Hôm nay,  

Một Cuộc Đời Tử Tế

25/02/201100:00:00(Xem: 147854)
Một Cuộc Đời Tử Tế

Tác giả: Liên Ngọc
Bài số 3130-28430 vb6022511

Thư tác giả kèm bài viết về nước Mỹ có đoạn nguyên văn như sau: “Tôi là một người làm thương mại ở Bolsa. Tôi qua Mỹ đã 6 năm, và khá thành công với công việc của mình. Sự thành công trong việc kinh doanh của tôi có một phần không nhỏ là do tôi hay đọc mục Viết về nước Mỹ của quý báo.”
Bài viết của Liên Ngọc là chuyện về cuộc đời một bà mẹ từng một mình lần lượt đưa 7 người con ra biển đi tìm tự do mà không nhỏ một giọt nước mắt, một bà nội tận lực để giữ cho con cháu nếp sống tử tế trong một xã hội nhiễu nhương.’

***

Con xin cảm ơn ông, bà, chú, bác, cô, dì, anh, em và bạn bè đã đến đây để góp lời cầu nguyện cho bà Nội của con ngày hôm nay. Nguyện cho hương hồn bà Nội sớm siêu sinh nơi miền cực lạc. Hôm nay con có đôi lời muốn chia sẻ với tất cả mọi người về cảm nghĩ của con về bà Nội. Đối với con, Bà là một người rất kiên nghị, bà có một tấm lòng hy sinh cao cả, và giàu tình nhân ái. Còn nhớ khi con còn nhỏ, tụi con sống chung với bà Nội, bà rất nghiêm khắc và cứng rắn, đứa nào mê chơi không lo học hành đàng hòang, đều bị bà Nội la rầy và dạy bảo nghiêm khắc. Nhờ vậy mà tất cả mấy đứa cháu của Nội đều học hành đàng hòang và tử tế. Ba con, các cô, các chú đều được bà Nội giáo dục theo kỷ luật rất nghiêm ngặt nên đều thành đạt khi trường thành. Nhưng sự kiên nghị lớn nhất mà con thấy ở Nội chính là việc Nội yêu cầu tất cả mọi người con trong gia đình phải ra đi để tìm tự do. Nội rất dứt khóat, chính tay Nội tiễn đưa bảy người con của mình ra biển, không một cái ôm, không một giọt nước mắt. Nội không muốn các người con của Nội trở nên yếu đuối khi họ sẽ phải đối mặt với một cuộc hành trình nhiều nguy hiểm và gian nan.
Bây giờ, khi đã là một người mẹ con mới hiểu sự hi sinh của Nội là lớn lao như thế nào. Nếu ai đã từng làm cha mẹ, chắc sẽ hiểu sự đau đớn khi phải xa lìa những đứa con thân yêu, và sẽ càng đau đớn hơn khi biết rằng những đứa con của mình sẽ gặp nhiều nguy hiểm khi lìa xa vòng tay của mình. Nhưng Nội con đã làm điều đó và đã nuốt nước mắt vào trong để hy sinh cho con mình có một cuộc đời tươi sáng hơn.
Và Nội đã đúng, tất cả tụi con đều thành đạt trên đất Mỹ này nhờ vào công đức cao dầy của Nội.

Nước mắt của ông Long nhòe đi theo từng lời nói của đứa con gái lớn, ông mong tất cả anh chị em của ông, con cháu ông thấu hiểu được tấm lòng của má ông như con gái ông đã hiểu. Ông đang đứng giữa mọi người trong một ngôi chùa tại Mỹ, nhưng tâm trí ông như quay về miền ký ức xa xôi ở Việt Nam, trong đó có những kỷ niệm tươi đẹp thời niên thiếu.
Ông nhớ nồi chè trôi nước má ông nấu mỗi khi anh em ông được điểm cao. Chè má ông nấu không ngọt gắt như ngòai chợ bán, nhưng khi ăn lại thấy rất ấm bụng vì má ông luôn bỏ vào mấy miếng gừng tươi trồng sau nhà. Nó giống như tình thương của bà dành cho mấy đứa con, không cưng chiều, chăm chút ồn ào bề ngòai, nhưng lại rất nồng nàn sâu lắng bên trong.
Ông rất thương mẹ, vì thế ông nhớ rất nhiều kỷ niệm với bà, nhưng có lẽ những kỷ niệm mà ông nhớ nhất chính là sự hy sinh vô bờ bến bà dành cho chồng con. Cuộc đời của bà có nhiều nỗi buồn hơn niềm vui. Khi mới sinh ra đời được vài tháng, mẹ của bà, tức là bà Ngọai của ông, mất vì một cơn bạo bệnh. Do cha bà lấy vợ khác, nên bà được bà Ngọai của bà đem về nuôi. Bà Ngoại của bà là một người cực kỳ nghiêm khắc và khổ hạnh, nên bà được giáo dục rất kỹ lưỡng. Bà được cho đi học trường Tây, nhưng vẫn phải tuân theo tứ đức Công Dung Ngôn Hạnh của lối giáo dục xưa. Bà Ngọai của bà rất giàu có, nổi tiếng khắp vùng Chợ Lớn nhưng bà không sống như một tiểu thư đài các, ủy mị, sướt mướt trong mấy cuốn tiểu thuyết.
Khi được gả cho ba của ông, bà không hề xin một thứ gì của bà Ngọai, dù bà là người thừa kế duy nhất. Bà chỉ hỏi mượn một số vốn để bắt đầu tự mở cơ sở kinh doanh riêng. Vốn thông minh, nhanh nhẹn, lại thừa hưởng gien buôn bán và kinh nghiệm làm ăn của Ngọai, cơ sở kinh doanh của bà phất lên như diều gặp gió. Lần lượt năm đứa con ra đời, vừa ẳm con bà vừa điều hành thợ thuyền. Dẫu bận bao nhiêu, bà vẫn tự mình kiểm tra, kèm cặp mấy đứa con học hành nghiêm túc. Không có buổi tối nào bà bỏ qua việc kiểm tra tập vở của con. Bà tập cho đứa lớn kèm đứa bé, nên đứa nào cũng phải học hành đàng hoàng. Ngay cả bữa cơm cho gia đình cũng một tay bà lo liệu, người giúp việc chỉ phụ bếp, còn việc nêm nếm, nấu nướng bà lo hết. Bởi bà rất thương ông, mà ông lại khó tánh trong chuyện ăn uống, hôm nào cơm nấu không ngon là ông bỏ bữa.
Tất cả thời gian của bà dành hết cho chồng cho con, những tưởng cuộc đời bà sẽ mãi hạnh phúc bên chồng con. Thế rồi một cơn bão lớn ấp xuống gia đình bà. Ông có vợ bé, khi bà phát hiện được thì họ đã có với nhau hai mặt con, còn bà có với ông năm đứa. Nỗi đau đó quá lớn đối với người phụ nữ vừa ngòai ba mươi như bà, dầu lúc đó thói “năm thê, bảy thiếp” vẫn được xã hội thời đó chấp nhận. Đối với một người phụ nữ từng được thụ hưởng lối giáo dục và suy nghĩ phương Tây “nam nữ bình quyền” thì việc phải cam chịu chấp nhận cảnh chồng chung là một điều đau đớn khôn nguôi. Nhưng rồi bà cũng phải chấp nhận, lấy việc nuôi nấng con cái, công việc kinh doanh làm niềm vui sống. Dẫu “mái ấm” không còn nguyên vẹn, nhưng giữ được “cái nóc nhà” là cần thiết cho đám con của bà.
Nhưng thử thách cuộc đời không dừng lại. Cơn bão lớn năm 1975 đã xé tan gia đình của bà, cũng như nó đã xé tan hàng triệu gia đình miền Nam Việt Nam. Lại một lần nữa, bà là người thuyền trưởng, một mình chèo chống giữa bão giông để cả gia đình vượt qua cơn bão lớn khi mấy đứa con lớn của bà phải đi học tập cải tạo, gia đình bị “kiểm kê tài sản”.
Gia đình bà thoát qua cơn bão lớn ấy là nhờ ơn đức của chính bà. Bà tuy giàu có nhất vùng Phú lâm nhưng lại là một ngưới nức tiếng về lòng từ thiện. Ai đói đến xin gạo bà cho, ai đau đến xin thuốc bà phát, ai chết không có hòm chôn bà không những bố thí hòm mà còn cho luôn đất chôn. Nên khi Việt Cộng đấu tố bà được rất nhiều người dân và ngay cả “Việt Cộng nằm vùng” bênh vực không bị cảnh tịch biên tài sản đến trắng tay. Nhưng cuộc đổi đời năm ấy đã làm thay đổi mọi giá trị xã hội. Hàng ngàn thanh niên bị đẩy vào các trại tập trung cải tạo, trí thức không có việc làm bị đẩy ra ngoài lề đường bán vé số, bán thuốc lá, học sinh ưu tú không được vào trường đại học vì lý lịch “ngụy quyền”, hàng triệu ước mơ bị đánh cắp.
Một xã hội được điều hành bởi thành phần “vô sản”, vô thần thì chắc chắn không thể là một xã hội tử tế. Là một người học cao hiểu rộng, bà tiên đoán rằng xã hội Việt Nam sẽ càng ngày càng trở nên tồi tệ và con cháu bà sẽ khó mà có được một cuộc sống đàng hoàng chứ chưa nói là tốt đẹp. Thế là bà âm thầm chuẩn bị cho một quyết định táo bạo, nhiều rủi ro nhưng rất đúng đắn và cần thiết cho những đứa con của bà. Vì quyết định đó mà bà phải chịu bao nhiêu lời rủa xả cay đắng của chồng và của nhiều người không biết chuyện. Bà lo cho con bà vượt biên, tất cả những đứa con của bà. Đó là một quyết định vô cùng khó khăn và đau khổ của một người mẹ. Đưa con mình ra biển, đánh cuộc với bao nhiêu hiểm nguy trên biển cả, nơi xứ lạ quê người. Nếu ai đã từng làm cha làm mẹ, chắc sẽ hiểu nỗi lòng của bà khi phải lìa xa những đứa con do mình dứt ruột đẻ ra, nuôi nấng thành người. Chỉ có bà mới hiểu được câu nói “lòng đau như muối xát” là như thế nào mỗi khi chồng bà dày vò bằng câu nói “mày giết con tao, mày đẩy con tao ra biển” trong lúc tin tức những đứa con của bà vẫn còn mù khơi.
Làm sao bà có thể chia sẻ những khó khăn, lo toan trong thời gian bà bí mật tìm kiếm những đường dây vượt biên an toàn cho cả gia đình khi những đứa con của bà còn trong lao tù. Bà đâu phải là người nhẫn tâm chỉ biết đẩy con mình ra nơi hiểm nguy mà không tính toán trước sau. Bà phải dò tìm gặp gỡ những người tổ chức vượt biên, những tài công để biết chắc rằng tính mạng con của bà được trao cho những người đáng tin cậy. Chí ít bà cũng giảm thiểu rủi ro từ phía con người gây ra và cầu nguyện cho con bà tránh được những hiểm nguy từ thiên nhiên, thời tiết.

Ông Long nhớ như in cái ngày ông và gia đình nhỏ của ông ra biển. Ba giờ sáng hôm đó, má ông đánh thức vợ chồng, con cái ông dậy và yêu cầu mọi người thu xếp quần áo, và đưa cho ông một gói vàng nói rằng hôm nay họ phải ra đi. Chuyện này bà đã nói với ông từ lâu nhưng bà không cho biết ngày giờ cụ thể, có thể bà sợ nhiều người biết sẽ dễ bị lộ, cũng có thể bà tránh cho họ những lo âu không cần thiết.
Bà không khóc, không nói những câu thương cảm ủy mị kiểu như “không biết bao giờ gặp lại” hay “má sẽ nhớ thương tụi con nhiều” mà bà chỉ nói “tụi con đi bình an, má sẽ cầu Trời Phật cho tụi con”. Chỉ có ánh mắt của bà nhìn ông lần cuối khi xe lăn bánh là tất cả nỗi niềm mà má ông trao cho ông. Ánh mắt của tình thương, âu yếm vô bờ bến, ánh mắt của sự cam chịu, ánh mắt của sự nuối tiếc, chia ly. Chỉ có người mẹ thương con mới có được ánh mắt nhìn như thế, chỉ một ánh mắt trong tích tắc mà khiến ông nhớ suốt đời.
Chỉ khi tàu ra đến hải phận quốc tế an toàn, giữa đêm khuya gió lộng, ngồi một mình trên boong tàu ông mới thấm thía hết tình mẫu tử của má ông. Qua lời kể của người tài công, ông mới biết má ông đã âm thầm lo từng thứ nhỏ nhất cho chuyến tàu này trong hàng tháng trời. Nhờ ân đức và sự tính toán của bà, ba bốn chuyến đi của tất cả anh chị em ông đều thuận buồm xuôi gió không hải tặc, không bão tố, tất cả đều an toàn.
Mười mấy năm sau khi đến Mỹ, ông trở về gặp lại má ông trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Vui vì gặp lại má, buồn vì bao nhiêu năm qua ông vẫn chưa thể lo cho má ông có một cuộc sống nhàn nhã tuổi già như bà đáng được hưởng. Từ một điền chủ có kẻ ăn, người ở má ông đã phải bán hết đất đai gia sản cho những chuyến đi của anh em ông. Bà phải ở lại để cho một lũ cháu còn sót lại vì tụi nó còn quá nhỏ để có thể đi vượt biên. Bà phải quần quật nuôi heo, trồng lúa, làm nhang … làm tất cả mọi công việc lương thiện để nuôi dạy đám cháu thơ dại. Không như những người khác chỉ trông chờ vào nguồn tiền gửi về từ nước ngoài, bà luôn làm việc, tự lực cánh sinh để làm gương cho mấy đứa cháu biết quí đồng tiền từ công sức lao động chân chính. Bà không ngại cực nhọc để giữ cho con cháu bà nếp sống tử tế trong một xã hội nhiễu nhương.
Những chuyến đi về Việt Nam đã giúp ông Long thêm lòng biết ơn và nể phục sự cương quyết của má ông khi đưa anh em ông ra đi tìm tự do. Nếu không có sự cương quyết của bà khi xưa, chắc bây giờ anh em ông, con cháu ông sẽ giống như nhiều người bạn của ông còn sót lại Việt Nam. Nếu còn ở lại Việt Nam, có thể ông sẽ không quá nghèo khổ về tiền bạc vì ông là người tài giỏi, có kiến thức chuyên môn cao. Vì bạn bè của ông cũng có nhiều người gần đây trở nên giàu có, nhiều người có biệt thự, xe hơi. Nhưng ông biết chắc chắn cuộc sống của ông sẽ không như cuộc sống hiện tại của ông. Bởi qua tâm sự của những người bạn, ông biết để có được cuộc sống như bây giờ họ phải hy sinh rất nhiều thứ kể cả lòng tự trọng, sự chân chánh trong kế sinh nhai. Nhẹ thì phải luồn cuối đút lót để có việc làm, để con được vô học trường tốt. Cao hơn thì ăn hối lộ, “phết phẩy” tiền công ty, rồi thì ăn nhậu, trai gái để cho công việc trót lọt.
Chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa kiểu “đóng cửa, bao cấp” sau 1975 đã khiến cho hàng vạn thanh niên trí thức miền Nam bị đẩy ra khỏi giảng đường, công sở để đến nơi rừng thiêng, nước độc làm “kinh tế mới”, hoặc phải ra vỉa hè, chợ trời làm dân “mánh mung”. Cuộc sống khốn khổ vì những chính sách xã hội sai lầm đã khiến người ta xấu xa hơn theo kiểu “bần cùng sinh đạo tặc”, nạn trộm cắp, cướp giật nhiều vô kể. Để sống sót trong sự hà hiếp, đàn áp của mấy ông cán bộ “đầy tớ nhân dân” người miền Nam phải học cách hối lộ, nhúng nhịn cho qua chuyện. Họ phải hối lộ từ trên xuống dưới, từ ông cán bộ xã cho đến ông chủ tịch tỉnh. Thói quen đút lót hối lộ đó lan tràn ra toàn xã hội, đến nỗi người ta phải “bồi dưỡng” cho ông bác sỹ để được chữa bệnh, phải biếu xén thầy cô cho con được lên lớp.
Đến thời “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì đạo đức xã hội càng xuống cấp trầm trọng hơn. Người ta chen chân nhau, đua nhau làm giàu trong một xã hội náo loạn. Người ta làm giàu bất chấp mọi thủ đoạn từ thô thiển đến tinh vi, bất chấp mọi thương tổn của con người và môi trường. Nông dân thì dùng thuốc “siêu tăng trưởng” cho rau mọc nhanh như thổi, người làm phở thì dùng phoc mon để giữ tươi lâu, học trò thì copy để có điểm cao, cô giáo thì đuổi học trò yếu để bảo toàn danh hiệu, chủ công ty thì trả lương công nhân rẻ mạt, các nhà máy, bệnh viện thì vô tư thải chất độc ra sông suối để bỏ túi tiền xử lý chất thải, bác sỹ thì bán thuốc không toa để nuôi bệnh …
Một xã hội có thể chế chính trị không có dân chủ, sai lầm từ cốt lỗi thì chắc chắn không thể đưa tới sự phát triển đúng đắn. Xã hội đó sẽ không bao giờ có được sự tôn trọng kỷ cương, pháp luật vì người ta không thể có lòng tin vào những kẻ tạo ra pháp luật nhưng lại vi phạm quyền căn bản nhất của con người là sự tự do, tất yếu sẽ dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội. Sống trong một xã hội như vậy người ta thật khó mà tử tế với nhau. Chỉ một ví dụ nhỏ thôi, làm sao chúng ta có thể dạy con cái chúng ta tôn trọng thầy cô khi mà chúng ta phải hối lộ, đóng “sổ vàng” và vô số thứ phụ phí sai qui định để con cái chúng ta được đi học. Làm sao chúng ta có thể giáo dục con cái chúng ta trở thành người tử tế khi mà chính chúng ta phải dùng nhiều thủ đoạn không tử tế để tồn tại,
Từ mười mấy năm trước ông đã năn nỉ cầu xin má ông cho ông bảo lãnh bà qua Mỹ nhưng bà luôn luôn từ chối. Một lần nữa bà lại hy sinh niềm hạnh phúc đoàn tụ gia đình để luôn là một người mẹ Việt Nam cao cả. Bà đâu thể ra đi khi mồ mả tổ tiên ông bà còn ở Việt Nam, bà không thể ra đi vì bà phải ở lại để giữ cái gốc rễ quê hương cho con cháu của bà. Nếu bà ra đi thì còn ai để cho mấy đứa cháu của bà về thăm, không về thăm quê cha đất tổ thì làm sao còn giữ được tình cảm với quê nhà. Bà vẫn nói với ông “Má đi thì má sướng thân má rồi, nhưng còn mồ mả ông bà, còn cái tình quê hương, má ở lại đây để tụi con còn về đây, để các cháu còn nhớ tổ tiên. Má ở đây để làm chiếc cầu nối cho tụi con. Thương má, thì về giúp cho quê mình” Bà vẫn luôn là chiếc cầu nối những bến bờ hạnh phúc cho mọi người.
Ngày xưa bà đưa các con đi tới xã hội tốt đẹp hơn, ngày nay bà làm cái cầu cho các con bà có điều kiện thực hiện những điều phước thiện cho quê nhà. Bao nhiêu tiền anh em ông gửi về cho bà, bà đều để dành mua đất xây trường học hiến tặng ở vùng quê xa, phát gạo cho người nghèo, phát thuốc cho người bệnh, tặng hòm cho người chết tứ cố vô thân, công đức bà nhiều không kể xiết. Kể ra chỉ có vài dòng nhưng lại là một công trình tốn nhiều công sức và sự hi sinh trong mấy chục năm ròng. Nhưng có lẽ kết quả tốt đẹp nhất của sự hi sinh của bà chính là sự trở về giúp đỡ quê nhà của những đứa cháu nội được sinh ra và lớn lên ở Mỹ của bà. Sự trở về đó không chỉ mang ý nghĩa viếng thăm quê nhà, mà những chuyến đi đó chắc chắn lưu lại những tình cảm yêu thương và khơi gợi tấm lòng nhân ái từ bi trở thành những hành động giúp đỡ những đồng bào không may mắn của mình.
Cuộc chiến Việt Nam đã trôi qua ba mươi năm, sử sách đã ghi lại bao nhiêu đau thương mất mát cả trong thời chiến cũng như thời bình nhưng có ai ghi lại được nỗi nhớ mong khắc khoải trong ánh mắt già nua của má ông mỗi buổi chiều ngồi ở đầu hè trông ngóng những đứa con xa" Ai đếm được có bao nhiêu nỗi buồn trong tiếng thở dài thất vọng của má ông khi nắng hoàng hôn đã tắt mà không thấy bóng dáng của con" Ai lắng nghe được sự cô đơn thổn thức trong trái tim người mẹ trong những đêm nhớ con nằm nghe tiếng mưa rơi"
“Cám ơn Nội, Nội đã cho chúng con một cuộc đời tử tế. Chúng con nguyện sẽ luôn sống theo gương của Nội.”
Lẫn trong mùi hương trầm và những làn khói lan tỏa trong những vạt nắng trên cao kia, chắc má ông đang mỉm cười.
Liên Ngọc

Ý kiến bạn đọc
26/02/201120:41:38
Khách
bāi vie6t rat don gia3n de64 hie63u, khong cau ky, lam nguoi doc cam thay thich thu, vi da noi len tam trang cua nhung ba me Viet Nam da hy sinh cho chong, cho con sau ngay mat nuoc, de roi nhung con nguoi vo san, vo than len nam chinh quyen da dua dat nuoc chung ta den ngheo nan va lac hau. MINH HOA Camarillo.
25/02/201118:21:33
Khách
Thât là một tấm gương đáng khâm phục
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,229,771
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí, ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville, KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến