Hôm nay,  

Tìm Trên Tường Đá Đen

09/12/201000:00:00(Xem: 250312)

Tìm Trên Tường Đá Đen

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 3063-28363-vb5120910

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA., đã nhận giải tác giả Viết Về Nước Mỹ 2009, với bài viết "Con Bé," chuyện kể về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu. Sau đây là bài mới nhất của Bảo Trân.

***

Tôi có thói quen đem theo vài ba quyển sách trên đường đi du lịch để đọc cho quên bớt thì giờ trong lúc ngồi chờ đợi di chuyển.
Lần này cũng thế, trong chuyến đi Du Lịch Miền Đông, tôi thả theo cái túi xách tay mấy quyển truyện dài, ngắn nho nhỏ:
Như thường lệ, sau khi ngồi ngay ngắn trên máy bay, thắt dây an toàn xong là tôi bắt đầu cầu bình an, xin Phật Bà cho tôi đi tới nơi, về tới chốn. Khi đèn chớp báo hiệu tháo được dây an toàn ra thì buổi cầu kinh của tôi cũng vừa xong. Tôi yên tâm ngả ghế ra sau nằm tựa đầu thoải mái trong lúc máy bay đang nhẹ nhàng lướt gió. 
Giờ này mới hơn mười giờ đêm, còn quá sớm để tôi có thể ru mình vào giấc ngủ. Trong lúc Thảo ngồi dán mắt vào màn ảnh tivi theo dõi cuốn phim Grown Ups thì tôi thong thả đem sách ra đọc. Tôi chọn đọc Tuyển Tập Văn Hữu mùa Hè trước vì quyển sách này mỏng nhất, vừa tầm cho một thời gian ngắn trước khi tôi có thể chợp mắt nghỉ ngơi vài ba tiếng đồng hồ, rồi sẽ sửa soạn bước xuống máy bay ở phi trường Newark vào lúc trời hừng sáng. 
Thay vì mở trang mục lục để dò xem có cái tên tác giả nào mới lạ, có cái tựa đề truyện nào hấp dẫn (như tôi vẫn thường làm) để bắt đầu cho buổi đọc sách thì tôi lại nhẩn nha bắt đầu từ trang thứ nhất. Cái truyện đầu tiên tôi đọc là của một tác giả tôi không quen thuộc mấy, viết về cuộc du lịch ngắn ngủi của ông đến một miền đất phương Nam, có những ngày hội ngộ với bạn bè cũ ở trường xưa, có những ngày du dương với người thân quen trên biển cả, cũng vui như chuyến du lịch của tôi về miền Florida nắng quái hồi tháng Năm vừa qua. Đọc xong bài của ông này rồi tôi nhanh chóng quay lại trang mục lục để tìm cái truyện ngắn mà ông đã khen ngợi là "một trong những truyện hay nhất viết về tháng Tư trong năm", truyện của một cây viết nữ khá nổi danh. 
Truyện viết về một nàng dâu của nước Mỹ đến từ Việt Nam. Từ những ngày đầu xa xứ còn bỡ ngỡ trên vùng đất mới, nàng dâu Việt Nam đã theo chồng về quê chào hỏi họ hàng nhà chồng. Nhưng ở nơi dừng chân đầu tiên nàng đã bẽ bàng đón nhận cái nhìn đầy trách móc và oán giận của người cô chồng, bởi vì bà có một đứa con yêu còn rất trẻ đã lên đường làm nghĩa vụ tranh đấu cho tự do, và đã bỏ mình trên đất nước của nàng một cách rất đột ngột. Cô dâu Việt Nam đã trở về nhà với "trái tim nặng trĩu ngàn cân và hai môi ngậm kín". (Lời Cám Ơn Riêng - Trần Mộng Tú)
Nhưng sau đó thì câu chuyện có vẻ thư giãn hơn, khi người viết đã cho biết dần dà rồi người cô chồng đã tìm được những phút giây an bình và đã không còn những ý nghĩ khắt khe như những ngày đầu gặp gỡ cô dâu mới. Bà thôi trút oán hận trên đầu cô cháu dâu, người đến từ miền đất nước đã gây nên cuộc chia ly sinh tử của mẹ con bà. Bà "tha" cho cô cháu dâu vì bà đã hiểu: bà, người con yêu đã hy sinh vì chính nghĩa, và cô cháu dâu, chỉ là những nạn nhân của một cuộc chiến tranh. 
Trong đoạn cuối cùng của câu chuyện, tác giả cho biết cô đã tìm đến viếng thăm người đã mất, khi Bức Tường Đá Đen khắc tên của hơn 58 ngàn người đã hy sinh hay đang mất tích trên đất nước cô được hoàn thành. Và tác giả đã nhắn nhủ... "nếu có dịp thăm viếng Bức Tường Đá Đen ở Hoa Thịnh Đốn, hãy tìm đến thăm Michael Keys, người em họ bạc số của chồng cô, và gửi cho anh một lời cám ơn riêng."
Câu chuyện chỉ có thế nhưng bài viết đã gây cho tôi một sự xúc động nghẹn ngào, một nỗi buồn man mát. Tôi có thể hình dung được nét mặt ngỡ ngàng của người mẹ khi nghe đứa con yêu báo tin là phải lên đường đi chiến đấu ở một miền đất xa xôi mà chính bà cũng chưa hề biết tới. Nỗi lo lắng vì con đi xa còn trong lòng, niềm thương nhớ con chưa kịp nguôi ngoai, thì bà đã bàng hoàng nhận hung tin con mình trở về trong cảnh... "thân phủ màu cờ". Tôi cũng có thể liên tưởng đến nỗi đau đớn và sự uất hận của bà khi ôm khung hình con và lá quốc kỳ trên tay. Tôi thấu hiểu được tâm trạng xốn xang của bà khi phải đối diện với một người đến từ miền đất nước đã đưa bà vào những tháng ngày đau thương tức tưởi, nên tôi cảm thông với thái độ lạnh nhạt của bà khi bà đem hết uất ức tiềm ẩn từ bấy lâu nay trút trả vào cô cháu dâu vô tội mà bà xem là "người đại diện" cho miền đất tai ương. 
Tôi xếp quyển truyện lại, mở tờ chương trình du lịch ra, xem trong chương trình du lịch của tôi có đề cập đến cuộc viếng thăm Bức Tường Đá Đen hay không. Theo chương trình thì ngày đến Hoa Thịnh Đốn, chúng tôi sẽ có một buổi viếng thăm những đền đài kỷ niệm. Thể nào thì Bức Tường Đá Đen cũng nằm trong số những đền đài kỷ niệm ấy. Tôi đã không khỏi háo hức chờ đợi đến ngày nhìn tận mắt bức tường lịch sử này, để có cơ hội gửi Michael Keys một lời cám ơn riêng. 

*

Và tôi đã đến đây, đứng trước bức tường lịch sử mang tên Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial), có khắc tên của những người đã hy sinh hay mất tích trên đất nước Việt Nam. Lòng tôi bỗng dưng trĩu nặng khi nhìn thấy hai bờ tường thành vĩ đại. Những háo hức từ lúc còn ngồi trên máy bay biến mất, không còn là sự tò mò, nỗi mong muốn tìm hiểu xem bức tường thành lịch sử ra sao, mà trong tôi chỉ còn là một nỗi ngậm ngùi. 


Tôi choáng ngợp trước tấm bia vĩ đại. Không vĩ đại sao được khi nó chứa đựng hơn 58 ngàn linh hồn trên ấy. Không vĩ đại sao được vì nó đã được dựng xây trên ý nghĩa hòa hợp giữa quá khứ và hiện tại để cố hàn gắn lại vết thương lòng. Không vĩ đại sao được khi đa số những người có tên trên bức tường này không có một chút liên hệ gì đến con người và đất nước họ đã bỏ quên sinh mạng mình nơi đó. Tôi nghĩ, vợ con, cha mẹ, anh em, người thân yêu, bạn bè v.v... của những người có tên trên bức tường này cũng có một tấm lòng vĩ đại (như người cô chồng của nàng dâu Việt Nam trong truyện Lời Cám Ơn Riêng) khi họ đã dần quên nỗi căm thù đất nước Việt Nam và những người đến từ nơi ấy. 
Du khách, bạn bè và thân quyến của những người có tên trên Bức Tường Đá Đen đến viếng thăm khuôn viên này thật đông đảo. Tôi bùi ngùi nhìn những đóa hoa cẩm chướng đỏ, những vòng hoa hình trái tim nho nhỏ được đặt rải rác chung quanh chân bức tường thành. Tôi mủi lòng khi nhìn thấy một cô gái nhỏ, đang công kênh trên vai một người đàn ông đứng tuổi, một tay vịn vào bờ tường, một tay cô cố giơ cao máy ảnh để chụp cho được một góc ở tận trên cao của bức tường thành đầu tiên bên cánh phải. Đôi mắt tôi cay cay khi nhìn thấy có nhiều người đứng tần ngần, hay ngồi phủ phục trước Bức Tường Đá Đen, tay miệt mài vuốt ve trên một cái tên.
Tôi đứng trước một rừng tên của bức tường thành vĩ đại mà không biết phải bắt đầu từ đâu để tìm cái tên Michael Keys. Tôi nhận thấy những cái tên được khắc trên bờ tường này không theo một thứ tự ABC nào cả. Thế thì việc kiếm tìm của tôi chắc sẽ khó có kết quả lắm đây, vì tôi không có nhiều thì giờ ở tại nơi này. Theo chương trình thì chúng tôi chỉ có độ một tiếng rưỡi đồng hồ để đi thăm viếng và chụp hình lưu niệm ở tất cả các đền đài kỷ niệm. Nhưng tôi vẫn muốn được... "đặt tay lên vầng trán lạnh của Michael để nói một lời cám ơn riêng". Tôi bắt đầu dò tìm từ bờ tường bên trái, bức tường thấp nhất, cho đến bức tường vừa vượt qua đầu tôi một sải tay. Tôi di chuyển dần xuống những bờ tường kế tiếp, rồi sang đến bờ tường bên phải, cố gắng tìm những cái tên Michael trong tầm nhìn của tôi nhưng cũng không tìm thấy được tên anh.
Thảo, chồng tôi, vừa chụp xong những tấm hình với mấy người bạn mới trong đoàn tour ở khuôn viên bức tượng ba người lính, biết tôi đang cố ý dò kiếm tên Michael nên đã chạy đến giúp tôi. Nhưng cái việc hai chúng tôi mò mẫm tìm từng cái tên Micheal trên mấy chục bức tường thành chi chít Họ, Tên này để tìm được cái tên Michael Keys thì quả là việc mò kim đáy biển. Tôi gõ nhẹ mấy ngón tay vào một bờ tường thì thầm: "Michael ơi, nếu tôi và anh có duyên với nhau, thì hãy chỉ cho tôi xem tên anh khắc ở chỗ nào của bức tường thành." Nhưng có lẽ, tôi và Michael đã không có duyên gặp gỡ...
Trước khi bỏ cuộc kiếm tìm, tôi đã cúi đầu, nghiêng mình trước bức tường kỷ niệm để gửi lời cám ơn chung đến những người có tên trên đó. Trên đường đi trở ra địa điểm tập họp, tôi bỗng để ý đến cái giá màu đồng, nhỏ, thấp, nằm ngay ở đầu con đường ciment dẫn vào khuôn viên Bức Tường Đá Đen mà lúc nãy vì hấp tấp chạy theo mọi người trong đoàn để vào chiêm ngưỡng bức tường thành nên tôi đã không nhìn thấy. Cái giá, không, cái hộc bàn nhỏ thì đúng hơn, vì bề mặt của cái giá mang hình dáng của những cái hộc bàn hình chữ nhật (như những cái hộc bàn của lớp học, có hở một mặt phía trước để bỏ sách vở vào), đã phai, sờn vì mưa nắng. Những hộc bàn nhỏ này được đóng chắc chắn trên một cái trụ đồng màu. Giữa lòng hộc bàn có gắn một quyển sách dầy cộm và to hơn quyển niên giám điện thoại. Khoảng hở phía đầu hộc bàn chỉ vừa đủ chỗ cho hai bàn tay người thò vào để lật mở những trang sách ở bên trong. Mặt hộc bàn làm bằng kính dầy, trong suốt để người ta có thể nhìn rõ ràng những hàng chữ trên quyển sách. Tôi vội vàng đến gần, mở quyển sách ra và vui mừng để biết đây là quyển sách chỉ dẫn, có in tên tất cả những người trên bức tường lịch sử theo thứ tự Họ, Tên, từ A tới Z. Bên cạnh những cái tên này còn có ghi cấp bực, đơn vị, ngày sanh tháng đẻ, ngày hy sinh, hay là ngày mất tích, nguyên quán và sau cùng là vị trí của họ trên bức tường thành kỷ niệm. 
Tôi đã tìm thấy tên Michael trên quyển sổ chỉ dẫn, và chụp vội vài tấm hình trang giấy có in tên anh qua khung kính. Tôi chỉ tiếc là thời gian còn lại đã không cho phép tôi chạy trở về trước Bức Tường Đá Đen để tìm xem tên anh nằm ở khoảng nào. Tôi chỉ có thể làm theo lời nhắn nhủ của tác giả TMT, đặt tay trên trang giấy có in hàng chữ Michael Keys để nói một lời cám ơn riêng.

*

Tình cờ sao trước khi tôi hoàn tất bài viết này, tôi đã nhận được một cái link về Bức Tường Đá Đen từ một người bạn trong diễn đàn TR của tôi. Cái link chỉ rất rõ ràng về cách tìm kiếm những cái tên đã được khắc trên bờ tường kỷ niệm. Đây là một trang mạng tuyệt vời. (http://www.virtualwall.org/iStates.ahtm) Những người trong tổ chức The Virtual Wall đã sưu tập hình ảnh, tiểu sử, của những người có tên trên Bức Tường Đá Đen và đã đưa vào trang mạng này một cách rất công phu.
Tôi làm theo lời chỉ dẫn của cái link, vào danh sách liệt kê theo Họ, Tên để tìm tên của Michael. Khi tôi click vào tên anh, thì cái link dẫn tôi sang một trang mạng khác, có liệt kê đầy đủ những dữ kiện về anh, và cả hình ảnh những huy chương anh đã nhận lãnh. Tôi cũng đã nhìn thấy bờ tường có khắc tên anh, bờ tường thứ 4, một bờ tường khá cao bên tay trái và tên của anh ở tít trên cao, khoảng giữa hàng thứ 3. (Panel 04W Line 003) Như thế thì hôm ở Hoa Thịnh Đốn cho dù tôi có tìm được tên Michael ở bức tường này, tôi cũng không thể với tới để được đặt tay lên hàng chữ mang tên anh.
Nhưng tôi cũng không đến nỗi ân hận vì ít ra tôi đã làm được một điều là gửi lời cám ơn riêng đến anh, và tôi cũng đã nghiêng mình trước Bức Tường Lịch Sử để gửi một lời cám ơn chân thành chung đến tất cả những người đã từng phục vụ và hy sinh cho đất nước Việt Nam tôi.
Bảo Trân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,116,377
Năm nay, tháng Năm ngày 12, sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ năm của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết mới là chuyện ngôi nhà đã mất sau tháng Tư 1975.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới, với lời ghi của tác giả: Thương kính viết tặng để tưởng nhớ Anh Tư - Cố Đại úy Pháo đội trưởng Trương Văn C., Tiểu đoàn 183, Sư đoàn 18 Pháo Binh.
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ. Phần cuối: Chuyện 30 Tháng Tư của sinh viên gốc Việt tại Đại Học Stanford 2015 - 2019.
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài tác giả mới viết sau đám tang của Ó Đen Lý Tống.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết thứ tư.
Tác giả hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến