Hôm nay,  

Người Vợ Bắc Kỳ

12/12/201000:00:00(Xem: 244596)

Người Vợ Bắc Kỳ
                                                                                                                     
Tác giả: Nguyễn Đức Thắng
Bài số 3065-28365-vb8121210

Chào mừng tác giả Nguyễn Đức Thắng dự Viết Về Nước Mỹ. Bài viết đầu tiên, được chuyển tới bằng điện thư,  là một chuyện gia đình rất vui. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.

*
Tôi lập gia đình năm 30 tuổi. Nhà tôi 25 tuổi. Ở tuổi tam thập thì lấy vợ là thường, có gì lạ mà phải viết với lách. Đương nhiên chuyện tôi lấy vợ thì nĩi làm gì, tôi chỉ muốn kể lể về nhà tôi mà thơi, vả lại, năm nay kỷ niệm đúng mười năm thành hơn của hai vợ chồng tôi. Ơn cố để tri tân vậy.
Nhà tôi người bắc kỳ. Theo lời ông thân sinh ra nhà tôi, thì năm 54, số người di cư từ miền bắc có hai thành phần: bắc kỳ tàu hỏa và bắc kỳ há mồm. Nhà tôi là hậu duệ của nhóm thứ nhất. Không hiểu sử liệu có phân loại như thế chăng" Có điều ông thân nhà tôi cứ nằng nặc đòi mình là bắc kỳ tàu hỏa. Có lẽ ông hãnh diện về bước chân Nam tiến của mình. Hồi đó, loạt bài của Phạm Quỳnh viết về miền tây, làm nổi lên làn sóng người đổ xô đi đãi vàng. Ông thân nhà tôi là một trong đám người mạo hiểm đó.
Gốc gác từ Bùi Chu, Phát Diệm, nơi phát xuất hầu hết những tràng kinh cũ mẻm như Phục rĩ chí tôn.  Ông lầm nhầm câu "Vị thần đẳng kỳ " làm bùa hộ mạng trong suốt đường lưu lạc. Nơi cuối cùng ông dừng chân là Vạn Tượng trong vương quốc Lào. Nhà tôi sinh ra ở đây.
Người Việt, sống bên Lào, học trường tây, di cư sang Mỹ hấp thụ nền văn hoá tạp chủng, tất cả đều nửa vời nên nhà tôi trở thành cái khạp chứa đựng linh tinh cụ mà vật gì cũng quí giá cần thiết nhưng lại không thành đôi thành bộ. Về tính tình, nàng có vô tư của Lào, e lệ của Việt, tự do của Mỹ, phóng khoáng của Tây, tất nhiên bao gồm đủ nét đặc thù mà chỉ tôi mới thông cảm. Mẹ tôi thì không hiểu cho như vậy.
Tôi quen nàng trong một ngày linh thao giáo xứ tổ chức. Ngày mới dẫn về ra mắt, gọi là ra mắt cho oai chứ thật ra tôi vẫn còn trong giai đoạn tán tỉnh, nên không chủ trương được mọi việc. Tôi chỉ nhân tiện, mời nàng về thăm gia đình, nàng cả nể đi theo. Việc này làm tôi bị một mẻ hố to. Tôi còn nhớ rõ lắm, hôm ấy là ngày thứ bảy, gia đình tôi có thói quen gặp nhau tán gẫu và chơi bóng chuyền. Vừa mới gặp nàng, mẹ tôi đã lắc đầu quầy quậy.
- Mày gặp con bé này ở đâu đó con".
Tôi thì thào:
- Gì vậy mẹ"
- Xem váy nó mặc kéo đến Ngã Ba Ông Tạ thế kia. Thày mày sắp về rồi đấy.
Tôi kịp ngó lại ngẩn người. Nhưng cố vớt vát:
- Đó là mốt bây giờ mà mẹ. Người ta ăn mặc bây giờ còn hãi hơn thế.
- Hơn thế là sao " .... là cởi truồng hả" Thày mày về đến nơi rồi đấy.
Tôi biết mẹ tôi mỗi khi có chuyện gì không vừa ý, thường hay có thói quen mang thày tôi ra làm ngáo ộp. Vả lại, lúc này lũ em tôi đang vây quanh nàng để nói chuyện, nên tôi tạo khuôn mặt tiến thoái lưỡng nan để chứng tỏ cho mẹ tôi là tôi cũng muốn vâng lời người, nhưng cực chẳng đã đấy thôi. Để du di câu chuyện và bắt người cùng phe với mình, tôi vờ vĩnh:
- Thày về, mẹ báo con ngay nhé. (Tôi gọi bố tôi bằng Thầy.)
Mẹ tôi đáp xuôi:
- Cha mày !
Tôi quay mặt đi tủm tỉm.
Lúc này, nàng đã hội nhập ngay với lũ em tôi và nói cười thoải mái. Chơi banh nàng cũng gân cổ hò hét hết mình. Lúc nâng banh cũng như lúc đập, nàng quên cả mình đang mặc mini-jupe. Trong mọi môn thể thao, hơn bao giờ hết, tôi thấy bóng chuyền là môn vô duyên nhất. Trò chơi này không dành cho phái nữ.
Chắc hẳn lúc này, mẹ tôi đang đứng sau cửa và chăm chú nhìn ra. Lũ em tôi thấy nàng ngộ ngộ, mặc dầu bỡ ngỡ, nhưng chúng có vẻ khoái tính tình nàng. Đứa em gái mon men đến gần to nhỏ:
- Anh không tán được chị ấy đâu.
Tôi tự ái chống chế.
- Cứ mở mắt ra xem.
Đứa em gái lo âu:
- Anh cũng không hợp với chị ấy đâu.
- Sao vậy
- Chị ấy "Mỹ" quá.
Tôi thấy nó có lý, đáp lại nhưng với giọng yếu xìu:
- Để rồi xem.
Có thể chính đứa em gái không biết, cũng có thể chính tôi cũng chẳng hay là mẩu đối thoại nhỏ này thọc trúng yếu huyệt. Tính tự tôn trong tôi bùng dậy. Tôi quyết tâm chinh phục nàng cho được mới nghe. Lũ em trai vì khoái nàng nên vô tình đẩy tôi đi xa hơn. Tôi cứ thế tiến dần và rốt cục là một đám cưới khá linh đình. Trong mọi lúc, mẹ tôi luôn đứng ngoài vòng tình cảm riêng tư của tôi.
Ngày mới về làm dâu, Thày tôi thay vì đóng vai trò "kính nhi viễn tri" để thăm dò tính tình tốt xấu của nàng như những chị dâu khác, thì lại hay trò chuyện với nàng. Qua nàng, thày tôi tìm lại được những tử ngữ tưởng như đã mất sau cuộc di cư. Hoá ra những người di cư sang thẳng bên Lào, họ bảo tồn được những cổ ngữ của địa phương thời trước 54. Họ không bị nam hoá như những người đi bằng tàu há mồm vào nam bộ. Thí dụ như khi đang lái xe trên xa lộ, nàng nói:
- Hãm phanh lại ngay, không cẩm bắt bỏ bót.
Trong khi chúng tôi ngơ ngác thì thày tôi cười hả hê như thể mình gặp tri kỷ. Mặc dù tuổi tác chênh lệch đến 3 giáp, nàng đã chiếm ngay cảm tình của thày tôi. Chuyện này ban đầu mọi người tưởng thày tôi  "chính trị",  nhưng sau mới biết thày tôi thích nàng thật tình. Khi có dịp gặp gỡ, lũ em tôi luôn vây quanh nhà tôi mà hỏi những chữ mẹ đẻ của chúng. Chắc nàng cũng không phân biệt được là chúng nó mua vui hay thật tình muốn học. Khi chúng thích thú, nhà tôi cũng khoái chí cười khanh khách hoà điệu với lũ em. Chúng hay tụm nhau lại hỏi:
- Thế xe cứu hoả thì chị gọi là gì"
- Xe vòi rồng
- Còn lính tráng"
- Hiến binh
- Chiên
- Rán
- Cái ly
- Cái cốc
- bát to
- Cái liễn
- bát nhỏ
- bát đàn ... v.v..
Cuộc nói chuyện cứ thế nối tiếp như một thí sinh trả lời vấn đáp của hội đồng giám khảo. Hình như nàng cũng sung sướng khi được người hỏi han, vì bằng chứng là tụi nhỏ cũng chỉ có ngần nấy câu hỏi lặp đi lặp lại, mà chưa lần nào nàng tỏ ra phiền lòng.
Thích thú nhất là mỗi khi đọc kinh tối. Nàng không giầu ngôn ngữ để có thể tự chỉnh những câu đọc sai. Nàng luôn tin những câu nàng đọc là đúng, là thật, có thể chính vì sự tin thật này làm cho chúng tôi tưởng nàng ngây thơ chăng. Gia đình tôi có thói quen đọc kinh chung. Nhưng đến khi đến chỗ nàng đọc sai thì kể cả thày tôi, mọi người giả vờ lấy hơi để nghe nàng trơ trọi đọc rõ một mình:
- Lạy Chúa tôi, Chúa là đấng trọn tốt trọn lành. Chúa đã "rựng" nên tôi.
Và nhiều, nhiều lắm, cứ thế chúng tôi cứ bấm nhau cười một mình. Có lần bất kể sự nghiêm trang của buổi kinh nguyện, một đứa em không nín được, bất giác cười to lên. Tiếng cười như có ma lực làm mọi người không nín được cũng hoà theo. Khi người ta cười mà cố nhịn ngay được thì dễ nín. Nhưng khi để nó phát triển to ra thì không hãm lại được nữa. Cả gia đình người nọ nhìn người kia cười liên tục, đỏ mặt, tía tai, không kịp lấy hơi, cứ thế nhe răng không ngậm lại được đến hơn chục phút. Nhà tôi lúc đấy không biết họ cười gì, cũng thích chí cười theo làm mọi người vừa nhìn đến, lại ôm bụng ngặt nghẽo. Những trận cười vô tội vạ ấy lâu lâu lại được diễn ra một lần làm cho nàng mới mãi. Không phải tôi mang ra nhà tôi ra làm trò cười cho thiên hạ. Chắc chắn phải có một cái gì đó mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa khám phá ra. Tôi bỏ nhiều giờ ngồi ngẫm nghĩ và phân tách từng chi tiết nhỏ. Nàng không phải là người khờ dại. Nàng từng bàn cãi với tôi về nhiều đề tài. Về mặt kiến thức nàng cũng không nghèo. Thế thì tại sao......."" Tôi chịu thua.


Ngày mang bầu đứa con thứ nhất, nàng khóc tỉ tê vì bầu sữa tăng trưởng nhanh hơn núm vú. Nàng không ngần ngại chạy ngay vào buồng kể lể với mẹ tôi. Tính tò mò ngây ngô của nàng đáp ứng lại nhu cầu hiếu động của mẹ tôi. Đã từ lâu, con dâu cũng như con đẻ, ít ai cho mẹ tôi thấy mình hữu dụng. Mẹ tôi hầu như dành mọi thời gian giảng giải cho nàng. Hai mẹ con chuyện này chuyện nọ rất thân mật. Cử chỉ vô tư của nàng nhiều lúc quá đà, mẹ tôi không lấy thế làm phật lòng, mà trái lại, lắm lúc nàng làm cho mẹ tôi quên cả vai trò mẹ chồng của mình. Những chuyện xảy ra hàng ngày như chuyện trong bàn ăn, nàng cắn nguyên quả cà bằng răng cửa, hạt phun ra bắn vào mặt người ngồi đối diện, hay chuyện nàng đang ăn xíu quách trịnh trọng mời mẹ tôi:
- Mời mẹ gặm xương ạ.
Bà phì ra cười chứ không nghe trách mắng gì. Tình thế này xem ra có mòi thuận lợi nên tôi cứ để mặc, không khuyên bảo hoặc cản ngăn.
Ngày lễ vàng, kỷ niệm 50 năm thành hôn của thày mẹ tôi. Nàng ra tiệm sách mua về đủ loại sách dạy làm bánh pháp. Loại sách này màu mè nên chẳng rẻ. Tôi sót ruột lắm, nhưng làm sao có thể can ngăn thiện ý của nàng. Vả lại, người nàng ước mong tặng quà lại là thày mẹ tôi. Nàng thức trắng hai ba đêm liền để hoàn thành chiếc bánh. Quả thật tiền nào của nấy. Chiếc bánh đẹp thật. Mười hai chiếc bánh nhỏ tượng trưng 12 đứa con quây quanh một chiếc bánh lớn. Nàng còn khoe tôi là nàng biết tiết kiệm bằng cách dùng hoa lá trong vườn để trang điểm cho những chiếc bánh. Nhẩm tính giá thành của chiếc bánh so với ngoài chợ hơn chục lần, tôi ngao ngán châm biếm:
- Nếu mà như người ta thì tốn kém lắm em nhỉ.
- Nàng hớn hở gật đầu.
Chuyện không dừng ở đó, nàng khóc tấm tức như đứa trẻ lên ba khi khám phá ra tấm phản gỗ đựng những chiếc bánh to quá, không bưng lọt cửa. Tôi lại phải thức suốt đêm dỗ dành như bố thí con. Bụng tức anh ách, vì phải ưu tư về chuyện không đâu. Ngoài kia chiến tranh vùng vịnh đang hồi cao điểm, thị trường chứng khoán trồi sụt hàng ngày, tôi có chuyện phải làm còn to tát hơn nằm đây ve vãn câu chuyện chiếc bánh. Rốt cục, cực chẳng đã, tôi phải nhắm mắt phá cửa để mang chiếc bánh ra.
Nhìn nụ cười rực rỡ của nàng, tôi nhớ đến chuyện U-Vương, Bao-Tự mà chột dạ.
Trước hôm mừng lễ kim khánh, nàng kêu gọi các em tôi trang hoàng lại nhà cửa. Để gây sự ngạc nhiên, một đứa em giả vờ chở mẹ tôi đi xa thăm người thân, phần còn lại gia sức thu dọn cho kíp. Nàng hăng hái thu dọn phòng ngủ. Lũ em tôi bị nhiệt tâm của nàng kích thích nên hết sức gia công. Màng nhện lâu ngày được quét đi, sơn phết lại những nơi cáu bẩn, mua thêm hoa quả trưng bày. Cả căn nhà được hồi sinh trông lộng lẫy hẳn lên. Đặc biệt là trong phòng ngủ, nàng tỉ mỉ xếp đặt lại các nơi lộn xộn, tô điểm thêm thắt thành nét tây phương. Đám em tôi suýt soa:
- Trông giống như phòng tân hôn.
Nàng nghe được, phấn chấn tô vẽ thật dày công.
Khi mẹ tôi về tới, choáng mắt vì kỳ công của nàng nên hết lời khen ngợi. Mẹ tôi nhìn phòng ngủ sung sướng, khuôn mặt thoáng điểm nét e thẹn thời con gái:
- Thật vẽ chuyện! Thày mày sắp về rồi đấy.
Trong cao điểm của ngày vui, chúng tôi thấy mẹ tôi nhớn nhác như tìm cái gì. Bà hỏi nàng:
- Con thu phòng có thấy chiếc vớ mẹ để dưới
gầm giừơng không"
Nàng mau miệng:
- Bẩn quá, con vứt hộ mẹ rồi. Trong nhà còn nhiều mẹ à.
Mẹ tôi xanh mặt, im lặng. Ở lâu quen nết, chúng tôi đoán biết có chuyện chẳng lành. Chỉ riêng nàng thản nhiên coi như ngày vui của chính mình nên nói cười luôn miệng. Nàng có biết đâu cùng lúc đó, mẹ tôi tê tái đi lục tung đống thùng rác để rồi ôm mối thất vọng. Sau này biết chuyện, chúng tôi bảo nhau gom góp mỗi đứa một phần rồi giả vờ tìm lại chiếc vớ. Mẹ tôi nhìn đám giấy bạc không cùng loại, người hiểu ra và thở dài:
- Cha mày! Nhưng lần này vắng câu dọa: "Thày mày sắp về rồi đấy."
Kể từ đó, mỗi khi thấy nàng bắt đầu thu dọn, lũ em tôi nhanh nhẩu xung phong liền:
- "Để em".
Người ngoại cuộc nhìn vào ắt hẳn ngạc nhiên lắm.
Qua những bài học như trên, dần dà chúng tôi nhận thức được, là từ khi có nàng, việc đổ rác không còn là chuyện dễ dàng như ngày xưa. Sau mỗi lần nàng thu nhà, người hữu trách phải biết cách lục thùng rác, phân loại, rồi phải minh định thành phần xem có đúng thực là rác hay ngược lại, trường hợp sau thì phải kíp thời loan báo khổ chủ. Riêng mẹ tôi thì học được bài học nhẫn nại. Từ rày về sau, cứ mỗi lần nàng dọn dẹp, mẹ tôi lại chăm chỉ ra thùng rác bới lại. Nếu nàng có tần mần hỏi han, thì người luôn từ tốn:
- Mẹ tìm chiếc vớ
Lẽ đương nhiên lời bình của nàng sẽ rất vô tư:
- Trong nhà còn nhiều mẹ à.
Chuyện đại loại như vầy xảy ra nhiều lần. Mỗi lần có chuyện gì lớn trong gia đình như đám hỏi, lễ cưới v.v. chúng tôi xót ruột nhìn nàng tuốt những cành hoa lan cao giá mà nàng tỉ mỉ trang hoàng kể cả những nơi hẻo lánh nhất. Có hỏi thì nàng trả lời:
- We have to pay attention to details. mà tôi tạm dịch là "ta phải điểm thêm nét chấm phá." Lũ em tôi đồng tình với lối dịch thoát này vì mấy nét này rất phá ... hầu bao !
Lẽ dĩ nhiên lần nào tụi tôi cũng giải quyết chung và thường là dấu nàng. Chỉ khi vấn đề đi ra ngoài xã hội thì tôi mới phải giải quyết một mình. Tôi còn nhớ rõ lắm, ngày nàng tình nguyện bỏ công giúp đội dâng hoa của giáo xứ. Nàng xung phong làm hoa cho 50 em nhỏ. Mỗi em có hai cánh tay thì vị chi là 100 bó hoa phải làm. Lần này cả giáo xứ trầm trồ vì những bó hoa tươi xinh đẹp đầy nghệ thuật. Đẹp là phải ! Mua cả cành, ngắt một đóa ! Thì sao mà không vượt yêu cầu. Họ có biết đâu tôi phải trả giá rất đắt cho những lời trầm trồ này. Nhìn nàng sung sướng với lời khen tụng, tôi bóp dạ sửa lại hoá đơn cho còn một nửa. Dẫu vậy, bụng tôi vẫn áy náy không biết nhà thờ nghĩ sao về số tiền hoàn phí mà chắc chắn lớn hơn dự kiến.
Nàng sống như chẳng hề lo nghĩ. Gió lạnh, nàng chùm chăn, nóng nẩy, nàng rủ đám em đi tắm hồ. Mọi việc trên đời như dựng nên để an bài săn sóc cho cuộc đời nàng. Nàng tự nhiên như thú trong rừng, vô tư như chim nghểnh mỏ. Nhà tôi cũng không hề chủ ý chinh phục cảm tình ai. Nàng sống như một con sóc nhởn nhơ chuyền cành. Đói thì lục lạo, buồn thì kiếm việc làm quanh, ai nhờ thì hăm hở giúp đỡ, vui thì mở miệng ca hát rùm trời.
Nàng cũng không a dua theo đòi ăn mặc. Tôi khuyến khích nàng học may. Nàng may được một bộ đồ vest màu vàng mà sau này mấy chị dâu tôi phải kêu lên, vì đi đâu nàng cũng độc bộ. Nhẩm ra cũng bốn cái giáng sinh rồi, nàng vẫn chưa may áo mới.
Trong những bữa ăn gia đình, nàng cứ thảnh thơi ghé mông xuống ghế đầu bàn mà theo phong tục gia đình đó là ghế chủ tọa. Chúng tôi bấm nhau, thày tôi đưa mắt mỉm cười.
Riêng đối với hai đứa tôi, một tiểu gia đình trong đại gia đình thì lắm tình trạng cám cảnh. Nàng chẳng hề để ý trong công băng còn bao nhiêu. Có tiền là tiêu. Có chi phiếu là viết. Ra khỏi chợ, nắn túi còn tiền thì lại trở vào để mua cho hết. Tôi rầu lắm nhưng không dám nói thẳng chỉ nói bóng gió.
- Ăn uống thế này sẽ đẻ con hoàng tử.
Nàng tưởng thật.
- Chợ vẫn còn một ít, em mua thêm nhé.
Tôi nói mát.
- Mua cho hết chợ đi.
Chiều hôm ấy, sàn nhà tôi có những con tôm hùm bò lổn ngổn. Lũ em đùa nghịch trên sự đau khổ của tôi nên vui vẻ đến giúp nàng thanh toán. Mọi người liên hoan mừng rỡ, chỉ có chiếc ví lép dưới mông tôi đang tỉ tê than thầm.
Thế rồi vợ chồng tôi không còn ở chung với thày mẹ nữa. Nhìn những đứa con "hoàng tử " tôi nhiều lúc tự phục mình là đã đi hết một đoạn đường dài. Nhưng khi phóng mắt vào quãng đường trước mặt thì ngao ngán không dám nghĩ xa hơn.
Tôi im lặng tự trấn an:
- Trời sinh voi, trời sinh cỏ.
Nhà tôi không già đi nhiều theo năm tháng. Đặc biệt, nàng còn giữ nguyên tính tình đơn sơ. Chỉ riêng tôi, trán đã thoáng nếp nhăn. Tôi tự an ủi:
- Nếu không có những trận cười nàng cho thì chắc còn nhăn hơn nữa.
Tôi nhiều lúc muốn đọc cho nàng nghe truyện Trang truyện Khổng, kể cho nàng biết tứ đức tam tòng. Nhưng lại sợ khuôn phép làm mất đi tánh tự nhiên của nàng. Tôi hỏi thầy tôi, người lại trả lời nước đôi. Nhìn đứa con gái giống khuôn mặt mẹ nó in hệt, và mặc cái mini-jupe suýt đến "Ngã Ba Ông Tạ", tôi nhớ đến mẹ tôi và trình người nỗi ưu tư. Mẹ tôi trả lời huề vốn:
- Hy vọng vợ mày không mất vớ.
Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn phân vân chưa quyết định.
Bạn nghĩ sao"

Nguyễn Đức Thắng

Ý kiến bạn đọc
14/10/202100:48:37
Khách
Đọc bài này, tôi còn ngỡ đây là 1 cô Nam kỳ rặt!hihi
25/01/201123:49:09
Khách
Truyen ddoc hay va vui
15/02/201117:47:44
Khách
Chuyện viết hay thiệt.
06/02/201117:45:24
Khách
Hay thiet la hay
15/01/201112:53:03
Khách
viet rat hay..hai ngoai can nhung chuyen de noi ve su that cuoc song ma khong bi nhuc dau
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Nhạc sĩ Cung Tiến