Hôm nay,  

Vu Lan, Mùa Tưởng Niệm

31/07/201100:00:00(Xem: 132641)

Vu Lan, Mùa Tưởng Niệm

Tác giả: Minh Anh
Bài số 3316-12-28546vb8073111

Tác giả cùng gia đình đến Mỹ sau Tháng Tư 1975, hiện là một được sĩ làm việc cho Hospital Pharmacy tại New Mexico. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là “Anh Cả Bob và cái Tết đầu tiên ở Mỹ”; “Hai Bà Cụ hàng xóm Mỹ“ và về “Xứ New Mexico, Tân Mễ của tôi.” Bài mới của Minh Anh, viết về Mẹ, nhân mùa Vu Lan đang trở lại.

***

Mùa Báo Hiếu, nhưng bây giờ đi Chùa tôi chỉ được nhận Bông Hồng màu Trắng ngày Vu Lan vì Cha Mẹ tôi đã mất. Mất trên mảnh đất mà Cha Mẹ đã chấp nhận làm Quê Hương cuối cùng của đời mình.
Lìa bỏ nơi chôn nhau cắt rốn ở làng quê để tản cư lên Hà Nội, từ Hà Nội di cư vào Nam, rồi từ Nam sang Mỹ. Cả một đời di tản!
Tôi viết bài này về gia đình tôi, để tưởng niệm và ghi ơn Cha Mẹ tôi. Cũng với hy vọng rằng, Cha Mẹ, nơi bên kia thế giới, sẽ cảm nhận được lòng biết ơn của chúng tôi, mà lúc Cha Mẹ còn sống đã chưa bao giờ nói ra cho Cha Mẹ nghe điều đó
Những năm tháng sống trên đất Mỹ , là một nối liền của phần đời chúng tôi sống ở Việt Nam. Nên viết về phần đời trên đất Mỹ của những người di cư mấy lần trong đời như Cha Mẹ tôi , nó phải được khởi đầu bằng lần đầu gia đình di tản lên Hà Nội.
Trước khi tôi sinh ra đời, còn ở làng quê, thì gia đình tôi còn có thêm Ông Nội và Ông Bà Ngoại.
Sau khi tôi ra đời và lớn đủ để có trí nhớ thì gia đình tôi chỉ có Bà Nội tôi, Cha Mẹ tôi, 2 chị tôi và tôi. Ông Nội và Ông Bà Ngoại đã mất.
Cho đến bây giờ trong trí tôi vẫn còn nhớ rất rõ câu mời cơm mà tôi phải mời trong mỗi bữa cơm hàng ngày “mời Bà xơi cơm, mời Cậu Mợ xơi cơm, mời các chị xơi cơm“ (chúng tôi gọi Cha Mẹ là Cậu Mợ, và dĩ nhiên trong câu mời đó tôi không phải mời em tôi “xơi” cơm!). Tôi còn nhớ là tôi đã nói thật nhanh, như cái máy, như thế, hàng ngày, mỗi bữa cơm, trước khi cầm bát đũa lên.
Cái ngày Cha Mẹ tôi phải rời bỏ Làng quê lên Hà Nội là tôi mới sinh ra đời, và ngày gia đình rời Hà Nội di cư vào Nam, tôi còn nhỏ quá, không nhớ được gì .
Lúc đó, các chị tôi và tôi còn quá nhỏ để hiểu thấu và chia xẻ được với Cha Mẹ nỗi lo lắng và những đau xót khi phải rời bỏ người thân, nhà cửa lên Hà Nội, rồi lại phải bỏ lại tất cả để di cư vào Nam.
Chị em tôi lúc đó không những chưa đủ khôn lớn để chia xẻ nỗi lo buồn về tinh thần với Cha Mẹ , không giúp đỡ được gì cho Cha Mẹ trong việc thu dọn để lên đường vào Nam, chỉ là gánh nặng cho Cha Mẹ thôi.
Mẹ tôi lúc đó một mình lo cả, Cha tôi thì lo việc bên ngoài, giấy tờ và việc làm . Thật là một quyết định vô cùng khó khăn cho Cha. Không biết rồi khi vào Nam có kiếm được
Trường để dạy học không- Cha tôi là một nhà giáo- để nuôi sống một gia đình gồm cả Mẹ già, vợ và 3 đứa con nhỏ- em tôi sau này mới sinh ra ở trong Nam. Vậy mà Cha tôi, người chèo lái con thuyền, phải quyết định mang gia đình di cư vào Nam tìm Tự Do, cái” Gia Đình Tôi” mà tôi bắt đầu có trí nhớ để nhớ được, với 2 bàn tay trắng, bỏ lại ở Hà Nội tất cả những gì có được lúc đó.
Đúng ngày lên đường vào Nam tôi lại là một gánh lo cho Cha Mẹ tôi vì tôi bị sốt nặng. Rồi một phần đã sẵn đang sốt, lại thêm cuộc hành trình dài bằng máy bay Quân Đội Mỹ chở vào Saigon, cơn sốt của tôi lại càng nặng hơn và kéo dài lâu hơn. Tôi không biết gì luc đó nhưng sau này nghe chị tôi kể Mẹ tôi đã ngồi bên giường , nhìn tôi sốt mê man mà khóc quá vì lo sợ sẽ mất tôi.
Ngày xưa, lúc chạy loạn ở làng quê, tôi nghe kể chị tôi bị lạc, Mẹ tôi đâm đầu đi tìm, quá lo lắng và hoảng hốt đến nỗi Mẹ không lo cho chính mình đã trúng đạn ở đùi, không thấy đau, chỉ biết lo đi tìm con, cho đến lúc tìm được con gái thì Mẹ mới để người ta rạch đùi ra băng bó!
Vào miền Nam, lúc đầu gia đình tôi được môt người chị họ cho ở nhờ tạm. Những tháng ngày đầu di cư, môt thời gian ngắn sau thì Cha tôi kiếm được nhiêm sở dạy học.
Với 2 bàn tay trắng Cha Mẹ đã phải tần tiện , chi ly từng tí một để dành dụm. Mẹ tôi, một người nội trợ đảm đang và lúc nào cũng quên chính thân mình để lo cho chồng con. Cha tôi thì theo “chế độ xưa” người Cha chỉ đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, người mẹ lo tất cả các chuyện khác trong nhà. Bà Nội tôi thì hơi khó tính, nên Mẹ phải luôn luôn lo cho Bà Nội được vừa ý thì Cha Mẹ mới không thành cãi cọ.
Tôi nghĩ thật thương Mẹ, Mẹ phải tính toán chi tiêu sao cho vừa với túi tiền lúc đó mà lại còn có được chút tiền để dành để mua một căn nhà. Tôi vẫn còn nhớ những món quà mà Mẹ không bao giờ quên mua cho các con, sau khi đã mua đầy đủ cho cả nhà bữa ăn hàng ngày, và Mẹ đã không đi xích lô từ chợ về để tiết kiệm tiền .
Nhưng những tháng ngày chật vật của năm đầu di cư cũng qua đi. Cha Mẹ đã dành dụm được đủ tiền mua căn nhà đầu tiên . Vài năm sau, em tôi ra đời, mang niềm vui mới cho cả nhà.
Những kỷ niệm khó quên của những ngày Tết năm nào vẫn còn in rõ trong trí tôi.
Bà Nội tuy già không còn răng, phải giã Trầu ăn, mà còn cố dùng cán dao gõ vào mỗi hạt dưa để bóc cho đứa cháu nào còn bé chưa bóc được hạt dưa.
Cha tôi lo việc dọn bày bàn thờ trên mặt tủ cao, và việc cắm hoa ở phòng khách. Cha có tài vẽ đẹp và cắm hoa rất nghệ thuật , mặc dù thời đó đâu có những show dạy cắm hoa.
Mẹ thì mua hoa trồng ở trước cửa để đón Tết. Sửa soạn nấu ăn để cúng và ăn Tết , Mẹ rất bận rộn. Mẹ làm đủ thứ bày mâm cỗ cúng thật thịnh soạn Lễ Giao Thừa, Lễ Mùng Một, Mùng Hai, Mùng Ba, và cúng hết Tết.
Tết năm nào cũng thế, Cha Mẹ sáng sớm mùng Một Tết sửa soạn sẵn sàng để đón Chú tôi đến xông nhà, chúc Tết đầu năm. 3 ngày Tết mới thấy Mẹ rảnh một chút, ngồi thảnh thơi ăn mứt, cắn hạt dưa. Cùng với Cha tôi ngồi tiếp khách đến nhà chúc Tết, hoặc đi cùng Cha đến chúc Tết họ hàng, bạn bè.
Lúc chúng tôi còn nhỏ, Cha tôi có kèm dạy chúng tôi học thêm vì đó là “nghề của chàng”mà! 2 chị tôi hồi còn nhỏ lại còn là học trò chính thức ở Trường trong lớp của Cha tôi dạy . Và 2 chị không bao giờ quên được những lần bị đòn do ông Thầy chính là cha mình. Tôi và em tôi thì may mắn thoát được cảnh đó vì sau này Cha tôi không dạy học mà đổi về làm cho Nha Trung Tiểu Học, Bộ Quốc Gia Giáo Dục.
Sau đó gia đình tôi dọn đến ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm , để Cha tôi đi làm và các chị tôi đi học trường Trưng Vương cho gần. Mấy lần đảo chánh xảy ra, nhà ở trước cửa Đài Phát Thanh Saigon nhưng may mắn không sao. Sau gia đình tôi lại dọn đến căn nhà rộng hơn ở đường Tư Đức thì khi Việt Cộng tấn công dịp Tết Mậu Thân, phần trước căn nhà bị hư hại nặng. Tội nghiệp Cha Mẹ tôi, làm gì có chuyện bảo hiểm như ở bên Mỹ, túi tiền dành dụm của gia đình lại phải dùng vào việc sửa chữa căn nhà và mua đồ đạc thay thế.
Nhưng rồi mọi chuyện cũng xong. Thời gian qua đi. Đến lúc các chị tôi thành tài và giúp đỡ được gia đình.
Quãng đời đầm ấm, cả nhà xum họp dưới một mái nhà bắt đầu thay đổi. Phần tử đầu tiên rời mái nhà đi xa là chị Cả. Chị đi Mỹ. Chúng tôi nhớ chị lắm. Cha tôi thì nhớ trong im lặng, không nói ra. Mẹ thì xưa nay chưa viết thơ cho ai bao giờ , bây giờ bắt đầu viết thơ, viết cho chị để dặn dò đứa con chưa bao giờ xa nhà đi đâu, mà bây giờ lại đi xa ngàn dặm- hồi đó việc liên lạc bằng điện thoại không thông dụng chút nào.
Rồi Bà Nội qua đời. Tôi bắt đầu buồn thấm thía trong lòng là cái “Gia Đình Tôi” nhỏ bé dưới một mái nhà sẽ dần dần nhỏ hơn thêm nữa . Nhất là khi chị Hai sắp sửa đi lấy chồng. Dưới mái nhà này rồi sẽ chỉ còn có Cha Mẹ tôi, tôi và em tôi. Câu mời cơm “Mời Bà xơi cơm, mời Cậu Mợ xơi cơm….” tôi không còn nói nữa, tự lúc nào!
Khi chị tôi và tôi học xong, ra trường có tiền giúp gia đình, thời gian đó Cha Mẹ tôi ngoài chuyện không còn phải lo vấn đề tài chánh, còn rất vui về tinh thần : niềm vui chơi với các cháu Ngoại, con anh chị tôi. Tôi nhớ thời gian đó Cha Mẹ tôi vui lắm, một niềm vui vô tả.
Nhưng cũng không bao lâu, khoảng 5,6 năm sau, khi Cha Mẹ đang vui vì đứa con gái thứ Ba là tôi vừa mới đám cưới xong, thì tin tức Cộng Quân chiếm lấy dần các tỉnh từ miền Trung trở vào , đem đến nỗi lo lắng kinh hoàng cho miền Nam. Cha Mẹ tôi lo lắm. Người Bắc di cư! Ai mà chẳng nhìn thấy cái thảm họa khi Cộng Sản vào tới miền Nam.


Lúc đầu còn hy vọng vào giấy tờ chị Cả gửi về bảo lãnh, nhưng chỉ nhận được giấy cho Cha Mẹ tôi mà không nhận được giấy cho chúng tôi, nên Cha Mẹ nhất định không đi mà bỏ lại con cháu. Xoay sang đi tìm người nào có tàu cho hùn hợp đi cùng. Cũng vô vọng. Càng lúc tin tức chiến trường càng đáng lo. Quá thất vọng, Cha tôi chưa bao giờ tôi thấy khóc, mà hôm ấy khi nhìn thấy 2 cháu bé hồn nhiên ngoan ngoãn chơi, Cha tôi đã khóc và nói : “ Cháu tôi ngoan thế này mà phải ở lại, khổ quá! “. Chúng tôi cũng khóc theo!
Cuối cùng, nhờ Phép Lạ của Tròi Phật và các Đấng Thiêng Liêng, tất cả gia đình tôi đã đi thoát được bằng một chiếc tàu đậu ở ngoài khơi bờ sông Saigon, đêm 29 tháng Tư, 75.
Những ngày khổ cực trên tàu và ở trại Tạm Cư, Cha Mẹ tôi cũng như chúng tôi, đều có nỗi buồn nhớ quê hương, người thân thương vừa bỏ lại, nỗi lo cho tương lai chưa biết sẽ đi về đâu, nhưng ai cũng cảm tạ Trời Phật là tất cả gia đình đã đi thoát bình an và đến được bến bờ Tự Do.
Ra khỏi trại Tạm Cư, ngày vui đoàn tụ với gia đình chị Cả đã đến. Cả gia đình giò ở chung dưới mái nhà của anh chị Cả. Đó cũng là thời gian Cha Mẹ rất vui vì gia đình đông đủ các con, các cháu. Lúc ra đi, tôi có bầu, nên bấy giờ tôi đã sanh cháu trai đầu ở đấy.
Cha Mẹ tôi an hưởng tuổi già nơi xứ lạ quê người. Nhờ có đầu óc khá cấp tiến, không câu nệ với những lề lối cũ, nên Cha Mẹ hội nhập vào “đời sống mới” trên đất Mỹ khá dễ dàng , vui vẻ.
Các cháu nhỏ nói theo kiểu nửa Việt, nửa Mỹ nên không có những “lễ độ truyền thống” như ở VN, chẳng han như “Thưa Ông Thưa Bà “ , kèm theo những gọi Dạ , bảo Vâng. Phần nhiều chúng nói một cách vội vàng, nên chỉ “yes’ hay “no” nhiều hơn Dạ, Vâng. Rồi “Hi” Ông, “ Hi” Bà!
Ở nhiều gia đình VN khác, tôi thấy đó là một điều cấm kỵ. Nhiều bậc Ông Bà, Cha Mẹ đã la mắng các con,cháu nhỏ “ Không được Hai (=Hi) Ba gì cả, phải khoanh tay, cúi đầu Thưa Ông, Thưa Bà “. Cha Mẹ tôi thì không thế, Cha Mẹ hiểu là các cháu hãy còn nhỏ tuổi, sống ở Mỹ thì học theo bạn Mỹ, người Mỹ, cách ăn nói, nên bảo chúng tôi : “ Đâu có sao, miễn là chúng nó biết vâng lời, thương yêu và chăm sóc Ông Bà là được rồi, những kiểu lễ độ theo truyền thống giữ được thì càng tốt, mà thực ra cũng chỉ là bề ngoài mà thôi! “, Cha Mẹ đều nói thế, với một nụ cười hiền hòa trên môi.
Bắt đầu cuộc đời ở Mỹ, đám con cái như chúng tôi phải lo chuyện sinh tồn nơi xứ lạ quê người nên có cả chuyện buồn lẫn chuyện vui. Nhưng Cha Mẹ chỉ ở nhà nhiều với con cháu nên toàn là chuyện vui, vẫn còn buồn cười mỗi khi nhắc lại.
Cha tôi viết và đọc được tiếng Anh, nhưng 2 tai lại quá nghễnh ngãng, nên mỗi khi đi đâu, Cha tôi đã sắp sẵn trong đầu những gì cần nói, khi đến nơi, chẳng cần biết rõ người đối diện đang nói gì, Cha cứ đoán đại khái, rồi tuôn ra hết những câu đã sắp sẵn trong đầu để nói! Đúng là cảnh Ông nói Gà, Bà nói Vịt!
Còn Mẹ tôi không biết tiếng Anh nên khi đi đâu găp người Mỹ thì Mẹ cứ bắt chúng tôi thông dich hết câu nọ đến câu kia cho người đối diện, đôi khi người ta đã nhảy sang chuyện khác rồi mà Mẹ đâu có biết nên còn bảo dịch thêm về chuyện trước, chúng tôi lại phải nói nhỏ là “ Bà ấy nói sang chuyện khác rồi “. Mẹ tôi luôn luôn tỏ bày tình cảm thân mến , hoặc sự biết ơn của mình với những người Mỹ tốt bụng, ngoài việc bắt chúng tôi thông dịch, Mẹ hay dùng nụ cười và tay nắm tay người đó mãi, không chịu rời ra, có lần chúng tôi nói đùa, dọa Mẹ là “Mợ nắm tay Cô ấy mãi thế coi chừng Cô ấy lại tưởng Mợ “gay” đấy! “.
Ngày Cha tôi đi thi vào công dân Mỹ, Cha lo lắm. Tuy hiểu tiếng Anh nhưng tai quá nghẽnh ngãng, mà họ không cho em tôi vào ngồi cùng để giúp. Cha lo quá, bảo “ Thế này là biết trước sẽ hỏng rồi! “, nhưng may quá, họ chịu viết câu hỏi ra cho Cha tôi đọc. Cha qua được ngay kỳ thi đó.
Đến lượt Mẹ đi thi vào công dân Mỹ, em tôi phải giúp Mẹ vì Mẹ không biết tiếng Anh. Chỉ cho Mẹ những câu hỏi “tủ” mà em tôi đoán là họ sẽ hỏi, chỉ cho Mẹ những “mẹo” vặt để Mẹ nhớ được câu trả lời bằng tiếng Anh. Và khi vào thi, họ cho phép em tôi ngồi giúp thông dịch. Mẹ rất thông minh, nhớ được những câu “tủ” nên khi nghe em thông dịch câu hỏi Mẹ trả lời được. Thế là Mẹ passed! Thành công dân Mỹ ở tuổi mà nhiều Cụ Già Việt Nam không đi thi nổi! Ông Chú tôi nghe nói , không tin được vì Chú có giúp đỡ nhiều người già đi thi mà chẳng ai đậu ngay cả! Ngày hôm đó Mẹ vui lắm,mái tóc bạc trắng , cầm tờ giấy Công Dân Mỹ, đứng chụp hình với lá cờ Mỹ.
Chúng tôi đã lần lượt lập nghiệp lại, cuộc đời bắt đầu ổn định trên quê hương mới này. Các cháu dần dần lớn lên, học hành thành tài. Cha Mẹ tôi vui cùng với sự thành công của con cháu, an hưởng tuổi già nơi đất khách quê người, bên con cháu.
Nhưng có ai sống mãi được với con cháu đâu. Người già nào rồi cũng phải ra đi về cõi Trời.
Cha tôi mất ở tuổi 80, sau khi coi xong show Wrestling thì vào phòng và mất vì một cơn Heart Attack. Cha rất mê coi wrestling, thuộc lòng những người lên đấu sẽ làm những đòn “hèn” gì, mỗi người có một đòn “hèn” riêng, Cha tôi đều biết cả. Những lúc khác thì Cha đọc sách, báo, tiếng Việt, tiếng Anh đủ cả. Cha chỉ thích ở trong nhà nhiều, đi ra ngoài là điều bất đắc dĩ . Vì Cha tôi có cái tật sợ bẩn, sợ vi trùng. Lúc ở trại Tạm Cư, nhất là lúc ở trên tàu vượt biển, Cha phải cố ráng chịu khi phải ở chung đụng với các gia đình khác, và làm gì có nước nhiều mà rửa ráy. Chúng tôi đã tưởng Cha sẽ chừa được cái tật sợ bẩn từ hồi đó. Nhưng sang tới Mỹ, Cha dần dần trở lại tật cũ. Vi sợ bẩn nên cái gì cần dùng Cha đều đem lau “cồn” ( alcol), Cha còn bảo chúng tôi là “ Cha không bị nghiện uống rượu là tốt rồi, chỉ cái tật dùng “cồn” để tẩy trùng thôi! “. Cha để dành một cái lọ xịt bằng nhựa để đựng alcol trong đó mà dùng hàng ngày.
Mẹ tôi là một người rất thích hoạt động, ngay cả những năm ở tuổi già gần mất. Mẹ không thích ngồi một chỗ, hoặc nằm nghỉ giữa ban ngày. Có lẽ vì thế mà Mẹ khỏe, tinh tường cho đến lúc mất.
Mắt Mẹ còn rất tinh, còn thêu được áo ở tuổi 89, và hãnh diện mặc áo vào cho các con thấy là mắt Mẹ còn tốt thế đấy!
Mẹ đi chơi thăm đủ các con, cháu ở các tiểu bang khác, mỗi năm mấy lần. Mẹ cũng đi với các con, hoặc bạn bè, du lịch nhiều nước trên khắp các Châu , Mẹ bảo chỉ có Châu Phi là Mẹ chưa đi thôi . Ai cũng khen là Mẹ có sức khỏe và bạo quá vì Mẹ không biết tiếng Anh mà dám ngồi trên máy bay một mình- dĩ nhiên là chị em tôi đã xin phép để đưa Mẹ lên tận gate, cửa của máy bay, và khi đón cũng đón ngay tại gate của phi trường.
Mẹ tôi mất năm 90 tuổi. Buổi tối hôm trước Mẹ còn đi ăn tiệm với gia đinh em tôi, và như linh tính báo trước, Mẹ cám ơn các con và cháu, thật nhiều, tối hôm đó. Sáng hôm sau Mẹ bảo thấy trong người khác lạ lắm, em tôi chở Mẹ đến bệnh viện thì vài giờ sau Mẹ mất êm đềm sau một cơn stroke.
Tôi không bao giờ quên được hình ảnh Mẹ lên máy bay, rời nơi tôi ở chỉ có 3 tuần lễ trước ngày Mẹ mất! Lúc đó Mẹ quay lại nhìn tôi mãi rồi mới chịu để cho cô Tiếp Viên dẫn Mẹ vào cửa máy bay.
Mẹ tôi mất ở California.Tôi không bao giờ còn được đưa Mẹ lên máy bay nữa!
Cậu Mợ ơi, lúc Cậu Mợ mất rồi cũng như lúc Cậu Mợ còn sống, chúng con lúc nào cũng biết ơn Cậu Mợ đã hy sinh quá nhiều cho chúng con mà không bao giờ tỏ ý mong đợi chúng con đền đáp lại. Lúc Cậu Mợ còn sống, chúng con không bao giờ nói ra được câu “ chúng con yêu Cậu Mợ lắm” dễ dàng như ở đây người Mỹ họ nói : “ I love you, Mom, Dad “ . Nhưng sao con ngu quá, không nghĩ viết ra những dòng này để Cậu Mợ đọc được tấm lòng của chúng con.
Bây giờ thì con chỉ còn có cách làm như những người đốt vàng mã cho người thân đã khuất, con sẽ đốt những trang giấy con viết hôm nay để hy vọng rằng Cậu Mợ, nơi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, sẽ đọc được tấm lòng biết ơn của chúng con.
Mợ ơi, ngày xưa con vẫn thích hát bài “ Mẹ Tôi”, “Mẹ tôi tóc xanh điểm bạc tháng ngày…” nhưng những lúc hát đến câu “chiều nay thắp hương tưởng niệm trước mồ “ con đã phải bỏ câu đó đi, vì con kiêng cữ, Mợ của con còn sống mà!
Bây giờ! Chua xót thay, con hát mà không cần phải bỏ câu đó nữa! Lòng con đau quá Mợ ơi!
Còn câu “Mẹ ơi con nguyện nhớ lời Mẹ khuyên “ , vâng, con luôn luôn nguyện nhớ lời Mợ khuyên. Với người ngoài, Mợ bảo : “ai ở sao mặc họ, con ạ, mình cứ phải mà ở. Có Giời cả! “. Còn với chị, em trong nhà thì : “ chị, em đừng chấp nhất nhau, bỏ qua hết cho nhau “, lúc nào 4 chị em con cũng sẽ thương yêu , săn sóc nhau, Mợ đừng lo Mợ nhá!
Minh Anh
Mùa Vu Lan 2011
Albuquerque, N.M.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,259,102
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến