Hôm nay,  

Phải Sang Trái

08/09/201100:00:00(Xem: 139824)
Phải Sang Trái

Tác giả: Anthony Hưng Cao
Bài số 3350-12-28560vb590811 

Năm 1988, có chàng học trò 19 tuổi, cùng gia đình gốc quân y VNCH định cư tại vùng Little Saigon theo diện bảo lãnh đoàn tụ. Chỉ sau 7 năm vừa làm vừa học, anh học trò nghèo tốt nghiệp bác sĩ nha khoa. Đó là trường hợp bác sĩ Anthony Hưng Cao, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007, ông đã nhận giải danh dự năm 2008. Hai năm sau, thêm giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và hiện điều hành "Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sỹ". Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

***

Mỗi ngày khi đến văn phòng, sau thủ tục chào hỏi xong, việc đầu tiên trong ngày của tôi là lướt qua những "headlines" trên trang Yahoo mà chúng thường hiện lên trên màn ảnh khi mở máy computer. Sau đó, tôi vào trong hộp thư email đọc nhanh những chủ đề được các netters trên các diễn đàn gửi tới. Thời đại này, chỉ trong vài tích tắc, có khi chưa kịp vào trong các trang báo Việt ngữ, đã thấy những tin tức nóng bỏng được cập nhật.
Dạo gần đây, những tin tức liên quan đến việc Trung Quốc có những hành động gây hấn, xâm chiếm, áp bức những ngư dân Việt Nam, rồi đến những cuộc xuống đường của người dân trong nước cùng với những hình ảnh và video được liên tục đưa lên những diễn đàn và các trang mạng. Những người Việt tị nạn vẫn âm thầm theo dõi từng diễn biến của các sự kiện. Tôi biết chắc chắn trong lòng mọi người Việt hải ngoại tuy ở xa đến hàng ngàn dặm nhưng cũng cùng hoà theo ý chí đấu tranh qua những tiếng hô vang chống lại bọn Trung cộng xâm lấn. 
Trong thời gian gần đây, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều hội đoàn và các anh chị em nghệ sĩ khi họ đến với chương trình Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ Talk show của chúng tôi được thực hiện hàng tuần trên đài Global TV với mục đích bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam ở hải ngoại. Qua những buổi phỏng vấn này, tôi được biết có nhiều người cũng đã và đang làm nhiều việc để ủng hộ đồng bào trong nước, từ việc tổ chức những chương trình văn nghệ đấu tranh đến các bài viết, bản nhạc, v.v. Trong một dịp tình cờ, tôi được nghe về một chương trình có tên là "Hành Trình Về Đất Mẹ Qua Y Phục Phụ Nữ Việt Nam - Sắc Lụa/ Art on Silk". Chính cái tên hơi khác thường của chương trình đã gây cho tôi sự tò mò muốn tìm hiểu thêm vì tôi nghĩ đây không phải là một chương trình trình diễn thời trang bình thường mà những người Việt ở xung quanh khu Little Sài gòn vẫn thỉnh thoảng được nghe quảng cáo.
Qua tìm hiểu, tôi biết thêm người đứng ra khởi xướng chương trình này là một người phụ nữ có tên Trần Thị Lai Hồng. Cô là người rất đáng khâm phục vì đã và đang khởi xướng phong trào đổi vị trí nút áo dài từ bên tay phải sang bên trái để thoát khỏi sự đô hộ của người Tàu ảnh hưởng trên tà áo dài Việt Nam. Sau khi đọc một vài chi tiết về cô, tôi vui mừng và gọi ngay cho nhạc sĩ Minh Tuấn, người cùng điều khiển chương trình talk show với tôi.
"Anh Minh Tuấn ơi, cuối tháng 7 này, cô Lai Hồng sẽ từ Florida bay sang. Mình reserve trước ngày thứ Tư cuối tháng 7 này, không mời khách nào khác để dành cho chương trình này của cô Lai Hồng nhe!"
Bên kia đầu dây điện thoại, tôi nghe giọng của anh có vẻ hơi ngạc nhiên:
"Chương trình gì của cô Lai Hồng vậy anh"
Nghe anh hỏi xong, tôi mới chợt nhớ ra rằng tôi chưa nói cho anh biết cô Lai Hồng là ai. Do bận rộn với việc làm hàng ngày và trong tuần thì không có dịp gặp nhau vì nhạc sĩ Minh Tuấn sống ở San Diego, nên chúng tôi thường chỉ hội ý có vài phút trước khi bắt đầu chương trình phỏng vấn. Vì muốn tạo sự ngạc nhiên cho khách mời, nên chúng tôi không soạn trước những câu hỏi. Lần này cũng vậy, khi tôi email báo cho cô Lai Hồng biết ngày giờ của buổi phỏng vấn, cô tỏ ra rất lo lắng và muốn biết xem chúng tôi sẽ hỏi cô những câu hỏi gì. Tôi gửi email đến để trấn an cô.
"Xin cô đừng lo. Tụi em sẽ chỉ đặt những câu hỏi về cô, về công trình nghiên cứu, thiết kế những chiếc áo dài và đặc biệt nói về việc cô kêu gọi đổi nút áo dài từ phải sang trái thôi".
ường như cô vẫn chưa hết lo lắng, vì ngay sau đó, tôi nhận được một email khác của cô nhờ tôi liên lạc với những người trong ban tổ chức như cô Tà Cúc, chị Kim Ngân, v.v. giúp cô một tay và "sắp xếp sao cho cô nói ít ít thôi", như lời cô dặn dò qua email. Trước đây, tôi cũng đã phỏng vấn vài người nghệ sĩ mà họ cho biết họ dễ dàng chuyển tải những ý nghĩ và cảm xúc của mình qua tiếng đàn hay lời ca hơn là những mẫu đối thoại tâm tình. Bắt được ý nghĩ đó nên tôi đề nghị cô Lai Hồng có thể dùng hình ảnh của những kiểu áo dài do cô vẽ kiểu để minh họa cho những điều cô muốn trình bày gửi đến khán giả trong buổi phỏng vấn.
Một buổi chiều thứ Tư cuối tháng Bảy, lần đầu tiên chúng tôi gặp cô Lai Hồng khi cô đến studio cùng với chị Kim Ngân và hai cô người mẫu. Cô trông thật giản dị trong chiếc áo dài màu trắng, với mái tóc điểm bạc nhưng đôi mắt vẫn sáng ngời nét hào khí của người phụ nữ đang ấp ủ nhiều hoài bão cho quê hương đất nước. Khi máy bắt đầu quay, anh Minh Tuấn và tôi thay phiên nhau đặt những câu hỏi về cuộc sống và bước đường đi vào ngành thiết kế vẽ kiểu mẫu áo dài của cô. Qua những câu trả lời của cô, chúng tôi được biết thêm về những tháng ngày đầu tiên khi cô bắt đầu bước vào con đường tìm hiểu, nghiên cứu và thiết kế những kiểu vẽ mới lạ cho những chiếc áo dài. Cô cũng cho biết thêm về lịch sử của chiếc áo dài Việt Nam bắt nguồn từ thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh ở thế kỷ thứ 18 với biên giới là bến sông Gianh. Trước đó, các phụ nữ ở ngoài Bắc thường mặc những chiếc áo tứ thân với váy và sau khi Chúa Nguyễn Phúc vào Nam năm 1744, ông không muốn kiểu áo tứ thân giống ngoài Bắc, nên khi ông thấy những chiếc áo của người Chàm và người Khách (những di dân từ Trung quốc qua), ông nãy ra ý nghĩ kết hợp hai kiểu áo này lại với nhau thành chiếc áo dài từ kiểu áo của người Chàm chẻ hai bên và áo của người Khách cài nút bên phải.

Từ khi được biết về công cuộc kêu gọi chuyển cách cài nút áo từ bên phải sang trái của cô Lai Hồng, tôi có rất nhiều thắc mắc trong lòng nên tôi muốn nhân cơ hội này để hỏi cô một trong số những câu hỏi mà tôi nghĩ nhiều người có lẽ cũng muốn biết.
"Xin cô cho biết dựa vào đâu mà cô có thể khẳng định là người phụ nữ Việt Nam của chúng ta ngày xưa đã từng cài nút áo bên trái"" Tôi đặt câu hỏi cho cô.
Cô từ tốn giải thích:
"Theo như Đức Khổng Tử viết trong cuốn Luận Ngữ rằng ngày xưa, những bộ tộc Bách Việt mặc áo cài bên trái. Trên thế giới, chỉ có người Trung Hoa là cả đàn ông và đàn bà đều cài nút áo qua bên phải, trong khi các dân tộc khác trên thế giới, đàn bà cài bên trái và đàn ông cài qua bên phải. Khi người Tàu đô hộ Việt Nam, họ bắt những người phụ nữ Việt Nam cũng phải cài nút sang bên phải."
Nói đến đây, mắt cô như sáng lên và giọng nói của cô bỗng cao lên như muốn gửi đến những khán giả của chương trình những tâm huyết mà cô đã theo đuổi trong nhiều năm qua.
"Vì muốn thoát khỏi sự đô hộ của người Tàu trên tà áo dài của người phụ nữ Việt Nam, nên cách đây năm năm, tôi đã bắt đầu kêu gọi mọi người hưởng ứng phong trào mặc áo dài với nút áo cài sang bên trái để xoá đi vết tích nô lệ bọn Tàu ngày xưa".
"Trước tình hình đất nước hiện nay, trước sự xâm lấn của Trung cộng và chúng đang tìm đủ mọi cách để tạo ảnh hưởng và cai trị người dân Việt của chúng ta, thì hơn bao giờ hết, việc làm của cô càng thêm có ý nghĩa. Xin cô cho biết cô có gặp những trở ngại gì không trong việc khởi xướng một công trình nhiều khó khăn này"" Tôi đặt thêm câu hỏi cho cô.
Cô Lai Hồng cho biết cô cũng gặp nhiều khó khăn, ví dụ như từ những người thợ may vì họ đã quen với kiểu may nút áo bên phải từ nhiều năm nay. Bất cứ một việc gì mới cũng đòi hỏi nhiều thời gian và sự hợp tác. May mắn thay là cô cũng nhận sự hỗ trợ từ nhiều người mà cô đã vui vẻ chia sẻ với chúng tôi:
"Hôm chúng tôi diễn thuyết, có một người thợ may đã đem một chiếc áo dài đến trong buổi diễn thuyết để hưởng ứng cho cuộc thi may áo dài cài bên trái và người này cũng cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ cho phong trào này."
Chúng tôi như đọc được niềm vui trong ánh mắt và giọng nói của cô. Sau đó, chị Kim Ngân và cô cũng thay phiên nhau trả lời những câu hỏi của anh Minh Tuấn và tôi đặt ra xoay quanh việc hợp tác tổ chức giữa Viện Việt Học và cô Lai Hồng trong chương trình có ý nghĩa này. Chúng tôi được biết thêm cô Lai Hồng cũng chính là người viết và soạn thảo cho chương trình "Hành Trình Về Đất Mẹ Qua Y Phục Phụ Nữ - Sắc Lụa /Art on Silk" mà với chương trình này, cô Lai Hồng mong muốn ôn lại những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt qua những chiếc áo dài, từ thời vua Hùng Vương đến thời kỳ cận đại trong những tiết mục trình diễn như Mỵ Nương Công Chúa, Tiếng Trống Mê Linh, Hội nghị Diên Hồng, v.v. Cô Lai Hồng cũng cho biết là cô đã bỏ ra nhiều công sức trong việc nghiên cứu để kiến tạo lại những kiểu áo dài từ thời xưa dựa theo những hoa vân trên mặt trống đồng để chế ra những bộ y phục từ thời Hùng Vương, v.v. Bằng một giọng thật xúc động, cô tâm sự:
"Niềm vui của tôi là những khi thử những chiếc áo dài cho các em trong khi tập luyện để biểu diễn, có nhiều em không biết gì về những nhân vật mà các em sẽ đóng vai của họ. Tôi phải cắt nghĩa cho từng em về những nhận vật lịch sử này và cảm thấy thật vui khi các em có dịp hiểu thêm về lịch sử Việt Nam."
Trời chiều tháng Bảy ở California vẫn còn những ánh nắng chói chang khi tôi bước ra khỏi studio sau khi buổi phỏng vấn kết thúc, nhưng bên tai tôi như vẫn còn văng vẳng lời kêu gọi của người phụ nữ Việt Nam có vóc người nhỏ bé nhưng có một trái tim thật kiên trì và tràn đầy lòng tự hào dân tộc:
"Chúng ta đi mang theo quê hương. Chúng ta đi mang theo áo dài và áo dài đây chính là tà áo dài với nút áo kết bên tay trái để gột rửa ách nô lệ của Tàu!"
Với lòng kiên trì của cô và với sự hợp tác của nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam cùng ngồi lại bên nhau, tôi tin chắc rằng một ngày không xa, lời kêu gọi của cô sẽ trở thành hiện thực và người phụ nữ Việt Nam sẽ hiên ngang ngẫng cao đầu để tự hào là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu với dấu vết nô lệ của bọn giặc Tàu sẽ biến mất khỏi chiếc áo của mình cũng như khỏi đất nước Việt thân yêu.
Nếu trong âm nhạc, chúng ta có nhạc sĩ Lê Văn Khoa, người được mệnh danh là "Người Viết Lịch Sử Việt Nam Bằng Âm Nhạc", thì hôm nay, chúng ta tự hào có một người phụ nữ Việt Nam là cô Lai Hồng, người khởi xướng cuộc cách mạng cho chiếc áo dài mà có thể tóm gọn trong ba chữ "Phải Sang Trái". Tôi xin được trân trọng gọi cô với tên là "Người Viết Lịch Sử Việt Nam Bằng Tà Áo Dài".
Quý độc giả có thể vào xem chương trình phỏng vấn cô Lai Hồng và chị Kim Ngân ở link bên dưới:
http://caulacbotinhnghesi.net/index.php"option=com_content&view=article&id=464

Anthony Hưng Cao

Ý kiến bạn đọc
08/09/201114:42:40
Khách
Xin cám ơn tác giả Anthony Hưng Cao và cô Lai Hồng.
09/09/201121:39:54
Khách
Cám ơn Anthony Hung Cao. Ý kiến của cô Lai Hồng rất hay và chính xác. Sau khi đọc bài báo viết về cuộc cách mạng áo dài, cài nút bên trái, tôi có xem lại các bộ áo tây phương của mình thì thấy tất cả đều cài (zipper) bên tay trái. Sau đó tôi liên lạc với bà thợ may áo dài để hỏi bà có thể may áo cài nút bên trái không, bà ấy cho biết không có vấn đề gì. Chiếc áo dài đầu tiên cài nút bên trái của tôi được ra đời, vẫn đẹp và không có gì khó khăn khi mặc nếu không muốn nói là thuận tiện hơn. Tôi quyết định từ nay trở đi sẽ chỉ may áo dài cài bên trái. Cám ơn cô Lai Hồng thật nhiều.
09/09/201117:28:39
Khách
cám ơn rất nhiều. Tôi đang tâp đánh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,261,700
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến