Tác giả Duy Nhân tên thật Nguyễn Đức Đạo hiện ở tại Chicago, tiểu bang Illinois. Tác giả đã đóng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và lãnh nhiều giải từ năm 2001. Tác giả nay đã 80 tuổi, về hưu từ nhiều năm qua. Ông mới bay về Cali lãnh giải Danh Dự VVNM 2023. Bài viết dưới đây là lời tự sự chân thành của tác giả về nghiệp viết văn của mình trên xứ Mỹ.
*
Hắn mỉm cười một mình. Hắn vừa nghĩ tới hai chữ “vu vơ” mà một tác giả dùng làm tựa đề cho loạt bài viết về văn chương trong một website văn học có uy tín. Lý do là vì hắn cũng đang vu vơ về việc viết văn. Bản thân hắn không quan trọng nên những gì thuộc về hắn cũng không quan trọng. Tất cả chỉ là...vu vơ.
Hắn thường nói thế. Dù sao hắn cũng không vu vơ về những việc xảy ra ở tiền kiếp, hay những việc có thể xảy ra vào thời điểm mấy trăm năm sau, nghĩa là chỉ có trong tưởng tượng. Điều hắn vu vơ rất là “serious”, rất nghiêm chỉnh: Văn chương giữa cuộc đời, chính xác hơn là giữa nước Mỹ mà hắn đang sống.
Văn chương đến với hắn như là định mệnh. Định mệnh xui khiến hắn ở tù sau cái ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm. Để giải thoát ngục tù, dĩ nhiên là trong tâm tưởng, hắn viết cho người yêu, là bà xã hắn bây giờ:
Hoa ngạo nghễ thời gian
Thơ đánh tan ngục tù
Trăng kia, trăng khuyết lại đầy
Núi kia mãi mãi vẫn là núi non
Núi có mòn...
Sông có cạn...
Sương có pha mái tóc
Mưa có nhạt làn môi
Ngày tháng nào điểm tô cho thương nhớ
Xa cách nào chia cắt được lòng ta
Hoa, thơ luôn vẫn giao hòa
Em anh mãi mãi vẫn là của anh
Dòng đời lặng lẽ trôi nhanh
Trong đoạn thơ ngắn đó, hắn tâm đắc nhất là câu cuối cùng. Câu cuối không phải là câu có chữ mà là câu hình thành với những dấu chấm. Dòng đời lặng lẽ trôi nhanh là một thực tế khách quan của trời đất, của thiên nhiên, nó còn là tâm trạng rất chủ quan, rất riêng của người làm thơ. Đó là sự bình thản, hững hờ, là sự nôn nóng, mong chờ, là một gợi mở cho một tiếp nối khác có thể rất lãng mạn, cũng có thể rất dữ dội, hào hùng, là tiếp tục cuộc chiến đấu nửa chừng bị gãy súng...
Văn chương đến với hắn từ hơn bốn mươi năm trước trong hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy. Bây giờ thì hắn thong dong bên khung cửa sổ nơi Thành Phố Gió nhìn ra ngoài:
Mùa Thu đang tới.
Trời giăng nhiều mây xám.
Lạnh!
Và ảm đạm như mùa Đông.
Những cơn giông
Nổi lên...
Như từng đợt sóng.
Có những chiếc lá...
Cố bay lên
Muốn thoát ra khỏi định mệnh
Không được!
Lại xoay tít
Rồi chìm xuống
Như những chiếc thuyền con,
Những thân phận...
Khi đến được nước Mỹ hắn viết ngay cho một người bạn đã chết trong tù, gửi cho một tờ báo lớn ở Cali và có ngay tiếng vang. Từ đó văn chương cứ tự do và đĩnh đạc đến với hắn. Bài hắn viết đã xuất hiện trên nhiều tờ báo điện tử. Có một lần hắn đọc trên internet từ Việt Nam một bài thơ hay. Hắn thích quá, bèn viết bài bình phẩm, và mang đến một tờ báo địa phương, dĩ nhiên là báo quảng cáo, báo lá cải. Ngưới ta đồng ý đăng với điều kiện là phải bỏ đi phần giới thiệu xuất xứ, nghĩa là bỏ đi hai chữ VIỆT NAM. Hắn đem bài thơ về cất cho tới bây giờ. Người ta đã lẫn lộn giữa văn học và chánh trị, một thứ chánh trị không vì quê hương!
Sống ở Mỹ đã nhiều năm, hắn nhận thấy đất nước này có người gọi là thiên đường, cũng có người gọi là địa ngục, có nhiều điều để nói và để viết quá. Nếu không viết, mai này chết đi thì rất uổng…
Thế là ngoài thời gian cầm kìm, cầm búa ở xí nghiệp, khi về nhà hắn liền đến bên chiếc máy vi tính. Hắn ngồi trước bàn phím hàng giờ để suy nghĩ về đề tài mà hắn quan tâm. Hắn cảm thấy hoàn toàn tự do, một sự tự do với trách nhiệm thật cao cả. Hắn chăm chút từng lời, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Trước khi đưa tay gõ từng con chữ thì biết bao là động não, suy tư, chiêm nghiệm, nhìn lại mình, nhìn lại đời, nhìn lại mối quan hệ giữa thân phận một cá nhân và thân phận đất nước, giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa những người đang sống lưu vong và đồng bào trong nước.
Đang sống ở Mỹ, viết về nước Mỹ mà không có bài viết nào là không gắn với quê hương Việt Nam. Quê hương vẫn cứ chập chờn hiện ra trong từng miếng ăn, giấc ngủ, khi đi đứng, nằm ngồi, lúc lất phất mưa bay hay mịt mùng bão tuyết. Như vậy, đối tượng mà hắn viết cho gồm cả đồng bào hải ngoại và đồng bào trong nước. Đó là sự lựa chọn một giải đáp cho câu hỏi thường được nêu ra cho người cầm bút: Viết cho ai? Người ta nói hắn đã lựa chọn cho mình một con đường đầy chông gai và hiểm trở.
Đâu có nhiều người có năng khiếu thẩm mỹ hay cái nhìn thuần túy văn học khi đọc một tác phẩm. Hoàn cảnh lịch sử đã ngăn cách người Việt ở hai bờ đại dương với tư tưởng khác biệt. Có nhiều thứ bên này đồng ý thì bên kia không đồng ý và ngược lại. Nói đâu xa, ngay tại nước Mỹ này, ngay tại địa phương hắn đang sống, trong cộng đồng người Việt lưu vong, thường được gọi là người Việt tị nạn, tâm lý đã phức tạp rồi. Cách thể hiện, cách suy nghĩ không giống người cũng có thể bị người phê phán, chụp mũ nọ kia mà dễ nhất là chụp cái nón cối lên đầu người khác.
Cá nhân hắn cũng không ngoại lệ, cũng bị chụp mũ. Tuy nhiên, hắn không bận tâm mấy về điều này. Hắn nói đó là cách biểu hiện của những người tự do ở một xứ tự do. Tự do nào mà không quá trớn, cũng như độc tài nào mà không quá trớn! Viết ra được điều mình tâm nguyện, điều mình suy nghĩ là hạnh phúc rồi. Hắn thường nhắc nhở hai đứa con hắn hãy cố gắng sống như loài hoa hướng dương lúc nào cũng hướng về ánh mặt trời hay một loài dây leo không tên nhưng lúc nào cũng vươn lên cao và cao mãi, mặc cho đám cỏ dại tầm thường dưới đất.
Mãi trầm tư bên cửa sổ với những chiếc lá vàng, bà xã đến bên cạnh lúc nào hắn cũng không hay. Khi hắn quay lại, bà nói:
- Lúc này em thấy tóc anh bạc nhiều quá.
Hai vợ chồng đã lớn tuổi mà vẫn anh anh, em em ngọt xớt. Hắn âu yếm nhìn bà xã mà không nói gì. Bà lại tiếp tục:
- Hay là em lấy thuốc nhuộm tóc cho anh nhé.
Hắn cười lơ đễnh:
- Chi vậy em?
- Thì để cho anh trẻ ra một chút vậy mà.
Câu nói của bà xã làm hắn nhớ lại lúc còn ở tù. Lần nào bà vào thăm hắn cũng lén gửi ra những bài thơ. Khi hắn ra tù thì bà đã chép được đầy quyển tập một trăm trang. Bà là động lực giúp hắn tồn tại và đứng vững trong lúc khó khăn nhất, đồng thời là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho “sự nghiệp văn chương” của hắn. Hắn thường nói đùa với bà như vậy…
Bây giờ thỉnh thoảng hắn cũng có làm thơ nhưng không bao giờ đăng báo. Hắn chỉ làm thơ cho bà xã, chỉ bà được đọc mà thôi. Lớn tuổi rồi, bà để ý chăm sóc cho hắn từng miếng ăn, giấc ngủ, từng sợi tóc, mặc dầu hắn sống rất đơn giản, ngủ không nhiều. Ăn chỉ cần tô canh rau dền, bù ngót hoặc mùng tơi với tôm khô giã ra là được.
Còn mặc thì hắn vẫn dùng những thứ từ Việt Nam mang sang. Một đôi khi đến nhà thờ lựa những chiếc áo mới chưa ai mặc, để đó dùng sau này. Hắn nói bây giờ hắn không có nhu cầu nào cả ngoài chuyện đọc và viết. Thực ra hắn đã hạn chế nhu cầu xuống mức tối thiểu, giống như Nguyễn Công Trứ ngày xưa: “Tri túc, tiện túc đãi túc hà thời túc”. Chợt nhớ ra là chưa trả lời câu hỏi của vợ, hắn nói:
- Theo anh thì trẻ ở ý chí, ở tâm hồn vẫn quan trọng hơn là ở hình thức bên ngoài. Vả lại anh không muốn đánh lừa mình và đánh lừa mọi người. Anh không cần nhuộm tóc đâu em. Chắc em còn nhớ, không biết bao nhiêu lần anh đi Washington tham dự biểu tình trước tòa nhà trắng về vấn đề nhân quyền cho Việt Nam. Tính ra vừa đi vừa về anh ngồi xe suốt hai mươi mấy tiếng đồng hồ không nghỉ. Vậy là anh vẫn còn trẻ và khỏe lắm. Phải không em?
- Nhưng anh đừng có ỷ y như thuở ba mươi năm về trước. Vả lại đó không phải là công việc của anh. Nhiều lần anh nói với em là công việc của anh nó nằm ở ngòi bút...
Hiểu ý vợ, hắn nói ngay:
- Khi cần thiết mình cũng phải bày tỏ lập trường, thái độ, chớ em. Dầu sao anh cũng cám ơn em đã nhắc nhở. Anh chỉ muốn lâu lâu làm một chuyến đi xa để kiểm tra lại sức khỏe của mình thôi mà.
Bà không trả lời mà siết chặt tay chồng. Hai người cùng nhìn nhau. Hắn nghe hạnh phúc dâng trào. Nhiều lần hắn nói với bà xã:
- Cuộc đời thật là muôn màu muôn vẻ với đầy đủ đắng cay, chua chát, mặn nồng. Dòng đời có những lúc êm như suối mơ, có những lúc dữ dội sóng cuồn, lại có những lúc éo le gay cấn, bất ngờ và lý thú hơn cả những gì nhà văn có thể tưởng tượng được. Do đó nhiều lúc ngồi vào bàn phím mà tư tưởng cứ ập đến, tuôn trào như sóng biển, từng đợt, từng đợt khiến cho mười ngón tay gõ nhịp không kịp.
Để bổ túc thêm ý của chồng, bà nói:
- Nhưng anh cũng có viết tiểu thuyết nữa mà!
Ý bà muốn nói hắn cũng có hư cấu, tưởng tượng chớ đâu phải chỉ mô tả. Nhận xét của bà quả thật tinh tường. Bà đã không bỏ sót một sáng tác nào của chồng. Ngoài nhật ký, tùy bút truyện ngắn hắn cũng có viết truyện dài. Trong sáng tác hắn luôn luôn dùng những sự kiện xảy ra trong đời sống hàng ngày làm chất liệu, biến những mảnh đời, những số phận thành tác phẩm văn chương. Hình tượng nhân vật hắn xây dựng nếu không là chính hắn thì cũng là anh em, con cháu, người thân, bạn bè, đồng ngũ của hắn ngày xưa hoặc đồng hương của hắn bây giờ. Nếu không thì cũng là một nhân vật tiêu biểu, có thật giữa cuộc đời. Muốn cho bà xã hiểu rõ hơn về trách nhiệm của ngưới cầm bút, hắn nói:
- Cuộc đời thì giống như anh đã nói. Nhưng sự thật nhiều khi cũng rất đau lòng, đắng cay và tàn nhẫn lắm em à. Biết bao người có lý tưởng cao cả, không sợ tù đày, đứng lên chống bạo quyền, áp bức, bất công. Biết bao người đã dũng cảm hy sinh.
Bằng giọng ngậm ngùi, bà xã cắt ngang:
- Như vậy thì phải làm sao, anh?
- Đó là nhiệm vụ của xã hội.
- Còn các anh không có trách nhiệm gì sao?
- Ý anh không phải như vậy. Như bất cứ mọi người, nhà văn cũng có trách nhiệm với xã hội, nhiều khi còn cao hơn. Anh quan niệm người cầm bút mà quay mặt đi, quay lưng lại trước cuộc sống, trước thực tế, trước tội ác, trước nỗi lầm than, thống khổ của đồng loại mình là có tội. Chức năng của người cầm bút trước hết là mô tả cuộc đời, viết ra sự thật, Đó là CHÂN. Hơn thế nữa, họ có thể mượn tiểu thuyết hay hình thức nào đó để nói lên ước vọng của mình mà cũng là của mọi người, cho mọi người niềm tin và hy vọng về một tương lai sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn theo hướng THIỆN và MỸ là mục tiêu tối thương của đời sống mà cũng là của văn học. Không biết quan điểm của anh có cổ hủ lắm không? Bây giờ người ta viết văn theo lối hiện đại, tân hiện đại và hậu hiện đại nữa em à.
- Cái đó chỉ là vấn đề kỹ thuật, là hình thức thể hiện, nó luôn luôn thay đổi. Đến một lúc nó sẽ trở về khởi điểm, như tà áo dài của các cô khi thì ở trên đầu gối, khi thì buông xuống tận gót chân, rồi lại trở lên đầu gối. Còn anh thì nặng về nội dung hơn hình thức. Anh chắt lọc những gì tinh túy nhất, thiêng liêng nhất, sâu thẳm nhất trong tâm hồn, trong cuộc đời để cho ra tác phẩm. Hơi đâu mà chạy theo cái tà áo dài, hơi đâu mà than mây khóc gió, làm trò ảo thuật với con chữ của mình.
Nhìn vào mắt bà xã, hắn khẽ gật đầu:
- Em nói đúng. Vả lại đôi khi anh cũng thấy mình hụt hơi, quỹ thời gian cứ cạn dần mà mình chưa làm được điều gì cả.
Có một chuyện vui. Khi ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay SÂN KHẤU CUỘC ĐỜI, hắn đưa cho một người bạn khá thân đọc và nhờ góp ý. Anh ta phán một câu- “Quyển này đáng lẽ không nên in”. Hắn hỏi tại sao, người bạn không trả lời mà chất vấn lại: “Tại sao lại cho con trai của một cựu sĩ quan VNCH đang tị nạn tại Hoa Kỳ kết hôn với con gái của một thành ủy viên đảng bộ Cộng sản Sài Gòn?” Câu nói của bạn đã xô hắn xuống vực thẳm của bất ngờ và kinh ngạc. Hắn không biết phải trả lời như thế nào nữa.
Người bạn đã dựa trên cái quan điểm chánh trị của riêng mình mà phê phán, thật ra là lên án cuốn tiểu thuyết của hắn. Thật ra đâu phải chỉ có một người lên án mà rất nhiều người xúm lại ném đá đứa con tinh thần của hắn khi mới chào đời. Nếu tranh luận về chánh trị thì rất phức tạp, không khéo có thể làm mất đi tình bạn. Nếu đem luận điểm văn học ra giải thích thì chưa chắc họ đã hiểu. Do đó, hắn đành im lặng và mong một cơ hội nào đó người ta sẽ hiểu và đánh giá được tác phẩm của hắn. Có thể một hai năm, hoặc năm mười năm cũng không sao, không thế hệ này thì thế hệ kế tiếp. Đại thi hào Nguyễn Du còn phải nói “ Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” kia mà, hắn thì nhằm nhò gì.
Ít lâu sau có một sự kiện được báo chí đăng tải và khai thác rầm rộ, làm khuấy động dư luận một thời. Đó là việc con gái của ông Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi sang Mỹ du học thì lấy con của một Việt kiều tị nạn. Dư luận chia làm hai phe. Đa số người Việt tị nạn cho rằng trước đây nhà cầm quyền Cộng sản xem Việt kiều hải ngoại, nhất là Việt kiều Mỹ là kẻ thù, là cặn bã xã hội là tay sai ôm chân đế quốc. Bây giờ người Cộng sản nhận ra chánh nghĩa của người Việt Quốc Gia nên chấp nhận cho con họ kết hôn với Việt kiều và gọi đó là “khúc ruột ngàn dặm”. Vậy là họ đã ”hồi chánh” về với chúng ta và ta đã thắng. Phe thiểu số có quan điểm khác biệt thì nói từ lâu nhà cầm quyền Cộng sản luôn kêu gọi hòa hợp hòa giải nhưng đểu bị người Việt tị nạn bác bỏ, nay lại cho con họ kết hôn với con của Thủ Tướng Việt Nam là chấp nhận thua họ, chẳng khác nào đầu hàng lần thứ hai.
Hắn đem chuyện này bàn với bà xã thì bà nói:
- Chuyện chánh trị sao mà phức tạp quá. Rốt cuộc rồi không biết ai ai thắng, ai thua, ai đúng ai sai, vì ai cũng có cái lý của mình hết.
Bây giờ hắn mới ôn tồn nói lên ý nghĩ của mình:
- Nếu đứng ở vị trí riêng lẽ của từng cá nhân hay từng phe nhóm thì nhất định ta thắng, đối phương thua. Nhưng nếu chúng ta vượt lên được chính mình, đứng trên lập trường quốc gia, dân tộc thì không có ai thắng ai thua cả. Cố Thủ Tướng Việt Nam Võ văn Kiệt từng nói một câu rất chính xác: “Cuộc chiến có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn”. Huống hồ gì nó đã qua đi nhiều năm rồi. Bên chiến thắng chính là quê hương, dân tộc nếu như hận thù đôi bên thật sự được hòa giải, tội lỗi được sám hối, sai lầm được sửa chữa... Chỉ mới nghĩ như vậy thôi đã thấy một tương lai đầy hy vọng.
Ở những câu cuối cùng thì giọng hắn chùng xuống, nghẹn ngào, làm bà xã xúc động:
- Có phải anh lấy cái tâm của người cầm bút, sứ mệnh của văn học làm nền tảng cho nhận định của mình ?
- Vâng, một nền văn học tự do và nhân bản.
Tới đây thì cả hai cùng yên lặng nhìn ra ngoài: Chiều xuống mênh mang với từng cơn gió nhẹ Có những chiếc lá rơi trên thềm, có chiếc bay vào cửa sổ. Bất ngờ hắn lên tiếng:
- Em có thấy trong tiểu thuyết anh chỉ mới cho con trai của một cựu sĩ quan VNCH kết hôn với con gái của một thành ủy viên đảng Cộng sản. Vậy mà ngoài đời nó đã lấy con của ông Thủ Tướng Việt Nam rồi.
- Ý anh muốn nói những gì anh viết vẫn chưa bắt kịp được nhịp sống thời đại ?
- Đúng vậy- Hắn trả lời rất khẽ - Không phải riêng anh mà tất cả mọi người trong và ngoài nước, bên này cũng như bên kia đều không theo kịp bước tiến quá nhanh của thời đại. Như em biết, trước đây phía bên kia xem Mỹ là là kẻ thù, là đế quốc xâm lược thì mới đây trong một tuyên bố giữa Tổng Thống Joe Biden và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Sàigòn, hai bên đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”. Điều này cũng vì hòa bình, hợp tác và phát triển, vì lợi ích của cả hai nước và lợi ích quốc tế thôi.
Thật là dịu dàng, bà đến gần, cầm tay chồng:
- Cho tới bây giờ em mới hiểu thật sâu sắc điều mà anh đã nói với em: “ Cuộc đời vốn muôn màu muôn vẻ, với đầy đủ đắng cay, chua chát, mặn nồng, có nhiều gay cấn, bất ngở và lý thú hơn cả những gì mà nhà văn có thể tưởng tượng được. Em chỉ muốn nhắc anh một điều là những gì anh viết ra có người thích cũng có người không thích. Anh đã từng bị ném đá đó. Viết văn ở Mỹ khó lắm chớ không dễ đâu.
Hắn âu yếm nhìn vào mắt bà xã:
- Mình phải kiên trì và cố gắng thôi em. Anh viết về nước Mỹ từ năm 2001 đến nay đã là 24 năm chớ có ít đâu. Năm rồi anh đưa em và con về Cali nhận giải Danh dự do Việt Báo tổ chức rất trọng thể. Đó là phần thưởng và khích lệ có ý nghĩa, là một kỷ niệm tuyệt vời, là động lực giúp anh tiếp tục cầm bút như là cái nghiệp, là số kiếp của một con tằm vậy thôi:
Trót mang số kiếp con tầm
Nhả ra chữ nghĩa âm thầm dệt tơ…
Duy Nhân
Ý kiến bạn đọc
05/10/202422:18:34
Mimi
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay.