Hôm nay,  

Người Đàn Bà Ấy Là Mẹ Tôi

08/08/201100:00:00(Xem: 255174)
Người Đàn Bà Ấy Là Mẹ Tôi

Tác giả: Mimosa Phương Vinh
Bài số 3323-12-28553vb2080811

Đây là bài viết đặc biệt về quan hệ mẹ con trên đất Mỹ, dành cho Mùa Vu Lan đang trở lại. Tác giả sinh trưởng ở Dalat- Việt Nam, đến Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90. Làm thơ với bút hiệu Phương Vinh, viết văn với bút hiệu Mimosa. Hiện đang làm việc trong Artist room của một công ty khá nổi tiếng trên đất Mỹ. Đã cộng tác với các tạp chí Hương Quê (Houston), Cội Nguồn (California), Hồn Nước( Atlanta), Ức Trai miền Đông Bắc (trường Đại Học CTCT Dalat) và có bài trên Web: canhthep, vietland, vietluan (Úc Châu), anhduon, coinguon.us, taberd75, honnuoc, gia đình Việt Mỹ...

***


Tôi và mẹ có nhiều điểm hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng có một điều không hề khác biệt: đó là tình thương giữa tôi và mẹ. Mẹ rất thương tôi, tôi biết chăc chắn điều đó, còn tình thương tôi đối với mẹ, tôi ít khi nói ra, tôi giữ nó riêng cho trái tim mình và không muốn một người nào biết. Cho nên tôi nói: không bao giờ có sự khác biệt giữ tình thương cuả mẹ và tôi.
Mẹ đến nước Mỹ khi đã quá bốn mươi tuổi với mớ hành trang và quá khứ tràn đầy cay đắng mà thỉnh thoảng người hay nhắc lại cho chúng tôi nghe. Có những câu chuyện mẹ nhắc lại hàng trăm lần, tôi tin chắc là thế nhưng nói ra mẹ sẽ giận và cho tôi là đứa hay thêm bớt. Tranh cải với mẹ là điều không nên vì lẽ rằng: mẹ luôn luôn là người thắng cuộc và hơn nữa mẹ không muốn con cái lý sự với mẹ. Thua mẹ hay nhịn mẹ có gì là xấu xa đâu.
Tôi đến nước Mỹ khi tôi lên bảy tuổi cùng mớ kỷ niệm là những ngày chơi đùa, chạy nhảy trong khu vườn rộng nhà ông ngoại với lũ trẻ hàng xóm. Tôi có nhiều kỷ niệm ở trường học với những bạn bè cùng màu da, cùng ngôn ngữ. Khi theo mẹ đến Mỹ sống giữa căn phòng chật chội trong một khu cư xá buồn bã, tù túng bởi những dãy tường gạch đỏ lạnh lùng, tôi thật sự chẳng thích tý nào cả. Sau đó tôi bị bỏ vào trong trường học nơi có những đứa trẻ xa lạ khác hẳn tôi về nước da, màu tóc. Và tiếng nói nữa trời ạ, chúng nói gì tôi chẳng hiểu và mỗi lần tôi nói chúng lại cười ầm lên. Tôi muốn khóc và đâm ra giận mẹ đã đem tôi đến xứ sở xa lạ này. Nhiều lần tôi đem điều này nói với mẹ, mẹ chỉ cười và nói:
- Không sao đâu, lo là lo cho những người già như mẹ, chứ những đứa trẻ như con chẳng mấy chốc sẽ hiểu và nói tiếng Anh như gió!
Tôi cô đơn và buồn khổ. Ôi, có ai thấu hiểu nổi buồn cuả một thằng bé da vàng, mũi tẹt giữa một đám người không cùng chủng tộc, không có ai hiểu cho tôi cả dù đó là mẹ tôi. Hạnh phúc cuả tôi là những giờ sau buổi học, được về nhà với mẹ và chị ngồi xem phim hoạt họa trẻ em trên Ti Vi, điều này thì ở xứ sở Mỹ khá hơn bên quê nhà. Trong lòng tôi nảy sinh một niềm tức tối và một lời nguyền: “Được rồi, tôi sẽ cố nghe và hiểu cái ngôn ngữ đáng ghét kia cho đến một ngày tôi sẽ nói thẳng vào mặt những đứa dám khinh khi, đùa cợt trên nổi đau khổ cuả tôi, một đứa con trai khác giống bị mang đến đất nước này“.
Bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn cuả một thằng bé cô đơn trên nước Mỹ. Mẹ và cha tôi chia tay nhau khi đến đây chưa đầy hai tháng, bởi lẽ giữa hai người đã có sự rạn nứt từ bên Việt Nam. Cha tôi đi về một Tiểu Bang khác, mẹ đi làm để lo cho tôi vào lớp hai và chị tôi vào Trung Học. Sau buổi học, mẹ gởi tôi ở một nhà quen người Việt Nam và mẹ sẽ đón tôi sau giờ đi làm về. Là một đứa bé, tôi không có ý niệm về thời gian, chờ mẹ quá lâu nên có nhiều lần tôi lén trốn về nhà. Cửa đóng im ỉm, có nghĩa là mẹ chưa về. Tôi nhìn quanh: tuyết ngập trắng xoá khắp nơi, tôi buồn và nhớ mẹ thắt cả ruột gan. Tôi mở cặp, xé một tờ giấy viết nguệch ngoạch hàng chữ Việt Nam:
-Sao mẹ chưa về"
Tôi dùng băng keo dán tờ giấy lên cánh cửa rồi lén trở lại ngôi nhà người quen. Mọi người lo coi phim Tàu nên chẳng ai chú ý đến tôi. Tôi đi về nhà thêm một lần nữa, cánh cửa vẫn đóng kín tờ giấy có chữ viết cuả tôi đã bị gió cuốn đi mất.Tôi xé thêm một trang vở và viết:
- Mẹ ơi, sao mẹ vẫn chưa về"
Tôi dùng thật nhiều băng keo dán tờ giấy vào cánh cửa rồi trở ra đường. Tuyết vẫn trắng xoá khắp nơi, trời lạnh và buồn chi lạ. Tôi bỗng gặp anh Thanh là người hay đến nhà để giúp đở và chuyện trò với chị Khánh Phương tôi, anh ngạc nhiên khi thấy tôi một mình giữa vùng tuyết lạnh, không có một đứa trẻ nào ra ngoài trong bầu không khí giá buốt này:
- Ủa, em đi đâu vậy Minh" Còn mẹ và chị Khánh Phương đâu rồi"
- Mẹ đi làm chưa về, chị Phương đi học.
Anh Thanh nắm tay tôi dắt về nhà anh ấy, mở ti vi cho tôi xem và tôi ngủ quên ở đó cho đến tối mịt.
Khi anh Thanh đem tôi về trả lại cho mẹ thì gia đình tôi đang vô cùng hổn loạn, mẹ khóc bù lu vì tưởng tôi đã bị bắt cóc. Sau này tôi mới biết bác Thu (người mà mẹ nhờ giữ tôi) khám phá tôi đi mất, bác hoảng hốt đi tìm thì nghe có người trong khu cư xá nói thấy tôi lang thang một mình ngoài đường. Mẹ vừa khóc vừa nói:
- Nếu con thương mẹ đừng đi ra ngoài đường một mình nghe Minh!
Tôi ngây thơ hỏi mẹ:
- Mẹ có nhận được thơ con gởi cho mẹ không"
Mẹ tôi chưng hửng:
-Thơ gì"
-Thơ con dán trên cánh cửa đó!
Mẹ vừa cười, vừa khóc và chìa tờ giấy cho tôi:
-Con không cần viết thơ cho mẹ, cứ ở yên trong nhà bác Thu, như vậy là con thương mẹ đó Minh à! Con nhớ chưa"
Tôi gật đầu và sau đó ráng ở nhà bác Thu sau giờ học để chờ mẹ đón về, dù rằng ở đó thật là chán vì bác Thu có hai đứa con gái xuýt xoát tuổi tôi, tụi nó nói chuyện và cãi nhau luôn mồm bằng tiếng Mỹ (tụi nó qua trước tôi và không bao giờ nói tiếng Việt), còn thằng em là David thì luôn luôn lục cặp tôi để phá phách. Tôi không nói cho mẹ nghe những điều này, chịu đựng cho đến khi mẹ dọn nhà đi nơi khác. Ôi thời gian đó thật là lâu!
Học được một năm ở lớp hai, tôi không nhớ là tôi học như thế nào mà sắp sửa vào niên học mới bà Misty kêu điện thoại nói với mẹ rằng: bà muốn tôi học lại lớp hai một năm nữa. Bà Misty là một người đàn bà Mỹ nhân hậu, dễ thương. Chồng bà là Mục Sư Tin Lành có thời gian làm việc ở Việt Nam, ông bà nói tiếng Việt khá lưu loát và đặc biệt là rất yêu người Việt Nam. Bà Misty dạy học trong trường Bruce và luôn luôn giúp đở những trẻ em mới qua tị nạn trên nước Mỹ.
Khi nghe bà Misty đề nghị như vậy, tôi khóc nức nở và tuyên bố:
- Mẹ nói với bà Misty rằng: nếu bà bắt con ở lại lớp hai còn sẽkhông bao giờ đến trường nữa.
Tôi bỏ ăn và khóc sưng cả mắt, chị Khánh Phương phải gặp bà để trình bày về phản ứng dữ dội cuả tôi. Một buổi tối bà đến nhà hứa sẽ cho tôi lên lớp ba và bảo tôi đừng buồn phiền nữa. Giọng bà dịu ngọt, khuôn mặt bà nhân từ. Tôi nói với bà tôi sẽ cố gắng học trong niên khoá tới cho bà vui lòng. Tôi mang hình ảnh dịu dàng, đẹp đẻ cuả bà Misty trong suốt cuộc đời và tôi luôn luôn giữ lời hứa với bà là tôi sẽ cố gắng học.
Tôi có rất nhiều kỷ niệm với mẹ khi đêm đêm mẹ giúp tôi làm bài hay làm toán đố. Thuở còn đi học ở Việt Nam, mẹ học sinh ngữ chính là Pháp văn, cho nên mẹ gặp khó khăn về Anh Ngữ khi giúp tôi làm bài. Mẹ phải vừa tra tự điển trong khi dạy tôi, cho nên hầu như đêm nào mẹ con tôi cũng thức rất khuya để làm homework. Sức học tôi bắt đầu khá khi tôi lên lớp bốn, lớp năm. Có lần mẹ đến trường để họp Phụ Huynh Học Sinh thì Miss Reagan là cô Chủ Nhiệm đã nói với mẹ:
- Có phải bà giúp Minh hằng đêm để làm bài không"
Mẹ tôi nói:
- Tôi có làm điều đó, như vậy là không tốt hay sao"
Miss Reagan xua tay:
- Tôi không có ý nói như vậy, tôi rất hân hạnh khi thấy Phụ Huynh cùng cộng tác với chúng tôi trong việc dạy dỗ học sinh. Xin cảm ơn bà.
Tôi hãnh diện khi nghe cô nói như vậy, mẹ luôn luôn tham dự các buổi họp Phụ Huynh Học Sinh dù tiếng Anh cuả mẹ không giỏi lắm.
Những năm sau đó, tôi du nhập dễ dàng vào đời sống học sinh ở Mỹ và trở thành một trong những học sinh giỏi trong lớp, cho đến một ngày nào đó mẹ tuyên bố là không thể giúp tôi được nữa. Dù sao tôi cũng cảm ơn mẹ đã giúp đỡ tôi trong những bước đầu khó khăn. Tôi lên Trung Học, mẹ vẫn không bao giờ từ chối những buổi họp ở trường dù mẹ rất bận rộn trong công việc ở sở và bếp núc cho chúng tôi. Rồi chị tôi tốt nghiệp Đại Học tìm được việc làm giúp mẹ và tôi ra Trung Học với bài diễn văn chào mừng quan khách (salutatory).
Học hành đôi lúc rất khó khăn, khổ sở làm cho tôi chán nản, nhưng nhớ đến khuôn mặt hớn hở cuả mẹ mỗi khi nhìn bảng Report card hằng tháng tôi mang về là tôi cảm thấy mình cần phải cố gắng thêm nữa.Tôi chỉ muốn làm cho mẹ vui thôi. Như nhiều người đàn bà trên đời mẹ ưa nói chuyện và nói nhiều nữa, trái lại tôi là một đứa con trai ít nói. Tôi sống câm nín với mặc cảm không có một người cha hay nói đúng hơn tôi có một người cha vô trách nhiệm. Ông bỏ ra đi không một lần về thăm viếng vậy mà tôi vẫn phải mang cái họ cuả ông (thật là vô lý). Tôi muốn đổi họ nhưng mẹ không cho, mẹ nói như thế là có tội với tổ tiên. Có nhiều lần tôi nói về cha tôi bằng những ngôn từ không được tốt đẹp lắm thì mẹ dọa rằng tôi sẽ rơi vào điạ ngục vì tội bất hiếu. Tôi hỏi mẹ:
- Còn những người cha bỏ con, sống vô trách nhiệm thì sẽ đi về đâu. Thiên đàng hay địa ngục hả mẹ"
Mẹ nói:
- Mẹ không biết rỏ điều đó, tuy nhiên mẹ tin rằng ở đời có luật nhân quả con ạ!
- Nghiã là sao hả mẹ"
- Nghĩa là ai làm việc ác sẽ gặp điều ác, còn ai làm điều lành sẽ gặp sự lành. Con tin mẹ đi, không ai thoát khỏi định luật đó đâu.
Tôi phản đối quyết liệt:
- Con không tin điều đó, bao nhiêu người gian ác vẫn sống một cách hạnh phúc và bao nhiêu người hiền lành vẫn sống một cách thiệt thòí khổ sở. Như mẹ vậy đó, mẹ có làm điều gì ác đức đâu mà vẫn phải sống thua kém, nghèo hèn hơn mọi người. Đời mẹ có gì là sung sướng và hạnh phúc đâu. Con xin lỗi đã đem mẹ ra làm ví dụ trong cuộc trò chuyện cuả mẹ con ta hôm nay, tuy nhiên đây là điều thực tế nhất.
Mẹ cười một cách khoan dung:
- Không sao, con có quyền đem bất cứ ví dụ nào để bênh vực cho lý lẽ cuả con. Mẹ chỉ muốn hỏi con rằng: sao con biết những người gian ác đang hạnh phúc, sung sướng. Hay con chỉ nhìn thấy những gì họ đang có mà đi đến kết luận đó! Còn mẹ, sao con nghĩ là mẹ không hạnh phúc. Mặc dầu mẹ rất nghèo nàn, phải làm việc vất vả để lo cho các con nhưng mẹ cảm thấy rất hạnh phúc khi được sống gần các con. Mẹ chọn con cái làm hạnh phúc cuả mình, mẹ không cần chú ý đến sự thương hại hay ý nghĩ cuả mọi người đối với đời sống mẹ. Mẹ có lý tưởng cuả mẹ. Con nghĩ mẹ có một đời sống quá nhàm chán, quá eo hẹp phải không Minh và con cảm thấy sorry cho mẹ chăng"
Mẹ cười chờ câu trả lời cuả tôi, trong khi tôi đang lúng túng không biết nói như thế nào để đừng làm mẹ buồn thì mẹ hỏi tôi:
- Con có thương mẹ không"
Tôi nói nhanh:
- Điều đó chắc mẹ đã hiểu. Con biết mẹ đặt nhiều hy vọng vào con. Mẹ biết không, đôi lúc học hành chán lắm, con chi muốn bỏ tất cả rồi đến đâu thì đến…Nhưng khi nghĩ đến mẹ con tự nhủ là minh phải cố gắng thêm nữa!
- Mẹ hy vọng nhiều vào con, điều đó rất đúng. Nhưng tất cả chỉ vì tương lai cuả con thôi, có thể bây giờ con chưa hiểu bởi vì con rất là trẻ. Tuổi trẻ yêu tự do và sống bất cần mọi thứ, nhưng tuổi trẻ cũng có nhiều sự lầm lỡ mà mình phải trả cho hết cả cuộc đời con ạ!
Và mẹ nói tiếp:
- Khi con nói con nghĩ đến mẹ, thế là đủ rồi! Con lại lo học hành vì sợ mẹ buồn, mẹ cảm thấy rất là hạnh phúc, tại sao con lại cảm thấy sorry cho mẹ"
Tôi không nói gì cả, cứ cho là mẹ có lý đi. Mẹ luôn luôn có lý mà.

Tôi đã nói: Mẹ và tôi có nhiều điểm bất đồng ý kiến. Mẹ luôn luôn là người thắng cuộc nhưng đôi lúc tôi biết mẹ cũng lúng túng vì những lý luận cuả tôi. Mẹ hay chê những đứa con bỏ nhà cửa đi lang thang đầu đường xó chợ, bữa đói bữa no vì một lý do nào đó, dù cha mẹ họ rất giàu có. Tôi nói với mẹ về một bực vĩ nhân mà mẹ rất tôn sùng, bái phục đó là Phật Thích Ca:
- Con nói điều này mong mẹ đừng buồn nghe, nếu Phật Thích Ca sanh vào thời cuả mẹ chắc chắn rằng mẹ sẽ không bao giờ tán thành việc ông ta đi tu.
Trong khi mẹ đang ngạc nhiên, sửng sốt thì tôi phát biểu:
- Đó là một vị Thái Tử sang cả, quí tộc mà bỏ nhà ra đi vào nơi gió bụi vì một lý tưởng mà chưa ai tưởng tượng ra được. Nếu Phật Thích Ca có một người mẹ như mẹ thì chưa chắc gì ông ta được yên thân mà tu hành. Mẹ sẽ là người đầu tiên phản đối việc ra đi tìm đạo cuả ông ta. Như mẹ thấy đó bao nhiêu nhạc sĩ nổi tiếng cũng đã từng sống trong những gầm cầu thôi. Người ta chê cười những người có cuộc sống không bình thường là khùng điên, khờ dại và người ta chỉ ca tụng những người dám đem cuộc đời mình ra làm thí nghiệm khi họ thành công mà thôi.

Tôi nói tiếp:
- Con rất là yêu hội họa, yêu đàn hát, mẹ nghĩ sao nếu có một ngày con sẽ xách gói ra đi. Nếu con thành công người ta sẽ ca tụng con. Nếu con thất bại con sẽ là một thằng khùng điên… Nói đùa với mẹ thôi, chứ chắc chắn con sẽ không làm điều đó vì con không muốn làm một đứa con bất hiếu để cho mẹ buồn phiền. Có đôi lúc vì tình thương người ta phải chối bỏ những điều mình ưa thích nhất.
Mẹ không nói gì cả, tôi thấy mẹ hơi suy tư đôi chút. Thỉnh thoảng mẹ góp nhặt vài ba bức tranh cuả tôi rồi treo trên tường, ngắm lui, ngắm tới. Đôi lúc tôi ngạc nhiên vì sự phê bình khá chính xác về màu sắc hay bố cục cuả những bức tranh. Chị Khánh Phương hay phàn nàn những loại nhạc mà tôi sưu tầm hay đàn hát, chị nói:
- Mầy tra tấn lỗ tai tao Minh ạ! Mẹ làm ơn nói Minh ngưng giùm cái loại nhạc ồn ào, khủng khiếp đó giùm con đi mẹ!
Mẹ cười:
- Vào phòng đóng cửa lại mà đàn hát, mẹ cũng sắp khùng rồi đây!
Và mẹ nói với chị Khánh Phương:
- Thay vì đi đập lộn thì nó đập vào đàn, thay vì đi cãi nhau thì nó hét vào nhạc như thế vẫn đỡ hơn con ạ!
Chị Khánh Phương la oai oái:
- Nói như mẹ thì còn gì để nói, ôi cái âm nhạc gì mà khủng khiếp quá!
- Đó cũng là một phản ứng cuả tuổi trẻ, của con người mà thôi. Ai trong chúng ta cũng có những phút giây muốn la hét thật lớn hay đập phá một cái gì đó. Hãy để yên nó với cái loại âm nhạc đập phá cuả nó. Đó cũng là một cách để giải toả những căng thẳng, khủng hoảng cuả tâm hồn.
Đó là mẹ tôi, một người đàn bà không thể gọi là tuyệt đẹp dưới cái nhìn cuả tôi. Người hay kể cho chúng tôi nghe rằng: có rất nhiều người con trai và đàn ông theo đuổi khi bà con trẻ. Thật là lạ, khi trong thâm tâm nghĩ về một người yêu hay một người vợ sau này, tôi vẫn mong muốn người ấy có những điều, những nét mà mẹ tôi có. Điều đó thật mông lung, mơ hồ mà thật sự nó đã trở thành nổi khát vọng trong tôi. Một nụ cười bao dung, một ánh mắt giận hờn hay những băn khoăn lo lắng thái quá vì tôi, vì đời sống tôi.
Một người sinh viên rất nghèo trong một buổi trưa, sau giờ học cảm thấy rất đói bụng vì quá vội vã đã bỏ quên bữa ăn sáng. Người sinh viên ấy biết chắc chắn rằng mình không còn một đồng dính túi, thế nhưng hắn vẫn mở chiếc wallet theo một phản ứng tự nhiên với hy vọng còn tìm thấy vài đồng để mua một bữa ăn trưa đơn sơ. Và như một phép mầu thần tiên, người sinh viên nghèo đã thấy tờ giấy hai mươi đồng nằm gọn gàng trong Wallet Sau vài giây kinh ngạc, sửng sờ trong hạnh phúc hắn đã hiểu ai đã làm điều đó. Một người đã biết hắn rõ ràng như một tấm gương trong suốt. Một người biết hắn thức quá khuya nên dậy quá trễ, hắn đã bỏ bữa điểm tâm ở nhà để đi học với không một xu trong túi. Người đó là mẹ hắn. Người đó là mẹ cuả tôi.
Ngày tôi tốt nghiệp Đại Học, trong những tiếng reo hò tở mở, ồn ào cuả đám đông khi tên tôi được xướng lên, tôi vẫn nghe được tiếng cuả mẹ kêu tôi trong cái đám đông cuồng nhiệt say sưa vì hạnh phúc đó. Mẹ đã không cần dấu sự vui mừng vô hạn cuả mình, bà đã có những phản ứng như một người trẻ tuổi trong men chiến thắng. Sau đó tôi gặp vị giáo sư toán nổi tiếng trong trường Đại Học, ông cười và nói với tôi:
- Tôi biết mẹ anh, bà rất hạnh phúc lúc anh lên nhận bằng tốt nghiệp. Bà ngồi gần hàng ghế cuả chúng tôi. Xin chúc mừng anh và người mẹ cuả anh.
Chắc chắn đó là mẹ cuả tôi. Tôi còn muốn học thêm nữa, nhưng sau khi học xong chương trình Master tôi quyết định đi dạy học để giúp mẹ vì mẹ đã bắt đầu già yếu nhiều rồi. Mỗi buổi sáng, mẹ vẫn dậy để lo cho tôi, để thắt cà vạt cho tôi và để nhắc nhở tôi mọi thứ. Tôi đến lớp bằng cái nhiệt tình cuả tuổi trẻ muốn đem những điều mình hiểu biết truyền lại cho đám học trò mình. Rất tiếc nhiều lúc tôi cảm thấy rất cô đơn vì học trò tôi không cần điều đó dù rằng họ có nhiều điều kiện tốt đẹp, thuận tiện hơn tôi ngày xưa. Tôi, cái thằng bé mũi tẹt, da vàng bé loắt choắt ở trong khu cư xá ổ chuột, mỗi ngày chờ xe bus đến trường trong cái giá lạnh chết người cuả mùa đông tuyết phủ. Những ngày mưa gió mẹ che dù đứng chờ xe với tôi dưới mưa. Những buổi tối hai mẹ con làm bài với cuốn tự điển nặng trĩu. Người ta đã không hiểu tôi muốn nói gì và ngược lại, và cho đến hôm nay tôi đứng trên bục giảng cho học trò tôi bằng cái ngôn ngữ đã làm cho tôi điên đầu, phát khóc trong những ngày xưa đó.
Ngày nay thỉnh thoảng tôi có gặp phụ huynh học sinh, họ là người bản xứ ăn nói lưu loát. Có người cũng chú ý đến sự học hành cuả con cái ở trường, nhưng cũng có những bậc phụ huynh chẳng cần biết đến con cái họ học hành ra sao cả. Cũng có những bậc cha mẹ luôn luôn đòi hỏi con họ phải đạt được những điểm số thật cao trong khi họ biết chắc chắn rằng: con cái họ chẳng có một cố gắng nào trong lớp học. Tôi liên tưởng đến hình ảnh một người đàn bà Việt Nam nhỏ bé, nói tiếng Anh
bằng những âm sắc nặng nề, người đàn bà đó đã không bao giờ từ chối những lời mời cuả nhà trường để tham dự những buổi họp mặt với thầy cô. Người đàn bà di dân đã có nhiệt tình đem những kiến thức ít ỏi cuả mình để truyền đạt cho con cái. Người đàn bà đó bằng một số vốn liếng Anh Ngữ nghèo nàn cũng biết bắt tay và nói lời “cảm ơn” với thầy cô cuả con trai mình. Người đàn bà đó là mẹ tôi. Ngôn ngữ, kiến thức là một điều vô cùng cần thiết nhưng có đôi lúc bằng chính con tim và tấm lòng người ta vẫn có thể đến với nhau một cách dễ dàng nhất, có phải thế không"
Một lần tôi trở về dự một buổi họp cuả những người thầy giáo mới vào nghề, tôi gặp Coffy người thanh niên đến nước Mỹ từ Ethiopia Anh ta dạy tiếng Pháp và Spanish. Đó là một người da đen thật lớn con với hai con mắt to, hiền lành và cái đầu nhẳn bóng, anh ta lớn hơn tôi vài tuổi. Gặp lại tôi Coffy không dấu được sự vui mừng, anh hỏi tôi về những hoạt động, công việc, học trò ở trường tôi đang dạy và hỏi về mẹ tôi:
- Mẹ bạn có khoẻ không, nhớ cho tôi gởi lời thăm và cảm ơn một lần nữa về những gì bà đã giúp tôi. Tôi sẽ đến thăm mẹ bạn trong ngày lễ Thanksgiving.
Tôi quen Coffy trước đó vài tháng. Coffy đến thành phố này để tham dự một chương trình huấn nghiệp, từ một Tiểu Bang miền Bắc nơi anh ta đã sống hơn 10 năm. Ban đầu Coffy sống chung vói một người bạn trong khu cư xá cuả trường Đại Học, nhưng khi người bạn trở về Phi Châu thì anh không có chỗ ở nên phải mướn tạm khách sạn chờ ngày nhận nhiệm sở mới. Trong những ngày thụ huấn tôi quen Coffy và hiểu những khó khăn về tiền bạc cuả anh ta, Coffy cần chỗ tá túc khoảng ba tuần trước khi mướn một căn nhà khác vì tiền trả cho khách sạn quá đắt. Tôi đề nghị anh ta về nhà tôi ở tạm vài tuần, anh rất vui mừng nhưng e ngại gia đình tôi không bằng lòng. Tôi nói chuyện với mẹ và bà nhận lời. Khi chị Khánh Phương có vẻ phản đối thì mẹ nói:
- Dù khác màu da, ngôn ngữ nhưng cậu ta là người chịu khó học. Hơn nữa người ta chỉ cần ở vài tuần thôi, nhà mình còn phòng trống tại sao không giúp cậu ta lúc này. Mẹ giúp đở người ta để sau này các con trong những lúc lỡ bước, sa chân cũng có người giúp lại. Nào ai biết được tương lai cuả mình. Mẹ còn nhớ hồi …
Tôi tiếp lời:
- Hồi mẹ đi buôn đường Sàigòn, một lần xe bị hư giữa quãng
đường Phú Cường, Phú Quốc…
Chị Khánh Phương cười ré lên:
- Nói sai rồi, làm gì có Phú Quốc ở giữa đường đi Sàigon!
Tôi vừa cười, vừa sửa lại:
- Giữa quãng đường Phú Cường, Phú Túc, có một gia đình kia cho mẹ và nhiều hành khách ngủ nhờ trong nhà mà chẳng lấy đồng tiền nào. Bà chủ nhà rất là nhân từ và là người Bắc di dân
Chị Khánh Phương lại cười to:
- Di cư chứ không phải di dân. Đố Minh nhà bà ta có bàn thờ ai"
- Bàn thờ Chúa và Đức Mẹ. Khi nhìn lên bàn thờ Chúa tuy là một người đạo Phật mà mẹ thấy lòng ấm áp vô cùng vì mẹ đang được ở trong một ngôi nhà cuả một người tử tế, giữa quãng đường vắng vẽ, quạnh hiu khi chuyến xe bị trắc trỡ một cách bất ngờ.
Chị Phương khen tôi:
- Trí nhớ tốt! Mà không nhớ sao được khi mẹ đã kể đi, kể lại mấy trăm lần rồi Minh nhỉ!
Mẹ làm mặt giận:
- Những câu chuyện đó không kể đi kể lại thì kể chuyện gì đây,
không lẽ mẹ kể chuyện mấy tên lơ xe đánh nhau sứt đầu lỗ trán hay sao"
Chị Khánh Phương không phản đối về việc tôi mang Coffy về nhà nữa, có lẽ chị sợ một ngày nào đó tôi lang thang lỡ đường không ai đỡ đần, chứa chấp. Mẹ luôn luôn nhắc nhở chị ấy: phải thương tôi nếu quả thật chị thương mẹ. Chị Khánh Phương hay phàn nàn:
- Thương mẹ thì dễ mà sao thương Minh thì khó quá quá!
Tôi đồng ý với chị:
- Thương mẹ thì dễ mà sao thương chị Khánh Phương thì khó quá!
Đó là mẹ tôi, người đàn bà Việt Nam bé nhỏ đứng ở cổng trường đón tôi trong những ngày đầu tiên tôi đến xứ Mỹ, bà phải cõng tôi về vì tôi không chịu đi bộ, không chịu đi xe bus mà nhà lại không có xe. Người đàn bà đó đã vào tận lớp học để đưa cho tôi bài luận văn, mà tôi đã bỏ quên ở nhà sau một đêm thức trắng để hoàn thành. Người đàn bà đã kiên nhẫn ngồi nghe tôi kể chuyện trên trời dưới đất, với những từ ngữ Việt Mỹ loạn xà ngầu. Bởi lẽ rằng mẹ và tôi luôn có nhiều điều khác nhau lắm. Tôi bây giờ không nói và hiểu được tiếng Việt như mẹ. Mẹ không nói và hiểu được tiếng Anh như tôi. Điều khác biệt đó đôi lúc cũng gây ra nhiều phiền phức, nhưng thật ra cũng chẳng có gì là quá đáng khi mỗi chúng ta được đặt nằm trong trái tim và tình thương cuả những người mẹ.Trái tim người mẹ vượt lên trên sự giàu nghèo, sang hèn, ngôn ngữ cùng những phân biệt, ngăn cách cuả thế gian này và có khi còn vượt ra khỏi ranh giới cuả thiện ác nữa. Có thể đó là một điều thật khó hiểu …Trên đời này còn ai có thể yêu thương một tên tội phạm giết người, cướp của nữa …Ngoài chính mẹ cuả hắn.
Gia đình tôi vừa nhận được vài lá thư của những ngôi chùa trong thành phố gởi về nhà mời đi tham dự ngày lễ Vu Lan. Mẹ giải thích cho tôi đó là ngày lễ Báo Hiếu của vị chân tu đi xuống Địa Ngục để cứu mẹ mình vì ngày con sống bà ta làm nhiều điều gian ác. Một câu chuyện thật cảm động. Tôi chợt nghĩ đến mẹ tôi: bà không làm điều gì gian ác vậy tại sao tôi không có gì để tặng mẹ trong ngày lễ Báo Hiếu này. Và đây là món quà tôi gởi cho mẹ, một món quà rất đơn sơ, nhỏ bé nhưng là tất cả tấm lòng của một người con trai gởi đến cho mẹ mình nhân ngày lễ Vu Lan. Tôi xin lỗi mẹ vì tôi phải viết bằng tiếng Anh nhưng tôi tin rằng mẹ sẽ vui lòng mà nhận lấy bài viết này.

Mimosa Phương Vinh
Viết từ bài của một người con.

Ý kiến bạn đọc
28/08/201114:49:17
Khách
Mimosa Phương Vinh xin cảm tạ lòng ưu ái của Quý Độc Giả Việt Báo đã dành cho bài viết. Tuy nhiên gần đây có nhiều website đã tự động cắt xén bài viết, sửa sang bài văn rồi đăng trên Web của họ mà không hề thông qua Tác Giả Điều này đã làm phiền lòng Tác Giả và nhân vật Minh, một người tị nạn đã cô gắng vượt qua những trở ngại để đi đến thành công trên nước Mỹ và nay đã là một người Mỹ gốc Việt.
Xin chân thành cảm ơn Quý vị và Việt Báo.
Thân kính
Mimosa Phương Vinh
28/08/201114:40:10
Khách
Tác giả xin chân thành cảm ơn Quý Độc Giả của Việt Báo đã dành nhiều ưu ái cho bài viết. Tuy nhiên gần đây có nhiều Web đã tự động cắt xén, sửa sang bài viết rồi đăng vào Web của họ mà không hề thông qua Tác Giả. Sự kiện này đã làm phiền lòng Tác Giả và nhân Vật Minh trong truyện, một người Việt tị nạn đã cố gắng vượt mọi khó khăn để đi đến thành công trên nước Mỹ và nay là một người Mỹ gốc Việt.
Xin cảm tạ Quý độc Giả và Việt Báo .
Mimosa Phương Vinh
10/08/201115:25:01
Khách
Vô cùng hạnh phúc khi đọc câu chuyện này, cám ơn Mimosa. Ước mong mọi người ai ai cũng có 1 bà mẹ tuyệt vời như vậy và cũng mong rằng tất cả những người con trước khi làm điều gì cũng nghỉ đến cha mẹ mình. Nếu biết điều đó làm cha mẹ mình không vui, sẽ không làm, còn nếu biết đó là điều mẹ cha mình mong muốn thì dù phải khó nhọc đến đâu cũng sẽ quyết tâm làm.
08/08/201122:03:10
Khách
MỘt câu chuyện thật tuyệt vời cho mùa Vu Lan, xin cảm ơn Mimosa Phương Vinh ! Làm mắt mình cay xè và nghĩ về ~ gì mẹ mình đã hy sinh cho mình, nhất là từ khi bước chân tới xứ tự do này. Mong bạn tiếp tục viết trên vietbao.com !
08/08/201118:10:39
Khách
Toi doc bai viet nay, long mung vui vi co mot nguoi con that co hieu voi Me. minh o xa hoi trong kim tien nay.
Cam on tac gia Mimosa da chuyen ngu rat thanh cong qua tieng Viet. Du biet la mot bai viet bang Anh ngu, ma nguoi doc van hieu duoc tam tu noi long cua nguoi con trai rat co hieu voi Me.
08/08/201113:30:31
Khách
Bài hay và cảm động lắm! Xin cám ơn tác giả. Chúc cho gia đình tác giả và những người khác cùng hoàn cảnh luôn được bình an và hạnh phúc!
10/08/201101:27:32
Khách
Một câu chuyện thật cảm động nhưng không cần phải mua bằng nước mắt. Với một bút pháp dung dị nhưng đặc sắc đã để lại trong lòng một độc giả, như tôi, một nỗi ngậm ngùi. Đó là dư âm rất thực của những ngày đầu lưu lạc nơi quê người nay đã là quê mình. Những mảnh đời lưu lạc có những nét bàng bạc giống nhau ở cái thưở ban đầu gian nan.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,656,500
Chắc hẳn chúng ta khi nghe ai nói: "Có muốn đi chơi không? " là lòng chúng ta rộn ràng vui thích vì sắp được thoát cái nhà tù túng và bay nhảy tự do với khung cảnh bên ngoài.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Là con một gia đình H.O., đến Mỹ năm 1995, khi đã 27 tuổi, Nguyễn Khánh Vũ hiện là kỹ sư điện toán cho một công ty tại Arizona và đã góp nhiều bài viết xúc động.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả sinh năm 1945 tại Quảng Bình, di cư năm 1954; Trước 1975: Sĩ quan Quân Nhu, xuất thân từ trường Sĩ Quan Thủ Đức, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Nhạc sĩ Cung Tiến