Hôm nay,  

Chuyện Kể Của Một Thuyền Nhân

25/07/201100:00:00(Xem: 176785)

Chuyện Kể Của Một Thuyền Nhân

Người viết: Võ Tâm Huy
Bài số 3311-12-28541vb2072511

Sau hơn 10 lần vượt biển hụt, tác giả đến được tị nạn và định cư tại Hoa Kỳ từ 1981. Võ Tâm Huy thuộc lớp tuổi 30, cùng tuổi với cộng đồng Việt tại Mỹ, hiện là một kỹ sư làm việc tại tiểu bang Utah, đã góp một số bài và nhận giải danh dự Viết Về Nước My 2008. Sang năm 2011, đúng 30 ngày định cư tại HoaKỳ, lần đầu tiên Võ Tâm Huy kể chuyện vượt biển của anh: chuyến tàu 30 ngày trên biển, 5 lần bị hải tạc cướp bóc, hãm hiếp, lần cuối bị bắt về đảo hải tặc...

***

Tôi từ giã gia đình mà lòng đau như ruột thắt. Sống trong cảnh tuyệt vọng, Mẹ tôi, các anh em tôi đã dành cho tôi cái ân huệ là được chọn để ra đi. Ba tôi lúc đó đã định cư tại Hoa Kỳ cũng trong một chuyến đi vượt biên, nhưng Người không kể lại chuyến đi của Người ra sao, nguy hiểm như thế nào, cũng không dặn dò là nên đi hay là không nên đi.
Mẹ tôi có người bạn là dì Tư, ở thi xã Rạch Giá, chuyên tổ chức những chuyến ra đi vượt biên. Dì Tư bằng lòng giúp đỡ mẹ tôi và hứa sẽ cho một trong những đứa con của mẹ tôi ra đi với một giá phải chăng.
Đến ngày hẹn, dì Tư lên Sài Gòn và dẫn tôi ra đi. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được đi chuyến xe đò chạy từ Sài gòn về Rạch Giá. Xe chạy qua Bắc Mỹ Thuận, tôi theo dì Tư xuống xe, dùng phà qua bên kia sông. Dì Tư dặn tôi là đừng tiếp xúc với ai cả vì họ sẽ biết tôi không phải là người địa phương.
Xe vào thị xã Rạch Giá, xe cộ lưa thưa, quán xá hàng rong bên đường khắp nơi. Dì Tư dẫn tôi vào một quán càfe đông người, chờ trời tối hẳn rồi mới về nhà dì còn dì về nhà trước, dì đã cho tôi địa chỉ và vẽ đường cho tôi. Dì nói dì sẽ để cổng nhà mở, khi đến nhà thì tôi cứ đi thẳng vào nhà. Tôi làm đúng theo lời Dì, chờ trời tối, mới tìm vô nhà. Dì sắp xếp cho tôi một căn phòng trên gác, dặn dò đừng ra ngoài chỉ được ở trong nhà này cho đến ngày ra đi.
Nhà dì Tư thật nhỏ, nhưng rất xinh, trước nhà là một vườn trồng hoa kiểng, có vài loài hoa mà tôi chưa bao giờ thấy, bé Mai, con của dì, nói đó là hoa Lài, hoa Trang... thơm phức. Sau nhà là cũng là vườn trong cây ăn trái, có chuối, đu đủ và dì còn một vườn nhỏ trong rau, ớt, cà chua....và đặc biệt là cuối của vườn sau là biển. Biển Rạch Giá là biển Phù Sa, bãi biển không có cát mà chỉ là bùn, là phù sa. Biển này còn ngộ nữa là không sâu, đi ra ngoài nước cách bờ cả trăm thước mà nước biển chỉ tới bụng mà thôi.
Những ngày đầu trôi thật nhanh vì tôi cứ nghĩ như mình được đang nghĩ hè đi về thăm quê, chỉ có điều là không được ra ngoài, chỉ ở trong nhà. Dì Tư nói ban tổ chức chuyến đi gặp trở ngại nên đình lại, tôi phải kiên nhẩn chờ. Luẩn quẩn trên gác, tội đọc sách, chơi với bé Mai, dạy bé Mai học tập đọc, tập viết. Bé Mai là một nguồn an ủi lớn nhất của tôi trong khoảng thời gian tôi đi tìm một tương lai.
Gần ba tuần su,một buổi chiều, dì Tư đi chợ về nói với tôi là tối nay sẽ đi. Dì làm một bữa cơm thịnh soạn cho tôi, dặn dò nếu chắng may đi không thành thì nên tuỳ cơ ứng biến, không được trở lại nhà dì mà làm luyên luỵ dì, phải tìm những nơi đông người mà tránh né như là ở bến xe hoặc chợ Rạch Giá. Tôi dạ dạ vâng vâng. Ăn cơm xong, tôi ôm bé Mai vào lòng, nhưng không nói là tôi ra đi.
Trời vừa tối thì dì, tôi và bé Mai ra ngoài đường đi bộ, giống như đi dạo. Đi ngang nhà một người bạn của dì, dì Tư nói bé Mai vào nhà đó chơi với mấy đứa con với bạn dì rồi dì sẽ về đón sau. Tôi theo dì đi bộ ra đường lớn, đến gần một ngã Tư, dì chỉ cho tôi một cái quày bán thuốc lá bên đường. Dì nói tôi hãy đến quày bán thuốc lá đó giả bộ như là mua thuốc lá, nhưng chỉ nói với chị bán thuốc lá là ”Tôi là con của dì Tư” là người đó sẽ hiểu và sẽ dẫn tôi ra đi. Dì còn dặn nếu trục trặc thì hãy đến quày thuốc này, họ sẽ liên lạc với dì. Dặn dò xong xuôi, Dì chúc tôi nhiều may mắn và ra đi bình an.
"Tôi là con của dì Tư", tôi nói với chị bán thuốc lá. Chị bảo tôi đưa hết giây tờ tuỳ thân cho chị, nếu có gì trục trặc thì hãy đến đây mà lấy lại giấy tờ. Sau đó chị dẫn tôi đi vào một khu xóm.
Trời đã tối, tôi vừa đi vừa nhìn xung quanh để nhớ đường. Chị dẫn tôi vào môt quán ca øfê, bảo tôi ngồi uống càfe, cứ tự nhiên đừng làm ra vẻ gì là người lạ, còn chị thì đi vào bên trong. Chừng mấy phút sau, chị đứng bên trong ngoắc tay bảo tôi vào. Phía trong căn nha,ø sau phần trước làm trên mặt đất, còn phần sau là nổi trên sông, nhìn xuống sàn nhà là nước sông. Chị chỉ cho tôi một chiếc võng, bảo tôi nằm đây nghỉ và chờ cho đến khi chị gọi.
Chờ thêm mấy giờ nữa, chị ta bảo tôi đứng dậy và theo chị, phải tuyệt đối yên lặng. Một chiếc ghe nhỏ, chạy bằng máy đuôi tôm đang đậu sát nhà, chị bảo tôi lên ghe và chui vào cái tấm vải nylon mà người ta dùng che đậy hàng hoá. Tui chui vào thì mới biết đã có mấy người đang chờ từ hồi nào rồi. Trời tối như mực, tôi không biết có bao nhiêu người, chỉ biết là có người ngồi cạnh tôi. Người lái ghe căn dặn là không được gây tiếng động, không được chui ra khỏi tấm vải.
Nghe tiếng nổ của máy ghe, lẫn lộn với tiếng nước, ghe đang chạy. Tôi vẫn không nhìn được trong ghe này có mấy người, chỉ nghe có tiếng nói, tiếng ho, có tiếng cằn nhằn.....Thời gian, không biết là bao lâu, ghe vẫn chạy, tôi nghe tiếng sóng tạt vào hai bên hông của chiếc ghe. Nghe chừng như sóng biển. Đã ra biển rồi, tôi đoán vậy.
Tiếng máy ghe tắt, chiếc ghe chòng chành trên mặt biển. Trời ửng sáng, mọi người trên ghe bây giờ mới nhìn thấy mặt nhau. Có kẻ mặt mày bơ phờ, có mấy cô gái, mặt mày xanh lét. Anh chàng lái ghe bảo mọi người phải ngồi yên, chờ tàu Mẹ tới để ra đi. Thì ra chiếc ghe chỉ là đưa ra tàu lớn hơn (tàu Mẹ) để vượt biển.
Chờ rất lâu, nắng đã lên, cái nóng ngồi trong tấm vải này làm mọi người mệt mỏi, nhiều người ói mửa. Có lúc tôi mỡ khe hở của tấm vải, nhìn thấy có năm, sáu chiếc ghe nhỏ đâu lân cận, xa xa cả trăm thước, nhưng không thấy tàu Mẹ, cũng không thấy bờ, tất cả xung quanh đều là biển và có một hòn đảo cách đó xa xa.
Chờ mãi tới chiều, tôi nghe tiếng máy nỗ, rồi lại tắt máy, tôi nhìn thấy anh lái ghe đang đậu ghe của mình gần một chiếc ghe khác. Tôi nghe tiếng họ bàn thảo, chắc là tàu Mẹ gặp trục trặc rồi, mình về đi thôi, hay chờ thêm môt chút nữa ø... Đi vào, tức là bể rồi, đi vào với từng người này trên ghe thế nào cũng xãy ra chuyện bắt bớ, đi vào mình sẽ làm gì, làm sao liên lạc lại với dì Tư để cho dì biết, lại sợ luyên lụy tới dì, có còn sức lực để đi vào nữa không, từ lúc lên ghe này đến giờ, mọi người không một miếng ăn, miêng uống, làm sao mà đi được. Tôi chán ngán, phó mạt số phận cho trời. Nghĩ đến mẹ tôi, tôi rơi lệ...
Tiêng nổ máy, tôi nhìn mặt trời đang lặn. Anh lái ghe bảo mọi người hãy yên lặng, không được đứng dậy, tất cả mọi người đều phải ở trong tấm vải che, anh nói khi đến bờ thì trời đã tối, hy vọng không bị bắt. Anh ta nói, khi vào thì mọi người mạnh ai nấy lo, rồi ra bên xe tìm đường về nhà, liên lạc lai với người tổ chức. Mọi người cũng chẳng còn sức để than trách. Tất cả phải ngồi yên vì ghe đã gầân đến bờ. Trời tối như mực, ghe đậu lại. Tôi chỉ thấy những ánh đèn lờ mờ trong những căn nhà xa xa, không biết mình đang ở đâu. Lấy hết sức còn lại, tôi leo khỏi ghe đi lên bơ rồi lặng lẽ tách khỏi đoàn người, đi về phía mấy ngọn đèn xa xa, hy vọng nơi đó là nhà dân, phố xá.
Áo quần lấm bùn, dơ dáy đầy mùi thúi. Tồi dùng nước biển rưa ráy rồi đi....Đi chẳng bao lâu là tôi nhận thấy được nhà của dân, tôi len lỏi tìm đường ra được đường lớn, không biết đây là đâu. Áo quân đã khô dần, tôi lã người, móc túi quần, trong túi nylon còn có một số tiền. Tôi vào đại một quán bên đường ăn môt tô bún, uống nước thật nhiều. Thời gian trôi đi, tôi không biết mấy giờ, chỉ biết là khuya rồi. Tôi đi vào bến xe Rạch Giá, mọi người ở bên xe này vẫn còn đông, có rất nhiều người nằm trên đất. Tôi tìm một góc nơi có nhiều người nằm lăn lóc nghồi cho qua giờ.
Trời gần sáng, bến xe ồn ào, tiếng rao quà, tiếng xe đò, mọi người đang chuẩn bị môt ngày mới. Tôi lặng lẽ đến ngang qua chỗ bán thuốc lá, kể cho chị bán thuốc, lấy lạigiấy tờ nhờ chị báo tin cho dì Tư. Tôi trở lại bến xe, vào một quán bán cafe bên đường, ngồi uống cafe và chờ dì Tư. Dì đến mang cho tôi một bộ áo quần, bảo tôi vào phòng vệ sinh công cộng gần đó thay. Tôi thay áo quần xong, dì Tư dẫn tôi đến một chiếc xe đò, bảo là dì đã lo tiền xe rồi, anh lơ xe sẽ giúp tôi về lại Sài Gòn...

***

Trở lại Sài Gòn, trong khi chờ mẹ tôi và Dì Tư thu xếp chuyến đi khác, tôi bắt đầu cuộc sống lang thang vì không thể về lại nhà cũ, sợ liên lụy gia đình. Sau nhiều tháng với hàng chục chuyến đi hụt, tôi lại thêm một lần trở lại Rạch Giá vì có chuyến đi mới.
Đêm đó, mặt trời vừa lặn là tôi đến chỗ hẹn, lần này dì Tư còn dẫn thêm một người bạn của dì và một bé gái bảy tuổi cũng tên Mai. Dì dặn dò và giao tôi là người dẫn đường vì tôi lúc đó cũng rành đường phố Rạch Giá, giao tôi nhiệm vụ là dẫn hai người này đến một địa điểm và cùng đi trong chuyến đi tôi nay. Chúng tôi ba người, bạn của dì Tư và bé Mai đi bộ vào một ngõ hẻm đến một căn nhà mà tôi biết sau lưng căn nhà này là sông, sông này chạy ra biển. Đêm ấy, chừng hai ba giờ sáng, chúng tôi xuống ghe nhỏ và ra khơi. Trên ghe này, không hiểu sự sắp sếp của người tổ chức ra sao mà toàn là phụ nữ chỉ mình tôi là con trai.
Chiếc ghe nhỏ lao vào biển đêm, tôi không cảm giác gì mới lạ cả, chỉ ôm bé Mai vào lòng, bé bắt đầu say sóng và muốn ói. Tôi hơi lo cho bé là có còn chịu nỗi những cơn sóng gió ngoài kia không" Chiếc ghe ra ngoài khơi thì gặp ngay tàu Mẹ đang chờ sẵn. Gọi là Tàu Mẹ, nhưng chiếc tàu chỉ dài khoảng mười thước, bề ngang chừng một thước rưỡi, chiều cao chừng một thước. Nhỏ nhoi vậy mà vẫn lao ra biển.
Tôi còn nhớ một hai ngày đầu, con tàu của chúng tôi chạy trên biển rất êmû, không trở ngại gì. Ông chủ tàu đem cả vợ con, mấy người em gái, em trai của mình đi chung trong chuyến đi này, gia đình ông khoảng bảy tám người, họ là những người Việt gốc Hoa. Trên tàu này có một phụ nữ đi một mình, người phụ nữ này biết nói tiếng Lào và tiếng Thái, tôi thì đi chung với bạn của dì và bé Mai, ông tài công thì cùng đi với người em trai. Còn lại thì những đàn ông thanh niên, hay các cô gái đều giao số mạng của mình cho chuyến đi và biển cả. Ông chủ Tàu nói nếu không có gì trở ngại thì đi khoảng ba đêm bốn ngày là tới.
Khi tầu ra ngoài hải phận quốc tế thì nước biển xanh đậm hơn, sóng lại càng cao hơn. Tôi không biết bây giờ mình đang ở đâu, theo hướng mặt trời mọc thì tôi biết mình đang đi về phía Tây Nam, ông tài công nói hướng về Thái Lan. Mọi người trên tàu tất cả mệt nhọc vì sóng nhồi và nắng, nhưng ai cũng vui vẻ ôm một hy vọng. Bé Mai yếu dần vì ói mửa rât nhiều lần, tôi hay nhường phần ăn, phần uống của mình cho bé. Bé lúc tỉnh táo thì cười với tôi, ngồi trong lòng tôi đùa giởn, tôi chỉ cho bé Mai ngoài biển mỗi khi thấy mấy con cá heo bơi lội trên biển hay bơi theo bên hông của chiếc tàu đang chạy. Bé thích lắm.
Tôi còn nhớ buổi chiều ngày hôm ngày thứ ba, tàu chúng tôi đang chạy thì từ đằng xa chúng tôi thấy môt cái chấm đen. Cái chấm đen này đang chạy về hướng tàu của chúng tôi. Là một chiếc tàu, nhưng không phải là tàu thuỷ, tàu lớn mà là một loại tàu đánh cá. Chúng tôi vừa mừng vừa sợ. Chiếc tàu này xuất hiện càng ngày càng gần, lúc còn khoảng vài trăm thước thì có tiếng súng nổ. Chú tài công cố cho tàu chạy hết tốc độ, nhưng chạy không kip. Chiếc tàu kia dần dần tiên đến, nghe được tiếng nói ra lênh, chị biết nói tiêng Thái Lan trên tàu của tôi nói là tàu của Thái Lan, hải tặc Thái.
Tụi nó dùng dây thừng thảy qua tàu chúng tôi và ra lệnh cột tàu của chúng tôi lại. Sau đó, ba bốn tên nhảy qua tàu chúng tôi, kẻ cầm dao, người cầm súng bảo chúng tôi đưa ra những của quý, vàng hay tiền đô. Những người đeo nhẫn, giây chuyền, đồng hồ bị chúng lột thẳng tay. Các bà các cô trên tàu người nào mặt mày cũng xanh lét. Cũng may nhờ chị biết nói tiếng Thái xin dùm, và chúng nghĩ là chị là người Thái nên tha không hại người. Sau khi cướp chúng còn cho tàu chúng tôi nước, đồ ăn, và ít dầu. Sau đó còn bảo tàu chúng tôi cử chạy thẳng hướng đi thì sẽ đến Thái.
Đàn bà con gái trên tàu đã dùng dầu cặn đen bôi đầy người cho xấu xí, cho dơ dáy để hy vọng bọn cướp thấy vậy mà ghê không hảm hiếp. Trên đường đi, tàu chúng tôi còn gặp tàu cướp Thái Lan lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhưng không ai bị hại. Chúng tôi qua thêm được môt ngày và đêm đó cũng yên bình. Nhưng không phải tàu Thái nào cũng để mọi người được yên thân..
Sáng bình minh ngày sau, giữa biển cả bao la, lại thấy môt chấm đen xuất hiện. Lần này chấm đen chạy thật nhanh dữ dằn hơn hẳn những Bọn cướp lần này cột dây thừng vào tàu của chúng tôi rồi kéo đi thật nhanh theo hướng ngược lại. Nước biển ùa vào tàu. Mọi người tận lực tát nước biển ra ngoài. Có người la hét, khóc lóc, sợ hãi. Chị biết nói tiểng Thái thì la hét tiếng Thái, nhưng bọn cướp không nghe chỉ một mực kéo tàu của chúng tôi đi.
Đi được môt đoạn biển khá dài thì chúng nó ngừng lại, rồi tụi chúng nhảy qua tàu chúng tôi lục soát. Sau khi lấy những gì tụi chúng thích, chúng bắt hết bọn đàn ông chúng tôi xuống hầm tàu của chúng. Còn mấy người đàn bà con gái thì ở trên, có tiếng la hét, có tiếng khóc vang... Tôi ngồi dưới hầm tàu ôm bé Mai...không biết gì để nói với ai.. tôi chỉ nhìn thấy ông chủ tàu rơi lệ, khóc than trời... Một hồi lâu, mấy tên cướp Thái gọi tất cả bọn đàn ông chúng tôi lên. Từ dưới hầm cá chui lên, tôi nhìn thấy tất cả mấy người đàn bà con gái tơi tả, áo quần bị xé nát, có cô còn đang bất tỉnh nằm khoả thân, chỉ riêng có chị biết nói tiêng Thái là không bị gì cả. (sau này chị kể là chị năn nỉ bọn chúng và chúng tha không hảm hiếp chị) Tôi nhìn thấy ông chủ tàu ôm lấy vợ, em mình khóc xướt mướt...
Bọn cướp Thái bắt bọn đàn ông tụi tôi nhảy về lại tàu mình và tát nước ra. Sau đó chúng cho chúng tôi cơm và tôm luộc ăn buổi chiều hôm đó và còn cho thêm lương thực, dầu, nước... rồi thả bọn tôi đi.
Tôi lo phụ với chú tài và tàu của chúng tôi xa dần chiếc tàu cướp Thái. Bé Mai lúc này thì yếu dần, tôi cho nó uống nước, nhưng lại bị ói ra. Mẹ của nó thì không còn sức để lo cho nó. Tất cả các bà các cô đều như mất hết tinh thần, nằm đó mặc ai nói mặt ai làm gì....

Những ngày tiếp theo, tàu vẫn chạy, mọi người trên tàu dần dà lấy lại được hồn, bình tỉnh trở lại, mọi người không ai nhắc lại chuyện cũ, chỉ cùng nhau cầu nguyện tàu vào bờ được bình an. Biễn vẫn xanh, vẫn yên bình.

Một buối chiều, tôi ngồi trên boong tàu đang cùng chú tài công nói chuyện thì bỗng thấy từ xa một mảnh trời đen sậm, có sấm sét... Chú tài báo động bão tố sắp đến, bảo mọi người không được lên boong tàu và tất cả phải chuẩn bị ứng phó. Người em trai của ông chủ tàu nhảy lên boong tàu phụ với chú tài công lo điều khiển con tàu, hy vọng là sẽ qua cơn bảo. Trời sập tối, thì tôi không còn thấy gì nữa, chỉ nghé tiếng gió gào, sóng vỗ, cùng với những tiếng la hét của những người trên tàu. Trong bóng tối, tôi chỉ cầu nguyện và hăng hái tay cầm chắt ống nước của máy bơm, bơm nước ra ngoài.
Rầm, rầm, rầm, những con sóng khổng lồ đập vào con tàu nhỏ bé của chúng tôi tưởng chừng như vỡ tung. Mọi người mệt lả, có người bị sóng đánh mạnh lật lộn trong hầm tàu, đau đớn la trời. Trời tối đen như mực, sóng lớn và tiếng gió thét gào... Lại rầm, rầm, rầm....tôi thấy cả con người mình bị hất tung lên cao, rồi rơi xuống đầu đụng phải thành gỗ, không còn biết gì nữa....
Khi tôi mỡ mắt nhìn thì thấy một tia sáng của ánh nắng mặt trời, hết bão rồi. Nhìn quanh, mọi người nằm la liệt trong vũng nước, nước đã tràn vào gần nửa tàu, nhưng máy vẫn chạy. Tôi đánh thức mọi người, có kẻ còn tỉnh, có kẻ thì như còn đau đớn chưa tỉnh. Bé Mai đang nằm trong lòng của mẹ nó. Tôi lại gần đánh thức mẹ nó dậy, thấy bé Mai còn thở, nhưng thức hoài nó cũng không tỉnh. Tôi nhảy lên boong tàu, kêu ông tài công thì không thấy đâu nữa, cũng không thấy người em trai của ông chủ tàu... Tôi la lên, la kêu ông chủ tàu, ông chủ tàu, vẫn còn chưa lấy lại được hồn. Tôi nói cho ông ta biết ông tài công và người em của ông đã biến mất đâu rồi...Cơn bảo tối qua đã đánh rớt chú tài công và người em của ông chủ tàu xuống biển rồi... Cái tay lái của tàu bị gạt qua một bên và bị kẹt nên chiếc tàu chỉ chạy vòng tròn không biết tự lúc nào...

Chưa qua nạn hải tặc lại tới cơn bão tố, ông trời đã cướp đi hai mạng sống trên tàu của chúng tôi. Một thanh niên tình nguyện thế chỗ tài công, tôi lãnh phần phụ tá. Chúng tôi cố gắng tạt nước và rồi con tàu lại được điều chỉnh tay lái tiếp tục chạy về phía Tây Nam....
Tất cả gần như hết sức lực. Nước uống đã gần cạn, thức ăn cũng vơi dần. Chỉ còn vài thùng dầu nữa là hết, chưa biết số phận chung ra sao nhưng con tàu vẫn chạy. Chúng tôi thay phiên nhau tát nước, thay phiên nhau cầm lái. Tôi biết nhìn sao định hướng, nên tôi thường thức đêm cùng với anh thanh niên lái tàu cùng lái cùng tâm sự. Tàu vẫn chạy êm. Sóng lại yên, gió lại lặng...
Sáng hôm ấy, tôi nhìn thấy được một lằn đen chạy dài phía xa, thật xa, càng nhìn càng vui mừng vì tôi hiểu đó là bờ... Tôi nói với mọi người chúng tôi sắp được tới bờ rồi. Mọi người cùng lấy hết tàn lực đứng dậy, cùng vui, cùng khóc... Đúng lúc ấy thì có người trên tàu nhìn thấy một chấm đen đang lao nhanh về phía tàu của chúng tôi.
Lại tàu hải tặc nữa.
Anh bạn lái tàu cho tàu chạy hết ga, nhưng chấm đen này, càng lúc càng gần. Càng đến gần thì chiếc tàu này càng chạy nhanh hơn. Đúng là tàu Thái Lan. Tôi nghe tiếng la từ phía tàu Thái, tôi nghe tiếng la sợ hãi của những người trên tàu mình. Không kịp nữa, không kịp nữa...
Rầm, mọi người trên tàu chúng tôi bị hất tung, ngã bổ nhào. Chiếc tàu Thái kia cố ý tông vào tàu chúng tôi. Tôi chút xíu nữa là bị rơi xuống biển may nhờ tôi nắm lại được môt sợi dây thừng cột trên tàu. Những tên cướp Thái hung dữ cầm dao, cầm rựa nhảy qua. Chúng cột tàu của chúng tôi lại rồi lại kéo ngược lại ra biển khơi....
Chúng kéo tàu chúng tôi đi một đoạn thật xa, đi về đâu chúng tôi không biết, mọi người trên tàu hình như hết sức để la, chỉ có tiếng rên rỉ than trời. Nước đã tràn vào máy tàu, chạy được nữa. Số phận mọi người trên tàu lúc này chỉ còn giao cho bọn cướp Thái này. Chúng kéo tàu chúng tôi đi thật lâu, đến chiều thì chúng tôi nhìn thấy một hòn đảo và tàu của chúng hướng về hòn đảo đó...
Từ đằng xa, tôi không thấy nhà cửa nào trên hòn đảo này, không tàu bè, toàn là cây cối. Càng gần bờ thì nước thật xanh, thật trong, cát thật trắng. Bọn cướp dừng tàu lại, bỏ neo, môt vài tên nhảy xuống, mặt nước chỉ ngang bụng. Tụi nó la hét bắt chúng tôi nhảy xuống ra khỏi tàu. Chúng tôi người nào cũng sợ hải đều nháy xuống một cách yếu đuối, đàn ông thì dịu phụ nữ con gái, tôi nhảy xuống rồi mẹ của bé Mai bồng bé Mai trao cho tôi. Bọn cướp có chừng tám chín tên, tên nào cũng to con, tay cầm dao, cầm rìu....
Chúng tôi vào bờ thì chị biết nói tiếng Thái bắt đầu qùy xuống lạy lục, năn nĩ bọn chúng xin tha, mọi người cũng quỳ theo, có kẻ khóc lóc la làng... Bọn chúng như không nghe gì, lùa chúng tôi vào một chỗ... Chúng tôi ngồi sát bên nhau, chỉ có chị biết nói tiếng Thái là đang nói chuyện năn nỉ một tên chúa đảng....
Hoàng hôn gần xuống thi chúng bắt chúng tôi tắm rửa bằng nước biển, chúng lấy môt vài bộ áo quần cho những phụ nữ thay. Sau đó chúng còn cho chúng tôi ăn cơm với cá biển. Hình như chúng nó nghe được sự gian khổ, năn nĩ của chị biết nói tiếng Thái.... Tôi cho bé Mai ăn, nhưng ăn rồi lại ói ra, hình như bé Mai không còn sức lực nào nữa để ăn, chỉ uông được một ít nước. Tôi ăn xong thì cảm lấy lại được một phần nào sức lực...
Trời sụp tối, bọn hải tặc bắt đầu đốt lữa. Chúng dồn đàn ông qua một bên và đàn bà qua một bên... Ba tên cầm dao canh bọn đàn ông, tôi tay ôm bé Mai... Thật là tàn nhẫn, bọn chúng bắt đầu hãm hiếp những người đàn bà, con gái ngay trước mặt chúng tôi. Ông chủ tàu chỉ nhấp nhổm không yên thì bị đánh ngất ngư, sau đó thi chúng cũng vừa canh chừng vừa kêu từng thanh niên chúng tôi ra đánh cho nhừ tử. Tôi cũng cùng số phận. Sức người đâu còn nữa mà khán cự. Đánh bọn đàn ông xong, bọn chúng thay phiên nhau hãm hiếp hết người con gái này đến người đàn bà kia... chúng hảm hiếp trước mắt của chung tôi...Tôi đau đớn cả thân thế, chỉ biết ôm bé Mai... không ai còn than van nổi nữa. Cảnh man rợ cứ thế tiếp diễn. phụ nữ bị hảm hết lần này rồi đến lần khác... Ông chủ tàu nhìn vợ, em gái của mình bị hảm mà không dám kêu la, chỉ khóc ròng. Tôi nhìn thấy luôn cả chị biết nói tiếng Thái cũng bị tên chủa đảng cởi áo quần và đè chị ra....Trời ơi! Không còn lời lẽ nào có thể mô tả nổi.
Trời về khuya, chúng tôi chỉ còn sức mà ôm nhau bên bờ biển. Bọn chúng bỏ chúng tôi trên bờ, còn bọn chúng ra ngoài tàu của chúng... Tất cả đều thân tàn ma dại, đàn ông thì nhừ đòn, đàn bà con gái thì còn thê lương hơn. Tôi nằm ôm bé Mai, ôm Mẹ bé Mai đem hơi ấm còn lại của mình chia cho hai mẹ con.
Trời hừng sáng thì mấy tên cướp lại vào bờ, chị người Thái lại năn nỉ tên chúa đảng, tôi không hiểu chị nói gì, nhưng chỉ thấy chị lúc đứng thì chấp tay vái, đôi khi còn quỳ hẳn xuống dưới chân của hắn mà lạy lục... Chúng lại đem đồ ăn thức uống cho chúng tôi. Tôi nói mọi người cố gắng giữ lại cái mạng sống cho đến giây phút cuối cùng, tôi khuyên mọi người nên ăn và uống thì mới còn có sức mà chờ lúc ông trời có mắt nhìn xuống.
Còn có vài tên như chưa đã, chạy lại ôm chầm những cô gái mà dày vò. Không còn ai còn có sức để chống cự nữa, chỉ lặng chịu đựng, mọi người đành nhìn lơ đi để bọn chúng muốn làm gì thì làm.
Chiều đến thì bọn chúng lại bắt chúng tôi lội lại ra biển và lên tàu của bọn chúng. Người bồng kẻ bế, chúng tôi dìu nhau lên tàu của chúng. Chúng kéo luôn tàu của chúng tôi đi, dù tàu của chúng tôi đã bị chúng lấy luôn cả cái máy ra và thả nổi trên biển, nước ngập tràn tàu. Trên tàu chúng còn cho chúng tôi ăn tôi và sau đó chúng dồn tất cả đàn ông xuống hầm ướp cá lạnh, phụ nữ thì bị giữ phía trên để tiếp tục hành hạ. Chúng tôi không biết bọn cướp đang làm gì những người phụ nữ con gái kia. Trong hầm lạnh, tất cả chỉ yên lặng cầu nguyện... Tôi lắng nghe hơi thở thoi thóp của Bé Mai.... Tàu chạy, chạy thật lâu, chúng tôi bảy người đàn ông, một bé trai và bé Mai ôm chặt lấy nhau trong hầm tối lạnh lẽo.
Tia nắng chiếu qua khe hở của những tấm gỗ làm tôi tỉnh dậy. Trời đã sáng, chúng tôi ngủ trong hầm cá ướp lạnh này suôt đêm, không biết chuyện gì xảy ra cho những người phụ nữ con gái bên trên. Tàu vẫn chạy, tôi nhìn thấy tấm nắp hầm mỡ thì thấy ánh nắng mặt trời chói chang, đoán chừng thì cũng đã giữa trưa. Hai tên cướp ném xuống hầm tàu một bình nước và vài con cá luộc, chúng tôi chia nhau uống và chia nhau ăn. Không biết nói gì với tên cướp Thái, rồi tên cướp Thái đó lại đậy nắp hầm lại.
Qua khe hở tôi nhìn thấy trời dịu lại, thì biết cũng đã sắp hoàng hôn nữa rồi. Trời tối bọn chúng cho chúng tôi lên trên, ông chủ tàu nhìn thấy người nhà thì bò lại ôm chặt khóc lóc. Tôi nhìn thấy những cô con gái kia người nào chỉ còn xác không hồn, mặt mày xanh mét. Mẹ của bé Mai cũng vậy chỉ có nằm đó, mặt xanh lét vì sợ hãi. Tôi ngồi bên cạnh để bé Mai nằm gần mẹ của nó. Chị biết nói tiếng Thái còn chút tàn lực cũng vẫn quỳ bên cạnh tên chúa đảng mà năn nĩ....
Trời càng lúc càng về khuya, từ đằng xa xa tôi lại thấy những ánh đèn lấp ló của bến bờ. Chúng tôi cùng nói nhỏ với nhau sắp đến bờ rồi. Chị biết nói tiếng Thái, nói với chúng tôi là tên chúa đảng đã nói với chị là sẽ thả cho chúng tôi va đưa chúng tôi vào bờ biển của Thái Lan....Ông chủ tàu, cùng một vài người nữa, cũng như tôi, nắm tay chị tỏ lòng cảm ơn chị. Chị lại nhắc nhở, cô gắng sống, tất cả hãy cố gắng sống, chúng mình sắp vào bờ rồi....
Những ánh đèn lấp lánh càng gần, nhưng rồi tàu của bọn cướp lại đổi hướng đưa chúng tôi đi xa dần những ánh đèn này, chúng nó tắt đèn trên tàu. Tàu vẫn chạy trong bóng đêm, tôi chỉ có thể nhận được là tàu đi gần tới bờ thấy bờ nhưng không còn thấy những anh đèn đó nữa. Trời tối như mực, chúng bật ngọn đèn pha chiếu vào bờ rồi tắt ngay, lại bật lên rồi tắt. Tôi nhận được là bờ chỉ còn khoảng trăm thước, chúng cho tàu lại gần bờ rồi tắt máy. Bọn chúng bắt đầu xô một vài người xuống, những biển vẫn còn sâu, tôi chỉ nghe tiếng la cứu tôi, cứu tôi, tôi không biết bơi....Đèn lại bật lên, và chúng thảy phao cho mấy người dưới biển nắm lấy và vớt những người đó lên tàu lại...Chị nói tiếng Thái nói lại là ông chúa đảng nói là đừng la hét vì ông cũng không muốn mình bị phát giác...Tôi thấy hai tên cướp tay cầm dây thừng bơi vào bờ. Một lát sau thì ông chúa đảng đến bên chúng tôi nói là chúng tôi hày bám vào dây thừng này mà vào bờ...chúng tôi đàn ông thanh niên thì nhảy xuống bám dây vào bờ, đàn bà thì lần lượt được mỗi tên cướp ôm lấy môt cô lần lượt và dùng dây thừng đó đưa vào bờ. Một tên cướp nhân từ ôm lấy bé Mai cho tôi, nhảy xuống trước tôi nhảy theo và theo tên cướp ấy vào bờ.
Trời tôi như mực, chúng tôi mười tám người lần lượt vào bờ trong yên lặng...Ánh đèn pha trên tàu cướp sáng rồi lại tắt hai ba lần rồi chạy đi. Trong bóng đêm ông chủ tàu ôm lấy người thân, chúng tôi ôm nhau trong đêm khuya lạnh giá của gió biển. Mọi người mệt nhòi không biết nơi này là đâu, lạnh thật lạnh, tôi cám giác cả thân thể mình run cầm cập, hai hàm răng cứ gõ vào nhau. Tôi ra sức và bảo mọi người dùng cát biển để chôn thân thay mền cho ấm chờ sáng mai. Tôi ôm bé Mai, mẹ của nó, và tôi dùng tay lấp phủ cát che thân cho bé Mai, cho mẹ nó và cho tôi....Trong bóng đêm tôi còn nhìn thấy chiếc tàu gỗ con con của chúng tôi đang bị sóng biển đánh vào bờ....
Trời hừng sáng, chúng tôi, những con người thân tàn ma dại, dìu nhau đi vào bên phía trong của bờ biển đó hy vọng tìm được người. Đi vào mấy trăm thước thì mới thấy những căn chòi, nhà ở của dân ở đây. Họ nhìn thấy chúng tôi, chị biết nói tiếng Thái lại nói chuyện với họ. Tôi thấy một vài dân làng đem nước, đem đồ ăn, và một vài tấm vải che thân cho mấy người con gái trên tàu của tôi....Tôi cõng bé Mai trên vai, thân trần, mãnh quần đùi đã mục nát. Dân làng chỉ cho chúng tôi đường đi ra đường cái... Chúng tôi được một vài người dân làng dẫn lối đi đến con đường lộ. Ra đến đường lộ thì tôi gặp được một cảnh sát Thái đang chạy moto, tôi chỉ bé Mai trên tay...she is dying, please help us, please save her....tôi nói tiếng Anh với ông cảnh sát Thái. Ông cảnh sát Thái bảo mọi người chúng tôi ngồi bên đường chờ, rồi bảo tôi bồng bé Mai ngồi sau xe moto của ông ta và ông ta bật đèn cấp cứu lái xe đi.....
Xe moto chạy đi, tôi để ý đây là một làng quê, không phải thành thị, mà là ngọai ô. Tôi mệt nhòai, nhìn bé Mai trong cơn hấp hối, mắt trợn tròng, hơi thở yếu ớt. Ông cảnh sát lái xe càng lúc càng nhanh. Xe đến một bệnh xá của làng này. Tôi ôm bé Mai chạy vào, tôi nhìn thấy một người mặc y phục trắng của nhà thương, tóc vàng... tôi chỉ còn nói được please save us, please save us..., rồi lăn đùng té xuống sàn nhà, không còn biết gì nữa.
Tôi tỉnh lại thì được cô y tá trong bệnh xá cho biết là tôi đã mê man hai ngày. Tôi nhìn thấy bé Mai đang nằm ngủ với mẹ của nó trên một chiếc giường bên cạnh của tôi... tôi mỉm cười... Cô y tá cho biết she is going to be fine, she will live,... và cũng cho tôi biết tất cả mọi người bạn của tôi đều bình yên và đang nằm trong những phòng bên cạnh. Nghe được tiếng Anh thì tôi yên lòng...biết mình không còn mơ nữa, không còn trong cơn ác mộng nữa......
Tôi nằm trên giường bệnh, tôi nhìn quanh trong phòng bệnh, thấy một tấm lịch trên tường, Ngày, Tháng Mười Một... Chuyến đi của tôi đã kéo dài gần ba mươi ngày....Thật dài, thật dài... Tôi ngồi dậy, cảm thấy choáng váng, tôi nói với cô y tá, tôi muốn qua giường bên cạnh của bé Mai. Cô y tá đỡ tôi, tôi yếu hẳn đi, bước đi xiểng liểng, đến bên giường bệnh của bé Mai, bé đang còn ngủ, bé thật xinh, tôi nhè nhẹ xoa trán bé. Tôi nhìn mẹ của bé, người mẹ này cũng đã hy sinh cho đứa con, cũng đã chịu nhiều gian nan và khổ ải...dì cũng đang còn ngủ. Tôi nhẹ nắm tay dì, dì uể oải mỡ mắt nhìn, thấy tôi dì mỉm cười. Tôi ôm dì và nói...chúng mình đã đến nơi bình an rồi...dì mỉm cười.
Tôi đi qua những phòng bên cạnh, nhìn thấy ông chủ tàu và gia đình, nhìn những người thanh niên cùng số phận, người nào tôi cũng nói là chúng mình đã bình yên đến nơi rồi. Có người ôm mừng lấy tôi, có kẻ bắt tay vui vẻ, có mấy cô gái không ngại ngùng ôm tôi còn rơi nước mắt vì mừng mừng tủi tủi...
Hai mươi người đi, mười tám người đến, hai người bạn của tôi xấu số vì cứu chúng tôi trong cơn bảo mà mất đi...Chúng tôi như những người thân trong gia đình, đã cùng trải qua một chuyến đi, môt cuộc hành trình mà tôi có lẽ sẽ cố gắng quên đi.... sẽ cố găng quên đi.
...
Một buổi sáng sớm, mặt trời đang từ từ lên, tôi đi dạo trên bờ biển trong ánh nắng bình minh, trong cái không khí của miền quê trên đất người, đứng nhìn xa xa biển hướng Đông...Tôi bỗng dưng quỳ xuống mắt nhìn hướng biển, nước mắt bỗng dưng lại trào ra...tôi nói lớn với biển Đông, với Mẹ, với dì Tư... Mẹ ơi, Mẹ Tư ơi, con đi được rồi, con đến được bờ bên này rồi, con khóc lại được rồi... Cảm ơn Mẹ, cảm ơn Mẹ Tư..... Tôi oà khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc.

Võ Tâm Huy

Ý kiến bạn đọc
27/07/201121:03:41
Khách
Cám ơn tác giả ,đă kể lại chuyến vượt biên hải hùng...đoc xong không cầm đươc nước mắt. Tôi cũng là thuyền nhân, chuyến đi của tôi may mắn không có gặp hải tặc Thái Lan vì đi về hướng Mă Lai.
Hận tụi hải tặc một, hận csVN mười! .Cũng vì chúng đối xử tàn ác vối dân , cho nên dân mới liều mình một sống một chết vượt biên,vượt biển ra đi, và mới có nhửng thảm trạng đau đớn xảy ra ...Lịch sử sẽ ghi lại nhửng tội ác này cúa csVN!!!
27/09/201100:25:54
Khách
Bài viết quá đau thương về những người vượt biển tỵ nạn! Tôi vẫn tin rằng giết người thì bị người giết, hại người thì Trời hại! Có lẽ những tên hải tặc và vợ con chúng đã bị sóng thần quét vào Thái Lan nhiều năm trước tiêu diệt hết rôi... Nhưng nghĩ cho cùng bọn Thái đối xử với dân tỵ nạn khác nòi giống như thế thì đã đành, còn bọn chó VC đối xử với đồng bào của nó gấp trăm lần dã man khốn nạn thì không ai có thể hiểu nổi!! Như đã nói ở trên, ngày tàn của chúng không xa vì Trời có mắt mà Thiên lại bất dung gian... Cám ơn tác giả đã chia xẻ.
25/07/201101:36:37
Khách
Cảm ơn Tâm dã kể lể tỉ mỉ các chi tiết của cuộc vượt biên hãi hùng làm nguời đọc hình dung ngay trước mắt sự việc diễn ra ra sao...So với chuyến đi này thì chuyến ghe tôi quá lucky,ghe đi từ Nhatrang bị bão từ PHI thổi qua, phải tiến lên phía Bắc mất 10 ngày, trời biển êm lặng, ghé đảo HẢi nam ngủ 1 đêm , mua bổ sung dầu và gạo nước,rồi qua tới Hong kong 2 ngày sau.
25/07/201114:05:16
Khách
Rất cảm động khi đọc câu truyện của anh Võ Huy Tâm. Tôi cũng là một cựu Thuyền Nhân cuối thập niên 80' ... Chuyến đi của tôi cũng gian nan không kém gì chuyến đi của tác giả! Tôi đi và đã đến qua bao nhiêu gian nan cùng cực ... và tôi đã không quay về VN từ ngày đó.
26/07/201103:21:16
Khách
Tôi quá may mắn được qua Mỹ theo diện đoàn tụ, đi bằng máy bay cũng nhờ em trai tôi đi vượt biên. Em tôi qua đảo viết thơ về dặn gia đình đừng nên vượt biển nữa vì chứng kiến bao cảnh khổ sở, thương tâm của người vượt biên. Sống với CS mười mấy năm, hiểu rõ bản chất của chúng nên tôi nguyện ngày nào bọn CS còn cai trị VN thì tôi sẽ không về. Những năm sống dưới chế độ VNCH là những năm tháng đẹp nhất của tôi dù gia cảnh không giàu, không dư thừa vật chất như ở xứ HK này. Chúng ta không cần bọn CS tràn vào giải phóng. CSVN đã xô đẩy chúng ta vào con đường tha hương nơi xứ người, bao nhiêu người đã bỏ mạng, bao cô gái đã bị hải tặc hãm hại, bao gia đình đã ly tán...Xin đừng quên những điều đó mà quay lại hợp tác với CS. Xin đừng phản bội vong linh của bao chiến sĩ VNCH đã hy sinh cho đất nước.
26/07/201114:56:15
Khách
Chị Mai cho ý kiến quá hay. Mong rằng mọi người VN đều đọc được bài viết này để thấy rõ nỗi khổ đau của những người vượt biên tìm tự do. Nếu không có bọn CS dã man bày trò sau khi cưỡng chiếm miền Nam, đâu có cái cảnh thương tâm xảy ra như ở đây. Tôi xin mong những nạn nhân này sẽ tìm lại sự bình an trong tâm hồn và xin bất cứ ai có ý định quay về VN hợp tác với CS hãy suy nghĩ lại hành động của mình. Bài này đăng đúng vào lúc ông Nguyễn Cao Kỳ vừa lìa đời nên tôi càng khing bỉ ông ta, vợ cũ, cô con gái rượu NCKDuyên. Một đám người không biết liêm sỉ là gì!!!
28/07/201112:54:41
Khách
Cám ơn tác già, tôi dù chưa một ngày sống với tụi cộng sản vô thần, nhưng thù ghét chúng vô cùng. Tôi hoàn toàn đồng ý với cô Mai. Rất tiếc có rất nhiều người diện đủ lý do để trở lại VN du hí. Thậm chí có người còn bảo là vì cha mẹ già. Mấy ông HO thì người nào cũng trên 6 bó thì cha mẹ còn đâu mà về thăm?

Hy vọng bé Mai hiện giờ đã trưởng thành và trở thành người hửu dụng, và nhất là đừng nhớ những gì cháu đã chứng kiến trên tàu.

Tuyết Mai

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,323,006
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.