Hôm nay,  

Duyên Nợ Với Nước Mỹ Phần 2

14/05/201100:00:00(Xem: 230589)

Duyên Nợ Với Nước Mỹ Phần 2 

Tác giả: Anne Khánh Vân

Bài số 3174-28474 vb7140511

Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với bài viết "Duyên Nợ Với Nước Mỹ." Đây là câu chuyện về một gia đình có ông bố từng được người Mỹ nhận làm con nuôi , mà suốt 50 năm thăng trầm, cả nhà vẫn cứ hụt mãi cái hẹn với Hoa Kỳ. Chuyện cảm động nhất là bài viết đã góp phần biến giấc mơ ấy thành sự thật khi tác giả vận động hoàn tất mọi giấy tờ đưa được ba mà từ Việt Nam qua Mỹ theo thủ tục khẩn cấp để dự lễ phát giải và du lịch Mỹ Quốc. Anne Khánh Vân sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống tại Virginia và làm việc cho AECOM. Bài viết mới kể chuyện tác giả đón thân phụ sang Mỹ định cư đúng vào ngày 30 Tháng Tư 2011 vừa qua. Trân trọng mời đọc và chúc mừng đoàn tụ.

***

"Chị Hai ơi, em tìm được vé máy bay cho tía rồi. Giá vé ok lắm." - Em trai tôi từ bên kia bờ đại dương điện thoại sang ríu rít khoe.

"Giá bao nhiêu mà ok" Hôm qua chị em mình tìm toàn thấy trên $1,000 cho một chiều không mà."

"Em vừa tìm được chỉ $510 thôi."

"Wao, giỏi quá vậy""

"Tìm được ngày đi nào""

"Ngày 30 tháng 4."

"Trời, nói chơi hay nói giỡn" Hết ngày hay sao lại ngày 30 tháng 4""

"Thiệt 100% mà. Em cũng không biết vì sao. Em cứ tìm từng tuần từ hôm tía có visa đến hạn chót tía phải đi thì khi đến ngày 30 tháng 4…giá hạ."

"Trời đất, thiệt vậy à" Kiểu này chắc chị sẽ lại phải kể chuyện đi Mỹ của tía…Thôi được rồi, mua vé cho tía đi không thôi giá lại thay đổi. Không dễ gì tìm được vé một chiều với giá đó đâu…"

**

Vài bữa sau, tôi nói chuyện với tía Hai Lúa:

"Trước khi rời Việt Nam, tía đi thăm thêm dùm con một người."

"Ai vậy""

"Một người bạn của tía, một người mà con nghĩ gia đình mình đã ít nhiều mang ơn…Bác Thủy đó, tía nhớ bác không""

"Tía nhớ chứ. Lâu lắm rồi tía không gặp bác. Nghe đâu bác đã dọn lên Đà Lạt làm rẩy chứ không còn ở Đường Sắt nữa."

"Tía chịu khó đi thăm bác ấy. Bây giờ tía còn ở Việtnam, dù bác ấy có dọn tận miền thượng du nào vẫn dễ đi thăm hơn là sau này khi tía đã qua Mỹ, cách nhau cả nửa vòng trái đất…Con nghĩ, chắc không phải chỉ mỗi mình con muốn tía đi thăm bác ấy trước khi tía đi Mỹ đâu mà cả…bà nội nữa…"

"Ừa, tía sẽ tìm hiểu địa chỉ của bác và đi thăm."

Hồi bà nội tôi chết, gia đình tôi rất khó khăn. Trong thời gian 49 ngày, muốn nội được tụng kinh cầu siêu nhưng lại ngại nhờ các thầy ở chùa trong khu vì không có tiền bỏ bao thư mỗi lần các thầy đến... Dỉ nhiên các thầy nào đòi hỏi. Nhưng gia đình tôi cứ ngại vì nghĩ nhiều hay ít phải nên có chút gì để phước sương cho Chùa…Bác Thủy nghe chuyện đã tình nguyện "cứu bồ".

Chiều nào cũng vậy, trong suốt 49 ngày, dù đang đạp xích lô ở tận nơi đâu, bác Thủy cũng luôn canh giờ để đến nhà tôi. Bác đậu chiếc xe xích lô trước nhà, lấy theo chiếc áo cà-sa phía sau lưng ghế xe…Bác vào nhà, rửa mặt, mặc áo cà-sa, thắp nhang và bắt đầu quỳ xuống tụng kinh. Tía má và chị em tôi quỳ xung quanh, cúi xuống vái mỗi khi bác cúi xuống vái, lặng im lắng nghe khi bác cất tiếng tụng. Thỉnh thoảng là một tiếng chuông xen kẽ những tiếng gõ mõ…Hàng xóm đi ngang, ngừng lại, đứng nghe một lúc rồi lại đi…

Tôi theo dõi từng chi tiết. 49 ngày đủ dài để từng hình ảnh khắc ghi trong trí nhớ. Và quả đúng, đã gần 25 năm, sâu thẩm trong tâm tư, tôi vẫn luôn nhớ bác Thủy, nhớ tiếng tụng kinh của bác, tiếng tụng kinh của một người nhân hậu, tử tế, đáng quý!

Bác Thủy cũng là một quân nhân của chế độ trước như tía tôi, nhưng bác Thủy còn là người của chùa, như một người đi tu... Nếu bác có con gái lớn và chị ta cũng đã trôi dạt ra nước ngoài thì biết đâu bác cũng sắp được đi…nếu bác không đủ điều kiện được đi diện HO trước kia.

Nhưng không sao, tôi tin đâu đó trong nước Việt Nam, bất cứ nơi đâu bác Thủy đang ở, bác bình an. Đâu thể nào tất cả dân Việt Nam đều đi Mỹ đi Tây. Có những người phải ở lại. Có những người phải chờ…Trong đó có má Hai Lúa của tôi…

Gió đưa bông cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay…

Nhưng trong cái rủi nhiều khi có cái may. Chính tôi và một số người đã ra đi, chẳng biết ai là bông cải, ai là rau răm…

**

Ông đi, bà ở lại…

Thật ra, tôi đã có thể bắt đầu làm giấy tờ bảo lãnh tía má Hai Lúa từ 4, 5 năm trước. Nhưng cứ mỗi lần muốn tiến hành thì má tôi lại hỏi, "Bao lâu sau thì giấy tờ sẽ xong"" "Khoảng 8 tháng hay 1 năm gì đó vì diện con cái bảo lãnh cha mẹ rất nhanh nếu làm giấy tờ kỹ lưỡng…" Và lần nào cũng vậy, má tôi cứ ngần ngừ, "Vậy không bao lâu nữa má sẽ để lại ngoại mà đi" Thôi từ từ hẵn làm…" Thế là tôi cũng phải…từ từ…Tôi hiểu rõ tâm trạng của má. Ông ngoại tuy có 8 người con nhưng 3 người đã chết. Những người không ở Việt Nam thì đang ở Mỹ. Chỉ còn lại má và một cậu. Nhưng ông ngoại gần gủi với má tôi hơn. Có chuyện gì cũng thường gọi má…Mỗi lần ông ngoại nghe má tôi nói chuyện sẽ đi Mỹ, ông hay nói, "Mày đi, đêm hôm có chuyện gì, tao biết gọi ai…" Mình hay nghe câu, "Con có hiếu lúc tuổi già mới biết…" và có lẽ chính mình cũng phải có con thì mới thấy thấm câu nói của ông ngoại. Bỏ rơi cha mẹ già làm sao đành! Làm lơ cha mẹ già làm sao đành!

Mỗi lần về nhà ngoại, má tôi hay kêu to ở cửa, "Bố ơi, mở cửa cho con." Và khi nào có tôi về và về thăm ngoại, má cũng nói tôi, "Con kêu ông ngoại đi, kêu to lên…" và tôi cũng kêu thật to, "Ông ngoại Cả Viên ơi! Con Mi lùn về đây…" Ông ngoại chạy ra, mừng rỡ, "Cả Viên có đi đâu đâu mà mẹ con bây kêu to muốn bể cái nhà."

Phải rồi, ông ngoại đâu có đi đâu. Ông ngoại chỉ toàn sợ má bỏ ông ngoại đi…nhưng ông ngoại mới là người bỏ mọi người ra đi. Đi đâu, không ai biết…Không có địa chỉ để viết thư thăm hỏi. Không có số điện thoại để gọi nghe lại giọng nói của ông…Tôi về thăm ông ngoại lần cuối hơn năm trước. Ông từ giả kiếp người này sau 83 năm…

Trở về Mỹ, tôi bắt tay vào việc làm giấy tờ bảo lãnh tía má…vì cứ mỗi lần má nhớ ông ngoại và khóc, tôi an ủi má, "Ông ngoại đi Mỹ rồi, ông ngoại đang bên Mỹ với con. Mình không nên buồn, ông ngoại sẽ buồn…Vài bữa tía má qua Mỹ…tía má sẽ gặp ông ngoại thôi mà…" Không biết má có sẽ "gặp" lại ông ngoại bên…Mỹ không, nhưng ít nhất là nhà tôi có bàn thờ ông ngoại, có hình ảnh và những kỷ niệm của ông ngoại mà tôi vẫn luôn trân quý gìn giữ…

Tôi làm giấy tờ bảo lãnh cho cả nhà cùng một lúc. Có nghĩa bảo lãnh cả tía lẫn má và tất cả các em cùng một lúc. Tôi làm một hồ sơ cho tía má, một hồ sơ cho gia đình em gái, một hồ sơ cho gia đình em trai (I-130). 3 tháng sau, có tin báo hồ sơ bảo lãnh tía má đã được duyệt thuận và chuyển sang Sở Visa (NVC - National Visa Center). Vì diện cha mẹ ưu tiên hơn nên có trả lời liền tù tì. Diện anh chị em thì ít ưu tiên hơn nên mãi gần 1 năm sau mới có giấy báo hồ sơ đã được chuyển sang Sở Visa; khi nào đến phiên thì sẽ được thông báo để nộp thêm những giấy tờ và chi phí cần thiết. 

Không lâu sau khi hồ sơ tía má tôi đã được chuyển sang Sở Visa, tôi tuần tự nhận những giấy báo yêu cầu phải đóng thêm lệ phí, phải gửi thêm giấy tờ như đơn bảo lãnh tài chính (I-864), đơn xin visa và thường trú (DS-230) kèm theo những giấy tờ để chứng minh mối quan hệ cha mẹ con cái. Trong những giấy tờ yêu cầu có một thứ phải mất khá nhiều thời gian để có đó là giấy chứng nhận tiền án tiền sự của người được đi, từ thời niên thiếu đến hiện tại. 

Một khi đã gom đủ giấy tờ và gửi cho Sở Visa thì mọi diễn tiến diễn ra cũng khá nhanh. Các giấy tờ báo về luôn chỉ có tên tía Hai Lúa và tôi cứ luôn đinh ninh vì tía là "chủ hộ". Mãi đến khi nhận được giấy mời phỏng vấn trong đó có danh sách những người sẽ đi, tôi mới tá hỏa tam tinh: Cũng chỉ mỗi tên tía Hai Lúa trong danh sách. Và dỉ nhiên, người ta không cho má Hai Lúa khám sức khỏe, không cho má Hai Lúa vào phỏng vấn, và không cho má Hai Lúa đi theo tía Hai Lúa... mới là thấy tía tôi!

Tôi điện thoại, email, viết thư "than phiền" với Sở Visa vì sao má tôi bị…rớt lại…thì không có trả lời nào ra trả lời nào. Họ cứ toàn nói chung chung "khi nào đến phiên thì sẽ được báo tin." Thế là thế nào kia chứ" Tôi bảo lãnh hai người cùng một lúc, cùng một hồ sơ kia mà! Và chính vì cái "cùng hô sơ" đó mới là tai hại!

Không có được trả lời thích đáng của Sở Visa, tôi cũng không muốn chờ thêm mà mất thời gian nên quyết định xem lại tất cả từng giấy tờ từ bước đầu, đọc kỹ lại từng câu, từng chữ của hướng dẫn, Mèn ơi! Không phải chuyện giấy tờ luôn luôn rắc rối mà là vì tôi sơ sót. Đúng là sai một ly, đi một dặm. Hèn gì sở Visa không trả lời cụ thể những "than phiền" của tôi vì họ chẳng hiểu tôi đòi hỏi cái giống gì. Chỉ thấy hồ sơ của tía mà sao cứ hỏi tin hồ sơ của má"! Tôi đã phải làm một hồ sơ I-130 cho riêng tía và một hồ sơ -130 cho riêng má. Nói tóm lại là những ai có liên hệ trực tiếp với người bảo lãnh mà có thể có một gia đình riêng ăn theo thì đều phải có 1 hồ sơ riêng. Có nghĩa Cha có thể có một gia đình riêng và Mẹ cũng có thể có một gia đình riêng nếu cha mẹ ly hôn, vì vậy mỗi người phải có một hồ sơ. Cũng giống như từng cá nhân anh chị em trong gia đình. Họ sẽ có thể có gia đình ăn theo (nếu đã ngoài 21 tuổi) vì vậy mỗi anh chị em phải có một hồ sơ, chứ không thể làm một hồ sơ cho tất cả các anh chị em.

Tôi ba chân bốn cẳng làm một hồ sơ mới cho má Hai Lúa. Gửi kèm thư "nhận lỗi" vì tôi…ngố nên má Hai Lúa bị kẹt lại. Thư được gửi overnight: gửi đi 3 giờ chiều hôm nay, 9 giờ sáng hôm sau Sở di trú ký nhận. Và cứ thế, tôi sẽ phải chờ và cứ tuần tự nộp thêm những gì được yêu cầu y chang những gì đã làm cho tía Hai Lúa. Chỉ ngại má Hai Lúa sẽ không kịp có Visa để cùng đi với tía Hai Lúa vì tía Hai Lúa phải đi trước thời hạn visa cho phép vào Mỹ.

Tôi nhức đầu mấy tuần lễ. Gặp nhằm lúc cuối năm, công việc trong sở làm cũng bận rộn căng thẳng. Tối ngủ tôi cứ toàn mơ thấy chuyện giấy tờ. Và một hôm, má Hai Lúa vào giấc mơ tôi…hạch hỏi, "Tại sao chỉ mỗi mình tía có visa" Kỳ thị quá vậy"" 

Không biết là tôi tỉnh hay mơ nhưng nhớ đã dzí dzỏm trả lời, "Um…Mỹ không kỳ thị đâu mà là rất công bằng. Những ai có công với Mỹ mà còn nghèo, bị vợ và…nhà nước chê... thì được ưu tiên đi trước…hihi."

Tôi giựt mình thức giấc,…điện thoại về nhà. Mấy đứa em nói, "Thấy má hơi buồn. Má hỏi có khi nào má cũng sẽ không qua Mỹ giống ông bà ngoại, tới già vẫn thèm qua Mỹ thăm mấy người con…"

Tôi tìm cách "dỗ" má.

"Má đã từng qua Mỹ năm 2007, dự lễ phát thưởng Việt Báo VVNM và đi chơi đông tây nước Mỹ rồi kia mà. Kỳ này, tía má tạm xa nhau một thời gian như vậy cũng tốt. Thứ nhất, má sẽ có thêm thời gian thu xếp công việc của má. Thứ nhì, tía má sẽ được…tạm thời nghỉ xả hơi, không phải cải lộn như cơm bữa. Ở gần nhau hoài, thương nhau quá…cắn nhau đau. Khi tía má 'xum họp' hai người sẽ 'tình tứ' hơn…"

Tôi nhớ có đọc đâu đó một nghiên cứu về…tình yêu hôn nhân. Nhà tâm lý đó cho biết kết quả nghiên cứu: Vợ chồng thỉnh thoảng nên xa nhau để có dịp nhớ nhau, có dịp nhận ra "tầm quan trọng" của nhau…Nôm na là cơ hội để…"hâm nóng" đó mà…hihi. Còn nếu xa nhau mà thấy…sướng quá trời quá đất, hổng còn muốn về gặp lại nhau nữa…thì coi bộ hơi nguy rồi đó…hihi

Vài hôm sau, má Hai Lúa gọi điện thoại qua kể chuyện…"Có lẽ ông ngoại chưa muốn má đi liền…Má vừa tìm ra di chúc của ông ngoại. Lần má đi Mỹ trước, ông ngoại cứ dí vào tay má mấy tờ giấy và biểu má giữ. Má hỏi ông ngoại giấy gì thì ông ngoại nói, "Di chúc của bố. Lỡ trong lúc mày vắng nhà, bố có mệnh hệ gì…" Má đã la ông ngoại nói gỡ…và cất mấy giấy tờ đó vào cặp giấy tờ công việc, không đụng tới nó vì sợ…xui…Sau đó gấp rút đi Mỹ, và khi về thì má cũng bận rộn và quên bẳn nó đi…Mãi đến hôm nay, tình cờ soạn giấy tờ, má mới đọc được tờ di chúc…Má sẽ phải sắp xếp mọi chuyện theo như những gì ông ngoại đã nhắn nhủ. Tía Hai Lúa của con đi trước cũng phải rồi…"Đáng lẽ ổng đã phải đi từ 36 năm trước kia lận kìa…"

**

36 năm qua, tía ở lại…

Những đứa con có cha là quân nhân chế độ cũ, bị kẹt lại,…thì phần đông là nạn nhân của cảnh cha mẹ bất hòa. Trước năm 75 họ "hạp" nhau bao nhiêu thì sau năm 75 họ "kỵ" nhau bấy nhiêu. Những lần soạn đồ cũ, tập sách cũ…bán ve chai, tôi tình cờ đọc được nhật ký của tía má. Không phải mỗi người một cuốn đâu mà là hai người viết chung một nhật ký (tình dữ vậy đó!). Họ không chỉ chuyện trò thật thân mật bằng văn xuôi mà còn đối thơ với nhau mới là lợi hại,…Đọc nhật ký của họ, tôi hình dung được tôi là đứa con của…tình yêu…nhưng cũng đồng thời vô cùng thắc mắc tại làm sao mà họ có thể thay đổi như ban ngày ban đêm" 

Con nít nhà nghèo thường khôn lắm. Tôi cũng là con nhà nghèo. Tôi chứng kiến cảnh gia đình túng thiếu và cha mẹ hục hặc với nhau từng ngày, từ hồi 4, 5 tuổi, vì vậy mà tôi cũng đã bắt đầu làm việc từ hồi 6, 7 tuổi…Tôi đã sợ. Cái sợ đó đeo đẳng đến lớn. Sợ có gia đình, sợ cảnh bất hòa, sợ cái nghèo, sợ cái khổ, sợ cái bất yên bất ổn của mình lây lan sang con cái, sợ bắt con cái phải "lao động là vinh quang" khi chúng vẫn còn là trẻ con, và cái sợ lớn nhất là sợ làm chúng cũng sẽ sợ những điều mình đã sợ…

Thời gian tía oai phong bề thế từ trong gia đình ra ngoài xã hội…tôi chưa ra đời, hoặc đã ra đời thì cũng chỉ mới bập bẹ a…ơ. Khi bắt đầu lớn và có thể hiểu…tôi chỉ thấy tía mất dần oai phong của một người chồng, của một người công dân... Tôi đến nhà mấy đứa bạn nghèo cùng cảnh ngộ. Nhà chúng cũng…na ná giống nhà tôi. Các tía thường về nhà với…mùi rượu, tiếng la lối, cọc cằn và thô bạo…Các má lam lũ xoay sở một mình, đâm cáu gắt, khó chịu, mất dần sự hiền dịu của người vợ, người mẹ…

Cha mẹ những lúc nóng giận, cứ thả cửa đấu đả nhau. Họ quên là mọi cử chỉ, hảnh động, lời nói của họ đều có... khán giả. Các con họ sẽ nhìn đó, nghe đó để làm gương, để khâm phục, để yêu đời, để tin tưởng vào cuộc sống, vào tương lai…Hay là không tất cả! Chúng con không muốn cứ phải là khán giả của những chuyện phim buồn. Chúng con thèm nhìn thấy cha mẹ thuận hòa, hạnh phúc, cùng bồng bế giúp đỡ nhau khi cần thiết.

Đàn ông làm ra bao nhiêu tiền cũng được, giỏi hơn vợ bao nhiêu cũng được, bề thế hơn vợ bao nhiêu cũng được, và vợ cứ ở nhà bao lâu cũng được…Nhưng đàn bà mà làm ra nhiều tiền hơn chồng một chút thôi, có danh phận hơn chồng một chút thôi, thấy chồng thất nghiệp ở nhà ít lâu thôi…thì hình như không ổn. 

Saigon có chữ "chảnh" rất…dễ thương và chứng "chảnh" này hình như hay lây. 

Cũng tại mấy người đàn ông. Ai biểu đàn bà hồi trước chỉ được…mặc "váy" chứ không được mặc quần; ai biểu đàn bà hổng được quyền có tiếng nói, hổng được quyền quyết định; ai biểu đàn bà chỉ chuyện bếp núc, nhà cửa, con cái…thì khi đàn bà cố gắng, khi đàn bà trở thành rường cột của gia đình, đàn bà sẽ tự nhiễm virus…"chảnh" hồi nào không hay chứ sao! 

Như vậy, chẳng lẽ đàn ông phải luôn cố gắng, bất cần biết có lý do gì vẫn phải cố gắng suốt đời suốt kiếp, mãi cho đến hết kiếp đàn ông của mình mới thôi" Chắc phải vậy rồi…hihi. Chứ chẳng lẽ để vợ đổi…váy sang cho mình" Khi bà Hillary Rodham Clinton ra ứng cử Tổng Thống, cựu Tổng Thống Bill Clinton đã nói, "Nếu vợ tôi thắng cử, tôi sẽ về mặc váy để làm First Lady." Cũng hên cho cựu Tổng Thống Clinton là vợ ông đã không thắng cử! Chứ phải nhìn cái cảnh ông Clinton mặc váy đến cuối đời thì chắc…không ổn…

Cũng may, càng cách xa ngày 30/4 năm 75 thì cái…con ma ám ảnh các ông tía của chúng tôi từ từ không còn "hiệu lực" làm mấy ông bị…đảo điên nữa. Họ dần tỉnh táo, lấy lại thăng bằng, nhận ra lại giá trị của sự sống còn, giá trị của con người…

Có đôi lần chuyện trò với tía Hai Lúa, tôi hỏi:

"Tía có nhớ hồi xưa tía 'nông nổi' ra sao" Con kể chuyện của mấy người tía, tía có phiền lòng không"" 

Tía Hai Lúa trả lời:

"Thật sự là thời gian đó tía chẳng còn là tía. Tuy nhiên, phải dám can đảm nhìn nhận lỗi lầm của mình thì mình mới có cơ hội hoàn thiện…Thấy được mình đã làm khổ những người thân ra sao thì mình sẽ càng yêu thương họ và mỗi ngày yêu thương hơn. Phải nổ lực tìm cách thay đổi và cầu tiến. Không thể lập lại những thói quen xấu cũ trong một xã hội văn minh…"

**

Làm Lại Cuộc Đời Nghen Tía!

Tôi đã luôn nhớ trong sung sướng rằng tía đã ở lại cho tôi, vì vậy mà tôi đã cố gắng cho gia đình suốt gần 20 năm sống xa nhà. Cố gắng như một người đàn ông, cố gắng cho cả phần của tía…Cố gắng trong mong muốn từ giờ đến cuối đời quan hệ của tía má sẽ thân thiện như khi tôi chui ra đời, như những cô chú bác hạnh phúc mà tôi đã được biết sau này…Tù tội đã không làm họ suy sụp, lay chuyển. Sự nghèo khó không làm họ cay đắng, đảo điên,…Họ vẫn đứng vững như kiềng 3 chân. Tinh thần họ vẫn mạnh mẽ. Lý trí họ vẫn phi thường. Họ vẫn luôn tìm thấy hạnh phúc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chúng con chỉ có thể sống đời sống của chính mình hạnh phúc khi nhìn thấy cha mẹ mình hạnh phúc, bất kể họ ở đâu, họ làm gì, họ với ai…

Ông ngoại đã nói đúng. Mỗi người ý thức một chút, cố gắng một chút, nhường nhịn, bỏ qua một chút…thì mọi chuyện sẽ vui vẻ, tốt đẹp. Nhớ ông ngoại, nhớ câu nói đó của ông ngoại.

Tôi toan tính phần cuối của câu chuyện "Duyên Nợ Với Nước Mỹ" sao thật ý nghĩa và vui thú…Cuối cùng tôi đã quyết định bí mật về Việt Nam. 

Không ai được báo trước. Taxi về tận trước nhà…Mọi người hò reo…Tôi luôn yêu thích nhìn mọi người hạnh phúc như vậy…từ người nhà đến người hàng xóm…

Các em tôi đã có gia đình, con cái. Các cháu gọi tôi là "má hai" thay vì "bác hai". Cháu gái nhỏ nhất còn đang tập ngồi và cứ bập bẹ a…ơ…Má tôi đến hôn cháu và nói, "30/4 năm 75, má hai của tụi con cũng cỡ Khánh An bây giờ..."

Đúng rồi, vì cháu Khánh An sanh trước sinh nhật tôi 2 ngày, cũng là một con cọp... Nhờ nhìn cọp con Khánh An, tôi hình dung ra cảnh của 36 năm về trước... Đúng là... tía làm sao đành bỏ con như vậy mà ra đi! Nên dù tía của tôi có bị cái 30/4 làm…bấn loạn thần kinh và trở nên nông nổi, tôi có thể gom cho mình đủ sức mạnh để quên đi những chuyện không vui, chỉ nghĩ đến nghĩa cử của tía, sự cải thiện từng ngày của tía. Hạnh phúc hiện tại giúp tôi vững tin vào tương lai.

Tôi tạo cho tía má một tài khoản…thư tín…Chỉ một! Tôi chọn luôn mật mã cho tài khoản chung đó: haidaunoinho (Hai đầu nỗi nhớ). Họ sẽ trở lại thời gian mới yêu nhau, viết cùng một nhật ký, chia sẻ mọi tâm tình, suy nghĩ…

"Hơn ba mươi năm qua, chị em tụi con đã phải làm việc trọng tài và là người trung gian…miễn phí cho tía má,…Nay xin được nghỉ hưu."

Đến ngày ra đi, tôi cùng tía ra sân bay.

36 năm trước, tía lên máy bay, rồi lại xuống…

36 năm sau, hai cha con tôi cùng đi…

Qua Mỹ, tía sẽ cố gắng lấy lại phong độ của tía 36 năm trước. Không bao giờ trễ để làm lại cuộc đời. Tía đã nói rồi, "Làm một người cắt cỏ mà được trọng dụng, tía cũng sẽ làm."

Khi đến phiên má Hai Lúa có được visa đi Mỹ, tía sẽ là một Việt Kiều hẳn hòi, một Việt Kiều xịn, về đón vợ Hai Lúa của tía qua... hihi.

Còn sống được một ngày, tía cũng sẽ cố gắng sống hữu ích và giúp những người thân xung quanh mình sống hạnh phúc.

Anne Khánh Vân

** Thương kính hương hồn của ông ngoại

** Thương kính hương hồn của bác Thủy. Tía Hai Lúa đã tìm thăm bác Thủy và được biết bác Thủy đã mất hơn năm qua ở Bảo Lộc vì sốt rét. Lại thêm một cây rau răm qua đời trong cằn cỗi…

Ý kiến bạn đọc
16/05/201114:09:06
Khách
Chia vui với KV.
Bữa nào có dịp dẫn anh Hai Lúa về Little SG chơi, nhớ ghé nhà chú nghen.
Chú Ngố
14/05/201110:39:22
Khách
Rất hay! Hy vọng Khánh Vân sẽ viết dài dài, dù sự có mặt của Hai Lúa làm Khánh Vân bận rộn hơn. Tôi lúc nào cũng enjoy đọc chuyện của cô kể, vừa tếu vừa dể thương.

thử
15/05/201109:12:14
Khách
Tại sao toà soạn không đăng lời bình luận về bài viết của cô Khánh Vân ngày hôm qua?

thu
15/05/201104:00:39
Khách
Chúc Mừng tác giả đã đoàn tụ cùng Tía Hai Lúa sau 36 năm. Mong Má Hai Lúa của bé Vân sẽ qua Mỹ càng sớm càng tốt: để nhập lại thành một ngọn núi cao: sống hữu ích và giúp người thân xung quanh mình hạnh phúc ( câu nói Bé Vân đã viết ở đoạn cuối bài ).
Cảm phục Khánh Vân là người con có hiếu. Chúc Khánh Vân luôn khoẻ mạnh, dễ thương mãi, nhớ viết thêm bài khi Má Hai Lúa qua Mỹ đoàn tụ . Thương mến.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,203,377
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến