Hôm nay,  

Tiếng Việt Của Tôi

05/07/201100:00:00(Xem: 275476)
Tiếng Việt Của Tôi

Tác giả: Vành Khuyên
Bài số 32194-12-28524vb3070511

Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1965 tại Saigon, thứ nữ một gia đình H.O. Công việc đang làm: nhân viên xã hội tại Salem Oregon. Sau đây là bài viết mới nhất.

***

Tôi tình cờ đọc được ý kiến một bạn đọc viết dưới bài của tôi phàn nàn về cách tôi dùng chữ. Tôi đã dùng chữ “chất lượng” thay vì có thể dùng chữ “phẩm chất” theo người đó là đúng hơn.
Khi đọc những dòng chữ này, tôi biết ơn bạn đọc này vô cùng, không phải vì bà ta đúng khi sửa tôi mà tự đáy lòng tôi biết ơn sự trăn trở và suy nghĩ của bà trong việc sử dụng ngôn ngữ, không chỉ trong bài viết của tôi mà có thể trong các bài viết khác, của các tác giả khác.
Điều rất khó tránh khi đọc văn là chúng ta dễ gặp phải cái gọi là " sạn " trong một bài viết. Các tác giả, dù không cố tình nhưng đôi khi vẫn khiến bạn đọc có cảm giác không "đã" hay "chói tai" vì chữ hay từ (ngữ) nào đó trước năm 75 người ta không dùng.
Khi tôi vào đọc tin tức thế giới trên mạng, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, nhiều bài viết tiếng Việt thật sự làm tôi bất mãn, dùng chữ rất là sáo rỗng. Đã có lúc tôi nghĩ, chữ nghĩa cứ phát triển kiểu này, không chừng 5 hay 10 năm nữa, tôi sẽ hết chịu nổi khi đọc. 
Dĩ nhiên tôi toàn quyền lựa chọn, tôi có thể tìm chỗ khác mà đọc, nhưng người ta ai cũng có quyền viết theo kiểu họ muốn. Tôi có quá đáng không, khi chỉ thấy tiếng Việt của mình là thuần tuý, còn tiếng Việt của người khác là sáo rỗng.
Ngôn ngữ không tự nó quyết định sự phát triển mà tuỳ thuộc chiều hướng phát triển chung của xã hội. Tuỳ theo nhu cầu giao tiếp của xã hội, ngôn ngữ sẽ có thêm những từ mới mẻ để thích ứng và đóng góp vào những đặc trưng của thời nó sinh ra. Tôi còn lạ gì.
Thật sự vào cái mốc 1975, tôi mới 10 tuổi, lúc đó tôi mới học lớp 4. Tiếng Việt của đứa nhỏ 10 tuổi có là bao hả bạn. Viết một bài luận tả ngay chính người mẹ mình còn chưa xong. Tôi ở Việt Nam cho tới 24 tuổi thì đi Mỹ định cư. Tôi có 14 năm tiếp cận với xã hội của chế độ đương thời tại Việt Nam. Phải nói cho công bằng rằng, dù cùng chế độ nhưng xã hội bị khép kín thời đó rất khác với xã hội tại Việt Nam bây giờ và tôi cũng không thể quy đồng hai giai đoạn khác xa nhau này, dù vẫn cùng một chế độ. Cũng như tôi nghiệm ra nét văn hóa trước 75 mà đa số bạn đọc của Việt Báo tiếp cận cũng khác rất xa những gì tôi tiếp cận khi tôi còn là cô bé 10 tuổi.
Cũng như không quá đáng lắm nếu nói tiếng Việt của tôi chẳng giống ai. Mà tiếng Việt của bất cứ ai cũng có nét riêng do kinh nghiệm đời sống và văn hóa người đó tiếp cận, so sánh làm sao được. Bảo đừng dùng chữ này, chữ nọ, phải dùng chữ kia vì thời trước dùng như vậy, tôi e chỉ là ý muốn chủ quan. Dù sao, để nói cho công bằng, trong chừng mực nào đó tôi cũng không thể ngăn bạn đọc không có thiện cảm những chữ tôi hay người khác dùng được vì đó là tự do của họ.
Khi mới định cư, nếu bạn cho tôi thổ lộ, tôi sẽ nói với bạn rằng, khổ lắm, tiếng Việt không buồn nhớ, tiếng Anh thì không rành, tôi thật sự không biết mình sẽ tồn tại ra sao trong cái thế giới tôi không còn nhìn ra được chính bản thân tôi là ai. Ít nhất là 5 năm đầu tôi trăn trở vô cùng. Những bà giáo ESL rất tế nhị, không nỡ sửa đỏ loè bài luận tiếng Anh của tôi, nhưng tôi biết, dù có cả 14 năm học tiếng Anh tại Việt Nam, những bài luận đó của tôi còn thua xa một học sinh tiểu học. Nhưng có sao đâu à, tôi vẫn phải viết, vẫn phải tiếp cận, vẫn phải học và hiểu rằng tôi dù có muốn ngừng học cũng không được vì ngừng là chết liền.
Khi mới nhận việc tại sở xã hội, cô nhân viên người Việt trước tôi đưa cho bài thi thử việc là một bản đơn tiếng Anh đòi tôi dịch bản đó ra tiếng Việt. Thú thật cô biết tôi biết tiếng Việt chứ không phải không, biết theo kiểu nào, nói được, đọc được hay viết được cho người Việt hiểu, chứ không cần viết hay. Thử vậy thôi chứ khi tôi được nhận vào làm thì cũng chỉ là người ta đặt lòng tin đại vào tôi và vận may đến với tôi chứ chưa chắc tiếng Việt của tôi hay hơn người khác.

Bất cứ thứ tiếng nào cũng vậy, dù là tiếng mẹ đẻ, khi bạn không dùng thường xuyên nó cũng mai một đi. Ngoài ra ngôn ngữ là văn hoá, ít nhiều gì cũng có sự bất đồng, nhất là những gì từ thực tế, xã hội Việt nam không có thẻ xanh thì cái tiếng Anh họ gọi là Permanent Resident Card tôi chả biết dịch ra làm sao cả. Tôi dịch trong bản dịch thử việc là thẻ xanh còn đúng ra phải gọi là thẻ thường trú. Nhưng thẻ xanh hay thẻ thường thú gì cũng là theo nghĩa chữ, còn nghĩa về văn hóa, xã hội thì giữa hai đất nước không có tương đồng, ai đến định cư nơi đây mới hiểu thôi.
Hệ thống đơn từ cho khách đến xin trợ cấp dù có cố làm đơn giản thì cũng không tránh được những hiểu lầm, người bản xứ còn lầm chứ đừng nói chi người mới nhập cư. Ở đây tôi không bàn tới cái chuyện cố tình lầm. Khi được gửi đơn xin trợ cấp bằng tiếng Anh, những khách người Việt nam của tôi họ phàn nàn không hiểu đơn nói gì. Khi tôi đổi lại gửi đơn bằng tiếng Việt, họ cũng gọi tôi bảo chị ơi em không hiểu. Ủa vậy tôi phải làm sao. Ý họ thật sự là gì tôi không biết nhưng đây không còn là vấn đề tiếng Việt hay tiếng Anh mà là sự sẳn lòng cung cấp thông tin cho nhân viên xã hội chuyển tải vào hệ thống của nhà nước để ra lợi nhuận cho họ.
Người Việt nam rất thông minh và sáng dạ, đôi khi sử dụng sự thông minh đó hơn mức cần thiết để nói ra những điều hơi ngớ ngẩn mà chính tôi, trung gian của hai bên, khách và nhà nước, cũng phải kỷ luật và nghiêm minh với chính mình lắm mới tìm ra được cách giải quyết mà không sợ mất lòng họ hay không làm mất lòng tin của sở.
Có những điều trong đời không trắng không đen, dù tôi biết đen mà chưa ai biết đen, tôi tự học bài học không nói ra cho tới khi cái người đã từng cho không đen tự xác nhận là đen. Mắc chi tôi phải nói ra cho mất lòng. Tôi rất cám ơn sự tương đối rõ ràng trong luật trợ cấp của Mỹ có thể giúp tôi làm việc công minh mà không sợ bị đổ cho là không biết tiếng Việt hay không đủ tiếng Anh. Tôi có đủ cả, chỉ có người không thích quyết định của tôi nhận định khác đi để mong làm tôi nổi giận.
Trước đây tôi cũng dễ nổi nóng, tôi buồn và rất buồn khi cả khách Mỹ, lẫn khách Việt tỏ thái độ nặng nề, khi quyết định của tôi không vừa ý ho.ï Đã có lần họ dùng những lời lăng mạ nhiều hơn mức cần thiết để cho tôi hiểu tôi chả giúp gì cho đời sống đang khốn khó của họ. Tôi đau lòng cho ho. Có thể họ đang thiếu cái này cái kia, nhưng cái cách nhà nước bắt tôi nhìn họ là không thiếu. Như vậy vấn đề là sự khác nhau giữa hai cách nhìn thôi, chả dính líu gì tới bản thân và tư cách của tôi. Nghĩ được như vậy, tôi mới ngồi ở công việc này tới tháng 6 năm nay là 18 năm rồi.
Cũng giống như bạn đọc bảo tôi dùng chữ của Việt cộng, thật sự tôi còn một chữ Việt nào để mà dùng tôi biết ơn chữ đó. Tôi đọc tin tức trên mạng mỗi ngày, chữ nào tôi thích tôi sẽ giữ đó để mà dùng hay có thể tự nó đã đi vào trong đầu tôi hồi nào không hay. Chữ nào tôi không thích hay bản thân tôi thấy không đúng thì có đọc và thấy cả bao nhiêu lần nói thật tôi cũng chẳng dùng làm gì.
Tiếng Việt tôi đang sử dụng nó mang bản sắc cá nhân tôi, con người tôi và lòng tự trọng tôi có cho tiếng mẹ đẻ khi tôi đang sống tha hương. Ai không thích chữ tôi dùng đều có quyền nói lên suy nghĩ của họ. Tuy nhiên khi thấy tôi dùng đi dùng lại xin đừng phật ý và cho đó là không đúng và quy tôi vào một thể chế chính trị nào đó. Lý do là vì vốn tiếng Việt đó là từ cá nhân tôi, bạn không dùng vì bạn cho đó là từ của Việt cộng là quyền của bạn. Chữ nghĩa chả có tội gì cả, nó chả mang một màu sắc chính trị nào hết, chỉ có con người gán cho nó màu sắc đó vì họ muốn mà thôi.
Tôi chẳng là nhà văn, nhà thơ chi, tôi chỉ nguyện làm một người Việt đúng nghĩa trên mảnh đất đã cho tôi rất nhiều cơ hội được hiểu chính tôi là ai trong cuộc đời này.
Xin cảm ơn một ngày nữa tôi có trong tầm tay, được viết, được đọc và được cảm tiếng mẹ đẻ cúa mình như ngày hôm nay.
Vành Khuyên

Ý kiến bạn đọc
13/08/201113:56:08
Khách
Tôi đã đọc các bài viết của Vành Khuyên khoãng 10 năm nay, không chỉ tại Việt Báo, mà còn từ các website khác như Đặc Trưng, Thư viện Việt Nam, Trinh nữ,... Nói chung, các bài văn và thơ của Vành Khuyên cho thấy cuộc sống và cách suy nghĩ riêng của cô. Xin chúc Vành Khuyên cùng hai cháu nhiều sức khoẻ và bình an.
05/08/201104:01:31
Khách
Thưa Anh Bắc Sang
Dạ anh viết rất hay.
Hehehe sau mấy cái post tui bị stress trong sở cộng vô thế là tui không vào nữa cho thiên hạ đỡ tốn thời gian.
Người thẳng thắn như tui ai muốn bẻ cứ bẻ, tui bẻ lại không sớm thì muộn à
Sau cơn mưa trời lại bão hihihi í quên lại sáng, anh đừng lo.
Anh và gia đình an lành nhé.
12/07/201117:06:37
Khách
Xin lỗi mọi người vì tui vẫn còn bức xúc vì sự cố trên đây nên xin được góp ý thêm .Nếu mọi người nhất trí đồng ý thì xin cho tui biết thêm ạ .

Từ lâu tui vẫn thích đọc bài của Vành Khuyên vì tui thấy bài cô viết chất lượng cao . Đọc các bài của cô viết , tui nắm được hết ý những gì cô viết, quán triệt dễ dàng.

Đọc đôi lời về tiểu sử của cô, qua Mỹ diên HO , có nghĩa qia đình cô là NGỤY , đúng không ??? Nếu cô cho tui số phone hay email để mình liên hệ được với nhau thì hết ý .Tui khẳng định là như vậy đó .


Nếu biết mình sai mà vẫn không chịu sửa thì đúng là 1 lũ nguỵ quân , nguỵ quyền , ngoan cố . Cô có nghĩ như vậy không ???

12/07/201116:50:28
Khách
Những tư duy của Vành Khuyên cũng giống như tui vậy đó . Khi qua Mỹ , tui hồ hỡi phấn khởi muốn quản lý đời 1 cô nào qua Mỹ trước tui cho lòng đỡ trống trải .Sau đó tui sẽ đi đăng ký mướn 1 căn hộ 3 phòng chất lượng để tranh đấu, hy sinh đời bố ,củng cố đời con. Với ngoại hình hoành tráng , tui tưởng là các cô bên Mỹ sẽ tranh thủ sắp hàng cho tui tha hồ lựa chọn chớ . Té ra tui lầm to . Người Việt hải ngoại họ không hiểu tui nói cái chi hết . Làm sao bây giờ . Tiếng Việt của tui chỉ có vậy thôi . Quý Vị thích thì đọc , không thích thì thôi , chỉ trích nhau làm gì , mệt quá .

Xin hỏi chị Vành Khuyên , tui viết như vậy chị đọc được không ???
11/07/201116:29:35
Khách
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của chị Mai Thu. Nếu đã biết chữ mình xài không đúng mà cứ vẫn tiếp tục xài, nhất là những từ ngữ "quái đản" của Việt Cộng thì quả là không nên. Vốn liếng tiếng Việt của tôi không nhiều nhưng tôi rất "nhức óc" khi nghe/đọc những từ ngữ như sự cố, khẳng định, nhất trí, liên hệ (thay vì liên lạc), hoành tráng, bức xúc, ... Nếu cứ tiếp tục xử dụng chúng thì không khác gì vô tình truyền bá những từ ngữ tối tăm trong văn chương tiếng Việt. Đó là thiển ý của tôi.
13/07/201105:52:19
Khách
Hình như VK tui đang bị cả gia đình họ hàng chị Mai Thu vô chính nhà tui làm phiền. Người Việt mình dở chỗ đó. Thích đánh người khác vì họ không giống mình. Tui còn lạ gì chuyện này.
Những chữ anh dùng, tui nói thật mấy anh nón cối họ dùng, tui không dùng, anh thích dùng cứ dùng.
Chị Mai Thu không thích chữ phẩm chất tui dùng, và đề nghị tui dùng chất lượng, tui thích dùng chữ gì kệ tui, ai dám làm gì tui hông
Thật sự mà nói, biết mình nói gì mới khó, nói bừa bãi, vô bề hội đồng một tác giả như vầy là quả là một hiện tượng không được lành mạnh mà tôi đã gặp rất nhiều trên nét.
Yêu cầu mọi người còn tự trọng cho chính bản thân mình.
Chúc an lành tất cả.
13/07/201105:46:20
Khách
Thưa Anh Bắc Sang
Xin cám ơn anh lời tặng.
Anh cho phép tôi trả lời sự thẳng thắn và thành thật tôi có từ bài viết này. Chúc anh và gia đình luôn an lành ạ.

Thành Thật
Vành Khuyên
Tôi thành thật không phải do tôi muốn. Thật, nói bạn không tin.

Tôi thành thật vì tôi phải thành thật. Tôi hiểu khi người ta vì lý do nào đó nghi tôi hay biết tôi không thành thật thì tự tôi đã hạ giá trị con người tôi xuống chứ không phải người ta.

Ngày mới nhận việc, tôi sợ bị đuổi, bị hạ nhục và bị nói những câu cà chớn riết tôi phải cà chớn lại cho đỡ căng thẳng trong người. Khi người ta chất vấn, tất nhiên là tôi phải dấu nhẹm sự cà chớn của mình vì sợ bị đuổi việc chứ sao. Lúc đó tôi thấy mình hèn, tôi còn nhục hơn nữa. Tôi đã đem lên bàn cân cân hai thứ hèn đó. Bị hạ nhục có hèn thiệt không hay là bị tự ái. Còn bản thân mình nói láo là do mình mình có thể ngăn chặn được.

Thế là tôi tập thành thật. Dù tôi có sỉ nhục lại người khác tôi cũng khai với chủ khi người ta hỏi vì tôi nắm được bản chất của mình và bắt người ta phải công nhận một điều là không có lửa thì không có khói. Người ta mướn tôi vào làm giấy tờ chứ không mướn tôi làm bình phong.

Vậy nên khi một xã hội có đủ quyền năng để quản lý con người và tạo cho họ được cái cảm giác nếu họ thành thật, họ sẽ có nhiều cơ hội và sẽ được tôn trọng hơn thì xã hội đó đã thành công trong việc giáo dục công dân của mình. Dù tôi biết rằng vẫn còn đâu đó trong cuộc đời những người phải không thành thật để tồn tại.

Cho Một Ngày.



13/07/201106:36:30
Khách
CS cấm tui không được nói Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại VN nên tui mới được qua đây.
Ở đây, khi tui dùng chữ chất lượng thay vì phẩm chất thì bị nói là VC.
Hhahaha người VN đi đâu cũng y chang, qua tới Mỹ cũng chưa biết tận hưởng tự do.
Ai mà tìm thấy trong bài tui có chữ hoàng tránh hay này nọ, đem ra tui coi chơi.
Nói chuyện không có cũng nói.
Nếu ghét CS điều gì, đừng làm điều đó mới hay.
Tui thuộc thế hệ biết phải trái, không sợ bạo lực. Tui bị bạo hành khá nhiều tại sở tui mới thầm biết ơn luật pháp ở đây bảo vệ quyền con người thay vì luật rừng như ở VN.
Tui là ai kệ tui được hông, tự nhiên tui dùng chữ phẩm chất quy tui ra CS
Vô lý.
13/07/201113:33:58
Khách
Ở Sài gòn , Cô Vành Khuyên có học trường Chu Văn An không ? Và cô có biết “ Thất Trảm Sớ” ? Tôi rất thích đọc mục VVNM của Việt báo vì những bài viết là tâm sự của chính người Việt chia xẻ cho nhau tâm sự buồn vui nơi xứ người. Những thành công, thất bại trong cuộc sống . Những ưu đãi cũng như cả sự kỳ thị không tránh khỏi tại xứ sở ta đang sống . Đoc để biết người và biết mình . Những tác giả hầu hết không phải nhà văn, nhà báo nên bài viết chỉ dàn trải lại sự thật mình chứng kiến . Chúng ta nên cám ơn Việt báo đã mở mục này để tạo điều kiện cho ngươì Việt ở hải ngoại hiểu rõ nhau hơn về cuộc sống nơi xứ người . Hiểu nhau để thông cảm và yêu thương,vì cùng là những người đồng cảnh ngộ.Và trên tất cả , hình như hầu hết chúng ta cũng chỉ là những người dân Việt bình thường ? Cũng có những người từng có chức quyền nhưng đó chỉ là số nhỏ.
Xin chúc tác giả Vành Khuyên và gia đình hạnh phúc, vui vẻ.
14/07/201119:07:01
Khách
Phẩm chất = Quality
Chất lượng = Quantity

Tôi biết chắc VK hiểu hai chữ quality và quantity vì cô đã nghe được nhạc country của Mỹ và còn hiểu được lời nhạc .

Hai chữ này có 2 nghĩa hoàn toàn khác nhau . Không thể dùng phẩm chất để thay thế cho chất lượng hoặc ngược lại . Chỉ có tụi Vẹm dốt mới dùng ngôn từ ngược ngạo như vậy thôi.

VK dùng chữ không đúng . Một độc giả đề nghị VK đừng dùng những chữ sai lạc như vậy nữa. Nếu như tôi thì tôi sẽ cám ơn vị độc giả đó và sẽ để ý hơn. (Người nào chỉ trích ta mà chỉ trích đúng, người đó là thầy ta. Nhân vô thập toàn. Ai cũng có lúc sai. Chỉ có thánh nhân mới không sai thôi VK à ).

Trắng là trắng. Đen là đen. Không thể nào chỉ trắng rồi nói đó là đen được.

Thế nhưng VK lại không chịu nhận mình dùng chữ không đúng. Cô viết 1 bài tràng giang đại hải, thanh minh thanh nga rằng tại vì cô lớn lên dưới chế độ CS nên cô bị ảnh hưởng. Cô muốn dùng chữ nào mặc kệ cô....blah blah blah. Cô nghĩ thế nào nếu 2 con cái cô cũng sẽ trả lời cô như vậy .

Đây là lần chót tôi trả lời cô. Life is too short . We will just have to agree to disagree about this subject vậy . Please move on.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,192,959
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến