Hôm nay,  

Chuyện Vui Sầu

15/04/201100:00:00(Xem: 106411)
Chuyện Vui Sầu

Tác giả: Khánh Doãn
Bài số 3166-28466 vb6 041511

Tác giả là cư dân Huntington Beach và đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà. Theo bài viết, bà đang dạy học cho một tổ chức phi lợi nhuận của người Việt nên thường được nghe tâm sự của nhiều đồng hương. Câu chuyện sau đây đã khiến tác giả xúc động và cảm phục nhân vật chính, một bà mẹ Việt. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

***

Nhớ xưa Bùi Giáng hứa: “Tôi sẽ yêu mến trần gian này mãi mãi, vì nơi đây tôi có cả vui sầu”. Thật thương ông thi sĩ lấy vui sầu làm mồi thắp sáng lòng yêu mến trần gian. Phải chăng nhờ đó mà ông làm thơ hay" Thực ra, người Việt xa xứ chúng ta ai cũng có một bụng chuyện vui sầu, nhưng từ đó có yêu mến trần gian không là một chuyện khác.
Tôi dạy học cho một tổ chức phi lợi nhuận của người Việt nên được dịp nghe tâm sự của nhiều người đồng hương. Tôi vẫn ao ước mỗi người đều có trong mình một ông thi sĩ, hay tiểu thuyết gia, hay đạo diễn thì đó sẽ là chất liệu cho bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật, để mà từ đó chúng ta đem lòng yêu mến trần gian.
Câu chuyện sau đây được tôi theo dõi như một cuốn phim sống động. Tôi vẫn như còn nghe được từng lời tâm sự của nhân vật chính:
“Cô giúp tôi tìm thông tin trên mạng về mấy chuyến bay đi Hawai được không"”
“Bữa nay con gái chở đi học, tui hết đón xe “bớt” rồi.
“Con gái thi đậu bằng lái rồi. Đang tìm mua xe.”
“Con gái qua rồi. Đang học lái xe.”
“Tui lãnh đứa con gái độc thân, nó sắp qua.”
Cuốn phim quay nhanh, chiếu lùi trình tự những bước đời vui của một người Việt trên đất Mỹ, khớp với khẩu hiệu “Welcome to America”.
Người kể chuyện là một bác gái tuổi ngoài 70, mặt tròn phúc hậu. Bác là học viên trong lớp luyện thi quốc tịch của tôi. Bác và bác trai được con trai bảo lãnh qua Mỹ đã ngót mười năm, nay bác mới được đoàn tụ với con gái. Nghe giọng miền Nam chân chất, nhiìn nụ cười nhẹ nhàng quen thuộc, tôi hiểu bác vui niềm vui chừng mực của người thất thập hiểu sự đời.
Trước khi con gái qua, bác chăm chỉ đón xe buýt đi học lớp luyện thi quốc tịch. Bác thà đi chuyến sớm bét để rồi ngồi ở băng ghế cuối hành lang ôn bài, còn hơn ở nán lại dọn dẹp nhà cửa rồi hồi hộp sợ lỡ chuyến xe buýt sát giờ. Bác tâm sự rằng đứa con gái mang sang một ít vốn liếng từ Việt Nam, đủ để mua một chiếc xe cũ. Mua xe của một người quen, chồng tiền rồi mà người ta còn nhì nhằng cả tháng mới giao xe. Ngày đầu tiên được con gái chở đi học, bác đến lớp chỉ mười lăm phút trước giờ học. Bác giải thích: “Bị bữa nay con gái chở!” Tôi reo vui dùm bác: “Vậy bác giã từ đời xe buýt rồi hén”. Bác cười hiền: “Dạ, hết đón xe “bớt” rồi.”
Được ít lâu, bác lại đi sớm bét. Đón ý dò hỏi của tôi, bác giải thích:
“Bị bữa nay con gái chở tui đi sớm để nó còn đi hầu tòa.”
“Ủa, làm sao phải đi hầu tòa vậy bác"”
“Nó lái xe chưa rành, lại không biết đường xá, vượt đèn đỏ mà không hay. Năm trăm hai mươi đồng đó cô, lại còn phải ra tòa, rồi đi học nữa.”
Tôi lắng nghe tiếp, chờ đợi một câu trách móc. Nhưng không, bác chỉ chép miệng:“Tội nghiệp con nhỏ!”
Trước Tết vài ngày tôi nhận điện thoại của bác. Giọng bác khẩn cấp: “Cô giúp tôi tìm thông tin trên mạng về mấy chuyến bay đi Hawai được không"”
“Dạ được. Đi ngày nào bác" Vé khứ hồi, phải không"”
“Đi càng sớm càng tốt. Vé một chiều.”
Khẩn cấp thật, chiếc vé không đường về. Tôi vào mạng liền và 15 phút sau báo cho bác biết các chuyến bay đi Hawai trong hai ngày sắp tới giá một chiều hơn 1000 đồng. Qua điện thoại, giọng bác sửng sốt: “Mắc quá, tưởng vài trăm!”
Tôi không dám hỏi thêm, chỉ mách nước bác đến một văn phòng du lịch ở Phước Lộc Thọ, lầu 2. Họ có nhiều thông tin hơn.
Hôm sau gặp bác ở lớp học, tôi hỏi liền: “Bác có mua được vé đi Hawai chưa"” Bác hớn hở:

“Được rồi. Hôm qua vừa nói chuyện với cô xong tôi thay quần áo đến văn phòng du lịch liền. Người ta tim cho tôi một vé đi Hawai ngày mùng 3 Tết, giá 310 đồng.”
Tôi mừng cho bác và hơi ngượng vì “tài” search vé của mình. Bác gạt phăng: “Có sao đâu. Cám ơn cô đã giới thiệu chỗ mua vé.” Rồi bác loay hoay móc từ bọc ra một chùm bưởi ba trái nhỏ, có lá xanh tươi. “Biếu cô mấy trái bưởi của vườn nhà chủ. Trái mùa đầu tiên, tui không biết nó chua ngọt ra sao. Mới hái đó cô.” Nói thêm dăm ba câu nữa, bác lại nói “Bưởi mùa đầu, lỡ chua cô đừng buồn nha.”
Chưa đến giờ học, bác kể lể chuyện đi Hawai của đứa con gái. Một người bạn kêu nó đi gấp vì tiệm nail ở đó đang cần người những ngày Tết. Tính ra một ngày được 100 đồng, một tháng được 3000 đồng. Chủ bao ăn uống và chổ ở. Kể tới đây bác hạ giọng nói: “Nói thiệt với cô, mua vé máy bay cho nó xong, cả nhà chỉ còn 100 đồng. Tui đưa nó năm chục để đóng tiền hành lý và tiền xe từ phi trường. Tui giữ năm chục đợi đến ngày đóng tiền điện nước.”
Không nghe bác nhắc tới tiền ăn.
Tối giao thừa, tôi vừa bầy chùm bưởi của bác vào mâm cúng đón ông bà vừa cầu mong bưởi ngọt để bác đừng áy náy.
Sau Tết bác lại đến lớp sớm bét, ngồi ôn bài ngoài hành lang. Tội nghiệp bác phải quay lại với kiếp xe “bớt”; chắc bác nhớ con gái dữ. Tôi hỏi thăm bác: “Con gái bác đi làm chưa"” “Chưa cô ơi, nó nói bà chủ chưa sắp xếp.” Tự nhiên tôi thấy lo trong bụng, nhưng hình như bác vững tâm lắm. Bác nói: “Hôm qua nó gọi về, tui dặn nó kiêng ngày mùng 5, làm trễ một ngày cũng được.”
Tối hôm đó tôi soạn trái cây ngày Tết, chợt thấy mấy trái bưởi của bác. Vừa định bổ ra ăn thử một trái thì em tôi cản liền “Đừng ăn, em đã thử, chua len lét. Em phải bỏ đi!” Tôi nhìn trái bưởi trong tay, thầm trách: “Sao mày chua, sao mày không ngọt"”. Tôi tần ngần nhớ đến một trăm đồng cuối cùng của bác, nhớ đến năm trăm đồng mất toi cho DMV và ba trăm tiền vé máy bay cho người con gái đi xa mưu sống. Cuộc đời đã chua, sao bưởi nỡ lòng nào còn chua hơn"
Hai ngày sau gặp bác ở lớp học, tôi vẫn đeo đuổi câu chuyện “Con gái bác đi làm chưa, bác"”
Bác vừa ngồi xuống ghế vừa thở dài: “Nó về nhà rồi cô ơi. Bữa nay nó chở tui đi học.” Bác kể là người chủ tiệm chỉ mướn một người nhưng kêu hai người phòng hờ. Đứa con gái bay đến thì cũng có người khác đến. Người kia được chọn, nó phải đi về. Tôi nghe lòng chua chát, nhưng bác điềm tĩnh kể tiếp: “Người ta cũng tử tế, mua vé cho nó về. Trước khi về còn chở nó đi một vòng cho biêt Hawai.” Tôi lắng nghe, vẫn không có lời than vãn nào kế tiếp.
Chiều hôm ấy về nhà, mắt tôi lại vô tình trông thấy ba trái bưởi chua trong rổ trái cây. Tự nhiên tôi đùng đùng muốn “thanh toán” cái của chua lét này. Ba trái mọng nước vắt được một ly lớn. Tôi nếm thử, nước bưởi chua gắt và có vị đắng. Tôi vùng vằng bỏ thêm ba muỗng đường. Nước bười bây giờ chua, đắng và ngọt. Tôi sớt cho đứa cháu gái một ly nhỏ, còn lại tôi nhắm mắt uống một hơi. Vị chua đắng ngọt đọng trên lưỡi hồi lâu.
Hai hôm sau bác đi học, giọng chào “morning, cô” vẫn điềm tĩnh như bình thường. Nhưng sau đó bác ngồi xuống ghế, nói liền: “Cô ơi, chuyện buồn gì cũng kể cho cô nghe, hôm nay tôi có chuyện vui nè.” Tôi cũng bắt chước giọng điềm tĩnh của bác: “Vậy hả bác, chuyện vui gì ạ"”
“Hôm trước Tết đứa con ở Việt Nam gọi qua. Nó trách sao để chị phải đi làm xa. Tui nói ‘má kẹt tiền quá con à.” Nó suy nghĩ vài bữa, hôm qua mới gọi lại nói “Má, con gửi má hai ngàn đồng nha. Con nói anh Hai ký check cho má trước, con chuyển tiền sau.” (Anh Hai ở miền Bắc nước Mỹ)
Bác ngưng lời kể, hít một hơi dài: “Mừng quá, cô ơi!”
Nhìn khuôn mặt hằn nét vui buồn của bác tôi lại nhớ đến hình ảnh ông Bùi Giáng phong trần. Trần gian, quả như ông nói, sầu vui tiếp nối. Tôi yêu mến trần gian vì ở đó có những người hứng nhận chuyện vui sầu mà không khởi tâm hờn giận.

Khánh Doãn

Ý kiến bạn đọc
27/02/201718:23:16
Khách
Tôi đoán chị Khánh Doãn là ái nữ của nhà văn Doãn Quốc Sỹ . Nếu đúng xin quí báo cho biết để tôi được liên lạc lại với chị sau hơn 30 năm mất liên lạc. Xin cảm ơn quí báo.
21/04/201119:59:00
Khách
Bai viet cam dong lam mac du cot chuyen don gian. Mong tac gia Khanh Doan viet nua. Toi thich loi viet cua tac gia.
04/05/201106:56:07
Khách
Bài viết dể thương quá. Đi làm về mệt mõi đọc được nhửng bài viết như vậy hết đau đầu và đau chân. Cám ơn chị Khánh Doãn. Chị có bà con gì với Doãn Quốc Sỹ không? Cái họ hơi lạ nên thấy ngồ ngộ.
19/04/201122:02:55
Khách
Ôi 1 bài viết đơn giản mà cảm động ghê luôn ! Khả năng không than van trước ~ nghịch cảnh, khó khăn, dễ mấy ai có ? Có lẽ nó bắt nguồn từ tình thương, thương cô giáo và đặc biệt là học trò đi xe bus ! Xin cảm ơn tác giả Khánh Doãn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,643,071
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức Đà Nẵng từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Tựa đề bài viết mới của bà là tên một ca khúc Trịnh Công Sơn.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Cô tên thật Trần Minh Châu, 38 tuổi, quê quán Sài Gòn, định cư tại Mỹ mới hơn 6 tháng theo diện kết hôn, hiên đang sinh sống tại Hillsboro, tiểu bang Oregon. Đã tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Đại học Tổng hợp Sài Gòn. Công việc trước đây tại Viêt Nam là biên dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, và công việc hiện tại là nội trợ, đang tìm việc làm phù hợp.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về mùa Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả bắt đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học. Trước 1975, là cảnh sát quốc gia. Cựu tù cải tạo. Làm rẫy vùng kinh tế mới. Đến Mỹ theo diện HO từ 1993, ông có 12 cuốn sách đã xuất bản. Bài viết mới là tự truyện của một “ông nhà văn kiêm thằng bỏ báo” như bạn hữu thân tình gọi tác giả.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài “Nước Mỹ là nhà của Mị” ký tên thật là Quynh Gibney. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và sau đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang.
Đây là một bài mới tác giả viết về tâm trạng của con cái khi phải đưa cha mẹ già vào nursing home. Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, được giải danh dự trong năm đầu (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” ( Á khôi) năm 2017. Ông là một chuyên viên về hưu, đang định cư tại Orange County.
Nhạc sĩ Cung Tiến