Hôm nay,  

Từ Thiện & Biết Ơn: Việt Nam Hay Mỹ"

15/11/201100:00:00(Xem: 247832)

Từ Thiện & Biết Ơn: Việt Nam Hay Mỹ"

Tác giả: Lệ Hoa Wilson

Bài số 3407-12-2867vb3111511

Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Bà là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, sinh năm 1940 tại Cần Thơ. Hai bài viết đầu tiên của bà là tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Ky.ø Cưới nhau: 1972. Tới Mỹ năm 1975. Từ 1985, hai vợ chồng mở v/p Di Trú và Thuế Vụ tại Long Beach. Nhân mùa lễ Thanksgiving đang tới, tác giả viết về việc làm thiện nguyện với lòng biết ơn.

***

I. VIỆTNAM

Những đống gỗ tràm vót nhọn đầu, những thân tre cứng ngắt vạt xéo được cấp tốc khuân xuống bờ sông và được đóng chặt giữa lòng sông. Dòng sông hiền từ bỗng nhiên trở mặt. Căng thẳng, rình rập, thù hận, giết chóc, bảo vệ. ..Thủy triều đang lên. Đám người rã rời lê những tấm thân đầy thương tích, rách nát, máu me ẩn núp trong đám lau sậy chờ đoàn tàu theo đuổi, chờ cho thủy triều rút xuống.

Những cánh đồng khô cằn đầy rắn rít. Chúng tự do mổ và hút máu những bàn chân chai cứng, những tấm thân gầy guộc. Cọng lúa chen lấn mọc lên. Mồ hôi đầm đìa tưới xuống. Máu và nước mắt của bao nhiêu người, tuy không cùng chung giòng họ, nhưng chung những bước đầu tiên, chung những gian lao, khổ cực, thương đau, chết chóc để đẩy dần những thước đất nhỏ xíu, nghèo nàn thành ra một dãi quê hương gấm vóc.

Đó là những người đã tạo ra chiến sử Bạch Đằng Giang, đã tạo ra những cánh đồng lúa vàng bát ngát, đã tạo ra Việt Nam. Vậy giờ đây những người mang giòng máu đó cần một chút tình người, sao ta có thể làm ngơ"

BỆNH VIỆN UNG BƯỚU

GIA ĐỊNH:

Hội Đồng Quản Trị Hội Từ Thiện Phật Giáo Phổ Hiền* có giao cho tôi một số tiền cộng thêm vào số tiền riêng tôi quyên được thành ra một con số khá lớn. Và tôi về quê nhà chia xẻ với đồng bào nghèo nhân dịp tết.

Bạn ơi, nếu có ngày nào bạn giận hờn vì Medicare của bạn không nhận trả tiền một thứ thuốc nào đó, chánh phủ không chấp thuận cho bạn làm một cuộc mổ xẽ không cần thiết khiến bạn kêu rêu, cô y tá săn sóc bạn trong nhà thương hơi chậm trể khi bạn nhấn chuông gọi làm bạn nóng giận , thì tôi xin bạn hãy dẹp bõ mọi giận hờn, bực tức và cùng tôi đi đến bịnh viện ung bướu Gia Định.

Khác với những bệnh viện sạch sẽ, yên tĩnh bên Mỹ, bệnh viện VN rất ồn ào, náo nhiệt. Trước cửa bệnh viện, người nuôi bịnh có, người thăm viếng có, thân nhân có, xe ôm có, cò mồi có, bảo vệ có, ăn xin có, khều móc có, đứng chơi vơ vẫn có, đứng chờ móc túi có một xã hội của thất vọng, hy vọng, rình rập, chờ mong, nụ cười và nước mắt.

Đi vào những gian phòng cũ kỹ, giường cây, giường tre , giường sắt hàng dọc hàng ngang, những chiếc chiếu trãi rách mép, những chiếc mền sờn chỉ, những thân hình oằn oại đớn đau, những ánh mắt cầu khẩn van xin, những mùi hôi và thuốc chữa đủ loại hoà trộn vào nhau, tôi thật đ㠓ngửi được mùi của đau khổ.”

Phải, bạn ơi, mùi đau khổ! Bạn có thể ngửi được mùi nầy qua ánh mắt quầng thâm của bà mẹ có con nhỏ bị ung thư, qua cái đầu cạo sạch tóc của các trẻ em gầy ốm, qua những ống dây vô máu hững hờ, qua ánh mắt nhẫn nhục của người bịnh nằm dưói đất ngẩng lên chẳng thấy trần nhà mà chỉ thấy những thanh gỗ tạp của chiếc giường của người bịnh nằm trên.

Tôi vào một phòng bịnh. Người đàn ông nằm dài, hệ thống dẫn máu truyền vào cánh tay khẳng khiu. Người đàn bà ngồi cạnh gục đầu vào ngực anh. Tôi hỏi nhỏ nhe: “cháu có khỏe không"” (một câu hỏi quá vô duyên!). Người đàn bà nghe hỏi ngẩng đầu lên. Cô vào khoảng 35 tuổi, vẻ mặt hiền từ, mệt mõi trả lời: “Dạ đây là chồng cháu. Ảnh bị ung thư phổi tới thời kỳ cuối rồi. Ảnh chỉ còn được ” Cô không nói hết lời, cặp mắt đỏ hoe xoay lại nắm tay chồng. Người chồng cố gắng nghiêng đầu một chút về hướng vợ, ánh mắt thiết tha nhìn vợ như cố an ủi và chia xẻ niềm đau. Bạn ơi, sẽ không có một chút kính trọng nào cho giây phút cuối đời: ngoài cữa phòng vẫn vang dội ồn ào lời xin xỏ rầy la. Sẽ không có một phút riêng tư nào để nói lời vĩnh biệt: trong phòng bịnh tập thể đầy bịnh nhân vẫn rộn ràng với xôn xao bàn tán.Tôi biết được anh đã qua đời vài giờ sau đó. Nước mắt tôi không trào ra nhưng lòng tôi quặn thắt và chợt nhớ đến bốn câu thơ:

Nếu em biết rằng đây là lần cuối

Sẽ ngồi bên chờ anh ngũ thật say

Sẽ nhẹ nhàng tấn chặt tấm mền mây

Sẽ cầu nguyện linh hồn anh bay bổng.

Chúng tôi phát quà qua nhiều phòng, nhiều loại bịnh nhân khác nhau. Không bạn ơi, ung thư không lây. Bạn hãy yên tâm thăm viếng bệnh nhân. Nhưng cái hành lang trước phòng bịnh ngồi chật người nuôi bịnh, các bà mẹ nằm ngổn ngang dưới đất nuôi con, các người ăn mót chạy theo nắm tay bạn, kéo áo bạn, cào cấu bạn để xin chỗ quà dư thừa thì bạn ơi lại không thiếu bất cứ một loại vi trùng nào! Xin bạn hãy nhớ rửa tay và sát trùng thật sạch trước khi ra về.

ĐỒNG BÀO THƯỢNG

DARLAC:

Vài ngày sau chúng tôi đi Darlac chia xẻ cùng đồng bào Thượng. Khi chúng tôi tới họ đã sắp hàng trật tự. Các thiện nguyện viên của hội Từ Thiện Phổ Hiền huớng dẫn họ qua từ khâu để lãnh đầy đủ quà, thuốc và tiền. Sau khi phát quà xong, Quốc (một thiện nguyện viên bên VN) yêu cầu tôi nói chuyện với họ. Tôi cầm micro trên tay chỉ lấp bấp nói vài lời rồi rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào không nói được nữa.

Bạn ơi, tôi phải nói gì đây" Nói là ở bên Mỹ tôi thường hay đi chợ mua 5 bó rau, ăn hai bó tươi, một bó héo và bỏ vào thùng rác hai bó dư" Nói là tôi đã từng đổ những thức ăn béo bổ, những

hột cơm trắng ngần vào máy xay rác vì con mắt lớn hơn cái bụng, vì mời bạn tới nhà ăn chơi nên phải nấu dư thừa để người ta không chê mình keo kiệt hay để khoe sự giàu sang" Nói là tôi từng giận dỗi cô y tá khi cô chưa kịp thay đổi khăn trải giường lúc tôi nằm bệnh viện" Nói là tôi mơ mộng mua nhà trên bãi biển, trên đồi cao, chỉ toàn Mỹ trắng, không gần Mỹ đen, không bạn Mễ nghèo" Nói là tôi muốn lái xe đời mới, muốn điện thoại iphone, ipad, muốn áo quần có hiệu, muốn nghĩ hè ở ngoại quốc"

Tôi mắc cở không nói được và vì thế tôi nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. Tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn những con người nghèo khổ, áo quần lam lũ, tay chân nứt nẻ, giày dép mốc meo đang ngồi dưới đất hướng đôi mắt biết ơn về phía tôi. Không các bạn ơi. Không phải các bạn cám ơn tôi mà tôi phải cám ơn các bạn. Cám ơn các bạn đã cho tôi một giây phút ngắn ngũi nhưng huyền diệu khiến tôi biết chắt chiu hơn, biết nhẫn nại hơn, biết tha thứ hơn, biết gần gũi hơn, biết chia xẽ hơn, biết cúi đầu, biết cám ơn Và tôi làm sao có thể dùng ngôn từ gì để nói cho những con người chất phác kia hiểu được cảm xúc tôi trong lúc đó" Vì thế tôi để cho lỗ mũi cay xè và đôi mắt rưng rưng.

TRUNG TÂM NUÔI DƯỠNG NGƯỜI GIÀ THẠNH LỘC:

Các thiện nguyện viên Vietnam đã đi sớm tới trung tâm để nấu bún bò chay đãi “khách”. Trước bữa trưa, tôi đi vòng quanh thăm viếng. Tôi nhìn các ông bà già ngồi lú lẫn trên giường tre, hoặc nhễu nhão sờ soạng chén cơm, hoặc chen nhau trong căn phòng nóng hầm hập, hoặc lảm nhảm những câu vô nghĩa, lòng tôi chùng xuống. Ở đây không có máy lạnh, không có tủ lạnh, không có những thỏi pho mai vàng rượm, không có những hộp sữa ensure béo bổ, không có bao tôm càng nhập cảng, không có rổ táo hồng tươi, không có tô gà hầm thuốc bắc. Không các bạn ạ. những thứ đó chỉ có cho những ông bà già may mắn “ kiếp trước có tu”, sống thãnh thơi bên Mỹ! . Ở đây tô phở bò ngào ngạt với nước béo hành trần chỉ là mộng tưởng. Ở đây dĩa cơm tấm bì chả sưòn nướng là một điều mơ mộng viễn vông.

Trước khi ra về tôi nói lời cám ơn với các anh chị y tá, trợ tá, lao công giặt giũ v..v..Các anh chị ơi, chúng tôi đem chút ít tiền về tưởng là đã làm được một cuộc từ thiện lớn lao, nhưng so với công sức anh chị bỏ ra để chăm lo, săn sóc cho những người đau khổ kia hằng ngày thì chúng tôi thành bé nhỏ quá. Tôi lại nghẹn ngào chẳng nói hết lời. Bạn sẽ nói là cái chị nầy sao mà mít ướt quá vậy. Đi đâu cũng khóc. Nói gì cũng nghẹn. Bạn ơi, nếu bạn thấy được những dòng nước miếng rơi rãi trên ngực áo họ, nếu bạn thấy những cái quần hôi hám vì nuớc tiểu của họ, nếu bạn thấy những ghẻ lở gớm ghiếc trên thân mình họ thì bạn sẽ hiểu tại sao tôi cúi đầu khâm phục những người phục vụ tại những trung tâm nuôi dưỡng trên.

TRUNG TÂM NHÂN ĐẠO

QUÊ HƯƠNG, BÌNH DƯƠNG:

Chúng tôi cùng nhau đi đến trung tâm. Những gói quà được bỏ vào trong những bao ny lông vàng choé làm rộn rã hẳn căn phòng. Các cháu mồ côi đủ mọi lứa tuổi đã ngồi sẵn sàng ở những bàn học. Có một cháu đàn piano điện (cây đờn cũ đến nổi nếu tôi bấm phím mạnh tay thì e rắng nó sẽ bể ra ) và các cháu đồng ca để tặng chúng tôi. Sau màn ca nhạc, chúng tôi đem quà tới tận bàn để phát cho các cháu. Có đứa nhận quà liền mở ra rối rít khoe nhau. Có đứa nồi im, gói quà hững hờ nằm trước mặt. Tôi lại gần cúi xuống hỏi: “ Sao hai cháu không mở quà"” Hai đứa nhỏ nhẹ nói: “ Tụi con bị mù, không thấy đường mở sọi dây thung “

Có ai ngớ ngẩn và vô duyên như tôi không bạn" Tôi cho quà mà không thấy nguời nhận. Tôi chỉ thấy cái NGÃ của tôi nằm rực rở trên gói quà. Tôi thấy tôi cao cả hết sức, nhân từ hết sức. Còn người nhận đang cúi đầu buồn bã, đợi chờ tôi quả không thấy . Tôi run run bứt đứt sợi dây thung . Tôi vuốt tóc hai em khiếm thị , xin lỗi chúng đã chờ đợi và tuột trên đỉnh cao tự dắc của người cho xuống tận cùng nền nhà khiêm nhượng của người nhận lổi. Nước mắt lại rưng rưng.

Khi tới một phòng học, tôi thấy một em trai đang ngồi đàn. Tôi nổi máu văn nghệ bèn lân la tới hỏi nếu cô hát bản Hãy Yêu Nhau Đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì con có đàn được không" Cháu nhanh nhẹn đáp: “ Dạ được”. Thế là bổn cũ soạn lại, tôi thánh thót (tôi tưỏng) hát lời đã được tôi sữa lại:

Hãy thương nhau đi cho đời tươi sáng

Hãy tha cho nhau lầm lỗi lẫn si mê

Hãy đưa tay ra cho người nắm lấy

Cùng cảm thông và cùng sống an vui

Sau khi trình bày “giống y ca sĩ Khánh Ly” bốn câu trên, tôi hỏi nhạc sĩ: “Cô hát có hay không cháu"”. Tôi chắc mẽm câu trả lời sẽ là: “Thưa cô hát hay lắm” vì tôi thấy gói quà màu vàng đang nằm sờ sờ trên cây đàn. Nhưng nhạc sĩ đã ngẩng lên và thẳng thắn đáp: “ Dạ cô hát không được hay lắm! “ Cả phái đoàn cười ồ lên. Tôi khõ tay lên gói quà và nói:” Cô vừa cho con gói quà nầy con có biết không"”. Lần nầy thì nhạc sĩ mĩm cười: “ Dạ biết, nhưng con không thể tự dối lòng!” Cả đoàn lại cười ngã nghiêng. Duyên dáng ViệtNam thật là bèo. Tôi bị chê mà vui ơi là vui. Ai nói người nghèo không có nhân cách"

Có gì đâu, trong bao nhiêu tiền kiếp xa xôi có phải chúng ta cũng đã từng vai kề vai lội qua sông Đà Giang đuổi giặc" có khi tổ tiên chúng ta đã là bạn lính đồng sanh tử dưới trướng Lê Lai" Có phải chúng ta đã có lần làm con châu chấu nhỏ nhoi đá nghiêng ngữa cái xe rác rến đó" Vậy thì ai không đau lòng, chúng ta cứ việc đau lòng. Ai không giúp đở chúng ta cứ việc giúp đở. Và biết ơn từng cái xấu xa nghèo nàn của quê hương. Và vui cười với những tình tự bát ngát của dân tộc.

Nhưng hởi ôi, quê hương đó, dân tộc đó hiện chúng ta dã rời xa và hình như chúng ta đã mọc rễ trên một mãnh đất khác , chia xẽ tình tự với một màu da khác. Vậy , ngoài sự thương yêu và biết ơn bốn ngàn năm cũ đó, chúng ta có nên thương yêu, giúp đở và biết ơn hai trăm năm mới nầy không"

II. MỸ

Tôi thà tin rằng trong tiền kiếp tôi đã từng rời bỏ căn nhà ba gian hai chái thoáng mát bên bờ sông hiền hòa đầy dừa nước , miếng vườn trù phú với bao nhiêu là xoài mận mãn cầu để lang thang đổ mồ hôi chăn đàn bò trên những cánh đồng khô cằn miền tây mỹ, dong ngựa tuyệt vọng qua sa mạc nóng cháy để tìm nguồn nước cất nhà, sàn sẩy những rổ sõi đá kiếm chút vàng vụn nuôi thân.

Tôi thà tin rằng trong tiền kiếp tôi đã từng là y tá băng bó vết thương cho những nông dân chất phác bảo vệ miền nam, những người nhiệt tình miền bắc hy vọng giài phóng nô lệ trong cuộc nội chiến đau lòng.

Vì như thế ít ra tôi đã từng cùng họ chia xẽ vinh nhục của đất nước, đã từng cùng họ chịu đựng bảo táp mưa sa, đã từng cùng họ đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt dể tạo dựng xã hội giàu có hôm nay. Và như thế thì lòng tôi mới đở áy náy khi nhận những phúc lợi từ họ.

Tôi đọc đâu đó trong một cuốn sách , một anh chàng hiệp sĩ nói: “ Tôi nhận đuợc ơn nghĩa bằng một giọt nước nhưng tôi thề sẽ trả lại ơn nghĩa bằng một dòng sông!” Quá hay, quá đầy đủ tình người phải không bạn" Tôi nhìn các ông bà già thong thả đi thể dục trong Miles Square Park , tụ họp nhau vui chơi giải trí trong các hội cao niên, giới thiệu nhau từng thang thuốc hay, từng bác sĩ giỏi , từng món ăn bổ dưỡng v..v.. mà tôi thấy giọt nước ơn nghiã kia quá tràn đầy. Tôi đọc báo thấy các nghị sĩ Mỹ tranh đấu cho người dân hưởng các phúc lợi xã hội, tôi chưa từng thấy họ chỉ tranh đấu cho người Mỹ , loại trừ người Việt. Sáu mươi lăm tuổi: lãnh tiền già! Mỹ Việt như nhau. Có con nhỏ không nuôi nổi: lãnh welfare!. Mỹ Việt như nhau. Thương tích, tật nguyền, tâm thần, bịnh hoạn: lãnh tiền bịnh!. Mỹ Việt như nhau. Cha mẹ bịnh, con nuôi: lãnh lương!. Con bịnh, cha mẹ nuôi: lãnh lương! Đây không phải là một giọt nước mà là một dòng sông. Vậy ơn nghĩa phải trả lại bằng biển cả. Sao ta có thể lạnh lùng quay lưng"...

STAND DOWN:

Tôi tham gia nhiều chương trình từ thiện khác nhau tại Mỹ nhưng tôi chọn Stand Down để giới thiệu với các bạn.

Stand Down là một danh từ đặc biệt trong quân đội Mỹ dùng để chỉ sự thuyên chuyển một đơn vị từ nơi chiến đấu về nơi hậu phương an toàn để duỡng quân. Các cuộc chiến khác đã kết thúc khá lâu, hầu hết các cựu chiến binh đã qua đời. Cuộc chiến tranh Iraq chưa tới. Lúc chương trình Stand Down bắt đầu, trọng tâm là để giúp đở cho các cựu chiến binh về từ chiền trường ViệtNam. Những người chiến sĩ nầy đã được rút ra khỏi những làng mạc xa lạ đầy hầm chông, những chiến trường dầu sôi lửa bỏng đầy hận thù, chết chóc để về một quê hương an lành có vợ hiền, có con thơ, có nghề nghiệp, có gia đình.

Nhưng dòng đời có chảy hoài theo con đường ước muốn của mình đâu. Hãng xưởng đóng cửa, gia đình gãy đổ, thân nhân xa lìa, nợ nần chồng chất, những người cựu chiến binh không phơi mình giữa sương gió của chiến trường ViệtNam nhưng lại phải phơi mình giữa một loại gió sương khác không kém phần khốc liệt và tàn nhẫn: gió sương của Kẻ Không Nhà!

Đây là năm thứ năm mà các đoàn thể nhân đạo, các thưong hiệu thúc ăn nổi tiếng (Mac Donald, Burger King, KFC ,Starbucks ), các tổ chức tôn giáo, trường đại học cộng đồng Long Beach v..v và nhứt là những thiện nguyện viên có một trái tim làm bằng tình yêu vĩnh cửu của Chúa và một tâm hồn đầy từ ái của Phật hợp lại để tổ chức ba ngày thương yêu và chia xẻ cho những kẻ bơ vơ.

Stand Down được tổ chức tại Veteran Long Beach Stadium , ngay sát bên trường đại học cộng đồng Long Beach góc đuờng Carson và Clark. Các lều trại được dựng lên do quân đội Mỹ chiếm cả một góc sân vận động. Trong lều ghế bố nhà binh nằm san sát cạnh nhau. Tất cả các lều chứa khoảng 700 cựu quân nhân Mỹ đã từng phục vụ tại các chiến trường ViệtNam và nay thành Kẻ Không Nhà! Đối diện là sân khấu lộ thiên. Dưới chân sân khấu cắm một hàng cờ của tất cả các binh chủng và cờ của Hội Cựu Chiến Binh. Giữa sân sừng sững ba cột cờ, cờ Mỹ, cờ Cali và cờ của HộiTìm Kiếm Những Chiến Binh Mất Tích. Trên mặt đất dựng đứng một cây súng trường, một nón cối máng vào đầu súng, một ba lô nằm lặng lẽ kế bên Hởi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt Bây giờ anh ở đâu"...Dòng nhạc nầy thật làm tim ta rớm máu

Trong ba ngày cuối tuần của tháng sáu, những con người kém may mắn nầy tìm lại được tình thương và nhân vị.. Họ được đối xử với tất cả tận tâm và sốt sắng của những người thiện nguyện(hầu hết là người Mỹ trong hảng Boeing ở Long Beach và tín đồ trong các nhà thờ, hội viên trong các hội từ thiện Mỹ. Rất tiếc là lúc đó cộng đồng VN chưa vững mạnh, đóng góp từ thiện chua được dồi dào nên có rất ít người biết đến chương trình nầy. ). Họ được bác sĩ khám sức khỏe, khám răng, thử máu. Họ được đích thân quan tòa ngồi đó ký tên xóa bỏ giấy phạt. Họ được trường đại học hướng dẫn các lớp học nghề. Họ được nhân viên xã hội ghi danh kiếm việc làm. Họ được các hảng xưởng phỏng vấn để cho việc. Họ được tắm rửa, cạo râu bằng nước nóng. Họ được nằm ngủ yên lành, ấm áp không lo bị rượt đuổi, hoặc bị một nắm đấm vào sườn vì một đôi giày tốt vùa lượm được ban chiều hoặc phải chợt thức giấc nữa đêm vì những giọt mưa lạnh lẽo vô tình. Nhưng có lẻ trái tim của những con người bạc phước nầy bị xúc động nhất là lúc họ được cho ăn. Họ không bị nhìn với ánh mắt khinh bỉ cho họ là đồ làm biếng. Họ không bị ném vào tay những khúc bánh mì thừa thải của kẻ phước dư. Không, họ được đưa dĩa thức ăn tận tay với một nụ cười cỡi mở, một ánh mắt chia xẻ, một tình người ấm áp. Họ ngồi đó nhắc lại những kỷ niệm xưa với một cô gái ViệtNam: ta gạt người, người gạt ta. Họ ngồi đó ôn lại những kinh nghiệm máu xương: ta gục ngã, người đổ máu Họ ngồi đó với túi quần trống rổng, với dĩ vảng bùn lầy, với tương lai mờ mịt

Năm đầu tiên được người bạn giới thiệu, tôi không biết làm gì hơn là cùng đứa con trai 11 tuổi xung phong vào tổ gói quà và làm chuyện lặt văt trong lều phát quần áo. Năm thứ hai, tôi xin ban tổ chức cho tôi tặng vài trăm cuốn chã giò. Năm thứ ba tôi can đảm xin cho tôi và các bạn (trong đaọ tràng Pháp Hoa ) nấu hẳn một bửa ăn (họ được cho ăn ba bữa sáng, trưa và chiều, tổng cộng chín bữa ) cho 700 người gồm chã giò, cơm rang, mì xào , thịt bò broccoli và bánh ngọt. Năm thứ tư chúng tôi lập lại bửa ăn và kênh thêm một màn văn nghệ trên sân khấu lộ thiên với cả ngàn người xem, gồm thiện nguyện viên và cựu chiến binh, với bản ViệtNam! ViệtNam! Trong đời tôi có nhiều ngày vui, nhưng đây là một ngày vui đáng nhớ. Chúng tôi mặc áo dài, đưa thức ăn bằng hai tay, đưa dĩa bánh với một nụ cười, đi vòng quanh thăm hỏi với thái độ thân thương. Dù phần lớn chúng tôi đều đứng tuổi nhưng khi chúng tôi đi qua đâu đâu cũng vang dội lời chào bằng tiếng Mỹ có, tiếng Việt lọng cọng có, tiếng huýt sáo có. Nhiều người còn hít hà nói: “mấy bà, mấy cô ơi, thấy áo dài tôi nhớ người yêu VN của tôi quá. Nầy cô áo vàng, Cô có muốn làm người yêu của tôi không"” Tôi quay lại vui vẻ: “ Không, tôi không xứng làm người yêu của cậu đâu. Tôi xứng làm dì của cậu! Nào hãy gọi tôi một tiếng 'aunty' đi , tôi sẽ làm mai cháu tôi cho cậu”

Chiều chúa nhựt, ba ngày thần tiên chấm dứt. Lễ hạ cờ bắt đầu. Hai lá cờ Mỹ và cờ của Hội Tìm Kiếm Những Người Chiến Sĩ Mất Tích được xếp lại gọn ghẻ. Hai người cựu chiến binh trân trọng nâng cờ trên tay, di ngang qua sân cỏ, đến dưới lễ đài, kèm theo hai bên bởi hai cựu chiến binh khác. Cờ được trân trọng trao qua tay ban tổ chức với lời nói chân thành: “Chúng tôi xin trân trọng trao những lá cờ nầy đến tay các bạn. Xin các bạn đừng quên những người chiến sĩ đã phục vụ tổ quốc và những chiến sĩ hiện còn đang mất tích cũng như những chiến sĩ đã nằm xuống mà hài cốt còn chưa được trở lại quê hương!!!”

Rồi tất cả mọi người đứng lên , tay nắm tay làm thành một vòng tròn vĩ đại quanh sân cỏ. Tiếng nhạc trong máy phóng thanh vang dội: “ Bạn hãy hãnh diện làm người Mỹ, hãy giúp cho những kẻ té quị có một cơ hội đứng lên ”

Một cảm xúc tràn đầy tình người dâng lên trong tôi. Tôi nắm tay một cựu chiến binh xa lạ, tay kia nắm đứa con trai và các bạn tôi cũng nối vòng tay với ngàn người khác. Cánh tay đưa cao, bàn tay nắm chặt, chúng tôi đong đưa theo tiếng nhạc . Trong không gian của sân cỏ lúc đó không có gái trai, trắng đen, Mỹ Việt, giàu nghèo, sang hèn, hữu phước hay vô phần. Lúc đó chỉ có Tình Người, một tình người thuần túy, lồng lộng, chan hòa. Tôi cố gắng không cho nước mắt trào ra nhưng vô ích. Bài hát chấm dứt, vòng tay đứt đoạn. Bác sĩ Bob Delzell , giám đốc chuơng trình nhìn qua tôi và nói:” Bà chắc chưa có kinh nghiệm cho buổi lể chấm dứt 3 ngày Stand Down. Lần sau xin nhớ mang kiếng đen!” Nói xong ông và một người phụ nữ Mỹ gần bên gỡ đôi kiếng đen của họ xuống. Mắt của họ đã đẩm nước.

Rồi không một câu từ giã nào nữa, đoàn người đã được ăn no ngủ kỹ trong 3 ngày lặng lẽ xếp thành hàng dài lần lượt rời sân cỏ, nhận gói quà và tiến qua cổng đến bên các xe bus. Họ không cần phải nói lời cám ơn vì thật ra không có lời nào đủ để cảm tạ những trái tim ngát hương nầy. Các chiếc xe bus sẽ đổ họ xuống một nơi nào đó. Từ các nẻo đường gió sương, họ đã tụ tập lại hưởng một chút tình người rồi lại được trả về với cuộc đời sương gió. Tôi mong lại được gặp họ năm sau như một kẻ có công ăn việc làm, như một kẻ thiện nguyện, chớ không phài là Kẻ Không Nhà. Tôi cám ơn các bạn trong đạo tràng, một số bạn khác ở Long Beach đã cùng tôi cố gắng rót một chút nước trả lại dòng sông. Tôi ôm hôn , bắt tay từ giả những người trong ban tổ chức, những người thiện nguyện mà tôi quen biết trong mấy năm qua. Tôi cảm thấy nhỏ nhoi trước măt họ.Nhỏ nhoi vì không phải họ là bác sĩ, là giám đốc, là người Mỹ giàu sang. Nhưng tôi thật là nhỏ nhoi trước trái tim vĩ đại tràn đầy tình thương đồng loại của họ.

Tôi thà tin có Nhân Quả , hưỏng một giọt nước, trả một dòng sông còn hơn là lạnh lùng vô cảm, nhận rất nhiều nhưng trả chẳng bao nhiêu hay chẳng trả gì hết . Nước Mỹ tuy giàu nhưng “người giàu cũng khóc” phải không bạn" Tôi không bao giờ mơ tưởng được lên cõi Niết Bàn hưởng cảnh cây vàng lá ngọc nhưng tôi cũng không muốn đào thai trở lại làm đứa trẻ châu Phi gầy đói trơ xương. Tôi không ngại ngùng nhận ơn khi tôi cần nhưng tôi cương quyết vươn lên để đền trả lại những ân tình tôi nhận.

Ngày Lễ Tạ Ơn sắp tới. Bạn và tôi, chúng ta hãy giúp đở cho bất cứ nhân loại nào cần đến chúng ta, dù đó chỉ là một dĩa cơm đạm bạc, một câu an ũi chân thành, một phút chăm chú lắng nghe, một lời cám ơn thắm thiết.

Chúng ta nên biết ơn người lính cứu hỏa đã nằm xuống trong lửa đỏ ngất trời cho ta yên vui, xum họp. Người vợ hiền ôm con thơ dòng lệ chứa chan.

Chúng ta nên biết ơn người lính chiến trãi máu xương nơi Iraq khô cằn cho ta an ninh ,dân chủ. Bà mẹ già lòng đau từng khúc, mong con yêu chẳng thấy trở về.

Chúng ta cũng nên cám ơn những người Mễ nghèo nàn còng lưng trên ruộng dâu, luống cải. Vài trăm đô la quí giá vuợt biên giới ngàn trùng xa cách, gia đình quạnh hiu bên buổi cơm chiều.

Bạn ơi, đã có biết bao nhiêu người thức khuya, dậy sớm, phỏng tay chảy máu nơi nhà bếp, mắt mờ lưng mõi nơi văn phòng, lặn lội tỉnh nầy, tiểu bang nọ để làm việc. Họ lái xe hơi, đi xe đạp, bắt xe lửa, trèo máy bay. Họ dùng chân, dùng tay, dùng trí óc, dùng sức khỏe. Họ làm nguyên ngày, nguyên đêm, đầu đêm, nũa đêm về sáng. Họ làm nguyên thời gian, bán thời gian, thời gian phụ trội. Họ làm gần, làm xa xa tít mù để lại gia đình quạnh quẽ. Họ may mắn được chủ tử tế ân cần. Họ xui xẻo bị chủ rầy la, nhục mạ

Và dù cho khác biệt thế nào chăng nữa thì họ cũng có cùng chung một chuyện phải làm: đó là họ phải đóng thuế! Và có khi ta nhận nhũng giọt nước ân tình.

Vậy dù cho ViệtNam ngàn trùng xa cách với cùng một lịch sữ, một màu da hay là Mỹ gần nhau trong gang tấc với nhũng xẻ chia thắm thiết thì chúng ta hãy mở lòng ra yêu thương tất cả, hãy giang tay ra đón nhận tất cả và cúi đầu nói một tiếng biết ơn.

Happy Thanksgiving, bạn nhé.

Lệ Hoa Wilson

(*) Bạn có thể giúp đở tài chánh hoặc tham gia công tác từ thiện với hội Từ Thiện Phật Giáo Phổ Hiền bằng cách liên lạc với Pháp Hạnh, điện thoại số 714-878-4294 hoặc vào website của hội www.hoituthienphohien@yahoo.com

Lệ Hoa Wilson

Ý kiến bạn đọc
20/11/201120:08:18
Khách
Chị Lệ Hoa không viết văn yếu, chị viết rất hay và cảm động, có điều chị hoàn toàn không nhắc đến công ơn của các chiến sĩ VNCH, đó là sự thiếu sót nếu thực tình chị có hàm ý đó; chị không thể mong chờ người đọc phải hiểu ngầm ý của chị. Tuân Tử nói: "Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy"; chắc chị biết câu này? Riêng với Quang Phan, theo tôi trong phần cuối của ý kiến 1 của anh, anh có phần quá khích và gay gắt với chị Lệ Hoa; ngoài ra tôi hoàn toàn đồng ý với anh, nhiều người đã không đọc kỹ ý kiến người khác hoặc có đọc mà không hiểu rồi hồ đồ lên án người đó có ý chống phá các việc làm phước thiện ở VN. Thật đáng buồn thay!!! Riêng phần tôi, tôi xác định là tôi có gởi tiền về VN nhiều lần, tuy nhiên nhận ra rằng việc đó chẳng giải quyết được căn nguyên của vấn đề và điều đó vẫn làm tâm trí tôi phiền não. Đồng tiền tôi kiếm được bằng sự làm việc cực nhọc và có giới hạn, tôi chỉ muốn giúp đúng người, đúng chỗ và có hiệu quả. Bạn có dám nói rằng bằng cách gởi tiền phước thiện về VN, chúng ta sẽ cứu được mọi người ra khỏi cảnh đói khổ, bệnh tật, lầm than mãi mãi không???
21/11/201103:55:40
Khách
Tôi xin có ý kiến sau khi đọc bài viết của chị Lệ Hoa và những lời góp ý. Một số người đã viết với lời lẽ rất khắc nghiệt với một bài viết nhân mùa Tạ Ơn của nước Mỹ và tác giả hướng về người Mỹ để tri ân. Quý vị không thích việt cộng độc tài chuyên chế mà quý vị hành sử cũng như vậy không khác. Quý vị theo chế độ "kiểm duyệt", muốn người viết phải viết theo ý mình như thể người viết là bồi bút. Quyền tự do tư tưởng của con người quý vị không coi ra gì và còn nói những lời nặng nề thiếu tình người. Bài viết này đâu có nghĩa là nói từ thiện là giải quyết mọi vấn đề căn gốc của vấn đề, vậy mà quý vị lại gán cho nó và tấn công, rồi lại chê trách người khác là hiểu sai ý của quý vị, là không nói về thương phế binh VNCH. Vì một số thành kiến về "lấy Mỹ" mà quý vị không tiếc lời lên án một tấm lòng thiện chí. Thử hỏi như vậy thì bao giờ chúng ta sớm có ngày về và xây dựng lại được quê hương?
18/11/201120:52:26
Khách
Muốn giải quyết tận gốc chuyện này, chính quyền CSVN phải đứng ra chịu trách nhiệm. Bao nhiêu năm "giải phóng" họ chỉ lo làm giàu cho bản thân và ra sức "tô điểm" cho bộ mặt ngoài của 1 đất nước nghèo khó, lạc hậu về mọi vấn đề, nhất là trình độ dân trí và hiểu biết của đại đa số dân chúng. Bọn chúng chỉ lo xây khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, xa lộ, khu đô thị cao cấp, bên cạnh đó là các cuộc thi hoa hậu, người mẫu, dồn nhiều tiền của đào tạo các lực sĩ để tuyên truyền...Còn chuyện bệnh viện, nhà dưỡng lão, trường học...chúng không hề quan tâm; so với trước 1975, tình trạng xã hội, y tế, giáo dục đã đi xuống 1 cách thê thảm, vậy mà chúng cứ lải nhải "GIẢI PHÓNG MIỀN NAM". Đã đến lúc chúng ta phải dùng sức mạnh của các phương tiện thông tin tân tiến để vạch trần bộ mặt thật của "Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam - ĐỘC LẬP, TỰ DO, HẠNH PHÚC"; chúng ta phải phổ biến các hình ảnh thương tâm, khốn khổ của các bệnh nhân, người già, trẻ em để nhân dân thế giới biết rõ sự thật về cuộc sống ở VN. Hy vọng bọn CS nếu còn biết xấu hổ, chúng sẽ để mắt đến các vắn đề xã hội nhức nhối lương tâm này. Tôi rất muốn biết các ý kiến khác của tất cả mọi người. Cám ơn nhiều.
19/11/201100:09:10
Khách
Chi Le Hoa kinh men, em la Dieu Huong, ngay xua duoc van phong chi giup do thi quoc tich. Em cam on chi chia se bai viet. Chi luc nao cung giup do va mang lai nhieu niem vui cho moi nguoi. Em chuc chi luc nao cung vui khoe.
19/11/201100:01:31
Khách
Kính thưa bà Lệ Hoa,

Xin nhận nơi đây lòng biết ơn của tôi về bài viết của Bà. Bài viết thật cảm động và đầy tình ngườị Tôi rất mừng vì những người Việt Quốc gia chúng ta luôn sống với tinh thần nhân bản biết cảm thông với nổi khổ của người và không những hướng về những người khốn khó tại VN mà còn tri ân đến những chiến binh Hoa Kỳ bỏ mình vì lý tưởng tự do. Ông Q.P., xin đừng bắt chúng tôi sống vô cảm trước nỗi đau của người khác như những người CS. Gia đình Ông chắc chắn đã nhận được rất nhiều giúp đỡ từ xã hội Mỹ này. Người Mỹ theo ý ông chắc đã là "con bò sữa" của Ông rồi đó . Ðừng coi cộng đồng đầy tình người là "bò".
19/11/201118:05:13
Khách
Xin tri ân tất cả thương phế binh quân lực VNCH, quả phụ VNCH, quân cán chính VNCH, cựu chiến binh Hoa Kỳ, những người làm từ thiện giúp đỡ người khốn khó trong đó có người Công Giáo, Phật Giáo, Hoà Hảo, Tinh Lành, những người lính VNCH, những người vợ lính VNCH...Đừng mất lòng tin vào tình người. Cảm ơn bà Lệ Hoa đã viết những bài viết thật cảm động, đầy tình người.
19/11/201117:58:12
Khách
Tôi hoàn toàn đồng ý với Người Quốc Gia. Không có xã hội nào hay đoàn thể nào quay lưng lại những người nghèo khó ngoại trừ người CS cả. Ngày xưa thời Pháp thuộc, người Công Giáo làm từ thiện tại sao không ai bảo họ làm như vậy là để người dân đủ ăn không chống lại Pháp và vậy mà người dân vẫn nổi lên chống Pháp và dành độc lập. Ngày nay, một số tư tưởng bệnh hoạn nổi lên chống phá những ai còn tấm lòng muốn giúp đỡ người ngặt nghèo. Họ muốn chúng ta trở thành những người CS. Thật đáng buồn. Tuy nhiên, có làm từ thiện cũng phải để ý đến vấn đề làm sao giúp cho đúng người.
20/11/201101:14:39
Khách
Xin cảm ơn bài viết của bà Lệ Hoa rất nhiều. Nhân đây tôi cũng xin chia sẽ cảm cảm giác buồn bã với những luận điệu chống phá người làm việc thiện. Họ biện dẫn đủ thứ lý do nhưng cuối cùng vẫn cứ nhắm vào những người nghèo đói vô tội. Thật họ chẳng khác gì những tên cộng sản tàn ác. Nếu nói về hố ngăn cách giàu nghèo thì không phải chỉ ở VN. Ở VN cộng sản tàn ác và không có dân chủ thì khỏi nói rồi, nhưng ở Mỹ ở Châu Âu mà điển hình vừa rồi là ở Ý mà cũng có cảnh phân cách giàu nghèo, thất nghiệp, tham nhũng...Nếu nói như những lập luận cay cú và độc ác của các vị trong này, thì ở Mỹ này không có cảnh người ăn không hết, người làm chẳng ra sao? Những nhà tài phiệt, nhà chính trị...tham nhũng, bóc lột người lao động rồi sống trong những căn nhà bạc tỉ...rồi những vụ như Ernon, bong bóng địa ốc, inside trading, outsourcing...gây mất nhà, mất việc, mất trắng quỹ hưu bỗng của bao người thì sao? Các vị có dám đi kêu gọi những nhà tài phiệt này không hay có dám đi Occupy Wall Street với người ta cho vui không? Các vị ơi, đừng vì thù hận cộng sản mà trở nên độc ác với người nghèo đói mà chính là đồng bào ruột thịt của mình. Người Việt Quốc Gia luôn luôn giúp đỡ anh em thương phế binh của mình. Hàng năm khắp nơi tổ chức quyên góp...Không biết các vị có đóng góp chưa? Hãy tự vấn lấy mình.
19/11/201123:55:56
Khách
Phần ý kiến của mỗ tôi không kêu gọi làm ngơ với những người đang gặp khó khăn ở trong nước. Mà chỉ vì đọc thấy tác giả Lệ Hoa Wilson hoàn toàn không đề cập đến những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà và cũng không nhắc đến công lao của những chiến binh Việt Nam Cộng Hoà trong thời chiến, nên mỗ tôi muốn nhắc nhở tác giả rằng ăn trái thì phải nhớ kẻ trồng cây, mắc nợ những người này thì phải lo trả trước khi lo những chuyện khác. Và cũng muốn tác giả nên lưu ý rằng những kẻ nào, đảng nào muốn chiếm quyền cai trị nước thì những kẻ đó, đảng đó phải lo cho dân, cho nước, chứ không phải ngồi ngôi cao ngất ngưởng thiên hạ để đục khoét ngân khố quốc gia làm giàu cho riêng mình hay tạo cơ hội cho gia đỉnh, họ hàng và bạn bè làm ăn bất chánh, rồi đùn việc xã hội cho người ở hải ngoại .
Rõ ràng là chỉ có vậy. Ấy thế mà cũng có những người đọc không kỹ rồi kết luận hồ đồ, bộp chộp rằng mỗ tôi là người vô nhân đạo, không biết thương người khốn khó. Thực đáng là nực cười vậy.

19/11/201121:39:42
Khách
Xin cam on bai viet cua chi Le Hoa. Doc tham thia qua. Em da khoc nhieu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,327,777
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.