Hôm nay,  

Chữ Lác Vần Ác

09/04/201100:00:00(Xem: 220549)

Chữ Lác Vần Ác

Tác giả: Nguyễn Trung Tây

Bài số 3161-28461 vb7040911

Tác giả là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Với nhiều bài viết giá trị, ông là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010. Chữ Lác vần Ác là một truyện mang nhiều chất tự sự đặc biệt của tác giả.

***

Cuộc đời! Ôi cuộc đời! Càng ngày người ta càng văn minh ra, người ta càng biết cách làm khổ nhau nhiều hơn, làm cho nhau khóc nhiều hơn. Thời xưa, có người xuất gia thò ngón tay kéo ra từ vũng bùn hôi tanh một chiếc guốc mộc cho người con gái đang đứng khóc bên vệ đường. Sau khi vị tăng viên tịch, thân thể được đưa lên giàn củi đốt. Lửa cháy mấy ngày rồi, vị cao tăng đã tan ra tro bụi, nhưng ngón tay ngày xưa nhặt chiếc guốc cho người con gái vẫn còn nguyên vẹn, không tiêu tan!...

Chữ Ác

Tháng 10. Buổi sáng thu rét lạnh. Trời lạnh teo da teo thịt! Tâm bước vào lớp. Mười hai cặp mắt ngái ngủ ngước lên nhìn. Tâm mở lời,

- Chào những người xuất gia trẻ tuổi. Kỳ trước mình học tới đâu rồi"

Sinh viên chưa kịp trả lời, Tâm đã xuống giọng,

- Hôm nay có pop quiz. 10 phút nhé!

Giấy thi phát ra. Yên lặng, hoàn toàn yên lặng! Trong thinh lặng, những bộ mặt căng tràn nhựa sống bắt đầu biến dạng méo mó, những cái lưng thẳng băng tuổi hai mươi tự nhiên cong xuống. Trong thinh lặng, hơn ba mươi khuôn mặt căng thẳng, mắt trợn tròn nhìn vào tờ giấy thi trước mặt. Trong thinh lặng, tự nhiên Tâm cảm thấy mình có máu ác, tự nhiên Tâm sợ, sợ mai mốt chết, bị đày xuống Hỏa Ngục bởi ác. Tâm sợ mai mốt chán đời xuất gia, quyết định nhập gia, lấy vợ, vợ sinh con dị hình.

Thời xưa, mẹ của Mục Kiển Liên ác, làm bánh chay nhân thịt cho các vị tăng. Chết đi, bà bị đày xuống địa ngục, ngồi trên bàn chông sắt, hai tay nâng cao, đầu đội vạc dầu nóng, cơm đưa vào miệng lửa cháy bùng lên!

Thời nay, sinh viên hồi hộp, đau tim với những bài pop quiz của Tâm. Chết đi, Tâm bị đày xuống dưới đáy địa ngục, ngồi trên những cuốn sách. Sách bị đốt cháy dâng cao những ngọn lửa thiêu đốt Tâm. Lửa cháy mãi! Lửa không tàn! Thời nay, sinh viên bạc phơ những mái tóc xanh vì những đêm chong đèn thức trắng, đỏ ké hai con mắt học và làm bài cho lớp của Tâm. Mai mốt chết đi, dưới đáy địa ngục Tâm phải giơ cao hai tay. Trên lòng hai bàn tay chồng chất những bài pop quiz, bài thi dài năm mươi câu, và bài văn nghị luận dày đặc tư liệu trích dẫn dài mười trang. Tất cả đang cháy. Giấy cháy đốt nóng hai lòng bàn tay Tâm. Lửa cháy, nhưng những bài thi không tan thành tro. Lửa cháy mãi! Lửa cháy hoài! Lửa đốt bàn tay cầm phấn trắng, lửa thiêu bàn tay cầm viết mực đỏ, bàn tay một thời ở ác với sinh viên.

Thời xưa, trong khi đang đánh nhau với người Amalek nơi sa mạc, Moses giơ cao hai tay, người Do Thái thắng. Khi mệt mỏi, ông buông tay xuống, giặc cỏ Amalek lấn tới giết người du mục Do Thái không nương tay. Cuối cùng Aaron và Hur, mỗi người một bên, nâng cao hai tay của đại lãnh tụ Moses. Thế là trận chiến tàn. Phần thắng nghiêng về dân du mục.

Thời nay, Tâm bị đày xuống Hỏa Ngục bởi ác. Trong cõi đoạn trường Hỏa Ngục, Tâm chẳng được ông Aaron và ông Hur giúp đỡ, nâng cao hai tay, bởi hai người này lên Thiên Ðàng rồi. Họ đâu còn có mặt ở nơi chứa rác rưởi Hỏa Ngục.

Thời xưa, ông phú hộ vô danh ở ác. Thấy ông ăn mày Lazarus nằm ngay trước cửa nhà, ông chơi tình lờ. Chết đi, ông bị đày xuống Hỏa Ngục. Nơi đáy địa ngục ông nhà giàu mở miệng xin một giọt nước nhúng vào đầu lưỡi, nhưng không ai cho.

Thời nay, Tâm ác với sinh viên. Chết đi, Tâm ngồi trên lửa, hai lòng bàn tay cũng đầy lửa. Mở miệng ra xin một giọt nước, chắc chẳng ai cho!

Tự nhiên Tâm thắc mắc trong cõi rác rưởi Hỏa Ngục, làm sao kiếm cho ra những giọt nước lạnh dập tắt những ngọn lửa đang bốc cao thiêu đốt Tâm"

Chữ Lác

Ðời sống tại trường đại học vui thì không sao, những lúc buồn tênh, máu lác nổi lên, Tâm muốn vô phòng, dọn dẹp đồ đạc, cởi áo xuất gia, về nhà lấy vợ, dụ dỗ vợ sinh cho mình mười hai đứa con, chẵn một tá, đủ quân số đội banh bóng chuyền. Con chơi, bố mẹ ngồi vỗ tay khen ngợi, "Sao con tôi giỏi quá"!

Làm việc với sinh viên tại trường đại học, càng ngày càng hiểu thêm nhiều về chữ Lác, chủ nghiã Lác, "Lacism", Lác-ki-dzầm, của đời sống thiền với thiền viện. Mấy anh chàng sinh viên mới, chưa biết Tâm có máu lác, thắc mắc,

- Sao cha đi tu vậy"

Tâm suy nghĩ, trả lời nhỏ nhẹ,

- Cũng không biết. Một vài lúc tự nhiên thấy mình hơi ngu ngu. "Trăm năm trong cõi người ta, chữ tu cùng với chữ…ngu một vần".

Người sinh viên mở tròn mắt kinh ngạc nghe người xuất gia sửa lời thơ đại văn hào Việt Nam.

Trong trường, nhiều việc, mệt, máu lác nổi lên, Tâm kiếm chuyện sinh sự. Thế là khẩu nghiệp dâng cao có ngọn.

- Chào cha! Cha khỏe không"

Tâm ăn nói dấm dẳng,

- Khỏe gì!

Có người sinh viên phán một câu,

- Con chưa thấy ai du côn như cha!

Tâm trợn mắt nhìn người sinh viên,

- Sao lại nói như vậy"

Người sinh viên tố tới,

- Nhìn cha không giống người tu hành một chút xíu nào...

Tâm than thở,

- Giời ạ! Như thế nào mới là người tu hành"

Máu lác dâng cao, người xuất gia tâm sự,

- Biết không" Hôm nọ tới xứ lạ hoắc làm một ván lễ. Bữa đó ngủ quên, dậy trễ, không kịp mặc áo đen, đầu lại chải bốc lên kiểu dân găng-stơ, ma-phi-a. Bước vào phòng mặc áo nhà thờ, người tu hành thấy hai ba bà đạo đức đang to nhỏ thì thầm với nhau. Một bà ngước lên nhìn nhân vật lạ mặt. Chắc sáng đó, bà ta chưa ăn sáng, bụng đói, muốn sinh sự! Thấy người xuất gia, bà cất giọng, "Xin lỗi... Có phải cố đạo hay không"" Sáng hôm đó, một buổi sáng âm u, tuyết ngập tới rèm cửa sổ, trời lạnh teo da teo thịt, người xuất gia dậy trễ, trễ luôn ly cà-phê sáng sớm. Vậy là máu lác dâng cao có ngọn trong lòng. Bà đạo đức sinh sự, người xuất gia sự sinh, "Ủa" Nhìn không giống hay sao"" Biết gặp phải người có máu lác, bà đạo đức xuống giọng, "Không! Cũng giống lắm…"

Ăn cơm tối xong, liếc mắt nhìn ngang dọc, chỉ thấy Mít ta trong phòng ăn rộng thêng thang trường đại học, thầy trò rủ nhau ngồi xúm lại, nói tiếng Văn Lang rộn ràng như pháo tết.

- Cha ơi, sao Dòng Ngôi Lời mình nổi tiếng là lác vậy"

Tâm tào lao khú đế,

- À, chuyện là như thế này. Vào một buổi sáng trên Thiên Ðàng. Thánh Phêrô mới thức dậy, còn ngái ngủ. Mắt nhắm mắt mở ngài mở cửa Thiên Ðàng. Ngay trước cửa vườn Ðịa Ðàng, ngài thấy một ông thầy Dòng Đồng Công. Con biết Dòng Đồng Công chứ gì, họ cũng đi truyền giáo như mình, truyền giáo chứ không phải truyền cái gì khác đâu... Thấy thầy dòng với cổ áo đen, thánh Phêrô che miệng ngáp dài, dấm dẳng hỏi, "Tu dòng nào"" Thấy thánh Phêrô không vui, thầy Dòng Đồng Công nhỏ nhẹ trả lời, "Dạ! Thưa thánh Phêrô, con tu ở Dòng Đồng Công". Sau khi nghe thầy Dòng Đồng Công xưng danh, thánh Phêrô cúi xuống lật vài trang sách trong cuốn sổ. Cuối cùng ngài nói, vẫn với giọng nói dấm dẳng, "Thôi, vào đi". Thầy Dòng Đồng Công không vui lắm trước thái độ bất thân thiện của thánh Phêrô, nhưng cũng không dám nói gì. Trong yên lặng thầy bước qua cửa Thiên Ðàng. Bất ngờ ngay lúc đó lại thêm một thầy dòng mặc áo đen xuất hiện ngay trước mặt thánh Phêrô. Thánh Phêrô lại hỏi, "Tu dòng nào"" "Dạ, Dòng Ngôi Lời". Nghe tới ba chữ Dòng Ngôi Lời, thánh Phêrô đổi sắc mặt. Ngài vui hẳn lên! Hớn ha hớn hở như trẻ con được quà, ngài gọi tất cả các thiên thần trên Thiên Ðàng chăng đèn, kết hoa, ca hát chào mừng thầy Dòng Ngôi Lời. Mới đi được mấy bước, thấy sự tình như vậy, thầy Dòng Đồng Công khó chịu lắm. Quay lại, thầy Dòng Đồng Công nói với thánh Phêrô, "Con nghĩ thánh Phêrô không công bằng"! Nghiêm sắc mặt, thánh Phêrô hỏi, "Sao con lại nói vậy"" "Thầy Dòng Ngôi Lời và con cùng đi tu như nhau. Tụi con cùng sống một đời sống tận hiến như nhau. Tụi con cùng có ba lời khấn, khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời như nhau. Khi con lên Thiên Ðàng, thánh Phêrô không thèm chào đón. Còn ông thầy Dòng Ngôi Lời, thánh Phêrô gọi thiên thần chăng đèn, kết hoa, đốt hương trầm chào đón". Thánh Phêrô chép miệng, nói, "Con không hiểu gì hết. Dòng Đồng Công của con lên Thiên Ðàng nhiều lắm! Còn cái Dòng Ngôi Lời này, lâu lắm mới được một ông"!...

Tâm lác-ki-dzầm,

- Bây giờ hiểu tại sao Dòng Ngôi Lời nổi tiếng là lác chưa" Biết chữ viết tắt của Dòng Ngôi Lời không" Ba chữ thôi, SVD. SVD là Societas Verbi Divini trong tiếng La Tinh, có nghiã là Dòng (Societas) [của] Ngôi Lời (Verbi Divini). Ðôi khi ngồi buồn buồn, viết thư cho mấy tên bạn thân, sau tên cha, cha không viết ba chữ S.V.D. mà là L.A.C.

Chữ Lác Vần Ác

Tháng 2. Trời mùa đông. Mấy ngày hôm nay, tự nhiên ấm lại. Nhiệt độ đang nằm ở những con số -10 độ F bỗng bất ngờ thay đổi. Dấu âm (-) biến mất. 10, rồi 20, rồi 30 độ F. Trời ấm! Xuân hình như chuẩn bị ghé về thăm lại miền trung tây Hoa Kỳ. Ðộ lác trong máu của người xuất gia nhờ thế xuống thật thấp. Sáng nay mới trả lại bài thi năm mươi câu hỏi cho sinh viên trong lớp Cựu Ước. Ăn trưa xong, đang tính đóng cửa văn phòng, len lén kiếm chỗ ngủ trưa, người sinh viên bất ngờ xuất hiện ngay trước cửa,

- Điểm thi con thấp quá!!!

Óc Tâm nhảy múa ba dấu chấm hỏi,

- """

Tâm yên lặng nhìn, không nói gì, không muốn nói gì. Tâm nghĩ ngợi lung tung. Tâm muốn nói, "Điểm thi làm sao sửa được"!

Trong yên lặng, trong bầu không khí căng thẳng, mắt người sinh viên bắt đầu đỏ hoe, bởi anh chàng biết người đang ngồi trước mặt nổi tiếng máu lác, lác nặng, "Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tu cùng với chữ ngu một vần"! Nhưng ngay bây giờ người xuất gia biết mình có một chọn lựa, "Trăm năm trong cõi người ta", không biết có nên tiếp tục gieo vần ác cho danh từ lác hay không"

Nếu chọn vần ác, người xuất gia sẽ nói, "Còn ba bài thi nữa, cố gắng học lấy điểm cao hơn". Nhưng Tâm ngừng lại bởi thấy những giọt nước mắt châu ngọc đang chuẩn bị rơi xuống!!!

Cuộc đời! Ôi cuộc đời! Càng ngày người ta càng văn minh ra, người ta càng biết cách làm khổ nhau nhiều hơn, làm cho nhau khóc nhiều hơn. Thời xưa, có người xuất gia thò ngón tay kéo ra từ vũng bùn hôi tanh chiếc guốc mộc cho người con gái đang đứng khóc bên vệ đường. Sau khi vị tăng viên tịch, thân thể được đưa lên giàn củi đốt. Lửa cháy mấy ngày rồi, vị cao tăng đã tan ra tro bụi, nhưng ngón tay ngày xưa nhặt chiếc guốc cho người con gái vẫn còn nguyên vẹn, không tiêu tan!

Có người nói tại vị cao tăng phạm sắc giới, ngón tay ngày xưa không tan được nữa.

Tâm không nghĩ như vậy! Ngón tay không cháy tan theo ngọn lửa bởi vì ngón tay đã hóa ra kim cương bất hoại! Không muốn biển nước mắt của nhân loại có thêm dịp ngập tràn, người xuất gia quyết định cúi nghiêng người xuống vũng bùn hôi tanh! Bụt Phật nói, "Ta không vào địa ngục thì ai sẽ vào"" Bởi Bồ Ðề Tâm, vị cao tăng dám hủy hoại công lao của một đời tu hành để ngăn lại những giọt nước mắt nhân gian. Cao tăng! Cao tăng! Ðại Cao tăng! Ðại Tự Tại, Ðại Giác Ngộ, Ðại Từ Bi!

Tâm nghĩ câu chuyện của vị cao tăng không chấm dứt ở chỗ ngón tay. Phần kết của câu chuyện chắc bị ai đó cắt bỏ đi rồi. Phần kết,

Trong lúc người ta đang thì thào bàn tán về ngón tay còn sót lại trên đống tro tàn, từ trời cao, một chú chim bồ câu trắng toát bay sà xuống, mỏ hồng đào ngậm ngón tay bay thẳng về cõi Niết Bàn. Tới trước mặt Bụt Phật, chú bồ câu nhả ngón tay xuống lòng bàn tay của Ngài. Bụt Phật mở miệng cười. Ngài cất ngón tay kim cương lóng lánh vào trong người. Và vị cao tăng hóa thành Bụt,

Ông Bụt hiền hậu soi đường dẫn lối cho cô Tấm chân lấm tay bùn, ngồi nhặt đậu xanh đậu đen, khóc như mưa!

Tâm nhìn vào mắt người sinh viên, mắt đỏ hoe hoe. Những giọt nước mắt châu ngọc này Tâm muốn để dành cho ngày sau. Hy vọng mai này dưới đáy địa ngục, trong khi người xuất gia máu lác đang ngồi trên đống sách vở bị đốt cháy, hai tay giơ cao, trên lòng hai bàn tay lửa cháy bừng bừng, những giọt nước châu ngọc trên khuôn mặt của người sinh viên sẽ nhỏ xuống, dập tắt bớt đi những ngọn lửa đang thiêu đốt Tâm. Ông nhà giàu ở ác, xin một giọt nước làm nguội đầu lưỡi, không ai cho, bởi ông không biết sợ. Không sợ, ông không thèm ngăn chận những giọt nước mắt của người hành khất hàng xóm Lazarus. Tâm ác với sinh viên, nhưng người xuất gia biết sợ. Sợ mai này nhập gia, sinh con bị dị hình; sợ bị đốt cháy như bà mẹ của Mục Kiển Liên; sợ mở miệng ra không ai ban phát cho một giọt nước. Biết sợ, Tâm biết ngăn lại những giọt nước mắt, để dành lại cho ngày sau.

- Thôi, về nhà học bài cho cẩn thận. Tuần tới vào văn phòng làm bài thi lại...

Người xuất gia quyết định không gieo vần ác cho chữ lác.

Nguyễn Trung Tây

Ý kiến bạn đọc
09/04/201114:10:40
Khách
Bài viết hay và sâu sắc, cả bên Công Giáo và Phật Giáo. Xin cám ơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,449,825
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến