Hôm nay,  

Giấy Phạt Xe

18/03/201100:00:00(Xem: 153272)
Giấy Phạt Xe

Tác giả: Minh Thành
Bài số 3142-28442 vb6031811 

Tác giả sống tại Ottawa, Ontario, Canada từ 1980. Bút hiệu là tên trường học nơi cô từng dạy môn Sinh - Hoá từ cuối thập niên 70. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Minh Thành kể chuyện gia đình "Người Mỹ Hàng Xóm." Bài mới là chuyện lái xe, phạt xe ở Bắc Mỹ.

***

Chị bạn tôi hay phàn nàn về tội chạy xe của ông chồng. Bao giờ anh cũng chạy quá tốc độ, quẹo trái, phải ít khi quan sát kỹ lưỡng! Chưa bao giờ thấy anh nhường đèn vàng cho người quẹo trái! Đậu xe bừa, ẩu và tiết kiệm tiền bỏ vào máy tính giờ tối đa là thói quen của anh. Anh có lối tính toán kỳ lạ. Chẳng hạn công việc anh dự tính sẽ mất khoảng 32 phút, anh mua giấy đậu 30 phút! Chắc anh là hậu duệ của ông Grăng đê! (Ông già giàu có hà tiện trong tác phẩm Ơgieni Grangde của nhà văn Banzac).
Không như người khác thường mua dư thêm từ 10 phút trở lên phòng sự chậm trễ. Cái kiểu tiết kiệm vài xu lẻ khác người của anh chẳng mấy khi có lợi mà thường mang lại thiệt hại kinh tế cho gia đình. Hai, ba phút ra chậm của anh đủ để người phạt xe tặng anh một cái ticket có trị giá vài chục đô trở lên!
Sợ vợ tiếc tiền rồi lải nhải bắt anh ôn bài học về cách tính toán trừ hao mà chị luôn nhắc nhở, anh ỉm luôn tờ ticket tới lúc có giấy gọi ra toà mail tận nhà. Bà vợ tá hoả tam tinh không muốn mất thì giờ vô ích cũng như vẫn còn khư khư ôm chặt trong lòng quan niệm từ xa xưa các cụ dạy: "Vô phúc đáo tụng đình" nên đành nuốt bực tức vào lòng, nhanh chóng thi hành quyền lợi của một công dân gương mẫu. Ký ngay một cái cheque gửi khẩn cấp để huỷ bỏ trát toà theo hướng dẫn tỉ mỉ của tờ giấy. Rồi còn nhiều tờ ticket cho những nguyên nhân vi phạm luật lệ lái xe như không dừng lại ở bảng Stop! Chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ...
Nhiều lúc, chị chán nản tới phát khóc vì không sửa được "đức tính" bướng bỉnh của ông chồng! Chị ước ao anh đổi tính! Ươc chi điều xa vời không bao giờ trở thành hiện thực! Chị nên tự trách mình sao không "uốn nắn" chồng ngay từ cái thuở "bơ vơ mới về"! Đàn ông là vậy, muôn đời bảo thủ nhất là về chuyện xe cộ, máy móc, tốc độ ... Một lãnh vực mà từ xa xưa chỉ dành riêng cho phái mạnh. (Xin lỗi các đấng mày râu nếu như có vì sao sáng nào lạc lõng không giống như ông chồng của chị bạn tôi).
Đàn ông muôn đời không thay đổi! Tôi nói với chị như vậy, tôi không thành kiến hoặc kỳ thị. Tôi có bằng chứng rõ ràng. Họ chạy bừa, chạy ẩu vượt xa tốc độ qui định là chuyện thường. Hình như "chân lý" này đã có thống kê khoa học hẳn hòi. Chẳng tin cứ nhấc phone hỏi hãng bảo hiểm!
Khi bạn mua bảo hiểm xe, họ hỏi ngày tháng năm sinh, giới tính rồi họ lấy bảng giá đã in sẵn để dò tìm rồi cho ta một kết quả về số tiền phải đóng. Họ chỉ cần tra ngang tra dọc theo những dữ kiện mình cung cấp để tìm ra con số khác nhau cho từng đối tượng nam, nữ, già. trẻ đâu ra đó. Thường thường giá dành cho Nam cao hơn Nữ ở cùng độ tuổi! (dĩ nhiên, còn phụ thuộc loại xe, đời xe, và "thành tích" người lái trong quá khứ ...) Nếu ta cảm thấy bất công thì kiểm tra lại giá với các hãng bảo hiểm khác! Thiếu gì hãng cho ta lựa chọn! Kết quả đều xấp xỉ nhau, có chênh lệch chút ít không đáng kể! Có phải họ kỳ thị không" Tôi không dám đưa con số cụ thể vì không có vinh dự làm việc trong ngành bảo hiểm. Chỉ biết rằng nửa của tôi lái xe y chang một khuôn mẫu như đấng phu quân chị bạn tôi!
Làm sao tôi quên được có những lần, tôi phải chạy trối chết tới City hall để nộp phạt trước kỳ nghỉ lễ vì đã cận ngày, gửi đường bưu điện không còn kịp! Cứ lục lọi, dọn dẹp nhà cửa, giấy tờ trong những ngày weekend thế nào cũng gặp tờ ticket được "bỏ quên". Bực ơi là bực! Nhưng tôi không muốn bới tung thêm "đống rác cũ" vì "Xấu chàng hổ ai""
Xin được tiếp tục những chuyện buồn vui liên quan đến luật lệ lái xe và ticket phạt mà chị bạn tôi đã trải qua cũng như tình người chị đã gặp sau gần ba mươi năm ngồi sau tay lái. Thường thường, ai cũng lái xe cẩn thận và tôn trọng luật lệ qui định trừ những trường hợp bất khả kháng! Riêng chị bạn tôi thì chưa bao giờ. Phải công nhận chị là một tài xế có lương tâm. Không khi nào chị tỏ ra vội vã, bực bội kể cả những lúc bận và khi đường bị kẹt xe giờ cao điểm. Bí quyết chị làm được điều này theo chị tiết lộ rất dễ ràng. Chị chỉ cần đi sớm hơn chút ít so với thời gian cần thiết. Đi sớm, mới có thể thảnh thơi, ung dung vì không sợ muộn.
Không vội vã sẽ giữ được phép lịch sự tối thiểu để nhường đường cho kẻ khác cũng như chạy xe theo đúng tốc độ qui định. Ưu điểm nổi bật của chị là luôn luôn tuân theo luật lệ giao thông một cách nghiêm túc. Chị thường tâm niệm cái xe là phương tiện di chuyển cho ta nhưng đồng thời nó cũng như một thứ vũ khí giết người nếu ta sơ suất nên chị lái xe hết sức cẩn thận. Bằng lái của chị còn tinh khôi không tì vết vì chưa bị trừ điểm bao giờ. Chị chỉ yếu về khả năng xác định phương hướng. Biết vậy nên chị ít dám đi đường mới. Chỉ loanh quanh những con đường quen thuộc. Tuy nhiên có lúc con đường chị thường đi bị cấm chạy vì những lý do thông thường như đang sửa chữa, hoặc tai nạn giao thông ... buộc phải chạy đường khác không nằm trong bộ nhớ là chị lạc! Mỗi lần lạc, chị gọi phone cầu cứu "chàng" nhờ chỉ đường! (Trong xe để sẵn bản đồ nhưng càng nhìn càng rối)! Có lần, chị lạc xa quá, anh chồng sợ chị cứ thế chạy thẳng sang tiểu bang khác nên bắt chị ngồi chờ tại chỗ. Chàng hối hả mang theo bộ mặt lạnh tanh phóng tới tận nơi "Sỏ mũi" lôi chị về nhà. Thế rồi "võng" anh chạy chậm chậm phía trước cho "võng" nàng theo sau "bám đuôi" kẻo lạc tiếp. Thỉnh thoảng chàng còn liếc gương hậu coi chị có bị "trật đường rầy không""
Về tới nhà chàng mỉa mai: "Sao không chạy thẳng tới Montreal rồi hãy gọi điện về"". Biết mình có lỗi, chị chỉ cười trừ tự nhủ lần sau sẽ không mạo hiểm ra khỏi ngoại ô quá xa. Ngoài ra, chị còn thỉnh thoảng quên nhìn bảng hiệu. Có lần, chị ung dung chạy đường một chiều tới khi người lái xe khác nháy đèn ra hiệu mới hỏang hồn quay đầu lại. May không gặp cảnh sát lần đó! Nhưng thỉnh thoảng chạy loạng quạng thế nào cũng có cơ may chạm trán "bạn dân"! Ít nhất, chị đã từng "nói chuyện" với họ vài lần về những sai phạm ngoài tầm kiểm soát! Vậy mà chị chưa bị "ăn" ticket bao giờ. Cái khờ khạo của một người luôn tuân theo luật lệ là chị khiến cho cảnh sát phải mủi lòng không nỡ xuống tay cho chị một tờ ticket. Xin lần lựot trình làng những lần may mắn đó:
Lần nọ, cách đây khá lâu rồi, chị chở bốn nhóc trên xe ở độ tuổi từ ba đến mười hai gồm con và cháu. Tất cả đều được cài dây an toàn trừ một cháu vì một dây an toàn ở ghế sau bị kẹt. Loay hoay mãi không được, chị đành cho cháu lớn nhất ngồi vị trí đó, dặn nó ngồi cẩn thận rồi chạy rất chậm. Vừa chạy khoảng năm phút đã có một xe cảnh sát nháy đèn phía sau. Chị từ từ đánh xe vào lề phải rồi tắt máy ngồi đợi. Đợi khá lâu vẫn thấy người cảnh sát ngồi im trong xe phía sau. Nghĩ mình hiểu lầm, chị nổ máy xe và từ từ chạy tiếp. Xe cảnh sát cũng từ từ bám theo xe chị và lại nháy đèn. Chị lặp lại động tác tắt máy xe, ngồi đợi! Rồi thấy quá lâu, chị mất kiên nhẫn nên mở cửa, đi về phía xe cảnh sát để hỏi cho ra lẽ vì bọn trẻ cứ lục đục trong xe. Người cảnh sát lúc đó cũng xuống xe, đi lên phía xe chị. Anh ta còn trẻ, cỡ chừng dưới ba mươi tuổi. Chị hỏi: "Xin lỗi, tôi muốn hỏi có điều gì đã xảy ra" Có phải ông nháy đèn cho xe tôi dừng lại"" "Hình như trong xe bà có một em bé không được cài giây an toàn"” Người cảnh sát hỏi lại chị thay vì câu trả lời. "Vâng, đúng vậy, vì cái giây an toàn bị kẹt mà tôi cũng mới biết thôi. Tôi vừa đón các cháu ở nhà người giữ trẻ cách đây một quãng ngắn và đang trên đường đưa các cháu về nhà". Chị trả lời và tự nhủ: "Sao mắt anh ta tinh thế, trời chập choạng tối, ba đứa trẻ ngồi khít nhau ở băng ghế sau mà anh ta cũng nhìn ra"! Anh cảnh sát tới xe chị, kiểm tra lại giây an toàn thấy quả nhiên nó bị kẹt như chị đã trình bày. Anh thử vài lần cũng không được!

Sau đó, anh hỏi địa chỉ nhà chị thấy cũng gần và không cần chạy highway nên anh bảo chị nên về nhà ngay, chạy thật chậm đồng thời phải sửa lại dây an toàn trước khi đi lần sau. Chắc anh ta thấy bốn đứa trẻ lít nhít nên có vẻ ái ngại cho chị. Anh nói: "Lẽ ra, bà bị phạt vì chở em bé không cài giây an toàn! Nhưng thôi, đây là lần đầu, tôi không phạt nhưng tôi mong bà nên về nhà ngay để an toàn cho các bé. Bà nên chạy chậm ở mức độ có thể được và đừng quên phải sửa lại dây an toàn trước khi chở các cháu bé ".
Lần tiếp theo, cảnh sát chặn xe chị quả là oan ức! Số là, ông chồng chị khi dán tem giao thông đã không dán theo đúng luật qui định. Tem mua sớm hơn kỳ hạn nên anh không dám dán đè lên tem cũ. Không dán ngay thì quên sẽ không bao giờ nhớ là cái chắc! Gì chứ quên là bệnh kinh niên của chàng mà cái bệnh này chỉ có tăng không giảm! Đằng nào cũng tai hại. Chàng nghĩ ra giải pháp an toàn nhất là dán ở góc đối diện thay vì dán ở góc phải, trên cùng theo qui định. Chị đã cằn nhằn mãi về chuyện này. Chị nói cứ dán đè lên tem cũ là thượng sách! Dĩ nhiên, ông chồng chị không chịu sửa lại vì cho đó là điều không quan trọng! Anh vẫn chạy xe hàng ngày bình thường không có gì rắc rối xảy ra. Tới khi bộ nhớ của chị đã quên hẳn việc đó thì chị bị "dính" trong ngày thứ bảy đi mua sắm một mình.
Lòng đang vui phơi phới vì mua được chiếc áo đẹp thì gặp ông cảnh sát trung niên stop xe. Sau khi giải thích lý do, ông đang chuẩn bị biên giấy phạt thì thay vì bào chữa, chị lại hăng hái khuyến khích: "Vâng, ông cứ phạt tôi ticket đi! Tôi cũng cần cho chồng tôi một bài học"! Ông khựng lại, hỏi gặng: "Bà nói bài học gì, tôi chưa nghe kịp "" Chị nhắc lại lời đã cảnh cáo ông chồng yêu quý của mình khi anh đang loay hoay dán tem giao thông vào xe. Chị đã vẽ cho chàng thấy cái viễn ảnh một ngày đẹp trời nào đó, chàng sẽ bị cảnh sát stop dọc đường "hỏi tội"... nhưng chàng bướng bỉnh không nghe! Chồng chị may mắn đã không gặp cảnh sát mà chị phải đưa đầu chịu báng thay chồng... Ông cảnh sát ngừng tay trước khi ông định viết số biển xe vào tờ ticket, chăm chú nghe chị nói rồi bất ngờ ông tuyên bố: "Thôi! Tôi không phạt bà lần này nhưng bà làm ơn nói với ông nhà bóc ra và dán lại dùm tôi đúng chỗ qui định khi bà về tới nhà"! Thú thực, chị không vui lắm khi thấy ông dành cho chị ân huệ đặc biệt này vì trong thâm tâm, chị muốn cho chồng một bài học đích đáng để rút kinh nghiệm quí báu lần sau vì tội bừa, ẩu, coi thường pháp luật...
Có lẽ, ông cảnh sát tưởng chị điên vì có ai lại nài nỉ xin nộp phạt khi người thay mặt công quyền đã "dơ tay đánh khẽ". Tuy vậy, chị cũng cám ơn ông rồi lái xe đi với một nỗi ấm ức suốt dọc đường. Bực nhất khi chị về đến nhà, tường thuật đầu đuôi câu chuyện, (dĩ nhiên có thêm bớt vài chi tiết làm cho câu chuyện gay cấn hơn, quan trọng hơn để "dọa" cho một nửa của mình thấy rõ tầm quan trọng của vụ việc nếu còn tái phạm...). Chàng đã không mảy may tỏ vẻ lo ngại mà còn khoái chí cười ngất kèm theo lời bình luận rất "đàn ông": "Chắc ông cảnh sát này số như anh,vớ được bà vợ là sư tử Hà đông nên thấy em giống vợ ông ta quá do đó ông ta cám cảnh mình rồi thông cảm với anh là kẻ đồng hội, đồng thuyền, đồng cảnh ngộ mà không nỡ làm khổ anh nữa " !
Người ta thường nói "Quá tam ba bận". Lần thứ ba này thì có thể nói rằng lỗi hoàn toàn nơi chị, nhưng xét cho cùng, chị bị đẩy vào thế không còn chọn lựa! Lỗi ở trường học tọa lạc tại khu vực thị tứ sầm uất lúc nào cũng đầy chặt xe đậu ở những điểm dưới lòng đường cũng như bãi đậu xe trong khi Parking của trường lại quá nhỏ so với lượng xe đông đảo của các bậc phụ huynh tới đón con sau giờ tan trường! Hôm đó, chị đậu dưới biển "Cấm đậu" để đợi con tan học ra vì giờ cao điểm nên không thể kiếm được chỗ nào khả dĩ có thể nương náu vài phút đồng hồ chờ con tan lớp. Chạy lòng vòng mãi không xong! Đã thấy lác đác vài đứa trẻ ra khỏi trường. Nếu chạy tiếp vòng nữa lại sợ con ra không nhìn thấy xe nhà đón như mọi khi thì rắc rối! Chị đành tặc lưỡi đậu tạm và tự nhủ sẽ quan sát kỹ lưỡng nếu thấy bóng Parking men thì chạy luôn.
Hôm đó, tuyết rơi tương đối nhiều. Tầm nhìn hơi bị hạn chế, lại phải ngóng mắt theo dõi cậu quí tử vì vị trí này chị chưa hề đậu bao giờ! Ngoái đi ngoái lại cẩn thận thế mà khi ông parking man gõ vào cửa kính mấy tiếng mới giật mình nhìn ra và luống cuống không biết phản ứng ra sao. Chị đành cười cầu tài với ông bằng cõi lòng xót xa của người biết sẽ bị mất tiền rồi từ từ hạ kính xe xuống. Chưa kịp nói gì thì ông đã nhanh nhảu: "Chao ba". Chị trố mắt nhìn ông nhưng chưa tin ở tai mình. Ông nhắc lại chậm hơn và dài hơi hơn: "Chao ba, ba khóe khồng"" Lần này, chị nghe rõ ông nói tiếng Việt giọng lơ lớ nên chị cũng chào lại ông và hỏi ông khỏe không bằng tiếng Việt thánh thót của mình. Chị tò mò hỏi ông học tiếng Việt ở đâu" Ông có nói được nhiều không" ... Ông khoe ông đã từng sang Việt nam hai năm và đơn vị ông đóng ở Buôn mê thuột. Ông cũng chỉ biết vài câu chào hỏi đơn giản. Rồi ông nói chị đừng đậu xe chỗ này nữa. Ông đã gặp rất nhiều người bất đắc dĩ phải đậu vì không có chỗ mà bọn trẻ con thì không thể đợi lâu dưới trời tuyết lạnh! Ông rất thông cảm vì ông cũng từng có con nhỏ đang tuổi đi học... Ông cho biết ông sẽ không phạt chị ticket hôm đó. Chị cám ơn ông và không để ông phải nhắc nhở,chị cũng tự động lăn bánh xe từ từ rời khỏi nơi cấm đậu trước khi ông tiếp tục đi làm công việc của mình.
Tâm lý chung của chúng ta khi ra xe thấy tờ ticket găm dưới gạt nước thường là bực bội, khó chịu và ngay lập tức có ác cảm với tác giả của tờ giấy phạt này dù biết họ chỉ làm theo luật. Tôi đã từng có nhiều thì giờ quan sát công việc của các Parking men trong những lúc ngồi trong xe chờ con tan học .Tôi thấy phần lớn trước khi đặt bút viết giấy phạt họ thường quan sát kỹ lưỡng xung quanh xem chủ xe có đang trên đường ra không" Chúng ta đều biết "Bút sa, gà chết"! Thực ra, chẳng có con gà nào dính dáng ở đây mà là tiền túi của khổ chủ. Khi đã viết số biển xe xuống giấy phat, khổ chủ đến họ cũng chẳng thể hủy bỏ được mà chỉ đành hẹn nhau ra tòa. Do vậy, tôi để ý thấy hầu hết họ thường quan sát bốn phía rồi mới hạ bút. Nếu thấy bóng dáng người nào hớt hải chạy tới kêu: "Chờ tôi chút" là họ lập tức ngừng luôn nếu bút chưa sa xuống giấy để đợi chủ xe hoặc cho thêm tiền đậu, hoặc dời khỏi chỗ đó... Rất nhiều lần tôi thấy như vậy.
Do đó, những may mắn của chị bạn đã kể lại cho tôi nghe có thể cũng là may mắn chung của chúng ta, những da vàng mũi tẹt cũng như mọi công dân người bản xứ đang sống ở một xứ mà các luật lệ qui định rõ ràng được thi hành bởi những người có trách nhiệm một cách nghiêm túc nhưng vẫn đầy tình người.
Minh Thành

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,277,985
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới về cuộc diễn hành được coi là đẹp nhất của nước My. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Bài mới, bắt đầu phần “dựng nghiệp”.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Năm Mậu Tuất sắp hết, mời đọc bài viết với nhiều nụ cười, tiễn chân chó cưng.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là tự truyện về mùa Giáng Sinh 1975.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014.
Nhạc sĩ Cung Tiến