Hôm nay,  

Thanksgiving: Tri Ân Người Bảo Trợ

24/11/201100:00:00(Xem: 176536)
Thanksgiving: Tri Ân Người Bảo Trợ

Tác giả: Nguyễn Duy An 
Bài số 3415-12-2875vb4112411

Một lần nữa, mời đọc bài viết đặc biệt của Nguyễn Duy An cho ngày lễ tạ ơn 2011. Năm 2006, ông là tác giả được trao tặng giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ. Tác giả cũng là người Á châu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Senior Vice President của National Geographic, tổ chức văn hoá khoa học bất vụ lợi lớn nhất thế giới.

***

Tôi rời nông trại của người bảo trợ mấy ngày trước Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) năm 1984 vì không muốn một mình ngồi nhìn cảnh gia đình 9 người con và gần 20 đứa cháu nội ngoại của họ sum họp quây quần vào dịp lễ. Sau khi chở tôi đến trạm xe “bus” ở thành phố Pittsbugh, trước khi quay về, ông William McCarthy (người bảo trợ) đã trao cho tôi một bao thơ khá dày rồi ôm tôi vào lòng nói nhỏ:
- John... Con đi bình an. Đây là món quà nho nhỏ của anh chị em trong gia đình đóng góp để giúp con trong bước đầu. Con cứ đi, nhưng nếu có gì bất trắc, hãy trở về nghe con. Trở về bất cứ lúc nào... Mãi mãi con là đứa con thứ mười của gia đình ta.
Tôi siết chặt vòng tay, nghẹn ngào thốt lên trong tiếng nấc: “Daddy!”
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được tình phụ tử qua giọng nói, vòng tay và nhịp đập từ trái tim của một người không phải là cha tôi. Tôi bồn chồn xúc động, bịn rịn không muốn lên xe... Có lẽ tôi đã sai khi quyết định ra đi.
Biết tôi bị giao động, ông William McCarthy từ từ nới rộng vòng tay ôm, đặt hai tay lên vai tôi, rồi ôn tồn nói:
- Con cứ đi đi... Con đã liều mình xuống tầu vượt biển để đi tìm một ước mơ, chẳng lẽ con quên rồi sao" Chúng ta sẽ còn gặp lại, phải không" Hoặc giả như con không đạt được ước mơ của mình, cứ trở về, không sao hết. Chúc con thượng lộ bình an.
Nói rồi ông vội vàng quay gót ra xe. Nếu lúc đó ông William McCarthy nói “ở lại” chắc chắn tôi sẽ không còn đủ can đảm ra đi. Bần thần! Hụt hẫng! Băn Khoăn! Tôi đứng lặng người như một kẻ mất hồn! Ngay khi vừa chợt tỉnh cơn mê, tôi chỉ muốn quay trở về với gia đình người bảo trợ rồi mọi sự tính sau nhưng ông William McCarthy đã lái xe đi mất tự lúc nào.
Cuối tháng 7, 1984 tôi rời trại tỵ nạn lên đường đi định cư tại nông trại của người bảo trợ với hai bộ quần áo và một mớ sách vở, giấy tờ vặt vãnh... Hôm nay tôi rời nông trại ra đi với hai “valise” xếp đầy quần áo mới và một túi xách đựng bao nhiêu thứ nhu yếu phẩm, từ dao cạo râu, xà bông tắm, giầy dép... Ngay cả quần áo lót, bà Mary McCarthy cũng sắm thêm cho tôi 18 bộ vì “cuộc sống ở thành phố lớn rất bận rộn, có khi cuối tuần cũng không có giờ để giặt nên con cần phải có cái mà thay đổi!” Gần 4 tháng trời sống chung với ông bà bảo trợ, ăn ở không mất tiền, mỗi ngày lại còn được trả lương 20 Dollars mặc dầu tôi chỉ làm “thợ vịn” cho ông bà chứ không tự mình làm được việc gì nên hồn trong nông trại. Ngay cả việc lái máy cày tôi cũng phải học cả tháng nhưng chưa bao giờ điều khiển cho nó chạy ngay hàng thẳng lối được.
Tối hôm trước ông bà đã cho tôi thêm một ngàn, bây giờ lại còn trao cho tôi một bao thơ do anh chị em trong gia đình đóng góp... Ân tình này làm sao tôi quên được. Tôi là một người xa lạ, khác chủng tộc, không cùng mầu da ngôn ngữ, nhưng được gia đình người bảo trợ đón nhận như một đứa con trong gia đình.
Tạ ơn. Tôi xin tạ ơn và khắc ghi vào tâm khảm tấm lòng cao trọng của đại gia đình ông bà McCarthy. Tôi biết mình sẽ không bao giờ có thể đền đáp được những ân tình gia đình người bảo trợ đã dành cho tôi trong những ngày đầu sống kiếp tha hương nơi xứ lạ quê người. Chính lúc tôi cất bước ra đi cũng là lúc tôi nhận thức được rằng ngoài gia đình cha mẹ ở Bình Giả, Việt Nam tôi còn có thêm một gia đình mới ở một nông trại cách xa thành phố Pittsbugh, tiểu bang Pennsylvania khoảng 100 cây số về hướng Tây Bắc. Tôi tự hứa với lòng mình rằng tôi sẽ trở về, dù thành công hay thất bại tôi cũng phải trở về! Tôi phải trở về để được một lần chính thức nói lời TRI ÂN với “cha mẹ” và anh chị em trong gia đình mới của tôi.
Ngày tháng lặng lẽ qua mau... Tôi hòa nhập vào cuộc sống mới, vừa làm vừa học nên mãi đến 3 năm sau tôi mới có dịp trở về nông trại. Tôi trở về lúc xế chiều vào đúng ngày Lễ Tạ Ơn năm 1987 để “sum họp gia đình” lần cuối ở nông trại vì “cha mẹ” tôi đã quyết định bán nông trại và sẽ về hưu tại thành phố Youngstown, tiểu bang Ohio để ở gần với gia đình người con trưởng. Ngày đón tôi về nông trại lần đầu tiên chỉ có ông bà và người con trai út tên Michael đang nghỉ hè ở nhà. Ngày tôi ra đi, chỉ còn hai ông bà ở lại nông trại; và hôm nay tôi trở lại, đại gia đình tổng cộng 40 người, gồm con cái, dâu rể, và các cháu quây quần chào đón “đứa con lạc loài” là tôi.

Michael liến thoắng kể lại chuyện hiểu lầm ngôn ngữ ngày đón tôi ở phi trường Pittsbugh cho cả nhà nghe... Hôm đó, sau khi máy bay hạ cánh, tôi chờ những hành khách khác ra hết rồi mới lững thững mang túi xách ra sau cùng. Vừa ra khỏi cửa máy bay, Michael tới hỏi tôi “Are you Duy"” nhưng tôi nghe không rõ, cứ tưởng anh ta hỏi “How are you doing"” nên trả lời ngắn gọn “Fine, thank you” rồi chạy vội vào nhà vệ sinh.
Sau khi trở ra, tôi kiếm cái ghế trống bình tĩnh ngồi chờ vì hôm trước tôi bị lỡ chuyến bay ở Seattle nên tới trễ mất một ngày, và có thể hãng máy bay và hội USCC không kịp thông báo giờ giấc và chuyến bay mới cho người bảo trợ tới đón... Mãi gần một tiếng sau, Michael chạy đến nói gì đó với mấy người làm việc cho hãng máy bay United Airlines, rồi có tiếng loa phóng thanh gọi tên tôi mấy lần nhưng tôi chỉ nghe được mấy tiếng “refugee” (người tỵ nạn) và “sponsor” (người bảo trợ) nên tôi bước đển quầy bán vé đưa hồ sơ Cao Uỷ cho họ xem. Vừa nhìn thấy túi hồ sơ có tên tôi viết bên ngoài, Michael nắm chặt tay tôi rồi gọi cha mẹ đến nhận người. Michael cứ thắc mắc sao lúc nãy anh ta hỏi tôi lại không nhận mà chỉ nói “thank you” rồi bỏ đi. Hóa ra khi đọc tên Nguyễn Duy-An trong giấy tờ bảo lãnh, Michael không biết gọi làm sao nên đoán là “đu hay đoai” gì đó và giọng nói của những người Mỹ ở vùng Pittsbugh cũng rất khó nghe nên tôi hiểu lầm. Sau đó Michael lại kể thêm chuyện tôi phải “năn nỉ” xin miếng bánh mì đầu tiên khi mới được đón về nông trại vì tôi không thể nào nuốt nổi tô cơm nấu bằng gạo “Uncle Ben” trộn lẫn với bơ, đậu xanh, và nhiều thứ khác nữa, trông như một tô cám heo con!
Cả nhà ân cần thăm hỏi tôi đủ chuyện, từ nơi ăn chốn ở tới việc học hành, việc đi làm thêm vào ban đêm... và cũng hỏi xem tôi đã có người yêu Việt Nam hay chưa, mặc dầu thỉnh thoảng chúng tôi vẫn viết thơ, gọi điện thoại thăm hỏi và kể cho nhau nghe đủ chuyện. Vào cuối bữa tiệc “Tạ Ơn”, sau khi mỗi người chúng tôi đã nói lên tâm tình biết ơn “cha mẹ” và anh chị em trong gia đình, “cha tôi” trịnh trọng đứng lên, với tay lấy một tập hồ sơ lớn để lên bàn rồi dõng dạc tuyên bố:
- Như các con biết, nông trại này đã sang tên cho người khác, và tuần sau cha mẹ sẽ dọn vào nhà mới ở Youngstown để an dưỡng tuổi già. Số tiền bán cái nông trại này, tuy không lớn lắm nhưng cũng không phải là nhỏ. Cha mẹ đã sắp xếp đầy đủ tiền sinh hoạt cho tới ngày nhắm mắt xuôi tay, phần còn lại, cha mẹ chia đều ra 10 phần cho các con, kể cả John. Bây giờ cha mẹ trao lại cho các con.
Tôi bật khóc nức nở không nói nên lời. Người anh lớn trong gia đình đại diện anh chị em xin ông bà giữ lại vì tương đối ai cũng “an cư lạc nghiệp” và khi nào có ai trong gia đình gặp khó khăn thì giúp cho người đó, nhưng ông bà không chịu, cứ bắt mọi người phải nhận. Chị Peggy, người con thứ hai trong gia đình, một nữ tu thuộc dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa xin được dâng cúng phần của chị vào quỹ của nhà dòng để giúp người nghèo. Tôi cũng xin được đóng góp theo chị...
Mấy ngày sau chúng tôi lại lần lượt ra đi, kẻ trước người sau dơ tay vẫy chào “vĩnh biệt” nông trại, cái nôi đầu tiên của đại gia đình chúng tôi. Trước khi tôi lái xe trở về Virginia, ông bà bảo trợ cứ dặn đi dặn lại là phải báo tin cho ông bà biết khi tôi ra trường, lập gia đình... để ông bà sắp xếp tới tham dự và chúc mừng. Sau khi tôi đề máy xe chuẩn bị sang số, ông lại “dúi” vào tay tôi một bao thơ: “Con cầm lấy đi đường đổ xăng, ăn uống và mua quà gởi về giúp cha mẹ con bên nhà. Phần ta chia cho con, con đã dâng cúng cho nhà dòng hết rồi còn đâu... Thôi, con đi bình an!”
Mấy tháng sau tôi nhận được hung tin ông qua đời vì tai nạn xe hơi trong một cơn bão tuyết ở Youngstown. Sau khi ông mất, bà “mất trí” nên anh chị em chúng tôi phải gởi bà vào dưỡng trí viện!
Ông bà bảo trợ của tôi không còn nữa! Tôi từ giã nông trại ra đi vào dịp Lễ Tạ Ơn và cũng đã trở về gặp lại “cha mẹ” và anh chị em lần cuối ở nông trại vào dịp Lễ Tạ Ơn. Tôi đã một thân một mình rời bỏ quê cha đất tổ ra đi sống đời tỵ nạn nơi xứ lạ quê người, nhưng tôi may mắn được gia đình ông bà McCarthy đón nhận như một người con trong gia đình. Khi tôi đến với hai bàn tay trắng, ông bà đã “cho” tôi tất cả, từ vật chất tới tinh thần như một đứa con ruột thịt của ông bà. Ngày tôi ra đi, ông bà đã lo toan sắm sửa đầy đủ mọi thứ cho tôi đi “ở riêng” và lúc nào cũng quan tâm lo lắng, an ủi, khích lệ và nhất là cho tôi một chỗ dựa tinh thần rất vững chắc để tôi có đủ can đảm dấn thân hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ, và nếu thất bại “cứ trở về” vì lúc nào ông bà cũng dang rộng vòng tay chờ đón tôi trở về như một đứa con trong gia đình.
Mỗi lần Lễ Tạ Ơn trở về tôi lại nhớ “cha mẹ” và những ngày sống ở nông trại thật nhiều. Tôi chưa làm được một chút gì để gọi là đền đáp hay trả ơn người bảo trợ của mình. Niềm mơ ước của ông bà là được đến chung vui với tôi ngày ra trường hay lập gia đình cũng không được toại nguyện! Tạ ơn. Tôi xin tạ ơn và khắc ghi vào tâm khảm hai chữ “TRI ÂN” người bảo trợ của tôi cho đến trọn đời.
Nguyễn Duy-An

Ý kiến bạn đọc
11/12/201918:05:52
Khách
Hom nay toi lai duoc doc them mot bai viet cua tac gia, ma cung nhu nhung bai truoc, bai tu truyen rat hay, noi len tac gia la nguoi rat giau tinh cam!
Xin chan thanh cam on Ong, va chuc Ong cung gia dinh luon duoc an lanh!

Leslie Nguyen Occhipinti
28/11/201110:25:17
Khách
Tác giả thật sâu sắc. Gia đình luôn là cội nguồn cho một con người phát triển. Nước Mỹ là một siêu cường như chính biểu tượng của nó hiện nay chắc chắn là sự đóng góp của các gia đình. Các gia đình đã sản sinh, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ... những đứa con của mình bằng tất cả tình yêu thương chân thành nhất để rồi sau này những người con trở thành những công dân hoàn hảo nhất. Nước Mỹ thật tuyệt...
24/11/201104:49:22
Khách
Bài viết thật hay, làm rung động người đọc. Một dân tộc Mỹ hùng mạnh chắc chắn phải được hình thành từ những tâm hồn Mỹ cao thượng. Đây có lẽ chính là lý do Mỹ luôn là cường quốc dẫn đầu thế giới cho đến bây giờ. Trông người lại ngẫm đến ta !
Biết bao giờ dân tộc Việt Nam có thể quay về lại được truyền thống cao thượng của tổ tiên hồi xa xưa ? Mà tôi tin rằng truyền thống này không hề phải thua sút bất kỳ dân tộc nào.
25/11/201100:14:04
Khách
Bài viết thật cảm động. Tác giả làm tôi nhớ đến những ngày đầu đến Canada từ trại tỵ nạn Indiantown Gap. Ví Canada không có chương trình cho người tỵ nạn nên không có sponsor như tác giả. Tuy nhiên chúng tôi được chánh phủ cho $200.00 để trả tiền nhà và giới thiệu cho việc làm. Tuy không được tốt như tác giả, nhưng tôi lúc nào cũng tri ân chánh phủ và dân chúng Canada đã mở rộng vòng tay đón người tỵ nạn trong khi những người cùng màu da giòng máu với mình thì lại xua đuổi và không để mình ở lại.
24/11/201111:33:39
Khách
Cám ơn tác giả Nguyễn Duy An đã viết lại những lời tri ân rất "touching" về gia đình người bảo trợ. Dịp lễ Tạ Ơn cũng là lúc chúng ta nói lên lòng biết ơn nước Mỹ và những tấm lòng quảng đại đã đón nhận cả triệu người Việt sau cơn quốc nạn từ Tháng Tư Đen 1975. Nếu không có những người bảo trợ với tấm lòng bồ tát, chắc chắn chúng ta không thể có được ngày hôm nay. Đây cũng là dịp chúng ta nên tự hỏi xem mình đã làm được gì cho quốc gia và dân tộc Hoa Kỳ.

Tác giả Nguyễn Duy An viết nhiều bài rất hay và giá trị với nhiều thể loại khác nhau. Xin chúc mừng những thành công của tác giả.

Nguyễn Trần Thăng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,205,136
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến