Hôm nay,  

Một thoáng Bình Long, An Lộc

18/10/201100:00:00(Xem: 189102)

Một thoáng Bình Long, An Lộc

Tác giả: Donna Nguyen

Bài số 3385-12-28595vb3101811

Tác giả là cư dân San Jose, đã có nhiều bài viết về nước Mỹ được phổ biến, như "Chồng Tếch Vợ Ly"; "Cái Bát Mạ Vàng", "Kết Hôn Để Qua Mỹ". Các bài viết của cô luôn cho thấy sự thẳng thắn, đôi khi ngang tàng nhưng tử tế vui vẻ. Bài viết mới của Donna là chuyện đời sống trên đất Mỹ, từ các tiểu bang xa vềø San Francisco, San Jose và rồi là hồi ức dễ thương về Bình Long, An Lộc.

***

Từ ngày qua Mỹ đến giờ, tôi cũng dọn đi dọn lại nhiều tiểu bang để sinh sống, nhưng tôi vẫn thích sống ở vùng ngoại ô nhiều hơn là sống trong thành phố. Nhiều người bạn hay than thở rằng họ đi tiểu bang lạnh làm Nail có tiền, nhưng đời sống buồn chán chết đi được, đi làm về chẳng biết và chẳng có chỗ nào để đi chơi cả, chỉ quanh quẩn toàn là đồng không mông quạnh và bốn bức tường vuông mà thôi. Thế nhưng sau khi đi nhiều tiểu bang rồi, bây giờ tôi lại nghĩ khác.

Bạn bè ai cũng bảo tôi già trước tuổi, nghiêm nghị khó chịu y như một bà cụ non. Có gì lạ đâu bạn, khi mình trải nghiệm qua hai lối sống, nhiều lựa chọn, thì mình sẽ nghiệm ra được mình thích cuộc sống như thế nào thôi mà. Lẽ thường thì người đời vẫn thích sống cuộc sống đầy đủ tiện nghi và có nhiều đổi mới, tiến bộ không ngừng theo kịp thời đại. Vì thế cho nên, người xưa vẫn nói "Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành thị!".

Vậy là coi như tôi cũng có phước lê được tới qua Mỹ mà ngồi rồi nhá. Ở tiểu bang lạnh hơn mười năm tôi cũng thấy buồn thiệt. Thế nhưng khi tôi dọn sang Cali sống rồi, thì tôi lại cảm thấy đời sống thành phố ồn ào, bon chen, nhộp nhịp quá mức. Sống ở San Francisco, thành phố của những du lịch, mấy tháng đầu tôi cứ đua theo người ta mà hưởng thụ. Thế nhưng ở lâu thêm một chút là tôi đã thấy chán ngấy lên tới tận cổ rồi. Con người ở đây cũng hiền hòa tử tế nhưng ai ai cũng có vẻ vội vã lúc nào cũng phải chạy đua với thời gian, không từ tốn, thanh thản như những người sống ở những nơi ít người như các vùng ngoại ô hay ở đồng trống, đồng quê. Người Mỹ gọi là lay back, thì thật sự đúng y như vậy đó.

Người ta vội vã bon chen đến nỗi không có thời gian để mà ngã lưng nghiền ngẫm và hưởng thụ một số cái hay trong đời mình. Con người sẽ tự dưng, từ từ trở thành thiên về chủ nghĩa vật chất nhiều hơn. Và tôi thấy rõ một số lớn người thành thị sẽ không chú trọng nhiều về đời sống tinh thần, gia đình bằng những người sống ở miền quê dù là ở Mỹ, ở Việt Nam và chắc là có lẽ, ở khắp mọi nơi trên thế giới cũng vậy chăng.

Ở San Francisco đông đúc đến nỗi tôi phải đi xe buýt, xe bart, đi bộ nhiều hơn là lái xe vì mỗi lần kiếm chỗ đậu xe thôi là cũng phát mệt. Người lái xe ở Cali thường vội vã đôi lúc quên cả nhường đường cho những người cần phải sang lane hay vào exit. Người ở những tiểu bang lạnh, hoặc ít người, đường sá rộng rãi thì phong cách lái xe cũng lịch sự hơn, cũng bớt vội vã hơn. Bầu trời trên cao cũng thoáng rộng, mặt đất dưới chân cũng mở lớn nhẹ nhàng hơn. Có lẽ đây cũng chỉ là cảm nhận của riêng tôi mà thôi, nhưng tôi lại thấy nuối tiếc những ngày tháng sống ở những tiểu bang mà người Việt ít biết tên mới chết chứ.

Có lẽ ta đã già chăng"

Nói vậy cũng không đúng à nha! Bằng chứng là ở Mỹ này nhà ở trên núi, gần bờ hồ, gần bờ sông, gần biển thì giá cả đắt gấp mấy lần nhà ở khu bình thường đấy. Thế nhưng nhà ở dưới các khu thương mại cũng chẳng rẻ gì, nhưng lại nhỏ hẹp và cũ kỹ lắm. Ai thích đời sống thế nào thì cũng có chọn lựa của họ mà. Được này mất kia là lẽ thường tình ở thế gian này đấy phải không bạn.

Cuối cùng thì tôi lại dọn xuống San Jose nơi tập trung nhiều người Việt để sinh hoạt. Lúc đầu tôi cũng háo hức ham vui như bao nhiêu người Việt khác. Bầu trời ở đây xanh biếc xanh, thung lũng hoa vàng đồi núi chập chùng, lái xe khoảng ba mươi phút thì chúng ta muốn biển có biển, đi xa hơn chút muốn hồ có hồ, muốn rừng có rừng, muốn sông có sông, nói chung cảnh thiên nhiên muôn hình vạn trạng, thanh thoát nhẹ nhàng. Đêm xuống ánh đèn màu tuy không rực rỡ tráng lệ như ở Las Vegas thành phố của tội lỗi nhưng cũng đủ để các bạn thích vũ trường, thích ra quán ba tán gẫu hay cùng bạn bè long nhong đi rong cả đêm cũng vui lắm. Khí hậu ở San Jose cũng không nóng lắm, không lạnh lắm, không khắc nghiệt như ở những vùng tuyết lạnh, mưa bão bập bùng, cũng không sợ bão lụt thiên tai, năm thì mười hoạ đất cũng rung rung vài giây, động đất vài chấm bon chen với người khác cho vui thôi mà.

Nói chung, ở đâu quen đó, lang thang hoài cũng mệt, tôi đành lấy San Jose là quê hương thứ hai của mình. Bây giờ, trước nhà tôi là một sân cỏxanh mướt xanh, rộng thênh thang trong khu town house, với những tàng cây rủ bóng mát hiền hòa, chiều về gió thoảng hiu hiu, nhẹ nhàng thoáng mát. Chỗ tôi ở lái xe chưa đầy mười phút là ra tới khu trung tâm người Việt rồi, các bác lớn tuổi không biết tiếng Anh còn có thể đi bộ ra chợ, ngồi hàng nhà, thậm chí đi bác sĩ, khám mắt, khám răng, mua kim mua chỉ, mua miếng vải, cái quần, chiếc áo đều không cần phải xài động từ to quơ gì hết (were) bởi vì mọi hoạt động thương mại ở đây đều có người Việt làm chủ hết rồi. Đời sống ở đây cũng chộn rộn bận bịu ra phết chứ nhỉ.

Gần đây tôi cũng bon chen trồng trọt với bạn bè cho vui. Có một mảnh đất bé bằng một mét vuông thôi mà tôi cũng trồng được đủ thứ nào là rau má, rau mồng tơi, bạc hà, rau răm, dấp cá, hẹ hành đủ loại. Hàng xóm còn trồng nào là cây chanh, cam, táo, lê, đào... Các bạn có nhà riêng đất rộng còn trồng cả cây mai tứ quý, ổi, táo tàu, có người còn trồng cả trái na, chụp hình đem khoe nhưng bảo rằng chắc chưa ăn được, ngắm cho vui thôi. Mà vui thiệt, hễ tôi thấy cây thấy cỏ, thấy lá thấy mây, thấy hoa thấy trái là tôi vui hà. Con người của thời đại mới người ta bắn tín hiệu thôi mà cũng làm được khối việc. Thế mà không hiểu sao ai ai cũng bận rộn như không có thời gian để mà thở. Nghĩ cũng ngộ, nhưng tôi không rảnh để thắc mắc chuyện người ta, tôi còn phải dành thời gian để hưởng thụ khoảng không gian trong lành ở quanh mình nữa đấy. Các bạn hãy thử xem nào, sau những ngày làm việc mệt mỏi, hoặc sau những cuộc vui dưới ánh đèn màu, khi không có thời gian để đi đổi gió, bạn chỉ cần hít thở không khí ở ngoài công viên, hay ngay ở sân sau nhà mình, hay nhà bạn của mình là đủ rồi nhé.

Ở đâu đi nữa thì những người lưu vong cũng vọng quốc, nhớ nhà xót xa. Có lẽ vì vậy mà những gia đình Việt tại hải ngoại, dù ở bất cứ đâu, cũng đua nhau trồng đủ loại cây trái của quê nhà, từ các loại rau ngò rau húng, bí bầu, tới cây ổi cây xoài.

Khi còn sống ở các vùng xa ít người Việt, nỗi nhớ quê nhớ nước là cái nhớ đìu hiu. Sống tại San Jose, thành phố đông người Việt nhất trên đất Mỹ, cái nhớ hàng năm còn được nhắc nhở bằng nhiều sinh hoạt chung.

Cứ gần tới những ngày lễ của các cựu quân nhân VNCH, bạn bè thường hay trao tay nhau những clip video về hình ảnh chiến tranh năm cũ. Trong số này, tôi tìm được một clip có hình ảnh An Lộc, Bình Long. Một thoáng đường xưa, lối cũ và những kỷ niệm về Bình Long lại ồ ạt trở về trong tôi.

Nhìn những hình ảnh An Lộc năm 1972, lúc tôi có vài tuổi chưa biết gì, tôi đã thấy lại thấy lại được một thoáng Bình Long trước khi bị điêu tàn, hoang phế và đau khổ ra sao. Tôi cũng đã xem những clip ghi về một thoáng Bình Long, An lộc những năm gần đây, vẫn y chang lần cuối tôi ghé thăm 2007.

Có người còn ghi lại trong clip nhiều hình ảnh chợ Bình Long ngày Tết vừa rồi. Nhìn cảnh chợ và nghe giọng nói của người Bình Long trong clip cũng đem đến cho tôi thoang thoảng những nhớ nhung về Việt Nam yêu dấu, Bình Long thân yêu.

Tôi biết đến Bình Long vào khoảng mùa hè năm 1982. Đó là lần đầu tiền tôi biết thế nào là đi về quê nghỉ mát và đi ra khỏi Sài Gòn. Tôi thích Bình Long quá nên đã từng kiếm cớ để được quay về ở đó dăm ba ngày, vài tháng rồi lại trở lên Sài Gòn. Thời gian đó, cuộc sống Sài Gòn lộn xộn, tan tác và khó sống lắm. Người người lũ lượt đi Thanh niên Xung phong, đi Kinh tế mới để được sinh tồn. Tôi cũng phải năn nỉ ỉ ôi để người nhà cho đi xuống Bình Long mà nương náu gia đình ngoại. An Lộc đối với tôi là những cánh đồng biêng biếc xanh, gió nhẹ hiền lành, chiều về êm ả. Đời sống ít bon chen và không bị áp ức, hằn học nhiều.

Lâu nay tôi thích gần gũi với cây xanh, hoa lá, cây trái, ruộng đồng. Mười mấy năm sống ở thành phố nhộn nhịp ồn ào nhưng vẫn không hấp dẫn được tôi bằng cái bình yên, đôi khi tưởng là nhàm chán nơi miền Đông đất đỏ, chân lấm tay bùn này.

Có thể, nơi đây tôi không bị chìm lỉm và nhỏ bé như ở Sài Gòn nên tôi thấy vui. Sống ở Sài Gòn, con đường học vấn coi như không có tương lai. Ở lứa tuổi bắt đầu trưởng thành và biết lo nghĩ, tôi không biết làm gì để kiếm sống, cứ bơ vơ ngơ ngác giữa chợ đời, không vấp ngã hoang đàng đã là quá may mắn lắm rồi. Về Bình Long, tôi thích cái khoảng không gian bao la bát ngát, cây xanh, cỏ lạ của nơi này. Ở đây, gia đình có người đi lính VNCH cũng bớt bị xỉa xói và chèn ép. Hơn nữa, những chuỗi ngày sống với ông ngoại, học cách sống đời đơn giản, tôi thấy vui và thanh thản hơn. Đồng xanh bát ngát, gió mát trăng thanh có thể giúp người ta quên bớt đi nỗi ám ảnh về đời sống không tương lai, không biết ngày mai ra sao. Có thể, và có nhiều cái có thể lắm, nhưng không biết vì sao, tôi lại gắn bó với Bình Long nhiều hơn Sài Gòn. Và bây giờ, hai ngôi mộ của ông bà ngoại đang còn ở Bình Long, cho nên, An Lộc là nơi tôi phải tìm về, những lần đi Việt Nam thăm quê hương và người thân.

Con đường quốc lộ 13 từ Sài Gòn đến Bình Long có những khúc quanh ngã rẽ nào, tôi cũng đã từng đi qua hết. Y hệt như tôi bây giờ đang rành rẽ từng exit trên xa lộ 101 từ San Francisco đi San Jose. Tôi có một thời từng đi buôn lậu vặt vãnh mang gương mặt non chẹt của một em học sinh trung học. Do đó, tôi chưa bị công an các trạm kiểm soát phát hiện lần nào. Trên những chuyến xe đi buôn, tôi chỉ mang khoảng mười ký đậu, tiêu hột hoặc số nhỏ lượng hàng cấm mà thôi. Nhờ đó tôi đem về đủ một ít tiền lời giúp tôi sống được ít nhất một tuần, một tháng. Việc làm này là một sự thành công nho nhỏ nhưng đáng kể trong đời tôi lúc còn ở Việt Nam. Ngày đó, ăn ngay ở thẳng thì chỉ có nước là cầm gáo ăn xin cho qua ngày đoạn tháng. Cho nên, tôi đi buôn hàng lậu nhưng lại chưa bao giờ mang cảm giác tội lổi với ai cả. Tôi chỉ thấy vui mừng vì qua mặt được bọn công an gian ác, ngang ngược mà thôi. Những cô gái trẻ lớn hơn tôi năm ba tuổi, đã ra đời bươn chải và là dân buôn thứ thiệt, chuyên môn đi một chuyến cả trăm ký hàng lậu trở lên. Họ sẵn sàng bắt bồ, lả lơi và nịnh nọt mấy tên công an để được đi hàng qua trót lọt. Hành khách đi xe nhìn thấy những mối quan hệ này, ai ai cũng lắc đầu chán ngán nhưng im lặng chẳng dám có ý kiến gì. Xã hội của "chủ nghĩa cơ hội ", thì sắc đẹp và tuổi xuân trở thành vũ khí kiếm tiền mạnh nhất, nhưng lại là loại thành công theo kiểu " bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu ".

Tột nhất là bà ngoại tôi cũng phải khổ sở, bon chen đi buôn lậu một vài thùng cám, thúng đậu để đong gạo nuôi thân. Vậy mà những tên công an ấy cứ lạnh lùng gian ác tịch thu những món hàng "lậu" rất tầm thường ấy, hết lần này đến lần nọ, còn lớn tiếng nhục mạ không tiếc một lời vô văn hóa nào mà chưa dùng đến để xỉ vã những người lớn tuổi đáng thương như ngoại. Bây giờ mỗi lần coi phim bộ của Hồng Kông tôi thấy đám công an hồi trước cũng hành động y như đám sơn tặc trong phim Tàu thời xưa. Đám giặc trên rừng này về đây đóng đồn, đàn áp hà hiếp dân lành. Đậu đen, đậu đỏ, gạo, cám tự dưng trở thành hàng cấm. Nếu bạn là những cô gái trẻ tuổi đang xuân, mơn mởn mà lại chịu cười cợt lả lơi ăn chia tiền bạc và cảm tình với chúng, thì bạn cứ tha hồ mà mang cả tấn hàng cấm đi đi, về về như cơm bữa.

Ngồi trên những chuyến xe đò với hai ba cái túi xách nhỏ có tí teo hàng lậu, tôi tự dưng trở thành một khán giả trung thành với những câu chuyện đầu môi của dân lái xe, lơ xe đò, dân buôn và hành khách đi cùng. Vì còn ở trong tuổi học trò, gương mặt sáng sủa, ăn mặc tươm tất nên tôi không dính vào dạng con buôn thứ thiệt. Thật ra thì tôi có rất ít vốn, lại không được to gan cho lắm, chưa đủ ranh mãnh để chạy theo cái "chủ nghĩa cơ hội" đang bắt đầu thịnh hành của đất nước. Nhưng tôi vì cần tiền phải làm liều bắt chước người ta đi buôn mà lấm lét "ăn ít, no lâu" theo kiểu tài tử mà kiếm sống.

Hồi đó tôi tuy lanh lẹ nhưng tánh tình trẻ con, nóng nảy, ít kiên nhẫn. Hên là tôi đi buôn lậu không bao giờ bị bắt bớ, lòi tẩy. Chứ lỡ bị gì thì không biết phải tính làm sao đây. Nếu tôi bị bắt, bị chửi rủa, rồi ấm ức mà không nói, không phản kháng được, hay tôi hoảng hốt nói càn, lỡ lời xúc phạm rồi bị chúng bắt bỏ tù thì khổ lắm chứ bộ.

Tôi vẫn nhớ bến xe Bình Long, Bình Dương. Nhiều lúc đang chờ xe đón thêm khách, tôi thường nhìn quang cảnh chung quanh nhộn nhịp hay chạy ra chợ đảo một vòng. Bến xe miền Đông ở Sài Gòn cũng vui. Người bán hàng rong đủ lứa tuổi, đủ loại hàng, và đủ cách để rao hàng. Nhiều người bán sách, bán quạt, bán đồ ăn, thức uống, bán đủ mọi thứ ở trên đời. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, em trai tôi hay "tự vỗ ngực xưng tên" tự hào tuyên bố:

- Mai mốt lớn, con đi bán trà đá nuôi ngoại.

Bà ngoại tôi vốn hiền từ, chỉ biết ngồi nghe rồi cười ngất. Hên là em trai tôi được qua Mỹ học hành thành đạt. Nếu em còn ở Việt Nam tuy có học giỏi nhưng lý lịch không "đẹp" thì đời cũng chả bao giờ mà "được như mơ". Bây giờ nghe đâu, những người còn ở lại, đang tranh đua nhau thể hiện tài năng bằng mọi giá "để xóa đói, giãm nghèo". Em nào mà còn an phận đi bán trà đá qua ngày chắc phải "uống trà thay cơm" mà thôi. Rõ khổ!

Hôm tôi đu xe đò Hoàng về Phước Lộc Thọ dự lễ, ngồi trên xe với những người Việt Nam sống ở Mỹ, hoàn cảnh sống và cách cư xử, sinh hoạt cũng khác, cũng khá hơn nhiều, nhưng vẫn thấy thoang thoảng đâu đó, cái cảm giác của người hành khách "ngồi xe đò " hạng sang, qua rồi một thời gian nan đi buôn "tài tử", một cái nghề mà chắc bạn không muốn thử đâu nhỉ.

Ông ngoại tôi ở An Lộc và sở hữu ruộng đất từ bao giờ tôi cũng không biết nữa. Trước khi đi Mỹ, tuy to con lớn xác chứ tôi còn khù khờ ngây thơ lắm. Có lần tôi về thăm ngoại, ngoại kêu tôi đi ra ngoài vườn gọi dì tôi về. Tôi cứ đi dọc theo con đường đất ngoài bờ ruộng mà đi. Tôi đi mãi mà sao thấy cây với cối chỗ nào cũng giống nhau. Nhìn tới nhìn lui, đi hoài đi miết, không thấy ai hết. Bình Long anh dũng một thời oanh liệt, giờ đặt chân lên vùng đất này, đi lang thang tự dưng lòng thấy vui, đầu óc lan man lạc đường hồi nào tôi cũng không biết nữa.

Xã An Lộc thời gian đó, có bao nhiêu gia đình người ta cũng đều quen mặt biết tên hết rồi. Vì vậy khi thấy có người lạ đi lon ton ngơ ngáo như tôi, họ nhìn một cái là biết liền. Tôi cũng may mắn thấy có người đi ngang bèn chặn đầu cầu cứu. Người đó bèn chỉ đường cho tôi về lại được khu vườn của nhà mình.

Thuở đó, chân tôi là chân đi. Lò mò riết tôi cũng biết đường đi lung tung. Con đường từ nhà ngoại đi ra chợ là dễ nhất. Đi bộ phơi nắng là chuyện đương nhiên. Tôi cứ đi con đường đất khoảng chừng dăm phút là ra tới đường quốc lộ 13. Quẹo trái trên đường 13 đi thẳng khoảng hơn hai mươi phút là ra tới bùng binh, rồi lăn...oop đi xuống dốc bên tay phải là tới chợ, ngay bên bến xe Bình Long.

Về Bình Long ở, tôi phải học múc nước từ dưới giếng lên xài. Phơi đồ tôi không biết canh, để thiên hạ đi ngang nhà ăn cắp "mượn đỡ, cầm nhầm" hoài. Có bữa ngoại tôi bẫy được một đám chuột đồng đem ra kho quẹt rồi ngồi ăn ngon lành.

Sau đó, tôi cầm cái chén rửa mấy chục lần cầu trời cho đừng có còn dính vi trùng hay mùi chuột nữa. Vậy thôi chứ ngoại làm thịt rắn, thịt con mãn con mên gì là tôi "đớp" ráo. Ở Bình Long có người bán thịt cầy, thịt heo rừng, thịt các loại thú rừng, có tiền thì tha hồ mà nhậu hay phá mồi. Ngoại tôi lúc chưa gặt lúa không có tiền, ngoại nhậu rượu đế với muối ớt. Ngoại đưa tôi cái chai một lít. Tôi đi bộ dăm phút ra tới cái quán cóc gần đường lớn là xách được rượu về cho ngoại rồi. Ngoài cái tật ghiền rượu, ông ngoại tôi, đối với tôi, là tốt là giỏi nhất trên đời này.

Ở Bình Long, chiều chiều ra sân ngồi nhìn ra cánh đồng ruộng lúa rung rinh trước mắt, gió thổi hiu hiu thì trong lòng thấy thanh thản lắm. Xa xa kia, cách một bờ ruộng tôi có thể nhìn thấy được nhà của những người hàng xóm quanh mình. Kế sát bên nhà tôi, có chú kia tên Bình, là người của nhà nước, từ Bắc vô sinh sống. Tôi thấy chú cũng hiền lành, không như những tên cán bộ hánh dịch khác. Nhà ngoại và nhà chú cách nhau một cái hố bom. Mới đầu tôi còn tưởng đó là một cái hồ nhỏ. Hình như nó cũng có cá và có lục bình, rong rêu bám đầy. Em trai tôi hồi nhỏ chặt cây chuối quăng xuống đó làm cái phao tập bơi. Tôi sợ nước nên dù hố bom nhỏ như cái lỗ mũi, tôi cũng không dám xuống, chỉ thò chân xuống rửa cho mát thôi hà.

Đằng sau nhà ngoại tôi có trồng khoai mì, tiêu, linh tinh đủ thứ thay đổi theo mùa. Ngoại kể hồi còn trẻ ngoại theo người ta vào Nam làm công nhân cạo mủ cao su. Những hàng cây cao su thẳng tắp nhìn hiền lành, nhẫn nhục vậy đó, nhưng tụi đó đã đẫm và thấm không biết bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt và máu của những người công nhân khốn khổ. Ngoại nói bọn cai lúc đối xử với công nhân rất là lạnh lùng, tàn ác.

Khi còn ở Sài Gòn, ông ngoại tôi làm thợ hồ, thợ mộc. Sau này kiếm sống không được nữa, ngoại chạy về Bình Long làm ruộng trồng trọt, nuôi gà nuôi vịt nhưng lại sống thanh nhàn vui vẻ hơn nhiều. Tôi thấy ngoại trồng đủ thứ, cây gì ngoại cũng biết trồng. Mỗi lần ngoại lấy cái lồng tre để bắt gà làm thịt cũng tài và vui lắm. Cứ mỗi đợt được mùa lúa là ngoại đem đổi được nhiều thứ, còn để dành lúa giống và gạo đủ ăn cho mùa sau. Ngoại còn biết trồng mía kéo cả mấy xe đem ra nhà máy đổi công để người ta làm thành đường thẻ. Ngoại lại để dành một mớ, đem bán một mớ. Tôi còn nhớ lúc trèo lên đống mía ở nhà máy canh chừng trộm, cũng vui lắm chứ. Đời sống ở quê tuy nhọc nhằn nhưng tạm gọi là dễ thở hơn ở Sài Gòn nhiều.

Tết đến, ngoại tôi một mình gói nguyên một nồi bánh chưng to tổ bố. Ngoại có cái cối xay đá, xay gạo thành bột nhuyễn ra rồi làm bánh ích. Tôi cũng bày đặt giúp nên lăng xăng làm theo. Vụng về làm sao mà tay tôi đụng vào cái đèn dầu bị bỏng một vệt dài bằng một đốt ngón tay. Cái vết thẹo này khiến tôi không thể nào quên những kỷ niệm dễ thương đó.

Tôi cũng bắt đầu học nấu ăn. Nhiều lúc chúng tôi chỉ ăn cà chua nấu với trứng, hoặc trứng hòa với muối rồi hấp với cơm. Đồ ăn đơn giản nhưng gạo mới toả hương thơm phức, ăn ngon hơn bây giờ nhiều. Ngoại tôi thích nhất là đem khoai lang đi lùi vào tro, ăn thơm phải biết. Ngoại thường dương cao khẩu hiệu "nhất đậu rang, nhì khoai lang nướng" để tự an ủi đời sống nghèo, dân dã nhưng thoải mái, an phận là vui rồi.

Ngày đó, Bình Long chưa có nhiều điện. Đêm đến là ngoại đốt cây đèn dầu lên. Tôi mà ghiền đọc sách thì phải ráng dí con mắt vô gần cái đèn mà đọc. Hèn gì bây giờ tôi bị quáng gà.

Bình Long còn nhiều thứ dễ thương để nhớ, để kể lắm. Bình Long, An Lộc trong mắt những người lính đã từng đóng quân ở đây, chắc còn nhiều kỷ niệm và thương nhớ hơn như đối với tôi. Nhưng Bình Long với tôi, đã là quê hương, là cội nguồn, là nuối tiếc. Sài gòn từ lâu thì đã biến dạng, đã mất và đã bị cưỡng hiếp đến tang thương.

Bình Long của tôi, có thể, bởi vì tôi biết đến nó quá muộn màng. Cho nên đối với tôi, đau khổ, mất mát ngỡ ngàng chưa chất chứa, Bình Long vẫn mãi là biểu tượng của quê hương, làng xóm, thân tình. Bình Long anh dũng một thời, vẫn kiên cường chống chọi với những biến dạng, hoang mang. Bình Long vẫn đẹp hoài, và xin hãy mãi đợi chờ... một ngày, thanh bình thực sự sẽ trở về trên từng mảnh đời và những con đường đất đỏ thương yêu.

With Love and Best wish,

Donna Nguyen

Ý kiến bạn đọc
28/08/201223:28:28
Khách
Xin được gởi vào nơi đây một chút kỷ niệm về BÌNH LONG qua bài thơ " CHIẾC LÁ "

Chiếc xe mang tên em
Chạy về qua lộ nhớ
Lộ mười ba nên thơ
Vào Hớn Quản Lộc ninh

Mắt em màu xanh thẳm
Như lá rừng cao su
Vương đất đỏ bụi mù
Xếp vào đêm hư vô

Anh làm thơ ngây ngô
Lơ lửng hồn vụt bay
Nên suốt đời mê mãi
Gọi: "lá ơi...lá ơi " !!!

24/10/201111:57:05
Khách
Kỷ Niệm Chợ Bình Long

Nhiều hoa nở tại Bình Long
Một nơi kỳ diệu trong lòng cô ta
Những ngày buôn bán xa xa
Bao nhiêu kỷ niệm hiện ra, tuyệt vời
Ước ao có dịp tới nơi
Những ngày tuổi ấu trong đời không quên

Chu' Sáu
19/10/201119:43:31
Khách
"Bình Long anh dũng - Komtum kiêu hùng' . TT Nguyễn Văn Thiệu.

Chỉ tiếc một điều, Donna không được làm "Em bé quàng khăn đỏ", uổng quá nhỉ...

Cù Lý - OKC.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,745
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.