Hôm nay,  

Lưng Đồi Ridgewood

05/05/201100:00:00(Xem: 320676)

Lưng Đồi Ridgewood

Tác giả:
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 3186-28486 vb5050511

Trước 1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa, và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoạ (hiện có trên trang mạng Tủ Sách Tuổi Hoa: http//tuoihoạhatnang.com)
Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, sáu năm sau cô góp cho "Viết Về Nước Mỹ" nhiều bài viết giá trị và đã nhận giải vinh danh "Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010.” Sau đây là bài mới nhất của tác giả.

***

- “Lão ông” này!
- Gì thế “lão bà”"
- Ông xem, hoa dại đẹp không"
- Đẹp lắm!
Những câu đối đáp đơn sơ và ấm áp là thế! Hai người cười vui vẻ. Bà đem một bó hoa dại từ ngoài vườn vào. Bà thích cắm ở góc nhà một bình hoa dại, thú vui khó bỏ từ thuở niên thiếu. Trong khi đó, ông tỉa những chậu hoa trong cái “nhà kính” do ông xây đắp bấy lâu. Hoa của ông thì cầu kỳ lắm, bà cũng rất thích, và cùng ông chăm bón.
- Tôi đi không lâu, có một tuần thôi, lão ông nhớ ăn uống ngủ nghê điều độ nhé!
- Yên tâm đi, tôi vẫn quen cái cảnh bà qua bên đó với các con, đâu phải lần đầu.
- Biết thế, nhưng không dặn dò ông thì tôi không thấy yên tâm.
Đồ đạc đã chất hết vào “cốp” xe. Ông đưa bà ra phi trường. Chiếc xe không còn mới lắm nhưng như con ngựa già đi đâu cũng tới. Và không chỉ riêng bà, ông vẫn thường đưa đón những người thân, những người bạn từ xa đến. Thỉnh thoảng ông bà cùng đi thăm con ở tiểu bang xa, họ cùng đi xe ra gửi ở phi trường. Cuộc sống vẫn êm đềm như thế.
Ông lái xe trở về nhà một mình. Con đường Ridgewood yên vắng, cây xanh rợp bóng. Ngôi nhà của ông bà nằm khuất sau những tàn cây. Ông lái xe xuống con dốc thoai thoải, vào đến sân. Tháng tư, tiết trời khá mát mẻ. Ngọn gió nhè nhẹ đưa đến cho ông sự sảng khoái. Ông tự nói với mình “Hãy đi bộ một chút!”. Ông đậu xe và bước thong thả ngược ra lại con đường. Ông đi bộ như mỗi ngày ông vẫn làm như thế. Nhưng không có bà cùng đi, ông cảm thấy thiếu vắng. Dù sao, như lời bà đã dặn “Không có tôi, ông cũng không được bỏ đi bộ, ăn ngủ phải điều hòa, và đừng quên một việc là lúc nào cũng phải “sạc” pin cell phone để tôi gọi về đấy!” Bà dĩ nhiên là không ghen bóng ghen gió, ở cái tuổi thất thập rồi mà! Ông nghĩ thế và bật cười, cảm thấy vui vẻ một mình.
Ông vẫn thong dong, đi hơn một tiếng đồng hồ, lướt qua trường Emory, tới CDC rồi ngược trở về. Ông không còn cảm giác cô độc nữa. Bởi vì đi ngang Emory ông được mỉm cười nhớ đến thằng con trai đầu lòng đã tốt nghiệp từ đây, còn CDC làm ông nghĩ đến đứa con gái đang làm chương trình nghiên cứu bệnh truyền nhiễm với ông thầy - và hai thầy trò cùng các cộng sự đang làm việc ở Kenya. Ông bà thật không uổng công vất vả nuôi dưỡng các con.
Về đến trước nhà, mở thùng thư lấy một xấp thư, rồi tra chìa khóa vào cửa, ông lẩm bẩm:
- Còn phải đến trung tâm nữa!
Ông không đi tắm vội, ông muốn tận dụng thời gian “chờ ráo mồ hôi” để mở thư ra xem. A! Hôm nay có thư của mấy người bạn già. Ông mỉm cười. Chà! Cái anh chàng Tuân này, sắp cưới vợ cho con trai, vui nhỉ! Cái “lão” Thái này, sắp đi thăm con bên Úc, cũng vui! Còn anh bạn Long này, sao đây""" Sao không phải nét chữ của anh" Thì ra là chữ của anh ấy đó chứ! Nhưng nét chữ nguệch ngoạc, run rẩy. Nhớ rồi! Anh ấy đã tập luyện một thời gian dài sau khi bị “stroke”, bây giờ cầm bút viết được thế này là quá hay! Ông chợt nghe lòng chùng xuống. Trong những người bạn còn liên lạc với nhau thời gian này, có lẽ ông là người ít đau ốm nhất. Bà vẫn thường nói lén ông với mấy bà bạn: “Lão ông nhà tôi chẳng bao giờ đến gặp bác sĩ của mình”.
Thật ra, ông có đến nhưng rất ít, thường là những kỳ khám tổng quát, bác sĩ gia đình nhắc năm lần bảy lượt ông mới đến. Ông không đau ốm vặt. Ông cũng là bác sĩ mà! Bác sĩ thì biết lắng nghe cơ thể của mình lắm! Nhiều khi bà bảo ông gàn. Ông cứ cười xòa: “Bà ạ, bói ra ma quét nhà ra rác”, hoặc ông còn nói vui một câu mà ông không nhớ mình học được từ ai: “Bà ạ, tôi chỉ rảnh để chết, không rảnh để bệnh”. Và thế là ông cứ làm việc, dù đã về hưu mấy năm nay. Ông vẫn làm việc bán thời gian, làm cố vấn cho một trung tâm y tế ở quận hạt này.
Ông đã để tâm trí của mình đi miên man quá lâu. Đã ráo mồ hôi rồi! Ông đi vào nhà tắm. Tắm xong, ông sửa soạn để đi đến trung tâm làm việc buổi chiều nay. Lúc nào ông cũng cẩn thận tuy không chải chuốt. Ông luôn muốn tạo cảm nghĩ đẹp nơi các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nhỏ tuổi. Các bạn nhỏ thường nhìn vị bác sĩ khám bệnh cho mình bằng một sự thán phục, có hơi thần thánh hóa chút xíu. Ai cũng vậy thôi! Ông nhớ lúc ông còn nhỏ, ông cứ nghĩ đến những người thầy thuốc như là những ông bụt, bà tiên, những người không bao giờ bệnh hoạn. Có như vậy họ mới chữa bệnh cho người khác được chứ! Thật là đơn giản. Quãng đời phục vụ y khoa của ông khi còn ở quê nhà thì không thế. Ông khó có thời gian để lo lắng đến vẻ bề ngoài. Có khi ông rất lem luốc, râu ria rậm rạp. Người ông nhiều lúc đầy bụi đất, có khi lấm lem cả máu người. Ông đã từng là một bác sĩ quân y.
Ông vuốt nhẹ bộ râu đã được tỉa thật khéo. Bộ râu rất được bọn trẻ nít khen ngợi. Có một bạn nhỏ gọi ông là “bác sĩ Ai-bô-lít”. Ông không biết nhân vật này. Có lẽ cháu bé xem đâu đó một bộ truyện tranh. Cháu bảo hàm râu của ông và tính nhân từ của ông rất giống với vị bác sĩ trong truyện nhi đồng này. Ông gật gù, cười với “ông bác sĩ Ai-bô-lít” trong gương. Có lẽ hãy gọi điện thoại cho thằng con của ông một chút để nhắc nó nhớ ra đón mẹ, không thôi lu bu công việc rồi nó lại ra trễ thì mẹ phải chờ tội nghiệp. “Lão bà ạ, bây giờ bà đã có lời rồi đấy nhé! Đi qua Cali được lợi những ba tiếng đồng hồ. Tha hồ mà chơi với con và cháu”. Ông nhìn qua nhìn lại không thấy chiếc cell phone đâu. À thì ra mình để quên trong phòng tắm chưa mang ra. Bà nhà này rất chu đáo, luôn dặn ông lúc nào vào phòng tắm cũng nhớ đem theo cell phone, nhỡ bên ngoài có chuyện gì thì mình vẫn có thể có điện thoại mà dùng. Ông mỉm cười. Ông lại nhìn vào chiếc gương lớn trong phòng. Đã thất thập rồi, ông và bà! Trong mắt nhau, dường như thời gian không có tuổi. Ông ước gì có thể làm một đám cưới đơn sơ với bà một lần nữa, người bạn đời thương yêu trên mọi bước đường trong đời ông.

*
- Mẹ, ba đã gọi lại cho mẹ chưa"
- Chưa con ạ! Chắc ba bận việc tại trung tâm. Thường những ngày cuối tuần ba có những buổi họp thông tin chia sẻ về các bệnh của người già. Yên tâm đi, mẹ sẽ gọi nữa.
- Nhưng bây giờ là đêm rồi!...
- Cứ để mẹ gọi nữa con ạ! Các con cứ đi ngủ đi!
Bà lại gọi điện thoại cho ông, nhưng không ai trả lời. Điện thoại nhà cũng vậy, cell phone cũng vậy.
Đến khuya, bà đã thật sự lo lắng. Bà choàng dậy, gọi số điện thoại của bà bạn thân.
- Bà Hai, bên Cali bây giờ là 12 giờ khuya, bên đó đã gần sáng, tôi xin lỗi đã đánh thức bà dậy, nhưng không có cách nào hơn. Ông nhà tôi không trả lời điện thoại của tôi. Bà có thể vui lòng sáng sớm chạy đến nhà tôi giùm không" Tôi lo lắm!
Giọng bà bạn còn ngái ngủ:
- Được. Xin bà đừng quá hoảng hốt. Tôi sẽ chạy tới, đồng thời sẽ gọi điện thoại cho ông ấy. Này bà, có khi nào bên Cali… hệ thống điện thoại bị gì không"
- Không bị gì cả, cũng đâu có động đất hay sóng thần gì! Mọi việc đều bình thường, chỉ có điện thoại nhà tôi là rắc rối…
- Được rồi, xin bà cứ đi ngủ đi. Tôi sẽ đến nhà bà. Có khi nào, lâu lâu bà vắng nhà, ông ấy đi đâu với bạn bè không"
- Không đâu! Bạn bè ai cũng có tuổi cả, nào phải thanh niên nữa đâu mà đi chơi. Có đi đâu thì cũng cầm theo cell phone, mà có quên đem theo thì cũng mượn được điện thoại của bạn mà nhắn cho tôi. Ông nhà tôi cẩn thận lắm bà ạ!
Giọng bà bạn trêu nhẹ:
- Biết đâu đấy!.. Thôi bà cứ nghỉ ngơi. Có tin gì tôi sẽ gọi lại.
- Cám ơn bà nhiều lắm!
Bà trằn trọc suốt đêm. Chưa có lần nào bà đi chơi mà gọi về không gặp ông. Giọng trêu đùa của bà Hai cứ theo đuổi trong đầu. Bà bạn thân này, tính tình khôi hài lâu nay bà biết rồi! Chắc bà ấy không muốn mình lo lắng quá đáng. “Thỉnh thoảng cũng nên cho nhau một chút tự do chứ!”, bà Hai vẫn hay nói như vậy.
Bà nhắm mắt lại. Bà đếm tiếng đồng hồ tích tắc, tích tắc… Bà nghe như có cả tiếng nước giọt bên phòng tắm. Ban tối bà bảo con trai và con dâu yên tâm đi ngủ, để bà gọi chừng cho ông, nhưng chính bà đang cảm thấy bất an ghê gớm. Bà lại cầm điện thoại lên, gọi về ông. Vẫn không nghe trả lời. “Xin nhắn lại… xin nhắn lại…” Bà nhắn đã một chục lần. Ông ơi! ông đi đâu" Tự nhiên bà nghe lòng dỗi hờn, giống như cảm giác của một cô con gái mới hẹn hò. Nước mắt bà trào ra. Bà nén tiếng thút thít. Bà tự cười nhạo chính mình. Xấu hổ ghê chưa! Thất thập rồi, cả ông và bà!…
Rồi mơ mơ màng màng, bà thấy ông đứng trước mặt. Ông cầm một bông hồng dại mới hái trong một khu vườn xa lạ. Loại hoa này bà rất thích, bà vẫn thường mê mải tìm hái trong những ngày còn là cô thiếu nữ. Ông ngỏ lời cầu hôn với bà một lần nữa. Bà e ấp gật đầu.
Đám cưới thật đơn sơ…

*

Chuông điện thoại reng làm bà giật mình mở mắt. Chiếc điện thoại bà vẫn nắm chặt trong bàn tay. Giọng bà bạn:
- Tôi bà Hai đây!
- Sao bà Hai"
- Sáu giờ sáng bên này rồi, tôi đã đến trước nhà bà rồi đây!
- Sao" Sao" Bà đã gọi ông nhà tôi chưa" Ông có ở nhà không"
- Tôi có thấy xe ông đậu trước nhà…
- Ồ! Sao ông ấy không cho xe vào ga-ra nhỉ"
- Tôi không biết. Tôi đã bấm chuông, đã gõ cửa, nhưng không nghe trả lời. Tôi đã gọi cell phone của ông ấy và cả điện thoại nhà bà nữa…
- Cũng không có ai trả lời hả bà"
- Không.
- Chẳng lẽ ông ấy đi đâu"""
- Vậy… bà muốn tôi làm gì đây"
- Bà… bà hãy bấm chuông nữa, gõ cửa nữa… giùm tôi.
- Tôi gõ đã muốn bung cả cửa ra rồi!
- Bà… bà hãy bấm chuông nữa giùm tôi.
- Tôi bấm cũng đã sưng ngón tay lên rồi! Chỉ còn một cách nữa, bà hãy gọi một vòng những nơi mà ông ấy hay đến, trước khi mình làm… cái cách cuối cùng.
- Vâng, tôi gọi. Tôi gọi.

Bà gọi điện thoại những người thân nhất của ông, xin lỗi họ vì đã làm phiền họ sáng sớm. Không ai biết ông ở đâu. Bà gọi lại bà Hai. Giọng của bà run rẩy thấy rõ.
- Ôi!.. Bà Hai ơi!...
- Tôi đây! Bà có muốn…
- Phải, bà làm ơn… gọi 911.
- Chỉ còn cách đó.
- Vâng, nine… one… one!
Con trai và con dâu đã đứng ở cửa phòng. Mấy mẹ con nhìn nhau. Anh con trai nhẹ nhàng lấy chiếc cell phone từ tay mẹ, ôm chặt vai bà. Cô con dâu ngồi xuống bên bà, nắm lấy bàn tay bà lạnh ngắt. Mọi người chờ đợi. Thời gian trôi lê thê nhưng chỉ có năm phút, rồi tiếng chuông lại reng.
- Cô Hai, dạ vâng, cháu đây! Cô Hai hãy nói đi!
- Cháu nghe này, cảnh sát đã tới, xe cứu hỏa, xe cứu thương cũng đã tới.
- Dạ…
- Họ đang phá cửa. Họ bảo cô không nên vào, để họ xem sao đã. Cô phải đứng ở ngoài. Cháu cứ giữ máy, cô đang đến gần để hỏi thăm họ đây!
- Vâng…
- Cháu ơi! cảnh sát bảo cô hãy báo tin cho người nhà…
Giọng người con run run:
- Cô ơi, xin cô nói cho cháu biết…
- Cảnh sát tìm thấy… ba cháu chết trong phòng tắm, áo quần chỉnh tề, bên cạnh chiếc cell phone cháu ạ!
- Không thể nào!…
Người mẹ như cũng đã đoán được chuyện gì xảy ra, và nó ghê gớm đối với bà đến đâu. Không đợi con trai nói lại, bà lẩm bẩm như mê:
- Không thể nào! Không thể nào! Ông ấy rất khoẻ. Ông ấy đưa tôi ra phi trường. Ông ấy về nhà và chuẩn bị để đi làm đấy mà!
Đôi mắt bà mở to như nhìn vào một khoảng không sâu hun hút. Bông hoa hồng dại trong mơ bay bổng lên cao.

*
Bà đang đứng nơi lưng đồi Ridgewood. Bà đã yêu cầu người bạn quý là bà Hai dừng xe thả bà xuống và để cho bà được một mình. Bà Hai lo lắng, càu nhàu, rồi phải chiều bà, vì quá biết tính bà. Bà vốn vẫn tỏ ra là một người cương nghị.
- Nhớ gọi cho tôi đấy! – Bà Hai ái ngại.
- Dĩ nhiên. Cám ơn bà bạn quý. Đừng lo cho tôi mà!
Con đường Ridgewood yên vắng, cây xanh rợp bóng. Ngôi nhà của ông bà nằm khuất sau những tàn cây. Tháng tư, tiết trời khá mát mẻ. Ngọn gió nhè nhẹ đưa đến. Bà như người tìm về một khoảng đời đã xa thật xa. Con đường này vốn đã là nơi ông bà đi bộ mỗi buổi sáng. Cây nhiều lắm, bởi xưa đã là một khu rừng. Mà thật, hầu như gần hết vùng này đã từng là rừng. Chỉ trừ những con đường lớn và nhộn nhịp như Clifton hay Briarcliff, những con đường nhỏ đều mang vẻ hoang vu mặc dù vẫn có nhà cửa hai bên đường. Cái vẻ đẹp nguyên sơ làm tôn thêm sự thanh khiết của quang cảnh. Ông bà đã yêu mến nơi này, gắn bó với nó như tình thân. Ông bà từ chối nhiều lần về đề nghị của con trai muốn ông bà về California ở cùng với con cháu cho vui. Ông vẫn thường nói với bà rằng có lẽ họ còn mang nặng tâm lý của người Việt Nam, coi cái nhà như vật bất ly thân. Đó là tâm lý “an cư lạc nghiệp”, không muốn thay đổi hoặc rời xa một chỗ ở đã quá quen thuộc rồi.
Chỉ còn vài bước nữa thôi, sẽ đến cái dốc dẫn vào nhà. Ngôi nhà nấp sau những tàn cây tỏa bóng mát rượi. Lão ông của tôi! Không thể nào! Đã một năm rồi sao" Bây giờ tôi đã trở về ngôi nhà của chúng ta. Ôi! Tôi chưa bao giờ nếm trải cái cảm giác trở về nhà một mình. Vậy mà “lão ông” của tôi đã từng! Ngay cả thời gian sau cái biến cố lớn nhất đời xảy ra, tôi đã trở về cùng với con trai và con dâu. Con gái chúng ta sau đó cũng đã về dự đám tang của cha rồi lại đi châu Phi. Mọi người không ai muốn để tôi ở một mình trong ngôi nhà này. Họ sợ tôi không chịu nổi. Tôi cũng không chắc rằng tôi chịu nổi. Vâng, lúc nào cũng có người kề bên tôi. Ai cũng sợ tôi quá buồn. Ai cũng sợ tôi phát bệnh. Thậm chí không ai cho tôi bước vào phòng tắm nơi ông đã thở hơi thở cuối cùng, không cho tôi ngủ trong căn phòng quen thuộc của chúng ta. Ở nhà quàn, cũng có đông đảo người đến phúng viếng, an ủi. Ngày làm lễ phủ cờ cho ông, rồi ngày đưa ông ra nghĩa trang, cũng có vô số bạn bè thân quyến cùng tiễn đưa. Lúc nào cũng có người ở bên cạnh tôi để an ủi. Rồi những ngày sau nữa, khi tôi làm nốt những công việc của Tháng Tư mà chúng ta đang làm dang dở trong cộng đồng, tôi cũng vẫn có người khích lệ, ủng hộ. Sau đó, khi con trai và con dâu về lại Cali, tôi đã đi với các con. Họ cứ nằng nặc muốn tôi đi cùng, không cho tôi ở lại nhà một mình. Căn nhà của con mình bên Cali cũng rất quen thuộc vì chúng ta vẫn thường qua đó trong những ngày nghỉ. Vâng, tôi đã qua đó. Phần vì muốn chăm sóc con dâu trong những ngày sinh nở và đứa cháu nội chuẩn bị chào đời, phần cũng muốn mình phải bận rộn trong những công việc không tên để đừng lâm vào sự bi thương, nên tôi đã qua đó. Tôi đã không cho phép mình buồn khổ. Tôi nghĩ rằng tôi không được buồn khổ!
Và rồi con dâu đã sinh cháu trai khoẻ mạnh, mẹ tròn con vuông. Tôi có mặt bên con và cháu như một điều hiển nhiên rất đáng làm của một người mẹ, một người bà. Tôi được cuốn theo cái vòng tròn hạnh phúc của một gia đình mà tôi đã có không ít những đóng góp xây dựng. Tôi tự cho mình sự bận rộn để lo lắng mọi việc giúp con. Đứa cháu kháu khỉnh khiến tôi cảm thấy an ủi. Tôi cũng có những ngày lái xe đi làm công việc trong cộng đồng. Chỉ là những việc thiện nguyện mà tôi đã từng làm như khi ở Atlanta. Tôi hình như đã chữa lành vết thương cho chính mình.
Nhưng rồi, “lão ông” ơi! Có những lúc tôi tự hỏi tôi đã tự chữa lành thật chưa" Tôi có phải đang trốn tránh một cái gì" Con và dâu muốn tôi ở hẳn nơi nhà họ. Nhưng tôi đã ngồi xuống thẳng thắn nói chuyện với họ. Tôi muốn về Atlanta. Tôi muốn về nhà. Một mình.
Lũ trẻ đã quen cái tính cương quyết của tôi, nhất là thằng con trai của chúng mình, đành phải chiều ý tôi. Tôi vốn đã cương quyết từ khi ẵm con trên tay, lặn lội đi nuôi chồng trong trại tù cải tạo. Nếu không cương quyết, tôi sẽ dễ dàng rơi vào những cái bẫy rình rập một người phụ nữ yếu ớt. Nếu không cương quyết, tôi sẽ không hiểu được và đồng cảm được với những bài thơ, bài văn ông viết ở trong tù. Nếu không cương quyết, tôi sẽ không thể khuyến khích và yểm trợ cho ông để tiếp tục học ra bác sĩ ở nơi đây…
Bà đã đến trước sân. Chiếc xe của ông đã được cho vào ga-ra từ ngày ấy. Bà tự nhủ: “Sẽ giữ lại chiếc xe ấy mà đi, còn chiếc xe của mình thì sẽ bán bớt”. Bà tra chìa khóa vào cửa.
Chợt bà khựng lại một chút. Có khi nào bà sẽ gặp ông nấp sau cánh cửa chờ làm một điều gì đó thật ngạc nhiên cho bà" Bà lắc đầu… Bà đã mở cửa rồi! Căn nhà im vắng. Lâu nay có mấy bà bạn thỉnh thoảng ghé lại coi ngó giùm nên căn nhà sạch sẽ ngăn nắp như vẫn có người ở. Bà cởi áo khoác ngoài, ngồi xuống ghế. Bà muốn bật chiếc radio để nghe một đài tiếng Việt mà ông bà rất yêu thích và bật suốt ngày đêm những khi có ở nhà. Nhưng vẫn không. Bà muốn im lặng để tìm lại cái cảm giác thoải mái mỗi khi đi đâu về mệt, dựa lưng trên chiếc ghế êm ái này, biết rằng ông đang có mặt ở đâu đó trong nhà, mà bà không cần phải thấy ông. Nhưng rồi sau đó ông xuất hiện, tặng cho bà một tách trà ông mới pha. Và mỗi khi ông đi làm về thì bà lại là người pha trà cho ông. Giản dị như vậy thôi! Và rồi hai người lại đi vào cái nhà kính để trầm trồ và chăm chút những bông hoa đủ loại.
Bà lim dim mắt, ngả đầu trên lưng ghế, mường tượng ra tất cả những ngóc ngách của căn nhà. Bà chưa muốn đi xuống tầng basement vội, nhưng cũng nhớ như in, những chỗ mà ông hay lục đục dọn dẹp, sắp xếp. Bà cũng sẽ đi ra vườn chứ! Sẽ xem những cây ăn trái mùa này sắp sửa cho những trái ngon ngọt rồi đây! Và còn bụi hồng dại của bà nữa! Tháng tư là tháng mà những bông hồng dại sẽ rực lên một màu đỏ thắm.
Bà nhỏm dậy. Có một nơi mà bà không thể dừng được ý nghĩ phải vào đó. Bà phải vào đó ngay! Dù con trai đã dặn bà Hai kỹ lưỡng là phải đi cùng với bà, phải ở cùng với bà giùm nó, nhưng giờ đây, chỉ có một mình, bà bước vào đấy. Vâng, cái nơi mà ông đã thở hơi thở cuối cùng! Bà đi vào phòng ngủ, rồi mở cửa phòng tắm, bước vào. Bà như thấy ông đang vói tay lấy chiếc cell phone lúc đó đang ở trên chiếc kệ thấp. Nhưng không được. Ông không còn đủ sức để làm một cái gì. Ông đang từ từ lịm đi trên nền gạch… Ông đưa hai bàn tay ôm lấy ngực. Trái tim ông đang co thắt mạnh và đập những nhịp đập quái gở. Nét mặt ông rúm lại vì đau đớn. Nhưng rồi, trong một cố gắng cuối cùng, ông đã mỉm một nụ cười. Ông muốn mọi người khi trông thấy ông sẽ nghĩ rằng ông đã ra đi rất bình an.
Bà thấy mình tê điếng trong một cảm giác kỳ lạ. Bà thấy bà đang đứng vào chỗ của ông, đang té xuống nền gạch, đang vói lấy chiếc cell phone, đang ôm lấy ngực nơi có trái tim quái gở đang lịm dần, đang co rúm nét mặt, và đang cố nở một nụ cười. Ông đang vẫy gọi bà nơi lưng đồi ngoài kia. Tháng tư, mùa xuân vẫn còn ngự trị trên xứ của rừng. Những cây cỏ hoa lá cũng đẹp như trong một cánh rừng. Những con đường cũng mang tên của rừng. Con đường Ridgewood, cùng với những con đường khác cùng mang tên rừng đem bóng mát và hương thơm hoang dã vào đến tận trong nhà… Bà gục xuống, tâm trí lãng đãng…
Tiếng chuông điện thoại reng. Không phải chuông điện thoại bàn! Mà là chuông cell phone của bà! Bà luôn để cell phone trong túi áo. Tiếng chuông kéo bà ra khỏi cơn mơ màng. Bà giật mình, lấy vội điện thoại ra.
- A-lô!
- Hello, mẹ ơi, con đây! Con gái đây!
- Ôi, con gái, con ở đâu"
- Con đã về rồi! Con từ Kenya về.
- Thật sao"
- Thật mẹ ạ! Mà con xin báo tin vui cho mẹ, con đã xin về làm tại CDC, con không đi xa nữa, vì con muốn ở với mẹ.
- Mẹ mừng quá! Con đi hoài, không bao giờ gần mẹ cả. Mẹ nhớ con lắm!
- Con cũng nhớ mẹ lắm! Con gọi về nhà anh, anh bảo mẹ đã về nhà. Mẹ đang ở đâu"
- Mẹ đang ở nhà mình.
- Với ai"
- Một mình.
- Ôi! Không được, mẹ không được ở một mình. Con sẽ về ngay. Con đang ở CDC, con sẽ chạy về, nhanh lắm!
- Mẹ đợi con.
Bà chạy ra nhà ngoài. Một gương mặt quen thuộc nhìn bà. Một cái nhìn trìu mến! Bà dừng ngay lại. Lão ông! Lão ông của tôi! Xin lỗi ông, tôi quên là ông đang ở đây. Ông vẫn trìu mến an ủi và chăm sóc tôi đấy mà! Bà thổn thức, thắp cho ông một nén nhang. Ông mỉm cười. Bà mỉm cười với ông trong dòng lệ.
… Bà bước nhanh ra ngõ, đi ngược trở lại con dốc. Có tiếng cười trong trẻo nhẹ nhàng văng vẳng. Con gái đã về đến lưng đồi!
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Ý kiến bạn đọc
06/05/201118:03:03
Khách
Cám ơn chị Cam Li.

Một cư dân của Atlanta, GA
Dũng Nguyễn
05/05/201116:18:12
Khách
Cám ơn tác giả Cam Li NTMT, cho tôi xin mượn bài viết này kính gửi tặng cha mẹ của tôi.
Mong tác giả sẽ viết thêm nhiều bài viết đậm tình yêu mến.
05/05/201111:20:27
Khách
Thật hay và cảm động!
thu
12/05/201103:25:52
Khách
Tình đẹp như tranh vẽ. Life's too short nhất là những người ta thương yêu nhất ra đi đột ngột
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,224,702
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến