Hôm nay,  

Tâm Tình Với Người Bạn Trẻ Việt Nam

26/08/201100:00:00(Xem: 190961)
Tâm Tình Với Người Bạn Trẻ Việt Nam

Tác giả: Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn
Bài số: 3336-12-28564vb6082611

Bút hiệu gồm 2 người: Minh-Đạo là một vị cao niên 86 tuối, viết lách cho... vui, trong khi Nguyễn Thạch Hãn, cư dân Houston, Texas sinh năm 1945, là một cựu sĩ quan Pháo Binh VNCH, hiện làm việc trong một công ty Energy tại thành phố Houston.. Ông vừa đoạt giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Bài viết là để trả lời một độc giả trẻ đang còn ở Việt Nam. Bài đăng làm 2 kỳ (kỳ 1 đăng vào ngày thứ Tư vừa qua). Tiếp theo và hết.

+++++

Trong câu chuyện "Đứa Con Dị Chủng" của chúng tôi đăng trên Việt Báo trước đây, một độc giả từ Việt Nam tên "Van" đã hỏi như sau, xin trích nguyên văn:
"Xin chào tác giả. Tôi rất cảm động và chân thành cảm ơn tác giả rất nhiều về câu chuyện trên, nó làm tôi rơi nước mắt và ấm lòng biết bao. Nhờ đọc mẩu truyện đời của ông mà tôi cảm thấy yêu đời hơn và tin tưởng hơn vào cuộc sống rằng trên đời này vẫn có nhiều người tốt bụng. Tôi ở Vietnam và trong tương lai tôi sẽ đi du học ở Mỹ, nên tôi ko biết rõ về rắc rối mà Mai gặp với cô gái khi cho tiền đổ xăng, vấn đề cảnh sát chìm gài bẫy này ở Mỹ là gì vậy" Nó có liên quan gì đến luật pháp bang Texas " Xin phiền ông tác giả trả lời giúp tôi nhé.
Cám ơn ông rất nhiều !!!"
Trước hết, chúng tôi xin cám ơn tất cả quý độc giả. Một tác phẩm dù nhỏ bé đến đâu, nếu được độc gỉa chiếu cố thưởng thức, đó là phần thưởng cao quý nhất, hơn bất cứ giải thưởng nào khác mà tác giả nhận được.
Bạn "Van" ơi, cám ơn bạn đã đặt câu hỏi, gây cảm xúc cho tôi viết bài này. Bạn là tương lai của đất nước, xin bạn hãy cố gắng và vững tâm, đọc lời tâm huyết của bạn, tôi biết bạn cũng là người "có lòng". Vâng, tôi khẳng định với bạn, trên đời này vẫn còn rất nhiều người tốt bụng, cả những người sẵn sàng hy sinh cuộc đời họ cho hạnh phúc của tha nhân trong đó có bạn và tôi. Bạn hãy nhìn kỹ, chung quanh bạn, ngay trong nước Việt Nam thân yêu của chúng ta bây giờ, biết bao nhiêu người quên bản thân mình, bỏ tất cả danh vọng tiền tài, tự do, gia đình (tôi muốn nói những thứ thân thương, cao quý nhất của một người bình thường) để mưu cầu hạnh phúc cho con dân nước Việt, cho những người Việt khốn cùng, đang ở bậc thang thấp nhất của xã hội. Tôi chẳng nói ra, bạn cũng biết họ là ai! Tôi thật sự rất xúc động vì những hy sinh vô bờ bến của họ mặc dù rất ít người biết đến hoặc thiên hạ làm ngơ như chẳng hề xảy ra. Tôi tự vấn lương tâm và biết chắc tôi không thể nào làm được như các vị ấy, họ là anh hùng nước Việt. Đất nước chúng ta vẫn còn rất nhiều người "Tử Tế" nên vẫn nhiều hy vọng, một ngày nào đó con Rồng cháu Tiên sẽ thật sự vươn lên sánh vai với các nước tiến bộ trên thế giới. Bạn "Van" mến, bạn sẽ qua du học Mỹ, đó là điều đáng mừng, lúc tôi ở tuổi bạn, đi du học phương tây là điều mong ước như mấy tín đồ ngoan đạo mong được lên "Nước Thiên Đàng", hay lên "Niết Bàn". Bạn qua Mỹ sẽ học được rất nhiều điều hay, may ra sẽ giúp đất nước ta trong tương lai khi cờ đến tay thế hệ bạn. Bạn cũng thấy vài điều "dở", mong rằng bạn không bị ảnh hưởng. Nói vậy xin bạn đừng nản lòng, bạn là "Người Tử Tế" bạn sẽ phân biệt được một cách dễ dàng cái nào hay, cái nào dở. Mai sau, biết đâu bạn có dịp mang những cái hay của nước Mỹ gộp chung với cái hay của ta thành một cái gọi là "Tuyệt Vời". Tôi sẽ vỗ tay lớn mừng cho bạn, bạn ơi!
Để trả lời cho bạn "Van", tôi xin hầu quý vị độc giả một vài kinh nghiệm về luật pháp nước Mỹ của chính bản thân tôi. Tôi không phải là một luật sư nên hiểu biết về luật pháp rất hạn hẹp, những nhận xét của tôi chỉ là ý kiến của một công dân Mỹ bình thường. Hy vọng bài này sẽ giải đáp một phần nào ưu tư của vị độc giả VN đó. Tôi chỉ đề cập đến những vi phạm nhỏ mà một người tử tế chẳng may gặp phải. Tôi đã ở trên đất Mỹ trên 35 năm, có vi phạm luật giao thông vài lần, nhưng chính thức bị phạt chỉ có hai, ngoài ra chưa hề bị rắc rối nào khác với pháp luật, khẳng định như vậy cho bạn trẻ VN yên lòng khi đi du học.
Người Mỹ tương đối bảo thủ hơn Âu Châu, cho nên mãi dâm bị cấm gắt gao, mấy vị làm chính trị mà lăng nhăng là bị rớt đài liền. Cảnh Sát hay giả làm gái "Hành Nghề Không Vốn" để dụ mấy ông ngây thơ mua dâm, hay giả làm người bán ma túy để bắt mấy người nghiện ngập. Đó là một hình thức nhắc nhở ai đó đang đi con đường cong cong nên cẩn thận quay về đường ngay cho mau. Nếu gặp trường hợp như vậy nên lẳng lặng bỏ đi là xong. Thường Cảnh Sát cũng nhìn đối tượng trước khi gài bẫy, không phải bạ ai cũng giăng câu đâu. Những cuộc gài bẫy như vậy, họ đều có video thâu hình,và tiếng nói. Khi ra tòa, cảnh sát và video sẽ là nhân chứng, vật chứng cho Biện Lý. Luật sư bênh vực cho thân chủ sẽ nhìn vào video đó để tìm kẽ hở hầu gỡ tội.
Trong câu chuyện "Đứa Con Dị Chủng", bạn chỉ nghe và nhìn thấy một mặt của sự kiện, chúng ta cần phải thấy và nghe cả hai phía mới có sự phán đoán chính xác. Ngày đi bảo lãnh thằng Mai, có tôi cùng đi, tôi chỉ nghe thế nên kể lại, cho nên đã gây sự hiểu lầm cho bạn. Bạn có nghe chuyện mấy anh mù sờ voi chưa" Tôi cũng y chang vậy thôi. Tôi không phải là nhà báo, làm một thiên phóng sự điều tra, mà chỉ là anh chàng viết lăng nhăng, thấy sao viết vậy, bạn đọc cho vui rồi quên đi. Nếu có làm tim bạn thổn thức chút đỉnh, kể như thành công rồi! Bởi vì chính tim tôi cũng đã đập sai vài nhịp khi nghe câu chuyện đó.
Nếu bi phạt lưu thông, bạn cứ chịu khó ra tòa, phần lớn cảnh sát sẽ không có mặt ở toà làm nhân chứng, thế là ông tòa sẽ miễn tố. Cùng lắm, bạn vẫn có thể xin học một khóa "Defensive Driving", chỉ phải đóng một lệ phí nhẹ, nếu trong vòng 1 hay 2 năm (tùy theo tiểu bang) bạn chưa bị phạt lần nào. Đôi khi bạn cũng có thể điều đình với Biện Lý để được hưởng án treo ví dụ trong vòng 3 tháng nếu không bị phạt, sẽ được tha bổng, chỉ phải bị đóng tiền lệ phí hành chánh. Đôi khi lệ phí đó cũng ngang với tiền phạt, nhưng bạn không bị ghi hồ sơ, tránh phải trả tiền bảo hiểm cao. Người ở Mỹ ai cũng hiểu điều đó, chẳng có gì đáng nói, "Biết rồi khổ lắm, nói mãi", tôi chỉ muốn nêu ra đây, may ra có quý vị nào bên VN đọc được, biết được chút đỉnh, biết đâu ngày nào đó cũng áp dụng được ở VN ta.
Lúc mới đến Mỹ định cư, tôi làm việc thiện nguyện cho một cơ quan bảo trợ người tỵ nạn gồm rất nhiều sắc dân khác nhau, Việt, Miên, Lào và một vài sắc dân thuộc mấy nước Cộng Sản Đông Âu nữa. Công việc là làm thông dịch viên cho người Việt, nhưng đôi khi tôi được phái đi thông dịch cho cả người Miên hay Lào nữa, tôi cũng ngọng luôn. Đối với người Mỹ, Việt Miên Lào chỉ là một, tỷ như ta nhìn người Mỹ, Pháp, Đức vậy. Ngoài việc làm thông dịch, tôi còn phải chở họ đi nhà thương, Bác Sĩ, xin trợ cấp xã hội, xin housing, v…,v…Đôi khi làm những chuyện bá vơ như hòa giải các cặp vợ chồng hục hặc với nhau, giúp đỡ mấy đứa con nít gặp rắc rối với trường học. Đại khái bất cứ chuyện gì liên quan tới người Tỵ Nạn, văn phòng thiện nguyện đó đều gọi đến tôi bởi vì chỉ có mình tôi làm việc về phương diện giúp người tỵ nạn.
Một hôm, tôi được thông báo có người tỵ nạn đang gặp rắc rối ở tiệm grocery store Safeway, đó là một chain store rất lớn và có uy tín. Tôi vào văn phòng giám đốc Safeway trình thẻ làm việc và nói tôi là đại diện của cơ quan thiện nguyện đến để tìm hiểu vấn đề liên quan tới người tỵ nạn nào đó mà văn phòng của Ông đã gọi cho chúng tôi. Ông kêu cô thư ký dẫn vào một người tỵ nạn đàn bà Đông Âu, ngồi gục mặt ủ rũ trong góc văn phòng. Bà đã ăn cắp một miếng thịt bò dấu trong áo. Ông không muốn giao cho cảnh sát nên gọi cho chúng tôi, thì ra khi bị bắt Bà đã chìa cái business card của tôi cho nhân viên an ninh. Tôi trình bày với Ông, người đàn bà tỵ nạn này là do văn phòng tôi bảo lãnh, từ một nước Cộng Sản Đông Âu, có lẽ Bà không biết luật lệ ở xứ Mỹ chúng ta chứ không phải Bà cố ý ăn cắp. Tôi cũng gồng mình nói bậy vậy thôi hy vọng Ông thông cảm mà tha cho. Không ngờ Ông mỉm cười xin lỗi rối rít vì sai lầm của nhân viên an ninh và xin tôi bỏ qua, Ông cũng hứa sẽ bồi thường cho Bà một xe thực phẩm đáng giá $50 Đô. Ông còn hứa sẽ mời Bà giám đốc văn phòng thiện nguyện của tôi lại văn phòng Ông để tặng một số phiếu thực phẩm hàng tháng cho người Tỵ nạn. Ông bắt tay tôi và Bà Đông Âu đó rất vui vẻ niềm nở. Cuối cùng bà không bị rắc rối gì còn được tặng một xe thực phẩm. Hai bên cùng hài lòng, riêng tôi, tốn vài nhịp tim thổn thức vì cảm thấy mình cũng làm được một việc thiện nho nhỏ.
Mấy ngày hôm sau, Bà giám đốc gọi tôi vào văn phòng, cùng với Bà đến tiệm Safeway. Thì ra, chúng tôi được vài đài truyền hình và báo chí địa phương phỏng vấn khi Safeway tặng phiếu thực phẩm, Ông và Bà giám đốc của hai cơ quan khác nhau tươi cười trước ống kính của đài truyền hình, tôi cũng được ké một chút. Sau khi được lên đài truyền hình địa phương, văn phòng chúng tôi còn được nhiều tiệm thực phẩm khác tặng phiếu thực phẩm hay offer job cho người tỵ nạn. Tôi nghĩ bụng cái Ông giám đốc đó thật giỏi và nhanh trí, chỉ mất có chút đỉnh mà mấy đài truyền hình và báo chí địa phương đã quảng cáo không công cho tiệm của Ông. Tiền quảng cáo trên TV như vậy it ra cũng tốn vài chục ngàn đô Mỹ. Nhưng phải công nhận Ông cũng là người "có lòng" nếu không Ông chẳng mất công gọi cho văn phòng tôi, chỉ việc giao cho cảnh sát hay thả Bà đi là xong. Nhắc cho các bạn tay chân có dính keo, trong các cửa tiệm buôn bán, mặc dầu không có ai dòm ngó bạn nhưng vẫn có camera thu hình. Nên cẩn thận!
Một lần khác, tôi bị gọi vào trường tiểu học để thông dịch cho một cặp vợ chồng Viêt Nam phụ huynh của một học sinh trong trường. Đến nơi, tôi được hướng dẫn vô văn phòng Hiệu Trưởng, ở đó có Police của trường, một bà Mỹ, tôi đoán là cô giáo, ông Hiệu Trưởng, Ông Bà và cậu bé Việt Nam. Thấy tôi đến Ông Bà rất mừng. Sau khi giới thiệu và chào nhau theo phép lịch sự. Ông Hiệu Trưởng trình bày sơ lược vấn đề, thì ra tối hôm qua cậu bé bị cảm, cha mẹ cậu cạo gió sau lưng, ngực và cánh tay cho cậu. Cô giáo nghĩ là cậu bị abused (ngược đãi, đánh đập) cho nên theo luật Bà bắt buộc phải báo cáo cho Hiệu Trưởng điều tra và có thể sẽ báo cáo cho Cơ Quan Bảo Vệ Trẻ Em. Nếu nội vụ đi đến đó sẽ rắc rối to, vì sẽ có cảnh sát xen vào.
Tôi trình bày với Ông đó là cách chữa bịnh thông thường của người Việt, Tôi cũng cho Ông số điện thoại và địa chỉ của một BS Việt Nam để Ông tham khảo. Cuối cùng Ông Bà Việt Nam cũng được thông cảm và không bị rắc rối nào khác với pháp luật. Tôi có nghe một vài người VN bị tù oan vì cạo gió cho con cái bởi vì ở những nơi xa xăm không có người đồng hương làm chứng cho họ. Cũng nhắc cho quý vị bên VN hiểu chớ đánh con cái mình kẻo bị tù và mất cả con đấy. Cũng đừng sờ bậy con nít, tôi đã từng thấy mấy Ông lớn tuổi chọc con nít bằng cách sờ vào của quý của các em rồi cười:"Bé tí như trái ớt hiểm."""". Coi chừng bị tù đó, đừng có chơi dại.
Lúc dọn nhà, ông bạn tôi có một con chó quý lắm, Ông không thể mang đi ngay được nên gởi cho một người quen của tôi giữ giùm một thời gian, vì có chút ân tình nên người quen đó bằng lòng giữ con cẩu một tháng. Lúc chúng tôi trở lại mang nó đi, không tìm thấy nó đâu cả. Bạn tôi cứ nghi là ông kia cho nó ăn củ riềng mất rồi. Có thể Ông không biết rằng, giết chó mèo trên xứ Mỹ là một trọng tội.
Hành hạ con nít, đàn Bà và chó mèo người Mỹ rất kỵ, Ở tù như chơi. Việt Nam ta thường có đẳng cấp xã hội theo thứ tự: Sỹ, Nông, Công, Thương, Binh. Người Hoa Kỳ có một đẳng cấp khác hơn: Con nit, đàn bà, chó mèo, đàn ông. Quý vị phái mạnh bao giờ cũng đứng hạng chót. Có chuyện lục đục trong gia đình,khi cảnh sát can thiệp, người bị còng tay dẫn đi bao giờ cũng là quý vị "liền ông cả".
Một hôm tôi đang đi nghỉ hè, nhận được điện thoại của văn phòng thiện nguyện cho biết cảnh sát dẫn vào văn phòng một cụ già Việt Nam, mắc tội đái đường. Sau khi nói chuyện với cảnh sát, tôi được tiếp chuyện với cụ, giọng vẫn còn run. Cụ già nói, cụ có phạm tội gì đâu, chỉ là người già không kìm hãm được nên mắc bệnh "Tiểu Đường", thấy bụi cây không có bảng "Cấm Lái" như bên VN, nên vạch quần "tè" liền, vậy mà cảnh sát còng tay cụ. Tội nghiệp, cụ đâu biết rằng đàn bà khoe của quý ra thì hỏng sao, đàn ông mà khoe ra là không xong rồi, phạt vạ nặng lắm đó. Ông cảnh sát thông cảm cụ già rồi và là người tỵ nạn, chắc không hiểu luật lệ nên tha cho. Nhưng khuyên cụ, nếu "bí tè" cứ việc tè trong quần không sao cả! Người ta không bắt cụ về tật "đái dầm" đâu.
Nếu bạn là công dân Mỹ và có bằng lái xe, thỉnh thoảng bạn sẽ được giấy mời ra để bị chọn làm bồi thẩm đoàn, đó là nhiệm vụ, không phải quyền lợi, cho nên bạn không thể từ chối được. Nếu bạn không ra trình diện, nhiều phần là bạn sẽ nhân được trát tòa, rắc rối to đấy không phải chuyên chơi đâu. Một vài trường hợp miễn trình diện nếu bạn đủ điều kiện ví dụ còn đang đi học, phải săn sóc mẹ già con thơ v...v… Tôi đã phải trình diện nhiều lần, bao giờ cũng vậy, nhìn cái mặt "mít đặc" của tôi bên " Nguyên" và bên "Bị" ai cũng chê, thế là tôi thoát nạn. Nếu chẳng may mà bị dính chấu, có nhiều cơ hội là phải bi giam lỏng để ra tòa mỗi ngày nghe Xử, có khi cả tuần lễ nếu đó là vụ án trọng hình. Có những vụ Xử quá nổi tiếng, họ mướn hotel cho bồi thẩm đoàn ở, cấm coi TV, đọc báo hay liên lạc với thế giới bên ngoài, giống như tù giam lỏng, mục đích để các vị Bồi Thẩm nghị án một cách công minh, không bị bất cứ ai mua chuộc hay bị ảnh hưởng bởi dư luận quần chúng.

Nhưng có một lần tôi cũng bị chọn làm bồi thẩm trong vụ Xử một Ông Mễ lái xe khi say rượu. Có lẽ luật sư bên "Bị" thấy tôi cũng giống Mễ như bị cáo nên chọn tôi, may ra tôi sẽ thương hại anh ta chăng" Biện Lý có cảnh sát và video làm chứng. Chúng tôi được coi video 2,3 lần. Cảnh sát khai anh lái xe lạng quạng, khám thấy trong xe anh có mấy lon bia, khi mở cửa, nhiều lon rớt xuống đường rổn rảng, anh đi không vững trên một đường thẳng v…v… Cuối cùng toàn thể Bồi Thẩm được đưa vào một phòng kín để nghị án. Chúng tôi bầu ra một trưởng toán, đó là anh chàng nói nhiều hơn mọi người. Sau khi coi lại video nhiều lần chúng tôi đồng thanh phán vô tội, bởi vì thấy chàng đi đứng rất đàng hoàng không có vẻ gì là người say rượu cả.
Khi bạn được kêu ra làm bồi thẩm, chủ nhân nơi bạn đang làm việc bắt buộc phải trả lương cho bạn những ngày vắng mặt. Đó là luật!
Nói chung, hệ thống tư pháp của Mỹ rất công bình và độc lập, cho nên các vụ Xử án bao giờ cũng quang minh chánh đại. Nếu bạn bị bắt, khi ra tòa sẽ được Xét Xử vô tư. Nếu bạn không có tiền mướn luật sư, tòa sẽ chỉ định luật sư miễn phí cho bạn. Dĩ nhiên chẳng có gì là hoàn toàn cả, chỉ là luật pháp Mỹ tương đối hoàn chỉnh hơn rất nhiều quốc gia khác, và luôn luôn tu chỉnh luật lệ cho hợp với thời thế, cũng như trám lại các lỗ hổng. Nếu có tội, dù là Tổng Thống cũng phải đối đầu với pháp luật. Nếu là vô tội dù là công dân hạng bét bạn vẫn được tha. Bạn còn nhớ anh chàng điên John Hinckley, Jr. ám sát cố Tổng Thống Reagan không" Ở một sứ độc tài chắc là anh ta đã bị mang ra pháp trường lâu rồi. Nếu bạn đã bị kết tội, nhưng sau này có bằng chứng mới rõ rệt bạn vẫn có thể xin tòa xử lại, nếu trắng án, bạn sẽ được bồi thường xứng đáng cho những ngày ở tù, có khi lên đến vài chục triệu Đô. Gần đây thử nghiệm DNA rất chính sác đã lật ngược nhiều vụ Xử "hiếp dâm" trong quá khứ.
Hồi mới qua Mỹ, sống ở Oklahoma City, phải đối đầu với khí hậu khắc nghiệt của mùa đông, tôi được người bạn Mỹ bán cho chiếc xe cũ to cồng kềnh 100 Đô, đỡ phải đi bộ. Một đêm đi làm về, tuyết rơi mù mịt không thấy rõ đường, vừa lái xe vừa run ghê lắm, vái Trời cho mau về nhà an toàn, bỗng thấy có chiếc xe chạy theo sau, đèn xanh đỏ chớp lên lia lịa. Tôi còn lo vật lộn với tuyết, hơi nào mà để ý đến đèn xanh đèn đỏ. Đi một đoạn khá xa, chiếc xe phía sau hụ còi inh ỏi, tôi tà tà rẽ vào một khu shopping center, thì ra cảnh sát đi theo tôi. Tôi quay cửa kiếng xuống và để hai tay lên tay lái đàng hoàng, cho ông nhìn rõ tôi không cầm súng. Hành động để hai tay lên tay lái, rất quan trọng, nhất là lúc ban đêm, khiến Cảnh Sát đỡ "run" khi tiến gần tài xế. Ông cảnh sát rất lễ phép lịch sự chào tôi rồi hỏi:
"Xin Ông vui lòng cho coi bằng lái xe"
Ông coi xong trả lại tôi, rồi hỏi:
"Ông có biết Ông phạm lỗi gì không""
Tôi nói, tôi không biết, Ông chỉ đèn trước nói đèn của tôi đã hư rồi, lái xe trong đêm rất nguy hiểm vì xe chạy ngược chiều tưởng là xe gắn máy, rất dễ gây tai nạn.
Ông viết giấy phạt rồi đưa tôi ký nhận. Thế là tiêu hết mấy chục Đô rồi! Hồi đó tôi làm lương tối thiểu hình như $2.50 một giờ, một ngày được $20 Đô, như vậy mất hết gần 1 tuần lương như chơi, đổ bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu đêm vật lộn với tuyết và gió lạnh mới được chừng đó . Tôi bèn quay ra năn nỉ:
"Tôi tị nạn mới qua, nghèo lắm ông ơi, Ông tha cho tôi lần này được không""
Ông Cảnh Sát trả lời tỉnh bơ:
"Cảnh Sát cũng nghèo lắm", nheo mắt nhìn tôi rồi mỉm cười nói " Nhưng mà không sao đâu, Ông cứ Xửa đèn cho đàng hoàng, rồi trình giấy phạt này cho tòa án, họ sẽ tha cho ông."
Tôi cám ơn Ông rối rít, mừng quýnh vì đỡ mất một tuần lao đông cực khổ. Ông gật đầu chào tôi, mỉm cười thật dễ thương rồi lái xe đi mất. Chắc tối hôm đó Ông có chuyện cười kể cho vợ con nghe:" Tối nay tui đã hù một chú tị nạn Việt Nam sợ mất hồn!". Lần đầu tiên tôi đối đầu với Cảnh Sát Mỹ và có ấn tượng rất tốt. Nói chung thì Cảnh Sát rất lich sự và đàng hoàng, đúng nghìa cảnh sát là bạn dân. Bạn có thể vẫy một xe cảnh sát chạy ngang và nhờ họ giúp đỡ, nếu không bận công vụ họ sẵn sàng giúp bạn, tỷ như chỉ đường nếu bạn bị lạc, kêu xe kéo nếu xe bạn bi hư dọc đường, canh cho bạn thay bánh xe, nếu bạn là phụ nữ hay già cả, có thể họ sẽ giúp bạn làm luôn chuyện đó. Điều bạn phải hết sức tránh là HỐI LỘ cảnh sát, bạn có thể bị truy tố ra tòa và ở tù, đừng dzởn mặt với họ. Cũng đừng năn nỉ họ, vô ich.
Một lần khác, tôi dọn nhà từ Okalahoma City về Houston, sau khi được job, mừng hết lớn. Tôi chất tất cả tài sản vô Chiếc xe cũ kỹ, suốt đêm rong ruổi trên xa lộ, đường đêm khuya vắng vẻ, vừa lái xe vừa ca cho đỡ buồn ngủ. Đang phom phom trên xa lộ, bỗng thấy một chiếc xe đèn "pha" sáng chưng, cứ bám sát sau xe, thấy vậy tôi nhấn ga dzọt lẹ, lẹ bao nhiêu xe phía sau cũng bám không rời. Tôi hơi hoảng, không biết xe kia muốn gì" Được một lúc, xe phía sau quay đèn chớp xanh đỏ và có tiếng loa yêu cầu tôi dừng lại và tắp vào lề. À thì ra cảnh sát đã theo tôi từ nãy đến giờ mà tôi không hay. Hai Ông cảnh sát xuống xe, một ông lại gần tôi còn ông kia từ xa chĩa súng về phía tôi. Ông đi một vòng chung quanh xe, rồi đến bên tôi chào rất lich sự, yêu cầu cho Ông xem bằng lái xe. Tôi đưa cho ông coi, cũng hơi teo vì nhìn họng súng đen ngòm đang hướng về mình. Thời chiến tranh tôi cũng chưa bao giờ phải đối diện với một họng súng gần như vậy. Chỉ sợ cái ông cầm súng run quá cướp cò là tôi mất chỗ đội nón. Ông cảnh sát hỏi tôi:
- You có biết tại sao tôi chặn xe you lại không"
- Tôi không biết.
- You chạy quá tốc độ cho phép
- Tôi sợ có kẻ cướp chạy theo xe, tôi đâu biết mấy ông là cảnh sát.
Ông mỉm cười, xin lỗi và chúc tôi lên đường bình an, Ông không quên nhắc tôi đừng chạy quá tốc độ, lần này chỉ là cảnh cáo thôi. Hú hồn, nếu ông phạt vài trăm đô, có nước bán xe để nộp phạt. Tôi đoán Ông nhìn thấy tôi chở đầy một xe đồ đạc tùm lum trong chiếc xe cũ rich, nghi tôi là "đạo tặc" nên theo dõi, đến khi nhìn thấy mặt khờ câm của tôi nên biết đã lầm. Nhắc quý vi không nộp phạt coi chừng bị còng tay đó. Ở Houston, một năm không biết bao nhiêu người trốn nộp phạt vi phạm luật lưu thông. Lâu lâu thành phố lại cho một han cuối cùng trước khi Cảnh Sát đến tận nhà còng tay mang ra tòa. Đừng dzởn với pháp luật nghe!
Có lần tôi vừa từ đường trong chạy vô xa lộ, bỗng xe cảnh sát, chớp đèn phía sau. Tôi nghĩ bụng, xong rồi tốn tiền nữa rồi, cô Cảnh Sát rất đẹp "tóc vàng sợi nhỏ" đến bên tôi đòi coi bằng lái xe, tôi làm bộ ngơ ngáo một lúc mới đưa bằng cho Cô. Cô hỏi tôi phạm lỗi gì biết không, tôi ú ớ một lúc rồi lắc đầu. Cô nói tôi phải nhường quyền ưu tiên cho xe đang chạy trong xa lộ. Tôi cứ tỉnh bơ làm như không hiểu Cô nói gì, Cô giảng moral cho tôi một thôi một hồi, tôi vẫn lắc đầu, chán quá Cô bèn lên xe dông tuốt.
Đó là tư cách của Cảnh Sát Mỹ, nhưng không phải ai cũng dễ thương với bạn đâu.Thỉnh thoảng cũng có ông Cảnh Sát mặt lanh lùng như kẻ giết mướn. Bạn tốt nhất là phải làm theo lệnh, khi bị chặn lại, quay cửa kính xuống, bình tĩnh, để hai tay lên tay lái và ngồi yên tại chỗ, đừng nhúc nhích, nếu là ban đêm nên bật đèn trần xe cho bên trong được sáng tỏ. Đó cũng là cách báo cho cho Cảnh Sát rằng chúng tôi không có gì dấu diếm cả. Nếu nghi ngờ bạn say rượu, họ có thể yêu cầu bạn bước ra khỏi xe, khám xét thân thể bạn xem có dấu súng ống hay ma túy gì không, rồi yêu cầu bạn làm một vài cái thử nghiệm khác, như bước trên một đường thẳng, dơ tay ra rồi sờ vào mũi của chính bạn, thổi hơi để đo độ cồn. v…, v…. Cảnh Sát khi chận bạn lại, họ cũng hồi hộp lắm, họ cũng run như bạn bởi vì có thể bị bắn chết nếu người lái xe là một tội phạm có võ trang.
Một lần tôi bị chặn lại trên đường đi tới sở, sau khi xem bằng lái xe và bảo hiểm (luật Texas, chạy xe phải có bảo hiểm), Ông Cảnh Sát hỏi tôi có biết vi phạm gì không" Tôi cũng biết tội gì rồi, nhưng cứ trả lời "No, Officer", Ông nói "Speeding Sir, you lái xe 45 miles một giờ trong đoạn đường cho phép 35 miles một giờ thôi". Tôi lại hỏi :"Officer, you có bằng chứng gì không"", Ông dẫn tôi lại xe của Ông và chỉ vào cái "Radar Speed Gun" vẫn còn ghi con số 45 màu đỏ. Hết chối.Tôi lại hỏi Ông, tại sao bao nhiêu người cùng chạy nhanh như tôi lúc đó mà ông chỉ bắt có mình tôi" Ông Cảnh sát hỏi tôi có đi câu bao giờ không" tôi nói "Đôi khi" , Ông cười hóm hỉnh hỏi tôi " Thế con cá you bắt được có bao giờ nó hỏi tai sao you bắt nó mà không bắt mấy con khác bơi cùng một lượt với nó không"" Tức muốn ói máu! Tôi ký nhận giấy phạt $120 và nhất quyết ra tòa cãi lộn chơi, xem hệ thống tòa án trên đất Mỹ làm ăn ra sao.
Đến ngày ra tòa, ông Tòa hỏi tôi có nhận tội không (guilty or not guilty"), tôi trả lời "Vô Tội". Ông cho lệnh tòa sẽ Xử tôi môt tháng sau. Ông lại hỏi tôi muốn Xử bởi một Thẩm Phán hay bởi một Bồi Thẩm Đoàn. Tôi xin xử bởi Bồi Thẩm Đoàn, hy vọng họ cũng như tôi đã từng gặp rắc rối với cảnh sát, may ra thương cho thằng em chút đỉnh. Ông tòa hỏi tôi có luật sư không" tôi nói, tôi sẽ tự bào chữa. Ông nhắc nhở tôi rằng Biện lý là người có học luật và thông thạo luật pháp, tôi chắc có tranh luân được với ông ta không" Tôi cám Ơn Ông tòa và tôi tin tưởng sẽ làm được bởi vì cãi lộn với bà xã thật vất vả vậy mà bao giờ tôi cũng thắng.
Trong ngày Xử có ông Cảnh Sát ra làm nhân chứng, sau khi Biện Lý hỏi nhân chứng đủ thứ nào là đoạn đường đó nằm trong city, khu vực trách nhiệm của toán cảnh sát của Ông, Ông thấy tôi chạy nhanh và dùng radar speed gun để đo tốc độ, thời tiết hôm đó tốt, không có mưa cũng không có sương mù, v…v…nhiều lắm tôi không nhớ hết, đại khái tôi bị tội rõ ràng đừng hòng chối cãi. Biện Lý trao nhân chứng cho tôi, Tôi hỏi Ông:
- Khúc đại lộ đó, buổi sáng nào cũng kẹt xe, tôi làm sao chạy nhanh đến 45 Miles một giờ được, chắc gì cái radar speed gun đã chính xác.
- Mỗi 3 tháng đều được kiểm soát bởi chuyên viên.
- Có bằng chứng không, làm ơn cho tôi xem.
- Chúng tôi có ghi trong cuốn sổ để ở office.
- Tôi xin Ông tòa cho tôi xem cuốn sổ đó.
Ông Biện Lý la to:
- Objection! Objection! cuốn sổ đó là technical record bao giờ cũng ghi, thuộc quyền sở hữu của sở cảnh sát, xin tòa miễn cho coi.
Ông Tòa về phe với Biện Lý. Bác lời yêu cầu của tôi. Muốn coi cần phải có trát tòa trước ngày Xử án. Thực sự tôi cũng không cần coi, chỉ là muốn gieo vào đầu quý vị Bồi Thẩm một sự nghi ngờ. Tôi lại hỏi:
- Officer, ngài đứng chỗ nào để nhắm cái radar speed gun vào xe tôi"
- Trên lề đường.
- Nếu nhiều xe khác chạy Song Song với tôi hay trước mặt tôi, speed gun có thể bi sai không"
- Tôi nhắm ngay vào xe Ông.
- Tôi chỉ hỏi là có thể sai hay không thôi, nhắc lại cho officer nhớ, đó là buổi sáng đông đúc xe cộ.
- Có thể.
Tôi đã có sẵn một tập tài liệu về cây radar speed gun lấy ra từ trên mạng, nói rõ ràng nó không chính xác nếu hiện trường xe cộ đông đúc. Nếu Ông nói "Không" tôi sẽ trưng ra. Tôi lại hỏi tiếp:
- Khi you nhắm vào xe tôi, chân của you có di chuyển không"
- No, Sir.
Tôi lại dơ một tấm hình chụp khoảng đường đó, lúc buổi sáng xe cộ đông đúc. Ông Biện Lý phản đối vì tấm hình tôi chụp không phải là quang cảnh thực sự xảy ra khi tôi chạy quá tốc độ ngày hôm đó. Ông Tòa đồng ý với Biện Lý, yêu cầu Bồi Thẩm Đoàn coi như chưa thấy tấm hình tôi trưng ra. Tôi lại trưng ra một sơ đồ, khúc đường tôi bị phạt và nói:
- Thưa Tòa, buổi sáng hôm đó, tôi vừa từ một đường nhỏ có bảng "stop", dừng lại rồi rẽ phải qua Bay Area Bld, tôi không thể nào chạy trong vòng 150 foot từ zero lên 45 Miles một giờ được, khi mà đường xá đông đúc như vậy. Vả lại xe tôi chỉ là một chiếc truck nhỏ, không phải là xe sport.
Tôi cũng nói đại vậy thôi, vì tôi biết trong tòa chẳng có ai có thì giờ đâu mà ngồi tính toán mấy con số tôi đưa ra. Tôi cũng chẳng phải là một "rocket scientist", chỉ là dùng common sense. Nhìn xuống dưới mấy hàng ghế dự khán, thấy có nhiều người cười khuyến khích làm tôi thêm vững tinh thần. Tôi cũng cười lại để tự chấn an. Tôi giống như David đang đánh nhau với Glodiath. Đám dự khán đang cổ võ cho tôi như một trò chơi thú vị.
Ông Biện Lý lại phản đối (Objection!) vì bản vẽ của tôi không đúng theo tỷ lệ, một lần nữa Ông Tòa lại đồng ý với Biện Lý. Tôi chẳng cần mấy hình ảnh đó, miễn làm sao gieo được sự nghi ngờ trong đầu Mấy Ông Bà Bồi Thẩm là tôi sẽ được trắng án. Thực sự trước khi ra tòa tôi đã làm research trên mấy trang mạng về cách bào chữa tội vi phạm chạy quá tốc độ, chứ tôi có phát minh nó ra đâu.
Sau khi nghị án khoảng 30 phút, Bồi Thẩm Đoàn tuyên bố tôi "Vô Tội". Ông tòa ra lệnh cho tôi "Dismissed, free to go!". Tôi nghĩ bụng, cùng lắm thì tôi đóng tiền phạt chứ có ở tù đâu mà bày đặt cho tôi "tự do ra về". Ông Biện Lý nhìn tôi cười hóm hỉnh ý muốn nói:" May cho chú mày nhé, thoát lần này, có chắc thoát lần sau không, see you in court again!". Tôi gật đầu chào Ông và hân hoan ra về. Nghĩ lại công của tôi còn đáng giá hơn tiền phạt nhiều, bèn tự thưởng cho tôi một tô phở "Đặc Biệt" và một ly cà phê sữa đá thật to trong tiệm phở Hoàng trên đường Bay Aera, Houston. Ông chủ tiệm Phở Hoàng có đọc bài này làm ơn trả tiền quảng cáo cho Việt Báo nghe!
Nào, người bạn trẻ Việt Nam của tôi đã vững tâm chưa"
Trên đất Mỹ, hầu hết các chức vụ hành chánh đều do dân bầu ra, như Tổng Thống liên bang, Thống Đốc tiểu bang, Thị Trưởng, Quận Trưởng (County Judge), v… v…. Ông Tổng Thống chẳng có quyền xa thải Ông Thị Trưởng hay Ông Quận Trưởng. Nói chung các chức vị đó đều độc lập với nhau, chỉ có dân mới cách chức được họ. Cách chức bằng cách bỏ phiếu loại họ ra. Ông Tổng Thống hay Ông Thống Đốc cũng chả có quyền hành gì để sai khiến mấy Ông cảnh sát ở City. Mấy Ông cảnh sát đó chỉ nghe lệnh của cảnh sát trưởng của họ. Mà cảnh sát trưởng lại do thị trưởng chỉ định. Nếu cảnh sát làm bậy, không những họ bị ở tù mà cảnh sát trưởng và thị trưởng cũng có thể bị DÂN cách chức nữa. Bạn trẻ Việt Nam ơi, bạn cứ tưởng tượng xem mấy ông (hay bà) Thị Trưởng hay Tổng Thống Mỹ dám sai cảnh sát lấy giày đạp vào mặt dân không" ai sẽ bị cách chức" Chính các vị ấy.
Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn

Ý kiến bạn đọc
05/09/201100:08:21
Khách
ba`i viêt' râ't hay, hy vo.ng ca'c ba.n bên Viet Nam đo.c xong , suy nghi~ la`m gi` đê? cho đa^'t nu+o+'c đu+o+.c tiê'n bô. ho+n, gia?i pho'ng ho+n 35 na(m ma` đâ't nu+o+'c ca`ng nga`y ca`ng đi xuô'ng .
06/09/201102:58:32
Khách
Cám ơn bạn Lynn. Tất cả những người Việt "Tử Tế" đều cầu mong như bạn vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,216,151
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến