Hôm nay,  

An Phận

26/10/201100:00:00(Xem: 123030)

An Phận

Người viết: Nguyễn Kim

Bài số 3393-12-28603vb4102611

Sáu năm trước đây, một tác giả ký là Người Giấu Tên đã nhận giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. với bài Con Tàu Ma.Bài viết được giới thiệu như sau: Kng thứ ma quỉ nào so nổi với nó. Nó là chiếc tầu sắt Panama đậu ngoài khơi để công an CSVN ở Bến Tre đưa người lên đi bá chính thức. Sau khi đã thu đủ số vàng tính theo đầu người, chính công an đưa người lên tầu, nêm chặt, rồi bỏ mặc cho chết đói, chết khát, chết ngạt. Hàng ngày con tầú hụ còi, không phải để khởi hành, mà chỉ để báo hiệu là đã ném xác một số người xuống biển, có chỗ nhét thêm người mới. Con tầu ấy không bao giờ ra khơi...

Sáu năm sau bài viết kể trên, tác giả dấu tên kể trên đã định cư tại Mỹ theo diện đoàn tụ và tiếp tục góp thêm bài Viết Về Nước Mỹ.

Sau đây là vài nét tiểu sử, do chính tác giả tự sơ lược: Tên thật: Nguyễn Thị Kim Thu. Bút hiệu: Nguyễn Kim. Sanh năm 1949 tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Việt Nam. Học vấn: Tốt nghiệp đại học sư phạm, và cao học đại học khoa học Sài Gòn 1972. Nghề nghiệp: Dạy học và làm công việc quản lý. Đi du lịch sang Mỹ năm 2005, định cư tại Mỹ năm 2008. Hiện là cư dân thành phố Henderson, CO. Sau đây là bài viết mới của bà.

***

Lúc ở Việt Nam, tôi có quen một nhà văn nghiệp dư gốc là một giáo viên dạy Văn cùng trường. Anh ta có thói quen khi làm một bài thơ, viết một truyện ngắn, kể lại một hồi ký thì đặt hết tất cả những tâm tình vào bài viết của mình rồi cuối cùng mới đặt tên cho tác phẩm... Còn tôi thì ngược lại, tôi cố tìm cho mình tên bài viết trước rồi mới bắt đầu. Tôi viết tất cả những gì đã đang và sẽ xảy ra, xoáy vào tên tác phẩm mà tôi đã chọn. Loay hoay gần một tuần lễ tôi mới tìm ra được hai chữ "An Phận" để đặt bút.

. . .

Dưới cái giá trời lạnh buốt của mùa đông tuyết rơi trắng xóa trên vùng trời Colorado hùng vĩ. Tôi vẫn không bỏ cuộc đi lượm lon vào mỗi sáng thứ Tư. Thật sướng quá! Lon bia, lon nước ngọt để sẵn trong các thùng recycle, chỉ cần chịu khó, chịu khổ đi rảo lượm đem về đạp dập rồi bán lấy tiền. Biết làm gì hơn ở tuổi ngoài sáu mươi này!"

Chân ướt chân ráo định cư tại Mỹ trong tình trạng dở khóc dở cười, lỡ thầy lỡ thợ, nửa nạc nửa mỡ, tôi biết phải làm gì hơn!" Thôi đành phải như vậy! Thế là tôi đã dẹp bỏ tự ty mặc cảm, bỏ cái tôi quá nặng, bỏ cái thiếu sót khiếm khuyết của mình để tạo cho mình có một chỗ đứng trong đất nước trong hoàn cảnh sống mới này. Tôi cố gắn hòa nhập vào cuộc sống giống như mình đang đánh một bàn cờ mà tôi biết rằng đây là ván cờ mình sẽ không bao giờ thắng. Tôi đã hóa thân thực sự và nhập vào nhiều vai diễn khác nhau để tìm thêm cho mình một niềm vui.

Tôi không còn là tôi với sân trường phượng đỏ, với phấn trắng bảng đen, với giấy hồng mực tím. Tiếng giảng bài đều đều cùng với những hạt bụi phấn rơi rơi, giọng nói rổn rảng, tiếng cười rút rich của đám học trò hồn nhiên thơ dại, tất cả đều đã mất... Giờ chỉ còn là nỗi nhớ!

Tôi xin vào làm phụ bếp, rửa chén trong các nhà hàng tiệm phở. Không có chỗ nào tôi thử việc quá hai ngày, được chủ tiệm cám ơn rồi cho nghỉ, cầm bao thơ đựng tiền bước ra khỏi cửa, miệng thì cười mà nước mắt lưng tròng...

Thế là tôi vẫn phải tiếp tục công việc cũ, vừa đi tập thể dục vừa lượm lon. Cũng sướng thật!" Một công việc nhẹ nhàng mà có lợi cả hai bề. Loay hoay, lỏn cỏn, lộp cộp tôi không còn nghe thấy những gì ở xung quanh tôi nữa... Bỗng một tiếng hét lớn:

"Don't pick up, go go go...".

Tài xế xe recycle đứng sau lưng tôi lúc nào không hay, tôi quay lại lắc đầu ra dấu tôi không biết tiếng Anh. Anh chàng tài xế này xổ một tràng tiếng Anh thật lớn, tôi nghe không biết nó nói gì hết, chỉ len lén nhìn nó rồi xách túi bước đi. Tài xế trèo lên xe rồ máy, xe chạy mà đầu vẫn ló ra ngoài ngó theo tôi. Tôi cũng không biết nó nói gì" Chỉ biết rằng nó không cho mình lấy và phải đi về nhà. Buồn buồn vừa đi vừa ngoái cổ lại để ngó theo xe.

Từ sáng giờ ra quân lượm chưa được mười cái lon chẳng lẽ bỏ cuộc. Tôi quay ngược sang qua dãy nhà khác né tránh đường xe recycle chạy. Mỉm cười trong bụng cho rằng "có gì đâu mà sợ".

Đang lo lượm, bỗng vụt sau lưng tiếng xe rầm rầm thắng gấp, tôi ngẩnh đầu lên, tài xế ngồi trong xe thò đâu ra vẻ mặt giận dữ hét lớn: "Go, go go go..." thì ra nó vẫn theo dõi bỏ chạy sang lane khác mà rượt theo tôi. Thế là tôi cắm đầu đi thẳng hướng về nhà mà không dám ngó lại, tim đập thình thịch, tai nghe ù ù, hai mắt đã ươn ướt lúc nào rồi"!...

Nằm ở nhà mấy tuần lễ với nỗi buồn không tên, tôi nghĩ rằng chắc cũng không có gì nên không kể lễ về chuyện này cho các con tôi nghe. Chuyện đi lượm lon, bới ve chay lông vịt là chuyện thường tình trong cuộc sống đối với những người nghèo khổ khó khan, phải kiếm sống đấp đổi qua ngày bằng nhiều cách. Nhớ lại hình ảnh những người nghèo khổ ở Việt Nam đủ mọi lứa tuổi, ở khắp mọi nơi, đổ về thành thị kiếm sống trên mọi nẻo đường gốc phố, trong các thùng rác, đống rác tanh tưởi. Có làm công việc tương tự này mới thấy nỗi thống khổ của những người cùng màu da, cùng quê cha đất mẹ. Còn tôi ở đây, ở tuổi đời này tôi không cần làm gì hết vẫn có cơm no áo ấm, vẫn thường đi chơi thưởng ngoạn , con cái lo lắng đề huề. Vậy mà, tôi vẫn muốn phải làm. Nhờ có vậy tôi càng yêu quê hương yêu đồng bào tôi tha thiết.

Đã qua được một tháng, thấy tình hình êm xuôi tôi lại tiếp tục đi lượm. Yên chí sẽ không có gì xảy ra. Tôi tìm cách tránh né đường xe recycle chạy, nhưng không ngờ đang cắm đầu vào thùng để lấy bỗng tôi vụt ngước lên ở hai bên tôi là hai xe cảnh sát.

Một cảnh sát bước lại gần tôi nói một tràng tiếng Anh tôi nghe không kịp. Còn cảnh sát kia đứng tại chỗ đưa tay tì lên báng súng. Tôi ngẩn người ra líu quíu thốt lên được: "Tôi không có việc làm, tôi cần tiền để ăn". Cảnh sát đứng cạnh hỏi: "Nhà mày ở đâu" Hãy về nhà không lượm nữa!" Tôi đưa tay chỉ về phía trước, liệu không xong tôi vội vã bước nhanh. Ngoái đầu lại hai cảnh sát vẫn đứng yên tại chỗ mà ngó theo tôi.

Về đến nhà tôi đang loay hoay dưới bếp, nghe tiếng chuông reo con gái tôi chạy ra mở cửa. Thì ra hai cảnh sát lúc nãy đã theo dõi và chạy xe đến tận nhà. Họ cho biết là công ty recycle đã thưa lên và nhờ cảnh sát can thiệp, vì các phế liệu này là quyền lợi của công ty, họ đã mua đứt cho cả khu vực nhà ở, nếu còn tái phạm sẽ bị bắt và bị phạt tiền.

Con tôi cho họ biết là tôi ở Việt Nam mới qua, già, không biết tiếng Anh, không biết làm gì nên vừa đi tập thể dục vừa lượm lon cho khây khỏa, con tôi phải xin lỗi và hứa là không tái phạm.

Buồn thay chuyện đi lượm lon phải dẹp bỏ hẳn. Tôi không còn cách nào cựa quậy để kiếm thêm việc làm ngoài việc phụ hợ cơm nước và chăm sóc các cháu.

Thời gian trôi cũng khá nhanh, lật đật đã hết mùa đông, thời tiết đã bắt sang hè. Tôi nhận được giấy mời của tòa soạn Việt Báo dự buổi lễ phát giải "Viết Về Nước Mỹ". Lăng xăng, hăm hở sửa soạn quần áo để đi Cali. Cầm những chiếc áo dài thân thương nhất mà tôi thường mặt bỗng cảm thấy xốn xang làm sao! Đã lâu lắm rồi nó nằm yên trong tủ, cái mùi dầu thơm thoang thoảng đã kéo tôi trở lại ngày nào, nhưng bây giờ không còn nữa!

Trở lại Los Angeles, bước vào nhà anh chị xuôi thân thương tốt bụng tôi cảm thấy rộn rã, tay bắt mặt mừng huyên thuyên kể lể chuyện trong chuyện ngoài, chuyện non chuyện nước. Nhớ ngày nào lúc ngoại qua Mỹ lần đầu cháu còn đỏ hỏn nằm trong nôi. Bây giờ cháu đã học lớp ba rồi, thời gia trôi qua thật nhanh tóc bà này bạc trắng rồi phải không cháu"

Chị em xuôi gia thương nhau như ruột thịt, tâm sự nỗi niềm chua cay ngọt đắng lúc còn ở Việt Nam cũng như khi an cư lập nghiệp ở Mỹ bằng những nụ cười thoải mái, bằng những giọt nước mắt cảm thông của người đi trước kẻ đến sau. Bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi mới có dịp trang điểm một chút cho tươi lại tuổi già.

Tới ngày họp mặt giải thưởng Việt Báo 2011, hai chị em lăng xăng ra xe cho kịp giờ dự lễ. Từ nhà ở West Covina đến Santa Ana cũng khá xa vậy mà bước vào hội trường chúng tôi lại là người đến sớm nhất.

Gặp gỡ các nhà văn nổi tiếng, các cây bút lâu năm, gặp chị Nhã Ca diệu hiền dễ mến, nhìn nữ tài tử Kiều Chinh, giọng ca của Khánh Ly, Lê Uyên vẫn còn ngọt ngào như tự thuở nào. Những tiết mục nối tiếp trong chương trình sống động qua cô MC Thụy Trinh duyên dáng, gặp gỡ các anh chị các em các cháu từ các nơi về làm cho tôi sống lại những buổi hội họïp lúc còn ở Việt Nam.

Ở Cali có rất nhiều báo tiếng Việt để đọc, nào là Việt Báo, Người Việt, Sài Gòn Nhỏ, Viễn Đông,... Báo nào cũng đầy ắp tin tức hấp dẫn, nhưng cái đặc biệt mà tôi chăm chú để ý đó là mục "Tìm Việc". Nào là: "Cần một bà già sáu mươi giữ trẻ hai tuổi, phụ giúp một ít việc nhà, bao ăn ở, lương thỏa thuận (biết lái xe)", "cần một phụ nữ dưới sáu mươi giữ hai cháu hai tháng và năm tuổi, làm việc từ thứ hai đến thứ sáu, biết lái xe, lương hậu".

Ôi thôi có rất nhiều mục, tôi có tìm chỗ nào phù hợp với mình rồi gọi điện thoại để xin việc. Mới chỉ có ba ngày mà tôi đã gọi trên hai mươi cuộc điện thoại nhưng không có nơi nào được việc. Hỏi ra, trên sáu mươi tuổi lại không biết lái xe, họ đành phải cám ơn.

Và rồi thì... máy bay đã cất cánh rời khỏi phi trường LAX, ngó ra cửa sổ nhìn xuống vòm trời Cali mà lòng như còn vương vấn. Lời nói của anh chị xuôi vẫn còn văng vẳng bên tai: "Mọi việc hãy để cho Thượng Đến an bài". Với tuổi đời này, với hoàn cảnh sống mới, với những niềm vui hiện có, tôi phải đành chấp nhận hai chữ "an phận" để còn được vui trọn vẹn cho đến hết tuổi già.

Máy bay càng lên cao, mây trắng bồng bềnh càng xuống thấp, trước mắt tôi là cả một khoảng không gian trong suốt không một chút gì gờn gợn, cũng như tôi lúc bấy giờ không còn một suy nghĩ nào vẫn vơ nữa bởi gì hai chữ "an phận" còn hiện ra trước mặt.

Nguyễn Kim

Một ngày đẹp trời tạm biệt Cali.

Ý kiến bạn đọc
28/10/201118:42:07
Khách
Kim ơi, ai cũng có bước đầu trên đất Mỹ, dĩ nhiên nếu còn trẻ thì sẽ có nhiều cơ hội hơn. Hãy hướng về tương lai với niềm vui là gia đình chị đã thoát khỏi chế độ CS, con cái có cơ hội học hành đàng hoàng, có nghề nghiệp lương thiện, cả nhà được sống trong 1 xã hội ít ra là công bằng, có luật pháp rõ ràng, có tình người gấp vạn lần chế độ CSVN. Riêng về các chữ sau 75, tôi có suy nghĩ riêng như sau, bản thân tôi phải kẹt ở lại với VC 17 năm, dù có để ý nhưng vẫn bị tiêm nhiễm các chữ dùng của CS; tôi rất thông cảm với Kim. Sau khi lập gia đình, ông xã có nhắc nhở, tôi không bao giờ giận mà còn biết ơn anh ấy, sau đó cố gắng để ý hòng không lập lại sai lầm nữa. Sở dĩ tôi không thích dùng các chữ của VC, không phải vì tôi ghét CS, mà chính vì tôi thấy cách dùng chữ của họ vô cùng lập dị, không có ý nghỉa và nghe ngô nghê làm sao. Xin đơn cử: chữ "chỉn chu" của VC, có nghĩa là chu đáo, cẩn thận, không chê trách gì được; hay "kích âm", có nghĩa là bộ phận khuếch đại âm thanh. Theo tôi trước 75 chúng ta đã có những chữ nào rồi thì không cần phải dùng chữ mới của VC. Tôi đồng ý với NM, theo đà tiến bộ cuả khoa học, có nhiều chữ mới ra đời, nếu chữ của VC dùng đúng nghỉa và dễ nghe, ta cũng nên xài chúng. Xin trả lời NVYN, thay cho Kim. "nghiệp dư" có nghỉa là không chuyên môn, trước năm 75 chúng ta hay dùng chữ tài tử hay amateur, tức là làm hay chơi công việc đó vì thích hơn là để kiếm sống; còn "thân thương" chỉ có ý là "thân yêu" mà chúng ta thường nói hồi trước 75.
28/10/201116:16:29
Khách
Tôi rất thích bài viết của bà, giàu cảm xúc và gần gũi ... rất cám ơn bà đã chia xẻ tình cảm qua những bài viết. Nhưng tôi không hiểu sao lại có những người "kỳ thị" với ngôn ngữ ... sau 75 tôi cũng chỉ là 1 con bé con, nhưng tôi cũng hiểu là ngôn ngữ nào cũng tồn tại theo thời gian và con người, cũng sẽ phải thay đổi theo dòng thời gian ... bằng chứng là trong tiếng Việt cũng có mượn tạm những âm hưởng của tiếng TQ, Anh, Pháp ... vì từng bị lệ thuộc các nước đó. Còn nói tránh dùng chữ của bọn VC, thì tôi - tuy chẳng ưa gì chế độ CS - nhưng cũng chẳng thể hiểu chữ nào là của VC ... chữ nào là của VN ... vì sao lại phân biệt ngôn ngữ đến như vậy để giới hạn từ ngữ, bản lĩnh của người viết và ai là người có đủ kiến thức để xét đoán đúng, sai ?
31/10/201119:51:18
Khách
Ngọc viết đúng,Chị nên đi học...từ từ sẽ có mọi thứ...Cái cần thiết nhất chị đang có...TỰ DO...hãy tận dụng...Chúc vui mạnh.
27/10/201118:00:04
Khách
Xin chúc mừng bà đã qua được Mỹ và hi vọng bà sẽ hội nhập nhanh chóng vào cuộc sống bên đây. Đọc về tiểu sử của bà, tôi được biết bà đã từng tốt nghiệp đại học sư phạm trước năm 1975 nên rất ngạc nhiên khi thấy bà dùng chữ "nhà văn nghiệp dư" và "áo dài thân thương". Có lẽ chưa bao giờ ở với VC nên tôi chẳng hiểu nghiệp dư là gì và tại sao lại thân thương - một từ ngữ mà bị cô Kỳ Duyên lạm dụng quá mức trên các chương trình PBN. Xin bà tránh dùng những chữ của bọn VC trong các sáng tác mới. Thành thật cám ơn rất nhiều. Chúc bà luôn vui mạnh.
26/10/201119:52:10
Khách
Kính gửi cô Nguyễn Kim. Cháu thật là thông cảm với tâm trạng của cô. Gia đình cháu cũng vừa qua Mỹ được vài năm khi vợ chồng cháu đã ngoài bốn muơi. Đi học là cách hay nhất trong thời điểm này. Cô có thể kiếm chút tiền và trí thức qua chuơng trình học ở cộng đồng của Mỹ. Vừa ra ngoài giao thiệp, vừa học hỏi, lại xin được financial aid. Thật là lưỡng tiện. Chúc cô vui vẻ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,300,065
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.