Hôm nay,  

“Mẹ Ơi, Xuân Này Con Không Về!”

10/02/201100:00:00(Xem: 106358)
“Mẹ Ơi, Xuân Này Con Không Về!”

Tác giả: Quang Uy
Bài số 3117-28417 vb5021011

Bài viết được chuyển đến Việt Báo qua Email, kèm theo địa chỉ tác giả: Linh Mục Lê Quang Uy, thuộc Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế, tại địa chỉ số 38 Kỳ Đồng, - P. 9 - Q. 3 - Saigon.
Dù bài viết chỉ là chuyện kể trong nước, nhưng tác giả vẫn ghi rõ “Gửi bài Viết Về Nước Mỹ.” Có thể vì đây là chuyện về một bài ca chung của người Việt tha hương khắp nơi, hoặc vì tác giả và người ca sĩ nổi tiếng với bài hát này đều từng là người Việt tại Mỹ.
Mong tác giả Quang Uy sẽ tiếp tục viết thêm.

***

Quý độc giả thân mến,
Tôi có nhiều kỷ niệm thấm thía với bài hát “Xuân này con không về” của tác giả Trịnh Lâm Ngân. Và cứ mỗi năm lại có thêm một cảm nhận nữa, ướt sũng nước mắt, nhẹ nhàng đưa tôi ngược về quá khứ để nhớ, để thương và sau đó khi trở về hiện tại, bao giờ cũng là một lời cầu nguyện tạ ơn.
Thập niên 60, còn bé tý, chưa được mươi tuổi, thỉnh thoảng tôi đã được nghe giọng hát ca sĩ Duy Khánh, nhưng ảnh hưởng từ bố tôi, người yêu nhạc cổ điển Tây Phương và các anh chị tôi chỉ mê nhạc Tiền Chiến, rõ ràng là tôi cũng không ưa, thậm chí còn coi thường loại nhạc boléro bình dân này.
Sang đến giữa thập niên 70, sau ngày 30 tháng 4, bài hát bị đóng dấu “nhạc vàng”, “nhạc lính chiến”, ủy mỵ phản động. Mà hễ cái gì cấm, phải lén lút thầm thì trong chỗ vắng, người ta lại càng thích. Giai đoạn này tôi đã là thanh niên tập tành biết yêu nên bị cuốn vào dòng nhạc của Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An và Trịnh Công Sơn, chẳng màng lưu tâm đến thể loại bị dán nhãn là “nhạc sến” này.
Đến cuối thập niên 80, tôi muốn xin theo Đại Chủng Viện nên quyết định vào Thanh Niên Xung Phong. Đầu năm 1989, đang là hiệu trưởng trường Bổ Túc Văn Hóa của Tổng Đội 1, đóng quân trong khu lòng chảo Tà Nung, cách Đà Lạt gần 20 cây số đường đèo qua ngả thác Cam Ly, không ngờ tôi lại bắt đầu bị... “ép-phê” đặc biệt bởi bài hát “Xuân này con không về”.
Dạo ấy, bố tôi vừa chết mà tôi chỉ kịp về chịu tang trước khi đưa bố tôi ra Nhà Thờ và đi chôn, ông anh lớn thì còn đang trong tù, nhà chỉ còn mẹ già và hai chị. Tết nhất đến nơi rồi, đơn vị cho một nửa quân số về phép, một nửa còn lại phải trực chiến, và tôi nằm trong số đó dù bản thân thuộc thành phần... “cán bộ sĩ quan”. Giữa cảnh thiên nhiên hoang sơ, hoa Dã Quỳ nở vàng hai bên vệ con đường mòn từ Tổng Đội Bộ tỏa đi các ngả về cái Đội, tôi thả bộ lang thang, lòng buồn rười rượi, thương cảnh gia đình mình “mẹ góa con côi” mà không biết phải làm sao. Chợt bên tai nghe có tiếng nhạc tiếng hát quen quen phát ra từ loại máy băng cassette nhỏ, cầm tay, nhưng loa mở gần hết công suất...

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con,
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương.
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về,
nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa...”

Hóa ra, không ưa thì không ưa chứ giai điệu nỉ non ấy, tiếng hát khàn khàn ấy nó đã vô tình in sâu vào ký ức mình từ lâu rồi, ngủ yên bao năm, bây giờ đúng cảnh đúng tình, nó thức dậy, bàng hoàng...
Tôi lân la tạt qua dãy lán trại của các em TNXP, gần hầu hết là học trò Bổ Túc Văn Hóa của mình. Trời ơi, thường ngày các em là những tên con trai đen nhẻm, sần sùi, góc cạnh, ăn nói bặm trợn, luôn mồm chửi thề văng tục, uống rượu như tu nước lã, hễ cứ có dịp ra Đà Lạt thế nào cũng cãi nhau ục nhau với cánh xe thồ địa phương, vậy mà bây giờ nằm ngồi ngổn ngang, rũ rượi, mềm như sợi bún, có em hát rống lên theo giọng hát Duy Khánh, có em đốt thuốc lá đen liên tục, có em nước mắt đầm đìa...

“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
mái tranh nghèo không người sửa sang,
khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân,
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai sẽ đem về cho tà áo mới
ba ngày xuân đi khoe phố phường...”

Lại có không ít các em gốc từ các Trại Mầm Non nuôi mồ côi từ khi ẵm ngửa, đến khi trưởng thành Nhà Nước huy động hết vào TNXP, coi như trả nợ đời. Bây giờ các em chẳng có mẹ có cha, chẳng có gia đình, cũng chẳng có quê mà về, sao lại khóc, lại thẫn thờ, lại buồn thương xót xa đến như vậy " Thì ra giai điệu và bài hát đã chạm vào tận sâu thẳm tâm hồn, càng nghèo, càng tứ cố vô thần, càng cô đơn tất bạc thì lại càng dễ cảm nhận thấm thía...

Mấy mươi năm sau, Tết 2002, tôi được các cha Dòng Thánh Thể gọi về dâng Thánh Lễ Giao Thừa cho các bạn công nhân Xa Quê ở Giáo Xứ Khiết Tâm, Thủ Đức, gần các khu công nghiệp Linh Xuân và Sóng Thần. Chính các em không thể về quê, hoặc cũng chẳng còn quê để về, đã tự dàn dựng một chương trình canh thức diễn nguyện thật tuyệt vời.
Câu chuyện khởi đi từ một cuộc chia tay ở bến xe ngày cuối năm, mấy bạn đã khoác balô quay đi, xực nhớ quay trở lại trao vội một cái máy cassette Walkman cho mấy bạn không về được, bảo: “Thôi, chúng tớ đi đây, ở lại có buồn thì mở nghe cho đỡ buồn...” Người đi rồi, các em ở lại thẫn thờ ủ rũ, ngồi bệt xuống mấy bậc tam cấp của Cung Thánh. Thế rồi có ai đó chạy xe đạp cọc cạch ngang qua, không hiểu lơ đễnh thế nào đâm xầm vào. Một bên la oai oái: “Mắt mũi để đâu mà...”, một bên rối rít xin lỗi: “Giêsu Ma lạy Chúa tôi, các bạn thông cảm, mình vừa tiễn mấy đứa về quê, chẳng còn lòng dạ nào, buồn quá, không để ý mới va phải các bạn...” Thế là xí xóa, là thân nhau ngay, đồng cảnh ngộ, hỏi thăm một tý lại hóa ra còn đồng hương nữa chứ. “Thôi ngồi cả xuống đây, bọn mình cũng đang buồn...” Một bạn bảo: “Buồn thì có cái máy chúng nó để lại, mở nghe cho đỡ buồn đi...”
Trên Cung Thánh mượn tạm làm sân khấu, bấm máy Cassette, bên gian ca đoàn phía phải, đàn dạo intro, một bạn solo “Xuân này con không về” theo đúng kiểu Duy Khánh. Và cả Nhà Thờ khóc... Các bạn Xa Quê khóc, tôi mặc sẵn phẩm phục vàng, chờ đến giờ cử hành Thánh Lễ, đứng cuối Nhà Thờ cũng khóc...

“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông,
nhưng nếu con về bạn bè thương mong.
Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm,
Mẹ ơi, con xuân này vắng nhà...”

Cái lạ là bây giờ đâu còn chiến tranh, làm gì mà có chuyện “bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường”" Thế mà bài hát vẫn nói thay được tâm sự thương nhớ buồn trông, nỗi niềm xa quê xa nhà của các thế hệ con người, mà của đáng tội, lúc bài hát được sáng tác thì họ vẫn còn chưa được sinh ra !
Năm nay, Nhóm Fiat họp mặt Tất Niên tại một Mái Ấm BVSS ở Gò Vấp, chúng tôi lại có dịp... khóc với nhau. Không ngờ một bạn gái vừa sinh em bé được hơn một tháng, tay bế con, tay nâng bình sữa ấm cho con bú vì bạn mất sữa sau khi sinh mổ, ngỏ lời trong nước mắt: “Tết này, con xa gia đình, nhưng con không ngờ lại được sống ở đây như trong một gia đình. Con xin thay mặt các chị em cám ơn Chúa, cám ơn cha, cám ơn các bạn...” Thế là cả nhà cùng... khóc, khóc ngon lành! Khóc mà ánh mắt lấp lánh niềm vui hạnh ngộ bên nhau, có nhau và có Chúa.
Mấy hôm nữa thôi, chúng tôi sẽ lên “trực chiến” từ 30 Tết với Trung Tâm Trọng Điểm, tỉnh Bình Phước. Một chị Nữ Tu đã từng phục vụ trong cộng đoàn Mai Linh bảo tôi: “Cha nhớ mang theo cây đàn ghita và chuẩn bị tinh thần mà... khóc nhé, Giao Thừa, các em AIDS trên ấy thế nào cũng đòi hát “Xuân này con không về” đấy...”
Lạ quá, nhớ nhà thì có thể quanh năm vẫn nhớ, nhưng những ngày cận Tết, nhất là đúng khoảnh khắc Giao Thừa, sao người ta lại không thể cầm được nước mắt, bộc bạch đến cạn sạch đáy lòng nỗi thương nhớ mẹ cha, nỗi hoài hương đã xa, tưởng nhạt nhòa bấy lâu, không ngờ vẫn nhoi nhói quặn thắt"

“Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
Nghe pháo Giao Thừa rộn ràng nơi nơi
Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
Trông bánh chưng chờ trời sáng
Đỏ hây hây những đôi má đào...”

Nay thì ông Duy Khánh đã qua đời, các ông Trần Trịnh, Lâm Đệ và Nhật Ngân ( bộ ba tác giả Trịnh Lâm Ngân ) hình như cũng kẻ khuất người còn. Chắc các ông đã từng trải nghiệm thấm thía ghê lắm trong đời nên mới sáng tác được một bài bất hủ như thế. Xin biết ơn các ông thật nhiều...
Bản thân tôi bây giờ đã quá nửa đời người, chẳng còn quê mà nôn nao đón chuyến xe trở về cuối năm, chẳng còn cha mẹ để về mừng tuổi chúc Tết, lắm lúc buồn tủi nên rất dễ khóc khi mọi người chung quanh khóc, dễ khóc khi nghe những tâm sự đẫm nước mắt như “Xuân này con không về”...
Thế rồi may quá, tôi chợt nhận ra và tự an ủi rằng: mình là kẻ đang xa quê này để càng gần một quê khác, là kẻ đang lần hồi cứ thả rơi nhiều thứ trên cõi này để càng ôm lấy được nhiều quà tặng vô giá được gửi đến từ một cõi khác, cõi mà Thánh Phaolô xác định địa chỉ: “Quê hương chúng ta ở trên Trời...”

Lm. QUANG UY
Chúa Nhật 30.1.2011,
27 Tết Tân Mão

Ý kiến bạn đọc
29/03/201203:49:56
Khách
Bài viết hay và cảm động quá!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,012,124
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến