Hôm nay,  

Newport Beach, Vui và Buồn

30/08/201100:00:00(Xem: 201159)
Newport Beach, Vui và Buồn
Tác giả: Tịnh Tâm
Bài số: 3341-12-28564vb3083011

Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, liên tục đóng góp bài vở cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và cũng đã nhận được giải Danh Dự trong buổi lễ trao giải năm nay. Các bài viết của bà ghi lại những mẫu chuyện trong cuộc sống đời thường ở gia đình, nơi làm việc, ngoài cửa hàng,...với ngòi bút sống động và tinh tế.
Sau đây là bài viết mới nhất của bà.

Mọi người nhao nhao bàn bạc chương trình tiếp đãi Cẩm Lệ. Lệ đang sống ở Hà Lan, chuẩn bị lên máy bay làm chuyến du lịch Mỹ quốc, mà điểm đến đầu tiên của cô nàng là Orange County nầy, nơi có lũ chúng tôi. Đặc biệt, có Bình. Bình và Cẩm Lệ là đôi tình nhân cái thuở học trò hồi nảo hồi nao xa lơ xa lắc. Phen nầy nếu họ gắn kết lại với nhau thì quả thật Nguyệt Lão đã khéo léo cột họ bằng sợi tơ hồng trong một đêm trăng già.
Hoàng:
- BBQ tại nhà tui.
Cả bọn:
- OK.
Tiến:
- Hollywood.
- OK.
Đoàn:
- Las Vegas.
- OK.
Bình, giọng chậm rãi:
- Ngoài ba địa điểm trên, chúng ta sẽ đi biển. Các bạn nghĩ sao"
Ly reo lên:
- Đúng rồi! Đi biển. Hay quá! Đồng ý cái rụp.
Tôi cũng reo lên:
- Đi biển bắt cá! Nghe đâu tháng bảy nầy có nhiều đợt cá lên bờ đẻ trứng.
Bình:
- Ừ, Bình đã xem lịch cá grunion lên bờ. Vậy là việc đi biển để Bình sắp xếp nhé! Khoảng tám giờ tối Chúa Nhật tới chúng ta sẽ đến Newport Beach. Tụi mình sẽ đốt lửa. Sẽ nướng khoai lang, nướng bắp. Ăn crackers với marshmallows. Uống cà phê, trà. Bình sẽ mang theo cây guitar, tụi mình sẽ nhảy lửa, ca hát. Rồi một giờ rưỡi khuya mình sẽ đi bắt cá. OK" Ai muốn góp ý thêm cho buổi đi biển thú vị hơn.
Cả bọn vỗ tay. Kế hoạch của Bình quá hoàn hảo rồi. Mới nghe qua mà đã phát
thèm. Hẳn Bình đã suy nghĩ rất nhiều cho việc nầy. Phần Ly và tôi sẽ đưa Lệ đi shopping, dạo chơi vùng Little Sài Gòn.

***

Newport Beach. Mùa hè. Chiều. Biển trời mênh mông bàng bạc một màu xanh ngan ngát, vô cùng vô tận. Vài sợi mây mỏng mảnh vương nhẹ trên cao. Biển và trời như tan hòa vào nhau. Đố ai tìm được ranh giới" Gió ấp ủ hương biển, hương đất trời, thổi nhè nhẹ, thơm tho, mát rười rượi. Đã tám giờ tối nhưng muôn ngàn tia nắng vàng óng hãy còn tung tóe trên vô vàn con sóng trắng xóa đang chen lấn nhau trườn vào bờ. Dọc theo mé sóng, thiên hạ thong dong thả bộ, và những bước chân trần gian ngay lập tức được sóng cuốn đi để bãi cát luôn phẳng phiu, sạch bong, và mịn màng. Trên bãi, vài nhóm trẻ đang nhộn nhịp ca hát nhảy múa. Đó đây, bọn bé con đang ra sức xây những tòa lâu đài trên bãi cát vàng mơ.
Bình chuyển đồ đạc từ xe ra: mấy bó củi, vài cái ghế xếp, thức ăn thức uống...
Bình còn mang theo mớ áo khoác:
- Biết đâu có người cần.
- Chà, coi bộ Bình rất professional à nhen.
Bình cười:
- Tại Bình thường đưa bọn nhóc ra đây. Chúng rất khoái cái dzụ nầy.
Bọn nhóc của Bình là hai bé John và Kathy, được sinh ra ở Mỹ nhưng rất giỏi tiếng Việt, không những nói rành mà còn viết hay.
Cẩm Lệ hỏi:
- Sao Bình không đưa các cháu theo" Bọn nhỏ thích đốt lửa lắm đó.
- À, hôm nay là ngày cuối tuần, mẹ chúng đã tới đón chúng từ sáng sớm.
Đợi trời tối hẳn, chúng tôi mới chất củi vào bồn. Bình khéo léo dựng củi thành hình chiếc nón. Ly lẹ làng chạy sang lò lửa bên cạnh xin mớ than đỏ. Bồn lửa mau chóng cháy bùng lên. Mọi người vỗ tay reo mừng, hát vang: "Lửa cháy, cháy lên ươm nồng biết bao hi vọng. Lửa cháy, cháy lên rộn ràng ánh lửa hồng reo. Lửa bập bùng tí tách tí tách... Lửa hừng hực cháy sáng cháy sáng, lửa vui cùng ta. (1)"
Ngoài kia, sóng vẫn bồi hồi vỗ đều vào bờ rồi chạy lùi ra, đưa chúng tôi lui về quá khứ. Âm vang tiếng sóng nhịp nhàng khơi gợi bao hoài niệm êm đềm, xóa mờ chiều dài vời vợi của thời gian và không gian. Lửa cháy phừng phực, uốn éo lả lơi, có lúc cúi rạp mình xuống theo chiều gió thổi. Lửa lách tách reo vui. Lũ chúng tôi, tóc đã nhạt màu, bỗng trở về thuở hoa niên, cười đùa hồn nhiên như mưa như nắng. Mùi vị của tuổi thơ, của những ngày tháng đã xa như phảng phất quanh đây.
Từng khuôn mặt bạn bè- từng khuôn mặt của một thời áo trắng thơ ngây yêu dấu ngày nao lung linh trong ánh lửa hồng. Những ánh mắt trong veo long lanh. Những nụ cười hồn nhiên tươi sáng. Nầy là các chàng thư sinh mặc đồng phục quần xanh nước biển, áo sơ mi trắng, dáng dấp thanh tú. Kia là các cô học trò trong bộ áo dài trắng lóa, tóc thề e ấp bờ vai.
Lửa đã cháy đều. Ánh lửa lung linh mộng và thực, hôm qua và hôm nay. Ánh lửa bâng khuâng niềm vui nỗi buồn, xao xuyến thương yêu và nhung nhớ. Chúng tôi nắm tay nhau chạy vòng quanh đống lửa. Chúng tôi hát những bài hát lửa trại mà Bình đã chu đáo sưu tầm rồi in ra với những con chữ thiệt bự thiệt đậm để... khỏi đeo kính. Không hẹn, mà ai cũng cố tình để cho Bình và Cẩm Lệ luôn gần nhau.
Đoàn hét to: Vỗ tay lên các bạn ơi! Nhảy cao lên các bạn ơi! Rồi bắt bài hát : "Anh em ta về"
Anh em ta về cùng nhau ta quây quần nè. Một, hai, ba, bốn, năm. Anh em ta về cùng nhau ta xum họp nè. Năm, bốn, ba, hai, một. Một đều chân bước nhé. Hai quay nhìn nhau đi...(2)
Tôi buông tay Lệ. Bên kia, Hoàng buông tay Bình. Thế là chàng và nàng được dịp chạm mặt vào nhau. Và họ bỗng ôm chầm lấy nhau. Chúng tôi vỗ tay reo hò:
- Một, hai, ba. Hôn nhau đi! Hôn nhau đi!
- Ba, hai, một. Hôn nhau đi! Hôn nhau đi!
Và hai người liền hôn nhau, rất lâu, đắm đuối trong tiếng cổ vũ hoan hô của chúng tôi và các nhóm gần đó.
Khoai lang, bắp non để nguyên vỏ được vùi sâu dưới lớp than hồng, vừa cháy xém, thơm lừng, ngọt lịm. Mashmallows được cắm vào que tre, căng phồng lên trong hơi nóng hừng hực, được kẹp giữa hai miếng crackers, mịn màng tan trên đầu lưỡi, ngọt lịm. Cà phê, trà nóng hổi, thơm phưng phức.
Ai đó xuýt xoa:
- Kỳ ghê, không hiểu sao bữa nay ăn cái gì tui cũng thấy ngon"
Bình ôm cây đàn guitar, đôi bàn tay điêu luyện vẫy ra những giai điệu ngọt
ngào, da diết, mộng mị. Giọng Cẩm Lệ nhẹ như hơi thở, và ấm đến nao lòng: Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương. Nét bút đa tình lả lơi. Nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng chờ đến kiếp nào..."(3). Ly mơ màng:"Ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẽ bàng. Ôi, vừa thoáng nghe, em mơ bước chân chàng..."(4). Hoàng, trầm lắng, âm vực vẫn rộng như xưa:" Đêm nay thu sang cùng heo may. Đêm nay sương lam mờ chân mây..."(5)
Đoàn nhắc:
- Tịnh Tâm ơi, nãy giờ sao im re vậy" Đoàn vẫn ghiền "Hòn Vọng Phu" với tiếng hát của Tịnh Tâm đó.
- Giọng Tâm bị hư rồi. Ừm...Thôi để Tâm đọc bài thơ " Môt bóng" của Cổ Tích vừa mới gửi tặng:
tấp tểnh đường đời
tôi đi
thét gào gió
não nùng mưa
cung đàn xưa
lặng ngắt
cánh buồm thơ
khao khát biển hẹn thề
thất thểu lề đời
tôi đi
hoàng hôn thăm thẳm
tìm lời ru
vỗ về con tim trắng
có còn không
đóm lửa xa
thắc thỏm
góc vườn xuân
ai thắp"
đợi tôi về"
Bài thơ đã hết. Mọi người vẫn còn im lặng. Khoảng lặng như đông cứng lại.
Tiến chợt la lên như bị ong chích:
- Ủa, đang là mùa hè mà sao mấy người cứ hát nhạc thu" Đã vậy, bà Tâm còn đọc bài thơ gì mà một mình một bóng cô đơn nghe buồn muốn chết! Thôi. Tụi mình vui lên đi! Nhảy lửa nữa đi! Kẻo hết lửa bây giờ. Nào! Cùng hát! Lửa cháy, cháy lên... hai ba.
Chúng tôi vỗ tay: "Lửa cháy, cháy lên vỗ tay vỗ tay cho đều. Cùng hát, hát lên vang lừng khúc ca tuổi xuân. Lửa bập bùng tí tách tí tách... Lửa hừng hực cháy sáng cháy sáng, lửa vui cùng ta."
Một nhóm trẻ Việt đi qua, trầm trồ:
- Wow! Mấy người lớn này cool quá ha!

Sương đã vây phủ kín trời. Tất cả bỗng mờ ảo trong làn sương dày đặc. Gió bỗng se lạnh. Bãi cát thưa người tự lúc nào mà chúng tôi chẳng hề hay biết. Đâu đó vài bồn than thoi thóp ánh lửa yếu ớt. Bồn lửa của chúng tôi vẫn cháy đều.
Làm sao ngờ được sau hơn ba mươi năm lạc mất nhau, giờ đây, trên bãi biển của miền nam Cali vào hè ấm áp, Bình và Cẩm Lệ đang ngồi bên nhau, tay trong tay. Ngày đó, chuyện tình của Lệ Bình nổi tiếng trong trường vì tụi nó lãng mạn dễ sợ luôn. Mỗi lần ra chơi "thằng" Bình rảo qua rảo lại lớp "con" Cẩm Lệ. Lệ thì ngồi bên cửa sổ phòng học, điệu rơi điệu rớt với mái tóc mềm mượt chảy tràn xuống eo, mắt làm bộ nhìn xuống trang vở nhưng thật sự thì lúng liếng liếc ra ngoài để tìm bóng dáng Bình. Xếp hàng vào lớp, hai đứa nó còn cố nhón chân lên để trông thấy nhau. Ớn thiệt. Chưa hết, khi tan học, chàng Bình nhà ta thường lẽo đẽo sau bước chân nàng Lệ theo nhịp hát của bài ca tan trường. Cũng may, chàng và nàng đều học giỏi nên ít bị đám con gái lắm chuyện chu môi nhọn mỏ. Nhưng lại xui xẻo, không biết đứa nào mách lẽo với ba má Lệ mà cô nàng bị một trận đòn nên thân. Lệ kể, ông già vừa quật roi vào mông, vừa la um, cái đồ con gái thúi! cái đồ chùi mũi chưa sạch mà bày đặt bồ với bịch! Phen nầy thi rớt tao sắm cho cái bị đặng đi ăn mày!
Rồi khi Sài Gòn hấp hối, Bình chạy ra bến Bạch Đằng và may mắn leo lên được bong tàu. Từ đó Bình cũng bặt tin Lệ. Mãi đến năm ngoái, tình cờ qua một người bà con, Bình liên lạc được với Lệ. Chuyện Cẩm Lệ thì rất dài và ướt đẫm nước mắt- Ừ, nước mắt, mẫu số chung của người Việt tha phương tị nạn, và của biết bao thân phận dân Việt phải cam chịu trăm đắng ngàn cay. Chuyến tàu Lệ vượt biên bị hải tặc Thái Lan bắt. Lệ đã bị bọn cướp hãm hiếp đến ngất lịm. Rồi một đứa bé tật nguyền ra đời. Hàng chục năm sau đó, Lệ được điều trị trong một bệnh viện tâm thần ở Hà Lan. Giờ thì Lệ đã hoàn toàn hồi phục, sống cuộc sống bình thường. Nhớ bữa đón Lệ ở phi trường LAX, chúng tôi không dễ dàng nhận ra Lệ, ngay khi đó, Bình đã chạy đến ôm chầm cô nàng, nỗi sung sướng vỡ òa sau bao tháng ngày mong đợi, nhớ thương.
Bình chòang tay qua bờ vai Lệ. Họ đang mê say trong mùi thơm dịu êm của mối tình thời thơ dại và hương vị đằm thắm của tình yêu tuổi xế chiều.
Hoàng chép miệng thở dài thườn thượt, điệu bộ hài hước không chịu được:
- Hay vầy tui dẫn dzợ tui theo.
Ly não nùng:
- Hay vầy tui dẫn chồng tui theo. Tui nhớ chồng tui quá! Thiệt hổng công bình chút nào.
Tiến, Đoàn hùa theo:
- À há! À há!
Tôi giả đò thút thít sụt sịt:
- Hu hu...
Bình và Lệ chợt đứng lên trước mặt mọi người. Vẻ hân hoan. Bình:
- Tụi nầy báo tin vui nè.
Bình quay sang Lệ, dịu dàng:
- Nói đi Lệ.
Cẩm Lệ, vẻ thẹn thùng, bối rối:
- Hôm nay... coi như là ngày cưới của tụi mình... Cám ơn các bạn đã tham dự và đã tặng tụi mình món quà tình bạn, đây là quà cưới tuyệt vời nhất.
Cả bọn vỗ tay ầm ĩ:
- Chúc mừng đôi uyên ương!
Trông Lệ như một cô dâu nhỏ, dễ thương chi lạ! Xa xa, sóng vừa trỗi lên khúc giao hưởng của tình yêu. Một vì sao vừa băng ngang trên bầu trời đêm. Tôi thầm cầu chúc hai người bạn thân của tôi cùng nắm tay nhau bước những bước chân hạnh phúc trong phần đời còn lại.
Bình xem đồng hồ. Mười một giờ khuya. Đã đến lúc phải rời khu bãi nầy rồi.
Chúng tôi trở ra Pacific Coast Hwy, rà tìm Orange St., quặt qua Seashore Dr. kiếm chỗ đậu xe, rồi kéo nhau vào bãi cát. Năm bảy tốp người có lẽ cũng đi bắt cá, đang dạo chơi hoặc ngồi túm tụm lại ăn uống.
Bọn chim biển bay lượn la đà, thỉnh thoảng sà thấp xuống mặt nước bắt mồi. Hoặc thong dong, tà tà đi trên cát đợi cá. Vài chàng bồ nông nặng nề dềnh dàng bước đủng đa đủng đỉnh, bộ tịch ta đây chẳng sợ thằng tây nào. Cái mặt chúng cứ nghênh nghênh: He he, mấy người liệu mà giữ mình nhe, chỉ cần đụng tới sợi lông của tụi tui là mấy người tổn tài liền à nhe! He he, còn tụi tui buồn buồn mổ mấy người chơi thì mấy người ráng chịu nhe!
Bình đưa mỗi người một cái đèn pin và một túi xốp. Đúng như Bình tiên liệu, mớ áo khoác rất hữu dụng. Dồn tất cả dày dép thành một đống gần đài quan sát, chúng tôi đi chân trần xuống mé nước. Cát ướt mềm, mịn màng, mát lạnh dưới lòng bàn chân. Và sóng, những con sóng nho nhỏ, hiền hòa vẫn nhẹ nhàng vỗ đều vào bờ.
Bình nói:
- Bãi nầy ít dốc, vắng vẻ, thường nhiều cá. Năm nào Bình cũng tới đây vào mùa cá lên bờ.
Cẩm Lệ thắc mắc:
- Bình ơi! Sao không đem vợt hay rổ theo để dễ xúc cá.
- Không được Lệ à. Luật chỉ cho bắt cá bằng tay.
Bỗng Hoàng la to:
- A.... Cá! Cá..á...á...!
Cùng lúc vài người khác cũng hét toáng lên:
- Úy! Cá! Cá nhảy lên rồi bà con ơi!
- Cá nhóc luôn! Đã quá ta ơi! Cá vướng cả vào chân tui nè.
- Ha ha, tui bắt được một con rồi!
- Ủa, nó mất tiêu rồi!
- Cá quá trời mà bắt không được! Tiếc ghê!
- Mau tới đây bà con ơi! Chỗ nầy cá quá chừng luôn!
- Ê Tiến cẩn thận, đừng chạy theo sóng ra ngoài, nguy hiểm.
- Bà con ơi, tới đây coi tui giành cá với con cò nè.
Đúng vậy, Đoàn diễn trò "giành giật". Đoàn giật ra một con cá từ mỏ con cò.
Ông nầy giỡn ác thiệt.
Bình nhắc:
- Cứ chỗ nào có chim thì sẽ nhiều cá. Chú ý khi sóng vừa đánh vào! Đừng la
hét! Đừng rọi đèn pin xuống nước! Nếu các bạn để ý sẽ thấy con cái oằn cong người lại, ngoái phần đuôi xuống cát để đẻ trứng, trong khi con đực khoanh tròn quanh con cái hình như để che chắn, bảo vệ.
A! Cá! Cá!... Cá lại theo sóng lên bờ! Đợt nầy thì nhiều vô kể! Trên bãi cát ướt mềm, những con cá quẫy đuôi sáng lấp lánh dưới ánh trăng. Người và chim tíu tít bắt cá. Thiên nhiên và con người hòa nhập vào nhau như thuở hồng hoang. Thú vị gì đâu! Nhưng để bắt được con cá cũng không dễ dàng, vì sự việc diễn ra chớp nhoáng. Cá theo con sóng lên bờ và chỉ trong vài ba mươi giây chúng sẽ theo con sóng kế tiếp trở về biển. Cho nên phải rất nhanh tay lẹ mắt. Như tôi đây, chụp hụt hàng trăm lần, thậm chí có lúc phải trườn sấp trên cát, ướt chèm mem, lấm lem lấm luốt mà vẫn không bắt được cá. Hi hi... Và còn phải... can đảm nữa, thí dụ nàng Ly, thấy cá thì reo mừng nhưng vừa đụng tới con cá thì la oai oái, không dám bắt vì... sợ!
Bình và Cẩm Lệ bắt được nhiều nhất! Lạ thật!
Ai đó ngáp to:
- Về thôi! Hai giờ rưỡi rồi!
- Ừ, chắc cũng hết cá rồi.
Chúng tôi xúm lại coi thành quả: Hàng trăm con chứ chẳng chơi! Bình bảo tên cá
là grunion. Tôi thì thấy nó giống cá cơm ở Việt Nam, nhưng grunion to và dài hơn, con nhỏ khoảng hai, ba inches; con lớn khoảng bốn đến năm inches.
- Ủa, Ly đâu rồi"
- Ly ơi Ly à!
Ơ Kìa! Ly đang bó gối ngồi thu lu chỗ đống giày dép.
- Ly mệt hả"
- Ly giận ai hả"
- Không bắt được cá nên rầu hả"
Giọng Ly buồn xo:
- Xin lỗi đã làm các bạn lo lắng. Bỗng dưng nhớ tới bác Hai, Ly buồn quá.
Chúng tôi thở dài. Bác Hai của Ly ở Việt Nam, làm nghề đánh cá. Bác đã mất tích cách đây không lâu, không biết sống chết ra sao. Tàu của bác đã bị tàu "lạ" đâm chìm. Gia đình bác rơi vào cảnh khốn khổ.
Tôi siết chặt tay bạn hiền:
- Thôi mình về đi Ly.
Đêm rất sâu và yên tĩnh. Giữa bầu trời xanh thẫm, vầng trăng chưa tròn tỏa ánh sáng hiền hòa. Xa xa mấy vì sao nhấp nháy. Biển đã ngủ say, không biết chiêm bao thấy gì mà biển thở phập phồng. Còn sóng" Sóng vẫn mê mải thì thầm bài ca của riêng sóng, bài ca vĩnh cửu.
Chợt nghe đâu đây vang vọng tiếng sóng chốn quê nhà.
Và nghe lòng không bao giờ thôi yêu thương, nhung nhớ.
______________________

(1) Vui Ánh Lửa Hồng- Nguyễn Văn Hiên
(2) Anh Em Ta Về-Tiến Lộc
(3) Lá Thư- Đoàn Chuẩn, Từ Linh
(4) Buồn Tàn Thu- Văn Cao
(5) Con Thuyền Không Bến- Đặng Thế Phong

Tịnh Tâm

Ý kiến bạn đọc
30/08/201118:34:48
Khách
Toi co 2 chau 10 tuoi va 9 tuoi, luc dau con toi khong thich di hoc, tui ham doa khong nghe, toi doi qua chien thuat la qua cap, di hoc ngay chu nhat cho coi TV 15' or dan di tiem sach....... dat toi truong hoc, hoc khong vo đuoc 10 chu thi cung vo duoc 3 or 4 chu tu tu cac chau co 1 mo tu , theo quan niem cua toi, khong so cac chau khong biet tieng anh chi so cac chau khong biet tieng Viet cho nen o nha toi noi tieng Viet voi cac chau, nhung cai kho cua cha me va ngay ca ban than toi la cac chau nghe tieng viet ma tra loi lai tieng Anh, toi dang treo giai thuong la 1 ngay khong noi tieng Anh trong nha, toi se dat cac chau đi choi..... nhung cac chau chua lam duoc
31/08/201118:39:03
Khách
Câu chuyện nhẹ nhàng và dễ thương. Cám ơn Tịnh Tâm. @Linda, đừng nản chí, nước chảy, đá mòn; có công mài sắt, có ngày nên kim. Linda cứ tiếp tục nói tiếng Việt, còn các cháu trả lời bằng tiếng Mỹ cũng chẳng sao; điều đó chứng tỏ là các cháu hiểu được tiếng Việt, khi nào các cháu có số vốn ngữ vựng tiếng Việt khá rồi, các cháu sẽ cảm thấy thoải mái hơn và tự động trả lời bằng tiếng Việt. Tôi có kinh nghiệm về chuyện đó với con cháu trong gia đình nên có thể khẳng định với Linda.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,317,326
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo