Hôm nay,  

Viết Về Nước Mỹ Tròn Một Giáp

01/08/201100:00:00(Xem: 41228)
Viết Về Nước Mỹ Tròn Một Giáp

Nguyễn Xuân Nghĩa

Lịch Sử Ngàn Người Viết... Và Triệu Người Xem - Và Sống Đẹp Hơn....

Giải thưởng Viết Báo Viết Về Nước Mỹ được quyết định từ ngày 30 tháng Tư năm 2000. Ban tuyển chọn chung kết hàng năm gồm nhiều nhà văn, nhà báo thân hữu. Vị trưởng ban tuyển chọn ba năm đầu -2000-2002- là nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, tiếp theo, từ 2003 tới nay, là nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa. Tác giả bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên là cụ Nguyễn Gia Mai, rồi vị giám khảo ba năm đầu là nhà văn Thảo Trường, đã ra người thiên cổ. Nhiều người trong số hơn một thế hệ tác giả độc giả đã ra đi. Và hơn một thế hệ đang tới. Họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2011, nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa nói đùa rằng công việc làm trưởng ban tuyển chọn chung kết của ông đã dài hơn hai nhiệm kỳ Tổng Thống Hoa Kỳ. Và đứng cùng bục gỗ với ông và các tác giả nhận giải, vẫn là vị tiền nhiệm năm xưa, nhà báo lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, 90 tuổi, về từ San Jose.
Sau đây là bài viết của ông, khi Viết Về Về Mỹ sang năm thứ 12, vừa tròn một giáp.

***

Trong lịch sử cận đại của đất nước, hiếm khi nào mà một sáng kiến tự do của tư nhân -người dân bình thường - lại có thể tồn tại quá mười năm.
Hoàn cảnh chính trị của Việt Nam trong cả thế kỷ XX có thể là một lý do: hai thể chế chính trị của miền Nam tự do, nền Cộng hoà Đệ nhất và Đệ nhị, cũng không vượt qua giới hạn này. Huống hồ là một giải thưởng viết văn do một tờ báo nghèo của tư nhân đề xướng nơi đất khách quê người.
"Viết Về Nước Mỹ" là một trường hợp hiếm hoi ấy.
*
Lịch Sử Ngàn Người Viết
Và Triệu Người Xem - Và Sống Đẹp Hơn....

Bài viết của Nguyễn Xuân Nghĩa
Trưởng Ban Tuyển Chọn Chung Kết
Họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ 11

Do Việt Báo khởi xướng tại California vào buổi bình minh của thế kỷ 21, năm 2000, để kỷ niệm 25 năm hình thành của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, Giải "Viết Về Nước Mỹ" đã vượt khỏi ước mơ ban đầu của những người chủ trương là Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Kiều Chinh, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Phan Tấn Hải, Phạm Quyến, Hoà Bình.
Người viết này đã tham dự lễ trao giải đầu tiên, được tổ chức tại Thư viện Richard Nixon trong thị trấn Yorba Linda của miền Nam California vào ngày 29 Tháng 11 năm 2000, nên vẫn còn nhớ buổi ban đầu....
Cũng ngày này, 29 Tháng 11 1975 là ngày chúng tôi, cùng Mai Thảo và Hoài Bắc Phạm Đình Chương, được gặp nhà thơ Vũ Hoàng Chương lần cuối cùng trên "Gác Bút" của ông trong một khu xóm nghèo tại Khánh Hội. Mấy tháng sau thì ông bị bắt giam Chí Hoà, thả về nhà được mấy ngày thì tạ thế, vào Tháng Chín năm 1976.
Sau lần gặp gỡ mà chia tay đó là thảm kịch dài cho người cầm bút: bút không bị gác mà bị bẻ, người cầm bút vào tù, kể cả vợ chồng Nhã Ca - Trần Dạ Từ và rất nhiều tác giả khác. Khi Mai Thảo bị lùng bắt, ông đã trốn tránh ở nhiều nơi. Nơi trốn tránh sau cùng của ông trước ngày vượt biển, là tại trên căn phố lầu số 142 đường Tự Do, như Mai Thảo từng viết, "hai tháng nằm ẩn dưới mái nhà Từ Nhã." Thực tế, không chỉ nằm ẩn dưới mà cả trên mái nhà, vì ngôi nhà đang trong vòng "quản chế" thường xuyên bị "kiểm tra đột xuất". Ngày ấy, Trần Dạ Từ và các bạn đã bị đi đầy trên rừng núi, còn Nhã Ca thì vừa được thả ra, một nách sáu bẩy con nhỏ. Và vẫn thừa gan để chứa chấp một tên "tội phạm" dù chính mình thừa biết mùi ngục tù.
Trong bóng tối của một thảm kịch dài chìm vào một tai họa còn lớn lao hơn cho cả nước, những ngày ấy khó quên. Giữa chốn bằng hữu với nhau, chúng tôi ghi nhớ ngày 29 Tháng 11, một kỷ niệm buồn.... Sau đó, Hoài Bắc cũng ra đi, Mai Thảo đã tạ thế.
Vì vậy, năm 2000, khi tham dự lễ trao giải "Viết Về Nước Mỹ" lần đầu vào ngày 29 Tháng 11, chúng tôi nghĩ ngay đến động từ "Viết".
Mừng cho hai bạn Từ Nhã mà cũng nhớ đến những nghệ sĩ đã quá cố như Vũ Hoàng Chương, Mai Thảo hay Hoài Bắc. Giấc mơ khi ấy của cá nhân chúng tôi là hai người bạn đã tiến vào thế kỷ 21 với việc mở rộng khả năng viết lách cho nhiều người cùng tham gia. Đó chỉ là một giấc mơ suy ra từ quá khứ mà thôi.
Nhưng rồi hạt mầm ban đầu đã ươm hoa kết trái.
Về thời gian, Giải "Viết Về Nước Mỹ" đang tiến vào năm thứ 12, tròn một giáp! Về không gian, các tác giả tham dự không chỉ là cộng đồng người Việt tại California hay Hoa Kỳ mà đến từ năm châu bốn biển, kể cả ở trong nước. Về đề tài, các tác giả không chỉ viết về những vinh nhục đắng cay ngọt bùi khi rời bỏ quê hương và làm lại cuộc đời trên đất Mỹ. Người ta viết về đủ mọi chuyện từ mọi giác độ và, nói theo kiểu Vũ Khắc Khoan trong vở kịch "Thành Cát Tư Hãn" của ông: "Viết Về Nước Mỹ chỉ là cái cớ!"
Cái thật là viết về tâm tư người Việt.
Và viết về những kinh nghiệm thật!
Nhà thơ Nguyên Sa đã có lời nói mang tính chất tiên tri, rằng thời đại chúng ta sẽ phải có thứ lịch sử cả ngàn người cùng viết. Ông cũng đã ra đi, không được thấy là "Viết Về Nước Mỹ" đã có Ngàn Người Viết. Và cả triệu người đọc!
Thực tế thì một năm chúng ta chỉ có quãng 365 ngày. Suốt 12 năm qua, mỗi ngày tờ Việt Báo chỉ đăng được một bài, tức là đã phải gác qua nhiều bài khác. Rồi hàng năm, chỉ một phần sáu - trên 60 trong số 365 bài đã đăng tải- được gom thành sách, mỗi cuốn 640 trang. Nếu đủ phương tiện để biên tập, in ấn toàn bộ số bài hiện lưu đầy đủ trong Việt Báo Online, số sách đã là 72 cuốn, 46,080 trang sách, thay vì chỉ mới 12 cuốn, chưa kể cả ngàn trang sách Anh ngữ đã ấn hành. Điểm lại thì số tác giả tham dự đã là nhiều ngàn người, số bài tham dự là mấy vạn, và qua sách in lẫn trang mạng Việt Báo Online, đã có cả triệu người đọc.... Một công trình đồ xộ!
Khi nói đến chữ "công trình", có lẽ ta chỉ mường tượng ra phần lượng.
Về chuyện lượng, nên nói đến hiện tượng đáng chú ý là trong nước đã có nhiều nơi xuất bản rồi tái bản nhiều lần, với xuất xứ ghi rõ là từ Giải thưởng "Viết Về Nước Mỹ" của Việt Báo tại Hoa Kỳ. Ghi được như vậy là đã đáng quý rồi! Chúng ta không có hoàn cảnh... "kiểm kê" - xin dùng lại cái chữ hắc ám này sau 1975 khi các văn hoá phẩm và tài sản người dân bị kiểm kê và tịch thu - dù thật ra việc kiểm kê số lượng cũng chẳng hề cần thiết.
Người viết nhắc đến đến phần lượng, chỉ là để dẫn đến ý nghĩa phần "phẩm".
Giải thưởng không lập ra để tuyển chọn nhà văn hoặc tuyên dương các tác phẩm văn chương có giá trị. "Viết Về Nước Mỹ" chỉ là diễn đàn cho mọi người tham dự và viết về chuyện có thật trong hoàn cảnh khác thường của xã hội và con người khi đến nước Mỹ, hoặc nghe nói về nước Mỹ. "Lịch sử ngàn người viết" là trong ý nghĩa đó.
Nhưng nhờ vậy mà chúng ta được đọc nhiều tác phẩm có giá trị văn chương rất cao, và nhất là được hiểu sâu xa hơn về cảnh ngộ và tâm tư của người Việt mình, từ cả ngàn giác độ khác nhau. Một kết quả xã hội học bất ngờ cho sau này nếu có người muốn tìm hiểu xem là vào đầu thế kỷ 21 sau nửa thế ký 20 đầy bi thương, người Việt đã sống và suy nghĩ ra sao. Kể cả những người Việt thuộc thế hệ di dân thứ nhất, thứ nhì tại Mỹ và những người chưa hề đặt chân đến Hoa Kỳ.
Nhờ Giải thưởng "Viết Về Nước Mỹ", chúng ta đang có một công trình về xã hội học. Hơn thế nữa, phiên họp của Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 27 tháng Bẩy 2010 đã tuyên đọc văn bản vinh danh 10 năm Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, nguyên văn "The Writings have become more than just a compilation of shared, collective philosophical values, thay are a means to prserve historical values."

***

Người viết bài này được Việt Báo mời tham dự vào Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng "Viết Về Nước Mỹ" để đọc các bài xuất hiện từ năm 2002 và được trao giải vào năm 2003. Thấm thoát vậy mà đã gần chục năm!

Chính là các bài viết quá đa diện và cảm động khiến người viết nhận lời làm "Trưởng ban" sau nhà báo lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Rồi từ đó vẫn coi đây là một nhiệm vụ hàng năm vì lòng tri ân của mình với các tác giả ở bốn phương trời. Xin sẽ giải thích về điều ấy sau.
Trong ban tuyển chọn, người viết là kẻ "ngoại đạo". Không là nhà văn chuyên nghiệp như Thảo Trường hay Nhã Ca. Mà cũng chẳng là nhà báo lâu năm như Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh hay Nguyễn Khắc Nhân và không thuộc vào ban điều hành giải thưởng của tờ Việt Báo, như Trần Dạ Từ, Hòa Bình, Phan Tấn Hải hay Phạm Quyến, người phát hành và tiếp cận với thực tế của giải thưởng trong thành phần độc giả mua báo và mua sách.
Có lẽ cũng nhờ vậy mà được làm Trưởng ban còn lâu hơn hai nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ!
Xin có vài lời về cách tiến hành công việc này.
Tiêu chuẩn đặt ra cho việc "chấm giải" gồm có ba loại. Thứ nhất là đề tài và nội dung; thứ nhì là sức viết và cách viết; thứ ba là giá trị ý nghĩa và thông điệp của bài viết.
Đề tài và nội dung phải thích hợp với chủ đề khá mông lung là "viết về nước Mỹ", mà thật ra cũng là một gợi ý cho các tác giả về đề tài hấp dẫn, có nội dung phong phú nhưng phản ảnh đời sống thật, kinh nghiệm thật. Trong cả ngàn "cái riêng" ấy, ta sẽ thấy toát ra một "cái chung" của người Việt ở mọi nơi. Và truyện "hư cấu" của trí tưởng tượng cũng được đãi lọc qua tiêu chuẩn này vì "Viết Về Nước Mỹ" không tìm văn tài để trao giải văn chương.
Nhưng ít ra cũng phải chọn những bài viết ra Việt ngữ, đó là về "cách viết".
Để khuyến khích mọi người đã viết còn viết thêm, tức là chú ý đến đời sống thật hầu cống hiến thêm nhiều bài khác, có tiêu chuẩn "sức viết." Đó là sức viết được thể hiện ngay trong một bài, hoặc nhiều bài. Chính điều này, khi đượïc chuí ý, quả nhiên là có rất nhiều tác giả đã tham dự với nhiều bài viết ngày càng hay hơn!
Sau cùng là tiêu chuẩn về "ý nghĩa" của thông điệp trong bài viết, một loại tiêu chuẩn tinh thần và khá chủ quan của từng người! Nhưng thật ra ai cũng có thể đồng ý về những đạo lý bình thường của con người, về những hay dở của nước Mỹ hoặc về cách người Việt chúng ta xử lý với nghịch cảnh, v.v....
Cả triệu người đọc có thể nhờ cả ngàn thông điệp mà thấy rằng đời mình đẹp hơn, hoặc sẽ cố sống cho đẹp hơn.

***

Khi Giải "Viết Về Nước Mỹ" đi vào năm thứ 5 và số người tham gia ngày một đông hơn, ban Tuyển chọn đã có ý mở rộng thành phần "giám khảo". Hay nhất mà có lẽ cũng "Mỹ" nhất là học kinh nghiệm Hoa Kỳ: tìm vào thành phần đã trải qua kinh nghiệm "thí sinh". Người trong cuộc rất thông cảm với những suy tư trăn trở của tác giả khi hoàn thành bài viết! Tác giả đầu tiên tham gia Ban Tuyển Chọng là Trương Ngọc Bảo Xuân, giải Chung Kết năm 2001.
Một vấn đề khác cũng phản ảnh sự thành công của giải thưởng.
Nhiều tác giả đã trúng giải mà vẫn cặm cụi viết tiếp, lại còn viết hay hơn trước, với ngòi bút của một nhà văn đích thực. Trong hoàn cảnh đó, người đọc cần có lời cám ơn và ban tuyển chọn phải vinh danh. Từ đó mới có Giải "Việt Bút", dành cho các tác giả trúng giải đã vượt chính mình để viết còn xuất sắc hơn trước, lần đầu được trao cho tác giả Lê Tường Vi năm 2007.
Với nhiều người, Giải "Việt Bút" đã thành giải thưởng còn lớn hơn giải chung kết hàng năm của tác phẩm và tác giả hay nhất trong năm!
Kết hợp hai sáng kiến nói trên, ban Tuyển chọn ngày nay gồm có 10 người.
Một nhà báo thuộc loại lão thành là cựu Đại tá Bồ Đại Kỳ, năm xưa nổi tiếng tại Sài Gòn với bút hiệu... "Bồ Hòn". Cũng họ Bồ, ông cũng "ma" không kém gì một họ Bồ trong số tác giả lừng danh của "Viết Về Nước Mỹ".
Năm tác giả đã từng trúng giải "Viết Về Nước Mỹ" trước đây là Trương Ngọc Bảo Xuân (Chung kết 2001), Lê Tường Vi (Chung kết 2005, Việt Bút 2007), Bồ Tùng Ma (Vinh danh Tác giả 2001, Việt Bút 2008), Trần Nguyên Đán (Mục sư Lữ Thành Kiến, Vinh danh Tác giả 2007, Việt Bút 2009), Nguyễn Viết Tân (Vinh danh Tác giả 2001, Việt Bút 2010)
Bốn người trong ban điều hành của Việt Báo là Nhã Ca, Hoà Bình, Phạm Quyến. Còn Trưởng ban là người viết bài này, chưa từng mang danh hiệu nhà văn, vốn chỉ được gọi là bỉnh bút, bình luận gia, chuyên gia kinh tế v.v... khi góp bài cho Việt Báo, Người Việt, Ngày Nay Houston và Việt Tribune San Jose và các đài phát thanh quốc tế!
Từ khi gia nhập ban tuyển chọn và dần dần mở rộng thành phần, bản thân người viết rất mừng là công việc tiến hành rất tốt đẹp theo quy cách công minh.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, mọi người đều lấy công tâm mà quyết định riêng và kết quả chung cuộc lại rất tương đồng, nhất là cho ba giải quan trọng nhất, giải Chung kết Tác giả và Tác phẩm, giải Vinh danh Tác giả và giải Vinh danh Tác phẩm. Ngoài ra, khi kết quả được công bố, thành phần quan tâm theo dõi ở bên ngoài "phòng phiếu" cũng vui vẻ tiết lộ cho biết là anh chị em đã đoán trúng phóc! Vô tình mà ban tuyển chọn chỉ làm đúng ý người đọc!
Người đọc rất tinh khi quan tâm, không hề thờ ơ. Vì trân quí điều này, năm nay, thêm một kết quả được dành lại như một ngạc nhiên cho giờ chót: Người nhận giải Việt Bút 2011 là tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân. Bà là người Viết Về Nước Mỹ đầu tiên đã trở thành giám khảo năm 2006, trước khi có giải Việt Bút, nên... lỡ bộ. Cũng vì vậy, bà không được mời biểu quyết giải Việt Bút năm nay. Và nhờ vậy, bà có thể hưởng thú "theo dõi ngoài phòng phiếu" như những độc giả tác giả quan tâm khác.
Giải Việt Bút 2011 ghi dấu mốc 10 năm tác giả Trương Ngọc Bảo Xuân nhận giải Chung Kết 2001. Vị trưởng ban tuyển chọn năm ấy, nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, năm nay 90 tuổi, vẫn từ San Jose về dự họp mặt.
Sau hơn 10 năm cùng viết cùng đọc Viết Về Nước Mỹ, iải thưởng Việt Báo đã đi vào nền nếp và tạo ra được quy cách ứng xử tốt đẹp trong một việc làm công ích. Rất đáng mừng trong cộng đồng người Việt chúng ta.
Sau cùng, xin méo mó nghề nghiệp nói về chuyện... kinh tế!
Giải thưởng "Viết Về Nước Mỹ" mỗi năm có vài chục giải loại lớn nhỏ, tổng cộng trị giá 35 ngàn Mỹ kim (Giải Chung kết trị giá 10 ngàn). Trong 11 năm qua, có gần 300 người viết đã nhận lãnh những giải thưởng này. Trong hoàn cảnh của một cơ sở tư doanh về truyền thông. Việt Báo đã "gồng mình" gánh vác chuyện tài chánh ấy, dù là kinh tế có sa sút trong nhiều năm liền. Đây là một cố gắng âm thầm mà chúng ta nên ghi nhận.
Cũng nên ghi nhận là nhiều "mạnh thường quân" đã yểm trợ cho tờ báo và giải thưởng: hoặc là thân chủ quảng cáo, hoặc là "nhân sĩ" địa phương, kể cả một người rất kín tiếng khi giúp đỡ cụ thể là ông Lou Correa, Thượng nghị sĩ của California. Cũng như các tác giả, độc giả Viết Về Nước Mỹ, Ban Tuyển chọn có thể chẳng cần biết về những chuyện ấy: trong việc tuyển chọn, họ không bị chi phối bởi những yếu tố nằm ngoài tác phẩm.
Người viết cho rằng đây là một ưu điểm đáng kể.
Lời cuối cùng ở đây mới là sự cảm tạ. Xin cám ơn tất cả mọi tác giả đã tham gia một chương trình có ích lợi chung. Cách cám ơn thiết thực nhất là hoàn thành việc tuyển chọn này với công tâm và sự kính trọng các tác giả.
Nhưng nhờ đó mà lại... trúng số.
Số là có người kia bước vào một sinh hoạt bất vụ lợi và mua một vé số trong tinh thần giúp người ta gây quỹ, sau đó lại quên bẵng tấm vé. Nào ngờ, vẫn trúng số độc đắc! Đó là tâm tư người viết khi hàng ngày hàng năm đọc "Viết Về Nước Mỹ" và học được biết bao kinh nghiệm sống của hàng ngàn tác giả...
Nguyễn Xuân Nghĩa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,974,277
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến