Hôm nay,  

Dấu Chấm Hỏi

27/11/201000:00:00(Xem: 336132)

Dấu Chấm Hỏi

Tác giả: Nguyễn Trung Tây
Bài số 3052-28352-vb7112710

Tác giả là một linh mục viết văn, giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010. Ông tự tự sơ lược về mình "Sinh tại Saigon, trưởng thành tại Sài Gòn và San Jose, CA. Hiện đang làm việc tại Úc Châu."  Thông tấn xã công giáo  VietCatholic cho biết thêm "Linh mục nhà văn Nguyễn Trung Tây  thuộc dòng Truyền Giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago." Hiện đang làm công việc truyền giáo tại Alice Springs, Northern Territory,  Úc Châu." Muốn biết thêm về tác giả, mời vào địa chỉ trên mạng Webpage: www.nguyentrungtay.com. Hình bên:  bữa tiệc Lệ Tạ Ơn ngày Thứ Năm 25-11-2010 tại gia đình bà bạn người Phi chồng Mỹ và hai cô con gái của họ tại sa mạc Úc Châu.

***

Tháng Mười Một năm 2010 ghé về thăm hỏi cư dân địa cầu hơn hai mươi ngày rồi. Từ những giây phút đầu tiên tháng Mười Một, nó đã lúng túng như gà mắc đẻ, đi ra đi vào tự hỏi năm nay không biết có nên ăn mừng Thanksgiving hay không"
Thời gian trôi qua.
Chúa Nhật thứ Tư tháng Mười Một năm 2010 rồi cũng tới. Chỉ còn bốn ngày nữa thôi là Lễ Tạ Ơn. Càng gần tới ngày Lễ, câu hỏi nên hay không nên bỗng nhiên dồn dập, hối thúc, sau cùng biến thành dấu chấm hỏi (") to tròn.
Nên" Không nên"
Cứ thế!
Nhớ, lần đó, chị gái tên bạn thân bên Việt Nam mới đặt chân tới Mỹ. Nó ghé vào nhà chào mừng, hỏi thăm. Chỉ mới chuyện qua chuyện lại được có mấy câu, bà chị bỗng dưng to tròn đôi mắt, giọng đậm nét ngạc nhiên, "Cậu này ở Mỹ, giờ khác quá sức, miệng tía lia!". Nguyên văn! Nó không chịu, phản đối ngay, "Chị cứ ưa nói quá!". Khác như thế nào thì không biết, bởi dòng đời đẩy tới, ai mà chẳng khác đi! Nhưng miệng tía lia thì chắc chắn là không đúng, bởi nó cũng chỉ nhã nhặn hỏi thăm người mới tới về đời sống bên Việt Nam. Rồi cũng chỉ ngồi đó cầm canh đếm nhịp, bảo dạ thưa vâng. Có thế thôi.
Nhưng không ai ngờ, câu nhận xét năm nào được những người bạn trung học thân thiết một thời Nguyễn Thượng Hiền 10C3 lập lại. Lần đó năm 2005 nó quay về... Bạn bè, nghe tin, rủ nhau hội ngộ ở công viên Lê Thị Riêng, Sài Gòn. Hai mươi năm không gặp. Giờ gần như đủ mặt. Nhìn những người bạn ba năm chia sẻ ngọt bùi dưới một mái trường, nó e lệ như chú rể mới ra mắt mẹ vợ. Nó, lòng dặn lòng, phải cẩn thận, bạn bè thân, nhưng cũng phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, kẻo không mang tiếng...chảnh... Nghĩ là làm, nó ngồi đó lắng nghe, nhã nhặn gật đầu, cười mỉm, cười te, cười toe toét, đôi khi cười hăng hắc, nếu cần, để hòa đồng hợp điệu. Có thế thôi. Vậy mà con gái cũng như con trai, trong bữa tiệc hội ngộ, có tên không cầm được lòng, lại phán ngay một câu nghe xanh rờn, "Thằng này ở Mỹ, giờ khác quá sức! Cái miệng tía lia!".
Rồi họ hàng nội ngoại xa gần, nhiều người gặp nó cũng hứng chí buông lời, "Cậu này, quá sức, giờ miệng tía lia!".
Ơ hay! Nó có nói gì nhiều hơn những điều cần thiết đâu, mà tại sao thiên hạ cứ phán cùng một câu, chữ nghĩa nghe đến là táo tợn!
Nhưng... Bạn bè cũ một thời Nguyễn Thượng Hiền đã tạo cơ hội để nó nhìn thấy lại hình ảnh chính nó, thời xưa. Trong lớp 10C3, khoảng bốn mươi mấy tên, nó học dốt nhất. Môn nào cũng đội sổ! Cuối lớp! Hạng bét! Dốt dột! Dốt đặc! Trong giờ thi, thi lớn thi nhỏ, thi giữa khóa, thi cuối năm, thi tú tài, thi vô đại học, nó chuyên viên chìa tay năn nỉ bạn trai cũng như bạn gái 10C3 cho cọp dê bài! Ôi thôi, thật là xấu hổ! Thế đấy! Nhưng, tình thiệt mà nói, những người bạn 10C3, nếu có cơ hội tới Mỹ như nó, giờ này, nói theo ngôn từ mắng mỏ mẹ nó hay mắng, "Mày chỉ có nước mà đi xách dép cho người ta!".
Nhưng dòng đời xoay tròn cơn lốc, vươn cao đẩy tới, thuyền tỵ nạn mang nó dạt vào bến cảng Marang tháng 10 năm 1982. Nó sống trong trại tỵ nạn Pulau Bidong, Sungai Besi của Mã Lai, rồi bay sang Bataan của Phi Luật Tân, sau cùng phi cảng quốc tế San Franciso mở ra, ôm chặt vào lòng thằng thanh niên tỵ nạn vào một buổi chiều tháng 5 năm 1984.
Và cuộc đời nó đổi thay. Một trong nhiều điều đổi thay, nó vẫn nghĩ là không phải, nhưng thôi, cứ tin lời thiên hạ liên tục phán, là giờ này cái miệng nó tía lia.
Tía lia hay không thì không biết. Nhưng nó nghĩ chủ quan, ở Mỹ mà không biết ăn biết nói, dù chỉ là động từ "to quơ", thì cầm chắc cái vé lang thang đầu đường thổi ống tiêu; sáng ăn cơm thí, tối ngủ chân cầu.
Có thời nó phụ trách môn Kinh Thánh tại Đại Chủng Viện Ngôi Lời, Iowa. Trường cũng có nhiều sinh viên gốc Việt Nam. Có mấy cậu hay đi theo chọc, "Cha mà ở Việt Nam, giờ dám làm giám mục".
Nó, thiếu điều muốn phá ra cười sằng sặc, ôm bụng mà cười, chết đứng giữa trời vì cười, bởi có mấy người biết được gốc tích dốt nát của nó bên Việt Nam. Nói có Trời cao chứng giám, Cha Giám Đốc Tiểu Chủng Viện Sài Gòn hồi đó có lần giận quá, ngài mắng nó mấy mắng, "Nhìn mặt sáng sủa mà sao lại dốt như thế!". Nhưng bây giờ, bên Mỹ, bị chọc, nói theo ngôn từ bạn bè đã từng phán, nó "tía lia" đáp ngay, "Có mà giám mục! Mục đảo thì có!". Nó tính nói tiếp, nhưng kịp giữ lại lưỡi. Thắng ngay! Hãm phanh! Đừng tầm xàm, chết mất xác! Nghĩ thế, nhưng dòng tư tưởng hiện thực vẫn cứ tấu nhạc vang vang trong đầu, "Có mà! Giờ còn ở Việt Nam, dám chỉ cũng trà đá mía ghim!".
Mà thật tình là như vậy, chứ cũng chẳng có khiêm nhường hay khiêm tốn chi hết!
Thì đấy, hồi đó ngơ ngơ ngác ngác chui ra từ bụng mẹ tại bệnh viện Hùng Vương, Chợ Quán. Vừa mới nhinh nhỉnh lớn lên được một chút thì biến cố 75 buông màn, vãn tuồng. Nó sinh ra trong Nam, thế là lãnh đủ, dính trấu, dính nợ, dính nguyên con đuôi sao chổi bay qua quẹt ngang mặt, nát đời thanh niên! Từ những năm 1978 cho tới năm 1982, nó vào tù ra khám vì tội vượt biên như cơm bữa. Tù Gò Công, tù Tiền Giang, tù Hàm Tân. Bột mì trại giam nó ăn trắng con mắt. Hồi đó, bước chân ra khỏi nhà tù Tiền Giang, nó thanh niên trắng cả hai tay. Gia sản duy nhất dính trên người chỉ còn cái quần jean bạc thếch, áo thun lủng lỗ, và tờ giấy Lệnh Tạm Tha cầm chặt.
Ơi bần cố nông đời tù!
Bước chân ra khỏi nhà tù, nó không có tiền để mua vé về lại Sài Gòn. Niềm vui được thả giờ biến mất. Trời xanh, mặt nó cũng xanh, xanh xao vì thời gian tù, xanh xao vì đói, xanh xao vì không có tiền mua vé xe đò.
Và nó mặt dầy mặt dạn lần bước ra chợ Mỹ Tho chìa tay ăn mày! Ơi quê! Ơi độn thổ! Nhưng biết sao bây giờ" Cứ giữ sĩ diện thì cầm chắc cái vé đi bộ một lèo từ Mỹ Tho về lại Sài Gòn. 


Rồi năm 1979 phương Bắc, Đặng Tiểu Bình thực hiện câu đe dọa dạy cho Việt Nam bài học. Phương Nam, Pôn Pốt dàn quân chặt đầu Thanh Niên Xung Phong. Hai mặt trận cùng đánh, trên chọc xuống, dưới đâm ngang. Bạn thân cùng thời, mấy tên phủi chân nhảy lên bàn thờ biến thành ma không đầu hưởng nhang khói và chuối sứ. Nó, mười tám tuổi, bị tổng động viên. Nhưng bởi nhát, sợ chết, nó trốn quân dịch. Lại một thời vất vả lao đao, chốn chui chốn nhủi như những con chuột sống dưới ống cống hầm cầu!
Cho nên nó hay tự nói, "Ông Trời mà không mang mi đặt chân tới Mỹ, nặng lắm thì giờ này cũng đã nhảy lên bàn thờ ăn xôi nghe kèn, nhẹ lắm thì cũng trà đá mía ghim". Ăn xôi thì khỏi cần tập. Nhưng đã có mấy lần nó tập rao hàng trong nhà tắm. Nó mở vòi nước hết cỡ, miệng ngân nga tựa như đang đi rảo rảo trên hè phố, "Trà đá đây! Ai mía ghim"".
Nhưng câu chuyện giả tưởng này đã không bao giờ xảy ra với nó, đơn giản bởi vì Ông Trời đã dẫn nó tới Mỹ!
Đặt chân tới Mỹ, nó đi học, cũng nhọc nhằn lắm, chữ đực chữ cái, chật vật. Cuối cùng nó cũng ra trường, đi làm. Cái vụ tốt nghiệp ra trường bốn năm, thiệt tình, là chuyện hồn bướm mơ tiên. Nhưng Trời thương, bướm vất vả vừa đi làm vừa đi học, lột xác, xé rách kén hóa ra tiên. Bướm lãnh bằng ra trường. Đi làm, rồi thất nghiệp, bướm đi học thêm. Có lẽ bởi mồm miệng tía lia, biết mở miệng năn nỉ Ông Trời, cho nên Trời mủi lòng, cho đầu xuôi đuôi lọt, lại ra trường.
Ơi Trời, xin được dâng lời tạ ơn cho phúc lộc Ngài đổ xuống chan hòa!
Từ những năm 1984 cho tới 2006 trước khi bỏ đi xa, nó liên tục hít thở và trưởng thành trong bầu không khí Mỹ.
Nó học hỏi tư tưởng thực dụng của văn hóa Mỹ.
Nó học hỏi lòng tự trọng, kính trọng chính mình và kính trọng người khác, dù có là khác mầu da và tôn giáo.
Nó học được tinh thần tự tin, tin vào khả năng do Ông Trời ban cho chính mình.
Nó chấp nhận có những điều không thay đổi được; riêng những điều được trao tặng, nó trân trọng giữ gìn.
Nếu phải ngồi làm những bài tính cho công bằng, nó nhận thấy, bà mẹ Mỹ đã cho riêng nó nhiều điều, óc thực dụng, lòng tự trọng, tính tự tin, biết chấp nhận, và tâm tri ân.
Có một thời nhiều người di dân rời bỏ vùng đất Âu Châu cũ kỹ, đặt chân lên vùng đất Mỹ Châu mới tinh. Với sự giúp đỡ của người Mỹ da đỏ và sau những vất vả hội nhập với văn hóa, thời tiết, lương thực, năm 1621 tại thành phố Plymouth, di dân quây quần bên người da đỏ chia sẻ với nhau hoa quả đầu mùa và đặc biệt dâng lời tạ ơn lên Ông Trời.
Từ những ngày cuối tháng Năm năm 1984, nó, di dân mới tinh, đặt chân lên vùng đất mới. Sau những vất vả với ngôn ngữ, văn hóa, lương thực, và đặc biệt nhờ vào bầu sữa Mẹ mới, giờ nó đã trưởng thành. Nếu hồi đó, Ông Trời không mang thuyền tỵ nạn của nó tới đất mới, giờ này, tháng 11 năm 2010, nó cũng không là nó của ngày hôm nay. Nhưng bởi thuyền ghé bến Marang, phi cơ ghé xuống phi cảng San Francisco, đời nó lật từ bàn tay trắng sang bàn tay đen!
Bởi Ông Trời ban tặng cho những người di dân đầu tiên và nó di dân tới sau,
   Trời mới,
   Đất mới,
Cho nên,
   Đường đời
Của tất cả di dân trên vùng đất mới Hoa Kỳ hoàn toàn đổi mới ("Trời mới, đất mới, đường đời đổi mới" lấy ý từ Vũ Đình Trác, "Tán Tụng Hồng Ân").
Bởi vậy, mặc dù đã tạm biệt đất Mỹ từ năm 2006, mỗi lần Thanksgiving về, nó vẫn cứ loay hoay tự hỏi có nên ăn mừng Lễ Tạ Ơn hay không"
Năm 2006, nó chỉ dâng lời cầu nguyện tạ ơn vào ngày Lễ Tạ Ơn, bởi mới tới Úc, còn lạ quá, chẳng biết ai.
Năm 2007, nó vẫn một thân một lời kinh nguyện Tạ Ơn.
Nhưng tháng Mười Một năm 2008 thì khác. Lần đó, trong một chuyến công tác Human Trafficking, nó có dịp dừng chân tại tỉnh Gia Nghĩa, Đài Loan. Mấy người bạn làm việc tại tỉnh Gia Nghĩa, lại toàn là người Việt quốc tịch Mỹ. Lễ Tạ Ơn 2008 kéo về, bạn bè người Việt quốc tịch Mỹ và người Việt quốc tịch Đài Loan xúm lại cùng nhau tổ chức tiệc Thanksgiving. Bữa tiệc Tạ Ơn ngày hôm đó không có gà tây, bởi Đài Loan không bán, nhưng lời kinh và tinh thần tạ ơn thì dư thừa. Bữa tiệc bắt đầu, nó nhìn người đàn anh lớn, một linh mục Việt Nam gốc Mỹ làm việc tại Đài Loan trên dưới hai mươi năm thầm thì lời kinh, "Lễ Tạ Ơn lại về. Xin được dâng lời tạ ơn cho tất cả những ân sủng anh chị em chúng con đã nhận được trong một năm vừa qua trên đảo quốc Đài Loan."
Bây giờ, tháng 11 năm 2010, nó không có mặt ở Mỹ hay Đài Loan, nhưng một thân một mình người Việt quốc tịch Mỹ ở sa mạc nắng cháy Central Australia, Miệt Dưới.
Bởi thế, dấu chấm hỏi nên hay không nên tổ chức Lễ Tạ Ơn đã gần một tuần rồi, cứ chập chờn thoáng ẩn thoáng hiện trong đầu. Bây giờ có nên ra chợ mua thịt Kangaroo về nấu rựa mận ăn mừng Lễ Tạ Ơn một mình hay không" Hay là mời bạn bè Úc Châu ghé vào chung vui" Nghĩ tới đây, nó ngần ngại, bởi thổ dân và dân gốc Âu Châu Miệt Dưới đâu có bao giờ ăn mừng Lễ Tạ Ơn. Mà nếu có nể mặt nó, gắng gượng ngồi ăn, người ta cũng chẳng có cảm giác tạ ơn như nó, dân nhập tịch Mỹ.
Trời cuối tháng Mười Một, trong văn phòng nó nóng ướt đẫm mồ hôi! Dừng lại với dấu chấm hỏi to tướng, nó mở cửa bước ra ngoài mong tìm làn gió thổi mát tâm hồn và làn da. Bất chợt gặp người thân gốc Phi Luật Tân vừa thắng xe tung bay bụi đỏ mịt mờ trước cửa. Thấy nó, cô ta nói ngay, "Hêy, thứ Năm này rảnh, ghé vào nhà chị ăn mừng Lễ Tạ Ơn".
Nó trợn mắt nhìn, miệng thiếu điều muốn cự nự, thôi đi bà chị, ở đâu mà lại tự nhiên chui ra cái vụ ăn mừng Lễ Tạ Ơn ở đây!
Nhưng tạ ơn Trời, trong sâu thẳm đêm đen dốt đặc cán mai tự nhiên lóe sáng tia chớp. Nó nhớ bà chị Phi có chồng người Mỹ Yankee đang làm việc cho căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Alice Springs. Biết nó cũng quốc tịch Mỹ, bà chị lái xe thổ mộ tới gặp nó, mời về nhà ăn Lễ Tạ Ơn.
Nó hớn hở gật đầu, nói liền, "Vâng, vâng! Bà chị cho một vé, tối thứ Năm ghé vào ăn mừng Lễ Tạ Ơn."
Năm nay 2010, tại sa mạc Úc Châu nắng cháy tô đỏ sợi tóc đen nhiệt đới, Trời cao lại ban tặng cho nó cơ hội chung vui với bạn bè ăn mừng Lễ Tạ Ơn.
Xin được một lần nữa, dâng lên Ông Trời những lời tạ ơn cho những phúc ân Ngài vừa trao ban trong một năm qua.
Dấu chấm hỏi xoay vần trong đầu gần cả tuần nay giờ tự nhiên tan loãng, nhạt nhòe, rồi biến mất hẳn vào trong bầu trời xanh ngăn ngắt và bầu không khí nóng hừng hực lửa đỏ mùa hè Miệt Dưới Úc Châu.
Nguyễn Trung Tây
Alice Springs, Northern Territory,
Tháng Mười Một, 2010

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,307,615
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến