Hôm nay,  

Bố Việt Nam và Đức Tính Bố

03/06/201100:00:00(Xem: 298532)

Bố Việt Nam và Đức Tính Bố

Tác giả: Nguyễn Trung Tây
Bài số 3193-12-28493vb6060211

Father's Day tại Hoa Kỳ năm nay sẽ là Sunday, Jun 19, 2011. Nhân “Ngày của Bố” xin mời đọc sớm một bài viết đặc biệt. Tác giả là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Với nhiều bài viết giá trị, ông là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010.
Bài mới của tác giả lđược giới thiệu như sau: Con mốc 75 đã mang ra khỏi Việt Nam nhiều triệu cuộc đời Việt Nam tới những vùng đất mới. Ở nơi đó, những bố Việt Nam đối diện với một số dị biệt văn hóa. Nhưng ông bà mình đã dậy, “Nhập gia tùy tục”. Bây giờ sinh sống ở hải ngoại rồi, đức tính mới nào bố Việt Nam cần phải có trên những vùng đất mới"

***

Một vòng quay thường lệ, Lễ Bố lại về. Tôi ghé vào nhà người thân, gặp hai ông bố Việt Nam đang ngồi tâm sự với nhau về thân phận đàn ông xứ người. Thấy tôi, ông bố Việt Nam thứ nhất mở miệng than thở,
— Giời ạ! Thằng con trai thì nó rúc rúc trong phòng, chát chát tối ngày với bạn bè, tới giờ cơm gọi chán như gọi đò sang sông cũng không thấy mặt mũi đâu sất. Còn đứa con gái thì mới nứt mắt ra mà đã son với phấn, người thì lúc nào cũng sực mùi nước hoa CK, sểnh ra một cái thì biến mất dạng. Mình có muốn nói chi thì nó cứ nhấm nha nhấm nhẳng như chó cắn ma, “I know! I know!”, y như cái ông gì đó trong truyện Số Đỏ, “Biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Cái ngữ này, biết thế hồi xưa sinh ra trái trứng. Ghét, cho vào nồi luộc. Tức, bóc vỏ ra ăn thì chắc đỡ tức hơn!
Thấy cảnh nhà vắng vẻ, tôi ái ngại hỏi,
— Vợ ông đâu rồi" Tới đây bao nhiêu lần rồi mà đố có mấy khi thấy mặt nội tướng nhà ông…
Ông bố thứ nhất chỉ tay về hướng sòng bài nổi tiếng của phố,
— Kia kià. Ông cứ ra đó đứng nhìn vào thì nom thấy ngay. Hai tay hai máy…
Tôi miệng phân ưu với ông bố Việt Nam mà lòng buồn thiu. Chán chết! Mình đang rầu thối ruột mà gặp phải những ông bố như thế này, thì đời đang hạnh phúc cũng hóa tối om.

I. Nhập Gia Tùy Tục
Mà hình như làm bố Việt Nam trên đất người thiệt tình là không khá.
Tức! Muốn phát cho thằng con hỗn như gấu mấy roi cũng phải cẩn thận, bởi coi chừng nó nhấc phôn gọi cảnh sát. Tù mọt gông!
Còn vợ bây giờ thì lại càng đúng là nhất vợ nhì trời. Ai dám đụng vào! Bạn tôi nói nửa đùa nửa thật, bây giờ gặp bà vợ cầm guốc gỗ đập chan chát vào đầu ông chồng giữa nơi thanh thiên bạch nhật, thiên hạ vẫn thản nhiên tỉnh bơ bỏ đi một nước. May lắm có người lặng lẽ liếc nhìn, hoặc là âm thầm ái ngại, nhưng rồi họ cũng vẫn yên lặng bỏ đi. Nhưng khốn cho cái ông bố Việt ngứa mình ồn ào to tiếng với bà vợ, hay là cầm lòng chẳng đặng buông tay tung ra Đệ Nhất Vũ Phu chưởng vào mặt cô vợ ngay giữa phố chợ thì ôi thôi, “đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi!”; bởi thiên hạ sẽ không tiếc tiền điện thoại, nhưng hốt hoảng lôi cell phone ra, khẩn trương gọi cảnh sát ngay. Thế là tòa án. Nhẹ thì cấm ông bố tới gần bà vợ trong vòng ba trăm thước, nặng hơn nữa thì bỏ tù ngồi đếm lịch mệt xỉu. Mà phạt nhẹ hay phạt nặng, đằng nào cũng khổ. Đang vợ chồng mặn nồng, giờ tự nhiên cấm không cho người ta tới gần với nhau. Rõ chán! Còn nếu bị giam trong tù thì lại càng te tua! Bởi mèo hàng xóm, có con mèo nào mà lại khờ khạo đến nỗi chê miếng mỡ đang vắng mặt chủ, may ra chỉ có mèo bị thiến! Ông bà mình cứ hay nói, “Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm” là như thế đấy. Rõ khổ!
Ông bố Việt Nam thứ hai có máu tếu, chen vào câu chuyện,
— Ông bà mình nói, “Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”. Bây giờ sống ở Mỹ, đất âm thịnh dương suy, thôi đành “Phận trai mười hai bến nước”. Trong nhờ đục chịu. Giờ này là “Thân anh như hạt mưa sa, Hạt rơi vào giếng, hạt sa ruộng cày”.
Gặp phải máu tếu, tôi cũng vui miệng đổi đề tài,
— Nếu vậy, ông nghĩ đức tính tối thiểu nào bố Việt Nam ở hải ngoại cần phải có cho hợp tình, hợp cảnh, hợp phong thổ"
Ông bố Việt Nam thứ hai suy nghĩ một hồi, rồi trả lời.
— Dựa vào kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ kiên nhẫn là đức tính đầu tiên mà bố Việt Nam ở hải ngoại cần phải có. Này nhé, kiên nhẫn dẫn mấy bà đi shopping. Kiên nhẫn cho mấy bà chà thẻ nhựa, rồi cuối tháng hốt một đống bill trả tiền. Kiên nhẫn đứng nấu ăn rửa chén cho vợ con dư dả thì giờ ngồi coi phim Đại Hàn nè…
Tôi càm ràm,
— Cái này đâu phải là kiên nhẫn, nhưng là chiều vợ chiều con một cách vô lý…
Ông bố máu tếu dừng lại, lập lại cùng một dòng tư tưởng,
— Đùa chơi cho vui thôi. Nhưng tôi tin rằng kiên nhẫn vẫn là đức tính đầu tiên mà bố Việt ở Mỹ cần phải có rồi đó.

II. Đức Tính
A. Kiên Nhẫn
Tôi cũng đồng ý với ý kiến của ông bố thứ hai. Bởi theo như hãng thông tấn Reuters (đọc được trên internets), mẫu người đàn ông phụ nữ ngày hôm nay yêu mến không còn là khuôn mặt vuông vắn chữ điền nữa. Những khuôn mặt nam tính này chỉ được chuộng vào thời hồi xưa, cái thời mà phụ nữ phái yếu thân phận hoa lý hoa quỳnh sớm nở tối tàn cần phải nương tựa vào phái mạnh, “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Nhưng bây giờ trong thiên niên kỷ thứ ba trai gái đề huề, trái tim phụ nữ tự nhiên trở nên dửng dưng với khuôn mặt đầy nam tính mặt vuông chữ điền, bởi họ biết ngữ này chỉ giỏi cái tài vặt chồng chúa vợ tôi mà thôi.
Còn đàn ông với khuôn mặt chấm phết nho nhỏ vài nét dịu nữ tính tự nhiên khiến trái tim phụ nữ thổn thức, rung động, đêm về thương trộm nhớ thầm. Phân tích ra mới biết bởi những người thanh niên loại này giàu kiên nhẫn, không cố chấp, không ăn nói cấm cẳng như chó cắn ma; mà là ngược lại, cưng vợ như cưng trứng, khoan dung với con cái, nhưng cũng vẫn năng nổ gánh vác gia đình như người đàn ông có khuôn mặt chữ điền.
Nếu vậy thiên hạ dại chi nhắm mắt chọn cho mình khuôn mặt chữ điền, nhất là trong thời đại bình đẳng nam nữ thiên niên kỷ 2000.
B. Trăng Hoa
Ngoài kiên nhẫn, tôi nghĩ bố Việt Nam ở hải ngoại cũng không nên bắt chước thói trăng hoa của ông cựu Tổng Thống Bill Clinton. Giời ạ! Nhớ giùm cho tôi thời vua Solomon, Tần Thủy Hoàng với ngàn vạn cung phi đã qua rồi. Bây giờ đang là thời một vợ một chồng, và chớ có mà dại dột chấm mút như Clinton. Ông bà mình nói, “Khôn ba năm, dại một giờ”. Câu thành ngữ này phải sửa lại tí ti cho hợp với trường hợp của Clinton, “Khôn ba mươi năm, dại chỉ một giờ”. Mà quả thật là như vậy, ba mươi năm lặn lội nấp nấp ở bên Canada để trốn quân dịch, rồi may mắn biết thổi kèn saxophone leo lên ngai vàng Hiệp Chủng Quốc, thế mà chỉ vì khuôn diện bóng sắc Monica Lewinski, mà suýt nữa ngài tổng thống bị Quốc Hội đàn hạch (impeach) đòi truất khỏi ngai vàng Washington như trường hợp của tổng thống Nixon năm xưa qua vụ gián điệp Watergate. Thiệt tình, Lý Duyên Niên nói quả là không sai,

Bắc quốc hữu giai nhân,
Tuyệt thế nhi độc lập.
Nhất cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc.

Tạm dịch,
Phương Bắc có người con gái đẹp,
Người đẹp tuyệt thế nhưng còn độc thân này (đẹp đến nỗi)
Nghiêng đầu quay lại nhìn một cái, thành quách suy tàn.
Nghiêng đầu quay lại nhìn thêm một lần nữa, quốc gia hưng vong.

Không biết Lewinski liếc nhìn Bill bao nhiêu lần, mà danh tiếng ngài tổng thống liểng siểng lao đao. Hên là bà Cố Vấn Hillary Clinton chịu khó ngậm đắng nuốt cay không nói chi, cho nên thành quách họ Clinton chưa suy tàn, và cũng hên là Hiệp Chủng Quốc chưa sụp đổ bởi cái liếc nhìn của người đẹp Lewinski.
Nhưng gần đây, một số ông bố Việt Nam từ khắp bốn phương tấp nập kéo về Việt Nam tìm hoa thơm cỏ lạ. Cũng tội nghiệp cho những Cô Tấm bên Việt Nam, bởi phận tấm cám, cho nên đành chịu thua trước những đồng tiền của những ông phú hộ hải ngoại. Thiên hạ giờ này chắc đã quên người Do Thái có câu chuyện kể về ông nhà giàu bị Trời phạt không phải bởi vì ông ta giàu có hay bởi số tiền bạc vạn bạc nghìn, nhưng bởi thái độ bất cần của người nhà giàu trước người hàng xóm Lazarô. Trong khi thiên hạ hàng xóm đang sống trong khốn cùng, không có cơm thừa canh cặn để ăn, nhưng ông nhà giàu tỉnh bơ nhởn nhơ ăn chơi sung sướng, không màng chi đến cảnh khổ của thiên hạ. Và bởi thái độ thản nhiên bất cần này, ông nhà giàu nhận được một cái vé one way ticket đi thẳng xuống cõi âm ti. Cho nên, bố Việt Nam, làm ơn, cũng nên cẩn thận. Về Việt Nam tìm cô Tấm, kiếm hoa thơm, ngoài bệnh Aids, Sida, mồng gà trái khế, cũng hãy coi chừng có ngày dẫm lên vết xe đổ của ông nhà giàu vô danh!

C. Chung Thủy
Bố Việt Nam có lẽ cũng không nên bắt chước tài tử Tom Cruise, chồng cũ đại tài tử Úc Châu Nicole Kidman. Tội nghiệp cho cô nữ tài tử xinh đẹp như hoa, nhưng lận đận với đường tình duyên, bởi người ngọc chân dài vớ nhầm ngay phải ông chồng ưa thay vợ như thay áo.

Thế giới Holywood là một thế giới đẹp. Người nào làm việc cho kinh đô điện ảnh thế giới không mặt hoa da phấn như cô đào miệng rộng Julia Roberts thì cũng là lực lưỡng đô con như Russell Crowe. Nhưng đằng sau tấm màn nhung sân khấu, cuộc đời chua như nho chát của kinh đô Holywood vẫn chưa bao giờ thay đổi. Nữ tài tử khét tiếng Elizabeth Taylor bộ phim Cleopatra là mấy đời chồng. Ca sĩ Britney Spears bị ông chồng cũ đe dọa mang lên internets những thước phim rất là thầm kín riêng tư của hai người. Brat Pitt đang vợ chồng ngon lành với Jennifer Aniston, nữ tài tử điện ảnh có nét dịu dàng, duyên dáng, xinh như mộng. Thế mà nhấm nhẳng cãi nhau, rồi đùng một cái ly dị, bỏ luôn, “Good bye, my love!”. Thiệt tình! Chẳng đâu vào với đâu.
Bố Việt Nam ở hải ngoại không bao giờ nên bước vào vết xe đổ của những tài tử Holywood. Nhưng làm ơn nhớ dùm, “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Dù có là cơm nguội với mắm ruốc, không nóng sốt như cơm trắng thịt sườn ở chợ, nhưng đó vẫn là cơm mắm nhà mình. Chớ có tham mê vẻ hào nhoáng của cơm trắng sườn nướng. Bởi vẻ đẹp hào nhoáng bề ngoài cũng chỉ giống như hoa trong tranh, nhìn thì đẹp, nhưng vẫn không thật, hoặc là có thật thì cũng chỉ là tạm thời, bây giờ đẹp, ngày mai tàn phai, y như hoa Quỳnh, khuya nở sáng tàn mà thôi.
D. Kỳ thị

Chung thủy là một chuyện, tôn trọng nhân phẩm con người lại là một đức tính mà bố Việt Nam ở hải ngoại cần phải học hỏi, bởi một lần nữa, câu “Khôn ba năm dại một giờ” của ông bà mình vẫn cứ đúng phong phóc trong trường hợp của Mel Gibson, đạo diễn và cũng là nhà sản xuất bộ phim nổi tiếng bạc triệu, “The Passion of the Christ”.
Mel Gibson, sau bộ phim The Passion of the Christ hốt bạc, danh tiếng của tài tử gốc Úc Châu nổi như diều gặp gió. Đồng ý là Mel Gibson cũng đã nổi từ những bộ phim Lethal Weapon và Braveheart của thập niên 90 rồi. Nhưng phải đợi đến khi bộ phim The Passion of the Christ ra đời, tài tử có máu Úc vừa nổi danh, lại vừa nổi tiền. Tiền bạc do bộ phim The Passion từ khắp các rạp chiếu bóng trên toàn thế giới tấp nập đổ xô kéo về ngân hàng của Mel Gibson chật cứng. Mà bạc này không phải là vài chục triệu đô, nhưng là bạc trăm triệu của chín con số. Sướng nhé! Ngồi đếm không cũng cảm thấy mệt cầm canh.
Cuộc đời ông triệu phú tài tử Mel Gibson tưởng là thiên đàng. Nhưng ai ngờ, cũng chỉ vì rượu. Rượu vào lời ra, mà toàn là những lời nói độc địa giết người. Thế là cuộc đời của Mel Gibson đi vào ngõ cụt. Chuyện xảy ra là có một lần, sau một bữa nhậu nhẹt say sưa, Mel Gibson lái xe về nhà. Trên đường, thấy chiếc xe xiêu vẹo lao đao, cảnh sát Mỹ hú còi, chận lại, hóa ra là ngài Mel Gibson. Trong hơi men, ông đạo diễn tự nhiên vớ vẩn chẳng đâu vào với đâu mở miệng buông ra những lời nói kỳ thị nặng ngàn cân, đụng chạm tới cộng đồng Do Thái trên khắp toàn thế giới. Tin tức nóng sốt về vụ bia bọt và buông lời nhục mạ người Do Thái của Mel Gibson chỉ trong tích tắc chạy lan ra khắp toàn cầu. Người người trên khắp năm châu đều nhận được tin tài tử Úc Châu buông lời kỳ thị. Thế là tài tử Mel Gibson tàn một đời trai. Cuộc đời và sự nghiệp của ông rớt thẳng xuống dốc.
Bố Việt Nam ở hải ngoại hãy cẩn thận. Đừng đi theo vết xe đổ của Mel Gibson. Đừng dạy dỗ con cái xét người theo màu da. Bởi nếu phải mang lên bàn mổ xét nét theo màu da, cũng đừng quên có một số người vớ vẩn vẫn cứ liệt kê người miền Viễn Đông vào sắc tộc có màu da vàng.

III. Đời cua cua máy:
Hiểu biết
Tôi hỏi ông bố Việt Nam thứ hai,
— Bàn về những đức tính mà bố Việt Nam ở hải ngoại trong thiên niên kỷ thứ ba cần phải có, ông có đồng ý với những đức tính mà ông và tôi vừa phân tích ở trên hay không"
Ông này gật đầu,
— Đồng ý, bởi tôi đã nói với ông rồi, bây giờ mình đang ở hải ngoại rồi. Nhập gia tùy tục. Bố Việt Nam ở hải ngoại phải kiên nhẫn với vợ và con, thủy chung trước sau với vợ. Đừng có chồng chúa vợ tôi như ở bên Việt Nam nữa.
Ông bố Việt Nam thứ nhất nhào vào,
— Ông là chỉ có mà dỗi hơi nói chuyện tầm phào. Tôi thấy con cái thời nay bướng bỉnh, nói khó nghe, khó dạy quá. Cho nên lúc nãy tôi đã nói với ông rồi đó, biết con cái nó bướng bỉnh như thế này, tôi sẽ không liều chết đóng vàng mang tụi nó qua bên đây nữa…!
Ông bố thứ hai phản đối,
— Ông thần nước mặn ơi! Hồi xưa, cái thời ông mới lớn, ông cũng phá như quỷ. Bây giờ có tí tuổi rồi, tự nhiên ông ăn nói lành thánh cứ y như chú tiểu ngồi gõ kinh khuya trong chùa. Ông còn nhớ không" Hồi xưa ông là chuyện viên cầm ná bắn rụng xoài nhà người ta. Có con gà mái dầu đẻ trứng nấu cháo của nhà bà xóm, ông cũng rắn mặt bắt đi cắt cổ. Bố ông cấm không cho hút thuốc lá, ông len lén chui vào nhà xí hút lén.
Ông bố thứ nhất gãi gáy chữa thẹn, miệng chống chế,
— Đúng, tôi công nhận với ông là hồi xưa là tôi cũng phá dàn trời. Nhưng thời bây giờ tụi hắn đâu có thèm hút thuốc lá nữa. Giờ là hắn nuốt thuốc E, chích bột trắng…
Ông bố thứ hai chép miệng,
— Ông ơi! Ông bà mình đã nói rồi, “Dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ thuả bơ vơ mới về”. Hồi xưa, con ông còn nhỏ như trái trứng, ông bỏ mặc nó ở nhà, ông lăn sả vào công ăn việc làm ở trong hãng. Ngày thường ông cày overtime, thứ Bẩy, Chúa Nhật ông cũng lôi cày ra ruộng cày tiếp. Hồi xưa ông để mặc con ông tự lớn như cỏ hoang mọc loang lổ sau sân vườn. Bây giờ ông còn than van cái nỗi chi.
Ông bố thứ hai tiếp tục,
— Ông cũng đừng có quên, ông bà mình cũng nói, “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Hồi xưa ông cũng ương ương chướng chướng kiểu thập niên tám mươi. Bây giờ con ông cũng vậy thôi, nó cũng ương ương chướng chướng theo kiểu thập niên hai ngàn. Ông cứ banh mắt ra mà coi… Rồi ông sẽ có dịp nghe con ông than thở “Giời ạ, con nít thập niên 2050 sao mà nó ương ương chướng quá!”.
Ông bố thứ nhất yên lặng một giây, rồi mở miệng cằn nhằn,
— Muốn nói cái gì thì nói đại đi ông nội! Cứ úp úp mở mở hoài, mệt quá.
Ông bố thứ hai lý luận,
— Ông thần nước mặn ơi! Bố Việt Nam ở hải ngoại ngoài kiên nhẫn và thủy chung là những đức tính cần phải có, ông ta cũng nên hiểu biết một chút. Bây giờ đang sống ở Mỹ, mà ông cứ nằm dài ở trong nhà, đi ra đi vào sai vợ sai con như sai người ở con sen của cái thời trước năm 75. Lời thật thì ưa mích lòng, nhưng nói thì vẫn phải nói. Ông là ông còn hên đó. Ông thì khó tính như quỷ, mà con trai của ông nó chỉ mới trốn biệt ở trong phòng chát chát với bạn bè; còn con gái của ông thì nó chỉ mới son phấn sức nước hoa CK bỏ đi chơi với bạn bè của nó. Ông nhìn kỹ đi, nhìn cái mặt của ông kia kìa, quanh năm suốt tháng lúc nào cái mặt của ông cũng hầm hầm giống như thù cha chưa trả, như mắc bệnh táo bón kinh niên! Hèn chi con cái nó né gặp mặt ông tối đa. Chẳng trách chi, đi làm vừa mới về, vợ ông không bỏ đi tếch thẳng một nước tới sòng bài cũng uổng!

IV. Một đóa hồng
tới Bố Việt Nam
Thấy hai ông bố bắt đầu to tiếng, tôi chen vào làm sứ thần hòa giải,
— Thôi, thôi, em can hai quan bác. Lỗi cũng bởi vì em nhiều chuyện tầm phào ưa dựng nêu đốt pháo. Mà thôi, lễ của mấy ông bố đã gần tới rồi. Nói chi thì nói, em vẫn phục mấy ông bố Việt Nam sống ở hải ngoại. Bắt đầu từ những ngày của năm 75 lạc loài tại Guam, kéo dài cho tới những năm tháng bơ vơ tại Songkla, Galang, Palawan, Pulau Bidong, biết bao nhiêu ông bố Việt Nam đã vươn lên, cố gắng vượt qua hàng rào văn hóa và ngôn ngữ, tiếp tục làm cây trụ cột chống đỡ gia đình. Nếu không có những ông bố Việt âm thầm hy sinh đời bố cho đời con, sáng chiều cày bừa hai jobs, làm sao có những người con Việt Nam thành công trên đất người" Hai quan bác thấy đó, thiên hạ ưa nói bên cạnh một người đàn ông thành công trong xã hội luôn luôn là hình ảnh của một người vợ hiền. Em thì em nghĩ đằng sau những thành công rực rỡ của tuổi trẻ Việt Nam trên toàn thế giới luôn luôn là những âm thầm chịu đựng và hy sinh vất vả của những ông bố Việt. Bởi bố Việt Nam cực khổ với đời sống mới, cho nên mới có con Việt Nam thành công trong xã hội của ngày hôm nay. Cho nên hai bác có đồng ý với em là vào ngày Father’s Day, mình nên dâng tặng một đóa hoa tới những ông bố Việt Nam như một lời tri ân cho những hy sinh âm thầm nhưng vĩ đại của Bố Việt Nam ở hải ngoại hay không"
Hai ông bố Việt Nam nâng cao ly chai bia, miệng nói,
— Đồng ý! Đồng ý! Cái này gọi là ba mặt một nhời, “Bố Việt Nam muôn muôn đời vạn vạn tuế!”.
Tôi nghi ngờ nhìn hai ông bố Việt Nam, e ngại không biết cái này là hai ông ấy nói hay là bia bọt nói. Nhưng thấy khuôn mặt họ bình thường, không đỏ ké như người say, mà lại có vẻ thành thật, cho nên tôi an tâm, đưa cao chai bia uống ké, miệng cũng chúc mừng theo,
— Happy Father’s Day!

NGUYỄN TRUNG TÂY

Ý kiến bạn đọc
03/06/201118:46:36
Khách
Bài viết thật hay. Con tầm sư học đạo đả lâu nhưng không tìm ra sư phụ dạy chiêu "Đệ Nhất Vũ Phu chưởng" Cha Tây biết ai có chiêu nây chỉ dùm. Cám ơn nhiều lắm
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến