Hôm nay,  

Hai Bà Đầm

04/02/201100:00:00(Xem: 126754)
Hai Bà Đầm

Tác giả: Nguyễn Cát Thịnh
Bài số 3111-28411 vb6020411

Tác giả là một cư dân gốc Việt tại Canada. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui sống động trên một chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Bài viết được chuyển đến bằng email. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm và vui lòng bổ túc địa chỉ liên lạc và sơ lược tiểu sử.

***

Cảnh chen lấn xô đẩy liên tục khiến tôi có cảm tưởng máy bay chở quá tải, số hành khách nhiều hơn số ghế. Khi đã tạm yên vị, nhìn chung quanh mới biết mình lầm. Tôi ngồi bên bìa trái của hàng giữa, bìa bên phải là một bà đầm, giữa tôi và bà là 2 ghế trống. Trước mặt tôi còn một ghế trống, phía xa hơn cũng thấy trống nhiều.
Đây là chuyến bay Hong Kong-Toronto của hãng Cathay Pacific nên nhìn đâu cũng thấy tóc đen da vàng và tóc vàng da vàng, tóc vàng da trắng trở thành lẻ loi. Tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Việt trộn lẫn thành một thứ âm thanh rất chói tai át hẳn tiếng động cơ phản lực. Giả điếc, cài dây an toàn, tìm một thế ngồi thoải mái, tôi nhắm mắt cố nghĩ đến những chuyện khác đễ khỏi bận tâm.
Nhớ tối hôm trước, cùng bạn bè ăn nhậu, rượu uống mềm môi, say khướt nhưng vẫn muốn kéo dài để tận hưởng cái hạnh phúc không biết còn được lặp lại không. Mỗi người bạn, mỗi hình ảnh đậm nét, khó phai. Này Qg. , này Qn., này M., này Th. , này Ta. , này Ti., tất cả hiện ra trước mắt như trên màn ảnh đại vĩ tuyến.
Đang lâng lâng với những cảm giác tuyệt vời ấy thì bỗng giật mình vì tiếng sư tử hống phát ra từ phía sau. Không quay lại tôi cũng biết chắc đó là của một nữ đồng bào. Bà rầy đứa con nhưng cố tình hét thật to để mọi người hiểu rằng bà là một người lịch sự. Với tiếng Anh đặc sệt giọng mít bà biểu đứa con không được đứng chơi giữa lối đi kẻo cản trở lưu thông. Đứa con gái nhỏ phụng phịu hờn rỗi y hệt con tây, nói tiếng Anh không chút tì vết.
Thấy đứa bé xinh xắn dễ thương tôi nghiêng đầu ra sau nói với hai mẹ con bằng tiếng Việt đặc sệt giọng rau muống, đề nghị cho bé lên ngồi hàng ghế trên, tôi di chuyển vào phía trong ngồi sát bà đầm, nhường hai ghế trống cho bé đủ chỗ chơi đùa. Người đồng bào của tôi nhún vai trả lời sẵng bằng tiếng Anh rằng mẹ con bà không nói tiếng Việt Nam. Tôi chán nản lắc đầu thì nghe đứa bé hỏi mẹ:
-Ông đó nói gì mà má bực mình vậy.
Bà mẹ thông dịch lại những gì tôi nói. Đứa bé cằn nhằn mẹ tại sao không nhận. Bà mẹ vội vàng nói chữa:
-Tại vì má không thích tiếng Anh của con bị sứt mẻ nếu tiếp xúc nhiều với người Việt con hiểu chưa.
Đứa bé không đồng ý và nói rằng:
-Con Juanita bạn thân của con là dân Mễ, giỏi tiếng Tây Ban Nha, nói ở nhà, nói với bạn Erika , Helena cùng trường mà có sao đâu, tại sao má không dậy con nói và viết tiếng Việt" Hồi cuối năm cô giáo kêu cả lớp ký vào tấm thiệp giáng sinh gởi các binh sĩ đang chiến đấu ở Afghanistan khuyến khích viết chữ cám ơn bằng các ngôn ngữ khác nhau, con muốn viết chữ Việt mà không biết viết làm sao.
Câu trả lời gọn lỏn của bà mẹ làm tôi đau nhói. Bà nói:
-Tiếng Việt khác, tiếng Tây Ban Nha khác, người Việt khác, người Mễ khác.
Buồn bà đầm da vàng nhưng mừng cho đứa trẻ vì giáo dục lề đường của bà mẹ chưa lấn được giáo dục đứng đắn của học đường.
Máy bay vẫn lướt êm. Thời gian trôi chậm chạp. Chớp mắt ngủ được một giấc ngắn.
Thấy tôi mở mắt bà đầm da trắng ngồi cùng hàng giơ ngón tay ngoắc lại gần ghé tai nói nhỏ:
-Ông có nhìn thấy ba gã Trung Đông ngồi xéo xéo phía trước không"
Theo hướng bà chỉ tôi thấy hai tên da ngăm đen tuổi ngoài hai mươi, râu ria xồm xoàm che hết cả miệng ngồi chung một hàng, hàng ghế trước là một tên da nâu xậm sạch râu hơn và già hơn. 
-Tôi thấy rồi, có gì lạ đâu, đó là các hành khách như chúng ta vậy.
-Như chúng ta" Ông có chắc không" Tôi lo lắng quá, chẳng lẽ Chúa đã gửi tôi đi chuyến bay định mệnh này sao"
-Cái gì mà chuyến bay định mệnh" Ý bà muốn nói gì" Bà nghi họ là những tên khủng bố à" Bà làm tôi hơi rét.
-Tôi còn rét hơn ông, ông có nghĩ rằng chúng ta nên làm một cái gì chứ"
-Làm gì bây giờ" An ninh hàng không, an ninh phi trường có danh sách cấm bay các tên trong sổ bìa đen, họ đã thanh lọc hành khách kỹ, tôi cho là bà lo quá đáng.
-Tôi mong rằng ông đúng nhưng tôi không thể nào không lo được, tôi sẽ để mắt quan sát, nếu có gì khả nghi tôi sẽ báo cho ông ngay, ông phải hứa với tôi nếu có chuyện gì xảy ra thì ông phải che chở tôi nhé, Chúa sẽ đền ơn ông. 
-Cám ơn bà, tôi sẽ làm những gì tốt nhất mà tôi có thể làm.
Đúng là vớ vẩn, ôi bà đầm da trắng.
Máy bay ghé Anchorage Alaska để đổ thêm nhiên liệu. Mọi người phải rời vào đợi trong phòng kín của phi trường khoảng hơn một giờ đồng hồ. Lại ồn ào như cũ. Đi loanh quanh cho chân cẳng thư giãn. Đến hàng ghế sát cửa kính nhìn ra phía ngoài thì gặp hai mẹ con bà đầm da vàng. Đứa bé vẫn nói líu lít như chim, rất êm tai. Định bước nhanh cho khuất thì bất ngờ bà mẹ lên tiếng, vừa cười vừa giơ tay làm dáng kiểu cách mời ngồi. Đứa bé đứng dậy nhường chỗ. Bà mẹ bắt chuyện rất nhanh, bà nói thấy tôi truyện trò thân mật với bà đầm da trắng nên có cảm tình với người biết tiếng Anh. Bà kể chuyện về thăm Việt Nam, chuyện gia đình, chuyện cửa tiệm làm nail của bà ở Hamilton, và dĩ nhiên, chuyện khen đứa bé. Bà nói huyên thuyên bằng tiếng Anh, nhấn mạnh vì không quen dùng tiếng Việt. Tôi vẫn nói với bà tiếng Việt. Những người ngồi chung quanh nếu chú ý nghe sẽ nhận ra ngay sự khôi hài trong đối thoại giữa hai người.
Làm thân với đứa bé, biết bé không hiểu tiếng Việt tôi nói tiếng Anh khen bé ngoan, đẹp và giỏi. Hỏi thăm về lớp học, bạn bè, cô giáo của bé. Bé chưa kịp trả lời thì bà mẹ xen vào khoe:
-Cô Mann tháng nào củng gọi điện thoại khen cháu nức nở, luôn luôn khẳng định cháu là học trò cưng nhất của cô từ trước đến giờ, cháu có rất nhiều bạn, sinh nhật cháu tôi mời tất cả đến nhà hàng Tây vui ơi là vui.
Tôi hỏi:
-Bé có nhiều bạn khi ở Việt Nam không và nói chuyện với bạn như thế nào"
Bé kể một lô tên các bạn, phát âm rất rõ ràng các chữ Tuyết, Hoa, Cúc . . .,
-Cháu nói gì tụi nó cũng cười và nói ô kê, còn tụi nó nói gì thì cháu chỉ đoán mò.
Tôi dạy bé một vài tiếng Việt Nam đơn giản và cách xưng hô với cha mẹ các anh chị em các cô chú bác các người lớn tuổi. Bé rất thông minh, tiếp thu nhanh hơn tôi nghĩ. Bà mẹ im lặng thụ động phản đối một cách khó chịu.
Đứa bé không để ý đến thái độ của mẹ, nói:
-Bác dậy thêm nhiều nữa cho cháu đi.
Bé nói tiếng Anh nhưng không xưng I mà xưng Cháu, không gọi tôi là You mà là Bác, nghe ngồ ngộ.
Tôi kể cho bà mẹ về linh mục Gildo Dominici gốc Ý đại lợi thuộc dòng Tên. Cha đến VN năm1968, học tiếng VN để giao tiếp và giảng dậy tại Giáo Hoàng học viện Đà Lạt, cha lấy tên VN là Đỗ Minh Trí. Khi chính quyền mới của VN đuổi cha khỏi VN, cha tìm đến với những người tỵ nạn ở Indonesia, Phi Luật Tân. Cha lập nhà thờ trên đảo Galang, Bataan, làm lễ và giảng hoàn toàn bằng tiếng Việt. Cha viết báo tiếng Việt, dùng chữ lưu loát như một học giả Việt Nam. Cha mở những lớp học Việt ngữ thay vì Anh ngữ cho trẻ con. Hỏi thì cha nói cần phải bảo tồn văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam cho thế hệ trẻ, Anh Pháp ngữ học lúc nào cũng được, không khó. Cha gom góp những bài viết rải rác trong các báo thành một quyển sách dưới tựa đề "Việt Nam, quê hương tôi". Cha khuyên các bậc cha mẹ noi gương truyền thống của các dân tộc Do Thái hoặc Trung Hoa, không để mất gốc. Trong một lần ghé thăm Ottawa, Cha được các người định cư cũ và mới tổ chức đón tiếp linh đình. Một số người muốn gián tiếp chứng tỏ sự hội nhập nhanh chóng vào xã hội tây phương chào mừng cha bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Cha cắt ngang, thân mật nói với họ bằng tiếng Việt rằng cha chỉ thích nghe và nói tiếng Việt bởi vì cha xác tây nhưng hồn ta. Cha dành nhiều thì giờ tiếp xúc với giới trẻ.

Hôm từ giã, được mời phát biểu, cha nói rất hãnh diện thấy cộng đồng VN lớn mạnh, rất vui khi biết trẻ con VN học vượt trội các sắc dân khác kể cả dân bản xứ và cuối cùng giọng cha trùng xuống nói rằng cha không hiểu tại sao trẻ lười nói tiếng Việt như thế, cha kinh hoảng trước sự tây hóa thái quá của thế hệ trẻ. Cha mong phụ huynh nên xét lại quan niệm vọng ngoại và hứa hẹn sẽ trở lại cũng hội trường này, hy vọng sẽ được nghe những âm thanh thân quen của tiếng Việt trên tất cả đầu môi chót lưỡi của già trẻ trai gái trong cộng đồng VN. Cha đã mất năm 2003 vì bệnh ung thư. Quyển "Việt Nam, quê hương tôi" của Cha đã nói lên tấm lòng của Cha đối với VN. Cha tự nhận là người VN, hãnh diện là người VN trong khi đó có những người VN chính gốc tìm cách che dấu vết tích VN và lấy làm xấu hổ nếu bị nhận diện là VN. Tôi nói với bà mẹ hy vọng của cha vẫn còn nếu những trẻ như bé được cha mẹ nhiệt tâm hướng dẫn tìm về với cội nguồn.
Tôi không biết có tác động được bà không khi bà vụt đứng dậy xin phép ngắt câu chuyện dắt con đi nhà vệ sinh không cần biết đứa bé có muốn không.
Còn khá lâu mới lên máy bay, tôi rảo bước tìm bà đầm da trắng nói chuyện cho qua thời gian. Không tìm đâu xa, bà ngồi ngay phía đầu dãy ghế phía đối diện. Hết chuyện mưa nắng, chuyện sức khoẻ, bà cho biết vừa mới làm một tour du lịch Thái Lan, Căm Pu Chia, Việt Nam và Hồng Kông. Bà tách khỏi nhóm và ở laị Hồng Kông thêm một tuần lễ sống với con gái, con rể cùng hai đứa cháu ngoại đang cư trú tại đây. Bà ca tụng Bangkok sạch, đẹp, sinh hoạt không đắt đỏ, người dân lịch sự, hiếu khách, sùng đạo Phật và phục tùng hoàng gia tuyệt đối. Căm Pu Chia nghèo nàn, thành phố Nam Vang dơ bẩn, nhưng các phế tích ở khu Angkor là những dấu chỉ của nền văn minh Khmer rất đáng chiêm ngưỡng. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội của VN đã để lại cho bà nhiều ấn tượng xấu. Sự ô nhiễm môi trường quá sức tưởng tượng. Xe cộ lưu thông vô luật lệ, bóp còi inh ỏi. Dân chúng xả rác, tiêu tiểu bừa bãi. Nhà cửa xây cất đủ kiểu hổ lốn phản mỹ thuật. Duy nhất chỉ nghe khen phong cảnh vịnh Hạ Long. Đến Hồng Kông bà giơ hai tay lên trời cám ơn Chúa đã cho bà gặp lại thế giới văn minh. Vì lầm tưởng tôi là dân Hồng Kông nên khi biết tôi là người Việt Nam bà cuống quít xin lỗi.
Tôi nói:
-Bà không cần phải xin lỗi, tôi hoàn toàn đồng ý với bà, rất may còn nhiều thứ khác tệ hơn thế nửa mà bà không biết. Đất nước tôi đang được quản lý một cách độc đáo đầy tính sáng tạo của các đỉnh cao trí tuệ loài người, những cựu chiến sĩ Trường Sơn đông Trường Sơn tây đặc cách vinh phong Tiến Sĩ tại vũ trường nên mới có bộ mặt nham nhở như bà thấy.
Bà cười thông cảm và có vẻ tội nghiệp cho dân ta, nói đáng lẽ VN phải là một con rồng lớn của Á Châu từ thế kỷ trước.
Lục tục kéo nhau lên máy bay đi tiếp đoạn đường dài. Tôi tìm được một giấc ngủ thật thoải mái cho đến khi bị đánh thức bởi tiếng la nhỏ nhưng đầy hốt hoảng của bà đầm, bà đã di chuyển đến sát tôi tự bao giờ:
-Dậy! Dậy đi! Tới số rồi ông ơi, tụi nó sắp sửa ra tay đấy, cả ba tên đang đọc kinh lần cuối coi bộ nghiêm trọng lắm.
Trong một thoáng ngái ngủ tôi cũng thấy chột dạ cố nhướng mắt quan sát. Một tên đang loay hoay tìm chỗ trống dập đầu xuống sàn, soải hai tay về phía trước vái vái. Hai tên còn lại úp mặt vào lòng bàn tay rồi đập đầu vào tay dựa ghế. Xem đồng hồ thấy đúng giờ lễ cầu nguyện thường lệ buổi chiều của tín đồ Hồi giáo ngoan đạo, tôi trấn an bà đầm.
Bà không chịu tin và đòi tôi phải khẩn cấp hành động. Tôi cười ha hả nói không làm gì cả, sẽ ngủ lại và sẽ ngủ rất dễ dàng, nếu vẫn còn thắc mắc bà có thể nhờ cô tiếp viên theo dõi hoặc báo cáo với phi cơ trưởng. Bà trở lại ghế của mình, có vẻ bớt lo sợ hơn, có lẽ sự bình thản của tôi đã truyền lây sang bà hay lời thuyết phục của tôi có hiệu quả chăng.
Nhắm mắt nhưng không ngủ được. Nghĩ đến chuyến đi, ngẫu nhiên gặp hai bà đầm trên cùng chuyến bay, tôi hứng chí nhẩm vài câu thơ chợt đến trong đầu, đắc ý cười thành tiếng.
Bà đầm da vàng thấy tôi đang vui vẻ bèn níu vai áo chồm người lên hỏi bâng khua bằng tiếng Việt Nam êm ái giọng miệt vườn làm tôi nhảy nhổm ngạc nhiên:
-Anh có gì dzui nói cho em nghe với.
-Không nói được là không nói được, tiếu lâm lắm, kỳ lắm nghe sẽ đụng chạm hà.
-Nói đi hông sao, hông có gì đụng chạm hớt, mình người Dziệc với nhau mà.
-Vâng, vì bà nói bà không rành tiếng Việt nên chắc vô hại, tôi sẽ đọc cho bà nghe nếu bà muốn, nghe cho vui tai nhưng đừng bắt tôi cắt nghĩa nghen.
-Hay là anh dịch ra tiếng Anh đi cho dễ hiểu.
-Ấy cái đó thì tôi chịu thua. Tôi không đủ khả năng. . ., tôi đọc cho bà nghe thôi:

Hai o đầm trắng đầm vàng 
Mỗi o mỗi vẻ mười phần hỏng năm 
O này mặt khó đăm đăm 
Nhìn ai cũng ngỡ họ hàng Laden 
O kia (coi bộ) táo bón kinh niên 
Sống thờ hot dog mà thêm đẫy đà 
Trông người lại ngẫm đến ta 
Chẳng ke xấu tốt đầm nhà vẫn hơn...

Chưa kịp nghe dứt câu cuối bà buông vai áo tôi thả người rơi phịch xuống ghế, suy nghĩ vài ba giây rồi giận dữ quát:
-Rõ... đồ mắc dịch!
Máy bay đáp xuống phi trưòng Pearson an toàn và đang lăn bánh trên phi đạo. Tôi liếc qua bà đầm da trắng cười rạng rỡ. Bà bẽn lẽn tránh cái nhìn tưởng như chế diễu của tôi. Để tỏ vẻ thân thiện tôi nói với bà rằng lúc đó tôi cũng sợ hãi không kém. Biết không thể làm gì được, dù có là Rambo tái xuất, nên tôi cố tỏ ra bình thản để tự trấn an mình bằng cách trấn an người khác.
Tôi nói thêm:
-Tuy nhiên vì là một người lạc quan tếu, tôi luôn luôn tìm một lý do để hoan hỉ chấp nhận bất kỳ hoàn cảnh ngặt nghèo nào.
Bà hỏi:
-Thế ông đã tìm được lý do gì"
Tôi mỉm cười nói mắc cỡ khó nói lắm khiến bà càng thêm tò mò nhất định ép tôi phải nói...
-Nếu đó là chuyến bay định mệnh thì âu cũng là có sự sắp xếp của Chúa nhiệm mầu, bà sẽ không ra đi trong cô đơn, chúng ta đã quen nhau và chắc chắn sẽ là bạn đồng hành tốt trên đại lộ âm phủ, dẫu tôi và bà chưa biết tên nhau...
Bà không trả lời mà nguýt lườm tôi, cái lườm sắc như dao cạo có thể diễn dịch ra tiếng Việt Nam là... rõ đồ dzô dziên!
Máy bay đã ngừng hẳn. Mọi người lục tục đứng dậy vói tay lấy hành lý và chen lấn bước ra hai lối đi hai bên. Cả hai bà đầm đều chọn lối đi bên trái, tôi đi lối bên phải. Tôi mất dấu cả hai khi ra ngoài.
Đang đứng sắp hàng chờ trình giấy tờ ở cổng quan thuế tôi bỗng thấy nhột sau gáy, quay lại bắt gặp ánh mắt quét ngang dọc của bà đầm da trắng ở gần cuối hàng bên cạnh, tôi giơ tay chào kiểu nhà binh và nói từ giã, bà bất động vô cảm như người mù câm điếc.
Lững thững kéo lết chiếc va li sắp sửa bước vào cầu thang lăn thì nghe tiếng kêu mừng rỡ từ phía sau Bác! Bác! Tôi dừng ngay, quay lại thấy hai mẹ con bà đầm da vàng đi tới, tôi chờ đợi. Bà mẹ xốc tay đứa bé rảo bước thật nhanh qua mặt tôi vào cầu thang, không thèm nhìn. Thêm một người mù câm điếc!
Đứa bé giật tay khỏi tay mẹ đứng xoay ngược lại dơ tay vẫy vẫy nói bằng tiếng Việt Nam hơi ngọng ngịu "Chào bác! Chào bác!". Tôi vẫy trả và gửi một cái hôn gió nói thật to "Chào cháu".
Hình ảnh đứa bé đẹp như thiên thần với tiếng chào bác chào bác theo tôi suốt quãng đường về nhà.
Nguyễn Cát Thịnh

Ý kiến bạn đọc
04/02/201115:07:53
Khách
Tác gỉa đã tốt nghiệp DS năm 68 thì chắc chắn rằng đã hơn sáu bó, đã đến tuổi hồi xuân. Thế mà có hai bà đầm ngồi hai bên, đến lúc chia tay không ôm hôn thắm thiết, lại chào theo kiểu nhà binh.
Uổng ơi là uổng!!!
Nếu phải tay tôi thì tôi sẽ...khóc oà lên lúc tạm biệt.
Dựa Cột
04/02/201114:49:41
Khách
Bai viet cua anh rat hay va vui.
Chuc mung nam moi.
07/02/201119:35:15
Khách
DDong y voi chi Kaitlyn. Bai viet rat y nghia, xuc tich, vui.
07/02/201111:54:07
Khách
Bai viet that hay. Dieu lam toi vui la khong thay mot tu ngu nao cua "dinh cao tri tue cua loai khi".

nguoi thu c/s
06/02/201114:26:56
Khách
Rat hay!
04/02/201101:18:41
Khách
Vài giòng về người viết:

Nguyễn Cát Thịnh
3414 Pineview Crescent
Windsor, On.
N8R 2A8 Canada

Dược Sĩ hồi hưu, Tốt nghiệp ĐHDK/SGN1968, ĐHDK/Toronto1985.

Định cư tại Canada từ 9/1982.

Cám ơn quý báo đã chiếu cố.
05/03/201116:44:01
Khách
Cu1m o7n ta1c gia3 , ba2i vie61t co1 ti1nh ca1ch gia1o du5c , vui.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,809,202
Captovan là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Tác giả Trần Đức Lợi, nguyên là Giảng viên Giải phẫu và Phân loại Động vật học tại Đại Học Khoa Học/Tổng Hợp Huế, Việt Nam; hiên là Thạc sĩ Tâm Lý Trị Liệu,
Từ 2 tháng Bẩy 2017, Giải thưởng Việt Báo bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Christina N. Cao lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, bằng một tự sự kể về "Ngày Việt Nam" và cuộc diễn hành quốc tế
Bác sĩ Võ Văn Tùng, chủ tịch Hội Thân Hữu Huế-Thừa Thiên tại hải ngoại vừ mãn phần ngày 20-6-2017 và tang lễ được cử hành ngày 03 tháng 7, 2017.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Bài viết đầu tiên của tác giả phổ biến vào tháng Bẩy 2016, thời điểm bắt đầu năm thứ 18 Viết Về Nước Mỹ. Tên họ tiếng Việt của bà là Trịnh Thị Đông, sanh năm 1951, nguyên là giáo viên cấp hai,
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Nhạc sĩ Cung Tiến