Hôm nay,  

Anh Cả Bob Và Cái Tết Đầu Tiên ở Mỹ

21/01/201100:00:00(Xem: 130619)
Anh Cả Bob Và Cái Tết Đầu Tiên ở Mỹ

Tác giả: Minh Anh
Bài số 3099-28399 vb6012111
(trích Việt Báo Tết Tân Mão, 2011)

anh_chi_ca_bob-large-contentTháng Tư 1975, Minh Anh đến Mỹ cùng một đại gia đình, được bảo lãnh về Florida bởi ông anh rể người Mỹ. Hai năm sau, di chuyển về New Mexico để có thể trở lại đại học. Sau khi tốt nghiệp dược tại University of New Mexico (UNM) cô và gia đình định cư tại đây, hiện là một dược sĩ làm việc cho Hospital Pharmacy. tại New Mexico. Bài viết của cô kể về ông anh rể người Mỹ thân yêu của gia đình từ buổi đầu định cư, cùng cái tết đầu tiên trên đất Mỹ. Hình bên: Anh chị Cả Bob.

*

Khi cùng bà nội di cư từ Bắc vào Nam, cha mẹ tôi chỉ mới có con gái, hai bà chị và tôi. Mấy năm sau, ở Saigon, mẹ sinh thêm em gái. Vậy là chúng tôi thành “tứ nữ”, có người còn đùa là “tứ quí”. Cha mẹ tôi không buồn vì không có con trai. Con nào cũng là con! Mẹ bảo thế. Sau khi xong trung học, cha mẹ luôn khuyến khích chúng tôi học lên.
Chị Cả tôi theo nghề dạy học giống cha tôi. Niên khóa 1967 chị được cho đi Mỹ học thêm ngành Sư Phạm. Ít lâu sau, chị làm đám cưới với anh Bob ở California. Chị Hai tôi ở nhà theo ngành Dược, cũng lấy chồng vài năm sau. Rồi đến lượt tôi lấy chồng cuối năm 74. Em tôi lúc đó còn ở Trung Học .
Anh Cả Bob, là một kiến trúc sư, chàng trai miền California này, sau đám cưới đã cùng chị Hai tôi dọn về Miami, Florida, một nơi du lịch nổi tiếng, rất xa xôi đối với tôi lúc đó, nơi mà tôi chỉ biết đến qua những quyển sách dạy Anh Ngữ ở Trung Học , và những tấm hình của anh chị gửi về. Anh chị sanh được một cháu trai. Anh tự vẽ kiểu và xây căn nhà thật đẹp ngay trên một cái hồ thơ mộng cho anh chị ở Miami.
Khi biến cố đau thương của đất nước xảy ra đầu năm 1975, gia đình tôi lại một lần nữa phải tìm đường ra đi. Từ Mỹ, anh Bob và chị Cả làm giấy tờ bảo lãnh gia đình qua Tòa Đại Sứ Mỹ.
Gia đình tôi lúc đó có 9 người, Cha Mẹ tôi, anh chị Hai và 2 cháu nhỏ, vợ chồng tôi và em gái. Tòa Đại Sứ Mỹ lúc ấy đông người chen chúc rất khó liên lạc, giấy tờ cũng không biết ra sao. Chiều ngày 28 tháng Tư, vợ chồng tôi đi gọi điền thoại sang Mỹ cho chị Cả. Thời hạn để đi bằng máy bay với giấy tờ chính thức đã hết.
Đúng lúc tuyệt vọng nhất thì chiều tối ngày 29 tháng Tư, tại bờ sông Saigon, chúng tôi tìm đươc một chiếc xà lan chở cả ra tàu lớn đậu ngoài khơi.
Đến được bến bờ Subic Bay, Phi Luật Tân, tôi tìm cách gửi đươc thơ báo cho anh chị Cả biết là gia đình đã đến được Subic Bay bình an rồi. Sau này chị kể là lúc nghe tin chị mừng quá đến nỗi quên cả số điện thoại của anh Bob ở chỗ làm để gọi báo cho anh ấy biết! Ngay sau đó anh Bob lo thủ tục giấy tờ để bảo lãnh cả nhà ra khỏi Trại Tam Cư. Lúc xong giấy tờ thì gia đình chúng tôi đang ở Trại Fort Chaffee, Arkansas. Chị Cả và cháu trai đến Trại này để đón chúng tôi ra, lên đường đi về Miami, Florida, nhà anh chị.
Anh Bob đón chúng tôi ở phi trường, ôm từng người, ai cũng khóc vì mừng. Tất cả nhà đoàn tụ với anh chị và cháu từ đây.
Mới sang đất Mỹ, cái gì thấy cũng lạ. Ngôi nhà anh chị ở rất nhiều phòng quẹo ra quẹo vào, không giản dị thẳng một lèo như ở nhà bên VN, Đêm đầu tiên ngủ ở nhà anh chị, lúc thức dậy để đi tìm restrooms, có người trong chúng tôi đã mở nhầm cả cửa...closets! Thấy cái oven to, đẹp gắn ở trên tường phòng bếp, lại tưởng là cái Ti Vi! Những cái "ngố " đó làm cho anh Bob buồn cười và đặt tên cho chị em chúng tôi bằng tên những women comedians thời đó như Carol Burnett , vì chúng tôi cứ như đang diễn show Comedy trên Ti Vi!
Sau bữa ăn tối, nhiềulần anh Bob ra ngồi ngoài Patio, ngay trên bờ hồ, nghe nhạc một mình. Anh muốn để chị em chúng tôi ở trong nhà thoải mái nói tiếng Việt, ôn lại kỷ niệm. Trong nhà có bàn thờ Phật, anh cũng thường đứng chắp tay Lễ Phật ,cảm ơn "my Buddha" đã mang "my family" tới đây an toàn. Anh Bob của tôi theo Đạo Phật. Anh đã sống ở Thái Lan một thời gian dài, đã tìm hiểu Đạo Phật và tin theo từ đấy.
Anh Bob thương yêu , săn sóc từng người một. Anh chuyện trò với Cha tôi , anh Hai tôi, và với chồng tôi, luôn luôn muốn làm họ vui. Nhìn đám đàn bà chúng tôi lia lia nói chuyện, anh cười, làm dấu hiệu bằng mấy ngón tay để diễn tả "women" nói nhiều: "yak! yak!"
Có lần thấy chúng tôi ăn ice cream mà Mẹ tôi không dám ăn vì sợ buốt răng, anh vào bếp, mở tủ lạnh xúc ra 1 bát ice cream để cho nó ....chảy ra thành nước, rồi đưa cho "Mother" ăn ! Chúng tôi cười rũ ra khi nhìn thấy bát...nước ice cream thì anh nhún vai và làm dấu chỉ vào chúng tôi, nói với Mẹ "phui ! phui! Khi anh nói vậy có nghĩa là chúng nó "so silly" Mẹ đừng thèm để ý đến chúng nó làm gì!
Có lần anh định mua quần áo màu thật tươi như màu Đỏ, màu Hồng, cho Mẹ tôi mặc, vì thấy Mẹ chỉ thường mặc những màu nhã nhặn như Trắng, Nâu, hoặc quần Đen. Anh giảng cho chúng tôi là đàn bà Mỹ tuy già rồi nhưng vẫn mặc đủ các màu, cho cảm thấy yêu đời và trẻ trung hơn .
Anh dẫn chúng tôi đi coi những chỗ cần coi, cần biết lúc đó. Anh chở chúng tôi đi học các lớp Anh Ngữ ngay từ đầu.
Trên đường đến lớp học, anh cho chúng tôi vô tiệm ăn để làm quen với đồ ăn sáng của Mỹ, pancakes, sausages.Trên xe, anh cho chúng tôi vào đi qua máy rửa xe tự động và mắt anh cười thật vui khi thấy chúng tôi tròn mắt ra mà nhìn những tia nước rào rào tự động xịt vào xe, rồi những bàn chải to khổng lồ tự động chải rửa xe, rồi lại thổi hơi cho xe khô, lúc ra khỏi thì xe sạch bóng !
Các bạn Mỹ của anh khi biết gia đình tôi đến trú ngụ dưới mái nhà anh chị , đã tới tấp mang đến cho chúng tôi quần áo.Chị em chúng tôi tha hồ "diện" vì những quần áo này còn rất mới và đúng mode .
Mấy tuần lễ đầu, họ đem đến bao nhiêu là đồ ăn cho gia đình chúng tôi. Tủ lạnh đầy ắp, không còn chỗ cất! Chúng tôi vẫn không quên ông bạn "George Ham" , vì ông tên George, mang đến cho một "tảng" Ham thật to, tính tình trầm lặng, chẳng nói gì, chỉ ngồi nhìn chúng tôi ăn. Mấy lần ông đều làm như vậy, chúng tôi đặt tên ông là "George Ham"!
Gia đình tôi đến Miami sau Lễ July 4, nên ngày Lễ đầu tiên của Hoa Kỳ mà chúng tôi có mặt là Lễ Labor Day. Đài truyền hình ABC đến tận nhà anh chị để phỏng vấn. Anh Bob hãnh diện kể với họ về sự cố gắng vượt bực của cả gia đình để thích hợp được với đời sống mới ở Mỹ.Anh cho thằng cháu nhỏ 3 tuổi, con anh chị Hai, trổ tài đếm bằng tiếng Anh và tiếng Việt rất giỏi. Rồi anh giới thiệu Cha Mẹ tôi, từng người trong chúng tôi với tên thật và tên nick name anh đặt cho chúng tôi, kèm theo nụ cười hóm hỉnh trên môi, anh giải thích cho họ tại sao anh đặt nick name cho chúng tôi như vậy. Tôi không bao giờ quên ngày Lễ Lao Động đầu tiên trên nước Mỹ đó.
Ngày Halloween đầu tiên tại Mỹ là một dịp đầy ngạc nhiên, dù đã được giảng giải từ trước. Chúng tôi chia làm 2 nhóm, nhóm "già" như Cha Mẹ tôi và tôi thì có cháu bé mới sanh , ở nhà giúp anh Bob phát kẹo cho con nít. Đây là lần đầu yôi nhìn thấy con nít và có cả vài người lớn nữa, hóa trang thật kinh khủng hoặc thật buồn cười. Chi Hai tôi thuộc nhóm đưa con nít đi xin kẹo trong khu xóm, vì chính chị cũng có 2 cháu nhỏ, về kể chuyện là có nhà kia đã làm chị hết vía: họ đứng trên mái nhà, đợi có nhóm người xin kẹo nào đến gần thì họ thả xuống một xác chết....giả, làm bằng hình nộm! Tội nghiệp chị Hai, luôn luôn gặp những trò "đứng tim" !

Ngày Thanksgiving đầu tiên của chúng tôi trên nước Mỹ. Anh Bob bảo rất quan trọng vì để Cảm Tạ cho toàn thể gia đình đã an toàn và đoàn tụ dưới mái nhà anh chị. Anh tự tay sửa soạn làm và nấu thật công phu với đủ mọi thứ ngon của bữa Tiệc Gà Tây này.
Chúng tôi , lúc đó, trừ chị Cả đã ăn quen món này rồi, không lấy làm "khoái khẩu" cho lắm vì chưa bao giờ ăn như vậy ở VN, nhưng cũng ăn cho anh Bob vui. Trưa hôm sau, khi anh Bob đi làm rồi, chúng tôi đem thịt Gà Tây ra xơi theo kiểu Gà Ta!
Gia đình chúng tôi, kể cả anh Bob, theo Đạo Phật, nhưng cũng đón Giáng Sinh thật rộn ràng. Giáng Sinh đầu tiên ở Mỹ, một người bạn của anh Bob tặng cho 1 cây thông Noel thật to và cao. Mùi thơm của thông tươi dịu dàng.Chúng tôi nô nức giúp anh chị trang hoàng cây Noel. Tôi còn nhớ lúc xong rồi, bắt đầu bật điện lên, ngoài ánh sáng tưng bừng của những dây đèn, chúng tôi đã rất ngạc nhiên nghe thấy tiếng chim hót , mặc dù tìm không thấy con chim giả nào bày trên cành! Anh Bob đã cười hóm hỉnh "lòe" chúng tôi rồi chỉ cho chúng tôi thấy đó chỉ là một quả bóng tuyết làm ra tiếng chim hót, dấu kỹ sâu trong cành cây!
Tết Nguyên Đán năm ấy là xuân đầu tiên nơi xứ lạ quê người. Miami lúc đó có rất ít người Việt, gia đình tôi vẫn chưa liên lạc đươc với bà con, nên Tết đến mà không có "không khí" Tết chút nào. Anh Bob là người Mỹ, cũng không làm gì hơn được, để giúp chúng tôi có được cái Tết có vẻ Việt Nam! Lúc đó chưa có Chợ của người Việt, anh chị dẫn chúng tôi đi chợ Tàu cũng khá xa nhà anh chị.
Mẹ tôi cố gắng nấu được vài món cúng Tổ Tiên Ông Bà và để ăn Tết. Có Xôi Hoa Cau (xôi đậu xanh), vài món cúng Tết của người Bắc, như Chè Đậu Xanh Đổ Đĩa (tức là Chè Đậu Xanh nấu thật nhuyễn và đặc rồi đổ ra đĩa), Canh Bóng Da Heo. Chợ Tàu này lúc đó chưa có Bánh Chưng ,Giò, Chả gì cả Cũng không có Gà nguyên con để Mẹ luộc mà bày cúng như ở VN! Thiếu những thứ "quan trọng" đó cho ngày Tết, Mẹ hậm hực lắm, nhưng Mẹ hiểu và tự an ủi: "nhà mình đi được cả thế này là may rồi , bao nhiêu người kẹt lại bây giờ đang khổ biết chừng nào!".
Mẹ ơi, bây giờ cứ đến Tết con lại nhớ đến một hình ảnh mà con biết sẽ mãi mãi ở trong trí con: hình ảnh Mẹ đứng lễ và khấn thật nghiêm trang, kính cẩn trước bàn thờ do Mẹ bày một cách trang trọng. Dù bất cứ ở nơi nào, ở hoàn cảnh nào, những ngày còn ở Việt Nam với đầy đủ mọi thứ, ở Mỹ Tết đầu tiên thiếu đủ mọi thứ, và sau này ở California với em con, ở Maimi với các chị con, và ở New Mexico với chúng con, bao giờ Mẹ cũng rất công phu nấu các món cúng thật ngon, bày bàn thờ một cách trang trọng vào những ngày Giỗ, ngày Tết.Trời Phật Tổ Tiên đã chứng giám lòng thành của Mẹ, lòng thương con cháu của Mẹ khi Mẹ khấn nguyện cho con cháu, và đón Mẹ về nơi Cõi Phật.
Đêm 30 Tết năm ấy, cả nhà ai cũng thúc đợi cúng Giao Thừa. Đứng trước bàn thờ lúc ấy, mỗi người một ý nghĩ , nhưng tất cả đều Cám Ơn Trời Phật , cả gia đình được bình an, và nhớ thương họ hàng bạn bè, quê hương đang lầm than.
Lễ xong Cha Mẹ tôi mừng tuổi, lì xì cho các con, các cháu.Tội nghiệp Cha tôi không biết Chợ Tàu có bán Bao Lì Xì không nên mấy ngày trước Tết đã lụi cụi ngồi cắt giấy màu Đỏ (lúc đó Chợ Mỹ đang bán giấy bọc Valentine màu Đỏ) và dán cồn để làm thành những Bao Lì Xì mà tôi vẫn còn giữ đến bây giờ, kỷ niệm của người Cha Kính Yêu của chúng tôi nơi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới!
Ngày mùng Một Tết thật vắng vẻ. Cũng như mọi ngày thường, nơi khu xóm người Mỹ yên lặng ,làm gì có cảnh ngoài đường tấp nập người lớn , trẻ con đi Lễ, đi thăm và chúc tụng nhau!
Cứ nghĩ đến ngày Tết đó tôi lại thấy thương Cha Mẹ xót xa trong cái Tết đầu tiên ấy.
Tôi cũng không quên được những kỷ niệm vui. Ngày tôi đau bụng sanh cháu bé đầu lòng. Anh Bob gọi điên thoại cho Bác Sĩ của tôi, ông ta bảo phải vô nhà thương ngay. Anh vội dẫn tôi, chồng tôi và chị Cả lên xe đi. Khi ra cửa, trông thấy một con chó đang làm chuyện... vệ sinh ngay trước vườn nhà, không những anh không đuổi nó mà anh còn chúc nó "Have a nice...B.M."!!!
Đến nhà thương, bác sĩ khám thấy trường hợp tôi phải đẻ mổ, Cesarean Section. Cha tôi kể là anh Bob, trong khi đợi họ đang mổ cho tôi sanh, đã cẩn thận sợ gia đình tôi chưa bao giờ nghe thấy "Cesarean Section" thì sẽ lo nên liền mở quyển encyclopaedia ra giảng giải cho mọi người hiểu và đừng lo.
Khi cháu bé sanh ra rồi, mọi sự tốt đẹp, lúc được đẩy vô phòng riêng của mình ở nhà thương, tôi đã thấy họ đem đến một lọ hoa rất dễ thương được làm thành hình giống như một ly ice cream soda float với whip cream, tất cả được làm bằng hoa Cẩm Chướng của anh Bob mua tặng.
Khoảng một năm sau, 1976, khi anh Hai và chồng tôi có được việc làm tương đối khá hơn chút đỉnh, chúng tôi bàn với nhau xin phép anh Bob và chị Cả để dọn ra, thuê một căn nhà nhỏ để ở riêng.Cứ tưởng như thế là để trả lại đời sống riêng tư cho anh chị và cháu, mà trước khi đón chúng tôi tới, anh chị và cháu đã sống.
Nào ngờ, tối hôm đó, sau bữa ăn, vợ chồng anh Hai và vợ chồng tôi trịnh trọng đem câu chuyện ra nói với anh, anh Bob nghe xong giận lắm và phản đối ngay. Anh bảo là bao nhiêu năm nay bây giờ cả gia đình mới được tụ họp dưới một mái nhà, tại sao lại đi dọn riêng ra. Anh nói chúng tôi còn cần để dành tiền tiếp tục đi học, đã thành tài đâu mà lại phí tiền đi thuê nhà!
Tôi không bao giờ quên được câu anh mắng thằng con trai của anh khi cháu cãi lại một câu gì đó với uncle và aunt của nó, tức là anh chị Hai tôi, "gia đình của mày đã phải đi nửa vòng trái đất, vượt qua bao nhiêu gian nan,nguy hiểm mới tới được đây ở với mày mà sao mày làm họ buồn lòng được"" Anh cẩn thận sợ anh chị Hai tôi buồn lòng chứ thực ra cháu nó cũng còn nhỏ, anh chị Hai đâu có buồn đâu.
Năm sau đó, khi vợ chồng tôi và cháu bé bắt buộc phải dọn đi Albuquerque, New Mexico vì tôi đươc nhận vào trường Dược ở đó, anh Bob biết là chuyện cần cho tương lai của chúng tôi nên không phản đối.
Khoảng gần 1 năm sau khi chúng tôi dọn đến Albuquerque thì anh chị Cả Bob và cháu trai đếân thăm chúng tôi. Không báo trước để cho chúng tôi ngạc nhiên. Anh bảo anh nhớ chúng tôi, nhất là cháu "Vanzy danzy, goopsnoop from Albuquerque" của anh (anh đặt cho con trai tôi 1 cái tên nick name dài như vậy đó). Anh đi chợ mua mẩy thứ groceries để làm món đăc biệt của anh mà anh biết lúc trước chúng tôi thích, và theo anh,"tiệm làm không ngon tí nào"! Hè sau đó, gia đình tôi ai cũng tới thăm chúng tôi ở Albuquerque, thương chúng tôi, vì việâc học mà phải rời xa Miami với đại gia đình thân yêu.
Sau nhiều năm làm việc cho môt công trình xây cất cho phi trường của nước Ả Rập, anh Bob về hưu. Mấy năm sau nữa, sau khi về hưu thì anh mất. Mất rất nhẹ nhàng.
Biết bao nhiêu là điều để nhắc về anh Cả Bob của chúng tôi. Nào là "hồi đó làm cái pizza cho gia đình Việt Nam của vợ biết thế nào là pizza, mà anh Bob hì hục chảy mồ hôi đầy mặt khi bày xong cả chục thứ toppings trên mặt cái pizza đặc biệt đó", nào là "anh Bob hồi đó dặn tụi mình khi đậu xe ở parking lot thì cố tránh đừng đậu thế nào mà khi ra phải lùi xe, không trông thấy người đang ở sau xe". Nào là "anh Bob đi ra đi vô, cứ đi qua Tượng Phật là thế nào cũng chắp tay Lễ Phật"." Anh Bob có cái tài làm cho cái tai của anh tự động nhúc nhích mà không phải dùng đến tay."
Ôi thôi, bao nhiêu thứ được chúng tôi thương mến nhăc lại về anh Bob.
Ngày Giỗ của anh là ngày July 2nd.
"Bác Cả Bob ơi, mấy đứa em Việt Nam của bác luôn luôn nhớ bác và yêu thương bác”.
MINH ANH

Ý kiến bạn đọc
28/01/201116:42:00
Khách
Chị Minh Anh trước ở đường Tự Đức, góc NBK phải không? Rất vui khi tìm ra được đồng hương Saigon, nhất là cùng học chung mái trường Trưng Vương , nhưng khi em vào trường TV thì chị đã học Dược rồi.
21/01/201119:46:36
Khách
Cau chuyen that hay, nguoi anh re nhu mot thien than. Thank you for yr story
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,779,676
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết như ng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác Giả viết bài nầy thay cho những ai lần đầu tiên được làm mẹ, hoặc sắp làm mẹ, muốn gởi gắm đến cho đứa con yêu quí. Tuy hoàn cảnh hoặc hành sử có thể khác nhau nhưng tình mẫu tử thiêng liêng không khác biệt. Tác giả quê quán ở Bến Tre, sang Mỹ năm 1973. Ông gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015, nhận được giải danh dự năm 2016, và giải Á Khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Hiện Tác Giả đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả đã qua tuổi bát tuần, hiện là cư dân Bắc California, Trước 30 tháng Tư 1975, ông là công chức chính ngạch của VNCH. Saigon đổi đời, cuối tháng Mười 1977, vượt biên tới Thái Lan. Định cư tại Vùng Vịnh San Francisco, Calif, từ ngày 9 tháng Một 1978. Ông đã dự Viết Về Nước Mỹ từ 2010, với bài viết kể chuyện tổ chức vượt biển và nuôi dạy các con thành người hữu dụng trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới để tạ ơn tự do, thương phế binh Việt Mỹ, và đặc biệt, Tạ ơn Đức Thánh Trần.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Năm 2017, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà là chuyện mùa Giáng Sinh.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Bài mới nhất là chuyện mùa giáng sinh
Trước Tháng Tư 1975, tác giả là một Hải Quân Trung Uý VNCH, rồi thành cựu tù cải tạo, tự lái tầu vượt biển, định cư tại Úc. Với nhiều bài viết sống động, trong đó có “Làm Thế Nào Để Chôn Hai Chế Độ,” kể chuyện được cô bí thư 12 tuổi đảng bảo lãnh ra khỏi trại cải tạo Vườn Đào, ông là tác giả vào danh sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài viết mới nhất..
Tác giả sinh năm 1944, định cư ở Mỹ năm 1979, sống ở California 25 năm với nghề điêu khắc gỗ. Một số tượng điêu khắc gỗ cỡ lớn hiện đang toạ lạc trên đường phố và nơi công cộng của các thành phố Seaside, Monterey, và Los Gatos tại California là công trình của ông Tú.
Nhạc sĩ Cung Tiến