Hôm nay,  

Nghề Giáo Bất Đắc Dĩ: Tri Ân Thầy Cô

25/11/201100:00:00(Xem: 164388)
Nghề Giáo Bất Đắc Dĩ: Tri Ân Thầy Cô

Tác giả: Phan Kim Phẩm 
Bài số 3416-12-2876vb6112511

Tác giả nguyên là nhà giáo dạy trường Ngô Quyền Biên Hoà, di tản sang Mỹ từ 1975, hiện làm cho Hewlett- Packard, Analytical Division, với nhiệm vụ Technical Marketing Trainer, công việc của ông là huấn luyện các kỹ sư tại nhiều quốc gia. Bài được viết nhân mùa Lễ Tạ Ơn để tri ân các thầy cô giáo cũ. Mong tác giả sẽ tiếp tục chia sẻ thêm những kinh nghiệm.
vvnm-vb6-25-11-large-contentHình ảnh theo chiều kìm đồng hồ: tác giả hướng dẫn các kỹ sư học viên tại Beijing, Trung Quốc 2007; Tại Hachioji - Tokyo, Nhật- 2008; Tại seminar Bangladesh 2010; Và seminar tại Đại Học Bách Khoa Hà Nội 2009

***

Tôi tin là tất cả mọi việc xẩy ra trên đời nầy đều có lý do và dù có “chạy trời cũng không khỏi nắng”. Trong những việc đã xẩy ra trong đời tôi thì dạy học là một chuyện bất ngờ không định trước nhưng nghiệp thầy giáo ấy vẫn đeo đuổi theo tôi cho đến tận hôm nay.
Sau khi thi đậu tú tài 2 năm 1968 mà các bạn thời ấy thường gọi đùa là “tú tài Mậu Thân” thì tôi và các bạn đồng học bắt đầu bước sang một con đường mới mà tương lai thì mịt mù không biết là sẽ đi về đâu. Các bạn như Xương, Tới, Tranh (đã chết trong chiến tranh) … thì với tuổi quân dịch nên chia tay gia đình, bạn bè lên đường nhập ngũ. Tôi và Minh cùng nhiều bạn khác như Hiệp, Liên, Huê ... thì bắt đầu thi vào những trường mà đa số cha mẹ đều mong muốn con mình được vào học. Tôi thì vì thiếu may mắn nên không lọt vào “mắt xanh” của trường Y lẫn Dược. Đúng là số trời quá bất công cho tôi lúc ấy khi tôi là “tài xế Suzuki” cho Minh quá giang đi thi cả hai trường mà chả trường nào tôi lọt vào được còn Minh thì thảm đỏ đã trải ra trước cổng trường đón chờ anh ấy!
Vào lúc ấy, nếu không vào đại học thì sẽ bi gọi quân dịch nên tôi ghi tên học đại học Khoa Học Saigon và ban dự bị (SPCN). Vào thập niên 1970s, nếu học Khoa Học thì hoặc là làm việc ở trường như một nhà nghiên cứu hay giảng sư Đại học còn không thì thi vào sư phạm để làm giáo sư. Tôi thì không có mộng làm nghể gõ đầu trẻ vì không có cái kiên nhẫn chỉ dẫn các em với lý do giản dị là trong gia đình tôi đã có 7 em mà tôi là anh thứ ba phải chỉ dẫn, la hét các em mỗi ngày đã quá ư là mệt nhọc rồi nên không còn chút năng lực nào nữa để hướng dẫn các em nhỏ, là con cháu của người khác! Mộng ước lúc ấy của tôi là tốt nghiệp bằng cử nhân Hóa học rồi sẽ tìm việc làm ở khu kỹ nghệ Biên Hòa vừa lương cao, vừa tiếp tục việc phân tích.
Vào một buổi chiều của năm 1971, khi tôi đang học năm thứ ba ban Sinh Hóa và là nghiệm chế viên của phòng thí nghiệm của trường, tôi về Biên Hòa để thăm cha của một người bạn đang nằm điều trị tại nhà thương. Trên đường vào nhà thương thì tôi gặp thầy Quýnh cũng vừa thăm người bạn trở ra. Thầy Quýnh là thầy Việt văn của tôi thời trung học đệ nhất cấp và là người thầy khả kính của tôi mà từ ngày ra trường tôi chưa gặp lại thầy. Sau khi tay bắt mặt mừng thì thầy có hỏi tôi về học vấn cũng như sinh hoạt của tôi. Vào lúc ấy thì thầy Quýnh đã được cử làm thầy hiệu trưởng trường trung học Công Thanh, Biên Hòa. Sau khi biết tôi đang học Khoa Học và làm việc tại phòng Sinh Hóa thì thầy hỏi tôi có muốn về dạy học ở trường Công Thanh ban đệ nhị cấp và phụ trách phần hóa học hay không. Vào thời ấy, môn hóa học đã được thay đổi cho phù hợp với những nghiên cứu sau nầy và được gọi là “tân hóa học” với những từ như quỷ đạo “orbital” spin sp1 sp2, bảng phân loại tuần hoàn (Periodic Table) và môn nầy được dùng cho những đề thi tú tài 2 nên sinh viên học ngành hóa học rất được ưa chuộng ở các trường trung học cũng như các trường luyện thi tú tài.
Đề nghị của thầy Quýnh đem đến bất ngờ mà tôi cần suy nghĩ lại vì lúc ấy tôi còn một năm nữa là xong đại học nên nếu nhận job dạy học thì liệu có đủ thời gian để học cho xong hay không" Công Thanh thì lại quá xa để tôi chạy xe từ Saigon, nơi mà ba mẹ tôi mua nhà để chúng tôi ở khi lên đại học, về một tuần ba lần. Ngoài ra, vào thời ấy nếu thi rớt thì sẽ bị đưa vào quân đội nên việc học và thi đậu là ước nguyện của ba mẹ tôi và là ưu tiên hàng đầu của tôi.
Cùng thầy Quýnh và các em học sinh trước khi đi ủy lạo chiến sĩ
Tuy nhiên, thời sinh viên lúc ấy, tôi vừa nghèo mà lại không dám xin tiền cha mẹ vốn có đồng lương ít ỏi của công chức (ba tôi làm hành chánh còn mẹ thì là cô giáo lớp ba trường nữ tiểu học) mà phải lo cho một bầy con chín đứa nhưng quan trọng nhất là tôi cần tiền để còn cưới vợ nên tôi bằng lòng ngay “offer” của thầy. Tuy nhiên tôi lại lo vì chưa có bằng sư phạm thì biết gì mà dạy học" Thầy Quýnh bảo ngay là thầy sẽ chỉ dẩn tôi thêm về cách dạy học nhưng tất cả kinh nghiệm thu nhập được tùy theo thời gian và hoàn cảnh của từng người.
Thầy và cô Trân còn giúp tôi trên phương diện di chuyển bằng cách cho quá giang xe Opel đi làm. Ngoài ra, để tận dụng tất cả thời gian khi tôi từ Saigon về dạy ở Công Thanh và cũng giúp thêm tài chính cho tôi, cô Trân lại sắp thêm giờ dạy học cho tôi ở trường tư thục Quốc Tuấn nữa. Thế là tôi bắt đầu nghề dạy học từ trường Công Thanh và với sự đỡ đầu của thầy Quýnh và cô Trân. Trong lúc dạy ở Công Thanh thì tôi cũng qua lại với các trường học khác và cuối cùng thì có chân dạy học ở trường Ngô Quyền đêm, trường tư thục Minh Tân và trường Thăng Long. Từ đó số học trò của tôi càng lúc càng đông nhất là tại các lớp luyện thi tú tài hai.
Nghề dạy học có những cái vui, nỗi buồn nhưng với tôi thì vui nhất là được đem sự hiểu biết của mình truyền lại cho các em để mong rằng các em ấy sau nầy sẽ còn tốt hơn, hay hơn chính thầy của chúng nó và mong là chúng sẽ thành công trên trường đời.
Tôi còn nhớ là trong một đêm dạy ở Ngô Quyền thì bỗng dưng thấy có một số học sinh xông đến lớp của tôi mà nhìn lại thì đó là 5 em học trò của tôi ở Công Thanh. Các em ấy vừa từ Saigon về và chạy thẳng đến tìm tôi cho biết là các em ấy đã thi đậu tú tài và cám ơn tôi. Các em đang học luyện thi khi nghe tin vui từ các bạn ở Công Thanh thì đều vỗ tay chúc mừng các em đã thi đậu. Còn gì sung sướng hơn cho nghề dạy học là được thấy học trò thành đạt qua sự hướng dẩn của mình" Khi ấy tôi chỉ muốn ôm chầm các em ấy để bày tỏ sự hãnh diện của mình về sự thành đạt của các em.
Một thí dụ khác là sau khi di tản năm 1975 thì qua tin nhắn trên báo Hồn Việt, tôi được biết là có một em học sinh Ngô Quyền đêm nhắn tin muốn tìm tôi. Em ấy định cư ở Virginia và sang đây một tuần sau ngày 30 tháng 4, 1975. Em ấy bảo là muốn tìm tôi để cám ơn vì sau khi học lớp luyện thi tú tài 2 thì em thi đậu, được lên chức sĩ quan và làm việc ở căn cứ không quân Biên Hòa. Em cho biết là nhờ bằng tú tài hai mà em được làm việc gần nhà và có cơ hội đưa cả gia đình sang đây. Đó là những kỷ niệm đẹp trong nghề dạy học ở Việt Nam của tôi.

Còn chuyện buồn thì chính do tôi tạo nên. Ngày xưa, lúc dạy học thì tôi rất nghiêm khắc, trừng phạt học trò đích đáng như cấm túc hoặc không cho tiếp tục học nếu chúng không làm xong bài thi hay phá phách trong lớp. Vì sự nghiêm khắc ấy mà một buổi chiều sau khi tan học ở trường Thăng Long và tôi vừa lái xe ra khỏi cổng trường thì bỗng có một viên đá to ném thẳng vào người tôi mà người ném đá ấy không ai khác hơn là từ một em mà tôi đã phạt cách đây một giờ. Cũng may là viên đá ấy không gây thương tích cho tôi nhưng tôi vừa sợ, vừa mắc cỡ trước nhiều con mắt chứng kiến của các thầy cô khác cùng học trò. Ngày hôm sau thì vị hiệu trưởng trường Thăng Long đưa em ấy cùng cha mẹ đến gặp tôi để xin lỗi và mong tôi chấp nhận em được trở vào lớp học.
Biến cố năm 1975 đã đổi thay thế giới trầm lặng của tôi khi cưu mang nhiều lo âu lẫn buồn bực. Nỗi buồn xa xứ, nỗi đau mất nước rồi lại phải lo âu về cuộc đời mới mà tương lai thì chưa biết sẽ đưa chúng tôi về đâu!
Một tuần trước ngày 30 tháng 4, 1975, tôi theo gia đình Lynh sang Mỹ với hành trang mà chúng tôi có trong tay là $10.00, đứa con gái, Kim, chỉ mới được 6 tháng tuổi và một valise chỉ vỏn vẹn có quần áo của cháu kèm theo vốn liếng tiếng Anh của tôi thì vừa đủ đếm trên đầu ngón tay. Lynh thì từng du học ở Mỹ qua chương trình AFS, tốt nghiệp Đại học Sư phạm ban Anh văn nên nói năng chả thua người bản xứ nhưng vì bận săn sóc cháu nhỏ nên tôi là người đi tìm việc làm đầu tiên trong gia đình.
Lúc ấy, tôi còn nhớ là khi đi interview cho laboratory job, ông Manager hỏi ở Việt Nam làm nghề gì thì tôi bảo ngay một cách hãnh diện không sợ hãi là:
- “I make laboratory” (ý là “tôi làm phòng thí nghiệm”)
Như thế thì làm sao với vốn liếng tiếng Anh ăn đong của tôi mà tìm được việc làm trong lab cho đúng nghề học của mình để nuôi gia đình" Từ lúc ấy, bao nhiêu job đã có trong resume của tôi như cherry picking đến bartender đến kitchen helper đến dishwasher nhưng job liên quan đến học hành thì tìm mãi cũng không ra!
Cuối cùng, với tính phấn đấu của người Việt Nam dể thích nghi trong mọi hoàn cảnh, chúng tôi đã được chấp nhận đi học trở lại với đúng nghề của mình ngày xưa, tôi thì học cao học ban hóa học phân tích, analytical chemistry, còn Lynh thì cao học về School Counseling tại University of Idaho. Chúng tôi ra trường năm 1978 và di chuyển gia đình xuống San Jose, nơi đất lành, chim đậu. Tôi thì làm cho công ty Hewlett- Packard, Analytical Division, còn Lynh thì làm việc cho quận hạt Santa Clara cho đến bây giờ.
Công việc của tôi tại công ty HP là làm việc chung với R&D về những thiết bị phân tích hóa học (analytical instrumentation) để khách hàng dùng nó mà phân tích: độc tố trong thực phẩm như pesticide, ứng dụng cho drug discovery, clinical trial và phân tích DNA/Gene. Việc làm nầy rất thích hợp với môn hóa mà tôi ưa thích và áp dụng đúng với chương trình cao học mà tôi đã đạt được tại University of Idaho.
Mọi việc tiếp diễn bình thường cho đến một hôm thì ông boss của nhóm marketing gặp tôi và bảo là “với kinh nghiệm của anh về kỹ thuật, tôi nghĩ anh có thể truyền đạt kiến thức của anh cho các kỹ sư dịch vụ (service engineer) và đồng thời hướng dẫn khách hàng về ứng dụng (application)”. Ông ấy nói thêm:
- Tôi có một chức Technical Marketing Trainer cho anh, nếu anh thích.
Thật là một tin nóng hổi và đầy hấp dẫn nhưng làm sao tôi có thể dám nhận việc nầy khi mà học trò ở đây “hỗn như gấu”. Lộn xộn là chúng thẩm định (evaluate) ngay mà nếu bị điểm xấu thì chỉ có nước đi tìm job khác. Ngoài ra, dù Mỹ bảo là không còn kỳ thị nữa nhưng tụi Mẽo mà thấy ông thầy da vàng mũi tẹt là nhất định sẽ than phiền với boss là
“Hắn nói gì tôi không hiểu/ I do not understand what he is talking about”.
Nếu việc than phiền nầy xẩy ra thì tôi chỉ còn cách cuốn gói về nhà chăn vịt trời. Tuy nhiên, tôi tự tin là với kiến thức có sẵn cộng với kinh nghiệm dạy học của tôi lúc còn ở Biên Hòa thì tôi có thể làm thầy giáo bên Mỹ được. Ngoài ra, với chức nầy thì lương sẽ khá hơn mà lại còn được “chu du khắp nơi” để dạy khách hàng “tứ xứ” nên tôi mạnh dạn chấp nhận cái job nầy.
Lần đầu đứng lớp ở Mỹ mang đến sự sợ hãi và lo âu mặc dù tôi chuẩn bị khá chu đáo cho bài vở của mình với note ghi đầy trên giấy, học thuộc lòng lecture cả mấy ngày trước, slide presentation với speaker note … nhưng sự hồi hộp vẫn không xóa bỏ được. Ngày đầu tiên dạy học, để tạo phần trang nghiêm tôi còn đeo thêm cái cà vạt và “hùng dũng” tiến vào lớp học. Một tên kỹ sư mà tôi biết từ trước nhìn tôi mà nói rằng:
-“Pham, you cannot impress me with your tie! What we need from you is your technical expertise and your ability to share your knowledge to us” (mà tôi tạm dịch là “Phẩm, cái cà vạt của ông không làm hấp dẫn tôi đâu. Chúng tôi chỉ muốn ông chia xẻ kiến thức của ông cho chúng tôi!”)
Người Mỹ có cái ưu điểm là “thấy sao nói vậy” nên lời nói của anh ấy đã cho tôi một bài học đáng giá trong ngày đầu tiên dạy học trên đất Mỹ và thứ đến là câu nói “chiếc áo không làm nên thầy tu” ấy quá đúng!
Chuyện nầy xẩy ra từ 20 năm trước và hiện nay nếu theo trí nhớ của tôi thì tôi đã “gõ khoảng 400 đầu trẻ” cho công ty. Những học trò của tôi không thuần là chỉ ở Mỹ mà còn ở khắp thế giới vì công ty Agilent Technologies, Inc., công ty tách rời khỏi HP năm 1999, là một global company với chi nhánh có tại nhiều quốc gia trên thế giới và thậm chí có văn phòng ở Saigon nữa. Vì có cơ hội đi dạy tại nhiều quốc gia khác nhau nên tôi có nhận xét là truyền thống “quân, sư, phụ” vẫn còn được tôn trọng ở Trung quốc, Việt Nam và các nước Á Châu khác.
Còn bọn Tây hay Mỹ thì vẫn chứng nào tật ấy “dạy học là việc làm của ông nên không có gì để chúng tôi cám ơn cả!” Và “chúng tôi mà không đi học thì ông thất nghiệp ngay!” Nhưng chúng có biết đâu “Ông mà không dạy thì chúng mày mất việc ngay vì biết gì mà làm!”
Tuy nhiên, cũng như những kỷ niệm tôi có được với học trò ngày xưa tại Việt Nam, tôi rất sung sướng và hãnh diện khi các kỹ sư tham dự các khóa huấn luyện của tôi e-mail hay phone cho biết là “your training has helped me to support customers successfully, sự giảng dạy của ông đã giúp tôi thành công trong việc trợ giúp khách hàng!” Nhận được những lời nói như thế đủ đem đến tôi một phần thưởng giá trị mà học trò dành cho thầy giáo.
Nhân tiện tôi xin kèm theo vài tấm ảnh ghi nhận được trong những buổi thuyết trình cho khách hàng hay dạy tại công ty.
Nghề thầy giáo tuy có bạc bẽo nhưng khi nhìn thấy các học trò của mình thành đạt và còn giỏi hơn mình nữa thì không còn gì vui bằng, có phải không thầy Phạm Ngọc Quýnh, thầy Mai Kiến Phúc, thầy Kiều Vĩnh Phúc, cô Nguyễn Thị Thu, cô Đặng Thị Trí, thầy Nguyễn Thất Hiệp, thầy Nguyễn Bát Tuấn, thầy Nguyễn Xuân Hoàng, thầy Nguyễn Thế Văn, thầy Lâm Tấn Văn, thầy Phạm Gia Hưng, thầy Phạm Đức Bảo, thầy Hà Tường Cát, cô Phan Thị Tốt, cô Đào Thị Nga, cô Phạm Thị Hòa, thầy Phan Thanh Hoài, cô Đinh Hồng Oanh, cô Bạch Thị Bê, cô Khương Thị Bàn, cô Phan Thị Ngọc Tuấn, thầy Hoàng Quý Nam, thầy Đào Mạnh Đạt, thầy Thân Trọng Hưng, cô Phan Thị Tốt, thầy Nguyễn Thăng Long, thầy Nguyễn Phi Hùng, thầy Trần Phiên và nhiều thầy cô nữa mà tôi xin lỗi không nhớ được tất cả.
Các thầy cô kể trên đã giúp đỡ tôi, động viên tinh thần cho tôi, cho tôi kiến thức cùng vốn liếng học vấn để tôi nên người như ngày hôm nay. Tôi muốn dùng bài viết này để tri ân các thầy cô trong ngày lễ Tạ Ơn 2011.
Happy Thanksgivings to all.
Phan Kim Phẩm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,314,323
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Có thể bạn đã tới hoặc đã đọc về Venice, mà không dè thành phố du lịch kỳ thú này là một công trình của đám dân tị nạn. Mời đọc thêm du ký mới viết của Nguyễn Tài Ngọc.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ với cách nhiòn cách viết vui vẻ, sống động. Mong ông tiếp tục viết và vui lòng bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến