Hôm nay,  

Đóa Lan Rừng

28/11/201100:00:00(Xem: 289109)
Đóa Lan Rừng

Người viết: Karen N. Nguyễn
Bài số 3418-12-2878vb8112711

Karen N. Nguyễn, sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O. định cư tại Mỹ năm 1991, hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải vinh danh tác giả, một trong 4 giải chính Viết Về Nước Mỹ 2004. Bài viết mới của Karen lần này là chuyện kể rỉ rả của một cô gái nghèo từ Việt Nam sau 1975 cho tới khi định cư tại Mỹ.

***

Em tên Lan. Quê em ở ngoài Trung. Sau năm 75, cuộc sống khó khăn, bố mẹ đem em, đứa con gái duy nhất, vào Nam, về ở nhà ông ngoại em ở tỉnh Đồng Nai. Lúc đó em học lớp ba.
Lúc dọn nhà, bố mẹ quên không nghĩ đến chuyện lấy học bạ cho em. Về Đồng Nai, cô gíáo nói không có học bạ, không có giấy tờ chứng minh là em đã học đến lớp ba, cô chỉ có thể cho em vào học dự thính mà thôi. Lớp có hai dãy bàn, một dãy cho con trai, một dãy cho con gái. Cô giáo xếp cho em ngồi ở cái bàn ở cuối lớp, chính giữa hai dãy bàn này. Ngày ngày em vào lớp, ngồi ở đó, cô giảng bài thì em nghe, nhưng cô chẳng bao giờ kêu em lên bảng làm bài tập, chẳng bao giờ kêu em lên đọc bài . Cô coi như không có em trong lớp vậy vì em học dự thính. Nói chuyện với mấy bạn cùng lớp thì tụi nó chọc quê em, vì em nói trọ trẹ giọng Quảng. Giữa năm học, em buồn quá xá, em muốn học mà không được học, đi học ngồi trong lớp em lẻ loi cô đơn khôn cùng, em về nhà xin bố mẹ cho em khỏi đi học nữa. Vậy là em thôi cắp sách đến trường khi chưa học xong lớp bốn.
Nhà ông ngoại em nghèo, giờ thêm bố mẹ em và em, cả nhà chen chúc trong mái nhà tranh nhỏ xíu xiu. Mấy tháng sau khi nhà em về ở với ngoại, ông Trùm trong họ đạo cám cảnh gia đình em không có chỗ nương thân bèn cho phép nhà em được ở trên mảnh đất nhỏ sau nhà ông, mảnh đất ngày xưa nhà ông trồng rau lang cho lợn. Vậy là bố em lên rừng đốn tre vác về đập dập thân tre ra, kết lại làm vách nhà. Em nghỉ học, em cũng đi lên rừng với bố, ngày ngày hai bố con đi đốn tre về để dựng thành cái chòi che nắng che mưa cho gia đình.
Mẹ em mua khoai, mua đậu phọng về luộc, rồi mang ra bến xe bán. Em đi theo mẹ để phụ, bưng cái rổ chạy tranh với mấy đứa trẻ khác ở bến xe để bán khoai, bán đậu luộc, bán mía ghim, năm này qua năm khác. Ngoài thời gian đi bán ở bến xe, lúc nào rảnh rỗi, em chơi đá banh với tụi con trai trong xóm. Cái giong Quảng ngày nào của em biến mất tiêu, em bây giờ nói giọng Bắc, giọng Nam . giọng nào cũng được.
Thời gian qua, em lớn lên, trổ mã con gái, ngày ngày lăn lộn bươn chải ở bến xe mà da em vẫn trắng hồng chứ không cháy nắng sạm đen, tóc em vẫn đen mượt buông thả ôm bờ vai tròn chứ không khô cong nâu đỏ. Rồi em học được cách nấu trà đá, ai say nắng uống vào là mát lòng mát dạ, tỉnh cả người. Bán trà đá một vốn bốn lời, em chuyển qua bán trà đá ở bến xe, ngày ngày thồ đồ trên cái xe đạp cũ mèm màu xanh rêu không còn đạp được nhưng có cái sườn chắc ơi là chắc đem đồ ra bến xe bán.
Bến xe có đại ca, đại ca có một hệ thống đàn em đi thâu tiền lệ phí hằng tuần của bà con buôn bán ở bến xe. Ai muốn yên ổn làm ăn thì đều đóng lệ phí cho đàn em của đại ca. Em và mẹ em bán hàng bao năm ở bến xe đò, chẳng thấy ai đòi lệ phí cả, cứ nghĩ chắc tại nhà mình nghèo rớt mồng tơi, ở trong cái chòi tre nhỏ xíu cất gần đám rau lang, thành ra có dư đồng cắc nào đâu mà đóng cho đại ca. Em còn nhỏ, đâu biết là đại ca chấm em từ lâu rồi, ra lệnh cho đám đàn em không đuợc quấy rầy em.
Một ngày nọ, bán hết trà đá, em quay về cái góc bến xe nơi em khóa cái xe đạp cũ mèm của em, định đẩy xe về nhà lấy thêm hàng ra bán. Cái xe mất tiêu ! Ai đó chôm mất cái xe đạp cũ của em . Cái xe không còn đạp được, em dùng nó thồ hàng mang ra bến xe, dân buôn bán ở bến xe biết nhẵn cái xe cũ đó là của em, bao lâu để đó không ai lấy, vậy mà…. Tức quá, em ngồi bệt dưới một cái gốc cây trong bến xe, nước mắt ròng ròng….
Em nhỏ, sao em khóc vậy? Ai đó hỏi em. Em nhìn lên, có anh chàng nào lạ hoắc, đeo kính râm, mặc quần jean, aó thun để lộ hai cánh tay xâm tùm lum đứng đó, hỏi em. Em mất cái xe đạp thồ hàng, em nói. Cái xe màu gì, anh ta hỏi. Nín khóc đi em nhỏ, để anh nhờ mấy đứa em đi kiếm cái xe đạp cho em, anh ta nói rồi quay đi, chút nữa là có hà.
Đúng thật như lời hứa, chừng một tiếng sau có anh chàng khác dắt chiếc xe đạp lại cho em, đúng chóc cái xe em bị mất cắp. Mấy đứa bạn bán vé số, bán trái cây ở bến xe chạy tới chung vui với em. Nhỏ bạn bán vé số nói với em là mày phước đức ba đời có đại ca giúp mới lấy lại được chiếc xe đạp đó nghe. Đại ca gọi đàn em, thông báo là đứa nào lỡ dại lấy chiếc xe đạp của con bé bán trà đá, khôn hồn thì mau mau trả lại cho nó, kỳ hạn hai tiếng không làm như vậy thì khi phát hiện ra thủ phạm, hậu quả ra sao thì đừng có trách là không báo trước, tụi bạn bán hàng ở bến xe chắp vá tin tụi nó nghe được cho em hay.
Vậy là em lọt vào mắt xanh của đại ca bến xe mà hồi đó tới giờ em đâu có hay. Em lấy lại được chiếc xe đạp, ngày ngày tiếp tục ra bến xe bán trà đá, và vần không bị ai kêu đóng lệ phí bến xe hết.
Cho đến một ngày nọ… Trưa mùa hè nắng chang chang, xe đò về bến thảy hành khách xuống, tài xế và lơ xe đi ăn cơm diã, để cửa xe mở hé, em với nhỏ bạn bán vé số hay lên trên xe đò ngồi chơi, nghỉ mệt, tránh nắng. Đang ngồi tán dóc với cô bạn, bỗng nhiên con nhỏ đứng phắt lên, ôm cái khay vé số và thuốc lá nhảy xuống khỏi xe đò, chạy mất. Em nhìn lên, thấy cái anh chàng đeo kính râm, hai tay xâm tùm lum, đang bước về phía em. Trong xe đò còn có một mình em, em run cầm cập, tim đập ba hồi kỳ trận. sợ xanh cả mặt.
Anh chàng chậm rãi ngồi xuống một cái ghế cách em mấy dãy, tháo cặp kính râm ra. Đừng có sợ, anh không làm gì em đâu, anh ta nói. Anh mến em, anh muốn được làm bạn với em, có được không, anh ta hỏi.
Em nhìn đại ca bến xe, anh ta bỏ mắt kính râm ra em thấy rõ một cái sẹo khá dài ngang thái dương bên trái kéo đến đuôi con mắt. Em nhìn mấy cái hình xăm con rồng con hổ xanh xanh trên cánh tay đại ca, nhìn khuôn mặt đại ca, em sợ quá. Em phóng ra khỏi xe đò qua cửa sau nhanh hơn điện xẹt, chạy bắn khói về nhà, đóng cửa chòi cái rầm, trốn trong nhà không ra bến xe bán trà đá buổi chiều. Rồi em nói với bố mẹ là em không muốn đi bán trà đá ở bến xe nữa.
Hết bán trà đá ngoài bến xe, em chuyển qua nghề bán ốc. Trong xóm em nhà tranh có, nhà gạch có, nhà trệt nhà lầu có. Có một căn nhà gạch hai tầng trong xóm có một cái vách tường ngó ra con hẻm chính, trục giao thông trong xóm, đông đảo người qua lại. Một bà cụ gìà bán xôi ngồi dựa vách tường này. Em đánh liều hỏi bà cụ xem cụ có đồng ý cho em ngồi gần đó bán ốc hay không, và bà đồng ý. Vậy là em ra chợ mua ốc về xào bán, tiếng lành đồn xa món ốc len xào dừa của em được mấy quán nhậu gần đó chiếu cố tận tình, xào thau nào mang ra ngồi chưa nóng chỗ là có người đến mua hết cả thau. Được một thời gian, bà chủ căn nhà gạch hai tầng không cho em bán ốc dựa vách tường nhà bà nữa. Thằng con trai bà chủ nhà cứ rảnh đi học về là ra tán em, nằng nặc xin nắm tay em, mà em kiên quyết không có cho là không có cho, thằng bé thù, mét má nó.
Vậy là em thôi nghề bán ốc. Nhân dịp xí nghiệp may mặc xuất khẩu tuyển công nhân vào làm, em nộp đơn và được nhận vào. Mười sáu tuổi, em đi làm, ngày ngày gò lưng đạp máy may sơ-mi xuất khẩu. Trong tổ của em, em là người nhỏ tuổi nhất.
Cái chòi tre của nhà em nằm trong góc kẹt của miếng đất nhà ông Trùm. Muốn đi từ nhà em ra đầu ngõ thì phải đi ngang qua cái sân nhà chị Hằng, một trong các người con của ông Trùm, và phải đi ngang qua cái chái bếp nhà chị.
Một buổi trưa thứ bảy, mẹ em kêu em ra vườn trưóc nhà chị Hằng hái mớ lá lốt để bà xào với ốc và bắp chuối. Muà hè, em ở nhà mặc áo cánh, quần xà lỏn, đi chân đất, nghe mẹ kêu thì nhanh nhẩu chạy ra sân trước kiếm lá lốt, miệng hát véo von. Nửa chừng đi ngang qua chái bếp nhà chị Hằng, em có cảm giác có ai đó theo dõi mình. Từ trong của sổ nhà chị Hằng nhìn ra vườn, có chừng một chục cặp mắt đàn ông nhìn ra. Em ngắt một nắm lá lốt rồi co giò chạy biến, không dám quay trở vào đi ngang qua cái chái bếp nhà chị Hằng nữa, sợ những tiếng huýt sáo và mấy giọng cười của các đấng mày râu đó quá xá cỡ.
Em trốn biệt bên nhà ông cậu, nài nỉ kêu thằng em họ đem mớ lá lốt về cho mẹ em. Mẹ em xào xong món ốc, nhìn quanh nhìn quất không thấy em đâu hết, bà ra trước cửa chòi kêu réo con Lan đâu rồi về ăn cơm, em trốn bên nhà ông cậu cách mấy căn nhà, mấy cái vườn, mà vẫn nghe tiếng bà gọi rõ mồn một, muốn về nhà mà không dám vi.. mặc quần xà lỏn, đi chân đất, sợ làm trò cười cho mấy ông bợm nhậu trong nhà chị Hằng.
Mấy đấng húi cua ăn uống trong nhà chị Hằng là cánh thợ xây nhà cho một người con khác của ông Trùm, bố chị Hằng. Cái lệ là thứ bảy, nhà chủ đãi thợ xây nhà ăn một bữa, căn nhà kia đang xây, bếp không có, thành ra nguyên ê-kíp thợ đi qua nhà chị Hằng ăn trưa. Trong nhóm thợ đó có anh Tâm, người về sau là chồng em.
Chị Hằng về sau kể cho em nghe là chị thấy cánh thợ xây nhà nhìn thấy em đi ngang qua, nhiều anh mặt cứ đờ ra như bị cú sét ái tình đánh trúng. Chị Hằng hỏi đùa là trong nhóm có ai còn độc thân, chưa vướng vào lưới tình, muốn làm quen với cô bé hàng xóm của chị thì chị giúp cho, cả nhóm nhao nhao lên em nè, em nè chị Hằng, ai cũng mạnh miệng muốn làm quen với em, trừ một người: Anh Tâm. Thằng Tâm ngồi im re, chẳng lên tiếng gì hết, chị Hằng thuật cho em, còn mấy thằng kia chị biết tụi nó bồ bịch tùm lum rồi mà còn khai láo là chưa quen cô nào hết trơn.
Cái bàn nhậu ỏ nhà chị Hằng kéo dài đến tối mịt. Em nhờ thằng bé em họ chạy qua nhà em nói nhỏ với mẹ em là em ở bên nhà nó để bà không ra đầu nhà kêu réo em về nhà. Đợi mặt trời lặn, xóm tối thui, em len lén đi đường khác qua nhà một bà cụ hàng xóm, nhảy hàng rào để vào trở lại vuờn rau lang của ông Trùm mà về nhà. Lúc nhảy qua hàng rào, chân em khi chạm đất nhảy trúng vào một cây đinh đau thấu trời xanh, sau đó em đi cà nhắc gần cả tuần mới khỏi.
Xóm trên có Lan, con gái bà chủ sạp vải ngoài chợ, còn em là Lan ở xóm dưới. Anh Tâm lúc đầu thích cô Lan ở xóm trên, nhưng thứ bảy nào tạt qua nhà cô cũng thấy có một cây si, con trai một bà chủ sạp vải khác ngoài chợ, đóng đô từ đời nào ở đó rồi. Vậy là anh Tâm thua cuộc. Rồi anh Tâm nhìn thấy em. Anh tìm cách ghé nhà em, tìm gặp ba má em để xin được làm quen với em. “Người khó là em, chứ ba má em đâu có khó”, anh Tâm nói với em như vậy. Phải mất mấy tháng trời thứ bảy nào cũng tạt qua nhà em để thăm em, nói chuyện nắng mưa, anh Tâm mới xin được phép của ba má em để đưa em đi dạo phố, coi phim, cam đoan là sẽ đưa em về nhà trước 9 giò tối.
Lúc anh Tâm làm quen với em là lúc em mới chia tay với một anh khác trong xóm. Anh này thích em, đi học về chiều hay ra đầu ngõ đợi em đi làm về để hỏi thăm mấy câu, ngày nắng ngày mưa gì cũng đợi rồi đưa em về tận nhà. Cái mối tình trẻ con đó sau một thời gian bị má anh này phát hiện. Bà cấm không cho con trai mình quen với cái con nhỏ nhà nghèo, thất học, ỏ trong cái chòi tre, cấm bằng lời nói không có ép-phê bà chuyển qua biện pháp mạnh, dùng roi vọt, đánh con quá cỡ luôn. Kẻ si tình phẫn chí, bỏ học, lên Lâm Đồng đi làm thợ đốn gỗ trên rừng. Coi như em với anh Tâm, ai cũng có chút tình rách vắt vai hết trơn. Em quen anh Tâm, coi anh Tâm như bạn, không có gì sâu đậm hơn.
Một ngày nọ, một nhỏ bạn thân trong xóm rủ em cuối tuần lên sân bay Tân Sơn Nhất đón anh nó là Việt Kiều ở Úc về. Từ hồi đó tới giờ em đâu có dịp nào lên tới phi trường Tân Sơn Nhất, nay nghe có dịp được đi chơi thì gật đầu cái rụp liền. Mày nhớ diện chút xíu nha, lựa bộ đồ nào đẹp đẹp mà mặc hôm đó nha, nhỏ bạn em dặn dò. Trời, nhà em nghèo, em đâu có bộ đồ nào đẹp mà diện. Nhỏ bạn này cho em mượn cái váy màu trắng, nhỏ bạn kia cho em mượn đôi sandal trắng cho khớp với cái váy..
Em theo gia đình nhỏ bạn và mấy cô bạn nữa trong xóm lên phi trường đón việt kiều. Anh của nhỏ bạn, người từ Úc về, cao ráo, đẹp trai vô cùng. Cả đoàn ra đón chụp hình chung với anh ở sân bay, ai cũng cười vui hết, em cũng cười hở mười cái răng trong mấy tấm hình. Về sau nhỏ bạn thân nói với em là ông anh của nó vừa nhìn thấy em ở sân bay là hồn xiêu phách lạc ngay, tim đập rầm rầm, mấy tấm hình chụp ở sân bay ông rửa ra rồi lấy kéo cắt phần có khuôn mặt em, tối nào trước khi đi ngủ cũng đem ra ngắm tới ngắm lui rồi đặt những nụ hôn say đắm lên mấy tấm hình.
Hai tuần sau khi em lên Tân Sơn Nhất, ông Trùm và một ông cụ khác có uy tín trong họ đạo đến nhà em, xin gặp ba má em. Hóa ra là ông anh Việt Kiều của nhỏ bạn và gia đình của nó nhờ hai ông đến để hỏi xin cưới em, em mà đồng ý làm đám cưới là con heo quay, trà rượu bánh trái và bộ dây chuyền vàng y gần cả chục sợi sẽ được nhà trai mang qua ngay. Em được cho ba ngày để suy nghĩ, và sau ba ngày em trả lời là không. Mày sao ngu qúa, từ chối làm đám cưới với Việt Kiều, mấy đứa bạn gái trong xóm cằn nhằn trách em vụng tính. Bố mẹ em không nói gì hết, không có duyên, không có nợ, ép em sao đành, mẹ em về sau nói cho em nghe.
Cô bé Lan ngốc nghếch từ chối không nhận lời cầu hôn của anh Việt Kiều từ Úc về hơn cô hai mươi tuổi. Nhà anh cũng có nhiều kế hoạch khác nhau để tìm vợ cho anh, và không lâu sau đó thì có một đám cưới linh đình giữa anh và một cô gái khác ở xóm kế bên.
Hôm đám cưới đó, em là một trong số những người chen lấn ở hàng rào để xem cô dâu chú rễ, cô dâu mặc aó dài gấm đỏ cổ đeo bộ dây chuyền vàng y bảy sợi, cỗ bàn xếp dài dài, đám cưới có cả ban nhạc sống đến giúp vui, rình rang vô cùng. Cái con bé Lan này, mày có về ngay nhà đi không thì bảo, cứ đứng đó nhìn đám cưới người ta thì mất duyên lắm đó, mấy bà cụ trong xóm kêu em. Dạ người ta hỏi cưới con mà con từ chối, chứ đâu phải là con bị người ta ruồng bỏ đâu cụ, con đâu có làm gì sai, mất duyên làm sao được mà mất, em lý luận như vậỵ Sau đám cưới, chú rễ về lại Úc, rồi một thời gian sau cô dâu cũng qua Úc. Sau đó trong xóm có tin lan truyền là cô gởi tiền về cho bố mẹ cô xây nhà lớn hơn, tiện nghi hơn. Mày có biết không, mỗi lần tao đi ngang qua căn nhà bự thật bự đó là tao lại nghĩ đến mày, nghĩ là căn nhà đó có thể là nhà của bố mẹ mày, bạn em về sau viết thư qua Mỹ nói như vậy, em đọc rồi chỉ biết cười trừ…

Cái hôm các ông cụ trong họ đạo đến nhà em, chị Hằng đoán ngay chóc là chuyện gì. Chị kêu anh Tâm lại nhà, chú Tâm nè, chị biết chú thương con bé Lan nhiều lắm, chú tính thì phải tính gấp đi, để rồi có người khác không chóng thì chày sẽ hỏi cưới con bé đó.
Nhà anh Tâm đang làm giấy tờ đi Mỹ do anh trai của anh Tâm bảo lãnh. Anh Tâm đã mấy lần nói với em về chuyện anh sẽ cùng gia đình đi Mỹ, anh muốn làm đám hỏi với em, rồi sau khi qua Mỹ, cuộc sống ổn định, anh sẽ về cưới em và làm giấy tờ đem em sang Mỹ. Em đã trả lời anh Tâm là em không muốn làm đám hỏi, rồi vò võ chờ anh trở về. “Anh đi Mỹ, em không chờ!”, ngắn gọn là như vậy.

Nhà em nghèo, nghèo lắm. Nhà anh Tâm lúc trước cũng không muốn cho anh lấy em, nhưng sau vụ anh Việt kiều từ Úc về muốn hỏi cưới em, anh Tâm có thêm lý do để thuyết phục gia đình cho anh được lấy em. Anh quyết định không đi Mỹ theo diện độc thân, kiên quyết muốn làm đám cưới với em và ở lại Việt Nam. Vậy là bố mẹ anh Tâm qua gặp bố mẹ em. Mười tám tuổi, em đi lấy chồng.
Một bà cụ trong xóm nhận nấu lẫu cho đám cưới em với gíá phải chăng. Em may cái áo dài trắng, hôm đám cưới thì sẽ kết hoa giả rắc kim tuyến lên áo làm áo cưới. Bàn ghế đãi tiệc thì mượn nhà chị Hằng và mấy nhà hàng xóm kế bên. Rồi em vào xí nghiệp đi gặp ông giám đốc, ông phó giám đốc và bà quản đốc phân xưởng em làm để mời họ đến chung vui . Bà quản đốc không những đồng ý đi dự đám cưới em, mà còn cho phép cả tổ may của em được làm nửa buổi hôm đám cưới để các chị trong tổ có thời gian dư giả mà chưng diện. Ông phó giám đốc cũng nhận lời đến chung vui. Đến phiên ông giám đốc, khi nghe em mời ông đến dự đám cưới, thật là vinh hạnh cho gia đình cháu khi được chú đến dự tiệc cưới…vv..và vv…, trả lời rất tiếc hôm đó ông bận, nhưng ông sẽ điều hai chiếc xe hơi của xí nghiệp cho cô dâu và chú rễ sử dụng cho đám cưới, em nghe ông nói mà không tin vào lỗ tai mình. Dạ cám ơn chú, vậy chú cho tụi con dùng xe số 6 và xe số 8 được không ạ, em xin, biết là 2 chiếc này mới nhập từ bên Nhật qua, còn mới tinh. Được, ông trả lời, cái con nhỏ này mày láu cá quá.
Đám cưới em tổ chức có 12 bàn, đãi khách 10 bàn, dư 2 bàn. Lúc mọi người chuẩn bị ngồi vào bàn tiệc, bất ngờ có một chiếc xe hơi chạy đến đậu ngay trước sân nhà chị Hằng. Từ trên xe, có mấy anh chàng leo xuống, khiêng xuống bộ loa, bộ trống, mấy cây đàn guitar, micro... Tụi cháu đến giúp vui cho đám cưới, mấy anh nói với bố mẹ em như vậy. Anh Tâm và em, không có ai đặt mời ban nhạc sống hết, em nói với bố mẹ, chắc họ đi lầm địa chỉ rồi. Không có lầm đâu, mấy anh trong ban nhạc trả lời, ban nhạc đuợc mời phục vụ cho đám cưới của Lan và Tâm, mọi chi phí đã trả hết rồi. May làm sao có hai bàn dư, vậy là các thành viên trong ban nhạc cũng được thưởng thức món lẫu của bà cụ hàng xóm.
Khi ban nhạc đang trình diễn, em nhìn quanh, thấy chú rể biến mất tiêu. Có người muốn nói chuyện với Tâm, mấy anh bạn chú rể nói với em khi em hỏi là có thấy anh Tâm đâu không, chút nữa nó quay lại, đừng có lo.
Về sau em mới biết người thuê bao ban nhạc đến giúp vui cho đám cưới em là đại ca ở bến xe ngày nào. Hôm đám cuới em, đại ca kéo anh Tâm ra nói riêng là anh phải cư xử lịch sự với em khi em về làm vợ anh, không được bạc đãi, hành hạ em, không được... không đuợc…, một danh sách dài về việc một người chồng tốt, thương vợ, nên làm và không nên làm.
Em về làm dâu nhà anh Tâm, sợ quá, đám cưới tối hôm trước thì sáng hôm sau em lò dò vào xí nghiệp đi làm trở lại, không dám ở nhà. Mấy chị trong tổ may chọc em quá chừng.
Thời gian rồi qua, đại gia đình anh Tâm qua Mỹ, tiểu gia đình của em ở lại Việt Nam, dân số từ hai lên ba, rồi bốn, rồi năm. Vợ chồng em có ba đứa con, hai gái, một trai. Mười một năm sau khi đại gia đình anh Tâm ra đi, tiểu gia đình em được bảo lãnh qua Mỹ.
Hồi ở Việt Nam, lúc trước khi qua Mỹ, em có học lóm nghề làm móng tay với một bà hàng xóm. Bà xách cái giỏ mây chứa đồ nghề làm móng tay đi rảo trong xóm và ngoài chợ mỗi ngày, cô nào bà nào ở nhà hay buôn bán ngoài chợ muốn sơn móng tay móng chân thì gọi bà vào để làm. Bà cho em đi theo bà học nghề, dần dà em biết cách cắt khóe, dũa móng tay móng chân, tay em cầm cây cọ quét nước sơn vừa y, không lem ra ngoài chút nào. Lúc em thành thạo việc làm móng tay và có khả năng mở tiệm cạnh tranh với bà hàng xóm, theo lời bà nhận xét, là lúc em cùng gia đình đi Mỹ.
Em hồi nhỏ nghỉ học khi chưa xong lớp 4, qua Mỹ em chỉ có chút kiến thức làm móng tay học lóm và dăm câu tiếng Anh bập bẹ học chữ mất chữ còn một thời gian ngắn trước khi đi. Anh Tâm có thằng cháu họ, kêu vợ chồng em là chú thím, làm trong tiệm nail. Gia đình em qua định cư cùng tiểu bang, cùng county với thằng cháu, vậy là cháu giúp cho thím kiếm được một chỗ làm trong cùng tiệm nail. Lúc đầu không có bằng, em chỉ làm công việc quét dọn lau chùi trong tiệm mà thôi với đồng lương rẻ mạt. Không có em, mấy người thợ khác ai nấy lo dọn dẹp cái góc làm việc của mình trong tiệm, chủ nhận cho em vào làm vì kiểm tra thử tay nghề thấy em làm không tệ chút nào. Chỉ cần em đậu bằng nail là mọi chuyện xuôi chèo mát mái.
Cứ ngỡ bà thím có cái miệng dẻo quẹo biết làm nail sơ sơ qua Mỹ đi học lớp dạy làm nail, ra trường thi đậu bằng nail cái một, ngờ đâu bà thím đi thi mấy bận, lần nào cũng đậu cành me . Thi thực hành thì pass, thi lý thuyết thì rớt đài, lần nào cũng vậỵ “Bà mà thi đậu cái bằng nail tui đi bằng đầu !”, thằng cháu, gọi vậy chứ tuổi nó bằng tuổi em, nói khích như vậy.
Nó tức một, em tức mười. Cuốn sách lý thuyết dạy làm nail dày cộm, chi chit chữ, em không đọc được hết, nói gì tới chuyện nhớ thuộc lòng, em biết mình dốt, em ráng thức khuya dậy sớm nhìn mặt chữ, tra tự điển, đọc phát âm không chuẩn em cũng không màng, nhưng em ráng nhớ cái chữ tiếng Anh viết như vậy thì tiếng Việt có nghĩa là cái gì, kiến tha lâu đầy tổ.
Trong tiệm nail có một cô bé đi học college, thời gian rảnh thì đi làm nail, cô bé có cảm tình với em, biết em thi rớt phần lý thuyết cô bé lúc nào không có khách thì kêu em lấy cuốn sách ra, cô ra câu hỏi, em viết câu trả lời. Thi lý thuyết bằng nail thường người ta hỏi cái này, cái này, dần dà mấy người Việt Nam khác trong tiệm ráng lục lọi trong trí nhớ mình xem ngày xưa họ đi thi thì gặp câu hỏi gì, rồi nói cho em hay. Năng nhặt, chặt bị, cuối cùng em có một số câu hỏi và câu trả lời để học. Cuối cùng em thi đậu bằng nail sau mấy tháng trầy vi tróc vảy học quá xá cỡ, đem cái bằng nail về tiệm mọi người đều chia vui với em, kể cả thằng cháu. Chuyện nó hứa đi bằng đầu khi em có bằng nail, nó ca bài lờ, em cũng không bắt nó giữ lời hứa.
Thằng cháu họ làm trong tiệm nail, về sau em để ý, nó ngồi dũa nail cho khách lắm hôm đến 9 giờ tối chưa chịu về. Có những ngày lễ, khách đông, 9 giờ tối tiệm nail đóng cửa các cô thợ khác lục tục ra về, khách mà vào sát mé 9 giờ tối nó vẫn nhận, làm đến cho xong thì thôi. Em làm nail xong về nhà lo cho chồng, cho con, còn nó độc thân, lủi thủi một mình, lâu lâu có quen cô này cô kia nhưng chỉ một thời gian sau là chia tay. Nó mặt mày cũng sáng láng nhưng có tật một bên chân, đi khập khiễng.
Những hôm thằng cháu vào tiệm mặt mày hớn hở, trưa vắng khách xách xe chạy ra chợ Việt Nam mua bánh mì thịt, bánh cuốn, phở về đãi nguyên nhóm thợ nail trong tiệm, em biết ngay là nó mới quen cô nào. Những hôm thằng cháu vào tiệm im re, ngồi dũa nail cho khách mà không có chat, lâu lâu gượng cười miệng méo xẹo là em biết ngay nó bị bồ bỏ.
Chỗ họ hàng dây mơ rễ má, em cũng ráng an ủi khuyên lơn nó. Nó vai cháu, kêu em là thím, nhưng tuối ngang nhau, thành ra em kêu nó là ông, nó kêu em là bà, nói chuyện cũng hợp gu lắm.
Có hôm chán cảnh tình đời đen bạc quá đỗi, thằng cháu nửa đùa nửa thật nói với em: “Thôi hay là thím bỏ chú đi, bà lấy tôi, rồi tôi với bà ra mở tiệm nail riêng, enjoying life together.” Nói nhảm nào, em gạt phăng lời đề nghị của thằng cháu. Rồi em sực nghĩ ra, nó quen mấy cô bên này, em nói với nó, mấy cô bên này ông quen đến với ông là vì tiền chứ không phải vì tình, vậy chứ cái hồi ông còn ở Việt nam ông có quen cô nào hay không vậy.
Có, nó trả lời. Rồi sao, em hỏi, ông đi Mỹ rồi ông chia tay với người ta hả?
Nó ậm à ậm ừ như gà nuốt dây thun, hồi lâu mới khai thật là ngày xưa hồi còn ở Việt Nam nó có quen cô kia, hai người không có làm đám cuới nhưng có quan hệ với nhau và cô ấy sinh một đứa bé trai. Nó qua Mỹ, không có liên lạc gì với cô ấy hết.
Trời, em nghe mà chỉ muốn xáng cho nó một bạt tai, cái người gì mà vô nghĩa vô tâm đến như vậy không biết. Em kìm lại, hỏi thằng cháu sao qua Mỹ có nghề ngỗng đàng hoàng, có thu nhập đồng ra đồng vào, vậy sao không về Việt nam tìm gặp lại vợ con. Tại vì, thì là mà, nó lại ngập ngừng lâu lắc rồi nói huỵch toẹt ra là cái con bé đó nó xấu quá.
Người ta nhà nghèo, người ta ở dưới quê, người ta làm ruộng đầu tắt mặt tối, làm sao mà có phương tiện mà chưng diện cho bằng mấy cô ở thành thị, làm sao bằng mấy cô Việt Nam bên Mỹ, em lý luận cho nó nghe. Cô ấy thương ông thật tình, cô ấy là mẹ của thằng con trai của ông, ông phải thu xếp về Việt nam gặp mẹ con cô ấy, tạ lỗi, giúp đỡ phương tiện tài chánh cho cô ấy nuôi con, rồi thu xếp bảo lãnh mẹ con cô ấy qua đây, em thuyết cho nó nghe một tràng, lòng nghĩ mình nói mỏi miệng mình chứ nói cho nó chắc như nước đổ đầu vịt, vậy mà nó nghe theo lời em khuyên. Nó về Việt Nam, tìm gặp lại vợ con, rồi thu xếp bảo lãnh đem qua Mỹ. Hôm vợ con nó qua Mỹ, gia đình em cùng ra phi trường với nó để đón. Thằng con trai của nó giống nó như khuôn đúc !
Quay qua quay lại, đến lúc em đi thi vào quốc tịch. Vốn liếng tiếng Anh của em bây giờ khá hơn hồi mới qua Mỹ nhiều, hơn nữa ba đứa con em đi học high school Mỹ bây giờ nói tiếng Anh như gió và hết lòng giúp cho má-mì của tụi nó thi đậu quốc tịch. Bà mà thi đậu quốc tịch Mỹ tui cuốn gói ra khỏi tiệm nail này, thằng cháu làm trong tiệm nail thách thức.
Thách là thách vậy, chứ em biết là nó có ý định ra mở tiêm riêng từ lâu rồi. Nó đem vợ con qua, vợ nó qua đây khỏi làm lụng đầu tắt mặt tối quần quật ngoài ruộng ngoài rẫy nữa nên trắng trẻo ra, thêm quần aó, son phấn chút đỉnh, xinh hẳn lên. Lúc vợ con nó mới qua, nó đưa vợ con đi nhà thờ, gặp vợ chồng em, nó nói chuyện riêng với anh Tâm, cảm ơn em không xiết lời. Chuyện gì bả cũng thuật với chú hết, anh Tâm nói với nó, mà quả thật như vậy, em kể cho anh Tâm nghe tất tần tật đủ chuyện trong tiệm, kể cả chuyện thằng cháu họ xúi dại bà thím bỏ chồng đi mở tiêm nail với nó. Anh Tâm và em cũng không chấp thằng cháu, nó đem vợ con qua mấy năm sau thì vợ nó sinh thêm đứa con gái, hai gia đình tình thân lại thêm thân.
Chủ nhật nào em với anh Tâm cũng đi lễ nhà thờ sáng sớm, còn tụi nhỏ thì đi thứ bảy hay chủ nhật tùy thời khoá biểu của tụi nó, bao giờ mấy đứa con em cũng đi lễ mỗi tuần cả. Những hôm bão tuyết, mưa dông,, nhà thờ mất điện, cha dùng đèn cầy thắp trong nhà thờ, giáo dân đến ít nhiều gì cha cũng làm lễ đúng giờ, giảng không có micro. Em biết điều đó vì thời tiết có xấu đến đâu đi nữa, hễ anh Tâm lái xe được ra khỏi nhà là vợ chồng em và tụi nhỏ cùng đến nhà thờ.
Có một lần cha kể chuyện đi qua Thái Lan để về nhận nhiệm sở tại một giáo xứ bên đó, trời nhá nhem tối, cha xuống khỏi xe đò vẫy chiếc xe Honda ôm, đến lúc người tài xế đến gần cha mới phát hiện ra đó là một người đàn bà Thái khá trẻ. Cha leo lên chiếc honda, ngồi phía sau cách tài xế xa lắc, môt tay vịn cái boọc-ba-ga sau yên xe, một tay ôm cái túi của mình. Xe chạy qua đường nhiều ổ gà, tài xế đạp thắng, người cha bị va ra trước, chạm vào tấm lưng cô gái. Cha nói lúc đó cha cầu xin Chúa tha thứ quá xá, chuyện xảy ra là do ổ gà trên đường chứ cha không có cố ý, cha kể chuyện pha chút hài trong đó, làm cho giáo dân cười cái rầm. Chuyện này dẫn đến chuyện khác, phụ nữ làm nhiều jobs, ngay cả những job mà thường khi người ta nghĩ chỉ có phái nam làm như chạy xe ôm, cha nói, thành ra các ông có gia đình, có vợ đi làm, khi về nhà nên xắn tay áo lên mà phụ giúp vợ dọn dẹp nhà cửa, chứ đừng có sống theo nguyên tắc chồng chúa vợ tôi, bắt vợ ngoài chuyện đi làm, về` nhà phải thu dọn nhà cửa sạch như ly như lau, cơm bưng nước rót hầu chồng…..Chà, em ước ao bài giảng của cha được thâu băng để em mua về lâu lâu bật cho anh Tâm nghe thường xuyên. Sau khi nghe cha giảng hôm đó, về nhà ảnh có thu dọn nhà cửa, hút bụi, vv.. vài hôm, rồi đâu lại hoàn đó.
Một tuần em đi làm hết 6 ngày, chỉ nghỉ ngày thứ tư. Gọi là nghỉ ngày thứ tư, chứ em cũng bật túi bụi, chợ búa, cơm nuớc, chở tụi nhỏ đi chỗ này chỗ kia sau giờ học. Em không có đi shopping thường xuyên, quần aó giày dép của vợ chồng em và tụi nhỏ em mua thường em đợi có coupon hay sale đại hạ giá em mới mua. Bố em đã mất, em chỉ còn có mẹ ở Việt Nam. Em còn bà con ở Việt nam. Em là đứa con duy nhất, em thân với mấy người anh chị em họ con của mấy bác em, rảnh rỗi là em gọi điện thoại về Việt nam thăm mẹ em, thăm bà con. Quan hôn tang tế, bà con bên Việt nam có đám ma đám cứới gì thì em cũng gởi chút ít về, của ít lòng nhiều, em nhớ hoài cái tình của các bác khi nhà em từ ngoài Trung vào ở trong cái chòi tre nhỏ xíu trên ruộng rau lang, không quên được. Cái hôm thằng em họ cưới vợ, thằng em họ ngày nào em tá túc bên nhà nó sau khi hái lá lốt để tránh không về nhà đụng độ đám thợ xây trong đó có anh Tâm, em gởi anh Tâm mang tiền về Việt nam phụ hai bác em lo đám cưới cho nó.
Bố em mất. Mẹ em còn trẻ lắm, bà mới có sáu mươi hai tuổi. Hôm nọ có bà cụ trong xóm, tuổi gần chín mươi, dắt người cháu, một ông góa vợ bảy mươi tuổi từ Mỹ về, đến gặp mẹ em. Mẹ em từ chối lời cầu hôn của ông Việt Kiễu Mỹ. Giấy tờ em bảo lãnh mẹ em đang xúc tiến, em nôn nao mong ngày gặp lại mẹ em, tụi nhỏ mong bà ngoại qua Mỹ vô cùng…..
Tin sét đánh! Kết quả thử máu từ sở di trú cho thấy em với mẹ em không có liên hệ huyết thống gì cả. Em là con nuôi của bố mẹ em. EM LÀ CON NUÔI! Đất trời như đổ sập trước mắt em. Hồi làm khai sanh cho em ở Việt Nam, bố mẹ để em là con ruột, bây giờ đến lúc làm giấy tờ bảo lãnh cho mẹ em chuyện mới vở lở ra…….
Ngày xưa hồi ở ngoài Trung, có một bà mẹ có năm đứa con gái, đứa con gái út mới sinh, bà không có khả năng lo toan cho năm đứa con nên đành đem đứa con út cho một gia đình khác. Gia đình này có chín đứa con, nhận thêm đứa bé gái này nữa là thành mười miệng ăn. Đó là gia đình bác em, theo lời mẹ em kể lại, và bà chỉ biết đến như vậy. Khi em được hai tháng tuổi, gia đình bác em chuyển em qua cho bố mẹ em, một cặp vợ chồng còn trẻ nhưng không sinh con được và mong có một đứa con. Vậy là bố mẹ làm khai sanh cho em là con ruột, đặt tên em là Lan.
Mẹ em ỏ Việt Nam, không bao giờ em nghĩ bà là mẹ nuôi của em, bây giờ em không bảo lãnh bà qua Mỹ được với em. Mẹ ruột của em bây giờ ở đâu, bốn người chị ruột của em bây giờ ra sao, còn hay mất, lưu lạc chốn nào, em không biết được. Bố đẻ của em là ai, hồi em mới sinh ra mẹ ruột của em có dặt tên cho em hay không, em không có câu trả lời. Em ở Mỹ, xa Việt Nam quá chừng, nghĩ về Việt nam là đau gì đâu…
Em tên Lan. Trên giấy tờ em tên Lan. Quê em ở ngoài Trung.

Karen N. Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
30/10/201409:14:36
Khách
Truyện dễ thương quá!
29/11/201120:45:46
Khách
Loi van ngan gon, day xuc tich.
Con nguoi ai cung muon tim ve coi re cua minh, mong tac gia duoc nhu y nguyen.
Than.
29/11/201106:46:34
Khách
Toi thay co Lan nay khong nen buon phien vi mac du la con nuoi, nhung theo loi ke cua co, thi bo me co cung thuong co het muc. Ong ba khong co cong sinh, nhung co cong duong. Co khong nen nghi ngoi xa xoi den nguoi da de co ra va cho co di. Ho cung ngheo kho' qua nen moi phai hanh dong nhu vay.
Toi hoi thac mac mot diem : Tai sao con bao lanh me. ma phai thu mau? Co le co khong co giay khai sinh chang?
04/12/201113:59:42
Khách
Cô dược sĩ này có tài "viết truyện " đó . Xin vui lòng viết thường nhé. Cám ơn " nhà văn ".
28/11/201119:08:13
Khách
Tác giả là dân trí thức , mà viết bài này, giả giọng văn y chang con bé quê mùa ít học Vn qua Mỹ làm nails, nếu không nhìn tên tác giả, đó ai biết bài này do bà dược sĩ viết?
Công nhận tác giả có óc nhận xét tinh tế và là nhà văn có chân tài.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,659,720
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết như ng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác Giả viết bài nầy thay cho những ai lần đầu tiên được làm mẹ, hoặc sắp làm mẹ, muốn gởi gắm đến cho đứa con yêu quí. Tuy hoàn cảnh hoặc hành sử có thể khác nhau nhưng tình mẫu tử thiêng liêng không khác biệt. Tác giả quê quán ở Bến Tre, sang Mỹ năm 1973. Ông gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015, nhận được giải danh dự năm 2016, và giải Á Khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Hiện Tác Giả đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả đã qua tuổi bát tuần, hiện là cư dân Bắc California, Trước 30 tháng Tư 1975, ông là công chức chính ngạch của VNCH. Saigon đổi đời, cuối tháng Mười 1977, vượt biên tới Thái Lan. Định cư tại Vùng Vịnh San Francisco, Calif, từ ngày 9 tháng Một 1978. Ông đã dự Viết Về Nước Mỹ từ 2010, với bài viết kể chuyện tổ chức vượt biển và nuôi dạy các con thành người hữu dụng trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới để tạ ơn tự do, thương phế binh Việt Mỹ, và đặc biệt, Tạ ơn Đức Thánh Trần.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Năm 2017, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà là chuyện mùa Giáng Sinh.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Bài mới nhất là chuyện mùa giáng sinh
Trước Tháng Tư 1975, tác giả là một Hải Quân Trung Uý VNCH, rồi thành cựu tù cải tạo, tự lái tầu vượt biển, định cư tại Úc. Với nhiều bài viết sống động, trong đó có “Làm Thế Nào Để Chôn Hai Chế Độ,” kể chuyện được cô bí thư 12 tuổi đảng bảo lãnh ra khỏi trại cải tạo Vườn Đào, ông là tác giả vào danh sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài viết mới nhất..
Tác giả sinh năm 1944, định cư ở Mỹ năm 1979, sống ở California 25 năm với nghề điêu khắc gỗ. Một số tượng điêu khắc gỗ cỡ lớn hiện đang toạ lạc trên đường phố và nơi công cộng của các thành phố Seaside, Monterey, và Los Gatos tại California là công trình của ông Tú.
Nhạc sĩ Cung Tiến