Hôm nay,  

Những Chiếc Xe Kỷ Niệm

22/04/201100:00:00(Xem: 118869)
Những Chiếc Xe Kỷ Niệm

Tác giả: Tô Ba Lây
Bài số 3172-28472 vb6042211

Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả Tô Ba Lây là “Tào Lao Chuyện Mỹ”û. Ông cho biết “bút hiệu lấy cảm hứng từ mấy anh du khách vùng trời Tây sang du lịch ở Việt Nam. Không tin, xin nói lái sẽ hiểu.” Bài viết thứ hai của ông vẫn chọn cách kể chuyện bằng đối thoại vui vẻ như bài đầu tiên. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm và vui lòng sơ lược tiểu sử và bổ túc địa chỉ liên lạc.

***

Xin nói rõ là những “CHIẾC” xe, chứ không phải “CHUYẾN” xe! Hai ông bạn già Bắc và Nam, gặp lại nhau một ngày cuối đông ở California …
Già Bắc: Tôi đang tính mua một chiếc xe. Gia đình tôi mới qua Mỹ, chưa có xe, muốn đi đâu cũng nhờ người khác chở giùm; nhờ vã hoài cũng phiền quá!
Già Nam: Ông nói cũng đúng. Nhưng đã định mua xe gì chưa" Xe mới hay xe cũ"
Già Bắc: Thì tính hỏi ý kiến ông đó! Mua xe mới thì tụi này còn chân ướt chân ráo, chưa có credit, nên nếu nhờ ai ‘cô-sai” (co-sign) thì cũng phiền phức. Mà mua xe cũ thì không biết có bảo đảm được hay không"
Già Nam (cười hì hì): Gì chớ mua xe thì tôi có kinh nghiệm đầy mình (Chỗ này hơi “nổ” một chút!) Từ chuyện lần đầu tiên đi mua xe mới, bị “xeo-men” (salesman) người Mỹ gạt tốn thêm cả ngàn đồng cho những thứ không cần thiết; cho tới lần thứ hai mua xe bị “xeo-men” người…mình (!) lừa cho một vố về tiền lời phải trả…(Chợt đổi giọng) Nhắc tới là thấy vừa tức mình, vừa nổi nóng. Thật là “Giận thì giận, mà… ngu thì (vẫn) ngu”!
Già Bắc (vỗ về): Thôi, thôi…Ông uống ngụm nước cho “hạ hõa”. Không nói chuyện mua xe mới nữa. Ông kể chuyện mua xe cũ của ông đi!
Già Nam: Nhắc tới những chiếc xe cũ của tôi là cả một vùng trời kỷ niệm hiện về…(Tính bắt vô câu vọng cổ, chợt thấy lão già Bắc nhếch mép với một nụ cười…đểu cáng; già Nam cụt hứng, chuyển “tông”)
Khi mới qua Mỹ, những người ‘trọc đầu” như tụi tôi thường mắc phải vòng tròn luẩn quẫn: “Không có xe thì không có “dóp” (job); mà không có “dóp” thì đâu có tiền mua xe”! Một bữa kia, sau khi đọc báo thấy có một “ây-dơn-xi” (agency) tìm việc làm, tôi mới đón xe buýt đến nơi nộp đơn. Sau khi điền đầy đủ giấy tờ, nhân viên văn phòng liếc qua tờ đơn rồi kêu tôi đi về, khi nào có “ố-pân-ninh” (opening) thì sẽ kêu tôi. (Về sau, tôi mới biết đây là cách từ chối khéo kiểu…Mỹ!)
Vừa mới quay đầu bước ra cửa, tính đi bộ trở lại trạm xe buýt, chợt tôi nghe tiếng gọi: “Anh kia ơi, đợi tôi với!” Quay lại, tôi mới thấy một bà, so với cái tuổi già của tôi, chắc cũng còn hơn tôi gần chục tuổi. Vậy mà, bả gọi tôi bằng “anh”, nghe cũng khoái!
Già Bắc (xía vô): Trời! Tưởng được cô nàng trẻ đẹp nào gọi bằng “anh” thì mới lên hương, chứ bà già gọi bằng “anh” thì “phê” cái nỗi gì!
Già Nam (hơi quê): Kệ tôi! Mắc mớ gì mà ông đâm hơi"
Già Bắc (xí xóa): Thôi! Bớt giận đi ông! Tôi chọc ông cho vui, chứ tôi đang hồi hộp muốn nghe tiếp đây nè!
Già Nam: Tôi còn đang thắc mắc bà này gọi tôi làm gì thì bà này nói luôn một tràng: “Hồi nãy, “em” cũng nộp đơn trong đó và cũng bị kêu về; nhưng chỉ nhìn mặt tụi nó cũng biết là “dân kỳ thị” rồi (cái này là bả nói). Nhưng không sao, em còn biết một “ây-dơn-xi” khác, anh có muốn nộp đơn không thì đi theo em”. Đến khi nghe tôi nói mới qua Mỹ và chưa có xe riêng thì bà ta đề nghị lên xe của bà ta để cùng đi kiếm “dóp”.
Chiếc xe của bà ta, tôi nhớ là màu trắng, hiệu Chevrolet thì phải; còn năm sản xuất thì chắc là khoãng cố tổng thống Ronald Reagan còn đang đóng phim cao-bồi! Ngắn gọn, chỗ thứ hai cũng không kiếm được việc làm. Và trên đường (tình nguyện) lái xe chở tôi về nhà, bà ta ngỏ ý muốn bán chiếc xe này cho tôi với giá 300 đô-la.
Thật tình thì lúc đó gom hết vốn liếng, tôi cũng có đủ 300 đô-la. Nhưng nhìn thấy chiếc xe “lắt-xơ-ry” (luxury) của bà ta, mà tôi còn được hân hạnh ngồi trên xe đó gần một tiếng đồng hồ, tôi đã thấy nổi da gà rồi… Đành từ chối khéo với lý do là không đủ tiền! Lâu lâu mới nói láo một lần vậy mà! (Câu này muốn tin hay không thì tùy ông đó!)
Về tới nhà, tôi kể cho thằng em kế nghe, ngờ đâu nó ngỏ ý muốn mua xe của bà kia liền. Thì ra nó mới được nhận vào “dóp” bỏ báo cho một tờ báo Mỹ. Lúc nộp đơn, nó khai đại là đã có xe; bây giờ người ta kêu đi làm thì nó mới quýnh lên, đang săn lùng một chiếc xe nào hợp với cái túi … lủng của nó (giống y chang cái túi xơ mướp của tôi)!
Tôi gọi ngay cho bà kia theo số phôn bà ta để lại. Tôi vừa cất tiếng: “A-lô, thưa có chị H. ở nhà không vậy"” thì một giọng đàn ông…nói gằn từng tiếng: “Anh là ai mà hỏi kiếm vợ tôi" Bộ muốn ăn đạn hả"” Hít một hơi lấy hết can đảm, tôi mới cố gắng trả lời…lắp bắp: “Dạ… hồi sáng… chị H. muốn … bán xe cho em…”
Sau đó thì mọi chuyện cũng êm xuôi; ít ra là trót lọt trong ngày hôm đó. Thằng em tôi đi đến nhà bà ta để mua xe và lấy xe về. Tôi đã không đi với nó vì không muốn bị ăn đạn! Hai mươi mấy năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ về câu nói “đầy ấn tượng” của ông chồng! Còn chuyện sau này, mấy lần chiếc xe ấy nằm vạ trên đường bỏ báo của thằng em tôi thì…ông đi kiếm nó mà hỏi! Nó bây giờ vẫn còn “hầm” tôi về chuyện “làm mai” cho chiếc xe đầu đời của nó!
Già Bắc (cố nín cười): Vậy chứ chiếc xe đầu đời của ông thì sao"
Già Nam: Khoảng 4 tháng sau đó thì tôi mua được chiếc xe hơi đầu tiên trong đời của tôi. Nhờ có đi làm một “dóp” tạm thời và có để dành thêm được chút tiền, tôi mua một chiếc xe ngon hơn chiếc 300 đô-la của thằng em tôi nhiều. Chiếc xe của tôi tới 750 đô-la lận! Đời 1978, xe Nhật Nissan, hai cửa “xì-po” đàng hoàng! Trong tháng đầu, nó chạy ngon lành lắm! Ra “phi-quây” (freeway), tôi dọt 70 đến 80 “mao-giờ” (mph), qua mặt nhiều chiếc xe đời mới khác ngon lành! (Sau này tôi mới biết: không phải họ “thua” vì đấu không lại chiếc “xì-po” của tôi mà vì tốc độ của Cali lúc đó chỉ là 50 mph nên họ ngán bị tíc-kịt (ticket); còn mình thì lúc đó vừa có xe, nên không để ý). Qua tháng thứ hai, thì đến phiên tôi chạy…
Già Bắc (thắc mắc): Mà ông chạy đi đâu"
Già Nam: Thì chạy đi tiệm sửa xe chứ còn đi đâu nữa! Đầu tiên, một buổi sáng từ trong hãng đi ra chỗ đậu xe thì thấy nguyên một bãi nước như con nít đái dầm ra giường. Có điều không phải nước tiểu màu vàng, mà lại là màu xanh lá cây! Mấy ông làm chung, đứng gần mới nói đó là nước giải nhiệt (coolant) trong “ra-đi-a-tơ” (radiator). Vậy là phải tốn mấy chục để kéo xe đi thay bình “ra-đi-a-tơ”. Tháng sau nữa thì phải thay mấy cái “pạt” (part) trong máy. Rồi một bữa chạy ngon lành về nhà thì mới thấy thiếu mất cái ống bô (muffler)! Chắc là nó rớt mất trong lúc tôi đang vi vút trên “phi-quây”…

Già Bắc (làm mặt nhân nghĩa): Xin được chia buồn cùng ông về chiếc xe đầu đời này.
Già Nam: Tôi như vậy còn đở lắm ông ơi! Lúc đó, mình còn độc thân, lại chưa có bồ bịch gì, nên hư xe thì chỉ mình biết; đâu có phải quê xệ với ai! Chứ trường hợp của một ông cậu tôi thì khác. Ổng qua Mỹ từ năm 1975, lúc tôi gặp lại ổng thì ổng đang làm chức cao trong một hãng lớn. Ông cậu kể chuyện lúc còn đi học trong đại học, lúc đầu ổng tốn bao nhiêu thì giờ để theo đuổi và canh me một cô cùng trường. Đến một ngày đẹp trời nọ thì mới được nàng cho một cơ hội là cho phép ông cậu tôi chở nàng về nhà. Nào ngờ xe vừa vào “phi-quây” được vài phút thì “tịt ngòi” luôn; nghĩa là nằm vạ giữa đường! Xe cộ đàng sau thì bị kẹt cứng; cô nàng trong xe thì lên cơn đau tim vì sợ lỡ có xe chạy nhanh tới không thắng kịp…; còn ông cậu tôi thì bị sốt rét, nghĩa là vừa nóng đỏ mặt (vì quê độ với người đẹp), vừa lạnh run (vì nghĩ tới tương lai của chiếc xe cà-tàng yêu dấu và con đường tình ta đi sắp vào…ngỏ cụt!) Khỏi phải nói thì sau ngày đó, không bao giờ cô ta đi cùng xe với ông cậu tôi nữa. Còn ông cậu tôi thì cũng nhờ chuyện này mà từ đấy chỉ chuyên tâm học hành cho đến ngày tốt nghiệp đi làm, có được “gút dóp” (good job).
Già Bắc: Vậy là cậu của ông “trong cái rủi, có cái hên”!
Già Nam: Đó là ông cậu thứ nhất. Còn ông cậu thứ hai của tôi thì ngược lại: “trong cái rủi, có cái …xui”!
Già Bắc: Ông kể luôn đi!
Già Nam: Chuyện này không liên hệ đến xe hơi mà là xe gắn máy (motorcycle). Thời gian đầu, tôi cũng tính mua một chiếc xe gắn máy vì nghĩ là nó rẻ tiền hơn mua xe hơi. Cho đến khi ông cậu thứ hai gặp tôi, chìa cái chân cà-thọt của ông cho tôi thấy rồi dặn: “Đi xe gắn máy ở Mỹ nguy hiểm lắm! Xe cộ ở Mỹ chạy rất nhanh; chỉ cần xe khác quẹt nhẹ vào xe gắn máy của mình là “xong” ngay! Hãy nhìn cái chân què của cậu nè, mà đừng bao giờ nghĩ đến chuyện chạy xe gắn máy ở Mỹ nữa”! Rồi ổng kể tiếp: Ông cậu của tôi qua Mỹ năm 1975, lái xe gắn máy đi làm mỗi ngày cho đến khi bị một chiếc xe vận tải đụng ổng gảy chân, phải gắn một miếng kim loại trong ống quyển suốt đời. Trong lúc ổng đang nằm bệnh viện, đại diện của công ty xe tải vào thăm và đề nghị bồi thường cho ổng 100 ngàn đô-la, ngoài tiền bệnh viện và thuốc men. Cứ nghĩ xem, vào khoãng năm 1976 đến 1980, giá xăng chừng 10 cents/gallon thì 100 ngàn dô-la lúc đó giá trị đến mức nào. Ông cậu tôi thấy ngon lành nên tính đồng ý. Thì lúc đó có ông bạn luật sư nhảy vào, ngăn lại: Để cho ông luật sư này “làm việc” thì ông cậu tôi sẽ thu về, không phải 100 ngàn dô-la, mà là một triệu đô-la lận! Số tiền hứa hẹn gấp tới 10 lần, ông cậu tôi thấy “tương lai huy hoàng” quá, liền từ chối đề nghị của công ty xe tải và giao phó cho ông bạn luật sư. Kết quả khi ra tòa, bên công ty xe tải mướn luật sư giỏi, kinh nghiệm hơn nên sau khi tranh cải, tòa quyết định ông cậu tôi lái xe ẩu, bị tai nạn … rán chịu! Công ty xe tải chỉ phải trả tiền bệnh viện, thuốc men; còn ông cậu tôi thì không được một xu teng mang về!
Già Bắc: Cái này gọi là “tham thì thâm” chớ tại sao gọi là “xui”"
Già Nam: Ông muốn nói sao cũng được! Chứ tôi thì cứ nhớ tới cái chân cà-thọt của ông cậu là có cho tiền, tôi cũng không bao giờ dám chạy xe gắn máy ở Mỹ!
Già Bắc (sực nhớ ra): Mà cái ông này mới lạc đề chứ! Đang nói chuyện xe cũ của ông thì ông lại bắt qua xe của người khác!...Kể tiếp chuyện các chiếc xe cũ của ông đi!
Già Nam (cười cầu tài): Ờ hén! Tự nhiên lại đi kể chuyện người khác…Chắc là tại tụi mình thuộc loại “có tuổi” rồi, nên hơi bị…lẩm cẩm! Thôi, xí xóa nghe ông bạn…Chiếc xe thứ hai của tôi là chiếc Toyota Corolla đời 1981. Còn nhớ lúc tôi đến nhận xe, bà người Nhật bán xe, còn ra vuốt ve chiếc xe một lần cuối trước khi giao nó cho tôi, làm tôi ước gì mình được biến thành chiếc xe hơi đó…
Già Bắc (tạt nước lạnh): Thức dậy đi ông ơi! Lại chiêm bao, rồi nói nhảm nữa kìa…
Già Nam (cụt hứng, ỉu xìu): Ý tôi muốn nói là lúc đó ước chi tôi có thể trả lại cho bà ta chiếc xe đó để đi mua xe khác…(chuyển giọng) Vừa mới có xe xong thì tôi quyết định đi xa để kiếm dóp (jobs). Tôi còn nhớ khi mang xe đến một tiệm sửa xe để thay nhớt, anh chàng thợ máy trẻ người Mỹ mò dưới gầm xe gần 10 phút mới kiếm thấy cái ôi-phiu-tơ (oil filter). Thì ra bà chủ xe trước đây có lẽ chưa bao giờ thay cái filter này nên nó đã bị bao phủ bởi bụi, đất, mồ hóng, hay cái gì đó đen xì, nên phải mò rất lâu mới kiếm được. Đã xong đâu! Tôi còn nhớ anh chàng thợ Mỹ trắng to con lực lưỡng mà phải vận hết 12 thần công lực của Hercules, đi kèm với những tiếng “chúc Phúc” liên tục gần 10 phút nữa mới tháo được cái filter cũ! Còn nhớt cũ thì khỏi nói; hắc ín (nhựa đường) còn không đen bằng nó thì ông biết rồi…
Chặng đường xuyên bang gần ba ngày với chiếc xe đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đời của tôi. Chạy freeway vắng vẻ mà tôi luôn luôn tôn trọng pháp luật, không bao giờ vượt quá 60 mph…Lý do đơn giản vì có đạp ga mạnh hơn nữa thì cái xe nó cũng chỉ chạy nhanh tới đó thôi! Lực bất tòng tâm mà! Đã vậy, cứ 2, 3 tiếng thì phải dừng xe một lần cho máy nguội bớt vì cây kim đồng hồ chỉ nhiệt độ tăng lên cao. Nhưng hồi hộp nhất là lúc tôi đang chạy qua một vùng hoang vu thì nghe tiếng một vật rơi lẻng kẻng trên đường. Vội vàng dừng xe lại, bước ra thì tôi mới thấy đó là cái…bảng số xe phía trước! Lúc đó, đâu có sẵn sợi dây hay ốc vít, đồ nghề gì trong xe đâu; tôi lượm đại một cộng cỏ bên đường rồi cột bảng số lại, mà sau đó cũng chạy về tới nơi an toàn, nghĩa là không bị rơi rụng một lần nữa!
Già Bắc (sụt sùi): Thôi, ông đừng kể nữa, kẻo tôi sắp khóc đến nơi rồi…
Già Nam (nạt lớn): Ông mới là thôi cái giọng giả nhân, giả nghĩa kia đi! Tôi biết là ông sắp tắt thở vì… nín cười, chứ đâu phải vì ông thương hại gì tôi đâu!
Già Bắc: Sau chiếc xe đó thì sao"
Già Nam: Sau đó, tôi đổi xe vài lần nữa, từ xe cũ đến mua xe mới…Nói chung mua xe cũ hay xe mới thì cũng có cái lợi và cái hại của nó. Xe cũ thì tốn ít tiền, nhưng phải chấp nhận có khi bị “đau tim” vì những lần xe “làm nũng”! Xe mới thì yên tâm chạy trong mấy năm đầu, nhưng lại bị “đau bụng” mỗi lần ký check trả tiền xe hàng tháng! Chưa kể mỗi lần chiếc xe mới yêu quý mà bị một vết trầy xướt là mình lại cảm thấy đau xót như bị ai cắt cổ vậy!
Già Bắc (thở dài): Ôi thôi, chuyện mua xe tưởng đơn giản, nhưng sao lại nhức đầu quá ta!

Ý kiến bạn đọc
26/05/201123:48:54
Khách
Bài viết hay. Xin cám ơn. Ông có viết thêm bài nào nữa không?
23/04/201118:30:11
Khách
Xin cám ơn tác giả. Mong được đọc thêm nhiều bài khác của ông.
22/04/201103:11:29
Khách
Cám ơn bài viết của ông. Nhiều người Việt Nam, lúc mới qua Mỹ cũng gặp những chuyện cười ra nước mắt về xe cộ tương tự như ông vậy.
22/04/201118:29:28
Khách
C'am on ta'c gia? To^ Ba La^y da co^'ng hie^'n cho do^c. gia? Vie^.t Ba'o nhung tra`ng cu+o+i` sa?ng khoa'i vo+'i lo^' vie^'t va+n tha^.t duye^n da'ng cu?a O^ng.
Tra^n Tro.ng
22/04/201116:18:54
Khách
Tac gia viet rat di dom va co duyen .Day la mot nguoi viet hay .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,789,279
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến