Hôm nay,  

Giáng Sinh Và Người Bạn Buổi Sáng

25/12/201100:00:00(Xem: 276742)
Giáng Sinh Và Người Bạn Buổi Sáng

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 3437-12-2897vb8122511

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, Viết về nước Mỹ 2009 với bài “Con Bé”, chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Sau đây là bài mới của Bảo Trân dành choLễ Giáng Sinh .

***

Còn những hơn 12 ngày nữa mới đến lễ Giáng Sinh mà văn phòng tôi đã chuẩn bị làm “lễ thắp đèn” (tree lighting ceremony). Từ đầu tuần, bà giám đốc đã gởi email thông báo cho toàn thể nhân viên biết ngày giờ để tham dự ngày truyền thống này. Năm nào cũng thế, trước ngày lễ thắp đèn vài ba ngày thì ông sếp của nhóm “Chuyên Viên Tìm Việc Làm” (Job Developer), người có cái xe truck to tướng, sẽ xung phong đi khiêng về một cây thông tươi cao đến gần 5 feet để trưng bày trong phòng họp phía sau. Ban tổ chức ngày “Giáng Sinh Cho Trẻ” (Christmas For Kids) sẽ phụ trách phần bày biện, trang trí căn phòng và cây thông cho đẹp đẽ hơn để lũ trẻ có một khung cảnh rực rỡ chụp hình với ông già Noel.
Trong ngày “Giáng Sinh Cho Trẻ” này, sau khi ăn uống, chơi đùa và chụp hình với ông già Noel xong xuôi, đám trẻ sẽ được hướng dẫn đi thăm thú cả văn phòng để ngắm nghía và bỏ phiếu bầu cho unit nào trang hoàng hấp dẫn nhất, vui nhộn nhất. Thế nên năm nào chúng tôi cũng lo trang trí khu vực làm việc của mình cho bắt mắt để dành giải thưởng. Thật tình thì giải thưởng chẳng có gì đặc biệt, chỉ là một cái cúp có hình ngôi sao và một khay bánh quy đủ màu xanh đỏ, tím vàng... nhưng chủ yếu là tranh giải cho vui. Hai năm liền, nhóm của tôi đã đoạt được giải trang trí “tuyệt vời” vì những sáng kiến hay lạ của nhóm. Năm nay chơi nổi hơn, chúng tôi sẽ bày cảnh Noel ở đảo Hạ Uy Di thần tiên có biển xanh, cát trắng. Cả nhóm hùn tiền vào mua những vật liệu cần dùng rồi hoạch định chương trình “hành động”. Chỉ trong vòng nửa tiếng là chúng tôi đã dán xong những tấm phông ni lông có vẽ một rừng dừa tươi và vùng biển xanh ngắt trải dài hai bên tường cubicle. Tania vác hết mấy cây đuốc với những ngọn đuốc giấy đỏ hừng hực dùng cho Luau party ở nhà vào cắm dọc theo hai bên bãi biển. Cô nàng còn chịu khó khiêng cả cát trong sandbox của đứa con nhỏ vào phủ dưới chân những chú người tuyết, mấy chú Tiki và những gốc dừa kiểng nho nhỏ mà tôi đã mượn của chị Thu hàng xóm để đem vào trang trí. Sylvia bắc thang treo những trái banh nhựa và lưới bắt cá, bắt sò, lủng lẳng từ trên trần nhà xuống. Esther lo sắp xếp hai cái cái ghế vải ngồi chơi, một cái sô nhựa với mấy cái cuốc, sẻng cào cát, xúc cát màu đỏ, màu cam gọn ghẽ dưới tàn lá vàng hoe của cái dù che nắng ở cuối góc phòng, con đường ra biển. Bên trên bức tường đó, Luz đã dán thêm một tấm plastic màu xanh nước biển để làm phông cho tấm hình ông già Noel đang trượt sóng với hàng chữ Mele Kalikimaka (Merry Christmas). Còn bà sếp của tôi thì có nhiệm vụ đi tìm mượn mấy cái sà rông và giây hoa đeo cổ để đến ngày “Giáng Sinh Cho Trẻ” chúng tôi sẽ choàng vào chụp hình và tiếp đón phái đoàn trẻ đến thăm viếng vùng đảo thần tiên.
*
Năm nay cũng thế, ngày lễ thắp đèn được tổ chức vào khoảng bốn giờ chiều thứ Năm, khi mọi người đã có thể thoải mái một chút sau một ngày làm việc mệt nhọc. Từ ba giờ rưỡi, người phụ trách công việc “thắp đèn” đã đi đến từng unit nhắc nhở, để những nhân viên còn đang bận bịu với giấy tờ, hồ sơ nhanh chóng lo thu vén công việc của mình. Đến gần bốn giờ thì loa phóng thanh đã vang lên lời triệu tập nhân viên chúng tôi vào họp ở phòng sau.
Deborah, một người trong ban tổ chức ngày “Giáng Sinh Cho Trẻ” đã đón chào chúng tôi ở ngưỡng cửa phòng họp với những cái bánh quy làm bằng sô cô la, lúa mạch, bơ đậu phộng mà cô và đứa con gái lớn đã nướng ở nhà. Những cái bánh thơm, mềm này được gói trong bao ni lông có mang hàng chữ “Made With Love”, và được cột bằng giây nơ màu xanh đỏ của mùa Noel. Sau khi trao gói bánh cho chúng tôi, Deborah nói:
- Đừng quên ornament. Hot Chocolate và Christmas Carols ở cuối phòng.
Chúng tôi ghé ngang thùng giấy đựng đồ trang trí, chọn một món treo lên cây thông, xong đi tới cuối phòng lấy sữa Chocolate nóng và xấp giấy có in những bài ca mừng Giáng Sinh để chốc nữa sẽ cùng hát với nhau, rồi đi tìm chỗ ngồi. Chờ khoảng chừng 15 phút cho mọi người vào yên vị trí rồi Sharon, người phụ trách công việc thắp đèn, mới ra hiệu cho Deborah xoay nút tắt những ngọn đèn nê ông ở trên trần. Căn phòng vừa chìm vào bóng tối được chiếu sáng trở lại với những ngọn đèn màu xanh đỏ trắng vàng rực rỡ trên cây thông. Những tiếng vỗ tay và lời chúc mừng Giáng Sinh vang rộn khắp nơi. Đèn phòng lại được mở sáng lên ngay sau đó, và ban hợp xướng của văn phòng bắt đầu cất tiếng ca với bài hát truyền thống “Twelve Days of Christmas” (12 Ngày Của Giáng Sinh), trong lúc các bạn đồng nghiệp ngồi nhấm nháp những ly sữa Chocolate nóng hổi. Sau khi ban hợp xướng ngừng hát thì toàn thể nhân viên chúng tôi sẽ nối tiếp ngay với những bài hát quen thuộc của mùa Giáng Sinh: Jingle Bell Rock, Santa Claus Is Comin’ To Town, Silent Night! Holy Night!, Rudolph The Red-Nosed Reindeer, Let it snow…
Hồi mới đi làm, Christmas nào cũng nghe ban hợp ca của sở đi vòng vòng đến từng unit để cùng mọi người hát bài “12 Ngày Của Giáng Sinh” suốt mùa lễ tôi đã lấy làm lạ, vì cái bài hát gì mà có gà, có ngỗng, có bồ câu, có cây, có nhẫn, có người đánh trống... lung tung. Rồi lại có cái màn đem thức ăn vào để chia sẻ với nhau 12 ngày trước ngày nghỉ lễ còn làm tôi thắc mắc hơn. Chả lẽ Mỹ cũng có nguyên tháng Mười Hai là tháng ăn chơi để tổ chức ăn mừng dài hạn ngày Chúa Cứu Thế ra đời như Việt Nam mình đón mừng ngày Tết Nguyên Đán hết gần cả một tháng Giêng? Tôi hỏi bà sếp lúc đó của tôi thì bà giải thích như vầy:
“Đúng ra thì “12 Ngày Của Giáng Sinh” bắt đầu từ sau ngày lễ Chúa sinh ra đời, chứ không phải là trước ngày lễ như mọi người vẫn lầm tưởng. Theo những tài liệu mà bà đọc được thì “12 Ngày Của Giáng Sinh” bắt đầu từ ngày 26 tháng 12 (The Feast of St. Stephen, lễ mừng Thánh Stephen), và kéo dài tới ngày 6 tháng 1 (The Feast of The Epiphany, lễ Hiển Linh). Khoảng thời gian này được xem như là thời điểm để mọi người hội họp vui chơi và đem quà đến mừng chúa Hài Đồng. Vì là “Feast” thành ra cái chuyện ăn uống cũng là một chuyện tự nhiên để hòa hợp với 12 ngày lễ mừng này, nhưng tại sao lại trở thành 12 ngày ăn uống trước ngày lễ Giáng Sinh thì bà không biết.
Còn cái bài hát “12 Ngày Của Giáng Sinh” thì không có ý nghĩa gì hết. Nó chỉ là một trò chơi xem người nào có thể nhớ dai. Bài hát này được du nhập vào Mỹ năm 1910 nhờ cô giáo Emily Brown, và được lưu truyền từ đó tới giờ. Theo cách thức của bài hát này thì người chủ xướng sẽ bắt đầu hát trước, với câu hát thứ nhất, rồi người thứ hai, thứ ba… tiếp nối, thêm vào một câu hát và lập lại câu hát của người trước… cho đến khi một người tham dự trò chơi này quên mất lời hát, thì phải chịu phạt.
Hình phạt được giao hẹn trước khi mọi người tham dự cuộc chơi, có khi là một cái đánh vào tay, có khi là phải nộp cho những người trong cuộc những cái kẹo Chocolate nhỏ… Tuy nhiên, có người đã bảo là bài hát này cũng là một lối giảng dạy giáo lý cho trẻ em vì mỗi lời hát có một ý nghĩa riêng, mỗi “ngày” tượng trưng cho một số khía cạnh của đức tin, chẳng hạn như “A Partridge in a Pear Tree” (con chim đa đa trong cây lê) trong ngày thứ nhất, tượng trưng cho chúa Hài Đồng, “Three French Hens” (ba con gà mái Tây) của ngày thứ ba tượng trưng cho niềm tin, hy vọng và tình yêu...”
Thức ăn trong “12 Ngày Của Giáng Sinh” ban đầu chỉ là những món ăn chơi (finger foods) để nhấm nháp cho vui thôi, nhưng dần dà lại trở thành những bữa ăn trưa thịnh soạn khi chúng tôi đem nào là Spaghetti (mì Ý), Pansit (phở xào Phi), Tamales (bánh tét lúa bắp Mễ), Chowmein (mì xào), Gumbo (súp thập cẩm của miền New Orleans), Cơm rang Dương Châu, Gỏi xoài tôm khô Thái Lan, bánh ngọt, trái cây v.v... vào chia sẻ. Năm nay cái nhóm nhỏ của tôi và hai nhóm “Dịch Vụ Hỗ Trợ Đặc Biệt” (Specialized Supportive Services) bên cạnh đã họp nhau lại để tính toán xem nên đem những món ăn gì nhâm nhi suốt 12 ngày trước Christmas, nhưng chúng tôi đã đồng ý với nhau là chỉ đem những món nhẹ nhàng thôi vì còn phải để dành bụng tham dự ngày tiệc Giáng Sinh của cả văn phòng nữa. Và để cho hào hứng hơn, chúng tôi sẽ thi đua xem ai có sáng kiến đem số món ăn hòa hợp với lời ca mỗi ngày của bài hát hay không.
Bà sếp tôi bắt thăm nhằm ngày đầu tiên, chỉ đem một món thôi, bà bảo dễ quá, bà sẽ mua mấy hộp… donut. Natashia bắt thăm được ngày thứ nhì, cô bảo sẽ làm hai món: cánh gà chiên với bánh kẹp waffle, một món ăn truyền thống của vùng đất phương Nam. Tôi bắt thăm nhằm ngày thứ ba, tượng trưng cho niềm tin, tình yêu và hy vọng, tôi sẽ đem chả giò, hoành thánh chiên và fortune cookies để bói vận may. Luz và Sylvia bắt thăm được ngày cuối cùng đã hồ hởi bảo:
- Cả bao nhiêu ngày ăn món béo, món ngọt rồi, chúng tôi sẽ cho quí vị lọc sạch ruột bằng những món rau quả tốt tươi, lành mạnh với cà rốt, cần, dưa leo, ớt chuông ba màu đỏ, xanh, vàng, hai loại bông cải xanh, trắng, cà chua sơ ri, ô liu hai màu đen, vàng, chấm ranch dip... là vừa con số 12.

Gần một năm nay, từ sau khi tôi dọn về ở tại vùng thung lũng thông xanh này, buổi sáng đi làm, khi xe tôi vừa rà tới bảng stop của góc đường Hidden Valley và Rustic Glen thì tôi đã gặp ông đứng đó, đưa tay lên chào tôi và nói “Good Morning”. Tôi gặp ông đều đặn một tuần lễ bốn ngày, từ thứ Hai tới thứ Năm. Thoạt đầu, tôi không để ý đến ông vì hầu như sáng nào tôi cũng đi làm trễ, nên tôi chỉ có đủ thì giờ để… phóng xe chạy, thì bảo sao tôi có dư thì giờ để nhìn xem ai đi, ai đứng ở hai bên đường. Đôi khi, tới bảng stop mà tôi cũng không có thì giờ ngừng lại hẳn hoi, chỉ nhấp thắng một chút rồi chạy tiếp, tại tôi cứ ỷ y là góc đường này hơi xa đường lớn, vắng xe, và tảng sáng tinh mơ nên chắc mấy ngài cảnh sát chưa ăn điểm tâm, uống café xong để đi tuần tra, chứ cái món tiền phạt cho cái tội “rolling stop” này không phải là ít ỏi.
Ông là một ông già Á Đông, dáng nhỏ thó, nước da sậm đen, nửa giống như người Ấn Độ, nửa giống người Campuchia. Ông đứng đó, cô đơn và nhỏ nhoi. Bên cạnh chân ông là một cái giỏ màu xanh đậm, to như cái giỏ đi chợ, chắc đựng thức ăn, nước uống. Mùa Hè, ông mặc một cái áo khoác ngắn mong mỏng, còn mùa Đông thì ông co ro trong một cái áo dạ dầy hơn, đầu đội thêm nón len, hai tay dấu kín trong găng. Mưa hay nắng gì tôi cũng thấy ông đứng đó, một chỗ nhất định, trong góc trái của con đường Hidden Valley, dưới chân gốc thầu dầu cổ thụ, như đang đợi chờ ai. Một ngày, tôi đến đó trễ hơn một chút, thì thấy ông đang trèo lên một cái xe Four Runner màu xám bạc, không kịp đưa tay chào tôi. Người tài xế của chiếc xe này hình như cũng là người Á Đông, và ông có mái tóc màu xám gần giống như màu chiếc xe. 
Tôi và người bạn buổi sáng này gặp nhau được chừng hơn nửa năm thì trở thành… thân quen. Mỗi lần tôi ngừng xe ở góc đường đó ông đều nhìn sang giơ tay chào tôi, nói Good Morning. Lúc đầu thì tôi chỉ nhìn ông cười nhưng lần hồi thì tôi cũng có thói quen đưa tay chào lại ông. Có hôm tôi đến góc đường này sớm hơn giờ thường lệ, ông không để ý nên cắm cúi lục lọi cái túi để dưới chân, tôi bấm còi cho ông nhìn lên để nói vọng sang chào ông buổi sáng.
Gặp nhau gần cả năm rồi mà cũng chẳng biết tên để chào nhau buổi sáng, thế nên một ngày tôi cố gắng đi làm sớm để có chút thì giờ rảnh rỗi nói chuyện với ông. Nhờ đó, tôi mới biết ông là người Phi Luật Tân, một dân tộc láng giềng của tôi. Ông tên là Tomas Reynoso, qua Mỹ đã được hơn 25 năm rồi, nhờ bà vợ của ông di dân sang trước, rồi về bảo lãnh ông. Ông sinh trưởng tại Cavite, một vùng đất ven biển nằm phía Nam thành phố Manila. Ông lên Manila học nghề y tá, rồi ở lại Manila làm việc cho đến ngày sang Mỹ. Qua Mỹ, ông được nhận làm y tá ngay cho một nhà thương nhỏ trong vùng Norwalk, vì ông biết nói lưu loát ba thứ tiếng: tiếng Phi, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Làm việc ở Norwalk được khoảng hai năm thì hai vợ chồng ông xin được việc làm cao lương hơn ở hai bệnh viện lớn trên vùng thung lũng thông xanh, nên ông bà dọn lên vùng Pomona này ở. Sau một thời gian làm việc, hai vợ chồng ông để dành tiền mua được một căn nhà cũ, nho nhỏ ở thành phố La Verne hiền hòa. Ông bà có một đứa con trai độc nhất, tốt nghiệp kỹ sư điện toán từ đại học CalPoly Pomona. Gần sáu năm trước, bà vợ của ông, chưa tới tuổi về hưu đã phải nghỉ ở nhà vì bệnh. Rồi bà bỏ ông ra đi sau những tháng ngày dài phấn đấu với căn bệnh ung thư đường ruột. Buồn bã vì vợ mất sớm nên ông bán căn nhà ở La Verne, cho con một phần tiền để mua một căn nhà rộng hơn, hai tầng, trên con đường Oak Cliff trong vùng Phillips Ranch, và dọn về ở với con. Còn một phần tiền ông đem về quê xây lại căn nhà ở Cavite. Không ngờ ba năm trước kinh tế suy thoái, cả hai vợ chồng con ông đều bị thất nghiệp, không đủ tiền trả tiền nhà, chúng phải bán căn nhà cho người em bà con rồi đi sang Michigan nhận việc làm mới. Lúc đó ông đang còn làm việc, nên không thể theo hai vợ chồng con trai ông đi sang Michigan. Ông mướn lại một phòng của đứa cháu, đi làm cho tới cuối năm ngoái. Năm nay ông đã về hưu rồi, nhưng nếu đi sang ở luôn bên tiểu bang Michigan với con thì ông không chịu nổi thời tiết lạnh giá của vùng bên đó. Ở nhà không có việc gì làm cũng buồn, nên ông đi làm thiện nguyện, chăm sóc mấy người già ở một viện dưỡng lão mới mở tại thành phố Montclair. Còn người đàn ông lái cái xe Four Runner đến đón ông mỗi sáng tên là Kim, người Hàn Quốc. Ông Kim ở Rowland Heights, cũng đã về hưu lâu rồi, và cũng đi làm thiện nguyện cùng một chỗ với ông, nhưng ông Kim chỉ quen việc giấy tờ nên ông phụ giúp viện dưỡng lão những công việc trên văn phòng. Ông Kim thấy ông Tomas đi về bằng xe bus hoài cũng tội nên tình nguyện đón đưa ông Tomas mỗi ngày vì đằng nào ông Kim cũng phải chạy ngang vùng này trước khi tới Montclair.
Tôi gật gù:
- Ừ, tôi thấy nhiều người Phi làm y tá ghê nghen. Tại sao vậy há, bộ dân tộc ông yêu chuộng cái nghề này lắm hả, hay là tại dễ dàng xuất ngoại? Lại nữa, tôi cũng thấy nhiều người Phi nói rành rõi tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha như tiếng mẹ đẻ vậy.
Ông giải thích:
- Chúng tôi học tiếng Anh từ thuở nhỏ nên nói rành rẽ tiếng Anh là đúng rồi. Nước Phi bị Spain đô hộ trong nhiều năm, nên ngoài tiếng Tagalog, tiếng Spanish được coi như là tiếng nói căn bản của chúng tôi. Họ và tên của chúng tôi cũng mang nhiều ảnh hưởng của Spain, ít có người nào mang tên họ thuần gốc Phi lắm. Còn tại sao có nhiều người Phi chọn ngành y tá hả? Hình như ở bên Phi cứ năm bẩy nhà là gặp một nhà có người học làm y tá. Chúng tôi chọn ngành này vì muốn giúp đỡ gia đình, vì đi theo tiếng gọi của trái tim, “giving, caring”, chứ không phải tại lương cao, vì lương y tá ở Phi không có bao nhiêu. Những năm sau này, vì thấy nghề y tá dễ dàng xin di dân đi nước ngoài kiếm sống, làm được nhiều tiền, và nhất là được nhập cảnh Mỹ nhanh chóng, nên nhiều người học ngành này hơn. À, bà có bao giờ đi du lịch tới Philippines chưa?
Tôi nói:
- Tôi có đi sang Phi chơi một tuần. Trước khi tôi dọn về vùng này, tôi ở thành phố Chino Hills. Tôi có bà hàng xóm rất tốt, tên Mia, cũng là người Philippines. Bà có mấy đứa con trạc tuổi hai đứa con tôi nên đi đâu bà cũng dẫn mấy đứa con tôi theo cho chúng chơi với nhau. Nhưng bà đã dọn về Manila hơn 15 năm rồi, vì gia đình bà có hãng xưởng, nhà cửa bên ấy. Mấy năm trước tôi có sang Makati thăm bà, được dẫn đi thăm thú những danh lam thắng cảnh ở Manila, và đến nghỉ mát ở căn nhà nằm trong vùng biển riêng biệt phía Nam thành phố. Bà hẹn tôi có dịp nào đi Phi nữa thì hai gia đình sẽ gặp nhau để cùng rong chơi ở bờ biển Boracay cát trắng. Ông ở đường Oak Cliff hả? Vậy thì tôi cũng ở gần nơi ông đang cư ngụ. Tôi ở cuối con đường Hidden Valley này thôi, tiếp nối với con đường Oak Cliff đó. Ông cứ đi hết vòng cung Oak Cliff rồi rẽ sang bên trái là gặp nhà tôi, căn nhà có trồng nhiều hoa hồng nhất con đường.
Hai chúng tôi nói chuyện đến đây thì ông Kim tới. Tomas xách giỏ lên nói:
- Hôm nào có thì giờ rảnh tôi sẽ đến nhà bà nói chuyện nhiều hơn. Chúc bà một ngày làm việc vui vẻ.

&&&

Hôm nay là ngày tôi phải đem những món ăn chơi vào sở. Tôi đã dậy sớm để chiên chả giò nhân thịt và hoành thánh nhân tôm. Còn fortune cookies thì tôi đã mua sẵn ở tiệm bánh Đài Loan từ hôm qua. Tôi bỏ riêng hai phần thức ăn và bánh dành cho ông Tomas và ông Kim vào hai cái túi giấy gói thức ăn trưa có in hình ông già Noel vác một túi quà nặng trĩu. Khi tôi ra đến góc đường quen thuộc thì thấy ông Tomas đã đứng đó. Tôi ngừng xe bên này đường, chạy sang đưa cho ông Tomas hai gói giấy, nói ông đưa hộ cho ông Kim một gói và chúc Merry Christmas cả hai người. Ông Tomas đưa cho tôi một tấm thiệp Giáng Sinh bảo:
- Chắc hôm nay là ngày chót tôi gặp bà. Trưa mai tôi đi Michigan rồi.
Tôi kêu lên:
- Ông đi sang đó làm gì mùa này? Chẳng phải ông đã bảo là ông không chịu nổi thời tiết giá lạnh của vùng bên ấy hay sao?
Tomas gật đầu:
- Đúng là vậy, nhưng tôi chỉ còn có một mùa Đông trên đất Mỹ này thôi. Tôi sẽ sang Michigan thăm con cháu và ở chơi với chúng nó vài tháng, rồi tôi sẽ về lại Cavite, sống những ngày tháng cuối cùng ở tại quê nhà. Bà còn nhớ tôi nói là tôi đem một phần tiền về cất lại căn nhà mới trên mảnh đất xưa không? Căn nhà đó từ lâu tôi vẫn nhờ người bà con họ xa coi sóc, nhưng bà ta sắp sang Mỹ với gia đình. Tôi phải về thôi. Tôi có một miếng vườn nhỏ, đủ để trồng vài luống rau, nuôi chục con gà, con vịt cho vui. Tôi sống đơn giản lắm, nên tiền hưu ở Mỹ gửi về cũng dư giả, nhất là, tôi không còn phải lo trả tiền thuê nhà nữa. Tôi sẽ dùng một phần số tiền “thặng dư” này giúp cho đồng bào tôi ở trên miền Bắc Luzon, vùng đất mà bão tố tàn phá mỗi năm, cho những người dân cơ cực có thêm manh quần, tấm áo, chén cơm. Tội nghiệp họ, năm nào cũng thế, chưa kịp thu dọn lại hoang tàn đổ nát đã phải lo đương đầu với tai ương sầm sập đến. Biết khổ mà không làm sao thoát ra khỏi cảnh khổ, vì muốn dời cư sang vùng đất khác đâu phải chuyện dễ dàng! Ngày nay, tôi được như thế này cũng nhờ ơn trên ưu đãi, san sẻ được cho họ một chút nào là tôi vui chút đó. Trong tấm thiệp này có ghi địa chỉ của tôi ở Cavite, khi nào có dịp sang Makati thăm Mia thì mời bà ghé đến thăm quê tôi.
Tôi đem tấm thiệp vào sở, mở ra xem. Tomas viết vỏn vẹn có mấy chữ chúc gia đình tôi những ngày lễ đầm ấm, hạnh phúc. Phần cuối của tấm thiệp là địa chỉ và điện thoại nhà ông ở thành phố Cavite. 
Ngày hôm sau đi làm, theo thói quen, tới chỗ Tomas đứng chờ ông Kim lúc trước tôi vẫn nhìn sang, mặc dù tôi biết ông không còn có mặt ở đó. Tự dưng tôi thấy mắt hơi cay, tôi cảm thấy hụt hẫng như mất mát một cái gì. Tôi bỗng nhớ thiết tha tiếng chào “Good Morning” của người bạn buổi sáng. Không biết có bao giờ tôi được gặp lại ông? Tomas ơi, tôi chúc ông có được một mùa lễ an bình với nhiều niềm vui, đầy đủ tình yêu thương đầm ấm, và tôi cũng cầu mong ông sẽ có những ngày cuối đời thanh thản ở tại quê hương. 
Bảo Trân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,759,235
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến