dõng dạc bảo ông chủ bán cho nửa kí lạc chưa rang. Ông chủ tiệm bỗng thộn mặt ra không hiểu thằng nhỏ muốn mua cái giống gì. Tôi lập đi lập lại hai ba lần và cố phát âm từng chữ thật rõ ràng mà ông thần Nam Kỳ vẫn lắc đầu không hiểu, tức qúa tôi phải chỉ ngay cái thúng đựng đầy hột lạc mà nói là cái này này. Thế là ông chủ tiệm được dịp lăn ra cười, “Mèng đéc ơi, nảy giờ sao hổng kêu cha nó là đậu phọng mà cứ nói là “lạc, lạc” ai mà hiểu cho đặng.” Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, thằng bé con của gia đình Bắc Kỳ di cư mới chỉ mới băng qua đường thôi là đã được tặng một bài học vỡ lòng của người miền Nam rồi. 

Sau đó chừng hai ngày là anh em tụi tôi được nếm mùi kỳ thị đầu tiên do đám con nít hàng xóm khoảng hơn chục đứa nghêu ngao chọc phá: “Bắc Kỳ ăn cá rô cây, ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc Kỳ.” Có vài đứa nhái giọng Bắc như hạch để chọc tụi tôi, thế có trêu ngươi không chứ. Đã vậy, có đứa bố láo hơn còn dám cả gan thách thức đánh lộn với anh em chúng tôi nữa chứ. Thằng nhóc “láu cᔠnày chưa biết là đang đụng vào ổ kiến lửa vì nhà tôi lúc này mới chỉ có sơ sơ…bảy thằng đực rựa. Ông anh kế tôi mặt mũi cô hồn bặm trợn từ nhỏ có tiếng là lì và liều ngay lập tức đục cho thằng con một trận ra gì, tiện tay ổng zớt luôn hai thằng bạn khác của nó sặc máu mũi. Cái màn đánh đấm sao giống trong phim “Máu nhuộm bãi Thượng Hải” làm thằng nhóc tôi phục ông anh mình quá trời. Tưởng thế là yên, ai ngờ cứ một hai bữa thì bọn nhóc trong xóm lại hùa nhau tới trêu ghẹo và lải nhải cái điệp khúc “Bắc Kỳ ăn cá rô cây…” Anh em tôi bèn nhạo lại: “Bắc Kỳ ăn cá bỏ xương, Nam Kỳ nhặt được kho tương ăn dần.” Thế là tự ái hai miền nổi lên và lại đánh nhau tưng bừng. Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn thì cái màn kỳ thị cũng bớt đi, vì bọn nhóc thấy có vẻ…không ổn với mấy anh em chúng tôi, để rồi sau đó lại chơi với nhau mới lạ.

Ở trường học anh em tôi cũng khổ sở không ít vì cứ bị viết sai chính tả khi nghe cô giáo người Nam đọc bài. Bài vở của tôi trước đây ít khi nào bị sai lỗi chính tả thế mà bấy giờ bị sai tới hơn 50% vì nghe chữ nọ ra chữ kia. Chẳng hạn như câu: “Chiều nay nhớ về quê nhà mà thấy lòng buồn man mác,” giọng miền Nam của cô giáo phát âm là: “Chìu nai nhớ dìa guê nhà mà thấy lòng buồng mang mác.” Nghe sao viết vậy người ơi, phát âm kiểu đó thì bố ai mà viết đúng cho được. Trong hoàn cảnh đó mà nghe ca sĩ Thái Thanh hát bài: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…” thì chắc là vô duyên tệ, vì rõ ràng là tôi đang vật lộn với tiếng mẹ đẻ của mình. Ôi, ngôn ngữ bất đồng ngay trong tiếng Việt của mình, và Bắc Nam chẳng một nhà tí nào cả. Lúc đó thằng Bắc Kỳ con cứ thắc mắc sao tiếng Việt lại rắc rối đến như vậy. 

Tâm lý anh em chúng tôi cũng bị xáo trộn không ít vì lạ nước lạ cái. Trước kia có nước giếng trong lành ngay trong sân nhà mình, giờ đây mỗi ngày mẹ tôi phải cực khổ đi gánh nước bơm ở sông lên đem về lắng phèn một hồi mới xài được. Và chính vì không hợp phong thổ cho nên anh em tôi lúc đó bị ghẻ ngứa nó hành cho thê thảm, lúc nào mình mẩy cũng cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Tôi tức lắm nhưng đành chịu trận.

Lúc này tình hình chiến tranh đang căng thẳng mà thiên hạ gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”. Hàng ngày nghe bom đạn hai bên bắn nhau ầm ầm và nhà cửa rung lên theo từng tiếng nổ. Có nhiều lúc nhìn thấy xa xa từng chiếc chiến đấu cơ F-5 thay phiên nhau lao xuống thả bom rồi lại bay lên kèm theo những tiếng nổ long trời lở đất. Lũ con nít chúng tôi chứng kiến xe tăng của lính mình qua lại trên con lộ trước nhà như cơm bữa một cách vô tư và thường hay lấy mấy ống lon sữa bò đặt trên đường nhựa, canh làm sao để khi xe tăng đi qua bánh xe giây xích cán lên cho dẹp lép và thế là reo hò khoái chí với nhau. Bây giờ nghĩ lại thấy hồi đó dại dột vì nhỡ họ tưởng mình đặt bom rồi bắn cho thì bỏ mẹ. Đúng là tuổi thơ vô tư.

Vì để tránh bom đạn cho nên chưa đầy một năm sau gia đình tôi quyết định dọn về thành phố sống gần ngã tư Bảy Hiền và chợ Tân Bình. Thế là mấy anh em lại được dịp hội nhập với đời sống thành thị và ngôn ngữ người Sài-Gòn. Sau này lớn lên nghĩ về thời gian ở miền Tây mới thấy thương cha mẹ và mỉm cười nhớ lại những câu của bà hàng xóm nạt con: “Tao oánh thấy tía mày bây giờ” hoặc, “bắt con cá gô bỏ trong gổ nó kêu gột gột.” Cũng may ngôn ngữ miền Nam tuy hơi lạ nhưng dù gì cũng còn nghe lọt tai, chứ nếu dọn ra miền Trung hoặc ra Huế thì chỉ có…điếc.

Tạm ổn ở thành phố chưa bao lâu thì đổi đời và khốn khổ với chế độ mới. Gia đình tôi lần lượt ly tán như hàng trăm ngàn gia đình khác. Không biết ông trời dun dủi thế nào mà tôi và ông anh kế được mẹ sắp xếp cho đi vượt biên năm 1981 ở ngay Mỹ Tho và ghe của chúng tôi đã vượt thoát an toàn nơi cửa Bình Đại.

oOo

Sau khi ký tờ giao ước chung thân và được cha mẹ cho ra riêng. Hai đứa tôi từ hai nhà ở San Jose dọn đến share phòng nhà ông anh thứ hai ở Milpitas. Chưa kịp sắp xếp đồ đạc đâu vào đấy, nàng đã thỏ thẻ đòi dọn lên Fremont ở cho tiện đón xe Bart đi làm trên San Francisco và quan trọng hơn là ở gần cặp vợ chồng bạn, để hai bà chiều chiều sau giờ làm việc có thể đi tập thể dục ở…shopping mall trong khi chờ hai ông chồng đi làm ca tối về. Thế là phải dọn từ nhà ông anh qua khu apartment. Hơn một năm sau, đứa con đầu lòng sắp chào đời thì hai vợ chồng lại khăn gói dọn về khu condo ở San Jose để gần ông bà. Sau đó là dọn tới nhà nhỏ, rồi nhà vừa vừa, và nhà lớn…theo dân số ngày một gia tăng của các thằng cu, cái hĩm. Cứ thế chúng tôi dọn hết chỗ này qua chỗ nọ, từ thành phố này qua thành phố khác. Cách đây mấy năm thì liều mạng dọn từ miền Tây qua miền Đông cho biết đó biết đây, để rồi sắp tới đây lại từ Đông dọn về Tây. Cứ y như là con thoi vậy. 

Kinh nghiệm cho thấy, nếu dọn nhà gần chỗ ở cũ trong một thành phố hoặc thành phố bên cạnh thì không đến nỗi, chứ nếu phải dọn đi xa hoặc ra khỏi tiểu bang thì trần ai hơn. Ngoài vấn đề thay đổi chỗ ở và công ăn việc làm, hai vợ chồng phải chuẩn bị tâm lý không những cho mình mà cho con cái nữa. Lúc lũ nhóc còn nhỏ thì chưa sao, chứ mà chúng hơi lớn một chút là phải khổ tâm giải thích và năn nỉ vì chúng đâu muốn xa rời đám bạn đang chơi thân với nhau.

Mỗi lần sắp sửa dọn nhà là tóc trên đầu lại bạc đi một ít vì bao nhiêu thứ phải lo. Này nhé, trước tiên phải lo trả hoặc bán nhà đang ở và sau đó là kiếm chỗ ở mới sao cho vừa với đồng lương của hai vợ chồng. Cho dù là mua hay mướn thì cũng phải tìm nơi nào khá khá một chút với trường học tốt cho các con. Sau đó là tới màn đóng thùng và gom góp đồ đạc từ trong nhà ra garage, từ sân trước tới sân sau. Lúc này thì tía má ơi, đồ đạc ở đâu ra mà nhiều đến thế? Hồi hai trẻ từ giã cha mẹ tình nguyện nạp mạng cho nhau thì chỉ có vài bộ quần áo là cùng. Sau đó thì mới bày đặt mua sắm này nọ chút chút. Tới khi có con cái và nhà cửa thì đẻ ra lắm thứ nhu cầu và rồi hì hục khuân hết thứ này thứ kia về. Đến khi phải dọn nhà mới thấy toàn đồ “junk” cần gạn lọc để chia loại mang theo, loại đem cho, loại vứt vào thùng rác hoặc rì-sai-cồ. 

Đến cái ngày dọn nhà, nếu có tiền mướn mu-vờ chuyên nghiệp để mình đứng chỉ tay năm ngón thì chẳng nói làm gì, đằng này vì không phải dân triệu phú nên đành đi mướn xe truck tự làm. Ở Cali còn có thể chạy ra Home Depot hoặc Orchard Supply mướn vài anh à-mi-gồ lực lưỡng về phụ, chứ ở bên khỉ hò cò gáy như Florida đành hô hào người quen hoặc năn nỉ bạn bè trong sở bớt chút thì giờ qúi báu cuối tuần tới phụ cho một tay khuân vác và chia sẻ những gánh nặng trời ơi đất hỡi. Nói tới màn khiêng đồ sao mà nó gian truân và trần ai, vì không những mình phải vận dụng bao nhiêu thần công lực và tất cả các bắp thịt trời cho, mà còn phải biết động não nữa để luồn lách qua những cửa hẹp hoặc khi lên xuống cầu thang sao cho không bị hư hao đồ đạc hoặc nguy hiểm đến mình. Nhưng mà giời ạ, dọn không đàng hoàng trước tiên hai cái lỗ tai sẽ bị tra tấn thậm tệ bằng những lời lẽ du dương đầy tính cách sỉ vả của bà nội tướng. Sau vài lần mà không thấy có ép phê gì thì chắc chắn sẽ có thằng cà chớn nào đó nó tình nguyện tới làm giùm, và dĩ nhiên cái “Nhà Tôi” nó cũng zớt luôn cho tiện việc sổ sách. Phải công nhận cái danh từ “nhà tôi” trong tiếng Việt mình sao mà nó ý nghiã và thâm thúy qúa xá. Khi giới thiệu với ai chỗ ở của mình thì nói đây là nhà tôi, mà chồng hay vợ của mình cũng gọi là nhà tôi. Và cũng vì cái “nhà tôi” này mà bao đấng mày râu phải điêu đứng. Cho nên nếu có phải dọn nhà thì hãy nhớ câu này: nhà tôi thì dọn, xin đừng dọn “Nhà Tôi”.

Về phía nhà mới thì trước khi dọn vào còn phải lo dọn dẹp sơn sửa để cho vừa ý mình thì ít, mà vui lòng cái xương sườn cụt của mình thì nhiều. Ôi thôi, nội cái màn chọn màu cho các phòng là đủ nhức đầu và nổi quạu rồi. Nào là phòng ngủ thì sơn màu gì, rồi nhà bếp và phòng khách, phòng gia đình màu gì cho hợp. Mà mỗi phòng phải sơn hai màu “two tones” mới vừa ý. Căn nhà vừa rồi của chúng tôi, phòng trong phòng ngoài, phòng trên phòng dưới, phòng tắm phòng ngủ không dưới 20 màu, y như cầu vồng vậy. Đến lúc chuẩn bị lên list bán, nàng lại bảo phải sơn cả nhà lại thành “neutral tones” đơn giản để người mua dễ trang trí. Thế là thay vì cuối tuần được thể thao dzui dzẻ ngoài sân banh với bạn bè thì phải vật lộn với sơn, cọ. Trời sinh ra đàn bà sao rắc rối. Không biết từ thuở xa xưa tổ phụ mình là ông Adam có bị bà Evà bắt phải làm cái này cái nọ trong vườn địa đàng hay không mà sao cái đám con cháu nó nhiều chuyện đến thế? Không làm theo thì không được vì sẽ bị cằn nhằn, mà nếu làm theo thì khổ cho cái thân già, đàng nào cũng chết. Thôi, thì đành tự an ủi là khi xưa Adam còn bị mỹ nhân Evà dụ dỗ khiến phải sất bất sang bang, thì hậu duệ con cháu như mình có bị đì một chút thì nhằm nhò gì. Đúng là cái thú đau thương muôn đời không thoát được.

Khi hay tin vợ chồng tôi đã bán được nhà ở Florida và có ý định về lại Cali vào mùa hè năm tới thì các “a giành” tôi quen trong đám chơi tennis chưa gì đã tỏ vẻ quyến luyến vì sẽ vắng bóng một thằng hay ghẹo ngưòi này, chọc người kia. Có ông thủ thỉ với giọng ngậm ngùi:

“Ít bữa nữa đây chú mày đi rồi tụi anh sẽ hơi buồn vì ngoài sân banh mất một tay top-spin và Tampa vắng một thằng ăn tục nói phét.” 

Mấy thằng bạn ngoại quốc trong chỗ làm thì hăm dọa là về lại Cali coi chừng bị động đất như trong phim “2012”. Thằng Mỹ đen trong nhóm có vẻ tình cảm hơn: 

“Dù sao bão hurricane ở Florida cũng không đến nỗi vì dự báo thời tiết cho mình biết trước để tránh, còn động đất ở Cali thì chỉ có Trời biết. Mày cứ để vợ mày mang mấy đứa con về Cali đi, còn mày thì ở đây với... tao.”

Riêng ông anh “bặm trợn” kế tôi ở Cali thì gọi phone và nói liền một hơi:

“Anh nghe tin hai vợ chồng tính về lại Cali anh mừng đến nỗi nổi cả da gà. Anh tính hết rồi, đừng có mướn tụi mover chi cho tốn tiền. Cứ để cho mấy mẹ con nó đi máy bay, anh sẽ thu xếp bay qua rồi mình sẽ mướn xe truck chất hết đồ đạc lên chở về. Nhớ mướn thêm cái trailer để kéo chiếc xe nhỏ. Anh qua thứ Năm, thứ Sáu mình khởi hành thì Chúa Nhật là có mặt ở San Jose rồi.”

Tôi nghe xong mà muốn rụng rời. Ông thần này có cái tật ào ào từ xưa tới giờ vẫn không bỏ được. Ông rất sốt sắng khi ai cần giúp đỡ chuyện gì và nhiều khi quên mất người khác nghĩ gì, muốn gì. Tôi vội vàng đáp: 

“Thì em cũng tính là sẽ mướn xe truck rồi thong thả ban ngày lái, tối đến kiếm hotel ngủ nghỉ cho khoẻ. Cứ thủng thỉnh lái chắc chừng một tuần lễ thì về tới Cali...”

Tôi chưa kịp dứt câu ổng đã phang:

“Không, không. Anh tính rồi, lẹ lắm. Hai anh em thay phiên nhau thằng lái, thằng ngủ, từ Florida về Cali chừng 40 tiếng là cùng.”

Cũng lại “anh tính rồi”. Tôi thầm nghĩ: mẹ sư, ông mới chỉ tính cho hai thằng lớn thôi mà không chịu nghĩ tới hai thằng nhỏ. Lái xe đường dài như vậy, cứ sau vài tiếng là phải kiếm chỗ để xả chớ. Chưa kể có những lúc phải ngừng lại cho mấy cái màn ì-mớ-chần-si này nọ nữa. Lái xe truck to kềnh càng với một đống đồ như vậy xuyên bang từ miền Đông qua miền Tây mà ổng làm như chạy xe sì-po có gắn tơ-pồ không bằng. 

Nói chuyện với ông anh xong tự nhiên tôi đâm lo. Nếu lái xe vội vàng như vậy nguy hiểm thì không sợ nhưng hơi thất vọng vì bao nhiêu dự tính sẽ tạt ngang thăm vài người bạn thân lâu ngày không gặp, hoặc la cà ghé thăm các cô bạn mà tôi quen hồi xưa hiện đang ở những tiểu bang mà tôi sẽ đi qua bỗng nhiên tan thành mây khói. Mấy cô này bây giờ nếu tính theo tuổi tác thì chắc sắp sửa thành bà nội, bà ngoại hết rồi, và nhìn lại mình cũng đã…xanh rêu. Viết đến đây tôi chợt nhớ tới thằng bạn thân tưởng đã phải nhảy cầu Golden Gate khi hay tin người yêu bỏ đi lấy chồng. Thế mà mới sau có năm năm thôi khi tình cờ gặp lại cô nàng ngoài chợ, về nhà nó bị…dị ứng với đàn bà cả năm trời. Không ngờ thời gian nó tàn phá nhan sắc người ta nhanh như vậy. Sự thật bao giờ cũng phũ phàng, biết đâu nếu có được diện kiến, loạng quạng có đứa sẽ bị…ói hoặc xỉu tại chỗ chứ chẳng chơi. Cho nên việc ông anh sẽ đi với mình và lái một lèo như vậy biết đâu lại chẳng là điềm lành cho mình và người xưa. Thôi thì đành “Người ơi, dĩ vãng đã xa…” cho rồi. 

Mỗi lần hai vợ chồng dọn nhà qua một chỗ khác thì y như rằng trong đám bạn bè hoặc anh em, họ hàng lại kháo với nhau là tụi này lại “có chuyện” rồi. Lúc trước dọn gần thì không đến nỗi, nhưng cách đây vài năm khi hai vợ chồng bứng gốc ra khỏi vùng thung lũng hoa vàng ở Cali để dọn qua Florida thử thời vận thì có đứa tung tin đồn là vợ chồng tụi này mới trúng số cho nên mới lục đục kéo nhau đi trốn bà con bạn bè. Có người còn tỏ ra rành rẽ nói chắc như đinh đóng cột: “Hai đứa nó trốn nợ gì đó cho nên mới đi xa như vậy.” Toàn là những tin…tức thứ thiệt!

Vâng, quả thật vợ chồng tụi này “nợ nần” nhiều lắm. Có thể nói là ngập đầu luôn với bao món nợ tinh thần và tình thương yêu, quí mến từ gia đình và bạn bè. Chúng tôi thường quan niệm là cuộc sống này chỉ là tạm bợ và ngắn ngủi lắm cho nên cố gắng sống sao cho tốt đẹp. Nhưng khổ nỗi, mình càng cố gắng thì lại càng có những thiếu sót và lầm lỗi để rồi làm cho người khác phải lo lắng và buồn phiền vì mình. Ở đời có mấy ai hoàn toàn? Hai vợ chồng thường bảo nhau ráng cố gắng đừng vay nợ gì ai, ngoại trừ tình thương yêu mà tiền bạc không thể mua được. 

Và cũng vì còn nặng nợ với gia đình và bao người thân quen cho nên mùa hè năm 2012 tới này gia đình bé nhỏ của chúng tôi sẽ dọn nhà thêm một lần nữa. Hy vọng sau khi trở về quê nhà Cali, sao Thiên Di sẽ thôi chiếu tướng để chúng tôi được an cư một thời gian dài dài một chút để phần nào bù đắp lại những món nợ ân tình ngày càng chồng chất theo tuổi đời. Thêm một lý do không kém quan trọng nữa là khi về lại Cali, chúng tôi sẽ có thể dễ dàng tham dự các buổi họp mặt và ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo và được gặp gỡ các bạn đọc, bạn viết khắp nơi. Được như vậy là cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.

Tê Hát I Cờ Rét

Ý kiến bạn đọc
06/02/201223:49:58
Khách
Hello!, mới đọc xong "Florida có gì lạ" hôm qua, cũng tính bán nhà dọn qua bển để được vợ chồng Tác giả chỉ cho cách câu... cua. Ai dè hôm nay đọc tiếp "Dọn nhà" thấy Tác giả sắp bỏ Florida chạy dìa Cali , sao kỳ dậy !!!!
05/01/201217:00:37
Khách
Cám ơn anh PHC cho biết Thiên Di là Cung chứ không phải Sao. Đã bảo là T mù tịt về tử vi mà. Từ vi sao rắc rối quá. Sao nọ, sao kia, rồi lại cung này cung nọ. T chỉ biết mỗi "sao nặng", và "cung tử" thôi là đủ... chết người rồi. Hì hì. Bữa nào chắc phải nhờ anh coi giùm xem năm nay vận mạng thế nào vì là năm tuổi. Không biết là "Rồng bay", hay "Rồng bò" đây?
04/01/201221:10:22
Khách
Bây giờ TÂN NGỐ đã có kỳ phùng địch thủ trong lối viết khôi hài. Các bài viết cũa hai ban đã cho tôi những giây phút rất thoải mái. Mong viết thêm để nhiều người khỏi phải đi mua thuốc bổ.
04/01/201204:58:02
Khách
THiên Di là CUNG,không phải SAO, làm sao mà chiếu được,ông xã PDung?
Có 12 cung trong bảng tử vi (cung Mệnh và cung Thiên Di luôn xung chiếu nhau)và 114 sao chia nhau đóng 12 cung.
Nếu có sao Thiên Mã, Song hao đóng cung Di hay cung Đièn trạch thì thường hay di chuyển, du lịch, hay dọn nhà, nhất là khi vô đại hạn 10 năm, hay tiểu hạn 1 năm .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,249,832
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Thụy Nhã, sinh năm 1980, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, khi vừa học vừa làm “full time job” tại trạm kiểm soát hành khách trong phi trường Salt Lake City. Năm 2001, khủng bố cướp phi cơ tấn công nước Mỹ, cô viết “Check Point, Những Ngày Ta Mất Nhau” và nhận giải bán kết Vinh Danh Tác Phẩm. Bẩy năm sau, cô nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, với bài “Chuyện của Cây Vông”. Tác giả tốt nghiêp cử nhân ngành tâm lý học và đã hoàn tất chương trình thạc sĩ (master) ngành điều dưỡng, chuyên về AGNP, hiện làm việc tại một bệnh viện và là cư dân Nam California. Bài sau đây, chuyện từ một dòng suối trên cao nguyên miền Nam tới Bolsa Chica, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 194, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài tiếp.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới, về chương trình Hospice cung cấp cho người bệnh trong tình trạng chờ mãn phần, không phân biệt tuổi tác, tình trạng gia đình hay lợi tức.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.
Nhạc sĩ Cung Tiến