Hôm nay,  

Đêm Noel

20/12/201000:00:00(Xem: 236023)

Đêm NOEL

Tác giả:Nguyễn Thơ Sinh
Bài số 3070-28370-vb2122010

Trong năm 2009, truyền thông Việt Mỹ đã nói nhiều về Nguyễn Thơ Sinh và cuộc hành trình đi bộ 2,600 dặm xuyên nước Mỹ để nói lên lòng biết ơn của anh đối với đất nước và nhân dân Hoa Kỳ. Với tự truyện kể về cuộc đời của anh, một cựu chiến binh hai dòng máu Việt-Mỹ, Sinh nhận giải Vinh danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2010. Hiện Nguyễn Thơ Sinh là cư dân Fort Worth và làm việc tại Sở Cung Cấp Nước của thành phố. Sau đây là bài viết  mùa giáng sinh của anh.

***

Tiết cuối thu trời se lạnh, Noel chả mấy chốc lại về nữa. Trên đường lái xe đi làm, tôi nhìn thấy cụ bà mà tôi từng có dịp thăm hỏi. Tôi biết cụ đang trên đường đi lượm lon.
Bóng cụ nhỏ, lẩy bẩy, càng như bị chèn nghẹn thắt quặn hơn bởi chiếc khăn mỏ quạ quấn chặt lấy đầu. Nhìn cụ bước đi, cái túi vải lắc lư trên lưng như cái mai rùa lỏng lẻo, tôi mủi lòng, thèm được dừng xe thăm hỏi cụ. Vi sợ trễ giờ đến sở, tôi không thể ngừng lại, nhưng suốt ngày hôm ấy cứ nghĩ mãi đến cụ. Cụ giống như mẹ tôi ngày nào.
- Lấy vợ đi cháu ạ… 
Một lần cụ bảo tôi thế, mặc dù tôi và cụ chẳng bao giờ biết nhau. Lần khác thì cụ nói:
- Thôi anh ạ. Bác không lấy tiền của anh đâu. Anh chịu khó nghe lời bác lấy vợ đi.
Biết cụ không muốn nhận, có lần tôi trút cho cụ mấy cái lon, trông cụ thật vui:
- Ừ. Anh cho bác xin. Mà này… Nhớ mà lo chuyện vợ con đi…
Ban đầu những câu nhắc nhở của cụ làm tôi ngạc nhiên, nhưng nghe mãi rồi quen. Có thể một người con giai của cụ không lấy vợ. Cụ gần đất xa trời nên mới lo lắng nhập tâm như thế. Để cụ vui, có lần cụ chưa kịp nhắc, tôi đã hứa trước:
- Qua năm sau cháu sẽ lấy vợ.
- Anh độc nói điêu lỗ mồm thôi. Năm ngoái anh cũng bảo bác như thế. – Cụ mắng tôi.
Giọng nửa như lẫy, nửa như thương, nghe mà thấy lòng mình bỗng nhiên ngùi hẳn lại. Cụ lẫn rồi. Năm ngoái tôi chưa dọn về khu này. 
Có hôm tôi nhìn thấy cụ đu người, cắm đầu chổng ngược moi trong thùng rác bằng nhựa để nhặt mấy cái lon.  Đôi chân cụ đi đôi giày vải nhỏ xíu đạp vẫy. Vớ lọng cọng chiếc nọ chiếc kia. Đôi chân huơ huơ trên không như con còng bị đứa trẻ vừa moi ra từ một hốc bùn. Thùng rác bằng nhựa bỗng ngả kềnh. Cụ ngã lăn theo. Người cụ nhoài bệt, cái khăn mỏ quạ sổ tung, xốch xếch. Cụ đứng dậy, sửa lại áo sống, chít lại cái khăn, trông cụ xộc xệch như vừa trải qua một cơn lốc tảng thần.
Tôi cho xe lao nhanh đi. Trời sớm. Gió lặng. Cửa xe quay kín. Thế mà tự nhiên hai tròng mắt tôi vẫn thấy cộm như bị bụi thổi. Tôi không muốn cụ xấu hổ. Mà cũng có thể tôi đang tự xoa dịu sự cắn rứt lương tâm của mình bằng những lời biện bạch tinh vi:
- Cụ sẽ chả việc gì đâu. Nhất là đây chẳng phải lần đầu tiên cụ ngã như thế.
Có hôm tôi không thấy cụ đi nhặt lon. À. Hôm nay không phải thứ Năm.  Người đi nhặt lon nhôm như cụ phải thức dậy và đi từ sớm, không thì xe thu gom của sở rác Thành phố sẽ đến trước.
Bữa đó thứ Năm không nhìn thấy cụ tôi bỗng thấy lo lo. Có khi nào cụ bị tai nạn cũng nên… Mà thôi đừng nghĩ quẩn như thế. Hôm nay cụ chỉ đau chân nghỉ tạm… Mong là mọi chuyện chỉ có thế. Mai kia cụ lại khỏi đau chân, cụ lại đi nhặt lon…
Rồi bỗng nhiên tôi thấy mình thật nghịch lý. Một sự mâu thuẫn khó cân bằng. Tôi không muốn nhìn thấy cụ đi nhặt lon, vì có những hôm ướt át, có hôm rất lạnh. Mỗi sáng thứ Năm khi sở rác cho xe đi thu gom rác, tôi lại nhìn thấy bóng dáng của cụ, bóng dáng của mẹ tôi xưa. Tôi muốn cụ đừng đi nhặt lon nữa. Nhưng hôm nay không thấy cụ, tôi lại mong, giá cụ cứ khỏe mãi, cứ đi nhặt lon mãi… Như tôi mong mẹ tôi xưa sẽ mãi mãi khỏe mạnh như thế.
 Tiết trời vẫn giá rét. Có ngày vào buổi đêm mưa nhẹ, sáng ra đường đóng giá. Tôi lái xe đi làm cảm thấy đường trơn tuột như xoa mỡ, tay lái sàng bánh, kêu nghiến đường. Tôi lo rằng cụ vẫn tiếc rẻ từng cái lon. Và rồi cụ sẽ lại tấp tểnh đi trên con đường mờ mịt. Tự nhiên tôi thấy oán trách những đứa con của cụ. Tôi thấy họ vô tâm, bất hiếu. Rồi tôi nghĩ cụ bạc phước. Và rồi tôi tự an ủi chính mình: Thôi đừng suy nghĩ nữa. Đèn nhà ai nấy rạng. Cơm nhà ai người nấy ăn. Tôi là cái thứ quái gì để rồi tự nhiên đi moi trong ruột tượng lòng trắc ẩn của mình vài đồng bạc thương cảm để mua về chút nõn xót nửa vời. Tôi không nuôi cụ được một bữa cơm; thế thì việc quái gì liên can đến tôi kia cơ chứ.     
Mình sẽ ghé thăm cụ. Và tôi đã quyết định vậy.
Tôi quyết định Lễ Noel tôi sẽ thăm cụ. Tôi cho rằng mình có được cái quyền ấy. Hơn nữa tôi vừa mới biết thằng bạn thân của tôi (gọi là thân vì chúng tôi học với nhau mấy lớp tại trường Đại Học Cộng Đồng nhiều năm về trước). Hiện nó sống chung với cụ. Nó dọn vô share phòng với vợ chồng một người họ xa của cụ. Tôi viện cớ ấy để ghé thăm cụ nhân thể.
- Anh lấy vợ ngay đi nhé… - Gặp tôi, cụ vội nói ngay câu ấy.
- Cháu sẽ lấy. – Tôi mỉm cười.
- Lấy… lấy… lấy… Các anh chỉ biết nói “lấy vợ” cái lỗ mồm. – Cụ lại mắng yêu tôi.
Buổi tối hôm đó, đêm Noel, tôi đem lại một chai Johnny Walker (Red Label) lại nhà thằng bạn. Vợ chồng người chủ nhà đã đi xuyên bang qua New Orlean ăn lễ. Nhà bây giờ chỉ còn hai thằng độc thân và một bà cụ (vì giận con cháu mà quyết định dọn ra riêng). Cả ba đều không ăn nhập họ hàng huyết thống, cột lại với nhau bằng nhân duyên của mổ đêm lễ Noel.
Câu chuyện dần dà được kể ra: Cụ ở chung với một đôi vợ chồng nọ không mất tiền. Đổi ngược lại cụ sẽ trông trẻ cho anh chị ấy. Họ nấu cơm và giặt giũ. Còn cụ, cụ chỉ ngủ với hai đứa trẻ và trông chúng để cha mẹ đi làm móng tay vào ban ngày. Thỉnh thoảng họ giúi vào tay cụ trăm bạc ăn quà. Mỗi sáng sớm cụ thức dậy đi nhặt lon. Một người đàn ông Lào (vợ chết sớm) sống gần đấy đã nhận chở lon nhôm đi bán giúp cụ. Đó là tất cả những gì thằng bạn tôi kể lại. Thằng này xem ra khá tỉ mỉ các chuyện của người khác. Cũng phải thế thôi, nó là dân bán bảo hiểm, thường thì trên đầu phải có hai cái miệng, bốn con mắt và bốn lỗ tai. Thì ra cụ đã lẫn. Cụ cứ nhắc nó lấy vợ, gặp tôi, cụ tiện thể nhắc luôn.
Rượu khui ra. Đèn vặn mờ. Nhạc mở khẽ vừa đủ nghe. Không khí đêm Noel bỗng nhiên ấm áp lạ thường. Tôi có cảm giác như tôi được ở gần bên mẹ. Tôi rót mời cụ một cốc. Cụ ngửi thấy mùi rượu hăng hăng, nhoẻn cười, mắng yêu tôi: Chừng nào rượu đám cưới của anh bác mới uống. Nói vậy, cụ vẫn đón lấy cốc rượu. Nhìn cụ, tôi chợt héo hắt cõi lòng. Trông cụ sao mà giống mẹ tôi xưa đến thế. Nhất là tia nhìn ấm áp:
- Ghè cho một cái vỡ tan mặt bây giờ. – Mẹ thường mắng yêu tôi như thế. 
Vui chuyện, cụ đem hình con cháu ở Việt Nam ra cho tôi với thằng bạn xem cho vui. Nhiều tấm ảnh chụp cho tôi cảm giác đó là một gia đình. Gia đình đó là con trai cả của cụ. Anh ấy đã có vợ và ba con gái. Ba đứa đều còn nhỏ, đứa nào cũng béo mũm mĩm, ăn mặc tươm tất, trông vào biết ngay đấy là tuýp nhà thuộc loại có miếng ăn, miếng để.
- Con bé lớn nhất là con Phi Loan, con đứng giữa là con Phi Yến, còn cái con nằm ẹp dưới nền nhà là con Phi Nhung.
Cụ giới thiệu như thế. Những cái tên tôi chỉ nghe lờ mờ thoáng qua. Còn khuôn mặt bọn trẻ, trông chúng hồn nhiên vô tư biết bao nhiêu. Bố mẹ chúng, con trai và con dâu của cụ ngồi trên ghế sô-fa ở phía sau, trông họ cũng trắng phởn, cũng đầy đặn, nhất là chị vợ trông khá đẫy đà. Một tấm ảnh giữa nhà có một cây thông Noel khá lớn, có chăng đèn, treo quả châu lủng lẳng, nến, thiệp… Dưới gốc thông có những thùng quà to tướng. Lũ trẻ no ăn, má phính hồng, nhe răng ra cười, hồn nhiên và vô tư, cảnh nhà trông hết sức sung túc.


- Tháng nào bác cũng gởi về cho bố con nhà nó bốn trăm bạc đấy! – Cụ vui chuyện, có hớp rượu vào, giọng cụ như trẻ lại. Tôi chợt nhận ra rượu đôi khi có thể cải lão hoàn đồng những người già cô liêu trong một phút chốc. Cụ nói tiếp: – Con Phi Nhung ấy, trông béo thế mà nó có hiếu lắm… Hôm rồi nó xếp cho bác hẳn một ngàn ngôi sao rồi bỏ vào trong lọ đấy… Nó bảo là để chúc cho bác sống lâu trăm tuổi. (Nói xong cụ hềnh hệch cười, ngây ngô sảng khoái như trẻ con.)  
Tôi tiếp tục lật những trang kế. Cuốn album khá dày. Cơ man nào là những tấm ảnh ngồn ngộn sự phồn thịnh sung túc khiến tôi ái ngại. Cụ vẫn say sưa nhìn tôi, tuồng như thể cụ muốn nói: Đấy, anh xem, con bác ở Việt Nam có sướng hay không" Lòng tôi ngổn ngang khi nhìn những tấm ảnh tương phản ấy. Trái tim người mẹ thật bao la. Những buổi sáng nhặt lon… Sự nhọc nhằn cả đời cưu mang gánh vác, chung cuộc lại NIỀM VUI TRONG TRÁI TIM NGƯỜI MẸ vẫn là SỰ BÌNH AN SUNG TÚC CỦA ĐỨA CON.
Đó là một sự tương phản thật xót mắt. Cảnh nhà người con trai không hề túng thiếu. (Nếu không nói là khá tươm tất, tử tế, đầy đủ). Trong khi đó tràn ngập trong đầu tôi là hình ảnh cụ liêu xiêu, lọ xọ bước trên con đường tăm tối, giá rét dưới hai rặng sồi cổ thụ. Cụ tỉ mẩn, cần mẫn, đối đãi quý hóa từng cái lon nhôm. Cụ tham lam, gần như là bủn xỉn, bòn gio đãi sạn, nhặt nhạnh ân cần chỉ vì sự yên ổn bình an của người con sống ở phương xa.
- Thằng con thứ hai của bác nó ở bên Mỹ này. Nó cấm không cho bác nhặt lon gởi tiền về cho anh nó. Nó bảo thằng anh nó ở Việt Nam sướng như tiên. Rằng bác chẳng việc gì phải đày thân, phải lo cho nó… Nhưng mà bác lại mắng nó là: Mày qua đây được sung sướng, mày quên anh quên em khốn khổ ở nhà. Rồi vợ nó còn bảo là bác đi nhặt lon như thế nó thấy nhục nhã với người khác. Bác giận quá, nên bác mới dọn ra khỏi nhà nó đấy chứ. Bác nhặt lon chứ bác có ăn trộm ăn cướp gì mà nó nỡ bảo là nhục nhã với xấu hổ. Thành ra cộng cả tiền già với tiền nhặt lon, tháng nào bác cũng gởi cho thằng con ở Việt Nam bốn trăm đồng đấy… Lễ Noel này bác gởi cho nhà nó sáu trăm ăn lễ với người ta...
Câu chuyện cụ kể cứ thế trôi đi… Những câu chuyện tỉ tê, ngùi ngùi rung cảm như chuyên chở tâm hồn tôi đi vào cõi thần tiên của Wilde Oscar xa lạ. Nơi có cô bé bán diêm lạnh lẽo, co rúm giữa một đêm ế khách, những đứa trẻ ngủ vùi dưới chân cầu giá lạnh, những bà mẹ ngồi khâu áo khi đứa con nhỏ của mình đang lên cơn sốt, và tiếng chuông trên tháp nhà thờ như đang khạc ra những tiếng ho ran phổi. Có hôm cụ bị ong chui ra từ miệng lon châm cho vào mắt. Có hôm cụ bị chó hoang xồ ra, giật mình thót tim. Có hôm người ta bóp còi, khiến cụ hoảng vía mất nửa hôm. Có hôm cụ trượt chân ngã, va đầu vào gốc sồi u lên…
Cụ chìa cốc ra: Anh cho bác xin một ít rượu nữa. Rượu anh mang lại ngon quá. Giá như anh con trai bác mà uống được một hớp, chắc là nó sẽ thích lắm đấy…
Câu nói của cụ như một nhát cuốc bổ phập vào cõi lòng tâm sự của tôi. Bỗng nhiên tôi nhớ mẹ tôi xưa biết bao nhiêu. Chắc một đêm Noel nào đó, thói quen của mẹ tôi là nấu lên một nồi chè đỗ đen, thổi thêm một nồi cơm nếp lạc. Tối đi lễ khuya về, cả nhà quay quần lại, mẹ sẽ chan chè đỗ đen lên xôi lạc cho mọi người. Hẳn là bao nhiêu năm mẹ tôi còn sống ở quê nhà, bà sẽ vẫn nhắc:
- Thằng Sinh ngày xưa vẫn thích ăn món chè đỗ đen này lắm… Tội nghiệp, giá nó được ăn một bát như vầy…
Giữa đêm Noel, tôi bật oà lên khóc.
Dưới màn sương mờ buổi sớm, có hôm tôi cứ nghĩ tai nạn giao thông rất có thể sẽ xảy ra với bà cụ nhặt lon. Rồi tôi nghĩ đến những người mẹ Việt Nam. Những người đàn bà trông trẻ, giữ em cho người khác, giành dụm với những đồng tiền trợ cấp người già để gởi về cho con cháu ở Việt Nam. Những người đàn bà cất giữ thật kỹ những đồng bạc trong ruột tượng. Họ chắt chiu chi ly từng xu với bản thân, nhưng lại hào phóng nồng nàn với con cháu phương xa, cứ như thể họ đã hóa thân vào thứ men nồng của tình mẹ; dẫu lấy dao bén cắt thẳng vào cổ tay mà không hề thấy xót.
Tôi đã học hỏi được bao điều kể từ khi tôi đặt chân đến đất nước Hoa Kỳ này. Tỷ như từ khi tôi đặt chân đến đây, bỏ lại mẹ tôi ở Việt Nam, tôi mới thấm thía thế nào là tình mẹ vô biên cao cả. Hôm nay được chứng kiến tình yêu thương bao la của một người mẹ như bà cụ nhặt lon, chỉ có ở Mỹ tôi mới nhìn thấy chân dung tình yêu của một người mẹ bao la như thế. Tôi chợt nghĩ đến mẹ tôi xưa. Có lẽ khi tôi đến xứ xở này, dù người ta cho đó là thiên đường, mẹ tôi xưa vẫn hàng ngày, hàng đêm lo lắng cho thằng con phương xa ngàn dặm.
- Nước Mỹ ơi, đất nước của xứ xở tự do ơi…
Tôi thầm nhủ với chính mình như thế. Những con đường mọc đầy gỗ sồi trên xứ xở này, những người đàn bà chít khăn mỏ quạ, dáng đi xiêu vẹo thất thểu. Hình ảnh này khiến tôi đau xót. Giá như đừng có nước Mỹ, cụ sẽ không phải khổ sở, như lời anh con thứ nói: Phải đày đọa thân xác như thế.
Vâng. Đất nước Mỹ - Xứ xở tự do… Tôi lặng người khi nhìn cụ già nhặt lon. Nơi đây – Nơi đất nước này – Chân dung tình yêu bao la của một người mẹ Việt hiện lên giữa đêm Noel lung linh huyền nhiệm.
Phải chăng chỉ có nước Mỹ mới là nơi một người mẹ có thể tự do thể hiện tình yêu thương vĩnh hằng với con cái (vì bà có điều kiện và cơ hội để làm điều đó). Bà không tiếc sức, tiếc công, càng không hề sợ mình xấu hổ. Bà chỉ biết ở quê nhà xa xôi nơi đó một khúc ruột của bà còn đó. Bà sống theo tiếng gọi thiêng liêng của tình mẫu tử. Mỗi một chiếc lon bà nhặt, nơi đó gởi gắm và chứa đựng biết bao điều. Và chỉ ở nơi đây, bà mới có cơ hội nhặt lon, cơ hội lãnh tiền già, cơ hội tặn tiện để giúp con, giúp cháu. Nghịch lý đấy, nhưng ai  ngăn cản nổi quyền yêu con của một người mẹ.  
Thằng bạn tôi đã ngà ngà say. Cây thông trong căn phòng chăng mắc đầy những chùm dây kim tuyến bạc, vắt vẻo lòng thòng, những quả chuông vàng tượng trưng cho sự thừa mứa, những trái châu đủ màu xanh đỏ, kèm với những que kẹo hình chữ J trắng đỏ lủng lẳng. Tiếng nhạc từ CD đã tắt lịm từ lâu. Xa xa là tiếng chó sủa vu vơ. Cụ già nhặt lon ngồi trầm ngâm tư lự gần như đã thoát vía, hóa thạch. Dưới ánh đèn mờ nhạt ấy, khuôn mặt nhăn nheo, hai bên khóe mắt cụ đầy những vết chân chim chằng chịt, làn da sần sùi đầy vết đồi mồi.   Trên gương mặt hiền lương đã bị vặn vẹo bởi thời gian ấy, tôi nhìn thấy một hàng nước mắt đang rơi chậm xuống…
Trên đường lái xe về hôm ấy,  tôi thấy như tâm hồn tôi đang mộng du về với mẹ. Con đường nằm hai bên rặng sồi già đêm nay trông khác quá. Những ngôi nhà đầy  đèn màu chăng mắc, đủ mọi hình thù, từ tạp nham vấy vá cho đến những họa tiết công phu tỉ mỉ. Tôi thấy lòng mình se thắt lại.
Đêm Noel. Đêm an bình… Càng lúc tôi càng nghĩ nhiều đến bà cụ nhặt lon trên đất Mỹ. Hình như giữa mẹ tôi và cụ có điểm gì đó thật giống nhau. Đó là tình mẫu tử. Cụ là người mà tôi cảm thấy vinh dự khi được dâng cụ cốc rượu. Cụ là hình ảnh mà tôi cảm thấy tự hào được nhìn thấy, dù đó chỉ là bóng dáng xiêu vẹo vất vảø trên con đường tôi đi làm mỗi sáng thứ Năm…
Tôi có nghe ai đó nói: Với thế giới này, bạn chỉ là một người. Nhưng với một người, bạn là cả thế giới của họ. Cảm ơn bác, cảm ơn người đàn bà nhặt lon trên đất Mỹ. Chính bác đã mở ra trong tâm hồn cháu cả một thế giới lắng đọng bao la: Một thế giới kiến tạo từ đôi tay gầy guộc của người mẹ tần tảo.
Fort Worth

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,009,966
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến