Hôm nay,  

Vắng Tôi, Bolsa…Vẫn Đông!

14/08/201100:00:00(Xem: 172123)

Vắng Tôi, Bolsa…Vẫn Đông!

Tác giả: Quân Nguyễn
Bài so:á 3330-12-28560vb8081411

Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Cựu SVSQ Học Viện CSQG Thủ Đức, Cao học Xã hội học CSUF, CA State Parole Officer, đệ tử bốn đẳng của Võ Sư Đặng Huy Đức. Ông là một tác giả Viết Về Nước Mỹ rất được bạn đọc hâm mộ và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm năm 2007.

***

Năm 25 tuổi, ra tù về nhà với vợ dại con thơ và hai bàn tay trắng!
Tôi biết mình đang gặp vận hạn đen đủi thì dù có đâm đầu đâm đuôi xoay sở mấy cũng bằng không, chỉ mang thêm tai ương họa hoạn cho bản thân và gia đình, nên đành an phận với cảnh nghèo túng tủi nhục mà chờ đợi một ngày mai…
Ngày mới vào lính, tôi đã tự nhủ mình chẳng nên cưới vợ làm gì, lỡ chết trận lấy ai nuôi vợ con đây" Hơn nữa đời lính độc thân trận mạc cũng dễ tính hơn, “xanh cỏ hay đỏ ngực” các sĩ quan đàn anh thường nói thế cũng đúng!
Rồi đùng một cái, thằng thì tẩu thoát ra ngoại quốc, đứa thì kêu mình buông súng hàng, thế là nước mất nhà tan, bọn sâu bọ ở đâu lên làm người thi nhau đàn áp dân tộc, đục khoét đất nước làm băng hoại biết bao nhiêu thế hệ…
Hết chiến tranh, thành hàng binh “công dân” hạng bét, rồi còn vợ con phải nuôi, nghèo túng mắt luôn nhìn xuống đất cam chịu tủi nhục mà không màng căm phẫn hơn thua, nhưng tôi lại hết nghĩ đến cái chết nữa như khi còn lính tráng, mặc dù rằng cũng chỉ mong sống đến 50 cho con nó thành người là mừng rồi, biết có sống được với mấy thằng chó đó đến 50 hông!
Những năm tháng đó, lúc buồn tôi thương nghêu ngao thơ Nguyên Sa, thầy dạy triết của tôi ở trung học, mà một trong những bài thơ ưa thích hồi đó là bài “Lúc Chết.”

“Anh ngước mặt hôn lên lòng đất
Sáng ngày mai
giường ngủ ngập côn trùng
Mười ngón tay sờ soạng giữa hư không
Đôi mắt đã trũng sâu buồn ảo ảnh

Ở trên ấy mây mùa thu có lạnh
Anh nhìn lên mái cỏ kín chân trời
Em có ngồi mà nghe gió thu phai
Và em có thắp hương bằng mắt sáng"

Lúc ra đi hai chân anh đằng trước
Mắt đi sau còn vương vất cuộc đời
Hai mươi năm, buồn ở đấy, trên vai
Thân thể nặng đóng đinh bằng tội lỗi

Đôi mắt ấy đột nhiên buồn không nói
Đột nhiên buồn chạy đến đứng trên mi
Anh chợt nghe mưa gió ở trên kia
Thân xác lạnh thu mình trong gỗ mục…”

Vậy mà đã ba mươi năm lặng lẽ trôi qua! Nay tôi thành ông ngoại, và đứa con út cũng đã trưởng thành. Nhiều lúc trong người khó ở mệt muốn chết, tôi lại bắt đầu nghĩ về cái “hậu sự” của mình, nhất là sau khi cha mẹ mình đã qua đời rồi…
Bên Mỹ, khi con cái còn nhỏ, cái nhà còn đang nợ, vợ lại bà nội trợ, nên tôi phải mua bảo hiểm đau ốm của nghiệp đoàn để lỡ có bệnh liệt giường không đi làm nổi thì tháng tháng cũng được dăm ngàn tạm đủ chi phí mấy cái “bills” chính, còn thì cà pháo mắm tôm OK!
Lại sợ lăn đùng ra chết bất ngờ để vợ con phải dọn ra “apartment” lăn lóc như xưa thì tội, nên tôi gọi thằng Mỹ hỏi mua bảo hiểm nhân thọ cho mình. Nó hỏi tôi nợ nhà bao nhiêu, tôi nói trăm tám cần mua bảo hiểm hai trăm rưởi, tháng trả gần ba chục cho hai mươi năm. Nó dụ tôi mua năm trăm ngàn cho vợ có tiền rộng rãi để tôi chết được yên tâm! Tôi bèn giỡn thằng Mỹ bán bảo hiểm rằng bộ mày muốn tao lúc sống nai lưng trả tiền bảo hiểm cho cao để lúc chết vợ tao dẫn một thằng về dập nó tới bến rồi xài xả láng tiền tử của tao hay sao đây, thằng Mỹ nghe có lý cười giả lả chịu bán hai trăm năm chục ngàn.
Được mười năm, thấy mình chưa sao hết, tôi gọi lại thằng Mỹ bỏ cái hợp đồng cũ, mua cái mới toanh cho hai chục năm tới, gần bốn chục một tháng.
Mười năm sau, ông bà già qua đời hết, đều cỡ bảy tám chục trở lên, mới giựt mình vì hết cái hợp đồng hai mươi năm này mình mới 65, lỡ nghiêp nặng quá Trời Phật bắt sống lay lắt thêm chục năm nữa trong “nursing home” báo đời cả vợ con lẫn chính phủ thì buồn quá. Mà chờ tới 65 mới mua bảo hiểm tiếp thì tháng một ngàn hoăc bịnh quá nó không bán luôn…
Tôi bèn kêu lại thằng Mỹ, nó nó mày 55 rồi mua hai chục năm bảy chục một tháng, OK"
OK liền chứ còn gì nữa!
Nói tới chuyện mua bảo hiểm nhân thọ tôi mới nhớ ra có ông gốc Việt làm nghề thử máu đo tim khách hàng cho hãng bảo hiễm. Ông ta kể rằng có lần ông đến thử máu đo tim cho vợ một ông HO muốn mua bảo hiểm năm chục ngàn. Khi găp ông HO, ông kia hỏi sao không mua cho mình mà lại mua cho vợ, thường ở đời đàn ông là trụ cột gia đình, nếu là ổng thì ổng mua bảo hiểm cho ổng để có mệnh hệ gì thì vợ con nhờ mới đúng. Ông HO cho rằng mình đi tù cải tạo mà còn không chết thì dễ gì chết mà lo, chỉ lo là lo cho bà vợ ốm yếu mà thôi! Chẳng rõ cơ sự ra sao, nhưng hai tháng sau ông HO đòi mua cho mình năm trăm ngàn, khám sức khỏe thấy OK, bảo hiểm bán liền. Năm năm sau ông thử máu đo tim gặp lại bà vợ ông HO, vì kỳ này bả muốn mua cho mình và con gái mỗi người một triệu! Hỏi bả ông chồng đâu rồi, thì bà kia mới nói, “Cũng nhờ bác mà mẹ con tôi mới được năm trăm ngàn, ổng bị ung thư mất đã ba năm rồi! Hồi đó mới qua Mỹ thằng em có tiệm “furniture” mướn ổng coi tiệm cho nó chứ ổng đâu phải chủ, giờ thì tôi mua lại tiệm của nó rồi!”
Thiệt ra, đàn ông thường chết trước vợ, nhất là mấy anh thích lấy…vợ trẻ, trừ bố tôi ra, hơn mẹ tôi mười tuổi, mà bả vẫn đi trước ổng sáu năm--Ung thư đâu cần đợi tuổi, khi tìm ra trễ sáu tháng tới một năm là xong!
Có lẽ các ông thường do lao tâm lao lực, ngày đêm lo nghĩ kiếm ăn nuôi vợ con, lại nam nhi tính khí hay nóng giận bất bình nên dễ chết sớm! Trung bình mỗi năm ở Mỹ ba trăm chín chục ngàn “lìn ông” chết vì bệnh tim, ba trăm ngàn ‘đực rựa” nữa chết vì ung thư…
Tuy nhiên tôi vẫn khoái chết kiểu, “Đột nhiên buồn chạy đến đứng trên…tim” hơn, khỏi đau đớn lay lắt cả năm như mẹ tôi. Thấy Diêm Vương ngồi đập bàn mới hay mình chết thì còn gì bằng…
Cho nên tôi hổng mua bảo hiểm cho vợ là vậy, vì dù sao ẻm cũng đi sau, lại có nhà cửa cho con cái bán chia nhau đi Việt Nam chơi, mua BMW, Lexus mới chạy… Hổng lẽ tụi nó tiếc gì ngàn mốt đốt mẹ nó sao!
Thiệt ra, hồng ai muốn nói tới chuyện “hậu sự” của mình hết, mặc dù thầy Nguyên Sa Trần Bích Lan ngày xưa khi dạy triết có dùng một tam đoan luận như sau:
“Là người, ai cũng phải chết
Socrates là người
Socrates phải chết”


Không những Socrates phải chết (từ chối chạy trốn vì tin rằng triết gia mà tẩu thoát trước cái chết là hông đúng, ngon thiệt!) mà Phật cũng phải chết ở tuổi 80 (biết đồ cúng dường bị thiu hư nhưng cũng cứ nhận vì biết nghiệp mình đã hết). Phật còn dạy rằng đời người là vô thường (có sinh có diệt), và khi phải đối diện với cái chết, các hành giả (tỳ kheo) lỗi lạc nhất sẽ hoan hỉ, các hành giả trung bình sẽ chuẩn bị tốt đẹp, và ngay cả các hành giả hạ căn nhất sẽ không có gì để tiếc nuối. Phải chăng đó là một trong những lý do khiến tôi lo chuẩn bị"
Nói cho cùng, ai thấy đứa bé sinh ra cũng mừng cũng thương, nhưng đã sinh ra thì cái ngày chết của nó đã định, non yều hay chết già thì cũng không thể tránh, chỉ mong nó lớn lên thành người hữu dụng, đừng ăn tục nói phét thôi… 
Tôi cũng thường thấy nhiều người phát biểu bô bô rằng thằng đó, thằng nọ chết rồi một cách hoàn toàn lãnh cảm vô tâm, làm như chỉ có nó phải chết còn mình thì sống đời!
Có lần qua Ý, vô nhà thờ cổ thấy có bộ xương khô nằm khỏe re trong hốc tường, với hàng chữ La Tinh bên ngoài “Tao là cái mày sẽ là”, ai dám nói nó nói sai"
Nhớ lại ngày còn học tiểu học, tôi có lần đọc chuyên “Hoa Thủy Tiên” in trên trang bìa sau một cuốn vở học trò mà tôi chẳng bao giờ quên. Chuyện kể răng ngày xưa có một nàng công chúa xinh đẹp đến tuổi cập kê, vua cha muốn tìm phò mã, nhưng nàng ra lệ rằng hễ ai kiếm được thuốc trường sanh bất lão cho nàng thì người đó sẽ được nàng lấy làm chồng. Ngày nọ, có vị hoàng tử vào hang yêu tinh giết được con quái vật và mang về cho nàng chai thuốc trường sanh bất lão mà thành phò mã. Rồi năm tháng trôi qua phò mã chồng nàng qua đời ở tuổi 80, nàng vẫn trẻ đẹp ở tuổi 16 (đã thiệt!) Rồi các con nàng theo thời gian thảy đều chết già ở tuổi 70 nàng vẫn xinh đẹp như trăng rằm. Đến khi các cháu chắt của nàng tiếp tục qua đời như chồng con của nàng thì nàng vẫn trẻ đẹp mê ly như xưa…
Sau cùng quá cô đơn và đau khổ vì tất cả chồng con cháu chắt đều không còn nữa, nàng ước nguyện được chết quách cho rồi! May sao, ước nguyện của nàng được toại nguyện, và trên nấm mồ của nàng về sau mọc lên một giàn hoa xinh đẹp dân gian gọi là hoa thủy tiên.
Nghe chuyện…xạo này, có ai còn muốn sống qua con cháu như nàng công chúa xinh đẹp kia hông" Chắc chắn hổng có tui à nha!
Hàng xóm có chị kia bố chết ngoài bắc, về chịu tang cha, hàng xóm ai cũng đến phúng điếu rồi khuyên nhủ có một câu một,“Thôi cháu đừng có buồn, đến Bác Hồ mà còn phải chết nữa là…”
Mẹ nó! cái thằng giặc đó có chết mục xác thì mắc mớ gì đến bố chị ta, đúng là dân đen trong xã hội vẹm có khác, phát biểu như vẹt!
Tôi có đứa con gái lớn, nay đã ngoài 30 và có gia đình. Năm lên 4, có lần nó hư nên tôi la rầy gì đó hổng nhớ. Nó ngồi bó gối một hồi lâu, rồi bất chợt ngước lên nhìn tôi mà nói, ”Bố chết đi!”
Cho tới giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi làm sao một đứa bé bốn tuổi có thể hiểu được khái niệm của cái chết mà thốt lên câu đó!
Tháng trước nó nói cái hồ bơi nhà nó cần phải làm lại vì quá cũ, tôi nói hồ của tôi cũng cần phải làm lại, “Nó bảo đảm mười lăm năm, bố chỉ cần làm lần này nữa là đời bố cũng xong luôn, khỏi lo nó nữa…”
Nó quay qua đánh vai tôi bực mình nói, “Bố nói chuyện gì nghe điên qúa!”
Chưa hết, hồi bố tôi chưa mất, nằm liệt giường ở “nursing home” trên đường Washington. Nhân thằng con đi học xa về thăm nhà, tôi kêu nó chở tôi vào thăm ông. Ông đang mê man, tôi ngồi đó còn nó đứng sớ rớ một hồi rồi bỏ đi loanh quanh đâu đó. Nhìn các ông bà già Việt Mỹ bảy tám chục hom hem cô đơn buồn bã, tôi lại nghĩ đến thân tôi mà ái ngại cho con cái sau này…
Lúc cha con bước lên xe ra về nó bỗng nói, “Mai mốt bố già con không cho bố vô đây đâu!”
Tôi chẳng biết nó thấy gì, nghĩ gì, nhưng thằng già này lúc nào thấy hết đá “Taekwon-Do” nổi là nó kêu taxi tự nạp mình vô “nursing home” liền. Con cái dù có thương mình, nó vẫn còn có đời của nó, gia đình của nó, mắc gì mình hưởng đời mình rồi lại báo đời nó! Chi bằng mình dứt áo ra đi cho nó đỡ cắn rứt lương tâm, vậy mới là thương con thật sự, còn mấy trự mong sống thiệt già, lay lắt cũng được, mơ con cái sẽ rửa đít cho mình thì mie^~n bàn… Mà có được vậy đâu, thứ đó con cái nó còn chở đi lẹ nữa hà!
Bố tôi mất ở tuổi 86. Chừng sáu tháng trước đó ông phải đi lọc máu tuần ba lần. Con cái đi làm không ai lo nổi nên đành phải đưa ông vô “nursing home” để họ lo cho. Chưa kể ông đã ngồi một chỗ trong nhà hết mười năm vì bị “stroke” ở tuổi 76!
Lúc ở nhà quàn, tôi thấy ông nằm trông thật thoải mái như đang ngủ, những vết già nua nhăn nheo bệnh hoạn khi còn ngồi một chỗ không còn nữa! Ồng lại đẹp trai hơn ba anh em tôi từ trẻ đến già làm mẹ tôi mê như điếu đổ, hầu ổng tới khi chết còn chưa muốn thôi!
Vậy mà, có hai thằng bạn đi chung đến viếng bố tôi ở nhà đòn, một thằng thì nghiêm trang đứng nhìn lần cuối hồi lâu, còn thằng kia cứ lẽo đẽo núp sau thằng trước mà tránh nhìn ông già tôi từ lúc vô đến lúc ra! Có thể nó sợ nhìn xác chết, hoặc nghĩ rằng xác chết thật đáng kinh tởm để nhìn, như mọi người đều nghĩ" Có ông từng thố lộ với tôi là phải ăn cơm trước rồi mới đi viếng chứ viếng rồi về ăn hồng nổi, như vậy thân xác con người chỉ cần tắt thở thì có hơn gì rác rưởi đâu mà quí nó quá vậy!
Tôi sinh ra vốn xấu trai, dù cao nhòng ốm nhách nhưng cung tật ách có sao Thái dương Cự môn nên lưng bị khòm, lại đi nhanh vội vã, đời vất vả, nên vợ thương gọi là con lạc đà của ẻm. Vậy thì một mai nằm xuống thân xác lạc đà xấu xí rác rưởi này đâu có gì đáng mà phải làm phiền vợ con chi nữa…
Do đó, tôi căn dặn vợ con khi tôi nằm xuống, thì kêu nhà đòn tới đem đi liền với gía ngàn mốt tất cả, không được cho viếng, và phải thủ tiêu nó trong vòng ba ngày, nếu không tôi hiện hồn về nhát chết bà! Còn tro cốt đưa thẳng ra biển cho cá ăn, cấm đem vô chùa, làm mất công vợ con cúng thất dâng cơm khóc lóc… Sống thì bố láo, tham sân si có đủ, chết sư nào Phật nào cứu cho nổi mà cầu với khẩn chi cho mất công, nếu muốn, chỉ có mình mới cứu được mình thôi, chứ chờ chết rồi nhờ vợ con sư sãi đọc kinh cứu mình thì vô ích, Diêm Vương vẫn cắt cu cho đi làm chó cái như thường… 
Chết là hết! Trái đất vẫn quay, cuộc đời vẫn tiếp tục trôi như nó đã từng, từ triệu năm trước! 
Vắng tôi, Bolsa…vẫn đông!
Quân Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
15/08/201114:37:11
Khách
Đọc bài viết của ông, thấy hay quá. Laị ngẫm nghĩ tơí mình , cái chết nhẹ tênh :-)
Cám ơn tác giả.
24/08/201122:55:29
Khách
Một câu chuyện thật hóm hỉnh, dễ thương và đầy sự cảm thông của cha mẹ với con cái ! ~ ý kiến thật quá táo bạo, không thèm cả việc đưa mình vào chùa sau khi chết ! etc. Xin chúc tác giả Quân Nguyễn làm gì được đó, muốn chết ngày nào thì cũng như ý ! muốn sống hoài để viết truyện tiếp cho vietbao thì cũng được toại nguyện ! :)
14/08/201116:08:25
Khách
Bài viết hay lắm! Ý và cách hành văn rất hay! Cám ơn tác giả!
14/08/201111:16:05
Khách
Đúng, đúng lắm! Tôi đồng ý với tác giả. Chúc tác giả sống thật lâu để làm con lạc đà dài dài.

Thử
17/08/201117:53:44
Khách
tôi tâm đắc câu này: ''Con cái dù có thương mình, nó vẫn còn có đời của nó, gia đình của nó, mắc gì mình hưởng đời mình rồi lại báo đời nó! Chi bằng mình dứt áo ra đi cho nó đỡ cắn rứt lương tâm, vậy mới là thương con thật sự, còn mấy trự mong sống thiệt già, lay lắt cũng được, mơ con cái sẽ rửa đít cho mình thì mie^~n bàn...''
Cảm ơn bài viết của tác giả đã đưa ra cái nhìn "khác" về tuổi già và cái chết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,076,144
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến