Hôm nay,  

Coi Dọn Dẹp Xưởng Chế Tạo Hỏa Tiễn

04/09/201100:00:00(Xem: 192113)

Coi Dọn Dẹp Xưởng Chế Tạo Hỏa Tiễn

Tác giả: Nguyễn Tài Ngọc
Bài số: 3346-12-2856vb8090411

Tác giả thường có bài viết trên mạng http://www.saigonocean.com. Nguyễn Tài Ngọc đã góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên từ 2009, “Rau Muống Xào Dầu”. Sang năm 2011, ông góp bài “Nằm Trong Hộp Gỗ, Trông Lên,” cho thấy cách viết linh hoạt vui vẻ hiếm thấy khi phê phán đủ chuyện thiên hạ sự. Bài viết mới của ông gồm nhiều chi tiết sống động về việc chế tạo động cơ hoả tiễn, và thêm một chi tiết đặc biệt: chính tác giả cũng nếm mùi “phóng xạ nguyên tử” dù ông là cư dân Cali.

***

Hãng của vợ tôi trả tiền cho nàng đi học về một khoá lãnh đạo. Ngoài việc hiển nhiên là người lãnh đạo phải giữ đúng lời hứa, “em thề nấu cơm cho anh ăn trọn đời” thì em phải thực hành lời thề nguyện đó không thể nào cãi lý với anh, họ còn cho các khóa sinh hiểu biết những chương trình, dịch vụ, dự án, hãng xưởng… ảnh hưởng đến thành phố để một người nếu có khả năng, giúp cho cộng đồng.
Thứ Bẩy vừa rồi nhóm học của nàng được đi xem nơi từng làm động cơ hỏa tiễn -rocket engine- của Boeing nay đã ngưng hoạt động, tại Khu vực Thí nghiệm Santa Susana Field Laboratory để xem tiến trình làm sạch môi trường. Chuyến đi này người nhà được tham dự nên tôi đi theo tháp tùng. Ở tuổi xế chiều như thế này tôi chẳng còn ham muốn lãnh đạo ai. Mình làm lãnh đạo thì chỉ lãnh thẹo, lãnh đạn, hay lãnh án chết nhăn răng nên cứ để cho người khác lãnh đạo thay thế mình. Nhất là ở đây người lãnh đạo là người khá quen biết -vợ tôi-, để nàng chỉ huy thì càng tốt, chẳng chết một ông địa mập nào.
Santa Susana Field Laboratory tọa lạc trong một khu núi rất rộng lớn, một phần ở thành phố tôi ở, Simi Valley, một phần ở thành phố kế bên là Canoga Park. Từ nhà tôi đến đấy chỉ độ 10 miles, 16 cây số. Mọi người được yêu cầu đến tập trung ở trạm ga Simi Valley vào lúc 7 giờ sáng để tất cả sẽ di chuyển đến đó cùng một lúc.
Tuy rằng mùa hè ban ngày nóng lên đến 32 độ C/ 90 độ F, sáng sớm vào mùa hè ở Simi lạnh rất dễ chịu. Sáu giờ rưỡi sáng nay là 15 độ C/ 59 độ F. Gió biển qua đêm đem vào không khí ẩm ướt. Simi Valley là một thung lũng, hơi nước bị kẹt lại không có chỗ thoát. Ban đêm trời trở lạnh nên gần sáng hơi nước trở thành sương mù. Trong cái mập mờ tạo ra hình ảnh nên thơ của đồi núi, nhà cửa, cây cối, đường xá…, tất cả bị sương mù che phủ, vợ chồng tôi lái xe đến trạm ga Simi Valley.
So với các trạm ga xe lửa ở những thành phố khác thì Simi Valley là chuyện buồn cười vì chỉ có mỗi một trạm ga, và cứ mỗi lần nhật thực thì mới có một chuyến ghé đến. Nhưng không có trạm ga thì không được, phải làm để người ở bất cứ nơi nào trên nước Mỹ nếu đi bằng xe lửa cũng sẽ đến được Simi Valley. Nói thế chứ tôi đi đón bạn bè và người thân ở phi trường LAX cả nghìn lần nhưng chưa một lần nào tôi đến đón một ai ở nhà ga Simi Valley.
Phần đông mọi người đã đến tề tựu đông đủ. Tuy là ở sát bên Los Angles với dân số gần 4 triệu, thành phố Simi Valley vỏn vẹn chỉ có 120,000 người. Nó có cái tính chất của một thành phố đồng quê của nước Mỹ: đất đai khoảng khoát, khỉ ho cò gáy, đời sống êm đềm, và dân chúng toàn là người da trắng. Trong 30 cặp vợ chồng dự chuyến tour hôm nay, tất cả là Mỹ da trắng, chỉ có hai vợ chồng tôi là người Á Đông!
Tụ họp và sau khi điểm danh, cả đoàn khởi hành lái sau xe người hướng dẫn. Con đường gần đến hãng Boeing cao và sâu hút ở trong núi, ngoằn ngoèo như rắn. Tôi sống ở đây hơn hai mươi năm, những tưởng là biết hết đường xá của thành phố thế nhưng nhận định này thật lầm lẫn vì chưa bao giờ tôi đến đây. Cây cối um tùm như ở trong rừng, nhà cửa nhiều nơi đường lái xe vào nhà dốc còn hơn con đường lên thiên thai, chỉ trông mà đã chóng mặt, không hiểu sao người ta có thể ở được.
Lái độ 15 phút thì cả đoàn xe đến nơi. Chúng tôi ai nấy đều đã chuẩn bị sẵn vì đã được báo trước là chỉ có công dân Mỹ mới được phép vào xem, và mọi người phải mang theo căn cước có hình mình nên thủ tục cảnh sát gác cổng phát cho mỗi người một bảng tên đeo vào áo rất nhanh chóng. Một xe tour bus trắng loại to nhất đã đậu sẵn để chở chúng tôi đi tour. Tôi biết là có hãng Boeing chế tạo động cơ hỏa tiễn -rocket engine- vì thỉnh thoảng nghe tiếng rocket engine nổ gầm trời mấy chục giây đồng hồ, nhưng không ngờ rằng diện tích đất đai của nó lớn kinh khủng như vậy: 2850 mẫu! Vì vậy mà họ phải dùng xe bus để chở mọi người đi xem. Vừa bước lên xe, họ loan báo cấm chụp hình, nhân viên của họ sẽ dùng camera của họ chụp cho tất cả mọi người một bức ảnh lưu niệm. Sau này khi chúng tôi đứng chung với nhau ở một dàn phóng để chụp hình, tôi suýt tí nữa tự tử khi thấy cái máy camera của họ là loại bỏ túi nhỏ thông thường point-and-shoot trị giá khoảng $70 đô-la, trong khi cái máy “chiến” $2000 đô-la của tôi thì họ giữ lại không cho mang lên xe bus.
Chiếc xe bus mới toanh trang bị TV khắp mọi chỗ ngồi thật hiện đại, thế nhưng một phim tài liệu ngắn về lịch sử của Boeing ở đây họ chiếu cho chúng tôi xem quá ư là lỗi thời, có lẽ quay vào năm Alexandre de Rhodes phát minh ra chữ Quốc ngữ. Vùng phát minh và thí nghiệm rocket engine này thành lập lần đầu tiên vào năm 1947, của hãng Rocketdyne. Họ chế tạo liquid rocket engine, dùng trong vô số hỏa tiễn như Navaho cruise missile, hỏa tiễn Redstone, Thor và Jupiter ballistic missile, hỏa tiễn Delta, Atlas, Saturn (dùng để phóng phi thuyền Appolo), và ngay cả cho Space Shuttle. Họ cũng phát minh, khai triển, thí nghiệm và điều khiển lò nguyên tử đầu tiên của nước Mỹ từ nơi này. Năm 1996 Boeing mua Rocketdyne và vào năm 2006, quyết định đóng cửa vĩnh viễn.
Ở đây họ chia ra làm bốn khu: Area 1, 2, 3, và 4. Chữ “Area 1, Area 2, Area 3, Area 4” làm tôi liên tưởng đến “Area 51”, nổi tiếng khắp nước Mỹ và cả thế giới: nó là một căn cứ quân sự ở sa mạc Nevada bao trùm trong bí mật vì mọi người đều biết nơi đây dùng để phát minh những vũ khí hoặc phi thuyền tối tân, nhưng không ai biết là loại gì, hình thù như thế nào vì nếu có thí nghiệm, họ chỉ thí nghiệm vào ban đêm. Do đó có rất nhiều người nói là họ thấy U.F.O. (Unidentified Flying Object, phi thuyền từ các hành tinh khác) ở Area 51. Có người còn cho rằng đây là nơi giam giữ người hoặc phi thuyền từ những hành tinh khác vì bộ Quốc Phòng không muốn dân chúng bị náo động! Ngay cả chính phủ Hoa Kỳ cũng không công nhận sự hiện hữu của Area 51 cho đến tháng Bẩy năm 2003.
Trên xe bus có đến ba người tour guide, cả ba đều là nhân viên của Boeing: Một người nói về hoạt động thử nghiệm rocket engine, một người nói về tiến trình làm sạch môi trường sau khi Boeing đóng cửa, và một người tôi thấy thú vị nhất là một ông già, ít nhất khoảng 80, 85 tuổi, nhưng trông rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông tên là Jack, là kỹ sư/ khoa học gia về rocket engine. Lý do tôi thấy ông ta thú vị là vì ông ta làm việc bắt đầu từ năm 1950, khoảng thời gian chỗ này mới mở lần đầu tiên, 60 năm về trước! Ông có vẻ như là một thần đồng về rocket engine, gương mặt trông cực kỳ thông minh nhưng ông ta lại mặc chiếc quần liền áo kiểu như phi công, đặc biệt chế riêng cho thợ sửa xe.
Phần lớn rocket engine phát minh dùng để đẩy phi thuyền lên mặt trăng hay Space Shuttle lên quỹ đạo nên ở đây có một khu vực riêng của NASA (National Aeronautics and Space Administration, Bộ Hàng Không & Không Gian Quốc Gia) để các khoa học gia của NASA làm việc trực tiếp với kỹ sư/ khoa học gia. Rải rác khắp nơi là “dàn phóng” để thử nghiệm rocket engine sau khi đã được phát minh và sáng chế. Quý vị cứ tưởng tượng hỏa tiễn Appolo hay Space Shuttle khi bắt đầu phóng đi với động cơ dưới đáy phun lửa với sức đẩy cả mấy triệu pounds thì đủ biết là khi họ thử nghiệm cho động cơ phun lửa, tiếng động của nó gây ra lớn biết chừng nào. Tất cả những building và dàn phóng xe bus chở chúng tôi đến xem vẫn còn bí mật, thuộc dạng classified information -tin tức cấm phổ biến-. Xe bus chỉ dừng ở bên ngoài rồi họ giải thích bên trong building có cái gì, nên tương đối nhàm chán. Nó tương tự như tôi chở du khách đi xem nhà tài tử ở Beverly Hills, đến nơi dừng xe ở ngoài đường rồi nói với khách đây là nhà của Nicholas Cage, của Megan Fox…, mà chả ai thấy mặt mũi của tài tử đâu cả.
Cô tour guide phụ trách việc giải thích về tẩy sạch môi trường chỉ cho chúng tôi thấy những khu đất bị thủy ngân ô nhiễm. Họ dùng giấy plastic hắc-ín che phủ trên mặt đất sợ lúc trời mưa, nước thấm vào cát đá rồi xuyên vào lòng đất, ô nhiễm nước uống. Đất ở những nơi đây họ phải xúc đem đi đổ ở những nơi đặc biệt chuyên về làm sạch môi trường để khử thủy ngân ra khỏi đất. Có một hệ thống lọc nước với tiền xây cất là cả triệu đô-la, thiết lập với mục đích lọc và thử nước dưới lòng đất xem mức ô nhiễm đến đâu. Chính phủ ấn định độ sạch của nước thấm dưới lòng đất ở đây phải sạch như nước uống thì Boeing mới có thể hết trách nhiệm. Họ đoán ít nhất đến năm 2017 thì mới xong dự án làm sạch môi trường này.
Ông kỹ sư/khoa học gia Jack cho chúng tôi biết nhiều dữ kiện khá thú vị. Santa Susana Field Laboratory của Boeing là nơi thử nghiệm rocket engine lớn nhất nước Mỹ. Khi ông ta bắt đầu làm, nơi này bí mật không thua gì Area 51. Nhân viên không được tiết lộ với gia đình là mình làm nghề gì, cũng như không được nói với bất cứ ai những chuyện xẩy ra trong khu vực này. Ngay cả vợ mà ông ta cũng không được tiết lộ việc làm của ông ta. Bà vợ chỉ biết là ông ta đi làm, mang tiền về cho vợ dùng, thế thôi. Ông nào ở Mỹ muốn đi chơi với mèo thì cứ việc bắt chước, nói với vợ lý do mình đi làm giờ giấc khác thường là vì làm cho chính phủ bí mật quân sự, bảo đảm vợ sẽ không thắc mắc. Ông Jack cùng với một số người khác là những kỹ sư/ khoa học gia đầu tiên sáng chế và thử nghiệm rocket engine từ phát minh hỏa tiễn V-2 của Wernher Von Braun, cha đẻ của hỏa tiễn đương thời. Tổng Thống Eishenhower cho tiến hành chương trình này với một ngân sách vô giới hạn.


Wernher Von Braun người Đức, thông minh không thua gì Albert Einstein. Nếu không có Von Braun thì không có phi thuyền Mỹ lên mặt trăng, cũng như không có Space Shuttle lên quỹ đạo: tất cả hỏa tiễn và phi thuyền đều dùng nguyên tắc rocket engine do Von Braun phát minh.
Trong trận đánh nhau thời Đệ Nhị Thế Chiến, Hitler khủng hoảng tinh thần dân Anh, phóng cả nghìn hỏa tiễn V-2 sang Anh Quốc. Wernher Von Braun là người phát minh ra hỏa tiễn V-2, cao 15 thước, bay xa 900 cây số/500 miles, vận tốc gấp năm lần vận tốc âm thanh, 5,600 cây số/3,500 miles một giờ, có thể mang sức tàn phá nặng 1,000 kí-lô/ 2,200 pounds. Thời bấy giờ không có vũ khí nào tương tự.
Năm 1945, Von Braun nhận thức là Hitler không thể nào thắng trận nên cùng với những bạn đồng nghiệp tín cẩn nhất quyết định đầu hàng. Họ bàn luận không biết nên đầu hàng cho ai. Phần đông sợ Nga-Sô vì Đức đem quân sang đánh Nga-Sô. Họ không thích người Pháp. Người Anh thì họ nghĩ rằng không còn tiền vì phải dùng tất cả tài nguyên tái thiết quốc gia sau chiến tranh; do đó họ quyết định đầu hàng với lính Mỹ. Sau khi dùng giấy tờ giả ăn cắp cả một chiếc xe lửa, Von Braun hướng dẫn 500 kỹ sư và khoa học gia giỏi nhất khởi hành từ Peenemunde, lúc bấy giờ dưới quyền kiểm soát của Nga-Sô, để đến phần đất Mỹ kiểm soát. Biết được tin này, đội quân SS ra lệnh cho lính bắn chết Von Braun và đoàn tùy tùng, nếu phát hiện ra họ. Sau nhiều lần thoát khỏi vòng đai lính Đức kiểm soát, Von Braun đầu hàng quân đội Mỹ ở Reutte, Austria vào tháng 4 năm 1945.
Nhận thức được sự quan trọng của những kỹ sư Đức, theo lời chỉ dẫn của Von Braun, lính Mỹ trở lại Peenemunde và Nordhausen tịch thu tất cả những hỏa tiễn V-2 và phụ tùng còn lại, rồi cho nổ tung cả hai xưởng sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết tất cả kỹ sư, nhân viên thợ thuyền làm trong xưởng sản xuất hỏa tiễn V-2 đã bị Nga-Sô bắt giữ. Nga-Sô dùng kiến thức của những người này để chế tạo hỏa tiễn của nước mình. 
Giống như Lạc Long Quân và Âu Cơ chia 50 người con lên núi, 50 người con xuống biển, kỹ thuật xây hỏa tiễn của Đức sau Đệ Nhị Thế Chiến được chia ra làm hai, nửa sang Mỹ, nửa đến Nga-Sô. Thế nhưng nhờ có Von Braun, nhờ có kỹ sư/ khoa học gia Mỹ giỏi hơn một tí, nhờ có môi trường làm việc là một xã hội tự do, Mỹ đã đánh bại Nga-Sô trong chương trình thi đua lên mặt trăng, cũng như nói chung về kỹ thuật chế tạo động cơ hỏa tiễn và hỏa tiễn.
Chúng tôi dừng lại ở hai “dàn phóng” thử nghiệm động cơ hỏa tiễn. Tôi viết “dàn phóng” trong ngoặc vì họ chỉ thử nghiệm rocket engine, không có hỏa tiễn nào phóng đi từ đây. Nhân tiện, tôi giải thích tại sao Mỹ phóng hỏa tiễn hay Space Shuttle từ Florida:
1. Đường xích đạo là đường kính to nhất của trái đất. Florida gần đường xích đạo. Khi trái đất quay thì càng gần đường xích đạo, sức ly tâm càng mạnh, hỗ trợ việc đẩy phi thuyền vào quỹ đạo. Do đó động cơ hỏa tiễn không cần mạnh, nhiên liệu mang theo không cần nhiều.
Đây là thí dụ để thấy sức ly tâm từ xích đạo mạnh gấp nhiều lần ở những điểm khác: Tưởng tượng chúng ta có một quả địa cầu nhỏ đường kính ba tấc gắn sẵn trên một trục quay. Hai con kiến, một con bám giữa quả địa cầu, một con bám trên đỉnh. Khi ta xoay quả địa cầu, con kiến bám ở giữa sẽ bị sức quay đẩy văng ra, trong khi con kiến trên đỉnh sẽ không hề hấn gì, vẫn còn bám, tuy rằng nó có thể bị nhức đầu như vừa mới uống hai ly rượu ba-xi-đế vì bị quay như chong chóng!
2. Hỏa tiễn hay phi thuyền khi phóng lên, không bay về hướng Bắc hay hướng Nam, mà bay về hướng Đông vì trái đất quay từ Tây sang Đông làm phi thuyền sẽ “văng” ra xa vào quỹ đạo nhanh hơn. Phía Đông của Florida là biển; nếu phi thuyền bị trục trặc, có rớt thì sẽ rớt xuống biển, không rớt trên nhà dân ở.
Mấy chục năm trước làm gì có computer, ông Jack mang theo cặp-táp ngày xưa ông đem đi làm để cho chúng tôi thấy những dụng cụ ngày xưa ông ta dùng để tính toán. Một trong những dụng cụ đó là thước kẻ slide ruler có số in sẵn để khỏi nhân chia cho nhức đầu, và cả một bịch mì gói Hai Con Tôm vợ gói cho ông ta mang theo ăn trưa. Vì kỹ thuật còn trong thời kỳ phôi thai, ông nói rất nhiều lúc sáng chế xong rồi khi mang ra thử, động cơ hỏa tiễn nổ tung!
Giai đoạn đầu tiên mấy chục năm về trước không ai nghĩ đến vấn đề bảo vệ môi trường nên họ dùng hóa chất trichloroethane khắp nơi để rửa dàn phóng. Sau này khi khám phá ra trichloroethane hủy hoại bầu khí quyển, gây ra nhiều bệnh tật và dị thai thì họ mới không dùng nữa. Tương tự khi nói đến hóa chất đào thải đổ xuống đất. Khi khám phá ra sự tác hại, họ chế tạo những bộ phận để giữ những hóa chất này lại để rồi tìm cách tẩy sạch để khỏi phá hoại môi trường. Năm 1959 có một khủng hoảng nguyên tử nhỏ -partial nuclear meltdown- ở tại đây mà đến giờ họ vẫn còn tẩy sạch môi trường chung quanh chỗ đó. Thảo nào việc nuclear meltdown này ảnh hưởng đến tôi vì bắt đầu từ năm 45 tuổi, tóc tôi đã bạc trắng như ông già 70, hậu quả nhiễm phóng xạ vì tôi ở cách xa chỗ này chỉ có 16 cây số. 
Ở hai dàn phóng, xe bus dừng lại để chúng tôi có dịp bước ra quan sát tận mắt và để nghe ông Jack giải thích nguyên tắc hoạt động của động cơ hỏa tiễn, nhiên liệu dùng như thể nào, loại gì, và kỹ sư ở những đài quan sát lân cận quan sát cuộc thí nghiệm như thế nào. Tôi phải công nhận là mặc dù ông giảng thao thao bất tuyệt, tôi chỉ thu thập được kiến thức như khi vợ tôi giải thích sự quan trọng nên dùng đồ hiệu Louis Vuitton hay Chanel: nó đi từ tai bên trái rồi sang tai bên phải, tôi chẳng hiểu ất giáp gì cả!
Cô nhân viên của Boeing dùng máy chụp hình “dỏm” chụp bức ảnh lưu niệm tất cả mọi người, và nói là sau khi nhân viên an ninh của Boeing duyệt qua và chấp thuận, cô ta sẽ email bức ảnh cho Michelle, người tổ chức tour thăm viếng này. Thật tình tôi chẳng hiểu ở đây bây giờ còn có cái gì mà giữ bí mật, An Ninh phải khám xét" Hay là họ muốn bảo đảm không có ông bà già nào trong nhóm chúng tôi sexy khi chụp hình, có thể gây tổn thương cho thanh danh của hãng Boeing"
Sau hai tiếng rưỡi, cuộc tour chấm dứt. Mỗi người được phát vài phong bánh, một chai nước ăn điểm tâm (tôi ước ao là họ cho ăn bánh cuốn với chả và bánh cóng) và một cái nón của Boeing, đội để tuyên truyền cho hãng của họ. Trên đường ra về, hình ảnh sâu đậm ghi trong trí nhớ của tôi là những dàn phóng khổng lồ cao cả chục thước chi chít là thanh sắt, ống thép và ống dây điện đứng trơ trơ giữa không gian với sét rỉ khắp nơi, chờ ngày dân Việt Nam đến gỡ xuống bán lạt-xon. Một hãng chế tạo rocket engine khổng lồ từng mướn 6000 nhân viên làm việc trong ngày, có ngày đồng một loạt thử đến 17 rocket engine, mà bây giờ chỉ còn non 100 người ở lại lo công tác phá hủy và tháo gỡ tất cả mọi sự. Lý do" Ngân quỹ nước Mỹ đã kiệt quệ. Bao nhiêu tiền đổ vào chiến tranh Iraq, A-Phú-Hãn, Pakistan (số tiền ước lượng Mỹ tiêu tính đến nay là từ 3.2 đến 4 nghìn tỷ đô-la!) và dân chúng càng ngày càng ngồi không ăn tiền viện trợ của chính phủ. Chính phủ cắt giảm hết ngân sách cho NASA. Không có tiền từ NASA có nghĩa là tất cả chương trình liên hệ về không gian như sáng chế và thí nghiệm động cơ hỏa tiễn của Boeing ở đây phải sa thải nhân viên, đóng cửa. Chẳng những nhân viên, kỹ sư, khoa học gia mất việc, mà quốc gia lại bỏ phí những đầu óc thông minh. Đi xem tour của hãng Boeing, tôi đã chứng kiến được sự suy đồi của cường quốc Hoa Kỳ.
Tôi cũng thấy may mắn được sống ở nước Mỹ vì chính phủ kiểm soát, thanh tra, bắt buộc, theo dõi các công ty phải bảo vệ môi trường vì sinh mạng dân lành là quan trọng. Không cần biết phải bỏ bao nhiêu chục triệu, không cần biết phải tốn bao nhiêu năm, Boeing phải bảo đảm cả 2850 mẫu đất sẽ không còn ô nhiễm hóa chất. Chỉ có một thiểu số quốc gia trên thế giới nơi chính phủ thật sự lo lắng cho quyền lợi và sự an toàn của người dân. Tôi may mắn được sống ở một trong thiểu số quốc gia đó.
Cuối cùng, lớp lãnh đạo vợ tôi học mỗi người phải đóng một số tiền khá lớn, một nghìn đô-la một người. Đã phải tốn tiền đi học mà khi vào học, họ còn nêu ra cho mọi người biết cá tính của người lãnh đạo không phải là tìm đủ mọi cách kiếm tiền cho mình với mục đích sống một cuộc đời vinh thân phì gia; nhưng ngược lại, cá tính của người lãnh đạo là hiến dâng công sức, của cải, tiền bạc của mình để giúp đỡ người khác, giúp đỡ cộng đồng, và giúp ích cho xã hội.
Trước đây vài tuần, cả lớp có một dự án là sửa sang, tân trang nơi chơi cầu tuột xích đu của một trường tiểu học ở đây. Tu bổ thì phải tốn tiền. Mỗi người đều phải bỏ thì giờ sau khi làm việc hay weekend đến McDonald’s, KFC, tiệm ăn, cửa hàng quần áo… bán những thứ linh tinh, lỉnh kỉnh, hoặc tìm đủ mọi cách để gây quỹ. Vợ tôi xin phép tiệm McDonald’s ở đầu đường khu vực nhà tôi ở cho nàng đến đó để bán sổ xố vào chiều Thứ Sáu. Phải công nhận là tôi không gan dạ như nàng ngồi trong McDonald’s ba tiếng đồng hồ, mỉm cười chào đón và năn nỉ khách mua vé số, nói rõ với họ là mục đích để gây quỹ tân trang cho khu trẻ con chơi ở một trường tiểu học trong Simi Valley. Khi đã có đủ tiền, họ mua vật liệu, tìm người tình nguyện chỉ bảo kỹ thuật để tu bổ lại khu chơi cầu tuột, xích đu đó. Nhìn những Giám Đốc, Quản Lý, Xếp lớn, Xếp nhỏ, trong một ngày Thứ Bẩy nam có, nữ có, đến làm việc không phải trong áo vest thắt cravate hay áo đầm guốc cao gót, mà là trong bộ quần jean, áo thun tay ngắn, chân mang giầy tennis, cùng nhau trải cát, đóng gỗ, sơn phết, trồng cỏ…, bỏ công sức và tiền bạc của riêng mình để giúp cho cộng đồng, tôi mới khám phá lý do tại sao nước Mỹ quá hùng mạnh, tại sao đà tiến của nước họ quá nhanh.
Và tại sao nước Việt Nam của tôi sẽ không bao giờ bắt kịp xứ người.
Nguyễn Tài Ngọc

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,347,115
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.