Hôm nay,  

Valentine’s Day, Ngày Lễ Tình Yêu

13/02/201100:00:00(Xem: 124188)
Valentine’s Day, Ngày Lễ Tình Yêu

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Bài số 3120-28420 vb8021311

Trong năm 2009, truyền thông Việt Mỹ đã nói nhiều về cuộc hành trình 2,600 dặm xuyên nước Mỹ của Nguyễn Thơ Sinh, một cựu chiến binh hai dòng máu Việt-Mỹ. Với tự truyện về người đi bộ, kể về cuộc đời của anh, Sinh nhận giải Vinh danh Tác Giả tại cuộc họp mặt 10 năm Viết Về Nước Mỹ 2000-2010. Hiện Nguyễn Thơ Sinh là cư dân Fort Worth và làm việc tại Sở Cung Cấp Nước của thành phố. Sau đây là bài viết của anh về Valentine’s Day.

***

Ngày 14 tháng 2 hàng năm, ở Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới người ta có thói quen mua hoa, viết thiệp, mua kẹo sô-cô-la, và nhiều món quà khác nhau gởi đến người mình thương yêu nhất. Đó cũng là một trong những ngày đặc biệt thật đáng quý tôi vốn chỉ biết đến sau khi đặt chân đến xứ xở Hoa Kỳ.
Khi tôi viết những dòng về ngày Valentine năm nay, bầu trời vẫn ken dày những vạt mây sũng nước. Tiết trời vẫn lạnh kinh khủng. Tuyết muốn rơi xuống nhưng nhiệt độ không đủ lạnh. Không gian vì thế như được phủ lên bởi một tấm mền thủy tinh ẩm ướt. Bên tách cà phê nóng, suy nghĩ về tình yêu, tôi chợt thấy lòng mình ấm lại. Quả tim như đang nhả đá, hơi thở dập dồn khi những mảng ký ức trôi về. Tình yêu hóa ra là vậy, nó chẳng bao giờ muốn già cỗi, vẫn cứ thích trẻ trung mãi mãi với cuộc đời. 
Bất giác tôi nghĩ đến một chú bé thiên thần (tiếng Anh gọi là cupid) bụ bẫm. Vị thần này chỉ quấn hờ một mảnh vải chéo ngang bụng, trên tay cầm một cánh nỏ. Phựt. Mũi tên lao bắn ra cắm ngập vào quả tim của ai đó. Và thế là tình yêu đến, mãnh liệt như thác đổ khiến cho người bị trúng tên mắc bệnh tương tư ngày quên ăn, đêm quên ngủ. 
Lan man nghĩ tiếp về những mối tình đẹp, tôi nhớ đến câu chuyện tình của một đôi vợ chồng nghèo. Câu chuyện này tôi nghe đã lâu. Hình như một cha đạo đã kể lại câu chuyện trong bài giảng của ông đêm Lễ Noel. Tôi đinh ninh câu chuyện ấy nhiều người trong chúng ta đã đôi lần được nghe qua. Chuyện kể lại như thế này:
Mùa đông năm ấy lễ Noel sắp về. Ai ai cũng lo chuyện sắm quà cho người thân. Nhưng hai vợ chồng trong câu chuyện của chúng ta nghèo lắm. Suy nghĩ mãi, họ không biết kiếm tiền đâu ra để mua tặng nhau một món quà. Người vợ suy nghĩ mãi về món quà sẽ mua tặng anh chồng. Cuối cùng chị reo lên: Phải rồi. Anh ấy có chiếc đồng hồ bị hỏng mất sợi dây. Mình sẽ mua cho anh ấy một sợi dây đồng hồ mới. Anh ấy sẽ có đồng hồ đeo đi làm. Còn anh chồng nghĩ đến người vợ: Vợ mình có mái tóc rất dài và mượt. Mình sẽ mua cho cô ấy một chiếc lược. Mình sẽ chải tóc cho cô ấy. Nhất định vợ mình sẽ rất vui.
Đêm ấy tuyết rơi rất dày, phủ kín trắng sân. Họ ngồi bên nhau trước lò sưởi, cùng mở quà. Chị vợ cất tiếng nói trước:
- Này mình ạ. Em nghĩ mình có thể đeo lại chiếc đồng hồ để biết giờ đi làm rồi đấy. Đây là món quà của em tặng mình. Em hy vọng mình sẽ thích sợi dây đồng hồ mới. – Chị vợ dịu dàng nói rồi trao cho chồng sợi dây đồng hồ gói cẩn thận trong một tờ giấy kiếng.
- Ôi. Em thật tuyệt vời vì đã nghĩ đến anh. - Anh chồng ngập ngừng mất một phút. Sau đó anh nói tiếp:
- Nhưng tiếc quá, anh đã bán mất chiếc đồng hồ cũ rồi. Nhưng không sao, anh đã lấy số tiền đó để mua một chiếc lược… Nào. Em hãy bỏ khăn choàng đầu ra để anh chải tóc cho em.
- Ồ. Anh ơi… Em đã…
Không thể nói hết câu, người vợ tháo khăn choàng đầu xuống. Mái tóc dài và óng mượt của chị mọi ngày đã biến mất. Thì ra chị đã bán mái tóc của mình lấy tiền mua cho chồng sợi dây đồng hồ. Và chồng chị đã bán chiếc đồng hồ để mua chiếc lược chải mái tóc dài cho chị. 
Hai món quà đó, chiếc lược và sợi dây đồng hồ chỉ là cách diễn đạt bên ngoài. Và tự trong sâu thẳm đôi vợ chồng nọ đã nhận được món quà tình yêu ý nghĩa sâu lắng nhất của nhau.
Rồi tôi chợt nhớ đến chuyện nàng Tô Thị hôm nào của người Việt xưa. Cũng là câu chuyện ngồi chải tóc, nhưng tình cảnh của nàng Tô Thị xót xa bẽ bàng hơn thế rất nhiều. Hỡi ôi cảnh tình sao lại lênh đênh trắc trở. Anh trai lấy nhầm phải em gái. Tô Văn ăn ở với Tô Thị có con mới biết vết sẹo trên đầu vợ (do mình hồi nhỏ ở nhà trông em lỡ tay ném đá khiến em gái vỡ đầu). Thấy em gái lăn ra bất tỉnh, phần quá sợ mẹ về phạt cho nên Tô Văn bỏ trốn. Con Tạo xoay vần cắc cớ. Tô Thị sau đó theo cha mẹ nuôi lưu lạc bỏ làng khi mẹ ruột của hai anh em quá vãng. Nàng trôi dạt đến thị trấn Đồng Đăng mở quán nem bán rượu, gặp lại người anh ruột mà không hề hay biết. Một hôm ngồi chải tóc cho vợ bên thềm, Tô Văn nghe vợ kể nên biết được đầu đuôi sự tình, trong lòng cảm thấy buồn lắm. Vì không muốn em gái buồn theo, chàng trai đã lấy cớ xung quân rồi đi biệt, không bao giờ quay về nữa. Chiến cuộc tàn. Người người đoàn tụ mà chồng vẫn không thấy quay về. Tô Thị buồn tủi lắm. Nỗi niềm nhớ chồng cứ day dứt khôn nguôi. Cuối cùng nàng tháo bảng hiệu xuống, đóng cửa hàng nem, bế con đứng trên mỏm núi ngóng chồng mãi cho đến khi cả hai mẹ con hóa thành tượng đá.
Câu chuyện người đàn bà chết đứng hóa thành Hòn Vọng Phu ấy đã kiến người đời sau cảm động mà nhớ mãi:
Đồng đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có Chùa Tam Thanh. 
Từ câu chuyện nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá, tôi nghĩ đến những người đàn bà Việt Nam. Sự tần tảo thủy chung của họ thật mênh mông lai láng. Vận nước biến đổi thăng trầm, huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt, sự cam chịu can trường của người đàn bà Việt Nam đã trở thành biểu tượng của màu trắng khăn xô, trở thành nước mắt; khóc ướt cả vạt áo, thấm đẫm lượt vải tã lót đứa con thơ. Tôi nghĩ đến những người đàn bà vừa chít khăn trắng để tang cha, vừa mặc áo xô để tang chồng. Về già, thím lại mặc áo đen chôn con tử trận... Đó là những hy sinh trong thời loạn mà thế hệ bà tôi, mẹ tôi, và các chị tôi đã trải qua; hình như bao giờ họ cũng xót xa đau đớn.

Rồi tôi chạnh nghĩ đến những người lính chiến đấu xa nhà, xa người yêu hôm xưa… Tôi nhớ đến cha tôi và những người lính Mỹ. Những mùa Valentine năm nào trên đất Việt, nơi nhan nhản muỗi mòng giữa những cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt, những ngày hè nóng rát của mùa gió hạ Lào hanh khô nắng cháy. Những cánh thiệp Valentine đến muộn. Cả những lá thư tình không may mắn, chưa một lần được xé khỏi phong bì. Những nụ hôn của anh lính da đen với người yêu trong giấc mơ bị cắt ngang bởi âm thanh đạn pháo, tỉnh dậy không có thời gian để tiếc nữa vì phải đối mặt cận kề với đạn bom…
Những mùa Valentine của thời binh lửa. Những mùa Valentine thiếu vắng tình yêu…
Tôi nghĩ tình yêu là một quà tặng. Đó là một cảm xúc rất đỗi thiêng liêng. Đó là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Tôi cảm thấy mình may mắn được sống ở Mỹ, được hiểu và có cơ hội nhìn thấy ý nghĩa của Ngày Valentine - Ngày để tôn vinh tình yêu. Là con người, nhu cầu tình yêu thật lớn biết bao nhiêu. Ngày Valentine là ngày để những người đang yêu, những đôi vợ chồng chia sẻ và thể hiện cảm xúc tri ân đối với người yêu của mình. Nhưng đâu phải ai ai cũng may mắn có được cơ hội đó. 
Giờ ngồi lại viết xuống những dòng về ngày lễ tình yêu, tôi không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ về bao nhiêu người đã hy sinh thời trẻ tuổi của mình cống hiến cho đất nước. Tôi nghĩ đến những người lính Mỹ hiện giờ đang đóng quân xa nhà trong khi bản thân tôi và gia đình được đoàn tụ, được quay quần.
Một Teagu của Nam Hàn. Một Camp Zama tại Sagamihara của Nhật. Một đài Radar Dimona tại Negev trên đất Do Thái. Hay một Camp Bucca trên đất Iraq. Cùng với rất nhiều địa danh xa lạ khác… Những quả bom tự chế sẵn sàng nổ tung và những vụ tấn công nguy hiểm diễn ra bởi ngay cả trẻ em và phụ nữ. Tôi nghĩ đến những người lính ngày Valentine không được ở cạnh người thân, người yêu của mình.
Có vẻ như tình yêu của lính thường là vậy. Tình yêu của họ bao giờ cũng vương vấn những giọt buồn lung linh gam màu xa cách. Nỗi nhớ thương âm thầm lặng lẽ bên ngoài nhưng cuồn cuộn bên trong. Em vẫn bình thường. Con ở nhà vẫn ngoan lắm. Con nhắc đến anh luôn. À… Gì nữa nhỉ… Mà thôi em không thể nói được. Có chuyện gì đang xảy ra với em à" Không. Em vẫn thế. Đừng giấu anh mà. Không. Em nói thật đấy. Giọng nói em hôm nay nghe khác lắm. Thôi anh cứ lo cho mình đi, em không sao đâu. Xin lỗi em… Vâng. Em cũng vậy. Xin lỗi anh…
Những cú điện thoại cúp xong khiến cho cả hai cùng xốn xang, tê tái.
Giữa lúc mọi người đang mải mê trong siêu thị, căng thẳng, phân vân, lưỡng lự để chọn lựa những món quà ưng ý nhất cho người yêu của mình; có bao nhiêu người vợ, bao nhiêu người phụ nữ âm thầm chọn quà cho người đàn ông của mình bằng cả niềm khát khao mong đợi cho một ngày đoàn tụ. Giữa lúc bao nhiêu người đặt bàn trong một nhà hàng sang trọng cho bữa ăn ngon, đặt trước những bó hồng đỏ thẫm, mua những món quà xa xỉ, những lọ nước hoa đắt tiền, những chiếc nhẫn nạm đá quý, những hộp kẹo với nhãn hiệu danh tiếng… Trong khi vẫn còn bao người khác đã lặng người khi nghĩ đến ngày lễ tình yêu.
- Sorry honey. I won’t be able to make it this year again!
Lời xin lỗi vì mình một lần nữa lại thất hẹn nghe sao mà cứ thấy nghẹn ngào.
Biết bao người không hề chờ đợi món quà Valentine nào cả. Họ thèm được nhìn thấy người thân, người yêu của mình đoàn tụ trong ngày lễ tình yêu. Đó là một món quà họ luôn khát khao thẳm sâu trong tiềm thức. Đó là món quà tình yêu họ không thể mua được vì không ai bán. Một món quà có hình quả tim trọn vẹn thiêng liêng nhất.
Vòi vọi một khung trời xa xôi cách biệt. Đằng đẵng những tháng ngày mù mịt chia phôi. Có món quà nào lớn hơn món quà được chìm vào vòng tay nhau trong bối cảnh rưng rưng xa cách nghìn trùng. Giấu những giọt nước mắt vào tiếng nấc. Giấu nỗi niềm băn khoăn lo lắng vào những câu nói dối vụng về. Gần như cứ phải hét ầm lên để chứng tỏ mình luôn mạnh mẽ. Rằng mình vẫn không hề hấn gì cả. Nhưng làm sao người đàn bà có thể che giấu được sự mong manh vụn vỡ qua những tiếng thở ngập ngừng. Có những điều người ta chẳng thể nào bớt vụng về hơn khi họ biết rõ mình đang tự ép bản thân nói dối.
Lễ Tình Yêu không thể không nhớ đến những vị anh hùng. Tôi chợt nghe một tiếng nói lặng lẽ cất lên trong tâm tưởng. Ban đầu tiếng nói đó còn yếu ớt. Nhưng sau một phút, âm thanh câu nói càng lúc càng rõ dần, loang ra, xô vỡ, tạo thành những đợt sóng…
Rồi trên bãi biển trong trí tưởng tượng của mình, tôi nhìn thấy một người phụ nữ với khuôn mặt hiền lành phúc hậu. Đó là một khuôn mặt với nét buồn lặng lẽ. Chị đi một mình trên bãi biển. Trên tay chị là một đóa hồng đỏ thắm. Sóng xô những đụn bọt biển phủ trên đôi bàn chân trần trắng muốt. Đôi mắt chị hướng về phía ngoài khơi xa...
Ở một nơi nào đó trên hệ tọa độ định vị GPS (global positioning system) giữa mặt đại dương bao la, một chiến hạm oai phong đang cưỡi sóng, người yêu của chị đang phục vụ với những người bạn chiến đấu của anh…
Happy Valentine đến những người lính anh hùng. Những người lính đã không ngại gian khổ hy sinh chiến đấu bảo vệ đất nước trong âm thầm lặng lẽ… Để chúng ta, trong đó có tôi và các bạn… được sống trong tự do và an toàn mỗi ngày.
Happy Valentine đến những người lính xa nhà, xa người yêu. Cảm ơn tinh thần phục vụ của các anh, cám ơn những bà mẹ của lính, cảm ơn sự hy sinh của những phụ nữ có chồng, có người yêu là lính. Nhờ có những tâm hồn quả cảm của các anh, các chị, Ngày Lễ Tình Yêu trên mảnh đất này sẽ được bình yên hơn, an toàn hơn.
Nguyễn Thơ Sinh
Fort Worth, TX
Tháng Giêng, 2011.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,184,790
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Sau đây, thêm mợt bài viết mới cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài mới của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ. Lần trước, là cửa hàng bi da. Bài mới, làm Shop May Công Nghiệp, thêm phần mở trung tâm giải trí.
Ngày Thứ Hai 5 tháng 12, 2018 là Ngày Quốc Tang của nước Mỹ để tưởng nhớ vị Tổng Thống thứ 41 George H W Bush. Bài sau đây được viết trong tinh thần tưởng nhớ. Người viết, Bà Nguyễn Kim Nên hiện là Hội Trưởng Hội Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trường Trịnh Hoài Đức - Bình Dương, đang làm việc trong ngành thẩm mỹ tại Houston, Texas. Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả, kể về người bạn đời của bà là Ông Nguyễn Duy Huynh, một tị nạn Việt, làm việc tại Houston Club và trở thành người đấm bóp tin cậy của Tổng Thống Bush và gia đình ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của Phan, viết cho mùa Giáng Sinh đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên với nhiều bút hiệu: Capvanto, Philato... Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Á Khôi, Vinh Danh Tấc giả VVNM 2014. Bài mới ông góp không phải để dự giải mà chỉ để ghi lại một sinh hoạt đặc biệt của buổi họp mặt kỷ niệm 90 năm ngôi trường được mang danh Petrus Ký.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một chuyện tình đẹp.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My năm 2018. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển từ Rạch Giá đến Thái Lan trong tháng Giêng/1987. Đến Mỹ tháng 8/1987 và định cư tại Utah, làm việc cho First Security Bank, Accounting Depart-ment. Đã từng giữ chức vụ Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Utah trongnhiều nhiệm kỳ. Hiện đã về hưu. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến