Hôm nay,  

Người Đậu Thủ Khoa

19/09/202405:00:00(Xem: 2089)
Loan July 2024 (2)
Tác giả Kim Loan (hình do TG cung cấp)

 

Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023. Bài viết lần này cô kể bằng cả tấm lòng về một bạn trẻ với những vấn đề trong chuyện định hướng học hành.

*

Lần đó gia đình chúng tôi bay qua Texas để dự lễ ra trường High School của Kevin, thằng cháu, con trai út của ông anh Tư.

Đại gia đình đi thành một phái đoàn, kéo đến hội trường của trường học, nhìn đám trẻ tưng bừng nhốn nháo, hớn hở vui cười, gọi tên nhau í ới, lòng tôi cũng vui theo.

Chương trình bắt đầu, cả hội trường im phăng phắc, sau các thủ tục ban đầu, các bài phát biểu của các thầy cô giáo, hiệu trưởng, là phần phát biểu cảm tưởng của người thủ khoa, valedictorian. Đó là một cậu bé Mỹ da trắng, cao ráo, khuôn mặt sáng sủa, có nụ cười thật dễ mến. Bài phát biểu không dài lắm, có những đoạn hài hước khiến mọi người cười nghiêng ngã, khi nói về những kỷ niệm với các bạn và thầy cô. Đoạn cuối thì cảm xúc lắng đọng, khi cậu nói về phút chia tay, về những dự định tương lai, cùng các bạn vươn tới những ước mơ, bước vào đời, giúp ích cho xã hội.

Kết thúc bài diễn văn, cả hội trường đứng lên vỗ tay thật dài, đâu đó vang tên những tiếng huýt sáo, gọi thật to từ đám học sinh: Matthew! Matthew! Matthew!

Ông anh tự hào quay qua nói với tôi:

- Đó là Matthew, chàng thủ khoa, là bạn thân của Kevin nhà mình đấy.

Khi tan buổi lễ các học sinh xúm xít gặp nhau chụp hình với mũ áo với những nụ cười tươi vui. Nhóm người lớn chúng tôi đứng ở một góc, chờ cho bọn trẻ chụp hình vui vầy đã đời với đám bạn. Một lâu sau, Kevin trở lại, dẫn theo Matthew và giới thiệu với tôi:

- Cô ơi, đây là Matthew, người đậu thủ khoa của trường vừa đọc bài phát biểu lúc nãy đó cô.

Matthew tiến tới bắt tay tôi, bà chị dâu nhanh nhẩu nói tiếp:

- Nhóm chúng nó chơi với nhau từ năm lớp 10, Matthew thân với Kevin lắm, vẫn thường đến nhà chị để học bài hoặc đi chơi, xem phim mỗi mùa hè rảnh rỗi. Vậy mà đã sắp chia tay mỗi đứa một trường học, một ngành học khác nhau.

Tôi mỉm cười thân thiện với Matthew:

- Chúc Matthew đi tiếp con đường học hành được như ý nhé. Bài phát biểu hồi nãy hay lắm.

Matthew bẽn lẽn nhìn tôi, nói thank you. Tôi nhìn thằng nhỏ trổ mã cao ráo đẹp trai với mái tóc hoe vàng và cặp mắt nâu màu hạt dẻ, lại học giỏi nên cảm thấy quý mến ngay. Tôi hỏi Matthew:

- Kevin nhà cô sẽ học ngành computer, còn Matthew sẽ học gì?

Matthew cười rạng rỡ:

- Con sẽ học bác sĩ thú y.

Tôi tiếc rẻ:

- Nếu thích học bác sĩ sao con không chọn y khoa chữa bệnh cho con người cũng là điều tốt, học bác sĩ chữa bệnh cho thú vật uổng tài của con.

Matthew có lý của nó:

- Vì con yêu thú vật.

Nhiều học sinh ở Mỹ chọn ngành học chỉ vì những sở thích dù những ngành học ấy không dễ xin việc làm, không thích hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình, cuối cùng lãng phí cả thời gian và tiền bạc. Nhưng tôi không dám ý kiến gì thêm vì biết trẻ ở Mỹ thích làm theo con đường chúng chọn. Ngay như con cháu nhà mình chắc gì chúng nghe nói chi đến con nhà người ta. Con cháu Việt sinh ra lớn lên ở xứ này, tụi nó thích học gì, bố mẹ cũng khó cản. Ở Canada tôi có quen vợ chồng anh nha sĩ kia, cứ tưởng thằng con trai sẽ theo nghề của bố mẹ, nhưng nó lại chọn ngành chẳng thể ngờ tới: Art/Mỹ thuật! Anh chị ấy lúc đầu cũng thất vọng, buồn bã, nhưng cuối cùng cũng phải chiều theo ý con. Cũng may, sau một năm học Art/Mỹ thuật, nó chán và đổi qua học Kỹ Sư, ba má vui mừng an lòng vì sợ ngành Art/Mỹ thuật khó kiếm việc chớ không có ý chê bai gì ngành này. Tôi tự nghĩ biết đâu Matthew chọn đúng, sau này Matthew sẽ thành công với dưỡng đường chữa bệnh cho súc vật, vì ở Mỹ người ta thích nuôi thú cưng và sẵn sàng chi tiền săn sóc chúng.

Chúng tôi đến nhà hàng ăn tối, có Matthew theo cùng. Kevin và Matthew ngồi cùng xe với bà chị dâu tôi, còn vợ chồng tôi đi theo xe ông anh. Anh tôi kể:

- Tội nghiệp Matthew, hoàn cảnh khá buồn, mẹ mất sớm khi nó còn bé, ba lập gia đình khác, Matthew ở với bà ngoại. Bởi vậy tụi anh thương cảm và yêu mến nó như Kevin, mỗi lần nó đến chơi, anh chị thường mời nó ở lại ăn cơm cùng gia đình nên Matthew quen dần và thân thiết với gia đình anh lắm. Hôm nay thằng nhỏ ra trường mà lại thủ khoa, bà ngoại thì già, còn bố nó cũng chẳng có mặt, thiệt là vô tình.

Bây giờ tôi mới hiểu vì sao Matthew cứ luẩn quẩn bên gia đình Kevin và cùng theo chúng tôi đi nhà hàng chiều nay. Lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi cảm thương. Ngày vui của Matthew mà không có một người thân, trong khi Kevin nhà chúng tôi thì có quá đông người đi theo, chẳng biết Matthew có chạnh lòng?

Tôi hi vọng Matthew học giỏi, mai sau sẽ thành tài, là một bác sĩ thú y thành công, cuộc đời Matthew sẽ tốt đẹp hơn.
………………………..

Nhưng thực tế không như tôi suy nghĩ và ước mong, sau khi tôi trở về Canada, thỉnh thoảng nói nói chuyện phone với ông anh, thì được biết, trong khi các bạn chuẩn bị vào đại học thì Matthew thong thả dành một năm… nghỉ xả hơi, gọi là “take a break”.

Tôi nghe tin mà xót xa, lo lắng. Tôi nhớ đến chuyện Evelyn, một đứa cháu bên chồng của tôi ở Utah và đứa bạn thân của nó là Camila, cũng tốt nghiệp High School cách đây mấy năm. Evelyn vào học ngành Registered Nurse 4 năm trong khi Camila quyết định nghỉ hai năm theo cha mẹ đi truyền giáo. Camila sẽ được cung cấp chỗ ăn ở miễn phí trong suốt thời gian 2 năm cô đi truyền đạo, Camila rất thích thú với công việc này, trước là được nghỉ xả hơi việc học hành cho đầu óc thảnh thơi, sau là được làm điều tốt lành và có ích, đi truyền đạo sau này sẽ được lên thiên đàng.

Hai năm sau Camila trở về, cô bé thất vọng và hoang mang khi thấy Evelyn vẫn đang tiến triển việc học hành và tương lai trước mặt sẽ có công ăn việc làm, còn Camila cảm thấy khó khăn khi bắt đầu lại với sách vở, nó ghi danh học ngành y tá 1 năm cho ngắn gọn để mau ra trường có việc làm mà sinh sống nhưng cũng không học nổi, Camila phải buông bỏ việc học và đi xin việc thư ký trong một cơ sở y tế. Camila khóc và kể cho Evelyn rằng những lần đi truyền đạo không đẹp như cô nghĩ, khi cô gõ cửa nhà, người ta không thèm mở và nếu mở cửa thì cũng lạnh lùng từ chối và tỏ ý không muốn bị cô gõ cửa làm phiền lần nữa. Camila hối tiếc đã bỏ lỡ 2 năm không học hành, giờ thì cô không còn ý chí làm lại từ đầu nữa.

Một hôm, đang nói chuyện điện thoại với bà chị dâu, chị cho biết Matthew vừa đến chơi, tôi mừng rỡ nhờ chị chuyển điện thoại cho tôi nói chuyện trực tiếp với Matthew. Tôi dùng hết lời lẽ, từ ngữ tiếng Anh trong khả năng của mình, tha thiết khuyên Matthew đừng nghỉ ngắt quãng việc học hành, phí thời gian và một năm trời biết đâu sẽ có nhiều đổi thay làm hao mòn nhiệt huyết, nhưng Matthew nói đường đi còn dài, học lúc nào chả được. Trước khi cúp điện thoại, biết khó thay đổi được ý nghĩ “take a break” của Matthew, tôi bắt nó hứa, tôi bắt nó thề, sau một năm phải đi học lại nhé, đừng lãng phí tuổi trẻ và tài năng của con. Matthew cười nhẹ, miệng cứ “yes yes...” và cám ơn tôi đã quan tâm đến nó.

Tôi biết đó là quan niệm kiểu Âu Mỹ, của nhiều học sinh ở Mỹ, con gái cả của cựu tổng thống Obama cũng thế, cho rằng suốt thời gian trung học “vất vả” tốt nghiệp xong phải nghỉ ngơi rong chơi… lấy sức. Tôi tin tưởng và hy vọng Matthew học giỏi, nghỉ một năm cũng không ảnh hưởng lắm.


Một năm trôi qua, tôi nghĩ Matthew sẽ ghi danh vào đại học nào đó, hoặc thi vào ngành bác sĩ thú y như nó yêu thích, nhưng lại ngạc nhiên đến hụt hẫng khi nghe ông anh kể rằng Matthew sẽ… đi làm. Người anh họ của Matthew giới thiệu Matthew vào làm manager cho một hãng điện tử cùng với anh ta. Matthew nói cần tiền nên tạm đi làm công nhân rồi năm sau sẽ đi học.

Trời ơi! Tôi thất vọng, tôi lẩm bẩm, ông xã tôi phải lên tiếng:

- Em thích lo chuyện bao đồng quá nhỉ, con cháu trong nhà mình còn chưa nói được, em lại đi lo cho con người dưng.

- Anh nói vậy mà nghe được sao! Đúng, Matthew là người dưng, nhưng là bạn thân của Kevin cháu mình. Nhưng quan trọng hơn cả, là nó học rất giỏi, anh không nhớ Kevin từng nói, môn nào Matthew cũng đạt điểm xuất sắc đó sao, và anh ơi, em thương nó, vì nó mồ côi mẹ, không có ấm áp tình cha, nên em thực sự muốn nó phải thành công trên đường học vấn.

- Anh hiểu chứ, nhưng biết làm sao bây giờ, mong rằng nó sẽ chán việc làm và sẽ đi học như lời nó đã hứa với em.

- Thì em cũng mong như thế. Con nhỏ Hà trong nhà thờ mình kìa, con gái nó cũng xong trung học, theo phong trào “one year break” xin vào bán hàng McDonalds, đến nay hơn hai năm chưa thấy nó trở lại học, vì đi làm kiếm được chút tiền, hết hứng chuyện sách vở, bởi vậy em đang lo, sợ Matthew cũng sẽ như thế, nhất là khi nó không có cha mẹ bảo ban, dạy dỗ.

Cuối năm đó, tôi lại có dịp bay qua Texas thăm ông chú bị bệnh, lần này không thể ngồi yên được nữa, con cái nhà người ta mà tôi ấm ức sốt cả ruột như con cháu mình, tôi không muốn Matthew lãng phí thêm thời gian. Tôi nhờ chị dâu làm bún chả giò, kêu Kevin mời Matthew tới nhà ăn món mà Matthew rất thích. Lâu lâu hai đứa bạn gặp lại nhau cùng ăn món ngon nên không khí thoải mái vui vẻ. Tôi hỏi Matthew về chuyện đi làm, nó thành thật nói:

- Con muốn kiếm chút tiền tự lo cho bản thân, không như Kevin được cha mẹ thương yêu và chăm lo cả tiền bạc lẫn tinh thần.

Đúng thế, Kevin vào đại học không phải mượn nợ như bao sinh viên khác, con nhà Việt Nam hầu như đứa nào cũng được cha mẹ khích lệ học hành, hy sinh tối đa cho con ăn học, còn Matthew thì ngược lại, bên cạnh nó không có cha mẹ quan tâm đến việc học của nó, như cây hoang tự mọc muốn ra sao thì ra. Sau một năm nghỉ học Matthew đã có chút thay đổi muốn đi làm một thời gian để kiếm tiền, rồi sau một năm đi làm điều gì sẽ xảy ra? Matthew sẽ quen dần với việc làm, quen dần với cuối hai tuần lãnh lương có tiền tiêu xài, sẽ xa rời thêm sách vở biết đâu sẽ không còn ý chí vào đại học?

Tôi kể cho Matthew nghe trường hợp Camila ở Utah và câu chuyện cô bé bên Canada đi làm McDonalds, rồi lại hết lời khích lệ, chỉ vẽ cho Matthew phải tiếp tục ngay việc học hành, hơn một năm qua rong chơi là quá đủ, là đã chậm hơn bạn bè cùng lớp rồi, đừng vì ham kiếm ít tiền mà bỏ phí thời gian. Hãy đi tìm tương lai tốt đẹp cho bản thân khi mà con học giỏi, có khả năng làm điều ấy.

Tôi nói để Matthew đừng mặc cảm:

- Không có tiền con cứ mượn “student loan” và chăm chỉ học hành. Học xong sẽ trả nợ mấy hồi. Bao nhiêu sinh viên đã mượn nợ như thế mà.

Rồi Kevin cùng kể cho Matthew về từng đứa bạn của nhóm “High School”, đứa học ngành này đứa học ngành nọ, trong khi Matthew là người tốt nghiệp thủ khoa, học giỏi nhất trong nhóm, nhất lớp, nhất trường thì sao?

Tôi thêm vào, khích nó:

- Bao nhiêu người di cư đến Mỹ với giấc mơ Mỹ, còn con là người Mỹ chính gốc, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, có khả năng học giỏi, chẳng lẽ thua họ sao?
Matthew ngồi nghe lặng thinh một hồi lâu, nó cảm động:

- Chưa bao giờ có ai để ý đến chuyện học hành của con, cho con những lời nhắn nhủ yêu thương như cô. Con sẽ suy nghĩ lại chuyện này, trước mắt thì con vẫn phải đi làm, vì con đã dọn ra ở riêng, “share” phòng với người anh họ, con cần tiền để trang trải cuộc sống hiện nay.
.....……..

Sau chuyến đi Texas đó, tôi vẫn theo dõi Matthew thông qua Kevin, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì Kevin cũng mất liên lạc với Matthew, có vẻ như Matthew đã dọn qua thành phố khác theo người anh họ, còn Kevin bận rộn với chuyện học Đại Học và với bạn bè hiện tại. Những người bạn thân thời trung học chỉ thỉnh thoảng nhắn tin nhau. Ngày Kevin tốt nghiệp kỹ sư cũng không biết Matthew nơi đâu mà mời bạn tham dự.

Tôi mất dấu tích Matthew, tiếc nuối, trong khi ông xã tôi nửa đùa nửa thật: “Anh nghĩ, Matthew cắt đứt liên lạc với Kevin vì nó ngại “mụ cô” Canada nhiều chuyện, thích xen vào chuyện học hành của nó đấy. Em nhớ rút kinh nghiệm nha!”

Rồi câu chuyện cũng đi vào quên lãng, dẫu đôi khi chúng tôi xem lại hình ngày ra trường High School của Kevin và Matthew, lại bâng khuâng một chút buồn.

Đầu năm nay, chúng tôi lại bay qua Texas dự tiệc 40 năm Kỷ Niệm Ngày Cưới của vợ chồng ông anh. Tiệc được tổ chức tại một nhà hàng Seafood mới mở tại Arlington. Trong thời gian chờ tiệc bắt đầu, tôi đi ra ngoài trước cửa tiệm gọi phone cho cô bạn thân ở Dallas, nói chuyện xong, Kevin từ đâu bước tới, khuôn mặt rạng rỡ:

- Cô ơi, con sẽ cho cô một bất ngờ.

Tôi chưa kịp hỏi thì trời ơi, chính là Matthew đi theo sau, tiến đến bên tôi. Tôi mừng rỡ ôm lấy nó, trong khi Kevin tiếp tục hớn hở:

- Cô ơi, con báo cho cô một tin rất vui nữa nè, cô bình tĩnh chưa?

Tôi hồi hộp, nôn nao nhìn Kevin rồi nhìn Matthew, hai đứa nhìn nhau cười, rồi Kevin nói như hét lên:

- Cô ơi, Matthew đang học năm thứ hai Y Khoa.

- Ôi, như một giấc mơ, cô thật hạnh phúc và mừng cho con, Matthew ơi!

Kevin hào hứng:

- Những năm qua Matthew cắt liên lạc với con vì nó trở lại trường, lo học thi MCAT (Medical College Admission Test), cứ ngỡ quên sách vở nhưng không ngờ điểm cao chót vót luôn nha. Matthew đã nghe lời khuyên của cô, là học bác sĩ y khoa sẽ giúp chính mình và những người khác. Trong bài luận khi nộp cho trường Y khoa, Matthew đã nhắc đến cô, người là động lực thúc đẩy Matthew chọn Y khoa đó.

- Thật thế ư!?

Matthew gật đầu xác nhận, rồi kể:

- Tại buổi phỏng vấn, con có nói với họ, con nhớ mãi lời của cô từng nói với con: “Bao nhiêu di dân qua đây với giấc mơ Mỹ, còn con là người Mỹ chính gốc, sinh đẻ và lớn lên ở Mỹ, có khả năng học giỏi, chả lẽ con lại thua họ sao?”

Tôi nắm tay nó, xúc động hãnh diện:

- Cô cám ơn con nhiều lắm, ý chí của con mới là quan trọng đấy. Con sẽ học chuyên khoa gì, hay chỉ là M.D (Medicine Doctor)?

- Dạ không, con sẽ theo ngành chuyên về trẻ em, con cũng thích trẻ em như yêu thú vật vậy!

Sau đó, trong bữa tiệc, Kevin còn cho tôi biết thêm, vì Matthew đạt điểm cao nên có được vài học bổng hỗ trợ việc học, không phải mượn “student loan” quá nhiều.

Trên chuyến bay từ Texas trở về Canada, hai vợ chồng tôi nói đủ thứ chuyện, cuối cùng lại quay về chuyện Matthew. Ông xã tôi cười, gật gù:

- Thật là một cái kết tốt đẹp, anh sẽ đề nghị chính phủ Mỹ trao cho bà Tám Canada, là em đó, một Huy Chương khen thưởng.

- Khen thưởng gì chớ!

- Vì nếu không có em, nước Mỹ đã mất đi một bác sĩ nhi khoa, một “pediatrician”.

Tôi e thẹn, mắc cỡ:

- “Ba Mươi chưa phải là Tết” anh nhé! Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho Matthew bền bỉ trên con đường này, vài năm sau còn phải vào chuyên khoa, rồi sau đó là thời gian thực tập Hospital Residency, tổng cộng cũng gần chục năm. Lúc ấy, Matthew chính thức là một Bác Sĩ thì em mới dám... nhận Huy Chương!

Edmonton, Tháng 8/2024
KIM LOAN
 

Ý kiến bạn đọc
07/10/202418:06:18
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay. Va làm được một việc rất ý nghĩa. Hy vọng Matthew sẽ bền chí và thẳng tiến trên đường học vấn. ❤️❤️❤️
29/09/202423:25:00
Khách
Chuyên thật hâ em L . Tôi cũng hồi hộp lắm chỉ sợ Math lắm sao . Theo dõi chuyển em viết nhiều lắm
20/09/202422:31:35
Khách
Mừng quá, đọc bài mà cứ hồi hộp sợ Matthew bỏ học thì thật phí nhân tài.
20/09/202413:48:31
Khách
>"Tôi biết đó là quan niệm kiểu Âu Mỹ, của nhiều học sinh ở Mỹ, con gái cả của cựu tổng thống Obama cũng thế, cho rằng suốt thời gian trung học “vất vả” tốt nghiệp xong phải nghỉ ngơi rong chơi… lấy sức. "

Cái văn hóa này hình như bắt đầu từ các anh Úc gốc thổ dân, gọi là bệnh "Walk About", học hay làm việc chán, thì lấy một vài năm đi lang thang vô định, sau đó không biết đi về đâu, không có trách nhiệm gì với bản thân hay gia đình, sống theo bản năng.
19/09/202419:35:49
Khách
>:Bao nhiêu người di cư đến Mỹ với giấc mơ Mỹ, còn con là người Mỹ chính gốc, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, có khả năng học giỏi, chẳng lẽ thua họ sao?"

Có khoản 1,057,188 học sinh ngoại quốc học các trường đại học ở Mỹ trong năm học 2022/23, điều này dẩn đến sự ngộ nhận từ phía các nước ngoài Mỹ ví dụ như "Khi còn ở Việt Nam, chị cho rằng giáo dục phương Tây rất hiện đại và tiên tiến, không cần sửa chữa gì, cứ bê nguyên về dạy ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi di cư tới một nước phương Tây, chị lại cho rằng giáo dục phương Tây rất kém. Học sinh không biết làm toán, không thể đọc hiểu... Vì vậy, phương Tây đang phải thu hút nhân tài từ các nước đang phát triển như Việt Nam để lấp chỗ trống này. "
Theo tài liệu từ Institute of International Education’s Open Doors cho biết, dẩn đầu là Trung Quốc (162,050) và Ấn Độ (153,876) theo đuổi các ngành thiên về khoa học, kỹ thuật (STEM) tại các trường đại học ở Mỹ trong niên khóa 2017-2018
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 310,723
11/10/202400:26:00
Trường hợp này xảy ra cho chính bản thân tôi ngay trên nước Mỹ văn minh và giàu có: nhà tôi bị trộm viếng, tôi bắt được ngay tại trận, chạm mặt với nó, và rượt đuổi nó. Sau khi nó chạy thoát, tôi phải cất công đi làm “thám tử” điều tra coi tên trộm từ đâu đến, để rồi khi kiếm ra, chính tôi phải kiếm đến tận nhà để làm hòa và tha thứ cho “ngài đệ tử” của thần Đạo Chích này.
10/10/202412:12:00
Tôi biết Khánh đã lâu, từ khi còn là cô bé du sinh, vô xin việc làm thêm ở toà báo để có thêm thu nhập. Nói nhiêu đó đã đủ biết Khánh không phải con cán bộ qua Mỹ ăn chơi bằng diện du sinh. Ngặt thời ấy, cộng đồng người Việt ở địa phương còn chống Cộng dữ lắm nên tôi chỉ biết tôn trọng những người bị bứng ra khỏi quê hương, sống đời hải ngoại. Tuy cái ăn, cái mặc, chỗ ở, việc làm; đặc biệt là tự do đều rộng mở ra tương lai tươi sáng; chỉ nỗi nhớ người thân, quê nhà canh cánh trong lòng người xa quê.
08/10/202405:01:00
Đang ngủ say, Bin bỗng giật mình tỉnh giấc vì nghe những tiếng ầm ì rất lớn. Cửa sổ muốn bể toang như có ai đang dập mạnh vào. Em sợ hãi nhìn sang giường bên. Chị Ti đang ngồi trùm chăn run rẫy . Bỗng dưng điện tắt phụt. Bóng tối mang gương mặt kinh dị của Halloween, như muốn nuốt chửng lấy cả hai. Hốt hoảng, hai chị em cùng nhảy phóc xuống giường, chạy nhanh sang phòng ba mẹ, gào khóc inh ỏi.
04/10/202400:00:00
Tôi gặp anh khi cuộc đời anh đã ba chìm bảy nổi, cộng thêm tôi vào là thành chín cái lênh đênh. Hề gì, một mái lều tranh hai quả tim vàng. Tôi dạy học, dẫu đồng lương chết đói, nhưng yên chí mỗi tháng có 13kg gạo, nửa ký đường và ba chục đồng “tiền Bác”, đủ sống qua ngày. Điều quan trọng tôi là thành phần gương mẫu trong xã hội, chưa hề có “nợ máu với nhân dân”. Thời chế độ cũ, tôi chỉ có đi học. Di cư vào Nam năm hai tuổi, tới mùa hè 1975 học xong, rồi đi dạy, thì chắc chắn phải là thành phần gương mẫu. Vì vậy khi lập gia đình với một ông vừa ra khỏi “trại cải tạo”, hàng xóm cũng nhân nhượng không để ý lắm tới sinh hoạt của chúng tôi.
03/10/202405:00:00
Trong xã hội, từ thuở dựng nước, tiền nhân đã đặt người làm thầy vào vị trí rất cao trọng, chỉ sau vua, trong thứ tự Quân Sư Phụ. Với tôi, người làm thầy mang một thiên chức cao cả, vì người làm thầy có thể giúp định hình tương lai cho nhiều thế hệ tiếp nối. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có thân mẫu là người cả đời chỉ biết đến phấn trắng, bảng đen, có thân phụ vừa là sĩ quan quân đội vừa là huấn luyện viên của Cục Chính Huấn, trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nên tình yêu dành cho việc giảng dạy đến với tôi thật tự nhiên, thật nhẹ nhàng....
01/10/202405:01:00
Hồ sơ bảo lãnh cho gia đình tôi, chú Khải gửi về từ năm 1978, nhưng mãi đến cuối năm 1982, khi ba tôi được thả ra khỏi "trại cải tạo" Vĩnh Phú, thì má tôi mới xúc tiến việc nộp đơn xin xuất cảnh, diện đoàn tụ gia đình. Ở vào thời điểm đó, khi những chuyến bay chính thức rời Sài Gòn đi Mỹ, Pháp, hay Canada hãy còn lác đác như lá mùa thu, thiệt tình mà nói ai trong nhà tôi cũng đều không thấy nhen nhúm một tia hy vọng nào cả. Đi vượt biên tốn năm ba cây vàng cho một đầu người mà còn bị bắt lên bắt xuống, đằng này cả gia đình tôi lại trông mong vào tờ giấy bảo lãnh để được đi chính thức cả nhà, nghe qua như chuyện thần thoại nghìn một đêm lẻ!
27/09/202400:00:00
Phải chăng khi ta viết về một người chết là ta giúp cho người chết không bị thời gian lãng quên?! Là cho phép người chết sống lại, cho dù trên trang giấy trừu tượng, để cảm nhận người chết đang hiện hữu với ta, gần gũi với ta trong thương nhớ mà đôi khi lúc còn sống ta lại phần nào hững hờ vì không gian và thời gian không cho phép. Tuy chết là hết, nhưng có những cái chết bi hùng, chết “đẹp” đáng ngưỡng mộ. Là những cái chết khác lạ trong đời thường. Như của Harakiri, coup de grâce/phát súng ân huệ ngoài chiến trường, tự vận của những tướng quân hay tự sát tập thể với trái lựu đạn nổ giữa niềm uất hận không muốn buông súng. Nhiều cái chết rất bình thường xẩy ra trong giấc ngủ hay đột ngột do tai nạn, và thường nhất là cái chết do các bệnh nan y, đến từ từ, với nỗi sợ hãi và đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, cho người bệnh và thân nhân.
26/09/202405:00:00
Những con vật được nuôi trong nhà, gọi chung là gia cầm thì con chó được loài người thuần hóa sớm nhất từ loài sói xám và được nhắc đến nhiều trong văn học từ cổ chí kim, từ đông sang tây với những từ ngữ ngọt ngào: trung thành, tình nghĩa, khôn ngoan, thân thiện... Nhưng không hiểu tại sao người Việt mình khi giận hờn nhau thường đem con chó ra chửi: “đồ chó,” “cái mặt chó,” “cái đồ chó đẻ!”. Lúc bực bội những chuyện ngoài đường, về nhà con chó chạy ra ngoắc đuôi mừng rỡ, ông chủ lại cho nó một đá cho hả giận… mặc dù nó chẳng có tội tình gì - nó cúp đuôi, tiu nghỉu chạy trốn - chẳng hiểu tại sao (?). Trong nhà vợ chồng cãi nhau, chó là con vật đầu tiên bị mang tai họa. Vì không biết làm sao cho bớt ấm ức, bèn đá con chó, chửi con mèo… Bởi thế, mới có thành ngữ “mắng chó chửi mèo” hay “chỉ chó mắng mèo” là vậy. Thật khốn khổ cho cuộc đời con chó!
24/09/202405:00:00
Bạn bè rủ đi “Cruise” gần nửa tháng qua ba thành phố của tiểu bang Alaska và Canada. Tôi cảm thấy ông xã không được khỏe và bản thân mình cũng vậy, nên đang còn lưỡng lự. Nhưng L (ông xã) thúc giục tôi cố gắng chuyến này bởi khó có cơ hội đi cùng với bạn bè, còn ông thì không thích đi du lịch. Hèn gì mấy năm trước hai người đến bưu điện làm thẻ passport, ông nhất định không chịu làm nhưng lại thúc giục tôi tiến hành.
20/09/202400:31:00
Hắn mỉm cười một mình. Hắn vừa nghĩ tới hai chữ “vu vơ” mà một tác giả dùng làm tựa đề cho loạt bài viết về văn chương trong một website văn học có uy tín. Lý do là vì hắn cũng đang vu vơ về việc viết văn. Bản thân hắn không quan trọng nên những gì thuộc về hắn cũng không quan trọng. Tất cả chỉ là...vu vơ.
DAVEMIN.COM
Nhạc sĩ Cung Tiến